Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

CA NGỢI BÓNG ÂM - 3

 CA NGỢI BÓNG ÂM - Tuỳ bút mĩ học về văn hoá Nhật Bản và phương Tây (Kì 3)

Jun’ichiro Tanizaki 
Hà Vũ Trọng dịch

 

6.  Ánh nến và đồ sơn mài


Ở Kyoto có một nhà hàng nổi tiếng tên là Waranjiya (Thảo Hài Ốc)[1],  một trong những điểm hút khách của nhà hàng này cho tới gần đây là phòng ăn vẫn được thắp bằng giá nến xưa chứ không phải đèn điện; nhưng mùa xuân năm nay khi tôi đến sau một thời gian dài vắng bóngnhững giá nến giờ đã thay bằng đèn điện kiểu đèn lồng xưa. Tôi hỏi họ thay từ bao giờ và được biết hồi năm ngoái, do một số thực khách than phiền ánh nến quá mờ cho nên bất đắc dĩ phải thay – nhưng nếu tôi thích theo kiểu cũ thì họ vui lòng mang giá nến tới. Vì điều đó mà tôi đến đây, vậy nên tôi yêu cầu họ mang lại. Và rồi tôi nhận ra rằng chỉ dưới ánh sáng chập choạng thì vẻ đẹp thực sự của đồ sơn mài Nhật mới được bộc lộ. Các gian phòng tại Waranjiya rộng khoảng bốn chiếu rưỡi, bằng cỡ một trà thất nhỏ ấm cúng, cột tường và trần nhà bừng lên một lớp bóng ám khói mờ, tối tăm ngay cả có ánh ngọn đèn. Nhưng dưới ánh sáng mờ ảo hơn từ giá nến, khi nhìn kĩ nào những cái khay và chén bát nằm trong những cái bóng hắt xuống từ đốm lửa chập chờn kia, tôi phát hiện qua nước bóng của đồ sơn mài một chiều sâu thăm thẳm và phong phú như một cái ao đen huyền tĩnh lặng, một vẻ đẹp mà tôi chưa từng thấy. Tôi cũng nhận ra đó không phải là ngẫu nhiên, tổ tiên chúng ta khi phám phá ra sơn mài, quả là họ đã cưu mang một tình cảm trìu mến trong những đồ vật được hoàn thiện với màu sơn này.


Một người bạn Ấn Độ từng nói với tôi rằng ở đất nước ông bộ đồ ăn bằng gốm vẫn bị xem thường, còn đồ sơn mài đang được dùng rộng rãi hơn nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế thì chúng ta dùng mọi thứ bằng gốm, trừ khay và bát canh; đồ sơn mài, ngoại trừ trong trà đạo và những dịp nghi thức long trọng khác, thì bị coi là thô tục và khiếm nhã. Điều này tôi ngờ rằng một phần do lỗi “sáng chói” của ánh điện hiện đại được tán dương quá mức. Bóng tối là yếu tố không thể thiếu làm nên vẻ đẹp sơn mài. Thậm chí ngày nay người ta còn làm ra sơn mài màu trắng, nhưng đồ sơn mài trong quá khứ đã hoàn thiện với màu đen, nâu, hoặc đỏ, những màu sắc được bồi đắp bằng nhiều lớp bóng tối tích tụ mà thành, là sản phẩm tất yếu của bóng tối mà sự sống ở trong đó. Đôi khi một tuyệt phẩm sơn mài đen được tô điểm với những lốm đốm vàng hay bạc, như cái hộp hoặc cái bàn hoặc chiếc kệ, với tôi trông có vẻ vừa sặc sỡ vừa dung tục, thế nhưng để làm hiện ra cái khoảng không tối đen như mực với những hoa văn lấp lánh vàng bạc ấy, và muốn thắp sáng chúng lên thì không phải bằng ánh mặt trời hoặc đèn điện mà bằng đèn lồng hoặc chỉ một ngọn nến: những đồ vật loè loẹt ấy bỗng trở nên u trầm, tinh tế, và trang nghiêm. Những nghệ nhân xưa khi hoàn tất tác phẩm sơn mài và trang trí chúng bằng những hoa văn lấp lánh, chắc hẳn họ đã mường tượng chúng đặt trong những căn phòng tối và tìm cách làm cho chúng có hiệu ứng phản xạ tuyệt vời dưới thứ ánh sáng yếu ớt đó. Khi vàng được dát quá độ, tôi cũng hình dung và thấy trong bóng tối chúng sẽ ánh lên ra sao khi phản chiếu ngọn đèn. 


Đồ sơn mài trang trí dát vàng không phải là thứ để ngắm dưới ánh sáng rực rỡ và nhìn thoáng một cái mà thấy hết được; nó nên được đặt trong bóng tối để một phần chỗ này chỗ nọ bắt lấy thứ ánh sáng lờ mờ. Những hoa văn cầu kì của nó lùi vào bóng tối, gợi lên thay vào đó là một vầng hào quang khó tả của sự sâu thẳm và bí ẩn, của những gợi ý và ám thị một phần nào. Nước bóng của sơn mài toát ra trong màn đêm phản chiếu từ ngọn nến chập chờn cho biết hơi gió thi thoảng tìm cách lọt vào gian phòng tĩnh mịch, cám dỗ ta vào trạng thái huyền ảo. Nếu lớp sơn mài bị tước đi thì sức mê hoặc của nó cũng biến mất khỏi cái thế giới huyễn mộng được tạo bằng thứ ánh sáng kì lạ từ ngọn nến hay ngọn đèn, của thứ ánh sáng dao động theo nhịp đập của màn đêm.


Thật vậy, thứ ánh sáng mong manh ấy, khó nắm bắt, dập dờn như thể những dòng suối nhỏ đang chảy trong gian phòng, thu thập những vũng nước nhỏ đây đó thành một hoa văn sơn mài trên bề mặt của màn đêm.


Đồ gốm sứ tuy cũng thích hợp dùng làm bộ đồ ăn, nhưng chúng thiếu những bóng âm và độ thâm trầm của sơn mài. Đồ gốm thì nặng và lạnh khi sờ vào, phát ra tiếng lách cách, loảng xoảng, và truyền nhiệt nhanh cho nên không tiện để đựng đồ ăn nóng. Còn đồ sơn mài thì nhẹ, sờ thấy mịn và hầu như không gây ra âm thanh. Tôi thấy ít có khoái cảm nào hơn khi cầm trong tay một bát canh sơn mài, cảm nhận được độ nặng của chất lỏng và độ ấm áp của nó trong lòng bàn tay. Cảm giác này giống như đang nâng niu một bé sơ sinh bụ bẫm vậy. Có những lí do chính đáng tại sao bát canh sơn mài hiện vẫn còn được dùng do những phẩm chất mà bát gốm sứ không có được. 


Khi nhấc cái nắp ra khỏi bát gốm sứ, trong đó là nước canh và mọi sắc thái của chất thể đều lộ ra. Còn với bát sơn mài, có một vẻ đẹp trong khoảnh khắc mở nắp và nâng bát lên miệng là lúc ta nhìn vào khoảng chất lỏng tĩnh lặng im lìm trong lòng bát tối u huyền mà màu sắc của nó gần giống màu của chính cái bát. Những gì nằm trong cái bóng tối ấy người ta không thể phân biệt, nhưng lòng bàn tay cảm nhận sự lưu động nhẹ nhàng của chất lỏng, hơi bốc lên đọng những giọt li ti quanh vành bát, và mùi thơm theo hơi toả ra một hương vị thanh tao. Thật là một cảnh giới khác biệt giữa khoảnh khắc này với khoảnh khắc của món súp dọn ra theo kiểu Tây trong một cái bát nông toèn và trắng nhợt. Cái khoảnh khắc thần bí ấy gần như có thể gọi là khoảnh khắc của hương vị thiền.

 

7. Hương vị bát canh

 

Mỗi lần tôi ngồi trước một bát canh, lặng nghe tiếng rù rì thâm nhập như tiếng côn trùng rả rích xa xăm, trầm ngâm về những hương vị sắp thưởng thức, tôi cảm thấy như thể bị cuốn vào trạng thái nhập định. Trải nghiệm này hẳn có phần giống như của một trà sư khi nghe tiếng ấm nước reo đưa ông vào cảnh giới vô ngã và liên tưởng như tiếng gió vi vu trong rặng tùng Onoe huyền thoại.


Người ta cho rằng món ăn Nhật để ngắm hơn là để ăn. Tôi muốn đi xa hơn và nói rằng đó là đối tượng thiền định, một loại nhạc vô thanh cất lên từ sự hợp tấu của đồ sơn mài với ánh nến chập chờn trong bóng tối. Natsume Sōseki trong Gối cỏ đã ca ngợi màu sắc của món thạch đậu (yōkan)loại màu sắc của nó chẳng phải mang thiền tính hay sao? Sắc độ trong mờ với vẩn mây như ngọc bích, thấm đẫm ánh mông lung mơ màngnhư thể nó hút ánh sáng mặt trời xuống tận đáy sâu; loại màu sắc ấy thật thâm trầm và tinh tế mà không thấy có đồ ăn ngọt nào của phương Tây giống như vậySo với loại bánh chocolate nhân kem đơn điệu và tầm thường làm sao. Và khi món thạch đậu bày trên cái đĩa sơn mài thì giữa lòng bóng tối ấy hút lấy sắc màu của nó tới nỗi khó phân biệt được, vậy thì chắc chắn nó là đối tượng để thiền định rồi. Khi ta đưa món mát lạnh trơn tru đó vào miệng, như thể chính bóng tối của căn phòng trở thành khối ngọt ngào tan ra ở đầu lưỡi; món thạch đậu ngay cả không đặc sắc mà cũng mang lại một hương vị hấp dẫn đầy bí ẩn.


Trong ẩm thực của bất kì quốc gia nào, không nghi ngờ, được cố gắng để thức ăn hoà điệu với bộ đồ ăn và sắc độ vách phòng; thế nhưng với món ăn Nhật, một căn phòng sáng trưng và bộ đồ ăn bóng loáng làm giảm khẩu vị mất một nửa.

Món canh tương miso mà chúng ta ăn mỗi sáng là món ăn vốn ra đời từ những ngôi nhà thâm u trong quá khứ. Có lần tôi được mời dự một buổi trà đạo có đãi món canh tương miso; khi thấy thứ màu đục như đất đỏ lắng đọng trong cái bát sơn mài đen dưới ánh nến leo lét, vốn là món tôi thường ăn một cách vô thức, giờ thấy trở nên có một sắc độ sâu thẳm và ngon miệng vô cùng. 

Cũng như vậy với nước tương, ở Kyoto và Osaka, tương đậu nành tamari đậm đà dùng với cá sống, dưa chua, và rau; độ bóng sền sệt của thứ chất lỏng này thật giàu sắc thái của bóng âm, và đẹp biết bao khi nó hoà quyện vào với bóng tối.

 

Những đồ ăn màu trắng cũng vậy – như canh miso trắng, đậu hủ, chả cá kamakobo, thịt cá trắng – chúng bị mất đi nhiều vẻ đẹp nếu trong một gian phòng sáng trưng.

Và trên hết đó là cơm. Một cái thạp đựng gạo bằng sơn mài đen nhánh đặt trong góc tối trông vừa đẹp mắt vừa kích thích sự thèm ăn. Và rồi cái nắp được nhấc lênvà thức ăn trắng tinh khôi này vừa nấu chín tới, được bới vào trong cái thố đen, từng hạt ánh chiếu như trân châu, bốc lên những luồng hơi nước ấm – đây là cảnh tượng mà không người Nhật nào lại không xúc động. Ẩm thực của chúng ta phụ thuộc vào những bóng âm và không thể tách rời bóng tối.

_____

Nguyên tác陰翳礼讃 (In'ei reisan/Âm ế lễ tán), tuỳ bút, 1933-4. Tác giả: Jun'ichiro Tanizaki 潤一郎 谷崎 (1886-1965). 

Bản tiếng Anh: In Praise of Shadows do Thomas J. Harper và Edward G. Seidensticker dịch, Nxb Leete's Island Books 1977. Bản PDF: https://www.pdfdrive.com/in-praise-of-shadows-d185560859.html

Văn bản tiếng Nhật: http://www.kuniomi.gr.jp/togen/iwai/raisan.htm

[1] Một nhà hàng cổ nổi tiếng ở Kyoto có lịch sử liên tục đến nay đã 400 năm. (ND)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét