Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

GIỌT CÀ-PHÊ - Tùy bút Võ Phiến


GIỌT CÀ-PHÊ
ồi còn nhỏ chàng cũng thích nghe cậu Bảy “nói” Vân Tiên như bao nhiêu người khác trong vùng. Cậu Bảy giọng ấm. Cái hay ho ở cả nơi chỗ tốt giọng đó. Còn các điệu “nói” kỳ thực không có gì xuất sắc. Một điệu, phỏng theo lối hát bài chòi, đặc biệt ở các chữ “cò”, dặm liên tiếp:
“Trịnh cò Hâm khi cò ấy ra cò tay
Vân cò Tiên bị cò gã xô cò ngay xuống cò vời.”
Bây giờ giá có ai đem thơ lục bát ra trình bày theo kiểu ấy, chàng đinh ninh là người ta muốn chế giễu điệu dân ca địa phương mình. Nhưng hồi còn xúm xít bên cậu Bảy nghe Vân Tiên thì lúc cậu hạ xuống chữ “cò vời... ời...” chàng thấy thấm thía lắm. Xung quanh khối người cảm động... “Xô cò ngay xuống cò vời... ời... ì”. Bắt đầu chậm từ chữ “ngay”, đứng lại ở chữ “vời”; phải dừng lại đây một chút để ai nấy kịp suy nghĩ về tai họa vừa xảy đến cho Vân Tiên.
Truyện Vân Tiên của cậu Bảy có những đoạn khác lạ. Chẳng hạn:
“Phút đâu Bùi Kiệm vừa về, Thấy chị Nguyệt Nga bận quần lãnh tía áo xa-tanh lưỡng đoạn.”
Hồi cụ Đồ Chiểu mở truyện Tây Minh đọc dưới đèn cụ không trông thấy trong sách xưa bên Tàu một Nguyệt Nga mặc áo xa-tanh. Mặc kệ chứ. Người phóng tác ra bản Vân Tiên của cậu Bảy tỏ ra không nệ sách, mà được trai gái vùng chàng chịu lắm.
Cậu Bảy là nghệ sĩ. Và tuy ở trong xóm làng quê kệch, cậu cũng sống cái đời tài hoa của một nghệ sĩ. Cậu có lắm bạn bè, cậu giải trí nhiều mà làm công việc thì ít, cậu có nhân tình nhân ngãi sớm mà vợ con thì muộn. Đại khái thế.
Tuy nhiên cậu có cuộc đời của cậu và chàng có đời chàng. Ngay đến cuộc đời của chàng nó cũng như gãy rời ra, mất ở chỗ này một đoạn, lìa ở chỗ kia một đoạn, xa lạc nhau, không dính dấp gì với nhau, khiến nhiều lúc gặp lại chàng đâm bỡ ngỡ, huống hồ là cuộc đời của cậu Bảy.
Tuần trước chàng gặp ở Thị Nghè một người trông quen quen, nghĩ mãi, thì ra là bác chủ ghe đã giúp đỡ cả gia đình chàng trong hồi tản cư năm xưa, đôi ba lần chở tất cả gia đình nhà chàng đến chỗ này, không xong, lại chuyển đến chỗ khác. Hôm qua chàng hớt tóc bên Hòa Hưng, vừa ngồi vào ghế chợt nhận ra kẻ đang cầm tông-đơ húi đầu chàng chính là người bạn quen nhau ở một cơ quan hành chánh bên kháng chiến trước kia. Lại một hôm nghe nói ở đầu hẻm có quán phở vừa mới khai trương, ngon lắm, chàng tới ăn phở thì gặp ngay chủ quán là viên trưởng ty Công An của tỉnh chàng, mới năm nào đây thôi.
Người chủ đò bây giờ cụt mất một chân, nửa thân trên lại nở nang thêm, đâm béo, nên chàng khó nhận ra. Anh bạn nhân viên hành chánh kháng chiến cũ thì bỗng có nhiều điệu bộ vờ vĩnh, ăn nói dạ thưa luôn mồm, cái nhìn cái ngó có vẻ gian: không biết trong thời gian xa cách anh đã gặp những biến cố gì mà tính tình chịu nhiều thay đổi vậy... Nhưng dù họ ít đổi khác, chàng cũng không chắc đã nhớ lại nhanh chóng, dễ dàng. Phải thẳng thắn nhìn nhận là thế. Ở cái thời buổi loạn ly này đời sống của mỗi người như chắp bằng trăm mảnh, như tấm áo cà sa trăm màu. Chắp vá thế mà vẫn tiếp tục còn là một cuộc đời là may lắm rồi đó. Hàng ngày đây đó bao nhiêu là đời sống vô tội đang bị hủy đi oan uổng, như thế kẻ gặp đủ cảnh này cảnh nọ như chàng mà vẫn sống, thế là quá quắt rồi, đòi gì nữa. Nhất là đừng đòi có một liên hệ hợp lý giữa hồi này với cảnh kia. Không riêng gì chàng, xung quanh đa số đều vậy cả. Trong một bữa tiệc hoặc ở nhà hàng Maxim’s, hoặc ở tầng năm tửu lầu Đồng Khánh, hoặc ở nhà hàng Văn Cảnh v.v... một ông giám đốc xí nghiệp sang trọng hào hoa, đang nhắp uých-ky, đang hút xì-gà, đang cười toe toét với bạn bè là những ông giám đốc, những nhà kinh doanh khác, bỗng có kẻ tình cờ nói tới chuyện tù nhân mỗi tối ngủ trước cầu tiêu, một tuần tắm một gáo nước, ông giám đốc sẵn miệng liền góp ngay vào một kỷ niệm riêng, một “kinh nghiệm bản thân”! Giữa cảnh sống hiện tại của con người kia và chuyện lao tù thực không có chút mạch lạc nào hết. Vậy mà nhiều người trong đám bạn bè ông giám đốc đều có thể góp chuyện kỷ niệm riêng được. Vậy đó. Chính biến này kế tiếp chính biến nọ, ai tránh được những tai ương bất trắc giăng ra như địa võng thiên la. Trong một cuộc sống trăm mảnh của thời kỳ này, một đoạn đời hoạt động ở hàng ngũ bên kia có thể được ghép với một đoạn đời phục vụ ở hàng ngũ bên này, những ngày trôi sông lạc chợ có thể ghép bên cạnh những đêm ăn chơi đế vương...
Từng mảnh đời như thế ngổn ngang trong mỗi cuộc sống, ai hơi sức đâu và thì giờ đâu kiểm điểm lại cho hết. Sống trước quên sau, cứ thế cho xong, đối với ngay chính đời mình cũng vậy, huống hồ đời người khác. Họa hoằn mới có một cơ hội... Thường thường, đó là vào dịp... sắp tắt hơi. Người ta bảo vào một vài giây phút cuối cùng con người chợt nhìn thấy được tất cả cuộc đời mình, rất nhanh mà rất đầy đủ. Nhà triết lý luận rằng đời sống bắt buộc con người phải hướng về phía trước để dồn các khả năng vào việc lo liệu cho tương lai, vì vậy Tạo hóa khôn ngoan và chu tất bèn che kín phía quá khứ để cho các năng lực tinh thần của con người khỏi tản mác uổng phí và nguy hiểm. Ngoại trừ trường hợp các nghệ sĩ là những kẻ không quan tâm đến cuộc sống thực tế cho nên tha hồ tẩn mẩn trầm mình vào dĩ vãng, và ngoại trừ lúc con người sắp lìa đời, sự lo lắng thiết thực không cần thiết nữa, Tạo hóa bèn mở tấm màn che cho tất cả quá khứ tràn về một loạt.
Nhà triết học có phải đã quên những trường hợp uống cà-phê? Trong lúc con người ngồi trước tách cà-phê, đấng Tạo hóa siêng năng và thực tiễn vào dịp ấy cũng đâm ra đãng trí. Hai chân len lén rút ra khỏi đôi giày da chật chội, đạp trên chiếc ghế con bỏ trống bên cạnh, hay gác lên bờ tường thấp, ngã người trên lưng ghế, ngước nhìn lên trời (bầu trời vắng vẻ cao vời vợi), từ từ đảo mắt quan sát xung quanh một cách biếng nhác (trong khoảng sân của quán cà-phê lộ thiên từng nhóm từng nhóm tự khép lại như những ốc đảo riêng biệt), trên bàn phin cốc đã sẵn, bình thủy nước sôi đã sẵn, ta ngồi chờ... Bấy giờ, cứ một giọt cà-phê rụng xuống là trăm nghìn câu chuyện cũ dâng lên trong ký ức, lan man bất tuyệt...
Cà-phê rụng xuống không vội vã, ồ không! Một giọt cà-phê biết tự trong không bao giờ vội vã. Dù cho giữa khung cảnh sinh hoạt hấp tấp tơi bời của đô thị văn minh ngày nay, giọt cà-phê chân chính vẫn bình tĩnh thong thả tụ hình, đắn đo, đủng đỉnh lắc lư, suy tư, chán chê rồi bấy giờ mới chịu buông mình xuống tách. Về cái phong thái đĩnh đạc cẩn trọng, dám chắc những giọt cà-phê của thế hệ hôm nay không có gì để hổ thẹn với những giọt cà-phê tiền bối năm ba thế kỷ trước.
o O o
Cà-phê rụng chậm, như thế là phải. Nếu nó rụng khác đi thì chàng đã không có cớ gì để xẩm tối hôm ấy nhớ đến tiếng tu hú kêu sau vườn nhà cậu Bảy. Đây là những tiếng tu hú mười lăm năm về trước. Bây giờ thì cậu Bảy không có vườn mà cũng không có nhà nữa.
Cậu Bảy là nghệ sĩ, đêm ở nhà cậu, trước kia, có nhiều cuộc vui, có nhiều người lui tới hơn ở các nhà khác trong làng. Chàng đến đó vui chơi, và lắm khi ở lại ngủ luôn.
Ngủ đêm ở nhà cậu Bảy thì đến khuya, lúc bạn bè dần dần rút về hết rồi, đàn hát dẹp rồi, ai nấy tìm chỗ nằm, một ngọn đèn hột vịt được vặn nhỏ tí ti đem đặt trên chiếc bàn con giữa nhà, nấp sau một cái bình tích đứng che bớt ánh sáng. Trong vắng vẻ bấy giờ nghe tiếng con chim kéo vải kêu íp íp đều đều. Lúc trong nhà còn đông người ồn ào thì tiếng ấy không ai để ý. Vậy, ở nhà cậu Bảy, người ta ngủ trong tiếng chim kéo vải đổ đều thâu đêm như thế.
Nhưng cái đặc biệt là lúc trời tờ mờ sáng. Ngủ ở nhà cậu Bảy không bao giờ chàng thức dậy muộn hơn: lần nào cũng là vào lúc mặt đất còn mập mờ từng vũng bóng tối, da trời hơi biêng biếc một màu thiếc lạnh, vài ngôi sao lạc lõng còn đang thoi thóp đó đây, không khí còn ủng mùi sương ướt, vào ngay lúc ấy chàng đã vụt thức giấc vì tiếng tu hú kêu ngoài vườn. Bên chỗ chàng nằm có cửa sổ, ngoài cửa sổ là mấy bụi mía. Tu hú kêu, chàng hé cửa ra, lá mía cắt những đường nét khỏe mạnh, bấy giờ hãy còn là màu đen. Hơi sương tràn vào khiến chàng tỉnh táo. Tu hú tiếp tục kêu. Gà lần lượt xuống sân, đàn gà con ban đầu líu ríu quanh mẹ chưa muốn tản ra xa. Tu hú lại kêu nữa. Dần dần chân trời phía đông ửng đỏ một vùng, chàng bắt đầu trông rõ cây rù rì đen xũ lá bất động bên bờ ao giữa đồng; chàng bắt đầu trông thấy tàn cây thị già tỏa ra đồ sộ ở bìa rừng bên nhà; cây thị, cây tam thất, rồi cây quăng, cây cầy v.v...
Chàng không biết một thứ tiếng chim gì như tiếng chim tu hú lúc rạng đông. Nó tràn đầy sinh lực. Thật là một tiếng chim kỳ lạ. Con tu hú, không biết nó rình rập ra sao, nhưng bao giờ cũng là chính nó bắt gặp bình minh trước tiên, và lớn tiếng tri hô cho ai nấy đều hay.
Thực vậy, ngủ ở nhà cậu Bảy, chàng có cảm tưởng thời gian tiến tới mỗi bước đều trịnh trọng. Không có phút nào bị bỏ qua. Luôn luôn có sự đón đợi, rình chờ, nghe ngóng. Suốt đêm con chim kéo vải vẫn canh thức, ngọn đèn hột vịt vẫn canh thức. Canh thức kín đáo — ngọn đèn lim dim, tiếng chim buồn buồn — nhưng cần mẫn bền chí. Đêm thong thả chuyển biến, âm thầm chuyển biến, để rồi đến một lúc nó hóa ra ngày. Lúc nào vậy? Cái lúc quan trọng ghê gớm đó là lúc nào mà êm ru vậy? Tất cả đều thấp thỏm, nhưng bao giờ cũng chỉ có con tu hú là nhận ra lúc đó trước tiên.
Tiếng tu hú không thỏ thẻ, không ríu rít, cũng không véo von. Nó không có cái công dụng của những tiếng chim khác. Tiếng tu hú bất chợt gióng lên lảnh lót lúc còn tờ mờ tối, như một nguồn vui tưng bừng. Rồi nó lăng xăng, gióng giả, đôn đốc, thúc đẩy. Tu hú, tu hú! Các ngôi sao cuối cùng vội vã lặn mất. Chân trời phía đông từ màu đen âm u chuyển ra màu trắng ửng. Tu hú, tu hú! Chân trời từ trắng thành đỏ. Ơ, con chim kéo vải tịt đâu mất? Tịt mất hay nó vẫn còn kêu mà không ai chú ý? Lá mía lá dừa hiện ra, đen, rồi xanh. Rồi ánh sáng ùa lên tràn khắp đồng, sương nhấp nháy trên cỏ, trên lúa. Nắng mênh mông. Ngày toàn thắng. Lúc bấy giờ con tu hú nghỉ ngơi chăng? Nó nghỉ hay nó vẫn còn kêu mà không ai chú ý?
Ngủ đêm ở nhà cậu Bảy là như thế. Mỗi đêm đều như đêm ba mươi tết, như tối giao thừa. Sự đón đợi cái giờ phút đầu tiên của ngày bao giờ cũng thấp thỏm tưng bừng như thuở khai thiên lập địa. Sự đón đợi của cỏ cây muông thú, của thiên nhiên, bao giờ cũng thế chăng? Chỉ có con người là chây lì, là dám coi thường sự lặp lại của nhịp đêm ngày chăng? Nhà cậu Bảy được dự phần vào không khí đón đợi ấy là vì ở gần bìa rừng, gần ao hồ chăng? Hay vì cậu Bảy là nghệ sĩ?
Dầu sao, trong buổi ấu thời của chàng những buổi bình minh ấy là nhất. Đêm nghe kể chuyện chị Nguyệt Nga mặc quần lãnh tía, sáng thức dậy trong tiếng chim tu hú vang lừng, thế là nhất.
Về sau này, lớn lên, sau những đêm thức khuya vui chơi đàn hát ở đô thị, sáng dậy chàng thường cảm thấy rã rời, tâm hồn lây sự mỏi mệt của thể xác. Đêm vui chơi ở nhà cậu Bảy không để lại dư vị chán chường như thế.
Tờ báo chiều nay có trích đăng mấy đoạn nhật ký của một cán bộ cộng sản bắt được tại vùng quê chàng. Vùng quê chàng nay không còn là của chàng, đó là vùng cộng sản. Tên cán bộ ghi vào nhật ký nhiều mối tình, trong đó có một chuyện xảy ra ngay tại chỗ trước kia là nhà cậu Bảy. Dân làng tối đến bị bắt buộc phải tụ họp vót chông nhọn, vừa làm việc vừa kể chuyện vui vừa hát ca cho đỡ buồn ngủ. Tên cán bộ cũng vót chông, lân la bên cạnh phụ nữ, và nửa đêm về sáng đã rủ được một cô vào bụi rậm. Xong rồi, cô gái ôm cứng lấy hắn khóc ướt vai.
Nhà cậu Bảy bị đốt cháy đã hai năm nay, cậu bỏ đi hoạt động trên núi bốn năm rồi. Bây giờ ai ở đó? Đêm đêm vót chông người ta kể chuyện gì, lại chị Nguyệt Nga mặc quần lãnh tía nữa sao? Tên cán bộ kéo gái vào đâu, vào chỗ bụi mía đầu hè ngày xưa đó chăng? Vào chỗ bụi chuối sau vườn vang tiếng tu hú đó chăng? Nhảm quá.
Trong quán Thu Hương, ở một góc sân, chàng theo dõi giọt cà-phê mới vừa rụng, chàng lắc đầu: Nhảm. Nhảm quá cỡ.
o O o
Thực vậy, giọt cà-phê thường khi nhắc nhở những điều nhảm nhí.
Trong trí chàng rụt rè lấp ló hiện về sự phân vân về cảnh tượng người đàn ông mất tai. Quán phở của người trưởng ty Công An cũ vì ở gần nên chàng vẫn thường lui tới, có khi chỉ để uống một ly nước ngọt, một tách cà-phê rót từ trong siêu ra. Người thợ nấu phở loay hoay ở cái bếp phía cửa ra vào, một cậu bé đi đi lại lại để bưng thức ăn hầu khách, chủ quán ngồi sau quầy, mắt thường nhấp nháy. Một cửa tiệm như thế là bình thường. Nghĩa là ở mặt tiền nó không có gì đáng chú ý. Thế nhưng sau quầy hàng có một vuông cửa sổ, trông qua cửa sổ ấy thấy thấp thoáng chút ít về cái sinh hoạt ở hậu trường, một thứ sinh hoạt có nhiều mơ hồ, u ẩn, rắc rối. Sau đó bao giờ cũng tối, tuy có một bóng điện vàng cạch thắp suốt ngày. Vách tường ám khói đen thui, đồ đạc ngổn ngang chật chội. Sau đó, có khi chàng nghe tiếng khóc tỉ tê, có khi tiếng kể lể của người già, có khi chàng bắt gặp hai cặp chân đàn ông và đàn bà dừng lại giữa cầu thang gác, quấn quít lén lút, có khi những tiếng hằn học, rì rầm... Chủ quán ngồi nhấp nháy đôi mắt, cách cái sinh hoạt ấy nửa thước tây, như án ngữ để che đậy.
Cái gì sau đó? Có thể cũng là một sinh hoạt bình thường, với đủ chuyện ai, lạc, ái, ố..., cũng bình thường như ngoài mặt tiền, nhưng bình thường theo lối riêng của thứ sinh hoạt hậu trường. Có thể trí tưởng tượng của chàng đã làm việc quá nhiều. Nhưng cũng có thể cái hậu trường ấy có nhiều u ẩn rắc rối thật, và đó là nguyên do gây ra những thăng trầm bất ổn trong cuộc đời người trưởng ty cũ.
Trong mùa mưa, một hôm chàng ngồi ở tiệm phở đến gần tối mà không thấy có đèn. Điện bị cúp bất ngờ. Bóng tối từ phía sau tràn qua quầy hàng, ngập đầy phòng trước. Ở buồng trong, tối tăm, sinh hoạt lại càng thêm nhiều rì rầm khả nghi, như những khổ đau buồn thảm, nhốn nháo, mà một người muốn giữ riêng trong lòng. Vẻ đứng đắn, bình thường ở gian phòng trước, có vẻ vờ vĩnh.
Đèn cầy chưa kịp đốt mang ra, trong quán lác đác đôi ba người. Ở chỗ góc gần lối thông ra phòng sau, bên cạnh quầy hàng, có hai người đàn ông đối diện nhau với chai 33 trên bàn. Chàng vẫn tưởng họ chỉ uống. Bấy giờ chàng mới để ý rằng họ đang ăn. Họ tiếp tục ăn trong bóng tối mập mờ. Bóng tối mỗi lúc một đậm màu trùm lên họ; chú ý nhìn: bóng tối như xao động chuyển dao. Một người đưa đũa lên gắp lấy vành tai kẻ đối diện, kéo nhằng ra. Người kia co rúm lại, không một tiếng kêu. Nhưng chắc chắn là người thứ nhất đã gắp được tai, điềm nhiên nhúng vào tô, ăn thong thả. Hai thực khách đều lặng lẽ. Chủ quán ở bên cạnh, lặng lẽ.
Mỗi lúc chàng mỗi lo âu, khiếp đảm. Sự bí mật đã vượt qua khung cửa nọ, từ phòng sau lan ra tới trước? Người chủ quán liệu có vẫn thụ động, bất lực? Thực khách nọ lại đưa đũa lên, nhằm một phía tai khác. Tai nạn chỉ còn gang tấc nữa là xảy ra. Bỗng nhiên đèn bật sáng. Phía tai kia được cứu thoát. Ngồi ở xa, chàng xem chừng trên gương mặt nạn nhân còn nét kinh hãi. Hai người kêu thêm la-ve, ăn nữa uống nữa, hồi lâu mới đứng lên.
Lúc họ đi ngang qua trước mặt, chàng trông thấy rõ ràng người khách mất một vành tai, thành sẹo đã lâu.
Trong mùa mưa vừa qua, nhiều buổi chiều chàng lân la ngồi muộn ở quán phở nọ. Càng ngày chàng càng có cảm tưởng phía sau đời sống của người chủ quán phong trần có nhiều khốn đốn, trắc trở, âm thầm, dày đặc. Ngồi trước tách cà-phê khét và chua của ông ta, chàng mở mắt chiêm bao những điều kỳ dị, hãi hùng.
Ở đô thị, người này không dễ xâm nhập vào cuộc sống người kia, dẫu tiếp cận thường xuyên từng cuộc sống vẫn cách nhau. Chàng tha hồ chờn vờn quanh người chủ quán, vẫn không vào được trong cái bí mật của ông ta. Chàng tha hồ lượn vòng từ chuyện này tới chuyện kia, bao quát mọi người mọi cảnh, chàng vẫn lẻ loi: tình trạng của một người chờ cà-phê nhỏ giọt. Không mấy khi người ta vừa yên tĩnh một mình mà vừa lan man khắp nơi như khi ngồi trước phin cà-phê. Đó là chỗ u cốc ẩn cư lý tưởng của người đô thị.
o O o
Cậu Bảy! Chàng lại gặp cậu Bảy ở chỗ u cốc nữa rồi. Cậu bị “gắp”, thảm thương. Làng cậu bị đánh qua đánh lại, đã tan hoang; đồng bào kẻ đi lên núi như cậu, kẻ khác kéo về quận lánh nạn. Bà con lánh nạn ngày ngày tản mác làm ăn, trưa chiều tựu hội về trại, xúm xít bên nhau, đem những điều nghe thấy kể lại cho nhau, nhất là những tin tức nghe được về làng xóm cũ: Một cuộc hành quân về hướng làng cũ, một trận dội bom, trận kích chỗ này, vụ ám sát chỗ kia v.v...
Hàng ngày có những chiếc phi cơ trực thăng thám thính bay trên các vùng chánh phủ chưa kiểm soát được. Bất cứ gặp bóng người nào, phi cơ đều hạ xuống, mời lên, chở về quận. Một người thơ thẩn? Trực thăng hạ xuống: à, nông phu vác cuốc thăm đồng, xin mời. Một đám đông lố nhố? Phi cơ hạ xuống: à, đám tang, chờ cho quan tài hạ huyệt xong, mộ lấp xong, xin mời mọi người. Tất cả về quận, có hành chánh lưu vong ở sẵn tại quận nhận xét, ai là cộng sản thì đề nghị tra hỏi giam giữ, ai là đồng bào lương thiện thì bảo lãnh xin thả ra trại lánh nạn, cùng bà con làm ăn.
Phi cơ bay lượn trên trời, đảo mắt tìm kiếm khắp xóm làng, rồi thình lình hạ xuống, thộp bắt nạn nhân đem lên trời. Sự việc xảy ra y hệt diều bắt gà. Diều đưa chân ra túm gà, mang lên không, như thế vẫn được gọi là “gắp” gà (như người ta dùng que gắp than lửa, dùng đũa gắp món ăn). Do đó bị trực thăng bắt, người dân quê gọi là bị gắp. Cứ mỗi chuyến trực thăng trinh sát đi đâu về, hạ xuống, đã có một số đồng bào, phần lớn là trẻ con rảnh việc, chực sẵn để kiểm điểm từng người trên máy bay bước xuống. Năm mười phút sau, tin bay về trại: “Sáu Chột bị gắp. Mới vừa gắp chuyến này. Bà con chưa biết hả? Ba Thành cũng bị gắp. Mẹ ơi! bà ơi! bác Năm, cô Tám bị gắp rồi.”
Hôm đó thì cậu Bảy bị. Tình cờ mà chàng chứng kiến cảnh cha con cậu Bảy bị gắp đưa về. Cảnh tượng ấy sẽ in vào trí chàng lâu.
Cậu Bảy là nghệ sĩ, cậu có quyền không cần đến một khổ người to lớn, cao hơn một thước rưỡi. Tuy nhiên chiều hôm đó khi cậu loay hoay, bé nhỏ, tay dắt đứa con trai còn bé nhỏ hơn, giữa mấy người lính Mỹ vạm vỡ cao lêu khêu, khi cha con cậu gần như phải chạy lụp xụp mới theo kịp những bước khoan thai của mấy người Mỹ, bỗng nhiên trông cậu khổ sở. Nhất định là cậu khổ: về trường hợp cậu, hành chánh lưu vong của xã không còn phân vân gì nữa, cậu bị gắp chuyến này là tai họa rồi. Xung quanh cậu tiếng động cơ ầm ầm, người người cao lớn, súng ống lách cách, giữa sức mạnh ấy nhiều điều chẳng lành chờ đợi cậu, cậu bị uy hiếp, sắc mặt cậu tái đi. Một chiếc trực thăng khác lại mới vừa đáp xuống, gió quạt mạnh ào ào. Dĩ nhiên, cha con cậu Bảy không bay mất vì cái gió ấy, nhưng áo quần phấp phới quanh người, cha con cậu te tái điêu đứng trong cái gió phũ phàng. Ngay lúc ấy, chợt cậu Bảy trông thấy chàng và mấy người quen biết đứng phía ngoài trạm gác phi trường. Vụt một cái, người cậu rắn lại, nét mặt cậu đanh lại, nghiêm hẳn ra. Suýt nữa cậu buông tay, quên chụp đè lên chiếc mũ trên đầu.
Chàng đã hiểu. Chàng muốn ngoảnh mặt tránh đi cho cậu Bảy bớt lúng túng. Cậu không muốn để ai bắt gặp mình thiểu não. Cậu Bảy đang bảo vệ cho thể thống của cách mạng mà, chàng hiểu. Cậu nhiều tự ái. Quần áo cậu phấp phới như thế kia, cha con cậu te tái thảm thương như thế kia, ấy vậy mà cậu đang cố gắng giữ sự thể cho cách mạng. Ở đời có những cảnh tượng người ta không nên ghé mắt chứng kiến, người ta cầu mong cho sự tình cờ không khiến mình phải mục kích: cảnh một người thất thế đang đỏ mặt ấp úng hỏi vay món nợ đầu tiên, cảnh người đàn ông tuổi tác lóng cóng không kham nổi một người đàn bà đang tự trao cho mình, cảnh một người chuyên săn đuổi tiêu diệt đế quốc xâm lăng vừa bị đế quốc gắp được v.v...
Chàng ngoảnh mặt đi, nhưng không kịp. Một phút tò mò không cố ý, chàng phải trả giá lâu dài. Thỉnh thoảng một ý nghĩ về cậu Bảy ngẫu nhiên hiện đến, và chàng áy náy, lờ mờ thấy như trót có điều gì thất thố đối với cậu. Chàng băn khoăn kiểm điểm: thì ra vẫn chỉ một chuyện ấy.
Nhưng bây giờ cậu ở đâu? Số phận cậu được quyết định như thế nào? Đứa con trai ngơ ngác cậu dắt theo độ nọ rồi nó ra sao? Cậu vợ con muộn màng, chỉ có nó là độc nhất chăng? Cha con đi đâu mà bị gắp trọn bộ vậy? Cậu Bảy thì chắc chắn là tù tội rồi, nhưng còn thằng bé nó phải được tự do. Ai nuôi nó? nó làm gì để kiếm miếng ăn lúc này? Đánh giày chăng? Bán báo chăng? Rửa xe cho Mỹ, ăn cắp đồ Mỹ, dắt gái cho Mỹ chăng?
Có điều chắc là lúc này nó không về làng được nữa. Nó đang phiêu dạt đâu đây ở một đô thị. Những buổi mai của nó không có tiếng chim, nhất là chim tu hú, đêm khuya của nó rền tiếng xe. Trong bụi bặm ồn ào, chiều chiều nó ao ước thả được cái diều giấy trong ngõ hẻm chật mà không bị vướng dây điện. Rồi một hôm nào đó chàng rất có thể sẽ gặp lại nó, như gặp anh thợ hớt tóc ở Hòa Hưng, bác lái đò ở Thị Nghè v.v...
o O o
Nếu thằng con cậu Bảy thả con diều, diều nó không thoát nổi dây điện đâu. Những sợi dây điện ác nghiệt. Chàng nghĩ đến cái quang cảnh chàng trông thấy, ngắm nghía cách đây vài buổi chiều; lòng chàng xịu xuống, mềm đi.
Hôm đó, tới nhà người bạn ngồi chờ hồi lâu không gặp, chàng bỏ đi. Ra tới ngoài cổng, phân vân chưa tính đi đâu, chàng dừng lại, ngước nhìn lên trời. Mắt chàng ngừng lại ở một chiếc dù bằng nhựa mỏng treo toòng teng trên dây điện, chiếc dù trẻ con chơi, to cỡ bàn tay xòe, có đeo theo một anh lính bằng ngón tay trỏ, xam xám, từ từ xoay qua xoay lại trong gió.
Một chiếc dù bị treo dính lơ lửng như thế là niềm thất vọng của một chú bé con. Trên một quãng đường dưới trăm thước tây, chàng nhẩm đếm được trên tám mươi chiếc dù. Trời, trẻ con đâu mà lắm thế. Một ngõ hẻm chật chội thế này, đông đảo thế này, con nít nó phá, phải biết.
Chàng không có được cái tính yêu trẻ. Nhất là cái đám trẻ kéo ra đầy các ngõ hẻm đô thị, chúng ngỗ nghịch, ồn ào, quẩn chân, hỗn láo, phá phách, chúng làm chàng bực, ghét. Thế nhưng buổi chiều hôm đó, chứng kiến những niềm vui bé bỏng của chúng lơ lửng giữa trời, chàng tội nghiệp, cảm động. Cảm động có lẽ tựa như một bà mẹ có đứa con đi xa, tình cờ mở ngăn tủ đựng đồ chơi của nó ra bắt gặp những nắp keng, con búp-bê gãy tay, cái cúc áo nhà binh, chiếc bóng điện hỏng v.v... Những đồ vật ấy càng vô nghĩa, ngớ ngẩn bao nhiêu càng làm bà mẹ thương hại xúc động bấy nhiêu.
Chàng cũng không có được cái khiếu tìm ra những chỗ đáng yêu của đô thị. Thế nhưng chàng bỗng mủi lòng trước cái vui thú nghèo nàn của đám trẻ. Một góc phố tồi tàn, hỗn tạp, lôi thôi, một quãng đường ngóc ngách, chật hẹp, tự dưng chúng cũng có cách gợi một xúc cảm nồng nàn. Chàng không còn dửng dưng thù nghịch với sinh hoạt đô thị. Chàng đã bắt gặp cái linh hồn của các ngõ hẻm, ồ, thứ linh hồn ngộ nghĩnh như những đuôi diều giấy, những chiếc dù nhựa ve vẩy trên sợi dây điện!
Lâu ngày rồi chàng sẽ biết yêu nó như yêu những buổi bình minh xưa kia ở nhà cậu Bảy.
o O o
Chàng lo lắng không biết trong khoảng sân của ngôi quán lộ thiên mà ấm cúng này, rồi những giọt cà-phê nhỏ giọt chúng định đưa chàng lan man tới đâu đây? Tiệm phở âm u, bác lái đò gãy chân, rạng đông trên một làng sơn cước, cơn gió thổi cha con cậu Bảy tại phi trường v.v... Đủ mọi thứ đầu cua tai nheo. Trong một kiếp nhân sinh ngắn ngủi giữa thời loạn, chàng sống tản mác một cuộc sống đầu Ngô mình Sở, một cuộc sống rách mướp, chắp vá. Mà cà-phê lại có cái thói hay đưa tâm trí con người ta vào những phiêu lưu dật dờ càng xa xôi tản mác gấp mấy trong cuộc sống thực. Bởi vậy ngôi quán chàng đang ngồi có cái sáng kiến rất hay là đối diện với một nhà bán... quan tài danh tiếng nhất thủ đô. Nên như thế. Khi người ta suy nghĩ quá dông dài nên có cái gì nhắc họ một sự kết thúc. Và sực nhớ tới món thiết dụng cuối cùng của một đời người, chắc chắn là lắm kẻ đâm cụt hứng, lo kết thúc vội vàng sự nghĩ ngợi viễn vông.
Người ta cho rằng dân Việt Nam có trên nghìn điệu dân ca, tất cả chỉ nguyên xung quanh hai câu lục bát mà thôi, đó là hiện tượng hiếm hoi trên thế giới. Điệu dân ca với chữ cò của cậu Bảy nhất định đã góp mình vào hiện tượng ấy. Chàng ước ao có dịp nào chữ cò ấy đề cập tí chút tới cà-phê để phả vào nó một tinh thần dân tộc. Chẳng hạn:
“Rung cò rinh một cò giọt cà cò phê
Cà cò phê một cò giọt trăm cò bề bâng cò khuâng”
Chỉ ngại khi giọt cà-phê nó biết mình được ca tụng kiểu ấy, nó sẽ không còn màu đen hay màu nâu; nó sẽ đỏ ửng lên vì thẹn mất.
o O o
Cậu Bảy nghệ sĩ với nét mặt của cậu ám ảnh chàng, nét mặt thoạt rắn lại khi bị quan sát. Chàng chịu cậu.
Chàng tự biết không còn được thế. Những nhồi xóc liên tiếp của thời thế đã làm chàng mềm oặt như con bún. Chàng bị xô đẩy từ vị trí này đến vị trí khác, hết buồn phản ứng. Đâu đâu cũng một kiếp trầm luân. Cậu Bảy, khi cậu sẩy chân tuột giốc, coi bộ cậu bất bình, cậu cự nự. Vâng, hình dáng cậu có xác xơ, thần sắc cậu có bơ phờ, nhưng cậu mím miệng, nghiêm rắn lại, trông cậu vẫn ra gì, vẫn sự thể.
Nhưng như vậy được đến chừng nào, cậu Bảy? Trải qua một hồi xáo trộn nữa, rồi ai đoán biết sẽ gặp cậu ở đâu, gặp đứa con trai bé dại của cậu trong hoàn cảnh nào. Ai biết được rồi thời thế sẽ đưa mình tới đâu? rồi mình làm cái thứ gì? anh thợ hớt tóc chăng? anh bán phở chăng? tù nhân chăng? kẻ cướp chăng? Hỡi Tạo hóa! Rồi ta sẽ hóa thành gan con chuột chăng? sẽ biến thành cánh con bọ chăng? tay tả làm con gà, tay mặt làm hòn đạn chăng? Dĩ nhữ vi thử can hồ. Dĩ nhữ vi trùng tỵ hồ... Thử can hồ, trùng tỵ hồ... Can hồ, tỵ hồ...
“Nhữ cò vi trùng cò tỵ thử cò can
Tý cò thần vi cò mã vi cò đàn vi cò kê”
Ấy chết! Thầy Trang thứ lỗi cho. Nhảm quá cỡ. Giọt cà-phê thỉnh thoảng lại đưa ra một điều nhảm nhí.
Những lúc chàng mơ mộng vẩn vơ, cuộc đời mênh mông càng hóa mênh mông thêm, những chuyển hóa bất ngờ của nó càng phiền tạp thêm, chàng mềm người trong cảm tưởng tự phó thác.
o O o
Chàng đã bị nhồi xóc đến điều, nổi chìm thật dữ, nhưng — chàng biết — chàng vẫn không thể ghét bỏ cuộc đời này. Hơn thế nữa, không thể không mến yêu nó. Đó mới là cái chỗ nhược căn bản của con người.
Chàng biết mình mang nặng chỗ nhược ấy. Mai sau, khi chàng đã nằm kỹ dưới ba tấc đất, áo quan lâu ngày — dù là thứ áo quan tốt của cửa tiệm danh tiếng bên kia đường — sẽ mục rã, chàng nằm yên tiếc rằng từ ngày chàng rời mặt đất sự chuyển biến trong thân thể chỉ xảy ra có một chiều, không dành một chút gì bất ngờ. Hôm nay rã đôi mắt, ngày mai mềm đến hai môi, ngày kia sập mất cái mũi... Cứ thế. Chán quá đi mất.
Suốt mùa khô ráo thời gian dài bất tận, không có bình minh, hoàng hôn, không có đêm ngày, không có gì nhắc nhở đến cuộc sống trên kia. Thế nhưng khi mùa mưa đến thì khác. Nước mưa thấm vào đất, âm thầm len lỏi qua nhiều lớp đất, như qua một cái phin vĩ đại. Cuối cùng đến mặt áo quan, nó dừng lại một chút, lưỡng lự, ngập ngừng, thăm dò. Nhưng áo quan đã mục: nó được phép. Bèn có những giọt nhỏ xuống: một giọt bên phải, một giọt bên trái, một giọt... Thôi, đúng rồi! đúng vào nơi trước kia vốn là trái tim của chàng. Chàng tê buốt cả người, rồi tinh thần tỉnh táo như vừa mới tiếp nhận sinh khí. Đã lâu, mòn mỏi đợi chờ, mới lại được tiếp xúc với một chút gì lọt từ trên kia xuống, một chút trần gian. Và trong bóng tối của lỗ huyệt chàng tha hồ miệt mài suy nghĩ không dứt về những tiếng gió thổi qua tàn lá, tiếng tu hú trước buổi bình minh, quán hủ tiếu thưa khách nửa khuya, ánh hỏa châu lúc gần sáng, vành tai một thực khách trong tiệm phở quen, diều giấy chằng chịt trên dây điện ngõ hẻm v.v...
“Rung cò rinh một cò giọt trần cò gian
Trần cò gian một cò giọt miên cò man chuyện cò đời”
Trong một lỗ huyệt tối om khác, cậu Bảy kiểm thảo về cuộc sống đã qua, về những đêm đàn hát vui chơi, về phong cách của mình những lúc sa cơ thất thế. Chàng chắc cậu được hài lòng, mát mẻ.
3 – 1967

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét