Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

GẮN, GÙA VÀ GU - Tùy bút Võ Phiến


GẮN, GÙA VÀ GU
rong XÓM CẦU MỚI, Siêu với Mùi một hôm có dịp ghé vào chợ Keo, ngồi nghỉ chân một lúc, ăn vài món quà, rồi ra đi. Nhưng đối với Siêu, đó là một kỷ niệm tuyệt vời trong mối tình của chàng: “Siêu vừa nhận thấy trong đời chàng, chàng sẽ không bao giờ quên cái lúc ngồi với Mùi ở quán hàng trong cái chợ hẻo lánh này”... “Siêu cảm thấy trước cái buồn của lòng chàng một hôm nào, mười năm sau chàng lại sẽ đến cái chợ này một mình, để có lại được cái tâm hồn chàng hiện nay và để buồn rầu một cách êm ái nhớ lại một hôm đã xa xôi ở đúng chỗ này lòng chàng đã rung động vì yêu Mùi.”
Người đọc thầm nghĩ: Đối với Siêu thì chuyện đó cũng được đi. Được tất: bờ sông, chân núi, góc vườn, lều chợ v.v... chỗ nào cũng có thể đẹp, cũng đáng nhớ tới “mười năm sau”, miễn chỗ ấy có Mùi và có chàng. Nhưng đối với Nhất Linh thì lạ chứ: Bộ trên đời hết cảnh thơ mộng rồi sao mà lấy một khu chợ làm khung cảnh ái tình?
Siêu tình cờ gặp chợ Keo trên đường về làng; chứ Nhất Linh không tình cờ mà chọn. Ông quả yêu thích cái cảnh “bà cụ bán hàng có cái yếm đỏ thắm, cây đa với những cái lều chợ xơ xác, và tiếng ồn ào lẫn với mùi bèo, mùi mắm tôm, mùi bánh đa, khoai nướng thoang thoảng trong gió và trong nắng, với tiếng một con chim chích chòe vừa hót đâu đây.”
Vả lại ai bảo cảnh chợ không thi vị? Đoàn Văn Cừ đã không làm thơ về cảnh chợ và trở thành nổi tiếng đó sao?
Như thế, có một điều chắc chắn: là đã có những kẻ sĩ yêu chợ. Và tôi có thể ba hoa dăm ba điều về chợ búa mà không ngại bị chê cười là phàm phu tục tử.
o O o
Nhân bắt gặp Nhất Linh và Đoàn Văn Cừ tại chợ, chúng ta nhận thấy họ còn gặp nhau ở mấy điểm nữa. Trong cái “Chợ tết” của nhà thơ có:
“Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.”
“Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.”
lại có
“Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.”
Thì ra ở chợ Keo kia cũng như ở chợ tết này đều có chiếc yếm thắm, có bà cụ lão, và có cây đa. (Vào thời Đoàn Văn Cừ thì cô gái mặc yếm, thời Nhất Linh sau này chiếc yếm thắm được trao lại cho bà lão: chút khác biệt ấy cũng là tự nhiên.) Hình như đối với hai vị văn thi sĩ tiền bối chính những cái đó làm cho cảnh chợ đáng yêu: những cái nghèo nàn mà quen thuộc, những hình ảnh gợi lại nếp sống cổ truyền ở đồng quê miền Bắc.
Những kẻ sĩ yêu chợ và những cặp tình nhân yêu quà, ghé vào các ngôi chợ ở trong Nam bây giờ không gặp cây đa và yếm thắm nữa. Hình ảnh quen thuộc nhất có lẽ là cái nhà lồng giữa chợ, nơi xông lên mùi thịt nướng thơm không chịu nổi. Và thịt nướng không hay đi vào thơ.
Nhưng điều tôi lấy làm thích thú trong cái sự dạo chợ đó đây không phải là ở chỗ tìm lại một nếp sống cũ thân yêu, mà là ở cái chỗ được luôn luôn ngạc nhiên trước những dị biệt phong phú.
Một người từ các miền ngoài vào Nam thoạt tiên không thể không hoảng hồn trước cảnh tượng của loại chợ chuyên biệt như chợ cá, chợ rau, chợ trái v.v... ở Sài Gòn. Trời đất! rau trái cá tôm ở đâu mà như núi như non, bán buôn cái gì mà rầm rộ từ bốn năm giờ sáng.
Cái lớn lao qui mô thì đã đành thủ đô là nhất: những Trần Quốc Toản, Chánh Hưng, Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối v.v... là nhất. Nhưng kẻ dạo chợ đâu có cao vọng tìm kiếm cái vĩ đại? Một chút gì ngộ nghĩnh, hay hay, cũng đủ rồi. Chẳng hạn ở cái chợ cá Vị Thanh, dọc theo bờ sông, khách trông thấy bày bán những con thịt trắng hếu, bằng nắm tay, bằng múi bông: “Cá gì vậy cà?” Khách lại gần xem cho kỹ: À! Thì ra chuột đó. Chuột đồng làm thịt sẵn, dàn bán la liệt.
Lại chẳng hạn, ở chợ Cà Mau, có những người bán hàng — một con bé, một cô gái — đặc biệt chăm sóc món hàng của mình. “Hàng” đem bán được đựng trong những cái thau bằng nhôm cũ kỹ, và người bán thì không ngớt sờ soạng vào trong thau, như vuốt ve mãi món hàng không nỡ rời tay. Gì mà âu yếm nâng niu quá đáng vậy? — Thưa, rắn đó.
Rắn hổ, rắn vi cá, rắn vi tượng v.v..., đem bán tại chợ có thứ đã bị đập nát đầu, nhưng có thứ bán sống. Rắn sống thì con nào con nấy bị may miệng bằng một sợi dây thép; hai đầu dây bị cắt cụt vểnh lên như hai sợi râu cá trê, hay như cái lưỡi rắn thè ra. Rắn sống lúc nhúc trong thau tất nhiên là tìm cách trườn thoát ra ngoài, vì vậy người bán hàng phải luôn luôn đặt một bàn tay vào đống rắn, luôn luôn rờ rẫm hết con nọ đến con kia: con nào trườn ra liền bị kéo vào kịp thời. Người bán rắn trông có vẻ âu yếm món hàng của mình hơn cả.
Ở Ban Mê Thuột, một buổi sáng đầu thu cách đây ba năm, một buổi sáng nắng đẹp, khí trời mát mẻ, tôi lăng quăng một hồi và có cảm tưởng rất lờ mờ về ranh giới thực sự của khu chợ. Trên lề đường, ở một góc phố cách chợ hàng trăm thước, một chú bé thượng du đứng thơ thẩn. Chú bé đứng như ngắm hàng hóa bày bán trong tiệm, như xem người qua kẻ lại: chú cũng có vẻ là du khách, nhưng coi lại thì chú ta có một con vượn lớn bằng chai la-ve: con vượn màu lông vàng óng, mõm đen, hai mắt nhắm khít lại, đang vòng tay ôm quanh cổ chú bé, hai chân sau ôm nách, dính vào ngực chú bé. Con vượn ấy, chú thách giá mười ngàn đồng: sự buôn bán đã bắt đầu từ một góc phố xa. Từ đó, người thượng dừng lại rải rác, hoặc với những gùi chứa bầu, bí, mướp, ớt, ổi..., hoặc với những chai mật ong. Các bạn hàng đặc biệt này không hề chiếm được thuê được các chỗ ngồi cố định trong lều chợ, không có sạp hàng: họ đi lơ ngơ, gặp ai hỏi mua đâu thì dừng lại đó. Cái “sinh hoạt chợ” lan rộng ra ngoài ranh giới chợ: nó thành ra là cái sinh hoạt của cả một khu phố.
Chợ lan rộng ra, mà thiên nhiên thì tràn lấn vào. Ở một góc đường có cái bót gác của nhân dân tự vệ: trên đống bao cát chất chồng cỏ mọc tùm lum, xanh tốt mơn mởn. Trong ánh nắng mai rực rỡ, bướm bay chờn vờn thật nhiều trên bót gác nọ. Bướm trắng bướm vàng, con nào con ấy to tướng, sung sướng nhởn nhơ từ đại lộ nọ sang đại lộ kia. Chúng quấn quít bên những người thượng quen thuộc, những con vượn, con sóc, con két quen thuộc vừa mới xuống chợ, chúng quấn quít trên những mớ ổi rừng mớ ớt rừng còn nguyên mùi hoang dại...
o O o
Chợ là thế giới của đàn bà và của cái ăn. Siêu có lý khi chàng ghé vào chợ để yêu Mùi và để ăn luôn mấy tô bún riêu.
Các món quà ở miền Bắc thường thường là đã cao niên cả, đã có một lịch sử lâu dài, đã phổ biến rộng rãi. Trong Nam, món ăn vặt thật là phong phú, thật là linh tinh, mà rất nhiều món chưa kịp tiến ra khỏi chỗ địa phương, cũng chưa kịp tiến đến hình thức cố định.
Vào các chợ miền Hậu Giang mà tìm bún riêu thì nhất định không có đã đành, thậm chí những phở, những bánh cuốn v.v... cũng không có nữa. Ngoại trừ vài chỗ “đô hội” như Cần Thơ ra, thì ở các nơi khác, chẳng những trong chợ không có mà khắp các phố cũng không hề có.
Ngược lại, món địa phương thì vô số kể: bún Kiên Giang của bà Ba tại chợ Rạch Giá, bún nước lèo ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, bún tằm bì Chương Thiện, hủ tiếu Mỹ Tho, cháo tấm giò heo với giá với gừng trên bến Ninh Kiều, hủ tiếu bò sa tế ở Cà Mau...
- Nói gì vậy? Những thứ đó đều có mặt ở Sài Gòn hết.
- Ở Sài Gòn thì có: hầu hết các món địa phương toàn quốc đều có về Sài Gòn trình diện. Như vậy không có nghĩa là “phổ biến rộng rãi.” Chẳng hạn món mì Quảng có mặt ở Sài Gòn mà không ra đến Huế, không vào đến Qui Nhơn.
Vả lại, món ăn trong Nam tiếp tục biến đổi không ngờ. Hủ tiếu Mỹ Tho mà ăn tại Mỹ Tho, tại mấy cái quán dọc bờ sông, thì ăn với xà-lách, hoặc xà-lách-xoong (cresson), hoặc với giá, với cúc tần ô. Cũng món hủ tiếu ấy tại Sài Gòn thì nó đi với rau cần. Và cái sự phát giác ra thứ rau cần để kết hợp với hủ tiếu thật đã chứng tỏ cả một thiên tài: ngày ngày tại đường Tôn Thất Đạm, không biết bao nhiêu là giỏ rau cần tươi tốt đã “phục vụ” một cách vô cùng đắc lực, vì được dùng đúng cái khả năng sở trường của nó.
Còn nước dùng, có nơi cho luôn vào tô hủ tiếu, có nơi lại múc ra một chén riêng, như thể một món nhiệm ý, có cũng được không cũng xong, để tùy nghi sử dụng.
Lại như cái món bún nước lèo, bởi vì là một món ăn Việt gốc Miên cho nên còn phải trải qua nhiều chặng đường canh cải hơn. Tôi có dịp dự một bữa ăn với các vị sư sãi tại chùa Samrong Ek ở Trà Vinh, có món gỏi hoa đu đủ, có bún nước lèo... So chén bún hôm ấy với tô bún ngồi ăn ở chợ Sóc Trăng hương vị đã khác, cách trình bày cũng khác. Sang chợ Bạc Liêu, gặp thứ bún nước lèo bì (cái ý kiến cho bì vào tô bún nước không mấy sáng giá). Thế rồi lên đến Sài Gòn thì cái bún nước lèo nó canh tân quá trời: chẳng những thành phần tôm, thịt, cá... rải bên trên đã cải cách, mà thậm chí thứ nước dùng cũng ly khai chất mắm bò-hóc (Nó được thay thế bằng mắm cá sặc, và nghe đâu cả mắm... ruốc nữa!) Gió bụi kinh thành đã làm nó mất gốc đến thế đấy, các đồng bào gốc Miên ạ.
Phở Bắc, miến gà, bún thang, bún bò Huế, mì Tàu v.v... ở đâu cũng nấu như nhau. Chúng ta tiến đến những công thức gần như cố định, bất biến. Mỗi tiệm chỉ có thể có một vài bí quyết nho nhỏ, chứ không thêm bớt được gì vào “đại thể”: không thêm bì vào bún thang, không bớt được mùi ruốc và sả của bún bò v.v...
Đến như mì Tàu, lưu lạc sang xứ ta, nó vẫn giữ kỷ luật chặt chẽ. Ở Huế hay ở Sài Gòn, Cà Mau, gọi tô mì hoành thánh, chú Ba vẫn bưng đến một tô y hệt từ mùi vị đến cách thức trình bày; gọi tô mì vàng nhỏ sợi hai vắt, chú Ba làm xong vẫn bỏ lên một chiếc bánh tôm và xé rẹt rẹt một lá xà-lách...
Mì Tàu, phở Bắc v.v... so với các món trong Nam, một bên như thơ Đường như phú tám vế, một bên như thơ tự do, thơ phá thể. Từ địa phương này đến địa phương khác, từ chợ nọ sang chợ kia, bún nước lèo và hủ tiếu tha hồ biến cải: ai nấy được tự do sáng tạo trên các loại tác phẩm ấy. Đây là những món ăn còn đang tiến mạnh, những món ăn trẻ, nó chưa hoàn thiện, nó hãy còn khuyết điểm đấy nhưng mà sinh động, hướng về tương lai. Mười năm sau, tại chợ Keo, Siêu sẽ ăn một bát bún riêu y hệt như mười năm trước, chứ chúng ta sức mấy có thể ăn hai tô bún nước lèo giống nhau sau khoảng cách thời gian lâu dài đến thế.
o O o
Tuy nhiên, dẫu xa mười năm, tôi chắc không quên được một kỷ niệm về ăn uống ở Cà Mau dạo nọ. Hôm ấy đi quanh quẩn trong chợ một lúc, không tìm thấy chỗ nào bán rùa, bèn đứng lại, hỏi em bé bán rắn:
- Em có biết chỗ nào bán rùa?
- Muốn gắn có gắn, muốn gùa có gùa.
Quả nhiên. Em mở một cái bao nhà binh Mỹ vẫn dùng chứa cát xếp quanh lô-cốt: quả nhiên là có gùa. Độ vài chục con.
- Bao nhiêu một con, em?
- Mua làm chi một con? Mua ký đi ông. Ký gắn hai chăm, ký gùa ba chăm.
Thế thì cũng dễ chịu, không đắt. Nhưng đã có gắn có gùa, mấy ông bạn địa phương còn lo thêm một khoảng cần thiết: cógụ.
Và trong bữa nhậu trưa hôm ấy lần đầu tiên tôi được biết thế nào là một sự “cần thiết”. Chúng tôi không cầu kỳ, không chọn thứ rượu mạnh nào, chỉ là la-ve thôi; nhưng một anh bạn ngã chục chai, một anh khác cứ thong thả uống từ từ và cuối cùng xếp xuống sau lưng một đống mười tám cái vỏ chai.
Dĩ nhiên chuyện trò nở như bắp rang:
- Uống như vậy mà nhiều gì đâu? Ở đây, một người đàn bà, tức chị Sáu Đô-la đó mà, chĩ từng uống ba mươi tám chai. Nên nhớ là bắt đầu chĩ thổi kèn liên tục mười một chai, nghe!
- Thổi kèn?
- Ừa. Tức là uống ngay trong chai, không cần rót ra ly. Nói cho đúng, đó là la-ve 33.
- Trời! Khiếp quá.
- Khiếp gì? Ở chợ Sông Ông Đốc tôi đã gặp một bà trên năm mươi tuổi uống luôn hai lít rượu đế. Nghĩ sao chớ?
- Tôi nghĩ không biết tại sao ở đây ai nấy chịu nhậu quá vậy.
- Ờ ờ... Bị ở đây buồn quá, không có thứ gì tiêu khiển mà. Xa xôi, hẻo lánh...
- Nói vậy chớ ở chỗ núi non như Cheo Reo, Kontum... không buồn sao: ở đó đâu có nhậu nhiều. Có người cho là tại vùng Cà Mau nhiều muỗi, có bệnh sốt rét, nên dùng rượu ngừa bệnh. Thì miền sơn cước cũng sốt rét vậy... Có lẽ muốn thổi kèn liên tục mười một chai la-ve phải có một điều kiện nào đó. Thí dụ ở xứ này làm ăn dễ dàng, đồng tiền rời rộng hơn các nơi...
- Cũng có vậy. Vả lại Trời ổng khiến làm sao mà ở đây nhiều món nhậu quá: Không nhậu không được ông ơi. Hãy nói rùa với rắn: ông coi, được quá chớ. Nè, rắn xé phay, rắn xào lăn, rùa rang muối, cháo rắn v.v...: Ký rùa ký rắn là làm được đủ thứ. Mà hai loại đó dễ kiếm quá chừng. Gần đây mới sinh ra cái chuyện đi chợ mua rùa với rắn, chớ trước kia, hồi tôi còn nhỏ, ai mà bán buôn những loại đó? Nhà nào chẳng có, lúc nào không sẵn chớ hả? Nói giả thử lâu lâu mình muốn nhậu một bữa rủi thiếu rắn thì cứ sang nhà láng giềng bắt về dùng, trả lại mấy hồi? Đó! Trời cho mình sống giữa cái sẵn sàng như thế, Trời ổng mời mọc thường xuyên, mà mình cầm lòng không nhậu cũng khó chớ ông bạn?
Khó thật.
Rồi câu chuyện hào hứng đi vào cái ăn: Rùa tiện lắm. Có bạn tới nhà, có rắn có rùa thì cứ việc bày rượu ra ngay: năm phút sau đã thấy thịt rùa dọn lên. Rùa rang muối nhanh hết sức. Dọn cũng giản dị: đừng chặt, đừng xé gì cả; cứ dọn nguyên con nóng hổi, chủ khách mỗi người lấy tay rút phăng ra một cái chân rùa mà gặm, chấm với muối tiêu. Miệng ngồm ngoàm, một tay cầm cái chân rùa, một tay ly rượu, thỉnh thoảng đặt ly xuống, nhón một cái lá rau răm. Cứ thế, trong khi chờ đợi các món khác.
Đến món khác, câu chuyện chuyển sang cái chơi, cái nghịch: Rắn vi tượng ăn không ngon bằng rắn hổ, nhưng nó không nguy hiểm. À, nhốt nó trong chum coi thì lờ đờ, vậy mà lanh lắm nghe. Cứ có người nhảy qua chum, thế nào nó cũng phóng lên cắn trúng phóc. Đã có nhiều anh chàng cá tiền đòi ăn thua: kẻ nhảy cao nhất cũng không tránh khỏi bị vi tượng để lại mấy chiếc răng vào bắp chân. Vậy đó: hễ cắn xong là răng dính luôn vào thịt, cũng như ong chích xong thì mất nọc. Hà hà...
Sau đó câu chuyện trở lại triết lý về cái nhậu: Bảo bà này uống hai lít đế ông kia bốn chục chai bia, không phải lúc nào cũng vậy đâu. Nhậu nó phải có hứng; có hoàn cảnh, có bạn bè thì mới nhậu được. Nhiều hôm, mình nằm nhà buồn thiu, vợ thấy thương hại, làm món ăn ngon, mua rượu về cho: uống một ly la-ve mình thấy đắng nghét. Uống một mình, cóc uống nổi một chai.
Nhưng hôm ấy phải nhận rằng các ông bạn của tôi có hứng.
Sau cùng chúng tôi lăn kềnh ra. Riêng về phần tôi, mặt đỏ nhừ, đầu nặng như đá, tôi dụi xuống, thiếp đi không biết được bao lâu. Buổi trưa nóng bức, cả khu phố vắng vẻ không có tiếng xe cộ gì.
Trong giấc ngủ nặng nề tôi mơ thấy loáng thoáng cảnh chợ búa lao xao, rồi người vật rắn rùa lùi xa dần, mất dạng, rồi còn lại mình tôi lên thác xuống ghềnh, gieo neo vất vả. Mình tôi lầm lũi hun hút, lòng chơi vơi lo lắng, chán ngán não nề.
Kìa! Mới đó chợ búa đông đảo mà sao vụt một cái chỉ còn lại mình tôi biền biệt? Tôi đi đâu vậy? Đi đâu mà heo hút khổ sở vậy? Lòng tôi thắt lại... Hắt hiu như “dạo chợ mình ta” 1! Ồ, không! Như mất chợ...
Giật mình thức dậy, mồ hôi ướt dưới cổ, nhâm nhấp bên thái dương, tim đập thùm thụp. Biết rằng vừa rồi chỉ là một cơn mơ, nhưng cảm tưởng khi thức vẫn nối tiếp khi mơ; vẫn cái lo lắng chơi vơi, như thể một mình lên thác xuống ghềnh, gian nan cô quạnh một cách vô cớ.
Dần dần, để ý đến tiếng hát phát ra từ cái ra-dô nhà bên cạnh. Trong xế trưa vắng vẻ, giọng người nữ ca sĩ lên bổng xuống trầm, một mình nàng giữa nắng trưa. À, thì ra đây là lý do. Trong mơ tôi đã đi hun hút theo một giọng đơn ca cô quạnh buồn thảm này đây. Lên thác xuống ghềnh là do cái trầm bổng này đây. Mình tôi với mình nàng. Mình nàng dìu mình tôi, bằng âm thanh...
Tôi nghểnh đầu nhìn quanh: các ông bạn cao hứng vừa rồi vẫn ngoẹo đầu ngủ vùi, say sưa, mê mệt.
Nhìn xuống nhà dưới: bà bác của anh bạn chủ nhà, không hiểu đau gì, lúc nào, đang nằm sấp lưng, giác hơi: bốn cái bầu pha-lê dính trên lưng. Mái tóc trắng của bà cụ xõa quanh đầu, bù xù.
Cảnh nhà càng vắng vẻ. Tiếng hát một mình len lỏi trong buổi xế trưa.
Đã lâu mà tôi chưa quên được cái cảnh tượng ấy: một cơn vui quá độ vừa qua đi, một cơn hứng chí nhìn ở phía sau... lưng! Nó tiêu điều còn hơn cả “Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.”
Chú thích
1 Dạo núi mình ta, tên một thi phẩm của Hà Thúc Sinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét