Thượng đế thì cười
Nguyễn Khải
tự truyện
Con người suy nghĩ còn
Thượng đế thì cười
(Ngạn ngữ Do Thái,
theo lời dẫn của Milan Kundera trong
Diễn văn Zérusalem - Nguyên Ngọc dịch)
1.
Hắn không thể tin được
đã sang tuổi bảy mươi lại phải đối mặt với những câu hỏi hết sức vô lý, buồn
cười, chỉ có thể hét lên vì giận dữ chứ không thể trả lời. Tại sao hắn phải trả
lời, người hỏi đã không có cái quyền được hỏi thì việc gì hắn phải trả lời.
Nhưng hắn vẫn không thể không trả lời vì người hỏi là vợ hắn, là người bạn đời
từ năm hắn mới ngoài hai chục tuổi, đã ăn ở với nhau gần hết một đời người, đã
có con chết con sống, con sống đứa lớn đã ngoài bốn chục tuổi, đứa nhỏ đã ba
mươi tuổi, lớn hơn năm hắn làm bạn với mẹ nó những ba tuổi. Năm mới về tạp chí
hắn mới hăm nhăm tuổi, anh Thanh Tịnh khoảng ngoài bốn mươi, anh Văn Phác, chủ
nhiệm tạp chí cũng mới ba mươi, anh Chính Hữu trẻ hơn một tuổi mới hai mươi
chín. Nếu thằng con đầu của hắn còn sống thì nó đã bốn mươi tư tuổi. Nói thế,
tức là vợ chồng hắn đã ăn ở với nhau lâu lắm, cùng sống hết một thời, gần hết
một kiếp lại chưa đủ để hiểu nhau ư? Chả lẽ từng ấy năm tháng sống bên nhau mà
chưa thể là một sao? Hắn và vợ còn là một cặp vợ chồng may mắn, chưa từng phải
xa nhau lâu, ngay trong những năm có chiến tranh hắn vẫn đi đi về về, chưa hề ở
một chiến trường nào dài quá hai tháng. Còn thời đó nhiều cặp vợ chồng phải xa
nhau năm, bảy năm, cả chục năm cũng là chuyện thường. Có một sĩ quan của quân
chủng hải quân, từ năm 1960 đã nhận nhiệm vụ chuyển vũ khí vào Nam bằng đường
biển trên những con tầu không số, đi về vài chuyến rồi mất tích. Ðã có giấy báo
tử, vợ đã đi lấy chồng khác, đã có một con với người chồng mới thì người chồng
cũ đột ngột hiện ra ở khuôn cửa căn hộ tập thể, tóc bạc, da nhăn, chân tay lòng
khòng giống hệt ông bố chồng lúc con trai vào chiến trường. Mười lăm năm đã
trôi qua, một đời người đã trôi qua. Với người chồng cũ, người vợ cùng sống mới
có dăm năm, còn với người chồng mới họ đã sống với nhau gần mười năm. Vậy mà
người đàn ông đến sau sẵn sàng từ bỏ hạnh phúc đang có, tự nguyện ra đi để
người ở chiến trường về được bù đắp mọi mất mát. Cặp vợ chồng tái hồi ấy đã
sống rất yên ấm bên nhau cho đến tận bây giờ. Cái đạo làm người của một thời
cũng đẹp nhỉ, rất đẹp. Còn vợ chồng hắn suốt bốn mươi lăm năm chưa một lần ăn
tết lẻ loi, năm ăn tết ở Hà Nội, năm ăn tết ở nơi sơ tán, trong chiến tranh mà
lúc nào cũng cặp kè bên nhau nhìn bà con trong xóm cũng ngượng. Ðã vui lẻ là
không thể vui hoàn toàn, vẫn cứ phải lén lút thế nào, chả lẽ giữa cảnh chia ly
của nhiều nhà lại trưng ra cái cảnh đoàn tụ, cứ như những kẻ đã tách khỏi cộng
đồng. Vậy mà tới tuổi già, cả vợ lẫn chồng đã biến hoá thành hai cái túi xương
thịt dăn deo, dúm dó, người vợ còn hỏi chồng: "Anh có còn yêu tôi không?
Anh có định ruồng bỏ tôi không?" Câu hỏi thì vô lý và buồn cười nhưng
người hỏi thì đau đớn, nghiêm trang, mắt nhìn tuyệt vọng như kẻ vừa bị tuyên án
tử hình. Lần đầu hắn nghe câu hỏi ấy liền trả lời nửa đùa nửa thật: "Bà
nghĩ tôi với bà còn ở tuổi đôi mươi à? Bà đã lẫn rồi à?" - "Anh đừng
nói thế, tôi chưa lẫn, tôi hỏi thật đấy". Mặt hắn đã cứng lại: "Sao
lúc trẻ không hỏi, nay đã sắp xuống lỗ mới hỏi. Tôi có chung thuỷ với bà hay
không thì bà cũng biết, gần nửa thế kỷ sống với nhau lại còn chưa đủ để biết
sao?" Người vợ vẫn nhìn hắn bằng lòng mắt đã đục bạc, cặp môi nhăn nhúm
tím lợt run khe khẽ: "Thuở trẻ anh không thế, về già đốc chứng nên mới
thế, tôi không nói vu cho anh đâu". Chồng bảy chục, vợ sáu mươi lăm, thời
trẻ sống với nhau chả ai phải nghi ngờ lòng chung thuỷ của ai, bây giờ sắp chết
lại giở trò ghen tuông bóng gió! Cứ như một chuyện hài, một trò hề, không dè
lại có ngày là chuyện đau đầu của chính hắn! Hắn vốn thích cười, thích nói đùa,
thích thầm thì vào tai bạn bè nhiều nhận xét ngộ nghĩnh về những hành vi buồn
cười, những cảnh ngộ dễ bật cười của người này người kia, cũng là những cái
cười hiền lành, thư giãn chứ không có ác ý, nếu đương sự có nghe được cũng đành
cười rồi bỏ qua. Nhưng cái thằng hay gây cười rồi cũng có lúc trở thành trò
cười của thiên hạ, bạn bè đã đe thế, nhưng hắn vẫn cười vì tự nghĩ mình là
người biết cách lui tới đời nào chịu làm bung xung để ngươì khác có dịp chọc
cười. Mà hoá ra đã từng là một nhân vật gây cười, khi diễn trò thì không tự
biết, năm tháng qua đi nghĩ lại mới thấy tức cười. Vậy mà bạn bè lại không nỡ
cười, chỉ trách nhẹ, thì ra các vị ấy còn thương hắn thật. Ấy là hai lần xuất
chính của một thằng nhà văn vốn được khen là không hám danh. Cả hai lần hắn đều
thất bại, mặt mũi lem luốc vì từ chỗ quyền lực chui ra làm sao còn giữ được
gương mặt sạch. Người khác bôi lem mặt mình, tự mình cũng vẽ bậy vẽ bạ lên mặt
mình, như thằng hề, lại còn nghĩ không ai biết mình đã là hề nên mới dám lên
mặt thuyết lý về tâm hồn, về đạo đức, cả về lý tưởng để có được những tác phẩm
văn chương để đời! Nó buồn cười là ở chỗ ấy. Nhưng cái buồn cười ở chốn ba
quân, nói gì thì nói, mình chỉ là một vai diễn cùng với nhiều vai diễn khác,
dẫu là buồn cười thì vẫn có nhiều tiếng vỗ tay, có cả tiếng la hét nên có cái
say, cái xuất thần khoảnh khắc của vai diễn, nên mới nói được nhiều câu rất tâm
huyết, rất chân thành, nếu ngồi vài người mà thốt lên những lời lẽ đó thì xấu
hổ chết được. Ðó là cái buồn cười không tự biết, vì tự mình cũng chưa lần nào
dám nhìn thẳng vào cái nghịch lý ấy để thấy hết được tính hài hước của nó. Có
lẽ vì hắn là người đã từng làm trò cười trong vai diễn hào hứng của mình, tự
thấy mình là người rất quan trọng nên vui lắm, nói nhiều hơn, cười nhiều hơn,
da thịt như nở ra vì sự mãn nguyện nên không chỉ đóng vai một lần, còn tiếp tục
tình nguyện đóng vai những hai lần, lần sau còn ê chề hơn lần trước, tất nhiên
lúc hết vai cũng hơi buồn, cũng hơi xấu hổ, mà nói cho cùng cũng chả có gì đáng
xấu hổ, có phải chỉ có một mình hắn tự ra sân khấu, tự múa may mà bảo phải xấu
hổ. Riêng lần này thì ngay từ lúc bắt đầu đã thấy nực cười rồi, vì cái trái
nghịch, cái vô lý đã được bày ra một cách trơ trẽn, chả có một cái nhân danh
đẹp đẽ nào che đậy cả. Chả lẽ nhân danh cái tình yêu vĩnh cửu, già rồi, sắp
chết rồi vẫn không trốn khỏi những trói buộc của mình yêu. ở người già hắn chỉ
chấp nhận những mối tình ân nghĩa, sự hàn nối, sự bù đắp những cơ hội bị trượt
đi thời họ còn rất trẻ. Như mối tình bị trượt đi của bà chị hắn với ông anh rể
muộn mằn. Có cái gì rất lặng lẽ, rất ngậm ngùi làm nên cái ý vị riêng trong chút
hạnh phúc vớt vát lúc cuối đời. Vợ hắn vừa mếu máo vừa nói: "Lúc nào tôi
cũng yêu anh, lúc nào tôi cũng sợ mất anh!" Giọng nói đã thiểu não, cái
nhìn càng thiểu não, là cái nhìn tuyệt vọng của một người đã gần mất cả chỗ bám
víu cuối cùng. Nhưng sao lại có thể nghĩ được thế nhỉ? Tuổi ba mươi có thể lo
sợ sẽ mất hết nếu bị chồng ruồng bỏ. Còn ở tuổi bảy mươi người chồng đã gần như
vô nghĩa nếu như họ muốn ra đi. Vì ở tuổi già người đàn bà chỉ cần biết có con
với cháu thôi. Mà cái thằng đàn ông là hắn cũng chỉ tha thiết có con với cháu.
Nếu như con trai hắn lại nói: "Con rất yêu bố, con rất sợ bị mất bố",
thì hắn phải xúc động cả nhiều ngày sau. Vì con cái với tuổi già là tất cả, nó
bỏ mình tức là cả cuộc đời của mình đã rời bỏ mình. Ở nó mình đã nuôi trồng chăm
bón bằng tất cả máu huyết của mình, tất cả hãnh diện và hy vọng một đời, chúng
nó quay lưng lại thì mình chỉ còn là cái túi rỗng rách chứ còn gì nữa. Cũng như
tình yêu với tuổi trẻ là tất cả. Tuổi trẻ có thể chết vì sự tan vỡ của một cuộc
tình. Ấy là nói cái thời sự lãng mạn còn chi phối toàn xã hội. Còn ở thời này
tất cả đã là sự tính toán rất tỉnh táo, thì mất một mối tình chàng trai hay cô
gái chỉ buồn nhiều lắm khoảng một tháng, có bao nhiêu trò chơi rất công nghiệp
sẽ bù đắp nhanh chóng khoảng trống ấy. Tiếng kêu rất não nuột của người vợ chỉ
làm hắn kinh ngạc và thương hại. Nghĩ lại một chút còn hơi buồn cười. Cái buồn
cười bao giờ cũng nảy sinh từ sự trái nghịch. Người đã già lại thốt ra những
lời yêu đương của bọn trẻ là dễ buồn cười vì nó không thuận tai. Người đã già
lại cố có những biểu hiện của tuổi thanh niên, bước đi nhảy nhót, mắt mũi đong
đưa, nói năng ỏn ẻn lại càng dễ gây cười vì nó vừa nghịch tai vừa nghịch mắt.
Trong cái trò chơi ghen tuông lạc điệu nếu một người bật cười phảy tay đứng lên
thì trò chơi lập tức chấm dứt. Mọi màn hài kịch sẽ sớm chấm dứt nếu một người
trong cuộc chợt nhận ra cái buồn cười của thân phận phảy tay bước ra. Nhưng hắn
đã không bật cười, không phảy tay đứng lên mà lại tự trói mình bằng những lời
thanh minh dài dòng, càng nói càng mất bình tĩnh, càng giống một người có tội
thật đang cố gắng tự biện hộ. Và tấn hài kịch gia đình không những không thể
chấm dứt ngay mà còn kéo dài tới hai năm sau, tới tận bây giờ.
2.
Người bảy mươi tuổi lại phải đối mặt với một nghịch cảnh, thoạt nghĩ là
chuyện buồn cười, chuyện trẻ con, muốn chấm dứt lúc nào cũng được, không dè cứ
phải dấn sâu vào mãi, mỗi ngày một trầm trọng thêm, mỗi ngày càng tự làm mình
hao mòn đi, tự đánh mất mình đi, và có lúc đã nghĩ chỉ có cái chết mới tự giải
thoát được. Một đời người lại được kết thúc bằng cách ấy thì buồn cười lắm, oan
uổng lắm. Với hắn vẫn tự xem là người biết lui tới, luôn luôn tìm được lối
thoát trong mọi thế kẹt thì cái tình huống hiện tại còn là một đòn trừng phạt
rất cay nghiệt, rất đáng đời, một tiếng cười dài trong những trò chơi bất tận
của thượng đế. Bởi vì hắn là một thằng đàn ông rất lãnh đạm, rất nhạt nhẽo
trong địa hạt tình yêu những năm còn trẻ thì lại bị vu là có ngoại tình lúc đã
về già; là người thích lý lẽ, lý lẽ trong văn chương, lý lẽ trong ứng xử thì
lại va đầu vào sự câm lặng và điếc đặc trước mọi lý lẽ; là người thích sống
bằng sự tỉnh táo thì lại bị bọc chặt bởi sự phi lý khiến hắn dần dần cũng trỏ
nên ngu muội. Như người bị nhấc khỏi môi trường sống quen thuộc quăng vào một
môi trường sống rất khác lạ, trong đó hắn bị tước đoạt mọi kinh nghiệm, mọi
thói quen, mọi phán đoán, kể cả cái lợi khí vẫn giúp hắn vượt qua mọi trở ngại
là ngôn ngữ cũng hoá ra bất lực. Tức là hắn đã rơi vào một hoàn cảnh mà tất cả
đều đối nghịch với hắn, đều trở thành khắc tính, thậm chí một nửa của hắn cũng
thù ghét với cái nửa còn lại. Cứ như đang bị đuổi bắt trong một giấc mơ mà kẻ
đuổi bắt mình không rõ hình thù là người hay là vật, là người sơ hay kẻ thân,
là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ. Chỉ là một cái khối luôn thay đổi hình dạng
dồn đuổi mình, và hắn do bản năng tự vệ cứ thế chạy, cũng chả hiểu sao lại phải
chạy nhưng nếu không chạy thì hắn sẽ bị tan biến trong nó, thành chính nó, trở
thành một phần tử của cái khối khủng khiếp ấy. Nhưng dẫu sao thì hắn vẫn cứ
chạy được, dưới mặt đất cùng đường thì hắn vọt bay lên, bao giờ cũng bay cao
hơn, bay xa hơn cái khối sát nhân một quãng. Trong nhiều giấc mơ dài ngắn từ
trẻ đến già hắn hay bị vây bủa trong những tình huống bị mất danh dự đến tột
cùng. Chẳng hạn như ăn nằm với một người đàn bà xa lạ và bị bắt quả tang. Hoặc
lấy cắp tiền và cũng bị bắt quả tang. Trong đời một người đàn ông hắn chưa từng
ân ái với một người đàn bà nào ngoài vợ hắn. Nhưng phản bội vợ trong tưởng
tượng, trong thèm muốn thì luôn luôn có, gặp một người đàn bà đẹp lớn tuổi hơn
hoặc nhỏ tuổi hơn là hắn lập tức nghĩ ngay tới những mối quan hệ bất chính dẫu
biết chắc rằng sẽ không bao giờ có thể có. Những ẩn ức của đời thường đã tìm
được lối thoát bằng những giấc mơ chăng? Nhưng cả đời hắn chỉ phạm tội ăn cắp
có một lần, lấy một cuốn truyện tại nhà thầy giáo năm còn học tiểu học. Còn khi
đã trưởng thành hắn chưa từng lấy cắp công của ai, lấy cắp danh của ai, lấy cắp
tiền của ai. Riêng trong nghề văn, nói cho thật, cũng có lấy cắp một cách nghĩ,
một cách nhìn, một cách viết không chỉ của một vài vị tiền bối mà còn của mấy
bạn văn mới bước vào nghề. Lấy cắp của người khác chưa từng là một ám ảnh trong
hắn tại sao nó lại biến hoá vào những giấc mơ của hắn. Chắc là cái ám ảnh phạm
tội thời còn thơ ấu. Những người gây nên nỗi ám ảnh dai dẳng này lại là bố hắn,
mẹ già của hắn, các chị hắn và ông anh rể của hắn. Một đời người chưa lúc nào
hắn quên được toà án gia đình ngồi quây quanh cái bàn ăn trong ngôi nhà cổ của
phố Hàng Nâu, Nam Ðịnh, và cái giọng lên án lạnh lùng của ông bố: "Tại sao
mày lại lấy tiền của các chị mày..." Và bà mẹ già nói nhẻ nhót trong cái
nhếch mép như hơi cười: "Con thiếu tiền sao không nói với mợ? Hay là đẻ
con cần tiền?" Những lời nói lạnh buốt ấy khiến hắn, một thằng trẻ con mới
lớn, vỡ ra thành những mảnh băng nhỏ, và cái nhúm băng nát vụn ấy ngay lập tức
đã tan thành nước. Trong mấy chục giây hay lâu hơn hắn không rõ, hắn đã mất
biến trên cõi thế gian này, đã chưa từng tồn tại, cho tới lúc bà gắt to với các
cô con gái: "Có làm gì thì làm đi! Từ nay có tiền thì phải giữ!" Vì
từ nay trong gia đình đã xuất hiện một thằng ăn cắp! Hắn bàng hoàng mất mấy
ngày nhưng rồi hắn cũng vượt qua được, vì hắn đã nhận ra cái tội của hắn không
phải tội ăn cắp mà là cái tội khó nói hơn, cái tội là con thêm con thừa, đứa
con không mong đợi của một ông bố vì chót mê say thêm một người đàn bà mà có
đứa con thêm này. Ðó là lầm lỗi của người lớn, hắn chả có tội gì trong cái lỗi
của họ. Nửa năm sau hắn lại bị vu là thằng ăn cắp ở nhà ông anh rể. Anh là ông
chủ của một cụm cửa hàng bách hoá ở một đường phố lớn của Hải Phòng. Anh kéo
hắn vào căn phòng làm việc của anh vào một buổi sáng, nói thẳng với hắn là hắn
đã mở cửa dắt người quen vào lấy đi một cúp-pông len ở quầy bán len dạ. Cũng
vẫn cái lý lẽ, ở nhà này trước đây chưa hề mất mất bất cứ cái gì, từ ngày hắn
đến ở mới... Rồi anh giúi vào túi áo hắn một tờ bạc một trăm, tiền Ðông Dương,
bảo hắn về Hà Nội ở với mẹ chữa cho khỏi cái bệnh lở rồi anh chị sẽ gọi là ra
Phòng. Trên chuyến tàu trở lại Hà Nội hắn chả buồn một tí nào, chả xấu hổ một
tí nào, vì hắn tự biết cái tội của hắn không thuộc về hắn, chỉ là mưu mô của
những người lớn tìm cớ đuổi hắn đi để họ khỏi gai mắt, mà mẹ hắn cũng chả có cớ
gì để trách oán họ cả. Nó hư thế thì anh chị nào dám giúp, chứ không phải không
muốn giúp.
Nỗi kinh hoàng bị vỡ ra, bị tan ra thành những mảnh băng nhỏ trong những giây
đầu của một người lương thiện bỗng dưng bị vu là phạm tội mãi mãi hằn sâu trong
tiềm thức của hắn, mãi mãi hắn hãi sợ mọi yếu tố có thể cấu thành tội phạm. Hắn
sợ đã vô tình đắc tội với Nhà nước, với Ðảng, với tổ chức, với cả bạn bè. Nhưng
với vợ con thì không, vợ con là của riêng hắn, sống cho hắn, vì hắn, và hắn
cũng đã tự nguyện hy sinh một đời mình cho họ. Có đúng thật thế không? Hình như
không hoàn toàn là thế. Vợ hắn đã nói trong một lần giận dữ (giận dữ vì hắn cứ
khăng khăng nói rằng hắn không hề có ngoại tình, hắn chỉ biết có vợ với con,
hắn phản đối mọi sự vu khống!): "Nếu anh ruồng bỏ tôi để sống với một
người đàn bà khác lúc cuối đời thì tôi sẽ viết thư cho tổ chức Ðảng yêu cầu
khai trừ anh ra khỏi Ðảng, tôi sẽ viết thư gửi các tờ báo lớn tố cáo cái bộ mặt
đạo đức giả của anh cho bạn đọc cả nước biết anh là một thằng chồng phản bội,
một ông bố khốn nạn, một người đáng khinh bỉ, không xứng đáng cầm bút".
Thì ra vợ hắn vẫn còn một chỗ dựa khác vững chắc hơn nếu bà ấy muốn loại bỏ
hắn, đó là tổ chức Ðảng, là dư luận bạn đọc qua báo chí. Bà vẫn còn đủ sức mạnh
để kết tội hắn, dẫu bà chẳng có chứng cớ gì để xác minh là hắn đã phạm tội. Vợ
hắn nói: "Tôi cần gì phải có chứng cớ, tự tôi là một chứng cớ. Ai chả biết
năm còn trẻ tôi rất khoẻ mạnh rất xinh đẹp, sau mấy chục năm hầu chồng hầu con
tôi mới ra nông nỗi này, không còn là người nữa, là một con vật xấu xí, bệnh
tật, bẩn thỉu như nắm giẻ. Nên anh mới phụ tôi, mới chê tôi..." Hắn vẫn
còn khoẻ mạnh, vẫn là một ông già đẹp lão ngồi cạnh một bà vợ còm cõi, hai tay
run rẩy, tóc bạc quá nửa, mắt luôn nhìn xuống, quả thật bố con hắn hết sức có
tội, chả cần chứng cớ gì thêm, chỉ thế thôi cũng đủ là người có tội, dẫu là một
cái tội chưa bao giờ hắn có, tội ngoại tình. Nhưng cũng chả nên trách vợ hắn,
vì muốn tự cứu bà phải tách khỏi hắn ra, để tự do lên án cái nửa kia vốn vẫn là
của riêng bà. Còn hắn thì sao? Ðã có nhiều trường hợp tự hắn cũng phải nói
ngược lại niềm tin của mình, tự kết tội mình, dẫu hắn chả có tội gì cả để cứu
lấy cái nghề mà hắn không thể rời bỏ. Nếu hắn không có tội vậy tổ chức nói sai
ư? Dư luận xã hội nói sai ư? Có thể trước đó cái tội của hắn còn mơ hồ, đe nẹt phòng
ngừa trước chứ chưa hẳn đã là tội, nhưng vì hắn cố cãi rằng hắn không có tội,
vậy cái tổ chức kết án hắn có tội hay sao? Chính là sự tự biện hộ, tự bào chữa
một cách ngang bướng đã khiến cái tội mơ hồ thành một tội cụ thể, tội chống đối
lại tổ chức! Nên hắn thường tự nhận tội trước khi tổ chức chính thức kết tội.
Vả lại chính hắn cũng tự thấy mình là có tội, cái tội đã làm tổ chức phải phiền
lòng, phải khó nói vì mình, chả lẽ như thế lại không phải là một tội sao?