Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Thành tích trên đầu lưỡi



Thành tích trên đầu lưỡi
VÕ PHIẾN
Để ý đến sự khác nhau, thấy có những cái khác ngộ nghĩnh([1]); mà để ý đến sự giống nhau thì giữa đồng bào ta ở miền ông Bình Nguyên Lộc và ở miền quê tôi lại có cái giống nhau thật lạ lùng: từ Bình Định cho đến tận mũi Cà Mau, tiếng nói giống nhau.

Về cách phát âm và việc dùng một số từ ngữ địa phương, nước ta từ Bắc vào Nam có những khu vực phân biệt. Không có khu vực nào rộng lớn như khu vực này: dài hơn nghìn cây số.

Trong một bài đăng ở tạp chí Khởi Hành (số 137), ông Bình Nguyên Lộc so sánh giọng nói của người trong Nam và người ngoài Huế, ông lấy làm ngạc nhiên tại sao lưu dân vào Nam đa số từ miền Trung mà giọng nói lại không giống giọng miền Trung?

Lý do sự ngạc nhiên ở chỗ ông đã đồng hóa “Huế” với “miền Trung”. Thường thường đồng bào ta ở trong Nam hay gọi chung người ngoài Trung là “người Huế”; ông Bình Nguyên Lộc có lẽ cũng có cái nhìn giản lược như thế đối với miền Trung.

Thực ra, cùng thuộc miền Trung, giọng Huế khác giọng Bình Định nhiều lắm. Vả lại không cần đối chiếu hai nơi xa nhau đến thế: ngay sát cạnh Bình Định, giọng Quảng Ngãi đã khác biệt, còn khác nhiều hơn là giọng Biên Hòa chẳng hạn.

Đã khác giọng nói lại khác chữ dùng: từ Quảng Ngãi trở ra Quảng Bình có răng, rứa chừ, mô, tê, nớ v.v… từ Bình Định trở vào Biên Hòa, Rạch Giá, Hà Tiên đều không có những từ ngữ ấy.

Từ Bình Định trở vào, đột nhiên cùng loại bỏ một số từ ngữ, lại đột nhiên cùng chấp nhận một số từ ngữ và cách nói mới, giống hệt nhau. Nghe nhân vật Lê Xuyên nói chuyện với nhau, xem văn các ông Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam v.v..., người dân Bình Định lắm lúc sửng sốt: “Cái gì mà lạ vậy? Giống ngoài mình quá sức”.

Bình Nguyên Lộc dùng các tiếng: mắc mớ, đổ thừa, ngậm câm, chớn thủy, lại cái([2]), cà-tăng, cà-nanh, thét (rồi), (gỗ) nhót([3]); Sơn Nam trích dẫn các ký giả miền Nam viết trên tờ Lục tỉnh tân văn hồi đầu thế kỷ, đưa ra các tiếng: nói giác thể như, chơn chất, lau lách (nghĩa như tháo vát, nhanh nhẹn), trộng (nghĩa như khá lớn), sắc lẽm, (nghe) thấp thố, cái khu đĩ (của ngôi nhà), dày bừa, chớp lạch, bậm trợn, trù ẻo v.v…([4]). Những tiếng ấy hầu hết không có trong cuốn Việt Nam từ điển của hội Khai trí tiến đức và Từ điển tiếng Việt của nhà xuất bản Khoa học xã hội, hai cuốn từ điển ấn hành ở Bắc Việt cách nhau bốn mươi năm. Một vài tiếng trong số ấy hoặc được Việt Nam tự điển ghi nhận với chú thích là dẫn từ Paulus Của (như tiếng cà-tăng), hoặc được Từ điển tiếng Việt ghi nhận với chú thích là từ ngữ địa phương (như tiếng mắc mớ, bậm trợn): Cả hai lối chú thích xác nhận rằng miền Bắc không dùng những tiếng ấy.

Có những lối biến âm do nói tắt hay nói nhanh, ở trong Nam cũng giống ở Bình Định: hổng chịu, chững (chừng ấy)([5]), nghé (nhé)([6]), bển (bên ấy) v.v…

Nghe chú Tư Cầu với cô Thắm chuyện trò, dân Bình Định có cảm tưởng nghe hai người đồng hương:

“- Coi, sao cô biết tui vui? Tui mong cô ghê đi!

Con Thắm nghiêng đầu mỉm cười:

Chớ hổng phải mong… cơm hả?

- Thì… mong cả hai thứ, nhưng mong cơm thì ít hơn…

Xí, sao lại mong cơm ít hơn?

(…) - … Mà tui có ăn thua gì, có kể số gì để cho anh phải mong ít mong nhiều! Tui hổng bằng cái móng chưn của người ta!

Tư Cầu đặt mạnh chén cơm xuống:

- Người ta nào vô trỏng nữa đó?([7])

(…) tui dìa nghen anh Tư!([8]) (…) anh cứ nói dần lân hoài hè!”([9]).

Thật y như là Lê Xuyên ghi âm một đoạn đối thoại của người Bình Định. Vậy mà Bình Nguyên Lộc nỡ nói Trung Nam khác biệt!

***

Ông Nguyễn Hồng Phong nhận thấy chỗ giống nhau từ Bình Định vào Nam. Trong bộ Sơ thảo Lịch sử văn học Việt Nam, ông cho tất cả miền đất ấy vào chung một khu vực phát âm, và đưa ra một cách giải thích.

Theo Nguyễn Hồng Phong, mỗi khu vực của giọng nói trùng hợp với một đợt nam tiến của dân tộc. Từ Thanh Hóa trở ra là lãnh thổ Việt Nam trước thế kỷ I, có giọng nói giống nhau; khu vực Nghệ An Hà Tĩnh sáp nhập vào lãnh thổ hồi thế kỷ VII và VIII, có giọng nói giống nhau; từ Quảng Bình đến Quảng Nam (thực ra là đến Quảng Ngãi ngày nay) sáp nhập vào lãnh thổ ở thế kỷ XI và XV, có giọng nói giống nhau; từ đó vào Nam, xét về giọng nói thì “là một”.

Dầu sao tính cách thuần nhất trong tiếng nói của một miền đất rộng và nhất là dài đến thế vẫn có những chỗ đáng ngạc nhiên. Trong lịch sử Nam tiến, đâu phải ta tiến chiếm cái rụp cả miền đất ấy một lượt? Thanh toán xong đất Chiêm thành, rồi ngừng, rồi thanh toán đất Chân lạp: công việc kéo dài đến ba thế kỷ chứ ít sao? Vả lại, vào Nam ta có dịp tiếp xúc với những sắc dân mới: người Mạ, người Miên, người Tàu lưu vong v.v…, tiếng nói sao cho khỏi chịu ảnh hưởng mà biến đổi? Nghệ Tĩnh cách Trị Thiên có xa xôi gì đâu mà những răng, rứa, mô, tê v.v… của khu vực sau, trải qua bảy tám trăm năm, không lần về khu vực trước được, trong khi đó thì những tiếng (gỗ) nhót, cà-nanh (nghĩa là ganh tị), thét (tức mãi), đóng trăng (tức đóng gông) v.v… mượn của người Mạ([10]), những tiếng phát ách (đầy bụng), cà-tăng v.v… mượn của người Miên([11]) mãi tận trong Nam đã ngược đường về đến Bình Định để tạo nên sự thuần nhất của ngôn ngữ toàn miền.

Có lẽ cũng lại do câu chuyện di dân nhì nhằng([12]). Người Bình Định Phú Yên vào Nam làm ăn không như người Nghệ Tĩnh vào Quảng, không đi dứt khoát hẳn một lần mà thường đi đi về về trước khi định cư. Vì vậy người Bắc vào Nghệ Tĩnh, người Nghệ Tĩnh vào Thuận Quảng chỉ có tiếng nói mang đi (để rồi bị biến dạng), còn từ Bình Phú vào Nam thì lại có tiếng nói thu về.

Thu đạt về những tiếng nói cách hơn nghìn dặm dài, trong một thời kỳ giao thông bất tiện, là chuyện hiếm. Thành tích khẩn hoang mang về trên đầu lưỡi như thế cũng là chuyện hiếm nữa.


Nguồn: Đất nước quê hương. Tùy bút của Võ Phiến. Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973. Bản điện tử của www.trieuxuan.info




([1]) Xin xem bài Rụp rụp, ở phần ba.

([2]) Nguồn gốc Mã-lai của dân tộc Việt Nam, các trang 25, 93,327, 530, 575.

([3]) Lột trần Việt ngữ, các trang 282, 283, 284, 285.

([4]) Miền Nam đầu thế kỷ XX, các trang 173, 174, 182, 190, 215, 216, 221, 238 278.
([5]) Vương Hồng Sển, Thú chơi cổ ngoạn, trang 248.

([6]) Sơn Nam - Miền Nam đầu thế kỷ XX, trang 291.

([7]) Lê Xuyên - Chú Tư Cầu, trang 819, Những chữ in xiên do người trích dẫn nhấn mạnh.

([8]) Chú Tư Cầu, trang 823.
([9]) Chú Tư Cầu, trang 836.

([10]) Bình Nguyên Lộc - Lột trần Việt ngữ, trong chương “Tự vựng bỏ túi”.

([11]) Bình Nguyên Lộc - Lột trần Việt ngữ, trong chương “Tự vựng bỏ túi”.
([12]) Xin xem lại bài Anh Bình Định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét