14. Ấn Độ -
Srilanka -Thái Lan, mặt nạ du ký
Bỏ lại sau lưng những hãng
hàng không ngoại hạng, những khách sạn sang trọng và những tiệc tùng đắt đỏ của
công việc kinh doanh, tôi trở về với đam mê của mình, làm một lữ khách đơn độc
trong chuyến lữ hành nam Á và xuyên Ấn Độ dương, để thực sự cảm nhận và trải
nghiệm đời sống mặt nạ trên những vùng đất thấm đẫm màu huyền thoại của những sử
thi trác tuyệt.
Không phải cứ cố công sắp đặt
mà thành, những chuyến đi thường có lúc nhờ duyên và vì vậy thường hàm chứa
trong mình nhiều bất ngờ thú vị. Không ăn nhập gì với mục đích của chuyến đi,
tôi bất ngờ bắt gặp mặt nạ Guy Fawkes trên một trong những con
đường ồn ào và lộn xộn trong vô số những con đường tương tự như vậy trên lục địa
Ấn Độ. Guy Fawkes ở đó, dãi dầu mưa nắng với một ông già,
trong cái nghèo muôn thuở hiện diện trên xe đẩy bán đồ chơi của ông. Hẳn ông
không biết rằng ông đang bán một biểu tượng cách mạng, một hình thức để cho những
tầng lớp chiếu dưới như ông có cơ hội được bày tỏ khát vọng công bằng trong một
xã hội vốn dĩ được xây dựng trên nền tảng phân biệt đẳng cấp triệt để của đất
nước này (xem thêm ở đây: guy fawkes).
Ấn độ quá lớn cho một cuộc nhàn
du chóng vánh, hầu hết mặt nạ Á châu đều có gốc rễ sâu xa từ Ấn Độ, từ lục địa
này chúng lan tỏa lên phía bắc và hiện diện tại Bhutan, Tây Tạng, Mông cổ,
Myanmar, Trung Quốc rồi vượt đại dương đến tận Nhật Bản và Hàn Quốc. Lan xuống
phía nam, ảnh hưởng của Ấn Độ trở nên đậm đà trên toàn bộ vùng nam Đông Nam Á
và đặc biệt lưu lại như là một bản sao của mình nơi quốc đảo Srilanka (xem một
ví dụ ở đây: nhung than linh phieu dat). Tạm
để dành Ấn Độ cho một hành trình khác, tôi tập trung vào Srilanka và Thái Lan
trong chuyến đi này.
Chuyến bay ngắn khoảng 1 giờ
30 phút đưa tôi từ Ahmedabad đến Mumbai (tên cũ là Bombay), lại một bất ngờ nữa
xuất hiện khi Mumbai chào đón tôi bằng một sân bay tráng lệ, vẻ kiều diễm của
vùng nam Á cùng với muôn vàn màu sắc vốn dĩ là bản chất của vùng này, làm cho
thiết kế sân bay đẹp đến ngỡ ngàng, không thể không coi đây là một biểu tượng
cho Ấn Độ hiện đại.
Nhưng bất ngờ hơn là tôi lại
gặp Theyyam của vùng Kerela trong một quầy
duty free. Tôi vẫn mơ được tham dự một Theyyam "bằng xương bằng thịt" và
nó hiện diện ở đây, tuy rằng trong hình thức là vật trang trí.
Tạm biệt Ấn Độ trong niềm thôi thúc phải quay lại, tôi lên một chuyến bay đêm dài hai tiếng rưỡi về phía nam Ấn Độ tới Srilanka.
Khoảng 500 năm trước CN, một chủng người có tên là Sinhale di cừ từ nam Ấn vào định cư tại vùng đất này và làm nên Srilanka ngày nay. Từ "sin" là một cổ ngữ chỉ những gì liên quan tới sư tử, người Sinhale tự hào rằng họ có dòng máu sư tử trong người và cờ Srilanka cũng thể hiện biểu tượng sư tử là bởi lý do này. Sư tử là một loài cao quý và có mặt trong tất cả các trang trí quan trọng của đất nước này.
Tượng
sư tử ở quảng trường Độc Lập, kiến trúc mái nhà Srilanka và những họa tiết
truyền thống đều được thể hiện ở công trình này.
|
Sau khi làm một vòng city
tour để chờ bảo tàng quốc gia mở cửa, tôi được đặt chân vào một trong những tòa
nhà đẹp nhất Colombo, thủ đô của Srilanka. Một tòa nhà màu trắng diễm lệ tọa lạc
trên mảnh đất rộng mênh mông với vườn cỏ xanh và những cây cổ thụ. Nhìn thôi
cũng thấy người ta trân quý di sản tới mức nào.
"Trong cái rủi có cái
may" bảo tàng này đang sửa chữa lớn, những phòng chính còn có thể tham
quan nhưng những phòng phụ thì chịu. Tôi trình bày mong ước của mình về việc
nghiên cứu mặt nạ Srilanka cho người trực, mất khoảng gần một giờ cho việc báo
cáo, tường thuật, đề xuất, xin ý kiến... tôi được giám đốc bảo tàng này cho
phép vào tham quan một phòng triển lãm chuyên về mặt nạ Srilanka đang được hoàn
thiện, để lần đầu tiên giới thiệu cho công chúng tại viện bảo tàng này. Quả là
một ngoại lệ đặc biệt vì đích thân phó giám đốc bảo tàng cùng khoảng chục nhân
viên phục vụ cho việc bảo vệ riêng do ở đây chưa hoàn thiện hệ thống theo dõi tự
động. Thấy cả bầu đoàn thê tử đi theo mình quả là ái ngại, nhưng xét cho cùng họ
đang làm đúng chức trách của mình trong nhiệm vụ giới thiệu đất nước họ cho thế
giới. Bảo tàng cần lắm những con người như vậy.
Trời không phụ lòng người, thế giới mặt nạ của Srilanka bày ra trước mắt tôi, chúng thực sự hiện ra từ các trang sách. Mặt nạ yakka, raksha, sanni, paliya và kolam tất cả lần lượt xuất hiện. Chỉ tiếc rằng việc trưng bày đang còn bề bộn và hầu như không có phần chú giải, nhưng không chừng khó có thể gặp lại sự thô ráp trong căn phòng, rồi sẽ trở nên huyền bí này lần nữa.
Trời không phụ lòng người, thế giới mặt nạ của Srilanka bày ra trước mắt tôi, chúng thực sự hiện ra từ các trang sách. Mặt nạ yakka, raksha, sanni, paliya và kolam tất cả lần lượt xuất hiện. Chỉ tiếc rằng việc trưng bày đang còn bề bộn và hầu như không có phần chú giải, nhưng không chừng khó có thể gặp lại sự thô ráp trong căn phòng, rồi sẽ trở nên huyền bí này lần nữa.
Tôi rời bảo tàng quốc gia
Srilanka với cái mặt nạ Maha Sohona, "Đại quỷ của nghĩa
trang", sưu tầm ở cửa hàng bán đồ lưu niệm nằm bên hông bảo tàng, cửa
hàng này thuộc sự quản lý của nhà nước nên hình như giá cả có được trợ cấp ít
nhiều. Con quỷ của những con quỷ đang còn mới tinh và nhìn không đáng sợ chút
nào, hẳn cần phải có thời gian để con quỷ trở thành quỷ. Tự hỏi lòng mình rằng
để người thành quỷ thì cần nhiều ít thời gian?
Tạm biệt Colombo, nhập vào
đường cao tốc tôi xuôi về phía nam của hòn đảo này. Địa hình Srilanka giống như
một ngọn núi lớn có đỉnh nằm ở giữa đảo và độ cao lài dần về bốn phía chung
quanh. Vùng thượng Srilanka thuộc về núi và cao nguyên trong khi vùng hạ Srilanca
là những dải đất thấp ven biển. Chỉ ở vùng hạ Srilanka, nơi vốn dĩ là đầm lầy mới
có quỷ cư ngụ và quỷ thực sự hiện diện trong đời sống cư dân ở đây qua các nghi
lễ Tovil hay múa Kolam (xem thêm: mat na srilanka).
Ambalangola trở nên nổi tiếng nhờ mặt nạ, du khách đến đây chủ yếu là vì mặt nạ mà thôi. Sự nổi tiếng đã phơi bày mặt trái của nó, giá cả mặt nạ ở đây đắt hơn Colombo chừng ba chục phần trăm. Tôi thất vọng với Ariyapala & Son Mask Museum, nó đã bị thương mại hóa quá nhiều, bị giới thiệu quá nhiều để hình như không còn chút bí ẩn nào phải khám phá. Mặc dù họ có rất nhiều hiện vật nhưng cách bài trí và trưng bày không hấp dẫn và chuyên nghiệp chút nào. Thật tiếc cho một cái tên!
Tôi lại tìm được Ambalangola
của mình ở một cửa hiệu khác, cũng thuộc gia tộc Ariyapala nhưng
người chủ cửa hàng này chuyên phục chế mặt nạ cũ. Chỉ cần tham quan cái xưởng
thôi cũng biết đây là người sống nhờ nghề.
Tôi có cái mặt nạ mơ ước của
mình ở đây, không quá cũ nhưng đủ đẹp để đứng chung với những mặt nạ khác trong
sưu tập của tôi hiện thời: mặt nạ Naga Raksha, niềm kính ngưỡng của
người dân vùng hạ Srilanca với quỷ la sát cùng biểu tượng rắn hổ mang của
chúng.
Tôi rời Ambalangola để đến
Galle bằng con đường ven biển tuyệt đẹp. Dấu vết của trận sóng thần tàn khốc
Boxing Day vào năm 2004 thi thoảng vẫn còn thấy bên đường nhưng cư dân của vùng
hạ Srilanka đã hồi phục và xây dựng những công trình hoàn toàn mới trên vùng đất
cũ. Cho dẫu phải chịu những tác động tàn khốc của thiên nhiên, cây hải đăng 178
tuổi vẫn đứng vững như biểu tượng kiên cường của pháo đài Galle vững chãi.
Lịch sử thuộc địa của
Srilanka được lưu giữ nơi thành phố này. Lần lượt Bồ Đào Nha, Hà Lan rồi Anh quốc
chiếm Srilanka làm thuộc địa và lưu dấu của họ lại trên Galle với những công
trình kiến trúc kiểu phương tây. Galle còn là hành phố của những đền thờ, từ đền
thờ đạo Hindu, Công giáo cho đến Hồi giáo. Thành phố này đẹp duyên dáng với những
con đường nhỏ hẹp lát đá cùng những ngôi nhà nhỏ hai bên. Cũng ở trên một trong
những con đường nhỏ đó tôi gặp một người bạn cùng chia sẽ niềm đam mê với mình,
đó là Jagath Gamini, chủ tiệm Sithuvili.
Sithuvili có
lẽ là tiệm bán mặt nạ đẹp và chuyên nghiệp nhất Galle, điều này có lẽ nhờ vào
trình độ thẩm mỹ và tâm hồn nghệ sỹ của chủ tiệm, bên cạnh nhà sưu tầm cổ vật, Jagath còn
là một họa sỹ, anh kiếm tiền và đang tài trợ cho một dự án dạy trẻ con làm mặt
nạ Srilanka. Đây cũng như là cách mà anh trả lại món nợ văn hóa cho quê hương
mình (xem thêm: sithuviligallery). Tôi có bốn con quỷ nhân từ saniya từ
galery của anh.
Galle chìm dần trong hoàng
hôn huyền ảo. Đất nước được mệnh danh là "hòn ngọc Ấn Độ dương" này
có Galle để xác quyết cho nhân loại về giá trị của nó. Galle quá quyến rũ đến mức
tôi dễ dàng thay đổi kế hoạch của mình để trở lại vì sự kiện văn hóa quá đặc sắc
vào đêm hôm sau.
Một ngày đầy sự kiện không dừng
lại đó, tình cờ chồng chất tình cờ. Ông chủ cái hostel tôi ở là một người chủ lễ
Tovil và rất không may là một Tovil đã được diễn ra trước đó hai ngày. Tôi chưa
gặp duyên để được tham gia vào một Tovil đúng nghĩa, bù lại ông chủ Thilak
Walgama cũng là một nghệ nhân làm mặt nạ, đã chịu làm cho tôi một bộ mặt
nạ saniya gồm 18 mặt nạ quỷ, mỗi con quỷ đều có liên quan tới
những chứng bệnh trên con người. Tôi đang chờ tác phẩm này từng ngày, từng ngày
trong một niềm khắc khoải chờ đợi sự sinh thành của nó.
Rời Galle, tôi tới cực nam của
Srilanka là Matara, thành phố lớn thứ hai của đất nước. Tôi có cuộc hẹn với Yakkadura tên
là Thilakarathna qua sự giới thiệu của giáo sư Hege M.
Larsen ở Na Uy. Thật không may là tôi không thể liên lạc với ông trong
suốt hành trình, có lẽ những nghi lễ Tovil đã vắt kiệt sức của ông già này như
lời nhận xét của Event, tài xế của tôi. Dẫu rầu cũng phải chịu,
đành hẹn gặp ông dịp khác vậy.
Tôi ghé qua bảo tàng Martin Wickramasinghe (xem thêm: martin) với tâm trạng không mấy phấn khích, nhưng thật quá ngạc nhiên, bảo tàng này có bộ sưu tập mặt nạ Srilanka chừng 200 năm tuổi. Đầy đủ và đẹp không thể chê vào đâu được. Tôi quả là đúng đắn khi quyết định không bỏ qua bảo tàng này. Đây là bảo tàng tư nhân do ông Martin Wickramasinghe lập ra nhằm lưu giữ những hiện vật liên quan tới văn hóa dân gian và đời sống của người Srilanka. Mặt nạ chỉ là một phần nhỏ nhưng được bảo quản rất cản thận. Không cho phép chụp ảnh nhưng tôi lại là một ngoại lệ, ngoại lệ này không đàng hoàng chính danh như ở bảo tàng quốc gia. Ngoại lệ của tôi có được nhờ hối lộ mấy anh bảo vệ làm ngơ cho. Tôi tốn 200 rupi để có được hai tấm ảnh đáng giá của bộ mặt nạ trong sưu tập tại bảo tàng này.
Thông tin từ Jagath cho
biết sẽ có một buổi biểu diễn múa mặt nạ truyền thống của vùng hạ Srilanka vào
đêm hôm này. Tôi chia tay bảo tàng Martin Wickramasinghe, chờ đợi để được tham
gia vào một niềm háo hức khác và cố gắng đến sớm để không bỏ lỡ dịp may hiếm có
này.
Quả là một show diễn hiếm có
vì chỉ diễn ra một đêm, đặc biệt dành cho thủ tướng và các quan chức địa phương
lẫn khách mời quốc tế. Srilanka muốn quảng bá du lịch, muốn cho thế giới thấy sự
đa dạng văn hóa của họ qua một loạt các điệu múa truyền thống của mỗi vùng trên
đất nước này. Kolam kết hợp với Tovil mở đầu
cho một bữa tiệc cùa thanh âm và sắc màu, những mặt nạ kể lại những câu chuyện
thường nhật của cư dân vùng hạ Srilanka một cách dung dị và hóm hỉnh.
Rồi những điệu múa mừng ngày
mùa, múa lửa, múa chim. múa công... lần lượt xuất hiện và kết thúc bằng một đám
rước. Truyền thống Srilanka phô bày sự trẻ trung, tươi tắn và đầy sức sống. Những
thanh niên vạm vỡ, những thiếu nữ căng tràn sức sống thanh xuân thể hiện những
bước nhảy và nhào lộn đầy kỹ thuật trên nền nhạc giản đơn của trống và sáo. Tất
cả được nhuốm trong một biển màu sắc rực rỡ của truyền thống nam Á rạng ngời.
Show diễn kế thúc lúc nửa
đêm, tôi quay về Negombo, tá túc tại một motel gần sân bay để kịp bắt chuyến
bay sớm qua Bangkok. Bangkok chờ tôi với một cuộc hẹn và hai địa chỉ mù mờ, có
chút gì bất định trong chuyền trở về này chăng?
Sân bay Savanabhumi vẫn vậy, cái nắng vàng hoe của vùng nhiệt đới xua tan đi cảm giác mệt mỏi của 4 tiếng vượt Ấn Độ dương. Chỉ một cải tiến nhỏ nhưng tạo thuận lợi cực kỳ lớn cho hành khách đi taxi: tới nhà chờ, nhấn một cái nút trên cột điều khiển, thẻ xếp chỗ hiện ra, bạn chỉ cần tới đúng ô chỉ định, taxi chờ sẵn sẽ đưa bạn đi tới nơi nào bạn muốn. Văn minh và công bằng, những điều nhỏ nhặt đủ để làm cho người ta trở nên hiện đại! Bangkok đang xoãi rộng và vươn cao để cố gắng trở thành một trung tâm mới của Đông Nam Á đang phát triển vượt bậc hôm nay.
Chỉ có duy nhất ông bạn của
tôi, Mr. Stephane là không chấp nhận hiện đại. Không điện thoại
di động, không thẻ tín dụng, chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt nhưng chỉ
tiền Bath Thái mà thôi. Thằng cha gàn dở này sống giữa Bangkok, đang cố công
sưu tầm và bảo tồn vốn liếng mặt nạ cổ của người Thái còn sót lại trong các đền
miếu và nhà chùa. Hắn sưu tập mặt nạ Ruesi và cũng đang thực tập đời sống ẩn dật
như những vị Ruesi đáng kính trong sưu tập của mình.
Một
phần rất nhỏ trong bộ sưu tập mặt nạ Ruesi của Stephan, người đứng khuất phía
sai không chịu lộ diện
|
Tôi đến đây không phải vì Ruesi
mà là vì một bộ mặt nạ Khon đang còn thiếu trong sưu tập. Dĩ nhiên là không thiếu
mặt nạ khôn ở đây, tôi chỉ thiếu một thứ duy nhất: tiền! Dẫu Chúa có chấp nhận
(sự canh tranh) hay không, tự thân tiền cũng đã mang trong mình sứ mạng cứu rỗi.
Chúng tôi chia sẻ với nhau
niềm đam mê mặt nạ và cả những kinh nghiệm sưu tầm. Tôi bắt gặp nơi Stephane một
sự chân thành trong phong cách ănglê cố hữu, sự chân thành chỉ có giữa những kẻ
cuồng tín: bộc trực, thẳn thắng và xác tín. Trời đất, tôi đã trở thành kẻ cuồng
tín từ khi nào không rõ!
Những vùng văn hóa chịu ảnh hưởng của sử thi Ramayana thường có một sự kính ngưỡng đặc biệt dành cho vua quỷ Ravana, hay Tosakanth trong tiếng Thái (xem thêm: mat na khon). Về bản chất ông là một vị thần tối cao đại diện cho những tính cách xấu xa của con người. Đoạn mô tả cái chếr của Ravana trong sử thi Ramayana viết: "Rama theo dõi thấy lão ngã xuống nằm dài mặt úp xuống đất, và đó là lúc kết thúc trận đánh. Giờ đây người ta nhận thấy khuôn mặt Ravana ánh lên một bản chất mới. Những mũi tên của Rama đã đốt cháy tất cả những thứ bẩn thỉu, căm giận, huênh hoang, tàn ác, dâm đãng và ích kỷ, là những thứ đã in sâu trên con người của lão; và giờ đây, nhân cách của lão đã hiện ra trong nguyên hình của nó - nhân cách của một kẻ trung hậu và có khả năng làm được nhiều việc diệu kỳ"
Tôi cũng có một niềm kính
ngưỡng như vậy với Tosakanth và mục đích tới Thái Lan lần này cũng chỉ vì ham
muốn có một Tosakanth trong sưu tập. Một mặt nạ Tosakanth đẹp thật sự không dễ
kiếm trên đất Thái hiện nay, nhưng Stephane thì có sẵn. Anh để
lại cho tôi cái đẹp nhất trong sưu tập của mình. Tôi ôm Tosakanth về khách sạn
mà không dám tỏ ra bất cứ một niềm bất kính nào, tôi chắc rằng cái mặt nạ này
có linh hồn và ngài sẽ dẫn dắt tôi đi đúng con đường mà tôi mong muốn.
Đêm Bangkok quyến rũ như tự
bao giờ nó vẫn vậy. Từ cầu vượt của HUB Terminal 21, nhìn dòng xe cộ ngược
xuôi, tấp nập mới thấy hết sự phồn vinh của thành phố này. Nghĩ về Sài Gòn, tiếc
nuối, ngậm ngùi cho quá nhiều cơ hội bị bỏ lỡ. Phải chi người Việt học được tư
tưởng của sử thi Ramayana như người Thái, sẽ không có những cuộc huynh đệ tương
tàn, sẽ không có máu, quá nhiều máu để dân tộc này phải thọ nghiệp, nghiệp chồng
nghiệp đang dìm dân tộc trong một bể trầm luân không lối thoát.
Khuây khỏa nỗi nhớ nhà bằng
mấy chai Singha với một ông Tây già trên vỉa hè Sukhumvit. Uống bia với nhau mà
chẳng buồn hỏi tên hay quê quán, một lần chạm cốc rồi cứ vậy, mỗi người theo đuổi
suy nghĩ riêng của mình. Nhìn nhãn chai bia mới hay rằng nam Á và nam Đông Nam
Á có mối liên quan về tâm thức, chuỗi Sinhale - Singapore - Singha có cùng nguồn
gốc "sin" và đều xiển dương con sư tử. Cho dẫu là một dân tộc, một quốc
gia hay một nhãn hiệu bia, sư tử luôn là một linh vật được tôn trọng ở những xứ
sở này.
Chỉ còn một buổi sáng ngắn ngủi ở Bangkok, Chatchai, tài xế taxi đưa tôi đi tìm xưởng làm mặt nạ của bà Sa-ngad Rodpai, được giới thiệu như là một trong những người làm mặt nạ Khon có hơn 30 năm kinh nghiệm thuộc gia đình nghệ nhân quốc gia Louis Youngkiewsod. Bước qua cánh cửa của một căn phòng nhỏ trong một chung cư cũ, thế giới của Khon xuất hiện nơi đây, lộng lẫy trong cái sự nghèo túng của người làm ra nó.
Tôi có Hanuman chiến binh, đứa
con bất tử của thần gió, một tính cách anh hùng, một nhân vật luôn được tất cả
mọi người yêu mến trên trái đất này, tại đây.
Chia tay Eak,
người quản lý xưởng, tôi hứa sẽ quay trở lại, còn quá nhiều điều cần phải tìm
hiểu về kỹ thuật và nghệ thuật vẽ mặt nạ Khon, chỉ riêng kỹ thuật dát vàng thôi
cũng đã thể hiện kỹ năng thượng thặng của những nghệ nhân làm mặt nạ Khon Thái.
Nghề nghiệp nào cũng có ngón kỹ xảo của mình.
Xưởng làm mặt nạ ở Wat Thephakorn là điểm cuối cùng trong chặng dừng ngắn ngủi ở Bangkok. Bà chủ Khun Patchani, một người Thái hiếu khách như đa phần người Thái khác, nồng hậu tiếp đón tôi. Không hiểu sao cái đẹp lại hiện diện tại những nơi nghèo túng đến vậy. Xưởng này giống như một căn lều che tạm, nương nhờ bên hông một ngôi chùa cũ, có thể thấy nắng xuyên qua chỗ bạt thủng cùng với sự tạm bợ hiển hiện rõ ràng trong vật dụng và cách bài trí.
Nhưng không phải như tôi
nghĩ, đây là chỗ ở của nghệ nhân này, bà Khun Patchani còn mở
lớp dạy vẽ mặt nạ cho học sinh và cấp bằng như một chứng chỉ mỹ thuật cho con
nít. Cái nghèo không ngăn được nụ cười tươi và niềm lạc quan của người phụ nữ
đã từng chịu mất mát một đứa con trai khi anh này đi lính, hồi ức buồn về đứa
con luôn hiện diện trong câu chuyện của bà.
Đến đây tôi mới nhận ra thiếu
sót của mình khi sưu tập mặn nạ Khon, đó chính là vương miện. Những vương miện
có câu chuyện riêng của nó và sẽ kể câu chuyện của mình bằng những đường cong,
chóp nhọn đặc trưng của mỹ thuật Thái, trong một sự phô trương vẻ giàu sang của
vàng và ngọc, bằng sự kiêu sa không một chút ngại ngần. Tôi phải có một cái
vương miện của tôi và bà chủ thì sẵn sàng đáp ứng.
Tiễn tôi ra tận cửa taxi, bà chủ chắp tay chào theo kiểu Thái: sawadee kha. Vâng, Thái Lan, quá gần cho một chuyến đi, quá quyến rũ cho một lần trở lại. Sawadee kha, cám ơn những người bạn Thái Lan, chúng ta có thừa sự tử tế để vượt qua những rào cản ngôn ngữ, nhớ có ai đó nói rằng tử tế là có qua có lại, hẳn là vậy, mình mất nhưng mình được rất nhiều.
Sài Gòn đón tôi bằng một trận giành giật taxi bởi con đường bên ngoài sân bay đang kẹt cứng. Taxi nhích dần trong nỗi kiên nhẫn câm nín của những trái tim không còn cảm xúc. Hòn ngọc Viễn đông còn đâu? Phố phường lòe loẹt cờ, đèn như một ả điếm già đang cố làm duyên cho nhan sắc. Tôi đã đi qua Hòn ngọc Ấn Độ dương để hiểu giá trị của "gìn vàng giữ ngọc", dưới những bàn tay thô lậu quen thói chà đạp thì ngọc làm gì còn. Tôi đã đi qua một đất nước tử tế để hiểu về một vẻ đẹp lộng lẫy nhưng sang cả và không chút màu mè. Tôi về đất nước dấu yêu của tôi để được thấy một phường tuồng kệch cỡm, cái thứ thẩm mỹ quê mùa cứ cố được phô phang và bày vống ra cho một vở tuồng vĩ đại, vở tuồng với những mặt nạ da người đã mở màn rồi và sẽ vãn nay mai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét