Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

22. Mặt nạ BAFTA


22. Mặt nạ BAFTA - Sự lựa chọn độc đáo của người Anh

Bây giờ riêng đối diện tôi 
Còn hai con mắt khóc người một con 
Mắt buồn (Thơ Bùi Giáng)

Tôi trở nên hiếu kỳ về người Anh sau khi xem kiệt tác điện ảnh "Cầu sông Kwai" (
xemphim) đâu khoảng chừng 25 năm về trước. Hình ảnh đại tá Colonel Nicholson chết cùng biểu tượng là cây cầu tuyệt tác, được xây dựng nhờ tinh thần Ăng-lê của mình, có chút gì đó vô lý nhưng mọi người buộc phải chấp nhận sự hợp lý của nó. Ẩn dụ này cứ bàng bạc như một nét tính cách chủ đạo trong đa phần những quyết định mà người Anh đóng góp vào việc dẫn dắt thế giới hiện đại của chúng ta.

Mặt nạ BAFTA là một trong rất nhiều ví dụ minh họa cho luận đề trên. Có ai lại ngược ngạo đến mức chọn một cái mặt nạ chột mắt làm biểu tượng cho giải thưởng trong lĩnh vực nghe nhìn danh giá của quốc gia mình? Không lẽ người Anh coi thế giới này mù cả, chỉ có thằng chột xứng đáng là biểu tượng? Nhưng thế giới buộc phải chấp nhận sự có lý trong lựa chọn vô lý này, mặt nạ BAFTA "đã trở thành một biểu tượng xác nhận cho sự xuất sắc trong nghệ thuật thể hiện hình ảnh động, được quốc tế thừa nhận" 
(theo: www.bafta.org).


The British Academy of Film and Television Arts (BAFTA)
Viện hàn lâm nghệ thuật Phim và Truyền hình Anh Quốc 

Cái mặt nạ này "phức tạp hơn những vẻ ngoài ở mặt trước mà người ta thoạt trông thấy", những biểu tượng ẩn dụ được cố tình thể hiện phía sau.



Mặt trước và sau của mặt nạ (nguồn: bafta award-1980)

Phía sau con mắt lành là hình ảnh cái màn hình còn phía sau con mắt chột là biểu tượng một nguyên tử gồm hạt nhân và điện tử quay xung quanh các quỹ đạo. Đây là ẩn dụ nhằm kết nối giữa kịch nghệ cổ điển và công nghệ điện tử hiện đại của nhà điêu khắc Mitzi Cunliffe tác giả chiếc mặt nạ. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà bên mắt lành là cái màn hình, bởi mắt phải sáng mới thấy được hình ảnh. Còn với điện tử, cho dẫu có mắt cũng không thể thấy, vậy thì đâu cần mắt để làm gì. Điện ảnh cần con mắt của nhận thức hơn là con mắt của "người trần mắt thịt" là vậy. Đến đây mới thấy người Anh có lý, thậm chí là cao siêu, trong lựa chọn của mình.

Ý tưởng để tạo nên chiếc mặt nạ này được gợi từ những phù điêu khắc theo các nguyên  tắc truyền thống của mặt nạ bi hài kịch tại một công trình cộng cộng. Bà Cunliffe nhớ lại: "Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên, tôi biết đó là việc mà rồi tôi sẽ dan díu đến", khi bà nhìn thấy những phù điêu ở mặt tây nhà thờ Chartres lần đầu. Chiếc mặt nạ đầu tiên được ông Andrew Miller ủy quyền chế tạo cho Hội những nhà sản xuất và đạo diễn truyền hình vào năm 1955, hình ảnh nguyên thủy được bà Cunliffe tạo bằng chất dẻo, sau đó người ta tạo khuôn dựa trên hình mẫu này để đúc hàng loạt.



Nhà điêu khắc Mitzi Cunliffe và chiếc mặt nạ đầu tiên năm 1955
 (nguồn: http://www.bafta.org).

Từ năm 1976, mặt nạ được chế tạo tại lò đúc của New Pro Foundries ở West Drayton, Middlesex. Viện hàn lâm đã chọn một hợp kim đồng gọi là Phosphor Đồng (PB3) để tạo tông màu đặc biệt cho mặt nạ. Hợp kim được làm nóng đến nhiệt độ 1.090 độ C, sau đó được đổ khuôn, làm nguội và đánh bóng (xem thêm tại: www.afordawards.co.uk). Năm 1976 là năm có ý nghĩa đặc biệt bởi tên Viện hàn lâm nghệ thuật Phim và Truyền hình Anh Quốc (BAFTA) được chính thức gọi sau nhiều lần sáp nhập và thay đổi. Tại lễ khai mạc, hoàng gia đã trao cái mặt nạ BAFTA kiểu mới đầu tiên cho Sir Charles Chaplin vì thành tựu suốt đời của ông (nguồn: history/the-bafta-mask).



Những mặt nạ của năm 2014 đang chờ chủ nhân

"Phim ảnh là sự lừa dối đẹp nhất trên đời" (Jean Luc Godard). Nếu tuân theo tiêu chí "lừa dối" đó, thì mặt nạ có lẽ là vật biểu trưng lý tưởng nhất: che giấu nhưng gợi mở, không có vật dụng nào làm tốt chức năng này hơn. Tính hai mặt của điện ảnh cũng giống như tính hai mặt của mặt nạ. Suy cho cùng, điện ảnh là làm giả nhưng giả chỉ là phương tiện để đạt tới cái thật của chân lý. Mặt nạ cũng thế, không ai coi mặt nạ là thật nhưng nó là tiếng nói thật mà người đeo muốn cất lên.



So với biểu tượng của những giải thưởng điện ảnh khác, mặt nạ BAFTA độc đáo hơn do khả năng gợi mở của nó. Mặt nạ BAFTA gợi sự liên tưởng tới chân dung thật của những nghệ sĩ từng được sở hữu chúng trong một triển lãm ảnh chân dung có tên Behide The Masks (Đằng sau những chiếc mặt nạ), do nhiếp ảnh gia Andy Gotts thực hiện, được trưng bày lần đầu trong mua giải này (nguồn: bafta and andy gotts). "Tôi chuyên nghiên cứu đặc điểm của khuôn mặt và cố gắng thể hiện sự mới lạ và đặc biệt của những khuôn mặt nổi tiếng thế giới ở một phía khác, theo phong cách "không che dấu khuyết tật" (warts and all) của tôi" Andy Gotts nói.


Robert de Niro trong bích chương của triển lãm
Trong một góc nhìn khác thiên về Behide the Sence (Đằng sau hậu trường), họa sĩ Adam Simpson, lại thấy cả một hậu trường với tất cả các công đoạn và bếp núc điện ảnh phía sau chiếc mặt nạ (xem thêm: BaftaAwards Mask artwork).



Thiết kế của họa sĩ Adam Simpson được dùng để thể hiện lên thiệp mời cho đêm dự giải thường niên.

Điểm đặc biệt trong tính cách hài hước của người Anh là dựa trên sự mỉa mai. Có vẻ như họ đã và đang cười nhạo thế giới điện ảnh; vốn được phát minh từ chính những người con của họ; bằng cái mặt nạ này. Người ta đeo mặt nạ cho từng cá nhân, người Anh đeo mặt nạ cho một nền công nghiệp.

Posted by Hoang Thong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét