T
rước kia thi sĩ Yến Lan ở gần cửa đông thành Bình Định cũ. Ông có nhiều bài thơ nói về chỗ quê hương mà ông thiết tha. Bình Định trong thơ Yến Lan không là đất anh hùng của Quang Trung, đất huyền bí của Chiêm Thành v.v... Không có gì lớn lao hãi hùng như thế trong thơ Yến Lan. Tuy nhiên, người cùng quê đọc thơ ông thường nhớ quê thấm thía nhất.
Một hôm Yến Lan nhớ làng và vẽ lại cảnh làng:
“Ở đây nắng mới võ vàng
Dừa cao lỏng khỏng cành xoan ngòng ngoèo
Con đường thời ngút cheo leo
Mình đi chỉ bóng cùng theo với mình.” 1
Làng của thi sĩ ở giữa một vòng thành quách, xưa kia hẳn là huy hoàng dinh thự, chen chúc phố xá. Nhưng thành quách đã phế hủy, sinh hoạt đã tàn tạ. Cho nên rốt cuộc hình ảnh do thi sĩ đưa ra sao mà giống cảnh làng tôi ở một vùng sơn cước hẻo lánh: sao mà vắng vẻ, tịch liêu, sao mà quạnh hiu, ngui ngút...
Và đó cũng là hình ảnh nổi bật nhất về Bình Định quê nhà trong trí tôi, mỗi khi ngùi ngùi hồi tưởng lại những ngày bé dại.
Nhưng lúc này, vào thượng tuần tháng sáu 2 thì hai câu thơ sau đây của Yến Lan mới thật là xúc động:
“Chiều nay mở cửa ra trông
Thấy làng đâu, chỉ thấy lòng mà thôi.”
o O o
Thật vậy, lúc này tôi không còn làng.
Làng đâu? — Làng tôi ở đúng cái vị trí được nêu lên hai mươi lần mỗi ngày trong các bản tin chiến sự từng giờ đọc trên đài phát thanh vào những hôm đầu tháng sáu này, được nhắc đến trên trang nhất của tất cả các nhật báo mỗi chiều tung ra tới tấp khắp nước đó. Ở đúng cái chỗ hai ba cây số tây nam quận lỵ Phù Mỹ đó. Tức cái chỗ sư đoàn 3 Sao Vàng của bên kia cùng với trung đoàn 41 sư đoàn 22 của bên này đánh vùi nhau liền ngày liền đêm trước sự theo dõi của các hãng thông tấn quốc tế. Tức cái chỗ mà vài ngày trước khi tử nạn, ông John Paul Vann cho là nhà cầm quyền Bắc Việt nhất quyết xua quân xông vào để tìm cho kỳ được cái thắng lợi chính trị như trong trường hợp tỉnh lỵ Quảng Trị. Tức cái chỗ có tin loan rằng đã đếm được 360 xác địch, rồi có tin khác loan báo đếm đến năm trăm, rồi sáu trăm xác địch... Cũng tức là cái chỗ từng có chiếc Phantom bị bắn hạ trong một hoạt động không trợ...
Ờ! Chiếc phản lực cơ tối tân ấy của Hoa Kỳ, nó đã gầm thét dữ dằn, rồi nó đã rơi xuống chỗ nào vậy? Nó rơi xuống cái bờ ao, nơi chị vợ bé của anh Bốn Thôi đêm khuya về chợ gặp người câu ếch nham nhở đó chăng? Xuống cái bìa rừng nơi Năm Cán Vá vẫn lén lút hẹn hò đó chăng? Xuống gốc cây mù u, nơi chị Bốn Chìa Vôi đã bắt trọn ổ bốn con sáo sậu năm nào đó chăng? Nó rơi xuống chỗ cây bồ kết sau nhà Bái Công, nơi chiều chiều ông lão gầy đét như que canh giữ ngọn lửa chập chờn nấu nồi cháo nuôi mấy con heo đó chăng? Ai mà nghĩ được rằng những chỗ như thế lại có dịp đón một chiếc phản lực đến từ nước Hoa Kỳ!
Trận chiến xảy ra giữa một bên là biển người với một bên là những phương tiện tối tân như thế đã làm chết chừng bao nhiêu? 360, hay năm trăm, hay sáu trăm? Ấy là những con số chính thức. Về phần bà con địa phương chạy loạn đây đó, gặp nhau họ lắc đầu lè lưỡi: “Lần này dám tới cả ngàn — Ngàn mà được hả? Chính mắt tôi trông thấy... Lạy Trời Phật, thôi đừng bao giờ nhắc tới.”
Con số chính thức với con số không chính thức có khác nhau, phần sai không hẳn ở phía bà con địa phương đâu. Có số xác địch đếm được, có số xác địch không đếm được, xác chôn giấm chôn giúi; có số chết ở chiến trường, có số nhắm mắt ở những căn hầm, những ngôi nhà, những lều trại tạm làm trạm cấp cứu; có những số gục ngã ở đồi cây khe suối vì phi pháo, vì bom của phi cơ chiến lược v.v..., có những số thiệt hại còn lâu mới kiểm điểm được, hoặc có thể không bao giờ kiểm điểm cho chính xác được. Nhà nước chỉ đếm xác địch ở nơi nào nhà nước đã kiểm soát, còn dân chúng chạy đôn chạy đáo thì chứng kiến khắp cùng. Cho nên — lạy Trời Phật — những điều người dân trông thấy mới lại càng bội phần thê thảm. Và thê thảm nữa là không phải chỉ có địch chết mà thôi. Ở Phù Mỹ cũng như ở Hoài Ân, Tam Quan, ở Hoài Nhơn, Hội Đức v.v... ai nấy đã rõ một khi Sao Vàng đến thì sự tai ương ra sao: bao nhiêu cán bộ và vợ con cán bộ, tóm được là tiêu diệt...
Sau những ngày như thế, còn gì đâu nữa ở làng? ở những xóm làng hiền lành với “dừa cao lỏng khỏng cành xoan ngòng ngoèo”!
o O o
Câu chuyện xác địch xác ta khiến tôi nghĩ đến những điều nghe thấy trong một bữa ăn với người làng trước đây một năm.
Hôm đó, về Qui Nhơn, tôi đang đi trên một con đường ở khu Sáu bỗng nghe gọi lớn: “Chú Hai!” Tôi giật mình quay lại. Trông anh Hai Cư — tức anh Ấm Sứt — bấy giờ có vẻ mừng rỡ thực tình. Chúng tôi không có tình bà con, nhưng người làng với nhau đã bảy tám năm cách mặt, bỗng nhiên gặp nhau giữa lúc gia đình anh Ấm có niềm vui lớn: Mừng rỡ là phải.
Anh Ấm kéo tôi vào nhà để cùng mừng với anh: Đứa con trai duy nhất của anh vừa thi đậu vào lớp đệ thất trường công lập, hôm ấy anh cúng cháo, đãi đằng bà con. “May ơi là may! Với lại tuy cháu nó yếu đuối, nhưng được cái Trời cho khiếu thông minh.” Anh Ấm tíu tít một cách khiêm tốn như thế. Cảnh nhà không đông đảo náo nhiệt bằng, nhưng cái hớn hở của người nhà thì tôi chắc chắn là trội hơn cái hớn hở ngày anh mở tiệc khao làng trước đó hăm lăm năm, vào dịp anh được tập ấm, miễn sai.
Anh Ấm bỏ làng ra tỉnh hồi nào, tôi không hay. Anh đang làm gì để sinh sống, tôi cũng không rõ. Tôi bắt đầu bằng câu khen ngợi về khiếu thông minh trời cho của cậu bé, rồi về ngôi nhà sạch sẽ xinh xắn của anh Ấm. Xong, hỏi thăm đến sinh kế.
- Khá lắm, chú Hai. Anh Ấm bây giờ thành ra có nghề.
Vừa nói câu ấy là một người đã có tuổi, quấn chiếc khăn lông quanh cổ, tay bưng một chén rượu thuốc. Người ấy ngừng chén rượu trước vành môi, hất mặt về phía tôi nói tiếp:
- Làm thợ đấy.
Tôi hớn hở:
- Thế à? Anh ấy học nghề từ bao giờ? Mà thợ gì vậy?
- Thợ vịn.
Xung quanh tôi, tiếng cười nổ vang ầm ĩ, cởi mở. Anh Ấm thì vẫn một vẻ bẽn lẽn, y như ngày nào bị bà con chòm xóm đặt cho cái tên Ấm Sứt.
“Thợ vịn” là một chuyện buồn cười. Và mọi người cùng cười, để chế giễu cả anh Ấm lẫn người Mỹ. Số là bỏ làng bỏ ruộng ra đi, anh Ấm đến chỗ phố xá thị tứ thoạt tiên đâu có biết làm gì để sinh sống. Sau đó, có người tốt bụng giới thiệu anh vào làm sở Mỹ. Mỹ thuê thợ cất doanh trại. Anh Ấm nương tựa vào sự dìu dắt che chở của bạn bè, anh làm thứ “thợ” đặc biệt: người ta xây tường thì anh đưa hồ, người ta lợp nhà anh quăng ngói, người ta đóng trần anh vịn chân thang, người ta cất giàn thì anh đỡ cây gỗ v.v... Và anh “Ấm-thợ-vịn” vẫn được Mỹ tính giờ trả lương khá hậu, để anh nuôi con ăn học và xây dựng nhà cửa khang trang. Đám bà con tụ tập ở nhà anh Ấm hôm ấy nhấp rượu mừng cho tiền đồ đứa trẻ, rồi cười ngất tiếp tục những khám phá đầy hào hứng thích thú về người Mỹ.
Bà cụ thân sinh ra anh Ấm bắt gặp cái nhìn dò hỏi của tôi về phía người thực khách quấn khăn lông, bà cụ thì thào: Đó chính là ân nhân của gia đình, là người tốt bụng đã tìm việc làm cho anh Ấm. Ông ta không phải người làng, tôi không quen biết là phải. Ngay đối với anh Ấm, thực ra ông ta cũng không hẳn là quen biết: chỉ là người cùng quận, cùng lánh nạn, thế thôi, nhưng ông ta tốt bụng. Bà cụ thấp giọng:
- Tội nghiệp, người thế mà con cái không may.
- Không may ra sao?
- Có thằng con lớn vừa mới chết tháng trước.
- Đau sao vậy bác?
- Đi lính, đóng đồn. Ở ngoài nó cối vô, trúng chết đó mà.
- Nó...cối?
- Ừa... Còn thằng con trai nhỏ, chưa vợ con gì, thì lại cũng gặp rủi ro năm ngoái. Đang lui cui trong vườn, hai bên đánh nhau, trong đồn câu ra, trúng chết.
Đến đây, tôi chợt hiểu: Có lần tôi đã được nghe nói đến một người chết vì “mọt thụt”. Moọc-chê tức súng cối. “Cối vào” hay “mọt thụt”, cùng nghĩa như nhau. Còn “câu ra” cũng lại nói về một hoạt động của trọng pháo nữa. Thế là hai đứa con trai của ông bạn nọ, kẻ làm lính trong đồn người làm dân ngoài đồn, kẻ chết vì đạn cối vào người chết vì đạn câu ra. Như vậy gọi là hai cái chết ở hai bên trận tuyến!
Ông bạn tốt bụng lại ngừng chén rượu ngang môi, hai tai ngờ vực dường như loáng thoáng theo dõi câu chuyện của bà cụ. Chúng tôi nghĩ nên đổi ngay đề tài, tránh những kỷ niệm đau buồn. Và tôi hỏi anh Ấm về trường hợp khiến anh bỏ làng về tỉnh.
Anh kể rằng hồi năm 66 anh đang còn làm ăn ở làng. Một hôm, xế chiều, “Lực lượng” phái người về tập hợp tất cả đàn ông trai tráng, phân thành đội ngũ rồi dẫn đi. Thoạt đầu, họ đưa về phía núi, ngừng lại dọc đường, cho học tập, rồi lại đi. Trời vừa xẩm tối, họ dẫn chạy vội vã, ngược lại, về phía quốc lộ số 1. Thì ra lúc đầu họ muốn đánh lạc sự theo dõi của dân làng.
Đêm ấy anh Ấm Sứt cùng với những “dân công chiến trường” khác được bố trí cách trận địa non cây số. Hễ có thương binh đưa đến thì họ khiêng chạy. Chạy đến đâu? — Cái đó đã được học tập kỹ càng: Họ chỉ cần theo dấu hiệu. Trên bờ ruộng, tại mỗi ngả ba ngả tư, đã có sẵn những thẻ tre đặt ngửa; phơi bề ruột lên. Trong đêm tối, ruột tre màu trắng là dấu hiệu dẫn đường.
Vào khoảng một giờ sáng, trận chiến bùng nổ. Cho đến hai giờ rưỡi, các đội tản thương hoạt động có qui củ. Tới ba giờ rưỡi thì “Lực lượng” bị áp đảo mạnh; xe tăng, máy bay tấn công ào ạt, tới tấp, hàng ngũ “Lực lượng” rối bời, tán loạn. Anh Ấm Sứt hôm đó chạy trối chết. Anh chạy đến đâu, tưởng như phi cơ gầm rít chận đầu đến đó. Dĩ nhiên, anh không chạy theo dấu thẻ tre. Cũng vì vậy, năm hôm sau anh tìm cách mang mẹ già và vợ con về quận, rồi về tỉnh.
- Từ đó tới giờ anh chưa có dịp “học tập” thêm điều gì mới chứ?
Mọi người lại nghí ngố, lại cười ầm lên với những nhận xét đầy hào hứng thích thú về “Lực lượng”.
Trước, học tập về những thẻ tre lật ngửa ruột, anh Ấm Sứt đã có sự đóng góp dù không đến nơi đến chốn vào hoạt động “giải phóng”. Bây giờ, là thợ vịn, hẳn nhiên anh đang đóng góp một bàn tay dù vụng về vào công cuộc tạo dựng căn cứ của người Mỹ. Hoặc năm trước anh gục ngã trên một bờ ruộng nào đó, hoặc nay mai anh bị banh thây vì một quả mìn nổ chậm của đặc công chẳng hạn: một anh Ấm có thể bỏ thây ở hai bên trận tuyến. Trước là xác địch, sau là xác ta. Đố ai biết nơi anh trước sau có sự thay đổi gì trong “lập trường”? Cũng như giữa hai cậu con trai của ông bạn tốt bụng khăn lông quấn cổ, kẻ chết do cối người chết do câu, đố ai biết được giữa địch ấy và ta ấy có gì khác nhau trong “tư tưởng”?
Nhưng không phải vì lẽ không tìm được sự khác nhau mà bà con trong làng không giết nhau, không chết kỹ. Giết nhau thật hung tợn, chết thật thê thảm.
o O o
Có phen tôi đã ngượng ngùng hổ thẹn vì sự hung tợn ở quê mình.
Hồi đó, hồi tháng tư năm ngoái, có vài tờ nhật báo phanh phui ra một vụ động trời. Ở xã nọ một viên xã phó xử tử nhiều dân làng, trong số có cả những đứa trẻ chưa tới mười bảy tuổi. Trong thiên điều tra rùng rợn, viên xã phó được mô tả là hung thần. Hung thần, tên Ngô Xuân H..., đã bị tóm cổ, chắc chắn sẽ bị đền tội v.v...
Xã nọ, tôi biết: cách làng tôi không xa. Nhưng còn Ngô Xuân H... là ai vậy cà? Dù kẻ gây tội không là thân thuộc, một tội ác quái gở như vậy xảy ra sát cạnh làng quê cũng làm tôi cảm thấy liên lụy. Tôi lo lắng, hỏi quanh hỏi quất. Rốt cuộc, hôm ấy anh Ấm cho biết:
- Năm Hà đấy mà.
- Năm Hà? Ủa, anh ta tên Ngô Xuân H... đấy hả? Năm Hà có mụ vợ...
Tôi còn đang tìm một cách nói thì anh Ấm đã xác nhận:
- Thì đấy, thì đấy.
Hóa ra đó là hung thần, ai mà biết! Hồi nào tới giờ bà con làng nước vẫn quen gọi là Năm Hà, và cái tên ấy có độ làm nở nhiều nụ cười ở chỗ địa phương. Về phần anh ta, Năm Hà không có vẻ gì hài hước, cũng không hay cười cợt. Trái lại, anh ta trông khổ não. Người gầy choắt và đen, khuôn mặt hóp lại: hồi hai mươi tuổi, tưởng chừng anh ta đã già tự bao giờ. Tôi không nghe anh Năm ho hen gì, không hiểu sao anh ta lạc giọng, tắt tiếng: nói khàn khàn, gần như không phát ra âm.
Tôi không biết con người xấu xí nọ đã cưới được chị vợ ấy trong trường hợp nào. Chị Năm không hẳn là một cô gái đẹp. Nhưng hồi nhỏ, trông chị ngon lành. Chị khỏe mạnh, ngồn ngộn. Da thịt chị nõn nà, ửng hồng. Da thịt ấy như sáng lên, như hớn hở.
Không ai có thể bảo một chị vợ như thế là một điều bất hạnh đeo bên mình. Tuy nhiên người ta có cảm tưởng một chị vợ như thế từ khi về với anh Năm Hà thì hóa ra một động lực thôi thúc đun đẩy anh đến nhiều cố gắng mới, khiến anh thêm vất vả. Thật vậy, không có chị có lẽ anh vẫn thủ phận cày cuốc cặm cụi; có chị tự dưng anh Năm bỏ công chăm sóc đến sự ăn mặc hơn, lại tự dưng phát sinh một vài tham vọng, không chịu lép vế đối với bạn bè trong làng xã. Bấy giờ là thời kháng chiến, anh Năm đi làm cán bộ, đi hội đi họp, tham gia công tác xã hội, công tác chính trị v.v... Dù phát âm khó khăn, sau nhiều cố gắng anh cũng thành công về mặt ngôn luận, cũng thường được chú ý về sự phát biểu tại các hội nghị.
Lối nói của anh có sự kiểu cách riêng: Tiếng “chuẩn” ở địa phương thường đọc sai ra “chửng”, anh Năm thì sửa giọng cẩn thận và đọc là “chẩng”: “chẩng bị” sang tổng phản công chẳng hạn. Anh đặc biệt thích chữ “xuyên qua”: “Xuyên qua” các ý kiến vừa phát biểu tôi nhận thấy..., “xuyên qua” lời trình bày của chủ tọa hình như có sự mâu thuẫn v.v...
Nhà anh cán bộ Năm Hà tất nhiên có nhiều dịp tiếp đãi cán bộ các cấp. Một độ, có một trung đoàn đến trú đóng tại địa phương, và một đại đội trưởng ở trọ nhà anh Năm. Ít lâu, anh nghe có lời thì thầm về những liên hệ giữa chị Năm với cấp chỉ huy quân sự nọ. “Xuyên qua” kết quả dò la quan sát, anh Năm Hà thấy có nhiều lý do ngờ vực.
Một hôm, giữa trưa, anh từ ngoài đồng về bất thình lình, trông thấy cửa buồng đóng kín. Anh lắng tai nghe: có tiếng động bên trong. Anh Năm Hà choáng váng, bỗng nhiên đâm quýnh, vừa thấy mình cần phải có một hành động lại vừa không biết mình phải làm gì. Bất giác anh áp mặt vào cánh cửa, cố nhìn qua một khe hở. Không trông thấy được gì: khe cửa nhỏ quá. Anh xoay trở, nghiêng đầu sang bên này, ngoẻo sang bên kia. Cuối cùng anh trông thấy. Chỉ thấy được một khoảng nhỏ xíu thôi. Anh Năm Hà thấy một bàn chân đàn bà đang nằm, bàn chân của chị ấy. Trên mặt chiếu, bàn chân xuôi xuống, cố hết sức chúc mũi xuống, như kiễng chân nhón gót. Bốn ngón chân quắp xuống, còn ngón chân cái thì rướn cong lên. Nó rướn cong, ôi chao, quá sức nó, làm nổi cao một sợi gân. Trời, ngón chân cái, nó rướn cong như cái đuôi con chuột trong cơn hấp hối, bị kẹp nát đầu trong chiếc bẩy, cái đuôi oằn lên trước khi con vật chết hẳn... Anh Năm Hà cuống cuồng, run bấn. Cái gì vậy? Trước mặt anh, ngón chân cái oằn lên... Anh Năm Hà nghẹn cứng ngang cổ, không thở được nữa. Cuối cùng, cổ phát ra một tiếng hực, rồi nước mắt anh tuôn ra...
Sự việc hôm đó đưa tới nhiều rắc rối, và cuộc đời cán bộ của anh Năm gặp trở ngại. Anh Năm nản lòng về sự hoạt động chính trị.
Mãi mười năm sau, dưới chế độ khác, anh mới lại ra làm việc làng trong hoàn cảnh bất đắc dĩ. Bấy giờ anh đã là một người đàn ông đứng tuổi, lam lũ, cùn mằn. Lúc ấy tình hình an ninh ở địa phương rất tồi tệ, nhiều thôn không có ai làm trưởng ấp, quận trưởng phải chỉ định một trung sĩ địa phương quân làm trưởng ấp. Vào năm 66, 67 gì đó, một chủ tịch xã có chủ trương mới. Ông ta xin quận cho lập trưởng ấp dân sự, từ chối quân quản. Được quận chấp thuận, ông ta về từng thôn, tập họp dân chúng lại, nói: “Tôi biết quân quản không tốt, vì một số ấp trưởng quân nhân đã hoành hành phá phách, thất nhân tâm. Vậy xin đồng bào đề cử người tín nhiệm ra làm trưởng ấp. Nếu không có ai ra làm việc, hoặc không có ai đề cử, bắt buộc phải tiếp tục chế độ quân quản, bấy giờ đừng có ai trách tôi không nghĩ đến quyền lợi và nguyện vọng đồng bào.”
Ấp trưởng được bầu cử ở những địa phương thiếu an ninh như thế thường thường hoặc là cộng sản, thân cộng, hoặc lưng chừng, khiếp nhược, hoặc khù khờ, vô tích sự. Anh Năm Hà đã được dân chúng chọn làm một ấp trưởng, không rõ anh thuộc hạng nào trong các thành phần kể trên.
Về phần ông chủ tịch xã, ông ta chỉ chú trọng đến hạng cộng sản và thân cộng. Ông ta đã có kế hoạch đối phó. Thỉnh thoảng quận có thủ tiêu một số đặc công nguy hiểm. Những lần như vậy, chủ tịch xã điều đình với quận trưởng: Buổi chiều, cho gọi ấp trưởng cầm súng chỉ huy một toán nghĩa quân áp giải nạn nhân về ấp trước mắt dân làng; tối đến, có tiếng súng nổ; sáng ra, gọi dân đi chôn xác. Như thế, dẫu cho ấp trưởng thoạt tiên có là tay sai cộng sản đi nữa, dần dà cũng bị chúng ngờ vực. Sợ hãi, ấp trưởng ngã về phía chính phủ, chạy về xã, về quận để nương tựa. Họ xác nhận sự ngờ vực của cộng sản, họ bị chúng đeo đuổi, đe dọa: do đó họ càng quyết liệt chống trả để giữ mạng sống.
Anh Năm Hà là một ấp trưởng như thế. Anh bám riết vào việc làng việc xã; sau một thời gian, anh được thăng lên xã phó phụ trách an ninh.
Và tình hình an ninh, ở chỗ địa phương anh, thì không hề sáng sủa thêm. Chung quanh anh, cộng sản đầy dẫy. Hành quân đến, chúng trốn chạy tan biến; hành quân xong, chúng lại xuất hiện, khủng bố. Có lần, chín giờ mai, ba tên kéo đến văn phòng xã quất một băng AK, ném hai trái lựu đạn. Lần khác, nửa đêm, hai tên ập vào nhà, tóm được anh Năm, lôi đi; giữa đường, anh thoát chạy, chỉ bị một phát đạn làm gãy mất cánh tay trái. Lại có lần khác nữa, chúng cho trẻ con đặt mìn trong ngăn kéo bàn giấy của anh; chúng phục kích anh ở một khúc đường vắng, gần nhà v.v...
Trung đội nghĩa quân sống chết với anh suốt mấy năm hao hụt đã quá nửa, riêng anh thì tàn phế. Anh với họ không ngớt tả xông hữu đột để giành lấy mạng sống. Anh rình rập, bắn giết, anh bắt, anh xử v.v... Trong số nạn nhân của anh, đàn ông có, đàn bà có, trẻ con cũng có. Trong nguy hiểm, anh phản ứng quyết liệt, có lẽ bừa bãi. Trong cảnh sống hỗn loạn, anh xài thứ luật rừng.
Anh Năm đã may mắn sống còn, đã vượt qua ba năm kinh khủng nhất. Đến khi an ninh được vãn hồi, trục lộ giao thông đã an toàn, xe lớn xe nhỏ đã chạy về tới xã, cán bộ từ tỉnh từ quận đã lui tới, đầu tháng một phái đoàn cuối tháng một phái đoàn thượng cấp về thăm cơ sở v.v... Lúc bấy giờ bèn có thiên điều tra, có vụ truy tố.
Anh Năm Hà bèn hóa ra một hung thần quái gở, ghê tởm trước dư luận.
Hãy tưởng tượng anh Năm trước tòa. Xấu xí, khù khờ, người quắt queo, má hóp, tay cụt, kỳ hình dị dạng như anh, đứng giữa cảnh uy nghiêm của pháp đình, giữa những quan tòa và trạng sư trang trọng, chỉnh tề, giữa đám ký giả phóng viên nhanh nhẹn hoạt bát v.v..., anh sẽ gây nên cảm tưởng thảm hại và gớm ghiếc biết bao về một hung thần. Được lôi từ một làng quê hóc hiểm như thế, từ một hoàn cảnh tranh sống man rợ như thế, ra chỗ đô thị văn minh, đặt trước sự hạch hỏi phán xét của luật pháp tinh vi, anh sẽ cuống quít biết chừng nào. Lý lịch của anh sao mà kỳ cục, đáng ngờ: lúc phục vụ bên này lúc lại hoạt động cho bên kia; thái độ, hành tung mập mờ, khó hiểu, mâu thuẫn...
Và con người xấu xí, bí hiểm, hung ác đó lù lù giữa tòa, đang nghiền ngẫm những gì trong đầu óc tối tăm của anh ta? Anh đang nghĩ đến một cuộc phục kích ban đêm? một vụ hạ sát ban ngày? đến phát đạn cắt cụt cánh tay ngày nào? đến ngón chân của chị vợ năm xưa? Anh ta đang nhớ đến làng xóm, đến khu vườn do tổ phụ di lưu? đến những “dừa cao lỏng khỏng cành xoan ngòng ngoèo” đó chăng?
“Xuyên qua” một cuộc đời ngổn ngang như cuộc đời của anh có thiếu gì điều để anh suy nghĩ, nhưng tất nhiên anh không thể suy nghĩ về những lập luận để đối đáp bào chữa trước tòa. Sức mấy! Anh mong gì ngo ngoe nổi trước pháp luật? Hung thần khiếp hãi, trông lên các quan tòa: những vị thông minh, tuấn tú, có vị trẻ măng, mơn mởn, tất cả đều đường hoàng, chững chạc, tất cả thuộc về một thế giới khác. Mà quả họ đến từ một thế giới khác, họ có đời sống khác hẳn của anh. Trong khi anh Năm Hà lặn ngụp trong sắt máu, trong cảnh giết chóc dã man, thì những vị đó lớn lên ở những đô thị an lành, học ở những trường đại học trong nước hay ngoài nước, nghiên cứu về luật pháp, về phép trị nước, về nguồn gốc các chế độ dân chủ v.v... Nơi xảy ra giết chóc hỗn loạn dã man không phải là nơi nghiên cứu, không liên quan gì đến các vị ấy. Chỉ đến bao giờ có sự thái bình, hết hỗn loạn hiểm nguy, thì các vị đó trở về, lại nắm quyền cai trị, để khiến phép nước được tôn trọng, để đem sự hiểu biết rành rẽ về hành chánh ra ứng dụng và dạy dỗ những cán bộ hạ tầng khờ khạo, đem luật pháp ra xét xử những lầm lỗi bấy lâu v.v...
Và anh Năm Hà, lầm lỗi chất chồng đầy đầu, bấy giờ hẳn là run lên. Một lúc nào đó, đến tột cùng của khiếp hãi, chắc chắn anh sẽ hức lên một tiếng, và nước mắt tuôn trào.
Anh đã không chịu rời bỏ làng, nên ra nông nỗi. Hung thần sẽ đền tội. Đó là phận của anh.
Còn chị Năm? Ở làng, trong những ngày hãi hùng đầu tháng sáu này, chị còn? chị mất? Nếu mất, chị chết vì đạn cối vào hay vì đạn câu ra? thân chị được kể làm xác ta hay xác địch?
o O o
Những ngày hãi hùng đầu tháng sáu, nghĩ đến làng, tôi thấy sao mà làng càng xa, càng đầy bí ẩn. Chỉ biết nhớ làng, không “thấy làng đâu”, cũng không mong “hiểu nổi làng đâu”.
6 - 1972
Chú thích
1 Sau này, đọc hồi ký Yến Lan, nhớ mãi về anh của Nguyễn Thị Lan (tức bà Yến Lan), được biết bài ‘Nhớ làng’ viết ở Thanh Hóa (nơi Yến Lan đang dạy học) vào năm 1942. Như vậy thi sĩ trông cảnh làng ở tỉnh Thanh mà nhớ làng mình. (Ghi chú năm 2005 — V.P.).
2 Năm 1972 (Ghi chú năm 2001 — V.P.).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét