CA NGỢI BÓNG ÂM -
Tuỳ bút mĩ học về văn hoá Nhật Bản và phương Tây (Kì 1)
Jun'ichiro
Tanizaki
Hà
Vũ Trọng dịch
1
Làm nhà
Ngày nay, thật là khổ tâm với người mê chuộng kiến trúc truyền thống khi khởi công xây cất một ngôi nhà theo kiểu thuần Nhật, vì phải lo nghĩ bài trí sao cho mớ dây điện, ống khí đốt và ống nước hoà điệu với tính đạm bạc của những gian phòng Nhật – ngay cả một người chưa từng kinh nghiệm xây nhà riêng cũng thấy ra điều này khi thăm một trà thất, quán ăn, hoặc nhà trọ. Đối với người lập dị sống cô độc lại là vấn đề khác, người ấy có thể bất cần những lợi ích của văn minh khoa học để về thoái ẩn ở một thảo am miền quê hẻo lánh nào đó; nhưng với một người có gia đình và đang sống ở thành phố thì không thể quay lưng với những cái thiết yếu của đời sống hiện đại, như hệ thống sưởi, đèn điện, những thiết bị vệ sinh, chỉ vì muốn làm mọi thứ theo phong cách Nhật. Người theo chủ nghĩa thuần tuý sẽ vắt óc khi bố trí cái điện thoại, lo che khuất nó phía sau cầu thang hoặc góc hành lang, hoặc đặt đâu đó mà y cho rằng ít chướng mắt nhất. Có lẽ y sẽ chôn mớ dây điện thay vì treo trong vườn, giấu những nút bật tắt trong buồng hoặc trong tủ, chạy những ống dẫn phía sau tấm bình phong. Tuy hết sức khéo, nhưng những cố gắng của y thường gây cho ta ấn tượng về sự bối rối, kiểu cách và tính toán quá đáng. Trên thực tế, khi chúng ta đã quá quen nhìn những bóng đèn điện tới nỗi thấy một bóng đèn trần dưới tán thuỷ tinh màu nhũ bạch tầm thường lại trông có vẻ đơn sơ và tự nhiên hơn bất kì cố gắng không cần thiết nào nhằm che giấu nó. Lúc trời chạng vạng, từ song cửa xe lửa, ta nhìn ra phong cảnh thôn quê, một bóng đèn trong cái chao đèn kiểu xưa sáng lờ mờ sau bức bình phong giấy (shoji) dưới một mái nhà tranh nông trang, xem ra đấy mới đúng vị phong lưu
Thế nhưng, tiếng máy ầm ì và vóc dáng của cái quạt điện vẫn có gì đó lạc điệu trong một gian phòng Nhật. Bình thường, chủ nhà nếu không thích quạt máy thì đơn giản không xài tới. Nhưng nếu việc làm ăn của gia đình liên quan đến sự thoải mái cho khách hàng vào mùa hè, thì gia chủ không thể nào chiều theo thị hiếu mình bằng chi phí của người khác. Một người bạn tôi, chủ nhân một nhà hàng Tàu có tên là Giai Lạc Viên (Kairakuen) vốn là người triệt để theo chủ nghĩa thuần tuý trong vấn đề kiến trúc. Ông chê quạt điện và đã từ lâu từ chối đặt chúng trong nhà hàng, nhưng những than phiền từ khách hàng mà ông phải hứng chịu cứ mỗi mùa hè, rút cục đã buộc ông phải nhượng bộ.
Bản
thân tôi cũng có những kinh nghiệm tương tự. Cách đây vài năm tôi đã chi quá lố
số tiền cho việc xây nhà. Tôi đã rối tinh lên với từng thứ thiết bị lắp đặt cố
định, và trong mọi trường hợp đều gặp khó khăn. Đó là vách bình phong giấy: vì
lí do thẩm mĩ tôi đã không muốn dùng kính, thế nhưng chỉ giấy không thôi sẽ đặt
ra vấn nạn chiếu sáng và sự an toàn. Phần lớn trái lại ý tôi, tôi quyết định
che mặt trong bằng giấy và mặt ngoài bằng kính. Việc này đòi hỏi một khung kép,
do vậy chi phí tăng lên. Tuy nhiên sau khi đã vượt qua mọi rắc rối mà hiệu quả
vẫn không thoả mãn chút nào. Mặt ngoài trông vẫn chẳng hơn gì cửa kính; trong
khi mặt trong, độ mềm xốp của giấy bị hư hại bởi tấm kính đặt sau nó. Tới lúc
ấy tôi mới hối tiếc sao không lắp kính ngay từ đầu. Dẫu chúng ta có cười nếu
như đây là ngôi nhà của người khác chăng nữa, nhưng bản thân chỉ chịu chấp nhận
thất bại sau khi đã cố thực hiện những đề án như thế.
Tiếp
theo là vấn đề chiếu sáng. Những năm gần đây, nhiều thiết bị được thiết kế
dành cho những ngôi nhà Nhật đã xuất hiện trên thị trường, những thiết bị thiết
kế phỏng theo những loại đèn sàn, đèn trần, giá nến, và những loại đèn tương
tự. Nhưng tôi hoàn toàn không quan tâm đến chúng, thay vào đó tôi tìm những
loại đèn xưa từ tiệm đồ cổ và lắp cho thích hợp với bóng đèn điện.
Điều
thử thách nhất với kĩ năng của tôi chính là hệ thống sưởi. Không loại lò sưởi
nào có tên tuổi xứng đáng lại thích hợp trong một gian phòng Nhật. Tiếng bếp ga
cháy quá ồn, trừ phi có ống thông khói, nếu không sẽ chóng gây nhức đầu. Các
loại bếp điện, tuy ít ra không bị những nhược điểm ấy, nhưng cũng xấu xí như
mọi thứ khác đại loại. Một giải pháp lí tưởng là có thể lắp đặt cho tủ nhà
bếp bằng loại sưởi được sử dụng trên các xe điện. Thế nhưng, thiếu ánh lửa
hồng của than thì toàn bộ sắc thái mùa đông bị mất đi cùng với niềm vui quây
quần quanh ngọn lửa của gia đình. Phương án tốt nhất mà tôi có thể nghĩ ra là
làm một lò sưởi lớn âm xuống đất giống như trong trang trại xưa. Ở đó tôi thiết
đặt một lò điện vận hành tốt dành cho việc đun nước trà và vừa để sưởi ấm căn
phòng. Việc này tới giờ tôi kể như là một trong những thành công của
mình.
Tạm đạt yêu cầu với hệ thống sưởi, tôi tiếp tục đương đầu với vấn đề nhà tắm và nhà vệ sinh. Người bạn chủ của lữ quán Giai Lạc Viên đã không chịu được việc ốp gạch bồn và khu vực tắm, vì vậy ông đã làm nhà tắm cho khách toàn bằng gỗ. Tất nhiên ốp gạch nhất định là thực tiễn và kinh tế hơn. Nhưng khi trần nhà, cột, và ván lót đều được làm bằng nguyên vật liệu Nhật, thì vẻ đẹp của căn phòng sẽ hoàn toàn bị hỏng khi phần còn lại được lót bằng gạch men bóng loáng. Hiệu quả không tới nỗi khó chịu lắm khi mọi thứ vẫn còn mới tinh, nhưng năm tháng qua đi, vẻ đẹp của vân gỗ bắt đầu xuất hiện trên ván và cột nhà thì độ sáng loáng trải rộng của gạch men trắng gần như lại không tương xứng, như tre ghép vào gỗ vậy. Hơn nữa, vì sự tiện dụng của nhà tắm cho nên trong chừng mực nào đó phải hi sinh tính thẩm mĩ. Trong nhà vệ sinh thành ra giờ lại phát sinh thêm những vấn đề phiền phức hơn.
2
Thẩm mĩ của nhà vệ sinh
Mỗi
lần có dịp thấy một nhà vệ sinh (washiki) kiểu xưa với ánh
sáng mờ tối, và xin nói thêm là sạch không thể chê được, trong một tự viện ở
Nara hay Kyoto, tôi thật ấn tượng với những ưu điểm nổi bật của kiến trúc Nhật.
Tuy trà thất có những nét quyến rủ riêng, nhưng nhà vệ sinh Nhật mới thực sự là
nơi an tĩnh cho tinh thần. Nó luôn cách biệt với toà nhà chính và nằm ở cuối
hành lang, giữa một lùm cây thơm phức mùi lá cây và rêu. Không ngôn từ nào diễn
tả được cảm giác khi người ta ngồi trong ánh mờ mờ, hơ trong vầng sáng nhạt
phản chiếu từ tấm bình phong giấy, đắm trong trầm tưởng hoặc đăm chiêu nhìn ra
vườn. Nhà văn Natsume
Sōseki (1867-1916) coi những lần dạo bước mỗi sáng đi vệ sinh
là một tuyệt thú, ông gọi đó là “một khoái cảm sinh lí”. Và chắc hẳn không đâu
mà sự khoái cảm hơn được nhà vệ sinh của Nhật, được bao quanh bằng những bức
vách tĩnh mịch với vân gỗ mịn, ta nhìn lên trời xanh và lá biếc.
Như
đã nói, những điều kiện nhất định cần có: độ sáng nhập nhoà, sạch sẽ tuyệt
đối, và tĩnh mịch tới nỗi có thể nghe được tiếng muỗi vo ve. Tôi ưa lắng nghe
từ một nhà vệ sinh như thế trong tiếng mưa nhè nhẹ, đặc biệt nếu đó là một nhà
vệ sinh ở vùng Kantô (thuộc đảo Honshu), với những ô cửa dài hẹp ở ngang tầng
sàn; ở đó ta có thể lắng nghe với cảm giác thân mật theo những giọt mưa tí tách
rơi từ lòng máng, từ cây cối, rồi thấm vào lòng đất trong khi vừa gội rửa bệ
chiếc đèn đá. Nhà vệ sinh là nơi hoàn hảo để lắng nghe tiếng côn trùng rả rích hoặc
tiếng chim hót, để ngắm trăng, hay tận hưởng bất kì những khoảnh khắc thấm thía
nào đánh dấu sự thay đổi tiết mùa. Tôi ngờ rằng, chính nơi đây những nhà thơ
haiku qua các thời đại đã nảy sinh ra vô số tứ thơ. Thật vậy, người ta có thể
công bằng thừa nhận rằng trong mọi yếu tố kiến trúc Nhật thì nhà vệ sinh là yếu
tố thẩm mĩ nhất. Các bậc tiền bối của chúng ta đã thi vị hoá mọi thứ trong đời
sống, họ biến những gì đáng lẽ là gian thiếu vệ sinh nhất trong nhà trở thành
một nơi thanh nhã vô cùng, đầy đủ những kết hợp trìu mến cùng những vẻ đẹp
thiên nhiên. So với người phương Tây, họ xem nhà vệ sinh như là nơi ô uế và
thậm chí tránh nhắc đến trong cuộc đàm thoại lịch sự, còn chúng ta sáng suốt
hơn và chắc chắn là khiếu thẩm mĩ cũng tốt hơn. Tôi cũng phải thừa nhận khuyết
điểm nhà vệ sinh Nhật hơi bất tiện khi đi vào nửa đêm, vì nó vốn cách biệt với
toà nhà chính cho nên vào mùa đông dễ bị cảm lạnh. Nhưng như nhà
thơ Saitō Ryokū (1868-1904) từng nói, “Phong nhã cũng là
sự lạnh lẽo”. Chỗ lạnh lẽo ngoài trời này so ra vẫn tốt hơn, vì buồng vệ sinh
tắm hơi kiểu Tây trong một khách sạn thì thật không thoải mái.
Bất
kì ai có khiếu thẩm mĩ với kiến trúc truyền thống phải đồng ý rằng nhà vệ sinh
Nhật là hoàn hảo. Tuy rằng những ưu điểm của nó nằm ở những chỗ như đền chùa,
nơi cư trú rộng rãi, cư dân thì ít, và mọi người đều giúp đỡ công việc lau
chùi, còn trong một căn hộ gia đình bình thường thì việc gìn giữ sạch sẽ không
dễ dàng. Bất luận một người khó tính đến đâu hoặc siêng năng cọ rửa, vẫn cứ
thấy cáu bẩn, đặc biệt trên sàn gỗ hoặc chiếu lót sàn tatami. Vậy ở
buồng vệ sinh cũng thế, nó trang bị những phương tiện hiện đại hợp vệ sinh hơn
và hiệu quả hơn – đó là gạch men và bồn cầu giật nước – mặc dù phải trả cái giá
để bỏ đi tất cả sự ưa thích mang “khiếu thẩm mĩ” cùng “những vẻ đẹp tự nhiên”.
Ánh đèn điện bật lên sáng trưng bốn bức tường trắng khó lòng đem chúng ta vào
tâm trạng vui thích “khoái cảm sinh lí” của Sōseki. Không thể phủ nhận về sự
sạch sẽ ấy; mọi xó xỉnh đều trắng tinh. Thế nhưng điều cần thiết là nó phải
nhắc nhở chúng ta mạnh mẽ về vấn đề thân thể của mình. Một phụ nữ đẹp, cho dù
làn da trắng đến đâu, sẽ bị xem là khiếm nhã nếu phô bày cặp mông hay đôi chân
trần trước người khác; cũng vậy, thật là thô thiển và thiếu thẩm mĩ khi phô bày
buồng vệ sinh dưới ánh sáng quá độ như thế. Sự sạch sẽ qua những gì thấy
được chỉ càng gợi lên ý nghĩ rõ hơn về những gì
không nhìn thấy được. Ở những nơi như thế thì sự phân biệt
giữa cái sạch và cái dơ tốt nhất nên để cho mơ hồ và được phủ trong tấm
màn mông lung.
Mặc
dù đã lắp đặt những thiết bị vệ sinh hiện đại khi xây dựng ngôi nhà cho mình,
ít ra tôi đã tránh được gạch men, còn sàn thì lót gỗ long não. Trong chừng mực
nào, tôi đã cố gắng tạo một phong khí truyển thống Nhật – nhưng rút cục lại
thất vọng vì chính những thiết bị vệ sinh. Như mọi người biết, những loại bồn
cầu giật nước đều làm bằng men sứ trắng tinh và có cán giật bằng kim loại lấp
lánh. Giá có được theo ý mình, tôi thích những thiết bị làm bằng gỗ hơn nhiều –
dành cho cả nam lẫn nữ sử dụng. Gỗ nếu được phủ bằng lớp sơn mài đen nhánh thì
rất tuyệt; ngay cả gỗ để thô khi lên nước lại càng nổi sậm vân vi qua năm
tháng, phảng phất một mê lực khó tả khiến tâm tư được thư thái. Cuối cùng, tất
nhiên, là một cái bồn tiểu bằng gỗ màu lục lam rắc đầy lá linh sam; đấy là một
khoái cảm cho mắt nhìn và tuyệt không gây nên âm thanh nào. Tôi không đủ khả
năng để thụ hưởng những thứ quá lí tưởng như thế. Tôi hi vọng ít ra có được
những thứ lắp đặt bên ngoài hợp với sở thích, rồi thích ứng chúng vào bộ máy
giật nước tiêu chuẩn. Nhưng chi phí tiền công quá đắt tới mức không có chọn lựa
nào khác nên tôi đành bỏ ý tưởng đó. Chẳng phải
tôi phản đối những tiện nghi văn minh hiện đại [được nhập cảng] như đèn
điện, hệ thống sưởi hoặc thiết bị vệ sinh, mà chỉ tự hỏi vào thời đó tại sao
người ta không thể thiết kế với một chút trọng thị hơn đối với tập quán và
thẩm mĩ của chúng ta.
_____
Nguyên tác: 陰翳礼讃 (In'ei reisan/Âm ế lễ tán), tuỳ bút,
1933-4. Tác giả: Jun'ichiro Tanizaki 潤一郎 谷崎 (1886-1965).
Bản dịch tiếng Anh: In
Praise of Shadows do Thomas J. Harper và Edward G.
Seidensticker dịch, Nxb Leete's
Island Books 1977.
Bản PDF: https://www.pdfdrive.com/in-praise-of-shadows-d185560859.html
Văn bản tiếng Nhật: http://www.kuniomi.gr.jp/togen/iwai/raisan.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét