Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

10. Dặm đường thần chú

 TÂY TẠNG GIỌT HOA TRONG NẮNG

10. Dặm đường thần chú

Văn Cầm Hải

 

Một nửa ngày trôi qua Tây Tạng.

Hoàng hôn vừa xuống, tôi đã kịp đến Shigatse - thành phố lớn thứ hai Tây Tạng do tỉnh Sơn Đông và thành phố Thượng Hải góp tiền xây dựng sau ngày Tây Tạng về tay Trung Quốc.

Hoàng hôn Tây Tạng không mềm hoàng hôn nước Việt, không ướt vàng hoàng hôn Bắc Âu. Hoàng hôn Tây Tạng linh lang ánh sáng Tôi không thể biết đêm làm sao đến được nơi này khi ngày đã trôi qua nhưng ánh sạng không chịu già nua. Nắng vàng tươi trong khóe mắt người dân, nắng bừng lên trên màu áo hồng tía các vị sư tăng, nắng trải rộng trên những đỉnh tuyết bao quanh thành Shigatse.

Nắng đã làm cho ký ức của tôi rực rỡ bao nhiêu gương mặt mình đã gặp gỡ và biệt ly, bao nhiêu tấm lòng nuôi dưỡng tôi lớn rồi bay lang thang vào trời xanh. Shigatse! Hilversum! Hoàng hôn Shigatse cao 3.900m!  Hoàng hôn Hilversum thấp hơn mức nước biển! Nơi đó, chiều cuối cùng chia tay đất nước Hà Làn, tôi và Wangdic- người bạn vàng xứ Bhutan nằm bên nhau trên đồng cỏ dại trước mặt khách sạn Bastion, đếm sao lên sớm trời Bắc Âu.

Wangdi, tay chỉ sao miệng khe khẻ nói như hát: Om mani padme hum!

-     Tôi dành cho anh lời nguyện cầu ấy! - Tôi nhớ ánh mắt thành kính của người bạn Bhutan. Tôi chỉ nhạt nhòa cảm ơn như cảm ơn bao lời cầu nguyện khác mà người đời dành cho mình.

-     Tôi sẽ đến Tây Tạng, sẽ đến Bhutan thăm anh! Wangdi!

Thật không ngờ câu ước bâng quơ ngày đó trở thành sự thật! Tôi đang đứng trong hoàng hôn Shigatse và phía sau bóng sáng mặt trời kia là đất nước Bhutan của Wangdi. Một cánh chim bay, một đường biên giới rất gần là tôi có thể đặt chân tới Bhutan, tôi sẽ ghé thăm ngôi nhà của Wangdi nằm trên đồi hoa ngoại ô Thimpu. Tôi sẽ được gặp người vợ không biết chữ và 3 đứa con gái của Wangdi! Và tôi sẽ nhờ anh giải thích, có phải hôm nay tôi đến được Tây

Tạng là bởi lời cầu nguyện của anh rãi đầy lên trời sao hoàng hôn Hilversum. Sao Hilversum xa xăm ngàn mây, sao Shigatse gần tầm tay hái như hoa đơm áo trời. Trong ánh sáng của nắng muộn và sao sớm, con người cũng thấy mình là một vì sao soi sáng tâm thức.

Chuông Kim Cang


chuông Kim Cang là một cặp với Chày Kim Cang.


11.H1-1

Người đàn Tạng với quả chuông cầu nguyện trên tay

Những ngày sống bên nhau ở vùng Hilversum, buổi sáng trước khi đến lớp hay đêm về, Wangdi đều cầu nguyện. Trong căn phòng khách sạn Bastion, tôi ngồi uống từng chuỗi rượu, mắt ngắm nhìn bầy sóc vàng tha ánh tà dương vào đêm, tai lắng nghe tiếng cầu nguyện lầm rầm bóng tuyết thì thầm trên mái nhà đêm. Vòng hạt chầm chậm trôi qua mười đầu ngón tay, hai hàng mi trìu kín đôi mắt, mái tóc khô, khuôn mặt gầy nhỏ giống đất nước Bhutan lọt thỏm giữa Himalaya và ấn độ bồng bềnh theo những giai điệu trên môi. Wangdi làm tôi nhớ đến hình ảnh một đạo sỹ hơn người biên tập viên uyên bác nhất của Đài phát thanh truyền hình Bhutan.

Bánh xe Mani (Kinh luân)



Người đàn bà Tạng với quả chuông chuyển kinh

Cầu nguyện xong, Wangdi tươi cười bảo, nhờ chuỗi hạt và lời cầu nguyện, anh vẫn nồng nàn hơi ấm của vợ con và quê hương

Bhutan. Đích thị vòng hạt kia là kỷ vật của vợ. Tôi thầm đoán, Wangdi giống người chinh phu, đêm đêm giữa sa trường, ngồi dưới ánh trăng, ngắm tấm khăn mảnh áo người vợ thêu cho lòng đỡ cô quạnh vậy.

Nhưng một đêm kia, sau khi cầu nguyện, tôi nhìn thấy Wangdi tươi sáng lạ kỳ. Anh xúc động:

-     Chiều nay tôi gọi điện về Bhutan. Anh biết tôi nhận được tin gì không - Wangdi đưa hai tay lên ngực - Anh trai tôi vừa chết cách đây hai ngày rồi!

-     Sorry! Wangdi!

-     Cảm ơn - Wang di làm tôi giật cả mình - Chẳng có gì buồn cả. Tôi vừa gặp anh tôi rồi. Anh ấy rất mạnh mẽ và hạnh phúc. Con gái của anh ấy, vợ chồng tôi sẽ nuôi!

-     Anh vừa gặp...?

-     Đây, tôi vừa gặp ở đây - Wangdi nâng vòng hạt lên cao, tay chỉ vào miệng.

Tôi trở lại phòng mình. Người phóng viên Bhutan, vì quá buồn nên điên hay anh ta là một tay phép thuật cao siêu. Tôi ném câu hỏi vào ly rượu. Uống cạn nằm chờ bình minh lên.

Hơn một năm qua. Tôi chưa gặp lại Wangdi. Nhưng tôi đã gặp âm thanh lời cầu nguyện của anh, bay đầy và sáng như sao trên bầu trời Tây Tạng.

Tôi không thể vượt qua biên giới để nhờ Wangdi giải thích. Người đàn bà Tây Tạng cũng đã vời xa, chỉ còn lại trong tôi dòng sữa.

Đôi mắt ngậm chặt bầu vú người đàn bà Tạng, trái tim nhẫn nại từng nhịp cầu nguyện bí hiểm, tôi trắng đêm Shigatse.

Thế giới sẽ buồn biết bao nhiêu nếu vắng lời nguyện cầu. Mọi tôn giáo khác gì cây khô mùa hạ khi thiếu vắng lá hoa cầu nguyện. Cầu nguyện là tiếng nói thừa nhận lòng tôn kính của con người hướng đến Thượng đế vì như Phúc Âm nói, ban đầu là lời nói, và lời nói ở bên cạnh Thượng đế; và Thượng đế là lời nói, và lời nói đã làm nên thịt da con người!

Miền đất nào, tôn giáo nào cũng có lời cầu nguyện dành riêng cho cõi tâm linh. Tôi cũng có lời nguyện cầu của tôi, rằng một mai thức dậy, ai đó hãy cho tôi biết lời cầu nguyện cầu của người đàn bà trong quán Tsangfu trên dãy núi Himalaya, lời cầu nguyện Wangdi trong những đêm Hilversum hàm chứa những ý nghĩa linh thiêng nào. Tôi muốn biết ngay trên miền đất đã sinh ra nó.

Lời cầu nguyện của tôi đã có người lắng nghe!


Người đàn ông xa lạ bên hàng chuông chuyển kinh trên sân tu viện Tashilhunpo

Không một bậc cao tăng hay đức Phật. Đó chỉ là một con người bình thường. Một lữ khách trên sân tu viện Tashilhunpo.

Tất cả các tu viện, chùa chiền ở Tây tạng đều có chuông treo trước cổng. Vốn quen âm u minh của những loài chuông xứ Huế, tôi chờ đợi tiếng ngân nga của chuông Tây Tạng. Nhưng không, chuông Tây Tạng không phải để gõ, không phải để thức tỉnh trần gian hay âm ty cùng nhau lớn dậy, chuông Tây Tạng dùng để xoay. Bằng đôi tay, người ta xoay chuông hình dáng như chiếc thùng rỗng bằng đồng nên người ta gọi chuông ấy là chuông chuyển kinh thùngmani- tschor-khor.

Mưa nắng và thời gian đã làm cho hàng chuông trước cổng tu viện Tashilhunpo nhỏ xuống nền đá rặng nước màu đồng xanh hoen ố bao nhiêu thế kỷ. Nhưng trên thân chuông lại sáng loáng hàng chữ Tạng bởi dấu vết chuyển xoay của bao nhiêu đôi tay, trong đó có đôi tay của tôi! Vừa xoay nửa vòng quả chuông đầu tiên, cánh tay tôi đã bị chặn lại!

Một gương mặt dịu ấm hiện ra trên đống áo lông dê xám. Khuôn mặt ấy mỉm cười với tôi. Người đàn ông Tây Tạng trạc chừng năm mươi tuổi cầm lấy tay tôi, rồi xoay nhẹ quả chuông theo chiều từ phải sang trái!

-     Anh phải quay theo chiều này mới đúng - Người đàn ông xa lạ giảng giải - Không nên quay từ trái sang phải. Anh phải quay từ phải sang trái như trái đất quay quanh mặt trời. Phải quay theo trục chuyển động của tự nhiên, anh mới hoà điệu cùng vũ trụ!

Theo lời người đàn ông này, tôi lờ mờ cảm thấy, hàng chuông cổ kính trước mặt mình không đơn thuần là những quả chuông vàng vang lên âm thanh Phật Pháp.

-     Khi đặt tay lên chuông, anh phải đọc luôn âm đầu tiên của lời niệm chú ghi trên đó! Âm thanh hòa hợp với sự vận chuyển của quả chuông sẽ tạo ra những sức mạnh mà những người như anh, nếu không biết đón nhận thì thật là uổng phí! Om mani ped me hum!

Đôi dày lấm bụi. Quần áo cũ nát. Bên vai đeo túi da dê. Thắt lưng gài cây dao ngắn. Người đàn ông giống thợ săn hơn là một học giả nhưng lời của ông quá đổi kỳ lạ.

-     Om mani padme hum! - Tôi lặp lại lời ông và xoay chuông.

Một nụ cười thoáng qua khuôn mặt già.

-     Anh bị thần Yi dam đuổi à! Này, nếu có mười con chó dữ rượt sau lưng anh thì anh phải đọc bằng cả tấm lòng mình. Đọc chứ không phải là nói. Âm thanh sẽ quở trách ai xem thường nó! - Ngay cả những âm tiết, người Tạng không đọc thế. Hãy thế này - Người đàn ông bắt đầu ngâm nga trong cổ - Om Mani Ped Me Hum!

-     Om... mani.. pe me hum! - Tôi luống cuống.

-     Anh há miệng ra, thu lưỡi về tận cuống họng rồi bật ra OM. Anh răng hơi khép nhưng phải lộ cho hơi truyền qua rồi ngậm lại chuyển Pe. Dìm hơi xuống rồi thoát lên Me. Anh kéo dài âm đó như người ta mở rộng cánh cửa cho linh hồn từ miệng anh bay qua âm Hum đang chờ anh ở cuối cùng lời chào Châu Báu Trong Hoa Sen này! Người đàn ông nghiêm nghị - Anh phải tập hàng ngày, cho đến lúc nào anh không nhận ra anh đang đọc từng mẫu tự mà tất cả là một dòng suối âm thanh, gặp núi cao chảy lên cao, gặp vực sâu thì đổ xoà xuống. Anh không đọc bằng môi mà anh đọc bằng trái tim, anh mới tôn trọng anh vì âm thanh là cái của anh nói với thế giới này.

Tây Tạng là một đất nước có nhiều lễ nghi. Uống một chén trà. Nhận một chén rượu. Nhận một tấm khăn hata chúc phước lành cũng phải theo nghi lễ. Thậm chí đến nói năng cũng phải tuân thủ phép tắc. Trong hệ thống phương ngôn Vệ Tạng, Khang và An Đa thuộc hệ Hán Tạng, ngôn ngữ Tây Tạng tự do không phân biệt danh hay động từ nhưng khi dùng phải theo 3 cách thức phổ thông, kính trọng và tối kính trọng. Địa vị hai người tương đồng thì dùng ngôn ngữ phổ thông. Người đối thoại thấp hơn người có địa vị cao thì dùng kính ngữ. Nếu hai bên quá chênh lệch đẳng cấp phải dùng ngôn ngữ tối kính trọng nếu không sẽ thất lễ. Khi gặp bậc trưởng bối, người Tạng thường bỏ mũ cầm ở tay, người cúi xuống khoảng 45  độ để chào, có khi vừa chắp tay vừa khom lưng hoặc hai tay giơ cao quá đầu biểu thị sự kính trọng đối với người mình gặp.

Nhưng sự lễ độ với âm thanh thì lần đầu tiên tôi biết. Âm thanh của ngôn từ ẩn chứa những mật chú tantra quan trọng vì vậy nó là sự thiền định của Tính Nghe.

Bản thể của vạn vật là đất, bản thể của đất là nước, cây cối là bản thể của nước, người là bản thể của cây cối và bản thể của người là lời nói. Lời niệm chú OM MANI PADME HUM là lối vào tâm linh, lâu đài nội tâm của Tây Tạng. Mỗi âm tự là mỗi khung cửa, khi đọc lên nó sẽ rộng mở ra những chân trời cho con người được thụ pháp ánh sáng tự nhiên hòa quyện với ánh sáng tâm trí.

Cánh cửa đầu tiên bước vào lâu đài tâm linh là vần Om. Trong

Mândukya -Upanisad được chia thành ba yếu tố phát âm là A. U. M. OM là biểu thức cao nhất của tâm thức: A là tâm thức thức tỉnh. M là tâm thức ngủ say. U là tâm thức mơ màng. OM là tâm thức vũ trụ, hàm chứa nhiều biểu tượng siêu hình, là phương thức hỗ trợ tâm lý, là âm toàn vẹn như Tagore nói, tất cả mọi mặc tưởng của chúng ta trong đạo hạnh đều bắt đầu bằng vần OM và chấm dứt bằng vần OM. Điều này khiến cho tinh thần tràn đầy linh cảm về sự hoàn mãn vĩnh cửu. Ma Ni là con đường hợp nhất và đồng hoá vạn hữu. Ma Ni biểu tượng cho viên ngọc của tinh thần trong sáng, quý giá như giọt thủy ngân và đá điểm kim, biểu tượng quyền trượng kim cang với tên gọi là ngọc như ý. Trong các đền đài Tây Tạng, trong các chuông chuyển kinh đều có khảm những hạt minh châu với ý nghĩa như vậy.

Padme là con đường nẩy nở của sự thấy biết, là bông hoa sen biểu tượng của sự nảy nở tinh thần.

Hum là con đường thu nhiếp trọn vẹn. Nếu Om là cái âm sáng tạo mở đầu cái vô biên thì Hum là cái vô biên trong cái hữu hạn, cái vô thời trong hữu thời, cái vĩnh hằng trong cái khách quan, vô tướng trong hữu tướng. Om là cửa ngõ của tri thức, Hum là thành tựu viên mãn trong đời mang âm dâng hiến. Vần “hu” trong phạn ngữ là “hy sinh, dâng hiến một sự hy sinh, hoàn toàn động tác dâng hiến”. Hum gồm chữ H là hơi thở, là tổng thể của sự sống, là hoạt khí của bản ngã duới dạng hơi thở. Nguyên âm U là âm của các chiều sâu, im lặng vô thanh như người Tạng gọi là nó là cửa ngõ của vô thanh.

6  âm biểu tượng cho mandala vĩ đại. Om chứa hình ảnh đức A di đà trong Pháp thân, ngài đứng giữa trung tâm mandala. Trong Mani, ngài hiện ra dưới hình thức Vô lượng thọ Phật được trang nghiêm bằng những châu báu màu đỏ sáng ngời trong Báo thân. Trong Padme, Adida hiện ra trong Hoá thân với sự nảy nở những hình tướng hoạt động vô tận, như hình ảnh nhân cách hoá Quán Thế Âm có nghìn cánh tay. Và trong Hum, đức Quán Thế Âm trở thành Thân Kim Cương của nhiệt tâm bao quát tổng thể của ngài. Hành giả được nâng lên cho đến sự hiện thành nhãn thân của đức Quán Thế Âm và trở thành Hoá Thân của Adida trong quá trình thiền định bậc cao.

Nếu hiểu tam mật của Thân, Ngữ, ý thì câu thần chú lại được biểu thị: trong OM chúng ta cảm nhận Pháp thân và bí mật của thân phổ biến. Trong Mani là báo thân, bí mật của âm thanh thần chú, khơi dậy tâm lý chiêm ngưỡng và cảm hứng. Trong Padme là Hoá thân và bí mật của tâm ý biến đổi tất cả. Trong Hum cảm nhận được thân Kim cang là thân siêu việt tổng hợp tam mật. Sáu âm của câu thần chú ứng với 6 cõi sống. Khi đọc OM là lúc tâm trí hướng đến cửa Trời để giải thoát. MA là hướng về cõi Atula, có những chúng sanh đang vướng bận trong chiến đấu, trong sự thèm muốn ghen tỵ. Ni là cõi người bị giam tù trong ảo tưởng tự ngã tối cao. Pa hướng về cõi súc sinh trì độn trong bóng tối. DME hướng về ngạ quỷ, với những linh hồn khổ đau vĩnh viễn đói khát và Hum hướng đến tất cả chúng sanh đang rên xiết trong địa ngục. Như vậy OM MANI PADME HUM chứa đựng sự cứu độ, mến thương và con đường giải thoát.

Nhờ đọc lên 6 vần thiêng ấy mà trong trái tim con người hiện ra hình tướng sáng trong của các đấng từ bi. Khả ái thay âm thanh bí mật của đức Quán Thế Âm, ở thế giới bên kia! Đó là giọng điệu căn bản của tổng thể. Nó giống tiếng rì rào đã dịu bớt của biển cả - Kinh Thủ lăng nghiêm nói - Cái âm thanh bí mật ấy đem lại sự giải thoát và sự yên lòng cho tất cả chúng sinh đang kêu cứu, trong phút nguy khốn của họ, nó cho biết một cảm giác lâu dài đối với những ai thành thật tìm kiếm sự yên vui của Niết Bàn!

Người ta dễ nhầm lẫn, phía sau một câu thần chú là một kho vàng nên ai cũng muốn mình trở thành Alibaba! Người Tây Tạng không muốn mình là Alibaba bởi kho tàng thực sự của họ chính là “cái giọng điệu căn bản của thực tại vang lên như hàng ngàn tiếng sấm thì sự việc có thể xảy ra là: nó được biến đổi thành giai điệu sáu vẫn như Padmasambhava giáo huấn trong Bardo Thodol.

Thực tại, chính là đời sống và người Tây Tạng cảm thụ nó trái tim, bằng tất cả tấm lòng thành, ý thức và trách nhiệm với bản thân mình và đồng loại. Giai điệu sáu vần ấy là đứa con sinh ra từ cuộc hôn nhân giữa ý thức và vô thức, giữa lý trí và tâm linh vì vậy nó hàm chứa yếu tố tâm lý chứ không phải là những âm thanh vật lý nhảy múa trên môi. Người Tây Tạng nghe nó bằng trái tim, đọc nó bằng tinh thần quán tưởng miệt mài để hiện thực hóa một thế giới mà mình hằng vươn đến bằng hành động và cảm nhận trực giác trong từng sát na như bản nhạc miên viễn.

Một nhà thơ, bằng tinh thần tiên tri thấu thị, khi sáng tạo ra một âm từ là sáng tạo ra một thế giới có thể trông thấy trong lời và âm thanh. Nhưng ngôn từ và tiết vận của thơ chỉ tạo ra thế giới tinh thần trong sự tự do của tinh thần, con người có thể lĩnh hội được còn âm nhạc lại vượt qua ý nghĩa ngôn từ, nó là nghe bằng trái tim, cảm nhận tận gốc rễ cội nguồn âm thanh để hòa mình vào cõi vô biên như Novalis từng hát.

Tất cả cái thấy được là do cái không thấy được.

Tất cả cái nghe được là do cái không nghe được.

Novalis rất có lý bởi từ Shigatse, tôi đã hiểu vì sao một người đồng hương của ông, dù bị điếc nhưng vẫn nghe và hiến dâng cho nhân loại những bản giao hưởng hoành tráng! Beethoven! Ông đã thấy những âm thanh bằng con mắt của trái tim, ông đã cảm nhận thấu đáo chiều kích hữu hình và vô hình của âm thanh - một thế giới ta có thể nắm bắt nhưng không thể trú ngụ mà chỉ có thể tiếp cận những extase mystique - cảm xúc thần bí với sự hoài cảm và tưởng tượng mênh mông khôn lường!

Như vậy, câu thần chú hay âm nhạc mà bản thể của nó là âm thanh trở thành một diệu pháp tâm lý sâu sắc, một phương tiện chuyển tải và liên kết thế giới trong vòng tay của từng cá thể. Đó chính là sức mạnh đầy uy lực của sáu vần OM MANI PADME HUM, sức mạnh huyền ảo như sấm có thể xé toang bầu trời nhưng sấm cũng sẵn sàng bò trong thân xác đàn kiến, báo cho loài côn trung kia biết mưa sắp về. Với ý nghĩa ấy tôi đã hiểu vì sao trên rẻo cao đỉnh đèo mây trắng, trước thềm cổng tu viện và ngay cả trên giường chiếu, hiếm khi người Tây Tạng rời bỏ câu kinh OM MANI PADME HUM.

Tri thức xuất hiện không phải ở sự nhìn thấy mà còn biểu lộ từ sự nghe thấy. Âm thanh là ánh sáng của thính giác - như sách Kim Hoa nói - của tất cả muôn loài.

Khi bay lên bầu trời theo hình chữ V, con sếu đầu đàn được tiếp sức bởi “âm thanh động viên” của những con chim đồng đội bay theo sau nên nó đã vượt qua những chân trời mỏi, dẫn dắt cả đoàn về nơi trú ẩn an toàn. Dưới sông Amazon bầy cá pexkada có âm thanh như tiếng súng, cá mandim lại gầm gừ xua đuổi kẻ thù, trên rừng có loài khỉ orangutang đực thích hát, chúng hát bằng âm thanh đầy cảm xúc của loài khỉ. Bao nhiêu động vật có bấy nhiêu âm thanh, mỗi loài sử dụng một cách khác nhau để truyền tải thông tin. “Nhà hùng biện, ca sỹ, hoặc nhạc sỹ bằng âm thanh đa dạng hoặc bằng làn điệu của giọng nói gợi lên niềm cảm xúc mãnh liệt ở các thính giả, và chắc chắn không ngờ rằng trong thời đại xa xưa tổ tiên chưa thành người của họ cũng sử sụng những phương tiện như thế để gợi lên ở đồng loại niềm say đắm trong thời gian kết thân hoặc tranh tài”.

Hiểu theo lời Dacuyn, trong âm thanh vốn sẵn có một sức mạnh cảm xúc tự nhiên, vấn đề là chúng ta phải biết sử dụng nó một cách hữu hiệu để âm thanh trở thành phương tiện giao tiếp và cao hơn, nó còn tạo ra sự liên lạc cảm xúc mãnh liệt giữa nội tâm và tự nhiên, giữa cá thể và đại thể, hữu hình và vô hình, vật chất và tinh thần.

Lời niệm chú lao xao ánh nắng, khuôn mặt khiêm nhẫn, những người dân Tây Tạng dường như đang đối thoại với thiên không, nơi các vị chư thiên đang ngắm nhìn cho nhân loại! Người ta quay mani-tschor-khor và cầu niệm không phải cầu nguyện đấng chư thiên vô hình nào đó ban hồng phúc cho họ mà chính hành động xoay bánh xe theo chiều quay của vũ trụ ấy là một hành động khơi gợi ý thức thiêng liêng trong bản thân. Khi vận hành mani-tschorkhor nghĩa là đưa vào vận hành các sức mạnh của quy luật vũ trụ và đạo lý như hơn 2500 trước, Phật đã quý bánh xe Pháp! Vì vậy cấu tạo quả chuông của Tây Tạng giống như bánh xe Phổ Pháp. Càng siêu việt và gần gũi hơn khi người Tạng quan niệm, hành động chuyển pháp này một mình Phật làm chưa đầy đủ nên mỗi người phải tự mình sáng tạo cách thức giác ngộ trong tâm linh của chính mình.

Một góc tu viện Tashilhunpo

Quả chuông con trong tay người Tây Tạng hiển thị cái nhìn từ thế giới kim cương, thế giới của bề ngoài tan biến như âm thanh. Nó đối lập với vajra sấm sét - yếu tố hàm chứa chủ động và nam tính, nó cũng là sự khôn ngoan đối lập với phương pháp như là yếu tố thụ động và nữ tính.

Người Tạng cầm chuông chuyển kinh trong mọi tư thế. Trước các đền đài, các phật tử nằm lăn lóc cầu nguyện với chuông cầu nguyện trên tay. Người ta nằm lăn lóc tượng trưng cho việc kinh qua trạng thái yên nghỉ khi chết, từ đó sinh ra và được tái tạo để cường tráng đứng lên. Nó gợi nhớ cho ta huyền thoại chết và sống lại trong luận thuyết luân hồi.

Trước cung Potala, cách xa một khoảng sân rất rộng, tôi vẫn nhìn thấy những người Tạng nằm lăn lóc, mắt hướng về hai tòa Bạch cung và Hồng cung để cầu nguyện. Tôi cũng thấy, trên bãi cỏ rộng nắng chiều, có hai lama nằm ngủ yên bình như hai đốm đỏ dịu dàng! Trong giấc ngủ, khuôn môi họ vẫn thức với sáu vần câu niệm chú. Cảm giác ở Tây Tạng, không bao giờ có sự tĩnh lặng tuyệt đối vì trong không gian, tôi vẫn nghe tiếng linh hồn bay lao xao!

Ôi nhân loại có hề biết, cuộc sống mình đang được bảo toàn nhờ những câu thần chú kiên trì vang lên từ tấm thân quê mình lăn lóc trong gió tuyết Himalaya. Một mai đây chiến tranh không còn, nạn đói cũng lùi xa, có ai biết mà lên Himalaya dâng lời cảm ơn như tôi đang cảm ơn người đàn ông Tây Tạng xa lạ trên nền sân tu viện Tashilhunpo.

Nhưng nhân loại tôi ơi, câu niệm chú huyền nhiệm như vậy sao không cứu nổi Tây Tạng để hôm nay Himalaya phải ngậm đắng nuốt cay nhìn những đứa con mộc mạc của mình đang nguy cơ tàn phai tâm linh. Thay vì quán tưởng người ta lại xem các vị thần hiền hòa và giận dữ qua ti vi, thay vì nghe âm thanh phát ra từ trái tim và nhịp chuyển vũ trụ, người ta nghe di động trên đường phố Lhasa! Thay vì cầm que gỗ gặt từng âm kinh vào lòng, bọn trẻ nói tiếng Anh như gió để mua bán trên phố Bát Giác. Thiếu nữ Tạng bây giờ đã biết lái xe tacxi trong bộ âu phục, chẳng còn đâu cái thuở tụt áo xuống mông cho thân hình tắm nắng! Câu niệm chú không mang Yarlung Tsangshe ra khỏi nhà thổ, không mang đến một bãi đất trống thanh tịnh cho con kiến già Rigpaba thi triển tục điểu táng!

-     Đất nước nào cũng có nghiệp quả của mình. Tây Tạng hôm nay cũng vậy - Người đàn ông trả lời tôi - Một văn minh sáng chói thì phải có nghiệp quả nặng nề! Cũng thường thôi anh bạn. Ngay như giáo lý của đức Phật Bonpo cũng chỉ có giá trị 30.000 năm! 18.000 năm đã qua, 12.000 năm nữa, giáo lý ngài sẽ là quá khứ. Không phải tôi, chính ngài đã nói như vậy trong buổi đầu giảng kinh ở Omin Lung Ring! Mọi cái rồi cũng bị hủy diệt, mọi cái sẽ tái sinh. Tây Tạng sẽ chết nhưng Tây Tạng sẽ tái sinh trên mảnh đất của chính nó, mảnh đất màu mỡ tâm linh nhờ những câu niệm chú rầm rì khắp nơi. Không chuẩn bị đất đai và giống, làm sao anh có cây xanh sau này!

Mùi thuốc lá nồng trộn mùi bơ. Mùi rượu hăng tsampa hòa lẫn mùi mồ hôi tuyết. Người đàn ông xoay quả chuông cuối cùng nói lời chia tay cuối cùng với tôi, đứa học trò bất chợt ông chỉ giáo. Và xin mọi người hãy nén cảm xúc để lắng nghe lời chia tay chấn động này.

-     Ai trong mình cũng có một cõi tâm linh. Và câu niệm chú là sự thức tỉnh thường xuyên cõi sống yêu thương đó. Bởi anh và ta, chưa đủ trình độ như các bậc tiền nhân-những-con-người-tối-mậtSamapatti-đang-sống-trên-dãy-Himalaya!

Nếu không vịn vào hàng chuông, tôi đã ngã xuống nền đá Tashilhunpo! Người đàn ông xa lạ, biết đâu ông chính là người đặc biệt được người Lêmuri và Atlan chọn lựa canh giữ những hang động Samapatti khu trú ở một bản làng xa xôi nào đó trên dãy Himalaya!

Tôi lục tung túi xanh, quờ quạng lấy cuốn sổ tay, lật trang giấy giở ra hình đôi mắt Phật mà tôi đã vẽ trong khi đàm đạo với vị Lama trên mái chùa Đại Chiêu.

Chúng tôi im lặng. Giữa chúng tôi là những đôi mắt Phật khác thường lung linh nắng vàng.

-     Om mani pedme hum! - Tôi thì thào.

-     Om Ah Hung Benzaa Guru Péma Siddhi Hung! - Người đàn ông thì thào.

-     Om Mani Padme Hong! - Chen vào chúng tôi là giọng Hong reo lên -  Hải thấy chưa, là Hong, là Hung chứ không phải Hum đâu nhé !

Người đàn ông lại cười mỉm cười. Ông không ngờ cái câu niệm chú quán tưởng đến Guru Padmasambhava lại được Hong hiểu là phép mầu nhiệm có tên của Hong!

Biết đâu khi đưa tên mình vào Hong sẽ thấy tâm lý thăng bằng hơn. Nhưng chỉ vì cá nhân mình, có lẽ câu thần chú kia sẽ không tồn tại. Mong sao có nhiều người hồn nhiên như Hong cho Tây Tạng bình yên.

Câu niệm chú, đã dẫn dắt tôi đi qua một cõi tâm linh của Tây Tạng. Nó không phải là sự thần bí chỉ dành riêng cho những câu chuyện cổ tích, nó là phép biện chứng của âm thanh, là phương tiện cho con người nhận dạng không gian mình và biết đặt lời của mình vào nơi đâu trên hành trình từ sống tới chết. Lời khấn lặp đi lặp lại, chuyển động cùng bánh xe quay theo vòng quay vũ trụ trên tay đã tạo thành phương pháp yoga của âm thanh trong phái Yogachra-Du Già Hạnh mà cơ sở triết học của nó là Duy thức học tồn tại từ 500 năm trước công nguyên cho đến ngày hôm nay, kể từ ngày nhà sư Asanga -Vô Trước sáng lập ở Gandara nay là bang Peshawar của ấn độ.

Người đàn bà trong quán Tsangfu. Đích thị bà là một đệ tử của Vô Thước đại sư, một Yoginis - nữ hành giả Du già luyện thành công phép yoga âm thanh nếu không làm sao bà có thể cấy lại mầm xanh lên thân thể và tâm hồn tôi bằng tiếng nói như hát của Om mani padme hum!

Pythagore: Âm thanh phát ra từ đồng là tiếng nói của ma sống trong đó!

Oken: Cái kêu lên cho thấy con ma của nó!

Padma Sambhava: Đại giải thoát bởi tính Nghe!

Tôi không sống vào thời đại Hyppocrat để nghe tiếng nói trong bụng của những nhà tiên tri. Tôi, một người Việt, tháng 9 năm 2003, trên sân tu viện Tashilunpo 5000m, và nghe tiếng hát thơm tho 40 triệu năm mẫn cảm Tây Tạng vang lên trong sáu vần vì con mắt của trái tim và đôi môi đã “làm cho những quan hệ hoá đá ấy nhảy múa lên bằng hát cho chúng nghe chính giai điệu riêng của chúng”.

Người đã làm cho những quan hệ hoá đá phải hát lên, không phải tôi, không phải nhà yoga Tây Tạng nào, chính Karl Marx - người thầy của chủ nghĩa duy vật biện chứng đã hát như thế về ngôn ngữ và hiệu quả âm thanh của nó. Đừng tưởng người Đức lạnh lùng, bởi tôn trọng giá trị huyền diệu của âm thanh, Novalis, Rilker, Nietzsche, Beethoven và Marx đã làm nên nước Đức khúc chiết luận lý triết học, nước Đức thăng hoa âm nhạc. Và tư tưởng của họ, nhân loại vẫn đang đọc và quán tưởng hàng ngày trên nhiều lãnh thổ!

Wangdi, tôi không vượt qua hoàng hôn Shigatse để đến Bhutan thăm anh nhưng tôi tin chúng ta, sẽ thấy nhau như hôm nào anh đã thấy linh hồn anh trai bằng con mắt trái tim trong sáu vần âm thanh niệm chú. Bởi âm thanh đã tạo nên đức tính thiên thần trong con người trần gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét