Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

TÀO PHƯƠNG TRUYỆN

 NGỤY THƯ QUYỂN 4 - Tam Thiếu Đế kỷ



Hình ảnh nhân vật Tào Phương trên phim.

TÀO PHƯƠNG TRUYỆN

Tề Vương là Phương, tự Lan Khanh. Minh Đế không có con, bèn nuôi Vương và Tần Vương là Tuân; việc trong cung kín đáo, chẳng ai biết là do ai sinh ra.


Ngụy thị Xuân thu chép: Có người nói là con của Nhâm Thành Vương là Khải.


Năm Thanh Long thứ ba, lập làm Tề Vương.


Năm Cảnh Sơ thứ ba, tháng giêng đầu ngày đinh hợi, Minh Đế bệnh nặng, bèn lập làm Hoàng thái tử. Hôm đó, lên ngôi Hoàng đế, đại xá. Tôn Hoàng hậu làm Hoàng thái hậu. Đại tướng quân Tào Sảng, Thái úy Tư Mã Tuyên Vương(1) phụ chính. Hạ chiếu nói: "Trẫm còn nhỏ dại, nối thay nghiệp lớn, đau buồn để tang, không coi được việc. Nay Đại tướng quân, Thái úy vâng theo chiếu lệnh, đến giúp đỡ trẫm, quan Tư đồ, Tư không, Trủng tể, Nguyên phụ thống lĩnh trăm quan để giữ yên xã tắc, các ngươi phải cùng công khanh đại phu dốc lòng dốc sức để nêu rõ ý trẫm. Còn các chỗ đang xây dựng cung điện, hạ chiếu sai đều bãi bỏ, những nô tì của quan lại từ sáu mươi tuổi trở lên đều được thả cho ra làm dân thường". Tháng hai, người Tây Vực đến dâng tặng vải chống lửa(2), hạ chiếu sai Đại tướng quân, Thái úy mặc thử để nêu rõ cho trăm quan.


Dị vật chí chép: Nước Tư Điệu có núi lửa tại giữa biển phía nam, trên ấy có lửa trên bãi, mùa xuân mùa hạ tự cháy, mùa thu mùa đông tự tắt. Có cây mọc ở giữa ấy mà không héo, vỏ cây vẫn tươi, vào mùa thu mùa đông lửa tắt thì đều khô héo. Tục người nước này thường vào mùa đông thì lấy vỏ cây ấy để làm vải, màu hơi xanh đen; nếu có bụi bẩn bám vào thì ngâm vào nước lại sạch đẹp vậy.


Phó Tử chép: Vào thời Hoàn Đế của nhà Hán, Đại tướng quân Lương Kí lấy vải chống lửa làm áo cộc, thường lúc hội tân khách, Kí giương tay tranh chén rượu, làm rơi chén mà làm bẩn áo, vờ giận, cởi áo ra nói: "Đốt nó đi". Áo bắt lửa, cháy sáng rừng rực như đốt áo thường, vết bẩn mất và lửa tắt, áo lại rực rỡ tươi sáng như than lửa đỏ vậy.


Sưu thần kí chép: Tại gò núi Côn Lôn có núi lửa cháy, trên núi có cây cỏ chim thú, đều sống trên lửa cháy, do đó có vải chống lửa, nếu không phải làm từ vỏ cây trên núi ấy thì cũng là từ lông của chim thú trên núi ấy vậy.


Trước đây vào thời nhà Hán, người Tây Vực tặng loại vải ấy, sau đó lâu ngày ngừng dứt, đến đầu thời nhà Ngụy, người thời ấy ngờ rằng không có loại vải ấy. Văn Đế cho rằng lửa cháy khốc liệt, không có vật gì sống nổi trong lửa, bèn viết bài luận nói rõ là không có việc ấy, gạt bỏ lời của bậc thức trí. Đến lúc Minh Đế lên ngôi, hạ chiếu cho Tam công nói: "Ngày xưa Tiên đế viết bài luận, lời văn đúng không sai, nay khắc lên bia đá ở ngoài cửa tông miếu và nhà Thái học, cùng đặt ngang với kinh khắc trên bia đá để mãi tỏ rõ cho người đời sau". Đến đây sứ giả Tây Vực đến mà tặng vải chống lửa ấy, do đó đục bỏ bài luận ấy, cho nên thiên hạ chê cười.


Thần là Tùng Chi trước đây đi về phía tây đến Lạc Dương, qua xem vật cũ, thấy bia đá khắc bài luận tại nhà Thái học vẫn còn, nhưng ở ngoài cửa tông miếu thì không có. Hỏi những người già, họ nói rằng vào lúc trước nhà Tấn nhận ngôi, liền dùng lại tông miếu của nhà Ngụy, dời bia đá ấy sang nhà Thái học, không phải là dựng bia đá ở hai nơi vậy. Trộm nghĩ lời văn trên bia đá là không đúng.


Lại có Thần dị kinh của Đông Phương Sóc chép: Tại ngoài cõi hoang miền nam có núi lửa, dài ba mươi dặm, rộng năm mươi dặm, trong ấy đều mọc cây không héo, ngày đêm lửa cháy, gặp gió lớn mà không bùng, gặp mưa to mà không tắt. Trong lửa có con chuột, nặng đến trăm cân, lông dài hơn hai thước, sợi lông nhỏ như tơ, dùng làm vải được. Loài ấy sống ở trong lửa, màu đỏ sẫm, lúc ra ngoài thì màu trắng, nếu lấy nước mà tưới lên thì chết ngay, vặt lông của nó, dệt để làm vải.


Ngày đinh sửu, hạ chiếu rằng: "Thái úy đạo đức ngay thẳng, dốc lòng trung suốt ba đời, phía nam bắt Mạnh Đạt, phía tây phá giặc Thục, phía đông diệt Công Tôn Uyên, công trùm cả nước. Ngày xưa Chu Thành Vương lập ra quan Bảo phó, gần đây nhà Hán tỏ rõ ân sủng cho Đặng Vũ, đấy là để đề cao bậc tuấn nghĩa, tất được tôn sùng vậy. Nay lấy Thái úy làm Thái phó, Trì tiết, lĩnh binh trông coi việc quân như cũ". Tháng ba, lấy Chinh đông Tướng quân Mãn Sủng làm Thái úy. Mùa hạ tháng sáu, đem quan dân huyện Đông Đạp quận Liêu Đông vượt biển đến định cư ở quận Tề, lấy huyện Tung Thành cũ lập thành huyện Tân Đạp để dân ấy ở. Mùa thu tháng bảy, vua bắt đầu lên triều, nghe các công khanh tấu việc. Tháng tám, đại xá. Mùa đông tháng mười, lấy Trấn nam Tướng quân Hoàng Quyền làm Xa kị Tướng quân. Tháng mười hai, hạ chiếu nói: "Liệt Tổ Minh Hoàng Đế vào tháng giêng rời bỏ thiên hạ, khiến cho bầy tôi mãi nghĩ nhớ ngày đau buồn ấy, nay dùng lại lịch của nhà Hạ; dẫu trái nghĩa thông lịch Tam thống(3) của Tiên đế, nhưng lễ chế ấy cũng thay đổi từ lịch cũ vậy. Lại nữa lịch nhà Hạ đối với lịch số lại đúng với số trời, nay lấy tháng kiến dần làm tháng giêng năm Chính Thủy thứ nhất, lấy tháng kiến sửu làm tháng mười hai sau cùng".


Năm Chính Thủy thứ nhất, mùa xuân tháng hai ngày ất sửu, bái Thị trung Trung thư giám Lưu Phóng, Thị trung Trung thư lệnh Tôn Tư làm Tả, Hữu Quang lộc Đại phu. Ngày bính tuất, đem dân của huyện Vấn, huyện Bắc Phong của quận Liêu Đông vượt biển chuyển đến các huyện Xương Quốc, Lâm Truy, Tây An của quận Tề, lập các huyện Tân Vấn, Nam Phong để dân ấy ở đấy.


Từ mùa đông tháng mười hai năm ngoái đến tháng này không mưa. Ngày bính dần, hạ chiếu sai quan coi ngục gấp xét xử công bằng cho người bị oan uổng, phải cẩn thận xem xét, các công khanh quan lại nói lời thẳng dâng mưu hay, phải dốc hết lòng. Mùa hạ tháng tư, Xa kị Tướng quân Hoàng Quyền hoăng. Mùa thu tháng bảy, hạ chiếu nói: "Kinh Dịch chép: 'Tổn trên ích dưới, giảm bớt ham muốn thì không tốn tiền của, không gây hại dân chúng'. Ngày nay trăm họ không no đủ mà phủ quan lại có nhiều vàng bạc vật lạ, dùng để làm gì? Nay đem năm mươi loại, hơn một nghìn tám trăm cân vàng bạc vật ấy ra hủy đúc để làm các đồ dùng cho quân sĩ". Tháng tám, xa giá đi coi xét vụ trồng lúa ở Lạc Dương, đều ban phu cày trồng khỏe mạnh cho người cao tuổi.


Năm thứ hai, mùa xuân tháng hai, Đế vừa học thông Luận ngữ, sai quan Thái thường đem cỗ thái lao tế Khổng Tử ở miếu Tích Ung, tế phối cùng Nhan Uyên. Mùa hạ tháng năm, tướng Ngô là bọn Chu Nhiên vây Phàn Thành quận Tương Dương, Thái phó Tư Mã Tuyên Vương đem quân chống chúng.


Tấn kỉ của Can Bảo chép: Tướng Ngô là Toàn Tông cướp Thược Bi, Chu Nhiên, Tôn Luân đem năm vạn quân vây Phàn Thành, Gia Cát Cẩn, Bộ Chất cướp Tổ Trung; Tông đã thua chạy nhưng Phàn Thành bị vây gấp. Tuyên Vương nói: "Mười vạn dân chúng ở Tổ Trung cách tại phía nam sông, xao động không có chủ, Phàn Thành lại bị đánh, nhiều tháng không giải được vây, đấy là việc nguy gấp vậy, xin tự đánh cứu". Người bàn đều nói: "Giặc từ xa đến vây Phàn Thành mà không phá được, bị đè ở dưới thành vững, có cái thế tự vỡ, nên dùng kế lâu dài mà ngăn giặc". Tuyên Vương nói: "Sách binh pháp có nói: 'Có sức mà chỉ ngăn giữ địch, đấy là tự trói buộc mình; không có sức mà ngăn giữ địch, đấy là tự làm úp lật mình'. Nay bờ cõi dao động, lòng dân nghi hoặc, đấy là nỗi lo lớn của xã tắc vậy". Tháng sáu, đem các quân đánh miền nam, nhà vua đi xe ra tiễn ở ngoài cửa thành Tân Dương. Tuyên Vương cho rằng miền nam nóng ẩm, không nên giữ lâu, sai quân kị nhẹ dụ địch, nhưng không đánh bừa. Do đó lại sai các quân nghỉ ngơi tắm rửa, chọn kẻ khỏe mạnh, buổi đêm đi trước, tự thân rõ hiệu lệnh, tỏ ý dốc hết sức đánh. Bọn Nhiên nghe tin, bèn buổi đêm chạy trốn. Đuổi đến cửa Tam Châu, bắt giết rất nhiều.


Tháng sáu ngày tân sửu, rút quân. Ngày kỉ mão, lấy Chinh đông Tướng quân Vương Lăng làm Xa kị Tướng quân. Mùa đông tháng mười hai, quận Nam An động đất.


Năm thứ tư, mùa xuân tháng giêng, đế ban áo rộng cho bầy tôi theo cấp bậc. Mùa hạ tháng tư ngày ất mão, lập Hoàng hậu Chân thị, đại xá. Đầu tháng năm, Mặt trời có chỗ khuyết(4) trong chốc lát. Mùa thu tháng bảy, hạ chiếu cúng tế các vị Đại tư mã Tào Chân, Tào Hưu, Chinh nam Đại tướng quân Hạ Hầu Thượng, Thái thường Hoàn Giai, Tư không Trần Quần, Thái phó Chung Do, Xa kị Tướng quân Trương Cáp, Tả tướng quân Từ Hoảng, Tiền tướng quân Trương Liêu, Hữu tướng quân Nhạc Tiến, Thái úy Hoa Hâm, Tư đồ Vương Lang, Phiếu kị Tướng quân Tào Hồng, Chinh tây Tướng quân Hạ Hầu Uyên, Hậu tướng quân Chu Linh, Văn Sính, Chấp kim ngô Tang Bá, Phá lỗ Tướng quân Lí Điển, Lập nghĩa Tướng quân Bàng Đức, Vũ mãnh Hiệu úy Điển Vi ở miếu đình Thái Tổ. Mùa đông tháng mười hai, nữ vương của nước Oa là Tỉ Di Hô sai sứ dâng tặng.


Năm thứ năm, mùa xuân tháng hai, hạ chiếu sai Đại tướng quân Tào Sảng đem quân đánh Thục. Mùa hạ đầu tháng tư, Mặt trời có chỗ khuyết. Tháng năm ngày quý tị, giảng kinh Thượng thư thuộc xong, sai quan Thái thường lấy đồ thái lao tế Khổng Tử ở miếu Tích Ung, tế cùng Nhan Uyên; ban sách Đại truyện cho Đại tướng quân và người hầu giảng theo cấp bậc. Ngày bính ngọ, Đại tướng quân Tào Sảng dẫn quân về. Mùa thu tháng tám, Tần Vương là Tuân hoăng. Tháng chín, người Tiên Ti xin nội thuộc, đặt Liêu Đông thuộc quốc, lập huyện Xương Lê để người Tiên Ti ở đấy. Mùa đông tháng mười một ngày quý mão, hạ chiếu cúng tế Thượng thư Tuân Du ngày trước ở miếu đình Thái Tổ.


Thần là Tùng Chi cho rằng: Lúc trước nhà Ngụy cúng tế mà không màng đến Tuân Úc, có lẽ là những năm cuối của người này có người bàn khác, lại vì chức vị không phải là đại thần của nhà Ngụy vậy. Đến như đề cao Trình Dục mà hạ thấp Quách Gia, đặt Chung Do trước mà sắp Tuân Du sau thì chưa rõ cái ý ấy. Từ Tha mưu phản thì Hứa Chử cảnh giác, rất là trung thành sánh với Nhật Đê thời xưa, vả lại ở trận Đồng Quan, nếu không có Chử giúp thì không thắng được, công lao của Chử hơn cả Điển Vi, nay tế Vi mà không màng đến Chử, đấy lại có chỗ chưa đạt vậy.


Ngày kỉ dậu, đặt lại nước Tần thành quận Kinh Triệu. Tháng mười hai, Tư không Thôi Lâm hoăng.


Năm thứ sáu, mùa xuân tháng hai ngày đinh mão, quận Nam An động đất. Ngày bính tí, lấy Phiếu kị Tướng quân Triệu Nghiễm làm Tư không; mùa hạ tháng sáu, Nghiễm hoăng. Tháng sáu ngày đinh mão, lấy Thái thường Cao Nhu làm Tư không. Ngày quý tị, lấy Tả quang lộc Đại phu Lưu Phóng làm Phiếu kị Tướng quân, Hữu quang lộc Đại phu Tôn Tư làm Vệ tướng quân. Mùa đông tháng mười một, hợp tế ở miếu Thái Tổ, bắt đầu tế mười một tôi thần giúp vua mà ngày trước bàn luận. Tháng mười hai ngày tân mão, hạ chiếu sai các bậc học giả học thử Dịch truyện mà quan Tư đồ Vương Lang ngày trước soạn. Ngày ất hợi, hạ chiếu nói: "Hôm sau hội họp bầy tôi, cho quan Thái phó được ngồi kiệu lên điện".


Năm thứ bảy, mùa xuân tháng hai, U Châu Thứ sử Quán Khâu Kiệm đánh nước Cao Câu Li. Mùa hạ tháng năm, đánh rợ Uế, Mạch, đều phá chúng, mấy chục nước rợ Hàn, Na Khê đều đem bộ lạc xin hàng. Mùa thu tháng tám ngày mậu thân, hạ chiếu nói: "Ta đến chợ thấy những kẻ bị bán làm nô tì cho quan lại, đều bảy mươi tuổi, có kẻ bị bệnh tật tàn tụy, đấy gọi là nỗi khổ cực của dân thường vậy. Lại nữa quan lại thấy họ sức kiệt mà bán họ lần nữa, tiến lùi chẳng được, nay sai hết về làm dân thường. Nếu có kẻ không tự mưu sống được thì quận huyện phải cấp phát cho họ".


Thần là Tùng Chi xét: Đế vừa lên ngôi, có chiếu rằng: "Những nô tì của quan lại từ sáu mươi tuổi trở lên đều được thả cho ra làm dân thường". Đã có chiếu ấy, thì nên theo phép thường. Trong khoảng bảy, tám mươi tuổi mà lại bán kẻ bảy mươi tuổi, vả lại những nô tì bảy mươi tuổi cùng người ốm yếu bệnh tật, đều không phải là người nên bán, vậy mà vẫn bán ở chợ, đấy đều là việc khó giải thích.


Ngày kỉ dậu, hạ chiếu nói: "Ta đáng đến ngày mười chín sẽ tự đi cúng tế, nhưng buổi chiều đi ra đã thấy đang sửa đường, gặp mưa mà vẫn sửa, lại sai dân phu làm. Ta thường nghĩ trăm họ sức ít mà làm nhiều, ngày đêm lo lắng. Đường đi chỉ nên hẹn lúc mà sửa thông, vậy mà ta nghe nói lại sai bắt cả già trẻ đi làm, làm việc nhiều lắm, vất vả lưu li, dẫn đến than oán. Ta há ngồi yên trên xe mà đi cúng tế ở tông miếu được chăng? Từ nay về sau, xét rõ đổi việc này". Tháng mười hai mùa đông, giảng Lễ kí xong, sai quan Thái thường lấy đồ thái lao tế Khổng Tử ở miếu Tích Ung, tế cùng Nhan Uyên.


Hán Tấn xuân thu của Tập Tạc Xỉ chép: Năm đó, tướng Ngô là Chu Nhiên vào Tổ Trung, bắt chém mấy nghìn người; hơn vạn nhà quan dân ở Tổ Trung vượt sông Miện. Tư Mã Tuyên Vương bảo Tào Sảng rằng: "Nếu sai quân về, giặc tất lại đến cướp, nên giữ quân ở lại". Sảng nói: "Nay không lo giữ mé nam sông Miện mà chỉ giữ dân ở lại mé bắc sông Miện, đấy không phải là kế hay vậy". Tuyên Vương nói: "Không đúng. Vật gì hễ đặt ở chỗ yên thì được yên, đặt ở chỗ nguy thì nguy, cho nên sách binh pháp nói: 'Thành bại là do hình đất, an nguy là thế đất, hình thế đất là cái cốt yếu để phòng giữ, không thể không xét kĩ'. Nếu để cho hai vạn quân giặc chắn ngang sông Miện, hai vạn quân chống nhau với các quân ta ở phía nam sông Miện, một vạn quân lại đi cướp Tổ Trung thì quân sẽ làm gì để cứu"? Sảng không nghe, bèn sai về. Sau đó Nhiên đánh úp phá chỗ ấy. Viên Hoài nói với Sảng rằng: "Dân miền Ngô Sở yếu kém lại ít sức, bậc anh tài hiền năng không sinh ra ở chỗ ấy, sánh về sức thì không đủ để chống nhau với người Trung Quốc, nhưng từ đời trước đến nay vẫn thường gây hại cho Trung Quốc, đại khái là lấy Giang Hán làm ao, lấy thuyền chèo làm vũ khí, thấy lợi thì lên bộ cướp bóc, không lợi thì vào sông, đánh chúng thì đường xa, do đó Trung Quốc nhiều đời không đánh được họ vậy. Tôn Quyền từ mấy chục năm trước đến nay thường đánh cướp mé bắc sông Giang, luyện tập quân giáp, sửa sang phòng bị, nhiều lần ra đánh lén, dám đi xa khỏi sông, đến nơi đất bằng, đấy là điều mà người Trung Quốc từng nghe thấy vậy. Người dùng binh quý ở việc quân no chống quân đói, lấy quân nhàn thắng quân mỏi, đem quân không muốn đánh lâu, đi không muốn đến nơi xa, giữ thì chọn nơi vững, gắng sức thì thích mạnh. Ngày nay nên bỏ miền sông Hoài, sông Hán về phía nam, rút lui mà tránh giặc. Nếu giặc vào được miền giữa, đến lấn biên giới thì theo điểm yếu của chúng mà dùng điểm mạnh của người Trung Quốc mà đánh vậy. Nếu giặc không dám đến thì biên giới được yên, không có nỗi lo bị cướp phá vậy. Khiến cho nước giàu quân mạnh, lòng người hợp nhất thì đánh được nước giặc không còn xa nữa vậy. Nay thành Tương Dương lẻ loi ở phía nam sông Hán, nếu giặc men sông Hán mà đi lên thì ta chặn ngang mà làm cho đường lối chẳng thông, lúc ấy một trận là thắng, không cần đánh mà giặc tự chịu phục, cho nên đặt quân ở đấy thì không ích cho nước, bỏ chỗ ấy cũng không bị lấn. Từ quận Giang Hạ về phía đông, các quận miền Hoài Nam, từ thời ba vị Tiên đế đến nay, có khi nào bỏ chỗ ấy mà khiến cho giặc dễ đến gần bờ cõi để cướp bóc chăng? Nếu dời dân về miền Hoài Bắc, rời xa chỗ ấy thì dân chúng an vui, há bị kinh sợ sao"? Rút cuộc không dời.


Năm thứ tám, mùa xuân đầu tháng hai, Mặt trời có chỗ khuyết. Mùa hạ tháng năm, chia mười huyện phía bắc sông Phần của quận Hà Đông lập ra quận Bình Dương. Mùa thu tháng bảy, Thượng thư Hà Yến tấu rằng: "Người giỏi trị nước tất   phải tu thân mình trước, người tu thân phải cẩn thận hành động. Hành động đúng thì thân mình đúng, thân mình đúng thì không sai khiến thì kẻ dưới tự làm đúng; hành động không đúng thì thân mình không đúng, thân mình không đúng thì dẫu sai khiến thù kẻ dưới cũng không theo. Cho nên làm bậc quân tử, làm việc với người tất phải chọn người đúng đắn, coi xét phải nhìn rõ sự việc, bỏ tiếng nhạc dâm dật mà không nghe, xa kẻ nịnh nọt mà chẳng gần, do đó lòng ác không sinh thì đạo chính mới được mở rộng vậy. Vua kém thời suy, không biết lợi hại, rời xa quân tử, gần gũi tiểu nhân, trung thần bỏ đi, kẻ ác theo gần, loạn sinh nơi gần, như chuột trong vách; xét rõ sáng tối, lẽ ấy đúng đắn, cho nên bậc thánh hiền lắm lời cho là nỗi lo lớn nhất. Thuấn răn Vũ nói: 'Gần lắm, gần lắm'!, ý nói cẩn thận chọn kẻ gần gũi vậy. Chu Công răn Thành Vương rằng: 'Bạn sao, bạn sao'?, ý nói cận thận kết bạn với nhau vậy. Kinh Thi chép: 'Một người có vui, triệu dân được nhờ'. Cho nên từ nay về sau, những người chầu hầu ở điện lớn và dạo chơi nơi vườn sau đều là đại thần đi theo, nên nhân lúc ăn chơi mà xem nghĩ lời lẽ, xét hỏi chính trị, giảng dạy kinh nghĩa, làm phép tắc cho muôn đời". Mùa đông tháng mười hai, Tán kị Thường thị Gián nghị Đại phu Khổng Nghệ tấu rằng: "Lễ như cung điện của Thiên tử, có cái phép tắc phải mài giũa, không nên tô trát màu mè, do đó nên noi theo lễ xưa. Nay thiên hạ đã yên, vua tôi phận rõ, Bệ hạ không nên lười nhác, nên tỏ lòng công bằng, xét rõ thưởng phạt để sai khiến trăm quan. Nên cắt bỏ việc cưỡi ngựa ở nơi vườn sau, ra ngoài phải ngồi kiệu cưỡi xe, đấy là cái phúc của thiên hạ, cũng là lòng mong mỏi của tôi thần vậy". Yến, Nghệ đều vì chính trị thiếu sót nên dâng tấu can gián.


Năm thứ chín, mùa xuân tháng hai, bái chức Vệ tướng quân cho Trung thư lệnh Tôn Tư; ngày quý tị, bái chức Phiếu kị Tướng quân cho Trung thư giám Lưu Phóng. Tháng ba ngày giáp ngọ, bọn Tư đồ Vệ Trăn đều từ chức, ban tước Hầu cho về nhà, bái vị Đặc tiến. Tháng tư, lấy Tư không Cao Nhu làm Tư đồ, lấy Quang lộc Đại phu Từ Mạc làm Tư không, đều cố từ không nhận. Mùa thu tháng chín, lấy Xa kị Tướng quân Vương Lăng làm Tư không. Mùa đông tháng mười, gió lớn nhổ cây xốc nhà.


Năm Gia Bình thứ nhất, mùa xuân tháng giêng ngày giáp ngọ, xa giá đến lăng Cao Bình.


Ngụy thế phả của Tôn Thịnh chép: Lăng Cao Bình tại núi Đại Thạch phía nam sông Lạc, cách thành Lạc Dương chín mươi dặm.


Thái phó Tư Mã Tuyên Vương tấu xin bãi chức Đại tướng quân Tào Sảng, em Sảng là Trung lĩnh quân Hi, Vũ vệ tướng quân Huấn, Tán kị Thường thị Ngạn, ban tước Hầu cho về nhà. Ngày mậu tuất, quan coi việc tấu xin bắt Hoàng môn Trương Đương giao cho sở quan Đình úy, xét thật lời khai, vì cùng mưu với Sảng lại không theo phép tắc. Lại nữa bọn Thượng thư Đinh Mật, Đặng Dương, Hà Yến, Tư lệ Hiệu úy Tất Chấp, Kinh Châu Thứ sử Lí Thắng, Đại tư nông Hoàn Phạm đều mưu gian qua lại với Sảng, giết ba họ. Chép tại Tào Sảng truyện. Ngày mậu ngọ, đại xá. Ngày đinh mùi, lấy Thái phó Tư Mã Tuyên Vương làm Thừa tướng, cố từ lại thôi.


Hán Ngụy xuân thu của Khổng Diễn chép: Hạ chiếu sai Thái thường Vương Túc lệnh bái Thái phó làm Thừa tướng, tăng ấp vạn hộ, bầy tôi tấu việc không được xưng tên, nên theo việc cũ của Hoắc Quang. Thái phó dâng thư từ chối rằng: "Thần vâng mệnh gửi gắm, lo nghĩ chức nặng, cậy nhờ oai trời, bẻ gãy hung gian, chuộc tội là may, công không đáng bàn. Lại nữa Tam công là bậc mà vua thánh xưa lập ra, chép rõ ở lễ thường. Đến như quan Thừa tướng, bắt đầu từ thời Tần Chính, nhà Hán noi theo, chẳng đổi thay nữa. Nay vị Tam công đều đủ, nếu bái cho sủng thần là trái với phép cũ, đổi phép tắc của bậc thánh nhân, noi theo con đường của nhà Tần nhà Hán. Dẫu ở người khác, thần cũng phải đúng đắn, huống chi thần ngay nay lại không cố tranh giành, người bàn khắp bốn phương sẽ nói thần thế nào"!


Gửi thư lên hơn mười lần, bèn hạ chiếu thôi, lại ban lễ cửu tích. Thái phó lại nói: "Thái Tổ có đức cao công to, được nhà Hán coi trọng, cho nên ban lễ cửu tích, đấy là việc lạ qua các đời, không phải là điều mà vua tôi đời sau nên bàn vậy". Lại cố từ không nhận.


Mùa hạ tháng tư ngày ất sửu, đổi niên hiệu. Ngày bính tí, Thái úy Tưởng Tế hoăng. Mùa đông tháng mười hai ngày tân mão, lấy Tư không Vương Lăng làm Thái úy. Ngày canh tí, lấy Tư lệ Hiệu úy Tôn Lễ làm Tư Không.


Năm thứ hai, mùa hạ tháng năm, lấy Chinh tây Tướng quân Quách Hoài làm Xa kị Tướng quân. Mùa đông tháng mười, lấy Đặc tiến Tôn Tư làm Phiếu kị Tướng quân. Tháng mười một, Tư không Tôn Lễ hoăng. Tháng mười hai ngày giáp thìn, Đông Hải Vương là Lâm hoăng. Ngày ất mùi, Chinh nam Tướng quân Vương Sưởng vượt sông Giang, đánh úp quân Ngô, phá chúng.


Năm thứ ba, mùa xuân tháng giêng, Kinh Châu Thứ sử Vương Cơ, Tân Thành Thái thú Trần Thái đánh quân Ngô, phá chúng, bắt hàng mấy nghìn người. Tháng hai, đặt huyện Di Lăng thuộc Nam Quận để đưa người hàng phục đến ở. Tháng ba, lấy Thượng thư lệnh Tư Mã Phu làm Tư không. Tháng tư ngày giáp thân, lấy Chinh nam Tướng quân Vương Sưởng làm Chinh nam Đại tướng quân. Ngày nhâm thìn, đại xá. Ngày mậu ngọ, nghe tin Thái úy Vương Lăng mưu phế Đế, muốn lập Sở Vương là Bưu, Thái phó Tư Mã Tuyên Vương bèn sang đông đánh Lăng. Tháng năm ngày giáp dần, Lăng tự sát. Tháng sáu, ban Bưu tự sát. Mùa thu tháng bảy ngày nhâm tuất, Hoàng hậu Chân thị băng. Ngày tân mùi, lấy Tư không Tư Mã Phu làm Thái úy. Ngày mậu dần, Thái úy Tư Mã Tuyên Vương hoăng, lấy Vệ tướng quân Tư Mã Cảnh Vương(5) làm Phủ quân Đại tướng quân, Lục thượng thư sự. Ngày ất mùi, táng Hoài Chân hậu ở lăng Thái Thanh. Ngày canh tí, Phiếu kị Tướng quân Tôn Tư hoăng. Tháng mười một, quan coi việc tấu xin các công thần cúng tế ở miếu Thái Tổ, lại theo cấp bậc, Thái phó Tư Mã Tuyên Vương tước cao, ở hàng nhất. Tháng mười hai, lấy Quang lộc huân Trịnh Xung làm Tư không.


Năm thứ tư, mùa xuân tháng giêng ngày quý mão, lấy Phủ quân Đại tướng quân Tư Mã Cảnh Vương làm Đại tướng quân làm Đại tướng quân. Tháng hai, lập Hoàng hậu Trương thị, đại xá. Mùa hạ tháng năm, thấy hai con cá ở trên kho vũ khí. 


Hán Tấn xuân thu chép: Lúc trước, Tôn Quyền đắp đê Đông Hưng để ngăn nước hồ Sào. Sau đó đánh miền Hoài Nam, đê vỡ không sửa lại. Năm đó Gia Cát Khác đem quân đến bờ phải trái trên đê đắp ụ, hai bên đắp hai tòa thành, sai Toàn Đoan, Lưu Lược giữ thành rồi dẫn quân về. Gia Cát Đản nói với Tư Mã Cảnh Vương rằng: "Dẫn dắt người mà không để cho người dẫn dắt, đấy là nói về bên ấy vậy. Nay nhân lúc bên ấy có rối loạn ở trong, sai Văn Thư đến gần Giang Lăng, sai Trọng Cung hướng đến Vũ Xương để ngăn giữ dòng trên của nước Ngô, sau đó chọn quân khỏe đánh hai thành, bên ấy tất đến cứu, lúc ấy mới đánh bắt lớn được". Cảnh Vương nghe theo.


Mùa đông tháng mười một, hạ chiếu sai bọn Chinh nam Đại tướng quân Vương Sưởng, Chinh đông Tướng quân Hồ Tuân, Trấn nam Tướng quân Quán Khâu Kiệm đánh quân Ngô. Tháng mười hai, Đại tướng quân của nước Ngô là Gia Cát Khác đánh chống, đại phá quân ấy ở Đông Quan. Không lợi mà về.


Hán Tấn Xuân thu chép: Quán Khâu Kiệm, Vương Sưởng nghe tin quân phía đông thua, đều đốt trại mà chạy. Triều đình bàn muốn bãi giáng các tướng, Cảnh Vương nói: "Ta không nghe lời Công Hưu mới dẫn đến thế. Đấy là lỗi của ta vậy, các tướng tội gì"? Đều tha cho. Bấy giờ Tư Mã Văn Vương làm Giám quân, lĩnh các quân, chỉ giảm tước của Văn Vương mà thôi. Năm đó, Ung Châu Thứ sử Trần Thái xin sai quan dân Tinh Châu dốc sức đánh rợ Hồ, Cảnh Vương nghe theo. Chưa tụ quân mà người hai quận Nhạn Môn, Tân Hưng cho rằng sắp đi đánh xa, bèn lo sợ mà làm phản. Cảnh Vương lại tạ lỗi triều đình rằng: "Là lỗi của ta, không phải tội của Huyền Bá"! Do đó người Ngụy vừa mừng vừa thẹn, mọi người nghĩ lời đáp ấy.


Tập Tạc Xỉ nói: "Tư Mã Đại tướng quân đổ lỗi thua hai trận cho mình, vậy mà xóa lỗi lại nghiệp vững, có thể nói là có trí vậy. Khiến cho dân quên trận thua ấy lại cúi nghĩ lời đáp, dẫu muốn không theo mà làm được sao? Nếu mà giấu thua khen công, đổ lỗi cho mọi người, thường nắm công lao về mình mà giấu lỗi sai thì trên dưới mất lòng, hiền ngu chán nản, lúc ấy Sở lại thua mà Tấn lại thắng vậy, lỗi càng nhiều vậy! Người làm chủ dân, nếu theo cái lí ấy mà trị nước thì triều đình không có yếu kém, thân mình chẳng mang xấu, dẫu công mất nhưng vẫn nổi danh, quân thua mà vẫn thắng trận, dẫu trăm trận thua mà vẫn đứng vững. Huống chi là nặng hơn"!


Năm thứ năm, mùa hạ tháng tư, đại xá. Tháng năm, Thái phó của nước Ngô là Gia Cát Khác vây huyện Tân Thành quận Hợp Phì, hạ chiếu sai Thái úy Tư Mã Phu chống lại.


Hán Tấn xuân thu chép: Bấy giờ Khương Duy cũng ra vây huyện Địch Đạo. Tư Mã Cảnh Vương hỏi Ngu Tùng rằng: "Nay đông tây có việc, hai miền đều gấp, mà ý các tướng ngăn chặn, làm thế nào"? Tùng nói: "Ngày xưa Chu Á Phu giữ vững ở Xương Ấp mà quân Ngô Sở tự vỡ, việc có thế yếu mà mạnh, hoặc có thế mạnh mà yếu, không thể không xét kĩ. Nay Khác đem hết quân mạnh đi, đủ để gây ác, lại đóng giữ ở Tân Thành là muốn đánh một trận mà thôi. Nếu đánh thành không được, dụ đánh chẳng xong, quân sĩ mỏi mệt, thế tất tự chạy, lúc ấy các tướng không cần đi thẳng, đấy là cái lợi của ngài vậy. Khương Duy có quân mạnh mà cũng chỉ giữ quân ứng theo Khác, đang mong ăn lúa mạch của nước ta, không phải là giặc có cái rễ sâu vậy. Vả lại nếu ta dốc sức ở phía đông thì phía tây tất để trống, cho nên đến thẳng chỗ ấy hơn. Nay nếu sai quân miền Quan Trung đi gấp mà đến, ra chỗ không ngờ thì giặc phải chạy vậy". Cảnh Vương nói: "Hay"! Bèn sai Quách Hoài, Trần Thái đem hết quân miền Quan Trung đến giải vây huyện Địch Đạo; lệnh bọn Quán Khâu Kiệm ém quân tự giữ, bỏ Tân Thành cho quân Ngô. Khương Duy nghe tin Hoài đem quân đến, lương quân mình thiếu, bèn rút về đóng ở quận Lũng Tây.


Mùa thu tháng bảy, Khác rút về.


Bấy giờ Trương Đặc giữ Tân Thành.


Ngụy lược chép: Đặc tự Tử Sản, người Trác Quận. Lúc đầu làm Nha môn tướng, theo giúp Trấn đông Tướng quân Gia Cát Đản, Đản không cho là tài vậy, muốn sai về làm Hộ quân. Gặp lúc Quán Khâu Kiệm đánh Đản, bèn sai Đặc đóng giữ huyện Tân Thành quận Hợp Phì. Đến lúc Gia Cát Khác vây thành, Đặc cùng bọn Tướng quân Nhạc Phương lĩnh ba quân có ba nghìn người, quan binh bệnh tật và bị chết quá nửa, mà Khác đắp ụ đất đánh gấp, thành sắp vỡ, khó giữ được. Đặc bèn bảo quân Ngô rằng: "Nay ta chẳng còn lòng dạ đánh nữa rồi. Nhưng theo phép tắc của quân Ngụy thì bị đánh hơn trăm ngày mà không có quân đến cứu, dẫu hàng, người nhà không bị tội vậy. Từ khi gặp địch đến nay, đã hơn chín mươi ngày rồi. Trong thành này vốn có hơn bốn nghìn người, mà kẻ chết trận đã qua nửa, thành dẫu vỡ nhưng còn có nửa không muốn hàng. Ta sẽ về bảo với chúng, kể tên chia kẻ thiện ác, sáng hôm sau sẽ đem tên đến, ta lại đem ấn thao để làm tin". Bèn ném ấn thao của mình cho quân Ngô. Quân Ngô nghe lời mà không dám nhận ấn thao. Cũng chẳng đánh. Chốc lát, Đặc về, bèn buổi đêm lấy gỗ ván trong nhà để vá sửa các chỗ thiếu trên thành làm hai lớp. Hôm sau, bảo quân Ngô rằng: "Ta chỉ còn cách liều chết mà đánh thôi"! Quân Ngô cả giận, vào đánh thành, không hạ được, bèn dẫn về. Triều đình khen công, bái thêm chức Tạp hiệu Tướng quân, phong Liệt hầu, lại chuyển làm An Phong Thái thú.


Tháng tám, hạ chiếu nói: "Trung lang tướng người quận Tây Bình là Quách Tu trước kia, giữ tiết tỏ đức, dốc lòng không đổi. Lúc đầu tướng Thục là Khương Duy cướp chiếm quận Tây Bình, thân bị bắt giữ. Năm ngoái Đại tướng quân Phí Y của giặc xua lĩnh quân sĩ, ngầm mưu đánh phá, đi qua Hán Thọ, mời gọi tân khách, Tu ở trong hội cầm đao đâm Y, dũng hơn Nhiếp Chính(6), công quá Giới Tử(7), có thể nói là diệt thân lập nhân, bỏ sống lấy nghĩa vậy. Do đó truy tặng ban sủng để nêu rõ lòng trung nghĩa, ban lộc cho dòng dõi, cũng để khuyến khích mai sau. Nay truy phong Tu làm Trường Lạc Hương Hầu, thực ấp nghìn hộ, thụy là Uy Hầu, con được nối tước, bái thêm chức Phụng xa Đô úy, ban nghìn nén bạc, nghìn thất gấm để tỏ rõ ân sủng, truyền mãi cho đời sau".


Ngụy thị xuân thu chép: Tu tự Hiếu Tiên, vốn có đức hạnh, nổi danh miền tây. Khương Duy bắt được Tu, Tu chẳng chịu phục. Lưu Thiện lấy làm Tả tướng quân, Tu muốn đâm Thiện nhưng không được ở gần gũi, thường nhân lúc chúc mừng mà đến bái chầu, bị tả hữu của Thiền ngăn cấm, việc bèn chẳng xong, cho nên chỉ giết được Y vậy.


Thần là Tùng Chi cho rằng: Những kẻ bỏ mạng sống mà giữ tiếng nghĩa tất phải có lí vậy. Có kẻ cảm ân nhớ đức, bỏ mạng chẳng tiếc, có kẻ vì mưu lợi hại mà gắng sức để hẹn ứng. Vậy mà chiếu này khen như Nhiếp Chính, Giới Tử, e rằng chẳng giống, chỉ là làm điều xằng bậy mà thôi. Nhà Ngụy đối với nước Thục, dẫu là nước địch nhưng không có mối thù Triệu Tương Tử giết Trí Bá, không có mối nguy của Yên Đan; vả lại Lưu Thiện là vua tầm thường, Phí Y là Tướng quốc bậc trung, sự còn mất của hai người kia vốn chẳng quan hệ đến sự hưng vong. Quách Tu tại nước Ngụy là đàn ông của miền tây, lúc đầu bị quân Thục bắt, đã không thể giữ tiết không chịu nhục, lại với nhà Ngụy chẳng có cái trách nhiệm bổng lộc, không phải gặp thời được vua sai khiến, cũng chẳng có cớ gì mà bỏ thân vì người khác. Về nghĩa chẳng đáng khen, về công cũng chẳng có, đấy là: "Bẻ cành liễu mà rào vườn rau", cho là xằng bậy để nói về việc này vậy.


Từ khi Đế lên ngôi cho đến năm đó, quận, quốc, huyện, ấp phần nhiều giảm bỏ, chốc lát lập lại, tính ra không thể kể hết.


Năm thứ sáu, mùa xuân tháng hai ngày kỉ sửu, Trấn đông Tướng quân Quán Khâu Kiệm dâng thư nói: "Ngày trước Gia Cát Khác vây huyện Tân Thành quận Hợp Phì, trong thành sai tên quân là Lưu Chỉnh ra thành truyền tin tức, bị giặc bắt được, xét hỏi tin truyền, bảo Chỉnh rằng: 'Gia Cát Công muốn giúp mi, mi nên nói rõ'. Chỉnh mắng rằng: 'Chó chết, thế đáng tin sao! Ta nếu chết tất làm quỷ của nước Ngụy, không cần cứu sống, đuổi cút mi đi vậy. Nếu muốn giết ta thì nhanh giết đi'. Rút cuộc chẳng nói lời khác. Lại sai tên quân là Trịnh Tượng ra thành truyền tin tức, có kẻ bảo với Khác, Khác sai quân kị men theo dấu vết, bèn bắt được Tượng đem về. Bốn, năm người trói đầu Tượng lại, đem ra ngoài thành, sai bảo Tương hô lớn rằng: 'Đại quân đã về Lạc Dương, không bằng sớm hàng'. Tượng không theo lời ấy, lại hô lớn hướng vào trong thành rằng: "Đại quân ở gần ngoài vòng vây, tráng sĩ gắng sức'! Giặc lấy dao đâm miệng Tượng, khiến chẳng nói được, Tượng bèn hô lớn, khiến cho người trong thành nghe biết. Chỉnh, Tượng là tên quân mà giữ nghĩa lập tiết được như thế, con em nên được ban thưởng". Hạ chiếu nói: "Ban tước cao để nêu rõ khen công to, thưởng lớn để sủng ái tráng sĩ. Chỉnh, Tượng vâng mệnh thông sứ, qua vòng vây kín, xông vào đao nhọn, quên thân giữ tín, không may bị bắt, vẫn giữ chí cứng cỏi, nêu rõ thế lớn của sáu quân, làm yên lòng quân giữ thành, gặp nạn chẳng sợ, dốc lòng truyền lệnh. Ngày xưa giải Dương bắt Sở(8), dẫu chết chẳng đổi lòng, Lộ Trung đại phu của nước Tề(9) lấy cái chết để thành nghiệp, ngày nay Chỉnh, Tượng, không đáng khen sao? Nay truy tặng Chỉnh, Tượng tước Quan nội hầu, đều bỏ làm lính, sai con nối tước như việc bộ khúc chết thì lo liệu".


Ngày canh tuất, bọn Trung thư lệnh Lí Phong cùng cha của Hoàng hậu là Quang lộc Đại phu Trương Tập mưu phế đổi đại thần, muốn lấy Thái thường Hạ Hầu Huyền làm Đại tướng quân. Việc lộ, những người liên quan đều bị kể tội giết. Ngày tân hợi, đại xá. Tháng ba, phế Hoàng hậu Trương thị. Mùa hạ tháng tư, lập Hoàng hậu Vương thị, đại xá. Tháng năm, phong cha của Hoàng hậu là Phụng xa Đô úy Vương Quỳ làm Quảng Minh Hương Hầu, bái Quang lộc Đại phu, vị Đặc tiến, phong vợ là Điền thị làm Tuyên Dương Hương Quân. Mùa thu tháng chín, Đại tướng quân Tư Mã Cảnh Vương mưu muốn phế Đế, báo cho Hoàng thái hậu.


Thế ngữ và Ngụy thị xuân thu đều chép: Mùa thu ấy, Khương Duy cướp miền Lũng Hữu. Bấy giờ An đông Tướng quân Tư Mã Văn Vương(10) giữ ở Hứa Xương, gọi về đánh Duy, đến kinh sư, Đế ở quán Bình Lạc để đón quân đi qua. Trung lĩnh quân Hứa Doãn cùng tả hữu cận thần mưu nhân lúc gọi Văn Vương về mà giết đi, dùng quân mình để đánh lui Đại tướng quân. Đã gửi chiếu thư ở trước. Văn Vương vào, Đế đang ăn hạt giẻ, ca kĩ là bọn Vân Ngọ hát rằng: "Gà đầu xanh, gà đầu xanh". Gà đầu xanh là con vịt vậy. Đế sợ không dám phát. Văn Vương dẫn quân vào thành, Cảnh Vương nhân đó mưu phế Đế.


Thần là Tùng Chi xét: Hạ Hầu Huyền truyện và Ngụy lược chép là mùa xuân năm đó Hứa Doãn liên quan với Lí Phong. Phong đã bị giết, liền giáng Doãn làm Trấn bắc Tướng quân, chưa bái, đem thu hết tài vật giao cho quan Đình úy, đày đi quận Lạc Lãng, lại đuổi theo giết đi. Do đó mùa thu ấy Doãn không còn làm Trung lĩnh quân mà bày mưu kia.


Ngày giáp tuất, Thái hậu lệnh nói: "Hoàng đế là Phương tuổi đời đã lớn, không mưu vạn việc, say mê gái đẹp, chìm đắm nữ sắc, ngày càng càn rỡ, phóng túng bừa bãi; đón người nhà sáu cung giữ ở phòng trong, bỏ bậc luân lường, loạn tiết trai gái; hiếu thuận kém xấu, lỗi lầm thêm nặng, không đáng nối theo mệnh trời cúng tế tông miếu. Sai quan Thái úy Cao Nhu vâng chiếu, dùng lễ vật to lớn tế ở tông miếu, sai Phương về làm vua phiên ở đất Tề để nhường ngôi quý".


Ngụy thư chép: Hôm đó, Cảnh Vương vâng lệnh của Hoàng thái hậu, hạ chiếu sai công khanh đại thần lên triều bàn nghị, bầy tôi biến sắc. Cảnh Vương rơi lệ nói: "Hoàng thái hậu lệnh như thế, các ngài há theo nhà vua sao"! Đều nói: "Ngày xưa Y Doãn đuổi Thái Giáp để yên nhà Ân, Hoắc Quang bỏ Xương Ấp để định nhà Hán(11), sắp đặt xã tắc để giúp bốn cõi, hai người ấy ở thời xưa, minh công là ở thời nay, việc của ngày nay, xin theo lệnh của minh công". Cảnh Vương nói: "Các ngài trông chờ Sư này nhiều thế, Sư há né tránh sao"? Do đó bèn cùng với bầy tôi gửi tấu ở cung Vĩnh Ninh rằng: "Giữ chức Thượng thư lệnh Thái úy Trưởng Xã Hầu thần là Phu, Đại tướng quân Vũ Dương Hầu thần là Sư, Tư đồ Vạn Tuế Đình Hầu thần là Nhu, Tư không Văn Dương Đình Hầu thần là Xung, Chinh tây An đông Tướng quân Tân Thành Hầu thần là Chiêu, Quang lộc Đại phu Quan nội hầu thần là Ung, Thái thường thần là Yến, Vệ úy Xương Ấp Hầu thần là Vĩ, Thái phó thần là Ngực, Đình úy Định Lăng Hầu thần là Phồn, Đại hồng lư thần là Chi, Đại tư nông thần là Tường, Thiếu phủ thần là Bao, Vĩnh Ninh Vệ úy thần là Trinh, Vĩnh Ninh Thái bộc thần là Hoành, Đại trưởng thu thần là Mô, Tư lệ Hiệu úy Dĩnh Xương Hầu thần là Tăng, Hà Nam Doãn Lan Lăng Hầu thần là Túc, Thành môn Hiệu úy thần là Lự, Trung hộ quân Vĩnh An Hầu thần là Vọng, Vũ vệ Tướng quân An Thọ Hầu thần là Diễn, Trung kiên Tướng quân Bình Nguyên Hầu thần là Đức, Trung mâu Tướng quân Xương Vũ Đình Hầu thần là Dực, Đồn kị Hiệu úy Quan nội hầu thần là Cai, Bộ binh Hiệu úy Lâm Tấn Hầu thần là Kiến, Xạ thanh Hiệu úy An Dương Hương Hầu thần là Ôn, Việt kị Hiệu úy Tuy Dương Hầu thần là Sơ, Trường thủy Hiệu úy thần là Siêu, Thị trung thần là Tiểu Đồng, thần là Nghĩ, thần là Phong, Bác Bình Hầu thần là Biểu, Thị trung Trung thư giám An Dương Đình Hầu thần là Đản, Tán kị Thường thị thần là Khiết, thần là Nghi, Quan nội hầu thần là Chi, Thượng thư Bộc xạ Quang lộc Đại phu Cao Lạc Đình Hầu thần là Dục, Thượng thư Quan nội hầu thần là Quán, thần là Hỗ, Trưởng Cáp Hương Hầu thần là Lượng, thần là Tán, thần Khiên, Trung thư lệnh thần là Khang, Ngự sử Trung thừa thần là Kiềm, Bác sĩ thần là Phạm, thần là Tuấn cúi đầu nói: 'Bọn thần nghe nói rằng Thiên tử là người bao bọc chúng vật, vỗ yên vạn nước, ngày xưa ba vị tổ(12) oanh liệt, sáng trùm sáu cõi. Từ khi Hoàng đế lên ngôi, nối thay nghiệp lớn, tuổi đời đã lớn, nhưng chẳng mưu vạn việc, say mê gái đẹp, chìm đắm nữ sắc, bỏ bê học tập, vứt bỏ kẻ sĩ, hằng ngày cùng ca kĩ là bọn Quách Hoài, Viên Tín ở điện Kiến Thủy, Phù Dung cởi áo vui chơi, sai cùng bọn quan Bảo lâm(13) gây loạn, tự đem cung nữ đứng xem. Lại ở trên quán Quảng Vọng, sai bọn Hoài, Tín ở dưới quán bày trò yêu phụ của người Liêu Đông, vui chơi quá mức, người đi trên đường liếc mắt, Đế ở trên quán lấy làm làm cười vui. Ở đài Lăng Vân sai bọn ca kĩ bày màn trướng, đưa gái đẹp trong cung ra, Đế lại đến ngồi xem, gọi Hoài, Tín sai vào trướng cùng uống rượu. Bọn Hoài, Tín bèn uống rượu, gái đẹp đều say, lộn xộn chẳng phân. Sai quan Bảo lâm là bọn Lí Hoa, Lưu Huân cùng bọn Hoài, Tín làm trò, lúc ấy Thanh Thương Lệnh là Lệnh Hồ Cảnh quát Hoa, Huân nói: 'Cung nữ các người, tả hữu trên dưới đều có chức vị, sao lại làm thế'? Hoa, Huân liền gièm vu Cảnh. Đế thường thích lấy roi đánh người, cho đó giận Cảnh, đánh Cảnh không tránh đánh đầu mắt, Cảnh bảo Đế rằng: 'Tiên đế trị nhà rất nghiêm, nay Bệ hạ hằng ngày đem cung nữ vui chơi vô độ, lại cùng bọn ca kĩ làm trò cởi áo làm loạn, không nên để cho Hoàng thái hậu nghe biết. Cảnh không sợ chết, chỉ bày kế cho Bệ hạ thôi'. Đế nói: 'Ta làm Thiên tử, không được tự ý sao? Thái hậu sao ngăn ta được'! Sai lấy sắt nung đốt Cảnh, thân Cảnh bị bỏng. Sau khi Chân hậu băng, Đế lập Vương quý nhân làm Hoàng hậu. Thái hậu lại muốn tìm người ngoài giúp, Đế giận bảo bọn Cảnh rằng: 'Nhà Ngụy trước sau lập Hoàng hậu, đều theo ý mình thích thôi, Thái hậu tất trái ý ta, biết ta sẽ vâng theo không vậy'? Sau đó rút cuộc đãi Trương Hoàng hậu nhạt nhẽo. Thái hậu gặp lúc Cáp Dương Quân chết, Đế hằng ngày ở vườn sau, sai bọn ca kĩ hát nhạc làm vui, không ai đến can ngăn. Thanh Thương Thừa là Bàng Hi can Đế rằng: 'Hoàng thái hậu là người rất có hiếu, nay gặp nỗi lo nhiều, nước loãng cũng chẳng nuốt được vào miệng, Bệ hạ nên đi đến an ủi, không nên làm trò vui ở đây'. Đế nói: 'Ta tự ở đây, ai ngăn được ta sao'? Do đó Hoàng thái hậu về cung phía bắc, giết Trương mĩ nhân và Ngu Uyển, khiến cho Đế oán giận, bảo bọn Cảnh rằng: 'Thái hậu giết bừa người mà ta yêu thích, đấy chẳng còn ân tình mẹ con nữa'. Đi đến chỗ cũ khóc lóc, sai người đi riêng vội đi thu liệm thây táng rất hậu, không cho Thái hậu biết việc ấy. Hễ thấy cung nữ trong hậu cung có sắc đẹp thì giữ lại giao cho Thanh Khương Lệnh, rồi Đế đến bụi tre ở vườn sau bày trò vui, hoặc cùng nội quan cầm tay cùng đi dạo. Hi bẩm rằng: 'Nội quan không nên cùng cầm tay với vua như thế'. Đế giận, lại lấy roi đánh Hi. Hằng ngày dạo chơi ở vườn sau, hễ có thư từ ở ngoài đưa vào, Đế không đọc xem, tả hữu nói: 'Đưa ra'. Đế cũng chẳng muốn xem. Thái hậu sai Đế thường thử giảng học ở trên điện lớn, Đế không muốn, lại ép bắt đi, Đế bỏ ra; lúc Thái hậu đến hỏi, liền vờ sai quan Hoàng môn đáp rằng: 'Đang học'. Bọn Cảnh, Hi sợ hãi, không dám can ngăn, lại cùng nịnh nọt. Đế buông thả bừa bãi, làm hỏng luân thường, loạn tiết trai gái, thuận hiếu càng kém, đức xấu thêm sâu. Bọn thần lo lắng thiên hạ nghiêng lật, xã tắc vỡ đổ, lúc ấy dẫu diệt thân bỏ mạng cũng chẳng đền hết tội. Nay Đế không nên nối theo mệnh trời, bọn thần xin noi theo việc cũ của Hoắc Quang, thu ấy ấn thao của Đế. Đế vốn là Tề Vương mà được nhận ngôi lớn, nên cho về làm vua phiên ở đất Tề. Sai quan Tư đồ thần là Nhu cầm cờ tiết cùng quan coi việc đem đồ thái lao tế cáo ở tông miếu. Bọn thần liều chết báo lên". Tấu cho làm.


Hôm đó chuyển sang ở cung riêng, bấy giờ mới hai mươi ba tuổi. Sứ giả cầm cờ tiết đi hộ tống, dựng cung Tề Vương ở cửa Trùng Môn thuộc quận Hà Nội, phép chế đều theo lễ của nước phiên.


Ngụy lược chép: Cảnh Vương sắp phế Đế, sai Quách Chi vào bẩm Thái hậu, Thái hậu ngồi đối mặt với Đế. Chi bảo Đế rằng: "Đại tướng quân muốn bỏ Bệ hạ, lập Bành Thành Vương là Cứ". Đế bèn đứng dậy bỏ ra. Thái hậu không vui, Chi nói: "Thái hậu có con mà không dạy dỗ được, nay ý Đại tướng quân đã quyết, lại xua quân ở ngoài phòng bị khác thường, chỉ chờ chiếu lệnh, còn nói gì nữa"! Thái hậu nói: "Ta muốn gặp Đại tướng quân, tự miệng ta nói". Chi nói: "Sao lại gặp được? Chỉ nên nhanh lấy ấn thao đi". Thái hậu chùng ý, bèn sai Nội quan bênh cạnh đưa cho. Chi ra báo cho Cảnh Vương, Cảnh Vương rất mừng. Lại sai sứ giả trao ấn thao Tề Vương cho Đế, sắp đi đến cung phía tây. Đế vâng mệnh, bèn ngồi xe Tề Vương, từ biệt với Thái hậu, rơi lệ, bắt đầu từ điện Thái Cực ra phía nam, bầy tôi ra tiễn có mấy chục người, Thái úy Tư Mã Phu chẳng tự kìm được bùi ngùi, người khác cũng đều rơi lệ. Sau khi Tề Vương ra, Cảnh Vương lại sai sứ giả hỏi ấn thao, Thái hậu nói: "Bành Thành Vương là chú út của ta vậy, nay đến lập, ta biết làm sao! Nên để Minh Hoàng Đế dứt người nối tự sao? Ta thấy Cao Quý Hương Công là cháu cả của Văn Hoàng Đế, con em của Minh Hoàng Đế, với lễ thì dòng út có cái nghĩa lớn của dòng lớn, nên bàn rõ ngay đi". Cảnh Vương lại sai gọi bầy tôi, đem lệnh của Thái hậu báo cho biết, bèn định đón Cao Quý Hương Công. Bấy giờ quan Thái thường đã phát chiếu ra hai ngày, đợi ấn thao ở huyện Ôn. Việc đã định, lại hỏi ấn thao, Thái hậu nói: "Ta gặp Cao Quý Hương Công, thủa nhỏ đã biết, ngày nay ta rự muốn đem ấn thao trao cho người ấy".


Ngày đinh sửu, lệnh nói: "Đông Hải Vương là Lâm, là con của Cao Tổ Văn Hoàng Đế. Trong các con của Lâm, có tình thân với nhà nước, Cao Quý Hương Công là Mao có khí độ lớn lao, nay lấy làm người nối tự của Minh Hoàng Đế".


Ngụy thư chép: Cảnh Vương lại cùng tấu với bầy tôi ở cung Vĩnh Ninh rằng: "Bọn thần nghe nói rằng đạo làm người là gần gũi người thân thì tôn kính tổ tiên, tôn kính tổ tiên thì tôn kính họ hàng. Theo lễ, nếu dòng cả không có người nối tự thì chọn người hiền của dòng thứ; làm dòng dõi cho người, làm con cho người vậy. Con của Đông Hải Định Vương là Cao Quý Hương Công, là cháu của Văn Hoàng Đế, nên được nối dòng lớn để nối tự làm dòng dõi của Liệt Tổ Minh Hoàng Đế. Cả nước được nhờ, muôn cõi may lắm! Bọn thần xin gọi ngài đến cung Lạc Dương". Tấu cho làm. Sai bọn Trung hộ quân Vọng, Thái thường Hà Nam Doãn là Túc cầm cờ tiết cùng Thiếu phủ Bao, Thượng thư Lượng, Thị trung Biểu vâng lệnh đem xe đến đón Công ở Nguyên Thành.


Ngụy thế phả chép: Vào lúc nhà Tấn nhận ngôi, phong Tề Vương làm Thiệu Lăng Huyện Công. Năm Thái Thủy thứ mười thì hoăng, bấy giờ bốn mươi ba tuổi, thụy là Lệ Công.

 

Chú thích

(1) Tư Mã Tuyên Vương: chỉ Tư Mã Ý, được phong làm Tuyên Vương. Các sách thời Tấn kị húy cho nên gọi là Tư Mã Tuyên Vương.

(2) Vải chống lửa: vải chống lửa tức vải không bị lửa đốt cháy rụi, xuất từ miền Tây Vực. Theo Liệt Tử chép: Thời Mục Vương của nhà Chu đánh rợ Tây Nhung, rợ Tây Nhung cũng dâng vải này.

(3) Lịch Tam thống: chỉ lịch dùng qua ba đời nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu thời xưa.

(4) Mặt trời có chỗ khuyết: tức hiện tượng nhật thực, Mặt trăng che lấp một phần hay toàn phần của Mặt trời.

(5) Tư Mã Cảnh Vương: chỉ Tư Mã Sư, được phong làm Cảnh Vương. Các sách thời Tấn kị húy cho nên gọi là Tư Mã Cảnh Vương.

(6) Nhiếp Chính: Nhiếp Chính, người ấp Chỉ nước Hàn thời Chiến quốc, là hiệp khách nổi tiếng. Có chép ở Sử kí - Thích khách liệt truyện.

(7) Giới Tử: Giới Tử tức Phó Giới Tử, người quận Bắc Địa thời Tây Hán. Theo Hán thư - Phó Giới Tử truyện chép: Vào thời Vũ Đế, các nước ở Tây Vực là Quy Từ, Lâu Lan giúp người Hung Nô giết sứ giả của nhà Hán, đến giữa năm Nguyên Phong, sai Giới Tử đi sứ đến các nước ấy, trách mắng họ, chịu nhận lỗi, lại đem quan quân giết sứ giả của người Hung Nô đang trên đường từ nước Ô Tôn. Về báo việc được bái làm Trung lang. Lần sau, xin đi giết vua các nước ấy, rồi đem quân sĩ cùng vàng bạc, gấm lụa đến, vào uống rượu cùng vua của nước Lâu Lan, nhân lúc say rượu, đâm chết vua của nước ấy, đem đầu về cửa khuyết. Do đó được Vũ Đế phong tước Hầu, thực ấp bảy trăm hộ.

(8) Giải Dương bắt Sở: chỉ việc thời Hán Cảnh Đế có loạn bảy nước miền Ngô Sở, sai Thái úy Chu Á Phu đi đánh dẹp, giải vây vùng Dương Châu, phá quân của vua nước Sở vậy.

(9) Lộ Trung đại phu của nước Tề: Lộ Trung đại phu, họ Lộ, làm Trung đại phu của Tề Vương. Theo Sử kí - Tề Trác Huệ Vương thế gia chép: Bấy giờ Ngô Vương là Lưu Tị, Sở Vương là Lưu Mậu làm phản kéo quân về phía tây, vua các bước Giao Tây, Giao Đông, Truy Xuyên, Tế Nam đều ứng theo, riêng Tề Vương giữ thành không theo, quân ba nước Giao Tây, Giao Đông, Truy Xuyên vây thành, Tề Vương sai Lộ Trung đại phu báo cho Thiên tử, Thiên tử bảo là: "Cố giữ thành, quân ta đã phá được quân Ngô, Sở rồi". Bèn về báo cho Tề Vương, vòng vây gấp, không vào thành được, tướng của ba nước cùng thề ước với Lộ Trung đại phu nói: "Nếu nói quân Hán bị phá, nước Tề nên theo ba nước thì không bị giết". Nhưng đến dưới thành, Lộ Trung đại phu từ xa thấy Tề Vương, bèn nói: "Quân Hán đã phát trăm vạn quân, sai Thái úy Chu Á Phu đã phá quân Ngô Sở, đang dẫn quân đến cứu nước Tề, nên giữ vững đừng hàng"! Tướng của ba nước bèn giết Lộ Trung đại phu.

(10) Tư Mã Văn Vương: chỉ Tư Mã Chiêu từng được phong làm Văn Vương. Các sách thời Tấn kị húy cho nên gọi là Tư Mã Văn Vương.

(11) Y Doãn đuổi Thái Giáp để yên nhà Ân, Hoắc Quang bỏ Xương Ấp để định nhà Hán: Y Doãn giúp nhà Ân, sau khi vua Thang chết, cháu nội là Thái Giáp nối ngôi nhưng yếu kém, Y Doãn bèn đày Thái Giáp đến ấp Đồng cho tự sửa mình, ba năm sau lại đón về làm vua. Hoắc Quang là đại thần của Chiêu Đế của nhà Hán, Chiêu Đế chết, lập Xương Ấp Vương lên thay, Xương Ấp dâm loạn, lại phế đi mà lập Tuyên Đế.

(12) Ba vị tổ: chỉ Thái Tổ là Tào Tháo, Văn Đế là Tào Phi, Minh Đế là Tào Duệ.

(13) Bảo lâm: Bảo lâm là chức nữ quan trông coi các cung nữ trong cung.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét