Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

HOA HÂM TRUYỆN

 


Quản Ninh cắt chiếu đã cho thấy phần giả dối trong con người Hoa Hâm
Thế thuyết tân ngữ cho biết Hâm cùng Quản Ninh cuốc đất ở trong vườn, làm bật lên một miếng vàng. Quản Ninh cứ thế cuốc luôn, xem nó như đá, ngói. Hoa Hâm thì nhặt lên, nhìn ngó một hồi rồi mới vứt. Lại một lần hai người cùng ngồi một chiếu để đọc sách, chợt có một chiếc kiệu đẹp đi qua cửa. Quản Ninh chẳng thèm để ý, còn Hoa Hâm thì vứt sách chạy ra xem. Quản Ninh bèn lấy dao cắt chiếu ra làm đôi, nói với Hâm: “Thầy chẳng phải bạn ta vậy”. “Cắt chiếu tuyệt giao” đã trở thành điển tích nổi tiếng ở Trung Quốc. Con người Hoa Hâm vốn là hết sức hâm mộ vinh hoa phú quý, nhưng lại giả bộ thanh cao. Quản Ninh cuối cùng cũng chịu hết nổi nên mới phản ứng một cách quyết liệt. (Chuyện này không thấy ghi trong Tam quốc chí ?)

HOA HÂM TRUYỆN

Hoa Hâm tự Tử Ngư, người huyện Cao Đường quận Bình Nguyên. Cao Đường là nơi đô hội nổi tiếng của đất Tề, các đồ mũ áo không có cái gì là không có trong chợ. Hâm làm quan, xong việc công lại ra phủ về nhà đóng cửa lại. Bàn luận giữ công bằng, không làm tổn thương người khác. [12] Người cùng quận là Đào Khâu Hồng cũng được người đời biết đến, tự cho rằng mình sáng suốt hơn Hâm. Bấy giờ Vương Phân cùng bọn hào kiệt mưu bỏ Hiến Đế. Lời này chép tại Vũ Đế kỉ. [13] Phân ngầm gọi Hâm, Hồng cùng đặt kế, Hồng muốn đi, Hâm ngăn Hồng nói: "Bỏ hay lập là việc lớn, là cái mà Y, Hoắc cho là khó làm. Vả lại tính Phân mềm yếu không được mạnh mẽ, việc này tất chẳng xong mà họa sẽ ập đến họ hàng. Ông đừng nên đến"! Hồng nghe lời Hâm mà thôi. Sau này Phân quả đúng thua, Hồng mới chịu phục. Cử làm Hiếu liêm, làm chức Lang trung, có bệnh, bỏ chức. Linh Đế băng, Hà Tiến phụ chính, gọi người quận Hà Nam là Trịnh Thái, người quận Dĩnh Xuyên là Tuân Du và bọn Hâm đến. Hâm đến, làm Thượng thư lang. Đổng Trác dời Thiên tử đến ở Trường An, Hâm xin ra làm Hạ Khuê Lệnh, có bệnh lại không đi, bèn từ huyện Lam Điền đến quận Nam Dương. [14]


Bấy giờ Viên Thuật ở tại đất Nhưỡng, giữ Hâm lại. Hâm khuyên Thuật đem quân đánh Trác, Thuật không nghe theo. Hâm muốn bỏ đi, gặp lúc Thiên tử sai Thái phó Mã Nhật Đê đi vỗ về vùng Quan Đông, Nhật Đê cho Hâm làm quan Duyện. Đi về miền đông đến Từ Châu, rồi hạ chiếu bái Hâm làm Dự Chương Thái thú, làm việc trong sạch không phiền nhiễu, quan dân cảm kích mà yêu mến Hâm. [15] 


Tôn Sách lấy đất Giang Đông, Hâm biết Sách giỏi dùng binh, bèn buộc khăn chờ đón. Sách cho Hâm là bậc trên, dùng lễ khách trên đãi Hâm. [16] Sau đó Sách chết. Thái Tổ ở tại Quan Độ, dâng biểu xin Thiên tử gọi Hâm. Tôn Quyền không muốn sai đi, Hâm bảo Quyền nói: "Tướng quân nhận lệnh vua, mới giao kết với Tào Công, chức phận chưa vững, sai kẻ hèn này đến để tỏ rõ làm lòng thành của Tướng quân, há không có ích sao? Nay giữ kẻ hèn này lại rỗi rãi, đấy là giữa một vật không dùng được, không phải là kế hay của Tướng quân vậy"! Quyền ưng, bèn sai Hâm đi. Bọn bạn bè, tân khách tiễn Hâm đến hơn nghìn người, tặng cho mấy trăm lạng tiền, Hâm đều không cầm lấy của ai, ngầm đều ghi nhớ, đến lúc sắp đi, đều tụ các vật lại, bảo các tân khách nói: "Ta vốn không từ chối lòng thành của các ông, mà nhận lại nhiều. Nghĩ rằng ngồi xe một mình đi xa sẽ mang lấy tội lấy nhiều ngọc, mong tân khách nghĩ kĩ". Mọi người đều giữ vật mà mình tặng lại mà phục đức của Hâm.


[12] Ngụy lược viết: "Hâm cùng người quận Bắc Hải là Bính Nguyên, Quản Ninh đều du học, ba người thân nhau, bấy giờ người đời gọi ba người là 'một con rồng', Hâm là đầu rồng, Nguyên là bụng rồng, Ninh là đuôi rồng". Thần là Tùng Chi cho rằng: Bính Căn Củ có tiếng tốt đạo hay, không phải thẹn với Hoa Công, Quản Ấu An lại có đức ở ẩn, lại e rằng không đáng là đuôi rồng. Ngụy lược viết như thế, chưa phải là đúng trước sau vậy.


[13] Ngụy thư viết là Phân có tiếng cao ở thiên hạ.


[14] Hoa kiệu phả tự viết: "Hâm thuở trẻ có đức cao tiếng tốt. Tránh loạn kinh tây, cùng kẻ chung chí hướng là sáu người bọn Trịnh Thái, lén đi ra khỏi cửa Vũ Quan, trên đường gặp một ông già đi một mình, xin cùng đi, đều thương cảm ưng cho. Chỉ có Hâm nói: 'Không nên. Nay đang ở trong lúc nguy hiểm, họa phúc hoạn hại không chỉ có một. Không quen mà nhận người ta, không biết người ta thế nào. Nếu đã nhận người ta, nhỡ có lúc tiến hoặc lui, bỏ người ta được sao'. Mọi người không nỡ, rút cuộc cùng đi. Ông già ấy đi trên đường rơi xuống giếng, đều muốn bỏ người này. Hâm lại nói: 'Đã cùng đi rồi, nếu bỏ người ta là bất nghĩa'. Cùng nhau đem người này lên rồi mới chia tay. Mọi người đều khen ngợi Hâm".


[15] Ngụy lược viết: "Dương Châu Thứ sử Lưu Do chết, dân trong châu muốn bầu Hâm làm chủ.


Hâm cho là vì thời thế mà tự ý ra lệnh là không hợp đạo của bây tôi. Dân giữ ý nhiều tháng, cố ý bắt làm, nhưng cũng không theo".


[16] Ngô lịch của Hồ Xung viết: "Tôn Sách đánh quận Dự Chương, sai Ngu Phiên dụ Hâm trước. Hâm đáp nói: 'Hâm ở lâu tại miền Giang Biểu, thường muốn về miền bắc; nay Tôn Cối Kê đến, tại lại được đi vậy'. Phiên về báo Sách, Sách bèn đem quân đến. Hâm đội khăn vải đón Sách, Sách bảo Hâm nói: 'Ông phủ đức lành tiếng cao, xa gần đều nghe; Sách tuổi thơ dại, nên dùng lễ của bậc con em'. Bèn cúi bái Hâm". Hoa kiệu phả tự viết: "Tôn Sách lấy được Dương Châu, quân đông đến gần quận Dự Chương, cả quận sợ hãi. Quan thuộc xin ra ngoài thành đón, Hâm nói: 'Không được'. Sách bèn đến, lại xin đem quân ra, lại không nghe. Vừa lúc Sách đến, cả phủ đều làm gác, xin đi tránh Sách. Lại cười nói: 'Nay tự đem quân đến, sao lại vội tránh'? Chốc lát, thuộc hạ báo nói: 'Tôn Tướng quân đến'. Xin gặp, bèn đến cùng ngồi với Hâm, nói chuyên hồi lâu đến đêm mới đi. Kẻ sĩ nghe nói đều thở dài và lòng mới tự yên vậy. Sách bèn giữ lễ con em, dùng lễ khách trên. Bấy giờ kẻ sĩ, đại phu tránh loạn đến tại miền Giang Nam rất đông, đều đến dưới chỗ Hâm, người người trông mong. Hễ Sách hội họp, người ngồi trên chẳng ai dám nói ra trước, Hâm bấy giờ đứng dậy thay áo, rồi bàn luận sôi nổi. Hâm uống rượu tốt, đến hơn một thạch mà không say, mọi người dòm xét, thường thấy Hâm sửa mũ áo là cho là lạ, người Giang Nam gọi Hâm là 'ông Hoa ngồi một mình'". Giang Biểu truyện của Ngu Phổ viết: "Tôn Sách ở tại huyện Tiêu Khâu, sai Ngu Phiên dụ Hâm. Phiên đã đi, Hâm mời Công tào Lưu Nhất vào bàn. Nhất khuyên Hâm giữ ở thành, sai người đem hịch đón quân. Hâm nói: 'Ta dẫu là được Lưu Thứ sử sắp đặt, tin dùng, vẫn là quan cầm phù tiết vậy. Nay theo lời ông, sợ rằng lúc chết vẫn còn bị trách tội'. Nhất nói: 'Vương Cảnh Hưng đã được nhà Hán dùng, vả lại thời nay quân dân Cối Kê đông mạnh, vẫn được tha thứ, ông phủ còn lo gì'? Do đó buổi đêm viết hịch đón, sáng sớm ra thành, sai quan lại đến đón. Sách bèn đem quân đến, gặp nhau với Hâm, dùng lễ khách trên mà đãi, dùng lễ bạn bè mà tiếp". Tôn Thịnh nói: Ôi cách làm việc hay là nên xét lời hẹn tối hay rõ trước để định chức phận, thời xấu thì bao bọc để giữ thân mình, thời tốt thì làm viêc nghĩa để đạt cái đạo của mình. Hâm đã không bị giết, không tỏ rõ phong thái rời xa, lại làm mất cái tiết tháo trung thành của bầy tôi, cho nên lòng ngả theo lời của bọn Nho xấu, giao kết với bọn xằng bậy, bị một thằng trẻ con cướp chức, làm giảm tiết tháo ở thời ấy. Xưa Hứa, Thái mất chức vị, không được liệt làm chư hầu; việc của Châu Công, Thực Lai xưa, đến nay người đất Lỗ vẫn cho là nhục nhã. Huống chi là Hâm, lỗi nào lớn hơn!


Hâm đến, bái làm Nghị lang, tham mưu việc quân cho quan Tư không, vào làm Thượng thư, chuyển làm Thị trung, thay Tuân Úc làm Thượng thư lệnh. Thái Tổ đánh Tôn Quyền, cho Hâm làm Quân sư. Nước Ngụy đã dựng, làm Ngự sử Đại phu. Văn Đế lên ngôi Vương, bái làm Tướng quốc, phong An Lạc Hương Hầu. Lúc lên ngôi Đế, đổi làm Tư đồ. [16] Hâm vốn tính khắc khổ, bổng lộc được ban tặng đều đem cấp cho bạn cũ, họ hàng, trong nhà không chứa đủ một thạch, một đảm gạo. Công khanh thường đều được ban thì cho vào miệng ăn, chỉ có Hâm đem ra cho người khác. Đế than thở. [17] Hạ chiếu nói: "Quan Tư đồ là bậc già cả của nhà nước, là người trông coi các điều hòa âm dương. Nay các quan lớn ăn món ngon, mà quan Tư đồ ăn món nhạt, thật không còn gì nói". Ban riêng cho áo của vua, cùng làm quần áo cho vợ con trai gái của Hâm. [18] Tam phủ bàn rằng: "Cử làm Hiếu liêm, cốt ở đức hạnh, không bó buộc ở việc thử kinh truyện". Hâm cho rằng: "Từ thời nhiễu loạn đế nay, sáu cõi đổ vỡ, nay đang lúc dựng lại để sửa lại đạo lí. Kẻ làm trái phép chế dẫn đến thịnh thành suy. Nay nghe nói cử Hiếu liên không dùng cách thử kinh truyện, sợ rằng nghề học do đó mà bị bỏ. Nếu có kẻ tài lạ, nên gọi đến dùng. Chỉ lo không có người như thế, lo gì không tìm được người như thế"? Đế theo lời này.


[16] Ngụy thư viết: "Văn Đế nhận ngôi, Hâm lên đàn cùng bàn, nhận ấn thao của Hoàng đế để làm xong lễ nhận lệnh". Hoa kiệu phả tự viết: "Văn Đế nhận ngôi, bầy tôi từ bậc Tam công trở xuống đều nhận tước vị; Hâm bấy giờ tỏ sắc mặt trái ngược, chuyển làm Tư đồ mà không thêm tước vị. Ngụy Văn Đế lâu ngày không vui, đem việc này hỏi Thượng thư lệnh Trần Quần nói: 'Ta theo mệnh trời nhận ngôi, trăm quan bầy tôi chẳng ai không vui mừng, lộ vẻ trên mặt, vậy mà Tướng quốc và ông không vui, sao thế'? Quần đứng dậy rời chiếu quỳ lạy nói: 'Thần cùng Tướng quốc từng thờ nhà Hán, lòng dẫu vui mừng, nếu tỏ ra mặt thì cũng sợ Bệ hạ tặng đúng tước vị lại bị ghét vậy'. Đế cả mừng, bèn thêm kính trọng".


[17] Tôn Thịnh nói: "Thịnh nghe nói thưởng dùng vật tốt, phạt nên dùng oai, phải cốt ở người chủ, quyền bính nên rộng thứ, gốc từ người làm vua. Tử Lộ biếu riêng, Trọng Ni đập vỡ bát ăn; họ Điền làm cướp, sách Xuân thu chê cười. Trở thành lời khen hay chê ấy, đã đúng rõ nghĩa vậy. Kẻ bị phạt tội thì hình pháp chờ sẵn, nhà được ban tặng thì vật ban tặng được ban cho, nếu có thương xót thì cũng không nên đối đãi lệch lạc. Hâm giữ phận đùi tay, cùng chức quan đứng đầu thì nên nói rõ với triều đình để biểu dương lộc trời, vậy mà yên lặng nhận ban tặng, chỉ mình làm quân tử, đã phạm vào điều cấm của việc ban phúc, lại trái với cái nghĩa của việc phải từ chối, có thể nói đấy là cái lòng nhân của kẻ thất phu, không phải là đạo thẳng vậy". Ngụy thư viết: "Tính Hâm tỉ mỉ, làm việc cẩn thận, thường cho rằng bầy tôi khi bàn việc, các việc như can gián phải hợp đạo mới quý, lúc có lời bàn cũng không dám nói rõ ra, cho nên việc của Hâm phần nhiều không được chép". Hoa kiệu phả tự viết: "Hâm thờ ơ với tiền của, các vật được ban tặng trước sau dẫu các quan được ban tặng cũng không ai sánh kịp, nhưng cuối cùng không có tiền của dư thừa. Trần Quần thường than nói: 'Như Hoa Công có thể nói là thông thoáng mà không tốt, trong sạch mà ngay thẳng vậy'". Phó Tử nói: "'Dám hỏi quân tử của thời nay là ai'? Đáp nói: 'Viên Lang trung tích đức tiết kiệm, Hoa Thái úy tích đức giữ thuận, theo kịp được cái trí của họ nhưng không theo kịp sự trong sạch của họ vậy. Đem lòng trung thờ vua, lấy lòng nhân giúp kẻ dưới, Án Anh, Hành Phỉ lấy gì hơn được'"?


[18] Ngụy thư viết: "Lại ban cho năm mươi nô tì".


Giữa năm Hoàng Sơ, hạ chiếu công khanh cử người quân tử đức hạnh, Hâm cử Quản Ninh, Đế dùng xe đến đón về. Minh Đế lên ngôi, tiến phong Bác Bình Hầu, thêm ấp năm trăm hộ cùng một nghìn ba trăm hộ lúc trước, lại bái làm Thái úy. [19] Hâm xưng bệnh xin lui, nhường chức cho Ninh. Đế không nghe. Sắp đến hội chầu, bèn sai Tán kị Thường thị Mậu Tập đem chiếu dụ đến nói: "Trẫm vừa coi xét việc, mỗi ngày có vạn việc, sợ rằng xét đoán không rõ. Nhờ vào bầy tôi có đức, giúp đỡ cho trẫm, mà ông thường xưng bệnh từ chức. Vua xét chủ chọn, không chỉ ở lúc hội chầu, trao vinh bỏ lộc, không xét đến chức vị, là cái mà người xưa có rồi. Xem thấy Chu Công, Y Doãn thì không như thế. Giữ tiết trong sạch, người ta thường làm thế, không mong ông làm thế. Ông nên gắng đến hội chầu để ban ân cho một người. Sẽ đặt mấy cái chiếu, lệnh trăm quan đến ngồi để đợi ông đến, sau đó trẫm mới ngồi". Lại hạ chiếu cho Tập nói: "Đợi Hâm dậy rồi mới về". Hâm bất đắc dĩ phải dậy.


[19] Liệt dị truyện viết: "Thời Hâm còn đi học, từng ở trọ ngoài nhà người ta. Vợ của chủ nhà buổi đêm sinh con. Chốc lát, có hai viên quan đến cửa, lại thay nhau gõ cửa, bảo nhau nói: 'Công ở đây'. Chờ đợi hồi lâu, một viên quan nói: 'Sổ sách phải chờ, sao lại đứng đây'? Bèn đi đến hỏi Hâm, cùng đi vào. Cũng cùng ra, cùng nói: 'Nên cho mấy tuổi'? Một người nói: 'Cho ba tuổi'. Ngày sau, Hâm đi. Sau đó muốn xét lại việc này, đến ba năm, bèn đến xem tin tức của đứa bé, quả đã chết. Hâm lại tự biết mình làm Công". Thần là Tùng Chi cho rằng: Xét sách Tấn Dương thu cũng nói về việc Ngụy Thư thuở nhỏ có ở trọ cũng như thế. Cho rằng về lí không có hai người đều có việc này, cũng vì người bảo nhau không giống nhau. Sao tin Liệt dị truyện?


Giữa năm Thái Hòa, sai Tào Chân từ hang Tí Ngọ đi đánh Thục, xe vua về phía đông đến Hứa Xương. Hâm dâng sớ nói: "Thời binh loạn đến nay, trải qua hai đời. Đại Ngụy theo trời nhận lệnh, Bệ hạ có đức cao rộng rãi, nên mở rộng cơ nghiệp một thời, nối theo vết tích của Tam vương. Nay dẫu có hai tên giặc dựa vào chỗ hiểm mà chống lệnh, nhưng giáo hóa ngày càng sửa tốt thì người phương xa trông mong, sẽ cõng địu nhau mà đến. Binh bất đắc dĩ mới dùng, nên dừng lại mà điều động tùy lúc. Thần thực mong Bệ hạ dốc lòng sửa đạo việc trước, đánh dẹp là việc sau. Vả lại nghìn dặm vận lương, không phải là cái lợi của việc dùng binh; vào sâu chỗ hiểm, không chỉ có cái công đánh trận. Nghe nói việc kêu gọi lao dịch năm nay có phần làm lỡ việc cày cấy. Người trị nước lấy dân làm nền, dân lấy việc cày cấy làm gốc. Nếu Trung Quốc không có nỗi lo đói rét, trăm họ không có lòng rời đất đai, thì thiên hạ may lắm, cái xấu của hai kẻ địch có thể ngồi mà đợi vậy. Thần nắm chức Tể tướng, bệnh già lâu ngày, mệnh chó ngựa sắp hết, sợ không còn được bái gặp dưới ô lọng, không dám không dóc hết lòng của bầy tôi, mong Bệ hạ xét kĩ"! Đế báo nói: "Ông nghĩ kế sâu xa cho nhà nước, trẫm rất khen ngợi. Giặc dựa vào sông núi, hai vị tổ tiên khó nhọc ở đời trước vẫn không đánh dẹp được, trẫm há dám tự cao, quyết diệt được giặc sao! Các tướng cho rằng không thể lấy được trong một chốc, không phải vì tự làm khó giặc, đấy là đem quân để dò xét cái xấu của giặc thôi. Nếu thời cơ chưa đến thì đem quân lính về, cũng để soi xét việc trước, là điều răn dạy mà trẫm kính theo không quên". Bấy giờ mùa thu mưa to, hạ chiếu Chân dẫn quân về. Năm Thái Hòa thứ năm, Hâm hoăng, thụy là Kính Hầu. [20] Con là Biểu thay. Trước đây, Văn Đế phân ấp hộ cho Hâm, phong em Hâm là Tập làm Liệt hầu. Biểu giữa năm Hàm Hi làm Thượng Thư. [21]


[20] Ngụy thư viết: "Hâm bấy giờ bảy mươi lăm tuổi".


[21] Hoa kiệu phả tự viết: "Hâm có ba người con. Biểu tự Vĩ Dung, hơn hai mươi tuổi làm Tán kị Thị lang. Bấy giờ các quan Lang cùng bàn việc Thượng thư. Việc Thượng thư đến, có chỗ không thuận, cho nên bỏ sót không xem, đến lúc người đưa thư đi, liền vào bàn bạc sâu xa. Chỉ có Biểu không cho là đúng, việc đến có chỗ không thuận, liền cùng Thượng thư bàn hết các ý, người chủ việc cố giữ ý mình, bất đắc dĩ sau đó cùng dâng tấu bàn bạc. Bọn Tư không Trần Thái, Trần Quần do đó khen Biểu. Làm quan cho nhà Tấn, trải qua các chức Thái tử Thiếu phó, Thái thường. Xưng bệnh về nghỉ, bái làm Quang lộc Đại phu. Tính thanh đạm, thường lo đạo lí của thiên hạ suy kém. Bọn Tư đồ Lí Dận, Tư lệ Vương Mật, Vương Hoằng thường khen nói: 'Như người này, không thể quý trọng được, không thể coi thường được, không thể gần gũi được, không thể xa lánh được'. Con giữa là Bác, làm qua chức Nội sử của ba huyện, làm việc có tiếng tăm. Con út là Chu, làm Hoàng môn Thị lang, Thường Sơn Thái thú, học rộng có văn vẻ. Tuổi trung niên mắc bệnh, chết tại nhà. Biểu có ba người con. Con cả là Dực, tự Trưởng Tuấn". Tấn chư công tán viết: "Dực có văn vẻ, làm qua các chức Thượng thư lệnh, Thái tử Thiếu phó, truy tặng chữ Quang lộc Đại phu Khai phủ. Kiệu tự Thúc Tuấn, có học giỏi, soạn sách Hậu Hán thư, người đời khen là quan tốt. Làm Bí thư giám, Thượng thư. Đạm tự Huyền Tuấn, được biết tên tuổi nhất, làm Hà Nam Doãn. Dực có ba người con. Côn tự Kính Luân, trong sạch tiết kiệm, làm Thượng thư. Hội tự Kính Thúc. Người đời khen ngợi Hội ngay thẳng. Hằng tự Kính Tắc, thông suốt sánh với Côn, làm Thượng thư; Hội làm Hà Nam Doãn; Hằng làm Tả Quang lộc Đại phu Khai phủ; con Đạm là Dật, tự Ngạn Hạ, có tài chí ở thời ấy, làm Giang Châu Thứ sử".

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét