QUYỂN 7 - BÀNG THỐNG PHÁP CHÍNH TRUYỆN
Bàng Thống, Pháp Chính
Bàng Thống (龐統) |
BÀNG THỐNG TRUYỆN
Bàng Thống, tự Sĩ
Nguyên, người ở Tương Dương. Thuở nhỏ chất phác ngu độn, kiến thức thiếu sót.
Tư Mã Huy (1) ở Dĩnh Xuyên là người thanh nhã, có mắt nhìn người, năm Thống vừa
trưởng thành tới gặp Huy, Huy hái lá dâu trên cây, Thống ngồi dưới gốc cây, hai
người nói chuyện từ sáng tới đêm. Huy rất kì lạ, gọi Thống là kẻ sĩ hàng đầu của
các châu phía nam bấy giờ, bởi thế danh tiếng Thống dần vang xa.
Tương Dương kí chép:
Gia Cát Khổng Minh là Ngọa Long, Bàng Sĩ Nguyên là Phượng Sồ, Tư Mã Đức Tháo là
Thủy Kính, đều là lời của Bàng Đức Công cả. Đức Công là người ở Tương Dương. Khổng
Minh thường hay tới nhà, một mình lạy ở dưới giường, Đức Công ban đầu chẳng chỉ
bảo gì. Đức Tháo từng tới chỗ Đức Công, gặp lúc Đức Công qua sông Miện, lên tế
mộ tổ tiên, Đức Tháo bèn vào thẳng nhà, gọi vợ con Đức Công, bảo nhanh chóng
chuẩn bị cơm nước, “Từ Nguyên Trực hướng vào nhà nói có khách lại để cùng Bàng
Công đàm luận”. Vợ con Đức Công đều ra lạy chào, quỳ khắp cả nhà, rồi vọi vã chạy
đi bày tiệc. Chốc lát, Đức Công về, vào thẳng nhà gặp gỡ, chẳng biết sao lại có
khách. Đức Tháo nhỏ hơn Đức Công mười tuổi, tôn Đức Công làm anh, gọi là Bàng
Công, bởi thế người đời bèn bảo Bàng Công chính là tên của Đức Công, chẳng phải
như vậy. Con Đức Công là Sơn Dân, cũng có danh tiếng, lấy chị gái nhỏ của Gia
Cát Khổng Minh, làm Hoàng môn lại bộ thị lang của Ngụy, mất sớm. Con Dân là
Hoán, tự Thế Văn, những năm giữa niên hiệu Thái Khang nhà Tấn làm thái thú Tang
Ca. Thống là cháu gọi Đức Công bằng chú (bác), tuổi nhỏ kiến thức thiếu sót, chỉ
có Đức Công coi trọng Thống, năm Thống mười tám tuổi, sai đến gặp Đức Tháo. Đức
Tháo cùng trò chuyện, lát sau than rằng: Đức Công thật biết nhìn người, người ấy
quá giỏi vậy.
Sau quận cho Thống
làm Công tào. Tính Thống yêu thích đạo lý làm người, siêng năng phụng dưỡng người
cao tuổi. Nói chuyện thường hay bày tỏ quá mức, nhiều điều vượt cả chức phận,
người đương thời lấy làm lạ hỏi Thống, Thống đáp: Hiện nay thiên hạ đại loạn,
chính đạo suy đồi, thiện nhân thì ít mà ác nhân thì nhiều. Ý tôi muốn chấn hưng
phong tục, nâng cao đạo nghiệp, đàm luận mà không hay tức thanh danh chưa đủ
ngưỡng vọng, chưa đủ ngưỡng vọng thì điều thiện sẽ ít vậy. Nay tôi nêu lên mười
điều chắc rơi rụng mất năm, cũng còn được một nửa, có thể truyền bá sự giáo
hóa, khiến kẻ có chí được khích lệ, cũng không nên hay sao? Tướng Ngô là Chu Du
giúp Tiên chủ lấy Kinh Châu, nhưng lại làm thái thú Nam Quận. Du chết, Thống
đưa tang về Ngô, người Ngô đa phần đều nghe danh Thống. Đến lúc quay về phía
tây, mọi người tụ họp ở Xương Môn, Lục Tích, Cố Thiệu, Toàn Tông đều tới. Thống
nói: Lục tiên sinh ví như con ngựa chạy chậm mà có sức chân nhanh, Cố tiên sinh
ví như con trâu hèn mà có thể kéo nặng đi xa vậy.
Trương Bột ngô lục
chép: Có người hỏi Thống rằng: Cứ như tôi thấy, Lục tiên sinh có vẻ giỏi hơn
ông? Thống nói: Ngựa chạy chậm tuy tinh, nhưng cái tài ấy chỉ đủ cho một mình vậy.
Trâu hèn ngày đi ba trăm dặm, nhưng cũng chỉ đủ mang một mình mà thôi. Thiệu tới
chỗ Thống ngủ lại một đêm, trò chuyện, nhân đó hỏi: Ngài có tiếng là biết nhìn
người, xin hỏi tôi với ngài ai hơn? Thống đáp: đào tạo thế tục, kén chọn nhân
tài, tôi không bằng ngài; bàn luận kế sách đế vương, nắm hết cái thiết yếu nhất
của chính trị, tôi hơn hẳn ngài. Thiệu phục những lời ấy mà thân thiết với Thống.
Thống bảo Toàn Tông rằng:
Ngài là người mẫu mực, yêu danh, có thể ví với Phàn Tử Chiêu ở Nhữ Nam, Tưởng Tế
vạn cơ luận nói Hứa Tử Tương khen chê không công bằng, để nâng Phàn Tử Chiêu mà
dìm Hứa Văn Hưu. Lưu Diệp nói: Tử Chiêu thành đạt từ việc buôn bán, tuổi đã sáu
mươi, lui có thể giữ được cái tĩnh, tiến có thể không cẩu thả. Tế đáp: Tử Chiêu
từ trẻ tới già giữ trọn tiết tháo, nhưng quan sát lời ăn tiếng nói, phong thái
đàm luận, thì chẳng sánh bằng Văn Hưu vậy. tuy trí lực không nhiều, song cũng
là kẻ có danh một thời vậy. Tích, Thiệu bảo Thống rằng: Nếu thiên hạ thái bình,
xin cùng ngài liệu đoán kẻ sĩ bốn biển. Hai người cùng Thống kết bạn thâm giao
rồi quay về.
Tiên chủ nắm Kinh
Châu, Thống làm tòng sự, giữ chức huyện lệnh Lỗi Dương, nhưng chẳng ngó ngàng tới
huyện, bị miễn chức. Tướng Ngô là Lỗ Túc để lại thư cho Tiên chủ nói rằng: Cái
tài của Bàng Sĩ Nguyên chẳng phải chỉ trong vòng trăm dặm, nên cho làm Trị
trung biệt giá, mới phát huy hết sức chân của con ngựa Kí (2) vậy. Gia Cát Lượng
cũng nói với Tiên chủ về Thống, Tiên chủ bèn gặp, cùng đàm luận tâm đắc, vô
cùng coi trọng Thống, lấy làm Trị trung tòng sự.
Giang biểu truyện
chép: Tiên chủ cùng Thống ung dung ăn tiệc, trò chuyện, hỏi Thống rằng: Khanh
làm Công tào chỗ Chu Công Cẩn, Cô (3) tới Ngô, nghe thấy người ấy bí mật tâu
trình, khuyên Trọng Mưu (4) lưu ta lại
đó, có việc ấy không? Theo chủ nên vì chủ, khanh đừng giấu ta. Thống
đáp: Có việc ấy. Bị than rằng: Cô đương lúc nguy cấp, phải tới cầu cạnh, không
được không đi, sợ chẳng thoát được khỏi tay Chu Du! Kẻ mưu trí trong thiên hạ,
cách nhìn giống nhau vậy ư. Lúc đó Khổng Minh can Cô đừng đi, vốn chỉ có ý như
vậy, Khổng Minh hẳn cũng lo nghĩ việc ấy. Cô dùng Trọng Mưu để phòng phương bắc,
Trọng Mưu lại nhờ Cô làm viện trợ, việc ấy quyết định chẳng có chút nghi ngờ. Ấy
thật là đi vào chỗ nguy hiểm, chẳng phải kế vạn toàn vậy.
Tiên chủ thân thiết
tiếp đãi Thống chẳng khác gì Gia Cát Lượng, cho cùng Lượng làm Quân sư trung
lang tướng.
Cửu Châu xuân thu
chép: Thống thuyết Bị rằng: Kinh Châu hoang tàn, nhân tài điêu tán, đông có Tôn
Ngô, bắc có họ Tào, cái kế tạo thành chân vạc, khó mà như ý được. Nay Ích Châu
nước giàu dân mạnh, hộ khẩu trăm vạn, binh mã bốn bộ, đều đầy đủ cả, kinh tế chẳng
cần tới bên ngoài, nên quyền biến mượn lấy mà định đại sự. Bị nói: Nay ta với
Tào Tháo như nước với lửa, Tháo cấp bách, ta khoan thai; Tháo tàn bạo, ta nhân
từ; Tháo xảo quyệt, ta trung hậu; cái gì cũng ngược với Tháo cả, việc mới thành
được vậy. Nay được cái nhỏ mà mất đi tín nghĩa với thiên hạ, ta không làm đâu.
Thống nói: Bây giờ là lúc quyền biến, yên định thiên hạ chẳng phải chỉ có một lối
vậy. Sát nhập những nước nhỏ yếu, chính là việc của ngũ bá ngày xưa. Nghịch chiếm
mà thuận trị, báo đáp ấy là nghĩa, sau này mọi việc đã định, phong cho (Lưu
Chương) một nước lớn, sao lại phụ tín được? Nay không lấy Ích Châu, cuối cùng kẻ
khác được lợi mà thôi. Bị nghe theo.
Lượng ở lại trấn giữ
Kinh Châu, Thống theo Tiên chủ vào Thục.
Ích châu mục Lưu
Chương cùng Tiên chủ gặp mặt ở Phù huyện, Thống dâng kế rằng: Nay kẻ ấy đến hội
họp, ta tiện thể bắt lấy, thời tướng quân chẳng mất một binh một tốt, ngồi một
chỗ mà định Ích Châu vậy. Tiên chủ nói: Mới vào nước người ta, ân, tín đều chưa
đủ, cách ấy không được. Chương về Thành Đô rồi, Tiên chủ gánh vác việc bắc
chinh Hán Trung giúp Chương, Thống lại thuyết rằng: Ngầm tuyển tinh binh, bất kể
ngày đêm, tập kích thẳng vào Thành Đô; Chương vốn bất vũ, lại là chỗ quen biết
không phòng bị, đại quân chợt tới, tất chỉ một trận là định được, ấy là thượng
sách. Dương Hoài, Cao Bái, hai danh tướng của Chương cậy binh cường thủ nơi cửa
khẩu hiểm yếu, nghe nói đã mấy lần dâng biểu can gián Chương, xin đuổi tướng
quân về Kinh Châu. Nay tướng quân tới đó, sai người báo trước cho họ biết, nói
Kinh Châu có việc gấp, muốn quay về cứu viện, lại cho binh lính đều sắp xếp
hành trang, bên ngoài làm ra vẻ quay về; hai người ấy đã nghe tiếng anh hùng của
tướng quân, lại mừng rỡ vì tướng quân bỏ đi, tất sẽ cưỡi khinh kị lại đón, tướng
quân nhân đó bắt lấy, rồi mạnh dạn xuất binh, nhắm hướng Thành Đô, đó là trung
sách. Quay về Bạch Đế, rồi dẫn binh về Kinh Châu, thong thả tính kế quay lại lấy
Ích Châu, đó là hạ sách. Nếu do dự chẳng đi, tất sẽ nguy to, không thể đợi thế
được. Tiên chủ chọn theo trung sách, chém ngay được Hoài, Bái, hướng về Thành
Đô, đi tới đâu đánh được tới đó. Tiên chủ mở hội ở Phù huyện, bày tửu yến ăn mừng,
bảo Thống rằng: Hội hôm nay, có thể nói là vui vậy. Thống nói: Đánh nước người
ta mà lấy đó làm vui, thật không đáng là quân của bậc nhân giả. Tiên chủ say rượu,
nổi giận mà rằng: Vũ Vương phạt Trụ, trước ca sau múa, cũng không phải là bậc
nhân giả ư? Khanh nói chẳng hợp lẽ, nên đứng lên mà bước ngay đi! Bởi thế Thống
đắn đo từ chức. Tiên chủ hối hận, thỉnh Thống trở lại. Thống phục chức cũ, cũng
chẳng nghĩ tới việc tạ lỗi trước, cứ ăn uống tự nhiên. Tiên chủ bảo rằng: Bàn
luận bữa trước, là ai thất thố vậy? Thống đáp: Vua tôi cùng thất thố cả. Tiên
chủ cười ầm lên, lại vui vẻ như trước.
Tập Tạc Xỉ (5) nói: Kẻ
bá vương tất lấy nhân, nghĩa làm gốc, cậy tín,
thuận làm chủ, một điều không đủ, thì đạo sẽ không hòa. Nay Lưu Bị đánh
úp, đoạt lấy đất của Chương, tuy quyền biến để nên nghiệp lớn, song phụ tín lìa
tình, đức, nghĩa đều sai, tuy công có lớn, song cái mất cũng nhiều, chẳng khác
gì chặt tay để giữ lấy thân thể, sao vui được đây? Bàng Thống sợ lời nói ấy lan
ra ngoài, biết chắc rằng quân chủ sẽ thấu hiểu, cho nên công khai chỉnh sửa lỗi
lầm (của Bị) mà chẳng quan tâm đến đạo lý khiêm cung. Lời trách mắng tuy quá kịch
liệt nhưng đã biểu lộ tác phong cương trực, khẩu phong lanh lẹ. Quân chủ lầm lỗi
nhưng biết cải sửa là nhờ bày tôi biết can gián vậy. Dung nạp ý kiến chính đáng
mà không chấp vào ý kiến cá nhân là thuận theo lý vậy. Có bày tôi giỏi thì
vương quyền hưng thịnh; theo lý thì mọi chính sắch đều đươc thi hành. Một lời
mà thu đủ ba điều lợi; (lời) khuyên ngắn mà sáng soi ngàn đời. Có thể nói đã đạt
được đại thể (của đạo trị quốc) Nếu chỉ chăm chăm cái thua thiệt nhỏ thì đánh mất
lợi ích quốc gia. Nếu bo bo giữ ý kiến sai lầm mà phế bỏ rường mối dài lâu,
(quân vương) như vậy mà mong hoàn thành đại nghiệp, chưa từng có vậy.
Thần Tùng Chi cho rằng
mưu tập kích Lưu Chương, tuy là kế của Thống, nhưng trái với nghĩa để nên công,
vốn là cái đạo dối trá, lòng Thống đã áy náy, tất cái vui vẻ tự tắt, bởi thế
nghe Bị nói là vui, bất giác buột miệng mà đáp lại vậy. Bị thỏa thuê yến tiệc
chẳng đúng lúc, việc ấy giống như cười trên nỗi đau kẻ khác, tự so mình với Vũ
Vương mà chẳng hề xấu hổ, ấy là Bị không đúng chứ Thống chẳng sai, Thống nói:
“Vua tôi cùng thất thố cả”, chỉ là lời che đậy, cùng chia sẻ cái lỗi vậy. Lời
bàn của họ Tập, tuy đại ý không sai, nhưng những lời suy diễn như thế, cũng có
chút phóng túng vậy.
Quân vây Lạc huyện,
Thống suất binh công thành, bị trúng tên lạc mà chết, năm ấy Thống ba mươi sáu
tuổi. Tiên chủ thương tiếc Thống, nhắc tới là rơi nước mắt. Phong cho phụ thân
của Thống làm Nghị lang, sau thăng làm Gián nghị đại phu, do Gia Cát Lượng đích
thân bổ nhiệm. Thống được truy tặng tước quan nội hầu, tên thụy là Tĩnh hầu.
Con Thống là Hoành, tự Cự Sư, tính cương trực giản dị, dám khen dám chê, vì ngạo
mạn coi thường Thượng thư lệnh Trần Chi, bị Chi đè nén, khi chết cũng chỉ làm tới
Thái thú Phù Lăng. Em Thống là Lâm, làm Trị trung tòng sự ở Kinh Châu, theo Trấn
bắc tướng quân Hoàng Quyền chinh Ngô, thua trận, theo Quyền hàng Ngụy, Ngụy
phong làm Liệt hầu, quan tới Thái thú Cự Lộc.
Tương Dương ký chép:
Vợ của Lâm là em gái Tập Trinh (6) , người cùng quận. Sự tích của Trinh được
chép trong Phụ thần tán của Dương Hí. Tào Công đánh phá Kinh Châu, vợ Lâm cùng
Lâm chia cách, trông coi nuôi dưỡng đứa con gái nhỏ mới hơn mười tuổi, sau Lâm
theo Hoàng Quyền hàng Ngụy, mới được đoàn tụ. Ngụy Văn Đế (7) nghe vợ Lâm hiền,
ban cho màn chiếu y phục, để nghĩa tiết được vẻ vang.
CHÚ THÍCH
(1) Tư Mã Huy tự là Đức
Tháo.
(2) Ngựa Kí là con ngựa
hay, ngày đi được nghìn dặm. Ý ở đây là nên cho Thống làm Trị trung biệt giá, mới
xứng với tài năng của Thống.
(3) Lưu Bị tự xưng
mình là Cô.
(4) Trọng Mưu là tên
tự của Tôn Quyền.
(5) Tập Tạc Xỉ là tác
giả của Hán Tấn xuân thu. Những lời trên Bùi Tùng Chi trích từ Hán Tấn xuân
thu.
(6) Tập Trinh là người
nổi tiếng ở đất Kinh Châu. Họ Tập là một trong những họ lớn, có ảnh hưởng ở đất
đó. Khi Lưu Bị lấy được Kinh Châu, Tập Trinh cũng hỗ trợ việc ổn định chính quyền
rất nhiều.
(7) Tào Phi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét