LÝ THÔNG TRUYỆN
Lý Thông tự Văn Đạt, người quận Giang Hạ huyện Bình Xuân.
Nguỵ lược chép: Thông có tiểu tự là Vạn Ức.
Thông có tiếng là hào
hiệp ở vùng Giang-Nhữ(1). Cùng với người trong quận là Trần Cung cùng khởi binh
ở Lãng Lăng, dân chúng đều quy phục. Bấy giờ có người tên là Chu Trực, bộ thuộc
có hơn hai nghìn nhà, đối với Cung-Thông ngoài mặt thì hoà mục mà trong bụng lại
đối địch. Thông có ý đồ giết Trực nhưng Cung lại ngần ngại. Thông biết Cung
không dứt khoát, bèn một mình định kế, hẹn gặp Trực, mời uống rượu rồi giết Trực.
Chúng nhân nhiễu loạn, Thông dẫn Cung đi tru diệt bè đảng của chúng, thâu tóm hết
quân ở các doanh trại. Về sau em vợ Cung là Trần Cáp, giết Cung chiếm lấy binh ấy.
Thông đánh tan quân của Cáp, chém đầu Cáp để tế trước mộ Cung. Lại bắt sống đại
soái quân Hoàng Cân là Ngô Bá rồi thu hàng đám thuộc hạ ấy. Gặp năm mất mùa lớn,
Thông dốc hết gia tài để cứu giúp mọi người, cùng với quân sĩ chia cả cám bã,
tranh nhau dùng, bởi thế đạo tặc chẳng dám xâm phạm.
Năm Kiến An sơ, Thông
đem binh đến chỗ Thái tổ ở Hứa huyện. Thái tổ bái Thông làm Chấn uy Trung lang
tướng, đóng binh ở phía tây địa giới Nhữ Nam . Thái tổ đánh Trương Tú, Lưu Biểu
phái binh đến trợ giúp Tú, quân Thái tổ gặp bất lợi. Thông dẫn binh đi thâu đêm
đến chỗ Thái tổ, Thái tổ được quân ấy lại đánh tiếp, Thông xông xáo lên trước,
đại phá quân Tú. Nhân đó được bái làm Bì tướng quân, phong tước Kiến công hầu.
Thái tổ chia Nhữ Nam thành hai huyện, lấy Thông làm Đô uý huyện Dương An.
Bác vợ của Thông phạm
pháp, trưởng huyện lãng Lăng là Triệu Nghiễm bắt lấy trừng trị, khép tội tử
hình. Bấy giờ quyền sinh quyền sát do mục thú(2) quyết định, vợ con Thông gào
khóc xin cứu mạng, Thông nói: "Nay ta cùng với Tào công chung sức, về
nghĩa thì chẳng thể vì việc riêng mà phế bỏ việc công được." Lại khen Nghiễm
chấp pháp đúng đắn không a dua bè phái, bèn cùng kết làm thân giao.
Thái tổ cùng Viên Thiệu
đang cự nhau ở Quan Độ. Thiệu phái sứ giả đến phong cho Thông làm Chinh nam tướng
quân, Lưu Biểu cũng ngầm chiêu dụ, Thông đều cự tuyệt. Thuộc hạ thân thích của
Thông khóc nói: "Nay chúng ta trơ trọi một mình ở chỗ nguy, đã mất sự viện
trợ lớn, không thể đứng mà đợi được, chẳng bằng theo ngay Thiệu." Thông vỗ
gươm mắng chúng rằng: "Tào công là bậc minh triết, tất yên định được thiên
hạ. Thiệu tuy cường thịnh, nhưng dùng người không chính đáng, kết cục sẽ bị bắt
sống thôi. Ta có chết cũng không hai lòng." Lập tức chém sứ của Thiệu, đem
ấn thụ đến chỗ Thái tổ. Lại đánh quân giặc ở trong quận là bọn Cù Cung-Giang
Cung-Trầm Thành, đều phá tan quân địch, chém thủ cấp đưa đi. Sau bình định được
đất Hoài-Nhữ. Được đổi phong tước Đô đình hầu, bái làm Thái thú Nhữ Nam.
Thời ấy bọn giặc là
Trương Xích có hơn năm nghìn nhà tụ họp ở Đào Sơn, Thông vây đánh phá được.
Lưu Bị và Chu Du vây
Tào Nhân ở Giang Lăng, biệt phái Quan Vũ cắt đứt đường lên bắc. Thông dẫn binh
đánh Vũ, lại xuống ngựa nhổ hết chông chà(3) xông vào vòng vây, vừa đánh vừa tiến
lên, nghênh đón quân của Nhân, dũng mãnh đứng đầu chư tướng.
Thông bị ốm chết ở
trên đường, bấy giờ mới có bốn mươi hai tuổi. Được truy tặng thực ấp hai trăm hộ,
gồm cả trước đó là bốn trăm hộ. Văn đế lên ngôi, ban cho thuỵ hiệu là Cương hầu.
Chiếu viết: "Trước kia gặp cái nạn Viên Thiệu, từ đất Hứa, đất Thái(4) về
Nam, người người đều có dị tâm. Thông giữ nghĩa chẳng chút đoái hoài, khiến những
kẻ hai lòng phải phục tùng, trẫm rất ngợi khen. Song bất hạnh mà chết sớm, con
là Cơ dù đã được tập tước(5), vẫn chưa đủ đền đáp công lao. Anh của Cơ là Tự,
trước đóng quân ở Phàn thành, vừa lập được công. Cả đời dốc lòng lao khó, nay
cho Cơ làm Phụng nghĩa Trung lang tướng, Tự làm Bình lỗ Trung lang tướng, cho
hưởng ân huệ khác thường."
Tấn thư của Vương Ẩn
chép: Con Tự là Bỉnh, tự Huyền Trụ, có tài trí, thời bấy giờ rất quý hiển, làm
quan đến chức Thứ sử Tần châu. Bỉnh thường được nói chuyện với Tư Mã Văn Vương,
nhân đó răn bảo người nhà rằng: "Có lần ta đang ngồi hầu ở chỗ Tiên đế,
thì có ba vị trưởng lại đến cầu kiến. Ta toan từ tạ lui ra, bề trên bảo: 'Làm
trưởng quan phải trong sạch, phải cẩn thận, phải chuyên cần, tu được ba điều ấy,
sao phải lo chẳng cai trị được dân?' Rồi họ đều được thụ chiếu. Họ đã ra ngoài
rồi, bề trên ngoảnh sang chỗ bọn ta nói: 'Điều ta vừa dạy các ngươi thấy có
chính đáng không?' Đám người hầu ngồi đó, chẳng ai không tán dương. Bề trên lại
hỏi rằng: 'Ắt hẳn không đúng lắm, ở chỗ ba điều ấy thì điều nào trước tiên.' Có
kẻ nói rằng: 'Trong sạch cố nhiên là gốc rễ.' Ngài lại quay sang hỏi đến ta, ta
thưa rằng: 'Cái đạo của sự trong sạch cẩn thận, là nhờ tu dưỡng mà có được, đó
là cái bất đắc dĩ, cẩn thận phải đứng đầu. Kẻ trong sạch không hẳn đã cẩn thận,
kẻ cẩn thận tất là trong sạch, cũng như bậc nhân giả hẳn có dũng khí, kẻ có
dũng khí chưa hẳn đã có lòng nhân, thế nên Dịch nói bao quát mà không sai lầm,
cái chiếu để nằm phải dùng bằng lá cọ trắng, đều là cẩn thận đến cùng cực vậy.'
Bề trên nói: 'Lời khanh nói rất lọt tai. Ngươi có thể kể ra xem gần đây có ai
là người cẩn thận chăng?' Mọi người đều chưa biết đối đáp ra sao, ta bèn nói rằng
cố Thái uý Tuân Cảnh Thiến, Thượng thư Đổng Trọng Liên, Bộc xạ Vương Công Trọng(6)
đều có thể nói là những người cẩn thận. Bề trên nói: 'Những bậc nhân giả ấy, sớm
tối khiêm cung ôn hoà, coi việc thì kính cẩn, cũng đều là những người cẩn thận
cả. Nhưng người cẩn thận trong thiên hạ, ta nghĩ là chỉ có Nguyễn Tự Tông(7) vậy!
Mỗi lời của người ấy, toàn đề cập đến những điều huyền bí xa xôi, mà chưa từng
bình luận về việc đương thời, hay xét đến các nhân vật, chân thực thì có thể bảo
là cẩn thận đến cùng cực vậy.' Ta thường nghĩ đến những lời ấy, cũng đủ thấy đó
là những lời răn bảo sáng suốt. Phàm con người ta hành sự, niên thiếu thì lập
thân, chẳng thể cẩn thận được, chớ coi rẻ chuyện luận nhân, chớ khinh thường
chuyện nói về công việc, như thế thì hối hận sao có lí do để sinh ra, hoạ hoạn
không thể từ đâu mà đến được vậy." Con Bỉnh là Trọng, tự Mậu Tằng. Thuở nhỏ
nổi danh, từng làm Lại ở Bộ lang, Thái thú Bình Dương.
Tấn chư công tán
chép: Trọng vì trong sạch được Chúa thượng khen. Tướng quốc Triệu Vương Luân thấy
Trọng được ngưỡng vọng mới lấy làm Hữu tư mã. Trọng thấy Luân có tướng làm loạn,
từ chối có bệnh không nhận chức. Luân bức bách không thôi, Trọng bèn không chịu
đi lại, đến nỗi đổ bệnh, phải cho người đỡ dậy nhận thụ phong, mấy ngày sau chết,
được phong tặng chức Tán kỵ thường thị. Trọng có hai em, Thượng tự Mậu Trọng, Củ
tự Mậu Ước, năm Vĩnh Gia trung đều làm Điển quận; Củ làm đến chức Thứ sử Giang
Châu. Con Trọng là Thức, tự Cảnh Tắc, làm quan đến chức Thị trung.
Chú thích:
(1) Quanh vùng Trường Giang và Nhữ Nam .
(2) Châu mục, quận thú.
(3) Nguyên văn 'hạ mã bạt lộc giác', nghĩa đen là xuống
ngựa nhổ sừng hươu, tạm luận nghĩa mà dịch.
(4) Tức Hứa Xương và đất thuộc nước Thái thời chư hầu nhà
Chu .
(5) Con được thừa kế nối theo tước của cha.
(6) Không biết là những người nào?
(7) Cũng không biết là ai?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét