Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

LƯU YÊN TRUYỆN

 


Lưu Yên
(Tranh của Creation)

      LƯU YÊN TRUYỆN

Lưu Yên tự Quân Lang, người huyện Cánh Lăng(10) quận Giang Hạ, là  hậu duệ Lỗ Cung vương nhà Hán, năm Nguyên Hoà trung đời Chương Đế dời đến đất phong ở Cánh Lăng, nên mới có một chi thứ ở đấy. Yên khi còn trẻ ra làm quan ở châu quận, bởi là người trong tông thất nên được bái làm Trung lang, sau được giao việc tang lễ cúng tế mới bỏ chức quan.


Thần Tùng Chi xét: Lo việc cúng tế, là quan Tư đồ Chúc Điềm vậy.


Yên ẩn cư ở núi Dương Thành, tích luỹ học vấn dạy dỗ môn đồ, được cử là Hiền lương phương chính(11), rồi được vời vào phủ Tư đồ, trải qua các chức Lạc Dương lệnh, Ký châu Thứ sử, Nam dương Thái thú, Tông chánh, Thái thường(12). Yên thấy chính trị thời Linh Đế suy kém thiếu sót, vương thất có lắm việc, bèn đưa lời kiến nghị: “Bọn Thứ sử, Thái thú hối lộ để làm quan, bóc lột làm hại trăm họ, khiến phản loạn triền miên. Nên tuyển chọn những trọng thần có thanh danh cho làm chức Mục, để trấn an Hoa Hạ.”


Yên ở trong triều cầu lấy chức Mục ở Giao Chỉ, muốn lánh thời loạn lạc. Việc bàn định còn chưa xong, quan Thị trung ở Quảng Hán là Đổng Phù bảo riêng với Yên rằng: “Kinh sư sắp loạn, Ích châu sẽ tách riêng ra, nơi ấy có khí thiên tử vậy.” Yên nghe Phù nói, mới đổi ý muốn tới Ích châu. Gặp lúc Ích châu Thứ sử là Khước Kiệm làm rối loạn việc thuế khoá, dân tình đồn đại bóng gió xa xôi, Kiệm, là tổ phụ của Khước Chính vậy. ở Tinh châu Thứ sử Trương Nhất bị giết, ở Lương châu Thứ sử Cảnh Bỉ bị giết, mưu kế của Yên được thi hành. Yên ra ngoài làm Giám quân sứ giả, lĩnh Ích châu Thứ sử, được phong là Thành Dương hầu, Yên liền bắt Kiệm trị tội; Phù lại xin được tới Thục quận ở phía tây làm Chúc quốc Đô uý, cùng với Thái thương lệnh Ba Tây là Triệu Vỹ đã từ quan, cùng đi theo Yên.


Sách Tục Hán thư chép: Lúc ấy lấy Lưu Ngu ở U châu, Lưu Yên ở Ích châu, Lưu Biểu ở Kinh châu, Giả Tông ở Ký châu. Bọn Ngu đều nổi danh là kẻ sỹ khắp hải nội, hoặc lại tuyển các bậc công khanh, Thượng thư làm chức Mục, đều có phẩm trật lớn lao. Theo phép cũ: Truyền cho được đi xe vào hầu, được dùng màn trướng sắc đỏ.


Thần Tùng Chi xét: Sau khi Linh Đế chết, nghĩa quân nổi dậy, Tôn Kiên giết Thứ sử Kinh châu là Vương Duệ, rồi sau này Lưu Biểu mới làm Kinh châu mục, chẳng phải là cùng thời với Yên vậy.


Hán Linh Đế kỷ chép: Đế gọi Yên vào hầu, bảo rõ phương lược, lại ban thưởng thêm cho, rồi sắc mệnh cho Yên làm Ích châu Thứ sử. Vì các Thứ sử lúc trước là Lưu Tuyển, Khước Kiệm đều tham tàn phóng túng, vơ vét bừa phứa, trăm họ mất nhờ, tiếng ta thán đầy đồng nội, Yên đến nơi được bắt giữ theo luật mà xử, rồi vỗ yên muôn dân ở đấy, lại nghiêm cấm tiết lộ các việc, khiến những ung nhọt ấy vỡ lở ra, lan rộng khắp cả nước. Yên cứ theo mệnh hành sự, khiến việc đi lại và tin tức bất thông, lại ngăn giữ địa giới với Kinh châu ở phía Đông.


Sách Ích bộ kỳ cựu truyện của Trần Thọ chép: Đổng Phù tự Mậu An. Khi còn trẻ theo học ở kinh sư, thông hiểu mấy loại kinh sách, chơi với Âu Dương Thượng Thư, lại thờ kẻ sỹ ở đất Sính là Dương Hậu, nghiền ngẫm lẽ huyền diệu của sấm ký. Khi tới kinh sư, đến thăm nhà Thái học, lúc trở về nhà dạy học, đệ tử từ nơi xa cũng theo đến. Năm Vĩnh Khang nguyên niên, vào ngày có nhật thực, có chiếu chỉ cho các kẻ sỹ làm Hiền lương Phương chính, sách mệnh hỏi chuyện được mất. Bọn Triệu Khiêm ở Tả Phùng Dực tiến cử Phù, Phù cáo ốm không tới, ở mãi Trường An dâng thư về, rồi xưng có bệnh nặng được về nhà. Tể phủ(13) trước sau cho đòi đến mươi lần, công xa(14) ba lần đến đón, lần nữa tiến cử làm Hiền lương Phương chính, Bác sỹ, Hữu đạo đều không chịu tới, danh tiếng lại càng nổi. 


Đại tướng quân Hà Tiến dâng biểu tiến cử Phù rằng: “Phù có cái đức của Du-Hạ, tiếp nối phong cách của họ Khổng, tinh thông cái thuật trị quốc của Tiêu-Đổng(15). Đương lúc Tinh-Lương nhiễu loạn, người Nhung ở phía Tây nổi lên làm phản, nên sắc mệnh cho công xa đặc cách đến triệu, ban cho lễ đón tiếp khác thường, để cầu lấy mưu kế lạ”. Vì thế Linh Đế cho triệu Phù, lập tức bái làm Thị trung. Phù ở triều đình được khen là bậc Nho tông, khi gặp gỡ rất lấy làm kính trọng. Phù xin ra làm Chúc quốc Đô uý ở Thục quận. Phù đi được một năm thì Linh Đế băng hà, thiên hạ đại loạn. Về sau Phù từ quan, năm tám mươi hai tuổi chết tại gia. Ban đầu ngôn từ nghị luận của Phù rất khác thường, có một không hai ở Ích quận. Bởi thế có biệt hiệu là ‘Chí chỉ’, những lời ấy người đời chẳng ai bác bỏ được, học vấn ấy chẳng ai theo kịp được. Sau này Thừa tướng Gia Cát Lượng hỏi Tần Mật về sở trường của Phù, Mật nói: “Đổng Phù có cái hay là khen cả những điều nhỏ bé, có cái dở là chê những thứ mỏn mọn.”


Bấy giờ bọn nghịch tặc trong Châu là Mã Tương-Triệu Chi ở huyện Miên Trúc tự xưng là giặc Khăn vàng, tụ họp những dân khốn khổ vì lao dịch, trong một hai ngày dụ được mấy ngàn người, trước tiên giết chết huyện lệnh Miên Trúc là Lý Thăng, đám lại dân đều hùa theo, tụ họp đến hơn một vạn người, tiện đà tiến đánh Lạc huyện, tấn công quận Ích châu giết chết Kiệm, lại đến tận Thục Quận-Kiện Vi, trong khoảng một tuần(16) phá tan ba quận. Tương tự xưng là Thiên tử, quân có đến mấy vạn. Viên Tòng sự ở trong châu là Giả Long (Tố) đốc xuất mấy trăm binh lính ngăn chặn ở phía đông Kiện Vi, thu gom đám đám lại dân, được hơn ngàn người, đánh lại bọn Tương, có mấy ngày giặc bỏ chạy, trong châu được yên bình. Long bèn chọn đám lại tốt đến nghênh đón Yên. Yên dời sở quan đến Miên Trúc, phủ dụ thu nạp những kẻ phản loạn còn ly tán, thi hành việc khoan dung, ngấm ngầm có âm mưu khác.


Người mẹ của Trương Lỗ mới học được cái đạo của quỷ, lại có chút dung nhan, vẫn thường qua lại nhà Yên, nên Yên cho Lỗ làm Đốc nghĩa Tư mã, đóng ở Hán Trung, cắt đứt sạn đạo, giết hại sứ giả của nhà Hán. Yên dâng thư về triều nói rằng Mễ tặc(17) cắt đứt sạn đạo, việc đi lại không thông, lại mượn cớ này khác để giết đám cường hào ở trong châu là bọn Vương Hàm- Lý Quyền hơn chục mạng người, nhằm lập uy tạo phép. Vì thế nên Thái thú Kiện Vi là Nhiệm Kỳ cùng với Giả Long quay lại đánh Chương, Yên tập kích giết chết Kỳ và Long.


Ích châu kỳ cựu tạp ký chép: Lý Quyền tự Bá Dự, làm trưởng huyện Lâm Cung(18). Con là Phúc. Chuyện này thấy chép ở biểu văn Phụ thần tán của người Kiện Vi là Dương Hí(19).


Anh hùng ký chép: Lưu Yên khởi binh, không cùng với thiên hạ đánh dẹp Đổng Trác, mà giữ lấy Ích châu tự thủ. Thái thú Kiện Vi là Nhiệm Kỳ tự xưng là tướng quân, cùng với viên Tòng sự là Trần Siêu cất binh đánh Yên, Yên đánh phá được. Đổng Trác phái quan Tư đồ là Triệu Khiêm dẫn binh tới Ích châu, thuyết Hiệu uý Giả Long, sai dẫn binh quay lại đánh Yên, Yên tới Thanh Khương cùng giao chiến, ra sức đánh phá giết được. Kỳ-Long đều là người Thục quận.


Yên có ý thu vén dần dần, cho chế tạo rất nhiều xe kiệu khí cụ của thiên tử(20). Kinh châu mục Lưu Biểu dâng biểu về triều ngờ rằng Yên có vẻ định tự lập ở Tây Hà đúng như lời bàn của thánh nhân. Bấy giờ con của Yên là Phạm làm Tả Trung lang tướng, Đản làm Trì thư Ngự sử, Chương làm Phụng xa Đô uý, đều đi theo Hiến Đế ở Trường An, chỉ có người con của nàng hầu tên là Mạo làm Biệt bộ Tư mã đi theo Yên. Hiến Đế sai Chương về thuyết phục Yên, Yên giữ Chương lại không cho đi nữa.


Anh hùng ký chép: Cha của Phạm là Yên làm Ích châu mục, Đổng Trác cho đòi, không chịu tới. Trác liền bắt ba anh em Phạm, lấy gông cùm xích lại giải về My Ổ, giam hết vào trong ngục tối.


Điển lược chép: Lúc ấy Chương làm Phụng xa Đô uý, ở tại kinh sư. Yên thác rằng có bệnh triệu Chương về, Chương tự dâng biểu xin về thăm hỏi Yên, Yên bèn giữ Chương lại không cho về kinh nữa.


Khi ấy Chinh Tây tướng quân Mã Đằng làm phản đóng binh ở Mi huyện, Yên phái Phạm cùng với Đằng kết mưu, dẫn binh tập kích Trường An. Mưu của Phạm bị tiết lộ, Phạm vội chạy về Hoè Lý, Đằng bại trận, phải lui về Lương Châu, Phạm bị giết tức thì, Trác lại bắt Đản đem hành hình.


Anh hùng ký chép: Phạm từ Trường An trốn đến doanh trại của Mã Đằng, lại tới chỗ Yên xin binh. Yên phái Hiệu uý Tôn Triệu dẫn binh đến trợ giúp, bị đánh bại ở Trường An.


Viên Nghị Lang ở Hà Nam là Bàng Hi cùng với Yên kết thông gia, bèn xin với Yên cho các cháu vào Thục. Đúng lúc Yên bị lửa trời thiêu rụi cả thành trì, xe cộ khí cụ hư hỏng hết cả, cháy lan đến cả nhà dân. Yên bèn dời đến đóng ở Thành Đô, bởi quá đau đớn vì các con, lại cảm khái vì bị vạ lửa, năm Hưng Bình nguyên niên, phát ung nhọt ở lưng mà chết. Trưởng quan trong châu là Triệu Vĩ thấy Lưu Chương là người nhân đức ôn hoà, bèn tôn Chương lên làm Ích châu Thứ sử, lại gửi chiếu thư xin cho Chương làm Giám quân sứ giả, lĩnh chức Ích châu mục, lấy Vĩ là Chinh đông Trung lang tướng, lĩnh binh đánh Lưu Biểu.


Anh hùng ký chép: Yên chết, con là Chương lên thay làm Thứ sử. Gặp lúc Trường An(21) phong cho người ở Dĩnh Xuyên là Hỗ Mạo làm Thứ sử(22), vào ở Hán Trung. Quan Biệt giá ở Kinh châu là Lưu Hạp, cùng phản tướng của Chương là bọn Thẩm Di, Lâu Phát, Cam Ninh, tập kích Chương nhưng không thắng được, liền bỏ chạy vào Kinh châu. Chương phái Triệu Vĩ tấn công Kinh châu, đóng quân ở Cù(23). Cũng vì kẻ ở trên ngu xuẩn, người dưới mới phản phúc vậy


 CHÚ THÍCH

(10) Nay thuộc Thiên Môn, Hà Bắc.

(11) Người hiền tài đứng đắn.

(12) Tông chính là chức quan cai quản gia quy của hoàng tộc, Thái thường là chức quan quản việc tế tự, thiên văn và giáo dục.

(13) Người đứng đầu phủ.

(14) Người đánh xe của quan phủ.

(15) Tức Tử Du, Tử Hạ, Tiêu Diên Thọ, Đổng Trọng Thư, đều là những nhân vật Nho đạo nổi tiếng đời Tần Hán.

(16) Một tuần của Trung Quốc xưa tính bằng 10 ngày.

(17) Tức giặc gạo, còn gọi là Ngũ đấu mễ. Nguyên đây là một tổ chức tôn giáo do Trương Lăng sáng lập vào thời Hán mạt. Ai muốn vào tổ chức này đều phải nộp năm đấu gạo làm lệ phí.

(18) Lâm Cung là địa danh một xứ thuộc Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên bây giờ, thuộc đất Thục ngày ấy.

(19) Phụ thần tán là biểu văn ca tụng công đức của các danh thần Thục Hán do Dương Hí người ở Kiện Vi soạn ra vào năm Diên Hi thứ tư nhà Thục.

(20) Ý đồ cát cứ xưng vương.

(21) Hán Hiến Đế lúc ấy ở Trường An với Đổng Trác.

(22) Tức là Thứ sử Ích châu.

(23) Bản gốc khuyết mất một chữ, nên không rõ địa danh này tên gọi là gì?

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét