Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

28. Mặt nạ Kinh kịch


28. Một chút về nghệ thuật vẽ mặt nạ Kinh kịch

Một chút nói đầu: Mới chiều nay thôi, tại nhà sách Nguyễn Huệ, tôi gặp chuyện cười muốn mếu. Tôi kiếm được cuốn Kinh Kịch Trung Quốc trong khu vục bán kinh sách! Cô bán sách còn khẳng định rất lịch sự với tôi rằng không có kinh gì tên là kinh Kịch cả. Cha mẹ ơi! Thưa cô, "Kinh" là Bắc Kinh còn kịch là đóng kịch ấy. À há... Ừ hứ... tôi có được "Kinh Kịch Trung Quốc" trong lộn xộn những thứ kinh, Kinh Thánh, Kinh Phật, Kinh Thi, Kinh Dịch... và Kinh Khủng. Khủng (hoảng) cho cái văn hóa nước mình!

Xin giới thiệu với quý vị một cuốn sách đẹp, chỉn chu không quá chuyên môn cũng không sơ lược, đủ cho những người ngoại đạo hiểu đầy đủ về Kinh kịch. Chi tiết về tác giả, dịch giả và Lời nói đầu xin xem ở đây: http://nxbhcm.com.vn/Chi-tiet-sach/1225/kinh-kich-trung-quoc.aspx.


1. Bìa cuốn sách

Tôi vốn là dân amateur, chỉ vì mặt nạ mà lạc vô một góc nhỏ trong khu vườn kịch nghệ là Kinh kịch. Muốn tìm hiểu về mặt nạ trong bộ môn này cho ngọn ngành thấu đáo, thật sự không biết tìm nơi đâu. May mà có internet và một chút tiếng Anh (không chuyên ngành) nên học hỏi được ít nhiều vì thế mà vỡ vạc ra cũng lắm. Tự nhận thấy khu vườn này với phần lớn người Việt còn hoang quá, nên cố gắng làm trách nhiệm của một công dân mạng mà truyền bá những kiến thức lượm lặt được bằng cách tổng hợp kiến thức chỗ này chỗ nọ rồi nói bằng tiếng nước mình. Có rất nhiều từ chuyên môn mà tôi không có khái niệm trong tiếng Việt, nên buộc phải diễn giải nó bằng nghĩa đen, hoặc bằng cách mà tôi hiểu nó. Có rất nhiều khái niệm tôi mới biết tức thì và sử dụng luôn trong bài này được lấy từ cuốn sách bên trên. Xin chân thành cám ơn tác giả và dịch giả.

Theo cuốn Kinh kịch Trung Quốc: "Người Trung Quốc gọi những hình vẽ có màu sắc sặc sỡ trên mặt nhân vật hí kịch là “kiểm phổ”. Kiểm phổ là một hình thức thể hiện độc đáo trong lĩnh vực biểu diễn của hí kịch Trung Quốc, kiểm phổ gồm hơn 1000 loại, những kiểm phổ khác nhau sẽ mang hàm nghĩa khác nhau. Màu sắc chủ đạo trong kiểm phổ gồm đỏ, tím, trắng, vàng, đen, xanh dương, xanh lá, hồng, xám, nâu, vàng, bạc, dùng những màu khác nhau để vẽ ra những kiểm phổ khác nhau thì nhân vật sẽ mang những tính cách khác nhau. Các đường họa tiết vẽ trên mặt thường được vẽ bằng các màu sắc khác nhau để làm tôn thêm màu chủ đạo, khi hóa trang, màu vẽ thường pha chung với dầu để hình vẽ được giữ lâu hơn. Màu sắc được dùng để vẽ kiểm phổ đầu tiên là ba màu đen, đỏ, trắng. Theo nghiên cứu của nhà lý luận hí kịch Trung Quốc Ung Ngẫu Hồng (1909-1994): cùng với sự gia tăng của các tuồng kịch, để khuếch trương và phân biệt giữa các nhân vật hí kịch với nhau, ba màu đen, đỏ, trắng chủ đạo ban đầu đã không còn đủ dùng nữa, các chuyên gia nghệ thuật hí kịch thông minh đã tiếp thu từ các phần miêu tả của tiểu thuyết cổ điển và phần thuyết minh của các nghệ nhân để phát triển kho tàng kiểm phổ, ví dụ như bằng thủ pháp khoa trương, thay hình đổi dạng của nghệ thuật, dùng các màu sắc và đường nét để vẽ lại các hình tượng như “mặt như táo đỏ”, “mặt đen như than”, “mặt như dầu trắng”, “mặt vàng như nghệ”, “mặt xanh râu đỏ”, “râu đỏ mặt xanh dương”, và “đầu báo mắt vòng”, “mắt phượng mày ngài”, “mũi sư tử”, “mày chổi” lên mặt của các nhân vật hí kịch." Các mô tả chỉ dừng lại ở mức này chứ không đi sâu chi tiết thêm nữa.

Theo Paul and Bernice Noll website: 
http://www.paulnoll.com/China/Opera/, mặt nạ Kinh kịch gồm 14 nhóm mặt khác nhau như sau:

1. Mặt trơn (Full Face) gồm: mặt trơn đỏ, trơn đen, trơn trắng

2. Mặt ba mảng (Three-Tile Face) gồm: dựng (Up-right), hoa (Flowered), nhọn (Pointed) và lão (Old)

3. Mặt chữ thập (Cross Face), gồm lão (Old), đốm (Variegated),

4. Mặt sáu phần mười (Six-Tenth Face), gồm mặt thường và mặt lão (Old)

5. Mặt hoa (Broken-Flower Face), gồm xanh, đen, đen bất đối xứng (asymmetric), trắng xoáy (Twisted)

6. Mặt thầy tu (Monk Face), gồm trắng, vàng

7. Mặt thầy pháp (Taoist Face), theo đạo Lão

8. Mặt hoạn quan (Eunuch Face)

9. Mặt hình thỏi bạc (Ingot Face), gồm thường (Ordinary), ngược (Inverted) và hoa (Flowered)

10. Mặt mang biểu tượng (Symbolic Face)

11. Mặt thần tiên (Fairy Face)

12. Mặt hề (Clown Face), gồm hề dân (Civilian), hề ác (Ugly) và hề lính già (Old warrior)

13. Mặt khoa trương (Heroic Face)

14. Mặt yêu quái (Demon Face)

Mô tả chi tiết như sau: 

Mặt trơn: 

Đây là kiểu mặt có cách vẽ gần giống mặt người tự nhiên nhất. Người ta phủ toàn bộ da mặt bằng màu chính yếu đại diện cho tính cách nhân vật, sau đó vẽ cách điệu thêm mắt, lông mày, mũi, miệng. Kỹ thuật vẽ mặt kiểu này dùng những nét vẽ nhỏ, mảnh, chính xác và dứt khoát.


2. Quan Vũ thuộc kiểu nhân vật uy dũng là đại diện điển hình cho kiểu mặt trơn màu đỏ.

Để vẽ mặt Quan Vũ, trước tiên người ta thoa toàn mặt màu đỏ, sau đó vẽ lông mày và mắt bằng những đường màu đen, những vạch dài trên trán và hõm mũi sậm màu mô tả một người phi thường do bởi vẻ uy nghi và tôn quý.



3. Tào Tháo thuộc kiểu nhân vật gian hùng là đại diện điển hình cho mặt trơn màu trắng

Tào Tháo là nhân vật đa nhân cách, một mặt có tính cách ám muội, dối trá, mưu mô mặt khác lại có tài thao lược trong quân sự và chính trị. Khuôn mặt Tào Tháo được phủ toàn bộ màu trắng thể hiện bản chất quỷ quyệt, mắt ti hý gãy góc với những nếp nhăn đằng chuôi cho thấy một tính cách xảo trá.


4. Bao Công thiết diện vô tư có mặt trơn màu đen với vầng trăng trên trán.

Khuôn mặt Bao Công được vẽ màu đen có cặp lông mày trắng đang nhíu lại để thể hiện tính cách trung quốc, hiếu dân và thượng tôn pháp luật. Vầng trăng trên trán thể hiện sức mạnh bí ẩn giúp Bao Công  giao tiếp với trần thế vào ban ngày và âm phủ vào ban đêm.

Như nói bên trên, ba màu chủ đạo đỏ, đen và trắng không đủ đáp ứng sự đa dạng của nhân vật nên các kiểu vẽ phong phú và đầy màu sắc hơn đươc phát triển. Kiểu mặt ba mảng là một trong các kiểu mặt phổ biến nhất cũng như có nhiều biến thể nhất.


Mặt ba mảng: 

Trong kiểu vẽ mặt này, các yếu tố mắt, lông mày và mũi được cường điệu lên bằng ba mảng màu, hai mảng màu gọi là hốc mắt (eye sockets) được vẽ xung quanh hai mắt và một hố mũi (nose pit) xung quanh mũi. Ba mảng màu này tựa như mấy viên ngói được xếp chồng lên nhau nên tiếng Anh mới có khái niệm là "three-tile" (ba viên ngói). Với kiểu mặt này, màu chủ đạo là màu nền phía dưới ba mảng màu bên trên.


5. Khương Duy là đại diện cho kiểu mặt ba mảng dựng

Kiểu mặt ba mảng dựng đại diện cho tính cách trung thành và can đảm. Lông mày được vẽ gần như thẳng đứng với mắt to và hõm mũi tròn. Mặt kiểu này thường có màu đỏ, trắng hay tía. Khương Duy mang mặt đỏ với biểu tượng lưỡng nghi rất đặc biệt trên trán, thể hiện việc ông là môn đồ của Gia Cát Lượng với khả năng "thông thiên văn, hiểu địa lý" như thầy.



6. Dou Er Dun đại diện cho kiểu mặt ba mảng hoa

Dou Er Dun là một trong những kiểu mặt đẹp và phức tạp trong Kinh kịch, khuôn mặt được chăm chút bằng những nét  và đốm tinh xảo xung quanh mắt và lông mày. Dou Er Dun là một thảo khấu nên mặt có màu xanh, giữa trán vẽ hình một cái lưỡi nhọn để biểu tượng cho cái xóc hai lưỡi là vũ khí đặc biệt của nhân vật này.


7. Wang Lin là ví dụ cho kiểu mặt ba mảng nhọn

Kiểu mặt ba mảng nhọn được phân biệt bởi lông mày cong hoặc nhọn với mắt thường được vẽ xếch lên. Kiểu mặt này có rất nhiều màu và nhân vật mang mặt này cũng rất đa dạng. Wang Lin là bạn của Lưu Ban, ông có công trong việc cứu gia đình Lưu Bang khỏi tay Xiang Xu, sau khi nhà Hán thành lập, ông trở thành thừa tướng của triều đại này.


8. Cheng Pu là ví dụ cho kiểu mặt ba mảng lão

Kiểu mặt ba mảng lão vẽ những nhân vật già với đặc điểm là mí mắt sệ xuống, các cơ mặt cũng được vẽ chùng lại như "đám mây thấp", hố mũi vẽ màu đen hay xám để chỉ tình trạng "hoa râm" của nhân vật. Cheng Pu là hình ảnh của một người đàn ông thông minh và đầy kinh nghiệm, người có khả năng giải quyết những tình huống khó khăn bằng trí lực.


Mặt chữ thập: 

Cách gọi này xuất phát từ chữ Trung Quốc: 十字门脸 (shízìmén liǎn). Mặt này được biến thể từ kiểu vẽ mặt ba mảng, màu chủ đạo của nhân vật là màu của đường kẻ dọc kéo từ trán xuống đầu mũi. Đường kẻ này kết hợp với đường ngang nối hai hốc mắt tạo thành một chữ thập giữa mặt. Những nhân vật kẻ mặt chữ thập đều là nhân vật chính diện như là anh hùng hay dũng tướng. Nếu vùng trắng xung quanh hai mắt được mở rộng một chút để trông giống như hai cánh chim, kết hợp với sống mũi vẽ đen sẽ cho khuôn mặt giống hình con chim ác (magpie), vì thế mặt kiểu này được gọi là mặt chim. Khi hốc mắt và mũi được vẽ dính liền nhau, khuôn mặt có hình dạng một con bướm xòe cánh, khi này mặt được gọi là mặt bướm. Nếu mặt bướm được trang trí thêm một vài họa tiết trên trán và xung quanh mắt thì khuôn mặt có tên là mặt bướm hoa (flowery butterfly face).


9. Hạng Vũ (Xiang Yu), kiểu mặt chim

Khuôn mặt của Hạng Vũ là độc đáo và duy nhất với mày rối và mắt chùng, mô tả hết sức sinh động hình ảnh bi tráng của một đấng anh hùng.


10. Trương Phi tính nóng như lửa lại có khuôn mặt bướm hoa

Trương Phi là một danh tướng rất được dân chúng yêu mến và ngưỡng mộ, ông có tính cách khẳng khái, bộc trực và rất nóng nảy, cùng võ nghệ siêu phàm kết hợp với sự dũng cảm và coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Nhưng ít ai biết được Trương Phi viết chữ rất đẹp và là một họa sĩ có biệt tài vẽ mỹ nhân.


Mặt Sáu phần mười:

Mặt kiểu này là biến thể của mặt trơn, sỡ dĩ có tên này là do màu chính yếu chiếm tới 6 phần khuôn mặt, màu này được vẽ trên toàn bộ hai gò má và trên đường kẻ dọc ở giữa trán. Phần trán còn lại thường được vẽ màu trắng còn lông mày thì lại được giản lược bớt, có khi chỉ còn là hai đốm hình oval trên mặt.


11. Li Mi là người hiểu thời cuộc, dám khước từ công danh để lo cho mẹ già.

Mặt sáu phần mười có lối vẽ rất đơn giản, nhưng đây lại là kiểu mặt của giới quyền cao chức trọng như quân sư, quý tộc hay là vua.


"Những kiểm phổ mà khán giả thường thấy đa phần đều là của "Hoa kiểm", loại vai này được gọi là "Tịnh". Nhân vật vai này đều là nam, tính tình thô lỗ, phóng khoáng, thích nói chuyện lớn tiếng, thường xuyên la lớn, khi nôn nóng, căng thẳng còn động tay, động chân". Đây là mô tả về tính cách của mặt hoa trong cuốn Kinh kich Trung Quốc giới thiệu bên trên (trang 69).

Mặt hoa có hai dạng chính là mặt nét gãy (broken pattern) và biến dạng (deformed pattern). Mặt hoa nét gãy được biến thể từ mặt hoa ba mảng và mặt chữ thập bướm hoa, nghệ sỹ vẽ các đường cong trên trán, mắt, lông mày và cả trên hai gò má để tạo ra các hình dạng phong phú và đa dạng. Màu chính yếu được quy ước nằm trên trán, thông thường khuôn mặt kiểu này được vẽ bởi rất nhiều màu nhắm tạo những hiệu ứng ấn tượng cho khuôn mặt.


12. Ma Wu, mặt hoa màu xanh

Ma Wu mang mặt hoa màu xanh, nét bút được vẽ tỉ mỉ nhằm làm cho khuôn mặt thô ráp và hoang dã là hình ảnh điển hình của một thảo khấu chốn rừng xanh.


13. Xu Chu, mặt hoa nét gãy màu đen

Xu Chu (Hứa  Chử) là cận vệ của Tào Tháo, ông được mô tả là người cao lớn, mạnh mẽ nhưng đầu óc giản đơn và trung thực nên có biệt danh là "cọp khờ" (Tiger Pool). Mặt Xu Chu mang màu đen, những nét vẽ cong, đứt đoạn cùng những đốm chấm dưới mắt và mày làm khuôn mặt trông rất dữ.

Kiểu mặt hoa biến dạng, giống như tên gọi, mô tả một khuôn mặt bị biến dạng trong một trạng thái cảm xúc không bình thường. Thường khuôn mặt này là mặt của tội phạm hay là mô tả một hành vi phạm tội.


14. Zheng Ziming, mặt hoa màu đen biến dạng

Mặt Zhen Ziming bị biến dạng do một con thú vồ khi ông này đang cố cứu một người khác lúc còn tuổi trẻ, khuôn mặt có một vết sẹo trên trán và có cả dấu của vết cào ở một bên má.

Năm loại mặt bên trên mô tả thế giới của những người bình thường, tuy nhiên Kinh kịch còn cả một thế giới khác thường nữa, đó là thế giới của đạo sĩ, của thần tiên, của quái vật. Khuôn mặt của những nhân vật kiểu này được mô tả bằng những biểu tượng có tính ám chỉ rất đặc biệt, thường hốc mắt được vẽ hình bầu dục, quanh mũi và miệng là những họa tiết hình hoa, trên trán bao giờ cũng có những dấu hiệu như, lưỡng nghi biểu trưng cho đạo Lão hay ngọc tỉ, chín dấu chấm biểu trưng cho Phật giáo.


15. Lu Shishen, thầy tu mặt trắng



16.Pan Tong, tu sĩ đạo lão



17. Hoang Pang, tu sĩ Phật giáo

Bên cạnh tu sĩ còn có hoạn quan cũng thuộc loại người không bình thường, hoạn quan trong Kinh kịch chỉ có hai màu mặt là đỏ và trắng. Tính cách thường không tốt đẹp, không chuyên quyền thì cũng thích hành hạ và cai trị người ta. Lông mày được vẽ mỏng và xếch ngược, hốc mắt vẽ bầu bầu tựa con dao phay ám chỉ sự chết chóc, khóe miệng thì trễ xuống cộng với những nếp nhăn được kéo thõng cho thấy tính cách trí trá của hạng người này. Điều tức cười nhưng chính là dụng ý của nghệ thuật vẽ mặt, hoạn quan bao giờ cũng có hình ngọc tỉ trên trán, cho thấy họ là đệ tử Phật nhưng mỉa mai thay rằng "miệng nam mô nhưng bụng ngậm bồ dao găm"


18. Yi Li, hoạn quan mặt trắng





19. Liu Jin, hoạn quan mặt đỏ

Mặt mang biểu tượng:

là một phần rất đặc sắc của Kinh kịch, khuôn mặt này thể hiện nhân vật thần thoại thường xuất hiện trong những vở kịch chuyển thể từ truyện cổ tích. Không có tiêu chuẩn chung nào để vẽ loại mặt này, tuy nhiên người  nghệ sỹ phải hóa trang sao cho khuôn mặt gồm  màu sắc và đường nét phải đại diện cho con quái vật hay vị thần mà mình muốn mô tả.



20. Kẻ ranh mãnh vĩ đại, mặt vua khỉ

Đây là mặt Tôn Ngộ Không trong vở "Đại náo thiên cung", diễn viên đóng vai này phải hóa trang cho thật giống con khỉ huyền thoại rất nổi tiếng này.



21. Mặt mang biểu tượng của Báo đồng tiền

Đây là mặt của con quỷ đội lốt báo trong vở kịch "Núi Hồng đào", con qủy này chiếm núi Hồng đào và cướp vợ của điền chủ, cuối cùng nó bị bắt bởi thiên binh.


Mặt thần tiên: 

Đây là biến thể của loại mặt trơn và mặt ba mảng, thường là mặt Phật hay Thánh. Màu nhũ vàng và bạc, biểu tượng cho sự thiêng liêng và tôn kính là hai màu chủ đạo của kiểu mặt này.


22. Li Tian Wang, Lý Thiên Vương

Mặt Lý Thiên Vương là kiểu mặt ba mảng nhọn với hình thanh long đao màu nhũ vàng trên trán, trong vở "Đại náo thiên cung" Ngọc Hoàng đã phái Lý Thiên Vương xuống bắt Tôn Ngộ Không để dẹp loạn.


Mặt khoa trương và mặt yêu quái: 
Về cơ bản, hai loại mặt này gần giống như mặt mang biểu tượng, chúng thường là những vai phụ nên cách vẽ cũng khá đơn giản nhằm đễ dễ phân biệt với các vai chính trong một vở kịch.


23. Hei Fengli, mặt khoa trương đen



24.Lính rùa, mặt yêu

"Xét trên chức năng hí kịch của kiểm phổ, dù nhân vật thuộc thể loại vai nào đều có thể vẽ kiểm phổ, khi cần thiết phải làm nổi bật hình tượng và diện mạo của nhân vật. Thường thì hai dạng nhân vật Tịnh (vai tà) và Sửu (vai hề) có nhiều kiểm phổ nhất. Thông thường, đối với những khán giả thích kiểm phổ thì đại đa số đều tập trung quan sát vai Tịnh, nhưng vai Sửu trong Kinh kịch mới là dạng vai đầu tiên được vẽ kiểm phổ trong lịch sử Kinh kịch...

Kiểm phổ của các nhân vật khác nhau cũng có sự khác biệt rõ nét. Nhưng so ra thì kiểm phổ của vai Sửu lại đơn giản hơn vai Tịnh, nhưng các nhân vật hàng Sửu lại đa dạng và phức tạp hơn nhiều, hiệu quả nghệ thuật diễn xuất cũng khá nổi bật so với vai Tịnh. Vì vậy kiểm phổ của vai Sửu vừa tinh tế và có chiều sâu hơn, không phải đơn thuần chỉ vẽ mấy “mảng đậu phụ” (mảng màu trắng to bằng một miếng đậu phụ được vẽ ở giữa mặt) mà thôi, và cho dù chỉ là vẽ “mảng đậu phụ” như nhau, nhưng vị trí vẽ và kích thước to nhỏ cũng sẽ mỗi người mỗi khác, và cũng tùy theo từng vở kịch"

Trên đây là một đoạn trích trong lời giới thiệu của sách đã dẫn. Rõ ràng hệ thống vai hề chiếm vị trí rất quan trọng trong loại hình kịch nghệ này. Người ta dùng thủ pháp biếm họa để thể hiện khuôn mặt hề, một bệt trắng như miếng đậu phụ được vẽ chính giữa mặt, trùm lên toàn bộ chóp mũi, có thể có nhiều hình dạng khác nhau như tròn, tam giác, đa giác, đây là đặc điểm chính yếu để nhận diện mặt hề.



25. Jiang Gan, hề dân

Jiang Gan trong vở "Quần anh hội" là một ví dụ điển hình của mặt hề. Khuôn mặt được vẻ nhằm cho thấy một người có bề ngoài thông minh nhưng thực chất lại rất ngốc nghếch.



26. Xue Ba, hề ác

Xue Ba là một trong hai tên cướp được phái đi giết Lâm Xung trong vở "Dã trư lâm" dựa trên cốt truyện Thủy Hử.


27.Tao Hong, hề lão

"Trong vai Sửu, có một số đóng vai nham hiểm, gian xảo, tham lam, ích kỷ, nhưng nhiều hơn hết là các vai thông minh, lanh lợi, cảnh giác, hài hước, thậm chí còn rất ngay thẳng, chính trực, hiền lành. Trong hí kịch tryền thống, thông thường những nhân vật có địa vị không cao đều do vai Sửu đóng. Nhưng xét về tính cách, những người này đa phần đều rất hài hước, hoạt bát, khá lạc quan. Phải nói rằng nhân vật thuộc hàng Sửu nhiều hơn các vai Sinh, vai Đán và vai Tịnh, từ hoàng thượng, tướng quân, thừa tướng, cho đến tầng lớp bình dân, những người què, điếc, mù, câm, nam, nữ, già, trẻ, người tốt, người xấu, trung thần, kẻ gian đều có thể dùng vai sửu để thể hiện" (sđd, trang 70). Quả đúng "Vô Sửu bất thành hí"!

"Đán" là tên gọi để chỉ vai nữ ngược với "Sinh" để chỉ vai nam. Có lẽ vở "Bá Vương biệt cơ" sau này được dựng thành phim là một "show diễn" thành công trong việc giới thiệu Kinh kịch ra với thế giới. "Bá Vương biệt cơ" là vở kịch của vai Đán, vở kịch kể về mối tình thiên cổ của kiêu hùng Sở Bá Vương Hạng Vũ với tuyệt đại mỹ nhân Ngu Cơ đã cùng chết đẹp trong ngày tàn binh bại.


28. Poster phim Bá Vương Biệt Cơ của đạo diễn Trần Khải Ca

Khi vẽ mặt vai nữ, cách đánh phấn, thoa son, vẽ chân mày, vẽ đường viền mắt, hình môi là những điểm cần chú ý nhưng cách dán hoa mới là điểm nổi trội. "Cách dán hoa của vai Đán tức là vẽ tóc mai ở hai bên má của diễn viên vai Đán và dán hoa ngay trên phần tóc trên trán, ưu điểm là có thể thay đổi khuôn mặt một cách tự nhiên, giúp cho khuôn mặt mang vẻ đẹp của thời đại đó, và cũng phù hợp với yêu cầu của vở kịch" (sđd trang 139).


29. Mu Gui Ying, nữ tướng

Mộc Quế Anh (穆桂英- Mu Gui Ying) là một nhân vật hư cấu trong các giai thoại về Dương Gia Tướng. Theo đó, bà được mô tả là một nữ tướng dũng cảm, kiên quyết và trung thành, được xem là hình tượng của một người phụ nữ kiên định trong văn hóa Trung Quốc.

Lịch sử Kinh kịch chỉ chừng hơn 200 năm nhưng Kinh kịch đã tích lũy được những chuẩn mực có tính công thức cho hệ thống trình diễn như phục sức, hình thức biểu diễn (ca, nói, vũ đạo) và đặc biệt là chuẩn mực kiểm phổ. 


"Qua nhiều năm phát triển, phương pháp vẽ kiểm phổ, kiểm phổ tiêu biểu cho cái gì, đặc điểm và quy trình vẽ đều có quy ước riêng, những khán giả quen thuộc chỉ cần nhìn mặt là biết ngay nhân vật nào trong vở kịch nào. Từ đó cũng thấy được quan điểm và xu hướng tình cảm đặc thù của người Trung Quốc đối với các nhân vật lịch sử... Kiểm phổ chính là bằng chứng phát triển hoàn thiện của thủ pháp tả ý ước lệ trong Kinh kịch, hiểu rõ ý nghĩa tượng trưng mà kiểm phổ muốn thể hiện sẽ giúp ích cho việc tìm hiểu cốt truyện của tuồng kịch. Sau khi kiểm phổ đã có chỗ đứng vững chắc trong nghệ thuật biểu diễn hí kịch, mặt nạ vẫn chưa bị phế bỏ, ví dụ như khi diễn các vở kịch về đề tài cát tường và thần thoại vẫn còn “mặt nạ thần tài”, “mặt nạ thần sấm”..., vẫn còn tình trạng mặt nạ và kiểm phổ cùng xuất hiện trên sân khấu" (sđd, trang 13). 

Trên đây là một chút sơ lược về nghệ thật vẽ mặt Kinh kịch, sẽ là "múa rìu qua mắt thợ" khi một kẻ amateur như tôi cố gắng đào sâu hơn vào chủ đề này. Xin dành chút thời gian để ngó qua một vài cái "kiểm phổ" nữa trong sưu tập của tôi, tuy là hàng chợ nhưng ít nhiều nó cũng có chút hồn Kinh kịch.


30. Zhongli Chun




31. Wang Lin




32. Wang Yangzhang




33. Meng Yuehai




34. Tu Xing Sun




35. Dian Wei

Và mấy cái mặt vẽ rất công phu nhưng không biết tên:


36. Không tên 1



37. Không tên 2



38. Không tên 3



39. Không tên 4
Tham khảo:

1. Những hình ảnh dùng minh họa nhưng không thuộc sưu tập của tôi và hầu hết nội dung được lấy từ trang web của giáo su Paul Noll và phu nhân Bernice Noll:
 http://www.paulnoll.com/China/Opera/. Có lẽ đây là trang web tiếng Anh tốt nhất nói về mặt nạ Kinh kịch, xin cám ơn các tác giả đã cung cấp một nguồn thông tin rất hữu ích cho những ai quan tâm tới Kinh kịch trong đó có tôi.

2. Một trang web khác của Trung Quốc:
cũng cung cấp rất nhiều thông tin về mặt nạ Kinh kịch dưới cách nhìn của người Trung Hoa.

Posted by Hoang Thong


1 nhận xét: