T
ôi cứ có cảm tưởng mãi năm nay mới gặp mùa thu đầu tiên trên đất Mỹ. Năm ngoái, đối với riêng mình, là một hoang mang bỡ ngỡ không ngày tháng, không mùa, không tiết. Trời bắt đầu chuyển lạnh lúc nào không hay; lá cây rừng đổ từ bao giờ không nhớ; quanh nhà, con chim nào là con chim mùa nắng, con nào là chim mùa đông giá cũng không rõ; sự xuất hiện cùng vắng thiếu của chúng, tôi không để ý đến... Chợt một hôm tuyết ở đâu bay lới phới đầy trời, mới hay là mình vừa đụng đầu với một sự bất thường.
Năm nay trời đất ở xứ này chưa hẳn đã là quen thuộc, tuy vậy sau một thời gian lân la gần gũi, kẻ vô tình nhất trong chúng ta có lẽ không thể không chú ý tới một ít thứ cây cỏ chim muông.
Chẳng hạn, hồi đầu mùa hè, có một độ chúng tôi lấy làm khó chịu về một thứ bông chẳng biết từ đâu cứ phất phơ giữa trời. Đang đi, chợt một tí bông tấp vào mũi. Chiều chiều, ra vườn dạo cho thoáng một chút, lúc mở cửa bước vào nhà, vợ ngạc nhiên thấy ta đội trên đầu mấy chòm trắng xóa. Ơ kìa, có là Ngũ Tử Tư chăng nữa thì cũng phải chờ qua một đêm mới kịp bạc đầu chứ, có đâu gấp gáp quá vậy? Quơ tay lên, vuốt xuống: thì ra lại là thứ bông ấy. Cây gì mà sản xuất ra thứ bông quái ác vậy cà?
Ra công tìm mãi, một hôm bắt gặp “thủ phạm”: cây cao lớn lạ thường, tàn lá sum suê, một mình nó đứng ngất nghểu giữa xóm cũng đủ phân phối mớ bông phơi phới nọ bay rải rác khắp một khu vực mấy con đường. Lá cây gần giống hệt lá bồ đề. Trái nhỏ, chỉ bằng đầu ngón tay; khi vỏ ngoài tách ra thì tỏa bông theo chiều gió. Bởi cái thứ bông đó, nó có tên làcotton-wood.
Trong khu phố có hồ Powderhorn, ngày ngày vào những giờ tốt nắng vẫn thường thơ thẩn dạo chơi. Một dạo, bỗng để ý thấy mặt hồ không được sạch sẽ. Thoạt tiên, tôi ngờ cho lũ vịt: đây là mùa vịt trời thay lông chăng? Gớm, chỉ chừng ấy con vịt, sao mà lông trôi lềnh bềnh đầy cả mặt hồ thế kia? Về sau, xem lại, thì ra vẫn là bông cotton-wood.
Bên hồ có rừng cây đồi cỏ xanh dờn. Thỉnh thoảng mang theo một ít thịt ướp sẵn và mấy lon la-de: thịt ướp với gia vị đông phương, nướng giữa trời, tỏa mùi thơm ngào ngạt, làm ngạc nhiên cả những người bạn Âu Mỹ cách xa hàng dăm bảy chục thước. Thức nhắm ấy, với la-de ấy, với cỏ cây nước đồi ấy, có thể tạm giải khuây được lắm. Miễn đừng cócotton-wood.
Thật vậy, cái gì mà trên mặt cỏ, suốt mấy tuần lễ liền, cứ đầy những bông lơ phơ; cái gì mà miếng thịt vừa lấy ra đặt trên lò đã có miếng bông tấp dính vào, ly nước vừa rót, ngoảnh qua ngoảnh lại đã có sợi bông đáp xuống...
Tóm lại, trong mùa hè đã nhiều lần bực mình, suýt nổi giận với cây cotton-wood. Ngoại trừ trường hợp nằm mà nhìn cái tàn cây của nó vào những lúc vắng gió. Vắng gió thì bao nhiêu thứ cây khác khắp đồi đều đứng sững, im phăng phắc, làm cho không khí hóa ngột ngạt. Những lúc ấy, cotton-wood không im: nó vẫn phất phới tàn lá lao xao.
Cotton-wood lá mỏng mà rộng, cuống lá mềm mà lại rất dài, thành thử nó luôn luôn chao động trong mỗi hơi gió nhẹ. Một chút xíu gió thoảng qua, cả rừng cây không biết đến, nhưng nó biết. Cả rừng cây im lặng, riêng nó lao xao. Nó như thể một xôn xao vô cớ, một niềm vui đơn độc. Thế này thì ra nó cũng có một nét đặc biệt không hẳn là dở.
Như thế cho đến một hôm vào trung tuần tháng chín dương lịch. Đang đi dọc bờ sông Mississippi, bỗng dừng chân, giật mình trước một cái gì thật rực rỡ: một cây cotton-wood vàng óng, đứng cheo leo giữa lưng chừng triền sông, trên một mỏm đá.
Tôi vừa nói “vàng óng”. Quả có thế. Cái màu vàng ấy không hề gợi đến chút ý nghĩa tàn phai nào cả. Dường như toàn thể tàn lá của cái cây cao lớn nọ đều vàng cả, vàng từ cái lá trên chót đỉnh cho đến chiếc lá thấp nhất. Lá vàng như con tằm chín mùi, vàng như tơ óng mướt. Ít ra là nhìn từ một khoảng cách.
Lần đầu tôi bắt gặp mùa thu ở xứ này. Tôi không phiền trách cây cotton-wood nữa.
o O o
Kể ra đem cái thể chất của một người từ miền Đông Nam Á sang đây mà nghe ngóng thời tiết thì nhiều lúc chẳng ra làm sao cả. Tháng nào là hạ, là thu? “Mát mẻ” đến mức nào là trời chớm thu? Thật bối rối!
Ngày 21 tháng 9 năm nay, theo lịch là ngày cuối cùng của mùa hè. Cùng ngày ấy tại miền bắc tiểu bang nghe đâu tuyết đổ cách Duluth chừng bốn chục dặm! Biết tới bao giờ cơ thể chúng ta mới làm quen, mới thông thạo dò dõi được bước đi của thời tiết ở cái xứ có tuyết mùa hè?
Họa chăng chỉ có cách theo dõi màu lá cây. Theo dư luận địa phương thì năm nay lá cây đổi màu sớm hơn thường lệ vì ảnh hưởng của hạn hán. Cho nên, những ngày đầu của hạ tuần tháng chín, từ cái hôm tuyết đổ nọ, các triền sông Mississippi, sông Saint Croix bày ra cảnh tượng tuyệt vời. Nhất là ở những khúc sông nào qui tụ nhiều cây phong.
Cây phong mùa thu quả thật là kỳ diệu. Các loại cây khác thường thường chuyển màu từ xanh ra vàng: thế cũng đã là hay, khi toàn cây cùng vàng, toàn rừng hay toàn một vạt rừng, một khoảng đồi, một khúc sông vàng rực lên. Nhưng phong thì nó không bằng lòng với cái đơn giản ấy. Cái chết của lá phong là cả một cuộc triển lãm màu sắc huy hoàng.
Vâng, lá phong cũng có màu vàng. Nhưng nó còn chuyển ra màu đỏ, màu hồng, màu cam, màu huỳnh thổ v.v... Trong đám có nhiều loại phong, mỗi thứ một màu, lại có cây đổi màu trước, có cây chuyển màu sau. Thành thử một đám phong vào mùa thu là một cảnh tượng lộng lẫy lắm màu.
Màu sắc của lá phong già cũng không mảy may gợi ý tàn úa, chết chóc. Đã vàng, thì vàng tươi vàng chói; đỏ thì đỏ rực, đỏ phơi phới, đỏ ửng lên như thể tràn đầy sinh lực.
Bông hoa mà hồng, mà vàng, chẳng qua nó chỉ hồng hay vàng lốm đốm. Lá phong già thì rực lên toàn cây, toàn vùng. Sao mà nó có thể tự xếp đặt cho mình một cái chết tưng bừng đến thế!
Đang len lách dạo trên những lối đi nhỏ hẹp, rậm rạp, sâu hút bên triền sông, chợt gặp một đám phong già, tự dưng như thể ánh sáng ùa tỏa trên đầu. Màu lá nọ tự nó tỏa sáng, tỏa hân hoan. Lá cây tỏa niềm hân hoan cuối cùng với những tia nắng rực rỡ cuối cùng của một năm. Một tuần lễ, hai tuần lễ sau, ta trở lại nơi này, có thể chẳng còn gặp lại lá cây nữa, chỉ còn toàn cành trơ đen thui.
Đang len lách dưới lối đi lưng chừng triền sông, nghe trên bờ sông có tiếng ồn ào, la hát nghêu ngao. Lần bước lên xem, thì ra là một đám nam nữ thanh niên cũng du ngoạn, cũng thưởng lãm phong cảnh, nhưng lúc này đang quây quần xung quanh một thùng la-de!
Mỗi người bỏ ra năm mươi xu, không phân biệt tửu lượng, và được cấp phát một chiếc ly nhựa. Thế là cứ việc uống, uống được bao nhiêu cứ uống. Uống cho ấm người, cho hứng chí, rồi nắm tay nhau, quàng vai nhau, tiếp tục lẩn vào rừng cây, tiến ra mép nước, nhìn sông, ngắm lá v.v... rồi nghêu ngao hát, rồi nằm xuống đệm lá nghỉ ngơi, mê mẩn. Hồi lâu lại có thể mang chiếc ly đi kiếm la-de nữa, để tiếp tục vui với cảnh thu giữa trời.
o O o
Giữa cảnh vật ấy, thỉnh thoảng Việt kiều gặp Việt kiều. Bà con nhìn nhau, thường thường cùng ngấm ngầm một cảm tưởng: “Tiếc quá! Thế này mà lại không phải là quê hương ta!”
Phải chi cảnh đẹp đẽ và thanh bình này mà “ở ta” cái thưởng ngoạn mới đậm đà ngây ngất đến đâu. “Ở ta” thì có cảnh lại có tình, có cái lộng lẫy của hiện tại lại còn có các kỷ niệm của quá khứ lẩn quất. Cho nên thú ngoạn cảnh mới càng thấm thía.
Còn như không “ở ta”, cảnh vật tự trình diễn trước những con mắt thán phục mà bỡ ngỡ. Trên bãi cỏ này, sườn đồi này, khúc sông kia, chúng ta chưa kịp có một kỷ niệm nào cả. Cho nên cảnh không có tình.
Đi trên bờ sông Mississippi, nghĩ tới Mark Twain. Nghe nói ông ta yêu sông Mississippi, tha thiết với sông, lấy một âm thanh từ cái sinh hoạt của hạng người làm ăn sinh sống trên sông mà làm bút hiệu. Còn chúng ta ngày nay, yêu sông chỉ biết giương mắt nhìn sông, chứ đã biết đâu đến cái sinh hoạt trên sông Mississippi, như biết giọng hò điệu hát trên sông Hương, sông Đồng Nai, sông Ông Đốc v.v... Yêu cảnh mà không biết đến cuộc sống trong khung cảnh ấy, làm sao yêu thắm thiết?
Thế nhưng, nghĩ đến một ngày kia, khi chúng ta đã thâm nhập vào cuộc sống xứ này đến cái độ không còn mỗi lúc mỗi hồi tưởng về những kỷ niệm ở quê hương... Có cái ngày ấy chăng? Dù sao, chỉ nghĩ tới đã thấy xót xa.
Minneapolis, 1976
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét