Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Rẻo cao


Sau tiểu thuyết Đất nước đứng lên, là tập truyện ngắn Rẻo cao. Đây mới thật sự là kiệt tác của Nguyên Ngọc. Tập sách rất mỏng, chỉ phong phanh chừng một trăm trang, gồm có sáu truyện ngắn, mà truyện nào cũng đặc sắc. Bây giờ đọc lại vẫn còn thấy rất hay, vẫn không cũ. Hay nhất trong tập là truyện ngắn Rẻo cao. Đây cũng là cái truyện viết tài nhất trong đời văn Nguyên Ngọc. Truyện không có cốt, tóm tắt rất nhạt. Vì nó chẳng có gì cả. Nguyên Ngọc kể về một ông già người Mèo có tên là Cắm. Ông bỏ nhà đi hoạt động cách mạng, mải việc nước đến quên cả lấy vợ. Về già, không còn đủ sức đi nữa thì ông về quê, “làm cách mạng” ở quê. Công việc của ông là chuyển thư từ, báo Đảng xuống các làng bản. Ông không biết chữ, nên thằng cháu ruột của ông, một anh chàng bưu tá huyện đã phải đánh dấu cho ông bằng những sợi chỉ xanh, chỉ đỏ. Chỉ xanh là ông Lý A Pù. Chỉ đỏ là ông Ma Văn Keo, xóm Nà Thăn. Thế là ông cắt rừng đi ngay trong đêm. Với chất liệu như thế, chỉ đủ để viết một cái tin vắn, mà tin cũng nhạt phèo, khó mà đọc được.Vậy mà Nguyên Ngọc dựng được thành một cái truyện ngắn đặc sắc, đọc hấp dẫn và thấm thía. Ông còn cho nhân vật của mình ghếch súng vào vai, ngồi nghe hết tờ báo Nhân Dân, rồi ông còn chép nguyên cả cái dự báo thời tiết trên báo Nhân Dân vào trong cái truyện vốn đã rất ngắn của mình: “Ở miền Bắc nước ta hôm nay trời quang và nắng. Riêng vùng núi phía Bắc và Tây bắc Bắc bộ, trời ít mây, thỉnh thoảng có mưa nhỏ rải rác ở một vài nơi...”. Thế rồi sau cái dự báo thời tiết này, là bát ngát một cảnh sắc của rừng đêm Tây bắc được nhìn qua con mắt của ông già Cắm. Phải nói đó là những trang văn hay. Văn Nguyên Ngọc là thứ văn trong, sánh như mật ong, lại đượm ướp một làn hương rất đặc biệt. Đọc cứ bàng hoàng váng vất mãi. Nguyên Ngọc hơn người ở tài văn. Không có thực tài, không thể viết được thế.

Nghe đọc mà yêu thương ông, " Những người bạn tôi trên ấy" 

Rẻo cao
Nguyên Ngọc
Thế là chuyến công văn hôm nay lại lên muộn rồi.

Đồng chí Cắm, bí thư xã Nà Lường sốt ruột lắm. Nước ở con suối đầu bản róc rách nhỏ từng giọt vào trong lòng, trong ruột Cắm.

- Mùa xuân lại làm chậm báo Đảng mất rồi. Ông trời đẹp lại giữ đồng chí giao thông huyện ở dọc đường rồi. Lần này không thương nó được nữa, phải phê bình nó một trận chứ. Nó yêu cái hoa mùa xuân hơn cái báo Đảng sao. Cái thằng!

Đồng chí giao thông huyện chính là cháu gọi Cắm bằng chú. Cắm biết nó từ khi nó mới lọt lòng mẹ, nó còn bằng cái nắm tay thế này, nó đỏ như một hòn máu. à, thế mà nó nhớn nhanh hơn một cái cây bên suối đấy. Không biết cái gì nuôi nó nhớn nhanh thế. Đi ra ngoài nương, đi về trong nhà, đã thấy nó nhớn bằng con lợn ba tháng rồi. Tra lúa, lúa có sữa, nó đã nhớn bằng con hoẵng con rồi. Lúa chín thì nó biết ngồi. Gặt lúa thì nó biết đứng. Lại đốt nương thì nó biết đi.

Từ đó, Cắm cứ tính tuổi nó bằng mùa mưa. Một mùa mưa, hai mùa mưa, ba mùa mưa. Thằng bé lúc đầu còn như một con bê, sau nó thành một con chó lài, sau dần dần thì nó đã trở thành một con cọp, một con cọp thật đấy. Rừng nào, núi nào nó cũng không chừa. Bụng nó sáng như thắp đèn trong ấy. Cái gì nó cũng biết, chỉ có cái sợ là nó chưa biết.

Cứ mỗi mùa mưa, Cắm lại quệt cho nó một cái quệt than đen sì lên cây cột nhà. Năm cái quệt, sáu cái quệt, bảy cái quệt. Cắm tính tuổi cho nó nhưng lại quên tính tuổi cho mình: khi cây cột của thằng bé được bảy cái quệt than, thì quanh mồm Cắm đã lún phún đầy râu là râu.
Nhưng năm đó xảy đến một việc lớn lắm, việc đó làm cho Cắm bỏ cái cột nhà còn trơ bảy cái quệt than đấy, không quệt thêm được cái nào nữa. Năm ấy, ông Cụ qua bản. Thoạt đầu thì Cắm rất lạ. Cái lạ đó đến bây giờ cũng còn lạ.

Ừ, cũng mùa xuân như thế này đây. Cũng con suối đầu làng ấy, cũng nước róc rách chảy như thế đó. Cũng những vách núi cheo leo vây kín cái thung lũng hình sừng trâu này. Có gì khác đâu. Nhưng sao lại xảy đến một việc lạ như thế? Trên cái làng Mèo chót vót đỉnh núi quanh năm mây phủ này, nếu khi nào có khách lạ đến thì đó cũng chỉ là một con hổ đói mồi, một con lợn rừng lạc bầy. Chưa bao giờ có khách lạ là người đến đây, lội qua cái suối này, leo lên hòn đá này, bước lên cái thang này, ngồi vào trong nhà này.

Thế mà lần ấy lại có người khách đến. Người gì? Lúc đó không ai biết rõ. Ông Lãi thì bảo: người Tày đấy! Ông Thá thì bảo: người Nhắng đấy! Ông già Rỉ chột mắt, cái gì cũng biết thì bảo: người Mèo ta thôi. Bà cụ Kiên thì bảo: không phải đâu, người Kinh đấy lố. Nhưng ông cụ già nhất làng gọi riêng Cắm ra đầu suối nói rằng: tất cả đều không ai nói đúng, đó là người cách mạng! Người cách mạng là giống người nào, xưa nay Cắm chưa nghe nói đến.

Cắm được nhìn ông Cụ có mỗi một lần, một lần dài suốt một đêm, thế mà bây giờ còn tiếc mãi, tiếc mãi. Biết thế khi đó ta nhìn nhiều nữa cho no mắt. Bởi vì ông Cụ có phải là ai lạ đâu. Ông Cụ chính là Bác bây giờ! Ông Cụ chỉ ghé qua cái làng Mèo có mỗi một đêm mưa. Rồi đi. Ông Cụ đi về phía trước mặt kia, chỗ vách núi vẫn dựng cao vòi vọi.

Sau đó ít lâu, Cắm cũng bỏ nhà, bỏ nương, bỏ cả thằng cháu bé, bỏ cả cây cột nhà mới quệt được bảy cái quệt than mà ra đi. Cắm đi năm năm, chưa một lần nào được gặp lại ông Cụ nữa. Nhưng Cắm biết rõ là mình đi theo ông Cụ đây. Mỗi con suối Cắm lội qua, mỗi ngọn núi Cắm leo lên, mỗi bước chân Cắm bước đi trên đường, Cắm đều nghĩ chắc chắn rằng: bước chân ông Cụ cũng đã giẫm lên chỗ này đây và thế thì nhất định là đi đúng con đường tốt rồi. Con đường đó Cắm đi năm năm thì tới ngày Độc lập.

Khi cách mạng đã lên rồi, Cắm trở về làng. ồ, cái thằng bé gọi Cắm bằng chú. Coi kìa! Nó đã trở thành một thằng con trai lớn tồng ngồng. Cái lưng nó đã rộng bè bè và hơi cong lại như lưng một con thú rừng sắp vồ mồi. Tóc nó đen và dài. Và cặp mắt nó thì đích thị là cặp mắt của một người Mèo thực sự, xếch lên một chút, sáng như hai đốm lửa trong rừng khuya và sâu đến nao lòng những cô gái nào vô tình nhìn vào đấy. Mới đầu, nó không nhận ra Cắm. Cái thằng bé!

- Mày không nhận ra tao nữa à? Tao nuôi mày từ khi mày còn đỏ như hòn máu đấy. Tay tao tắm cứt trâu trên đầu cho mày ở suối này đấy. Mày không biết sao? Tao quệt cho mày bảy cái quệt than đen đấy!

Thế là nó nhảy tới, đúng là một con thú rừng thật, nó nhảy tới vồ lấy chú nó, rú lên:

- A, chú Cắm, chú Cắm, chú đi cách mạng đã về rồi! Thế còn ông Cụ có về với chú không?

Cắm ngồi xuống sàn nhà, dựng khẩu súng vào giữa hai chân, gác mũi súng lên vai:

- Ừ, tao già rồi. Cách mạng chưa xong đâu, tao về rồi mày lại đi đấy. Ông Cụ còn đi cách mạng, đã xong đâu mà về. Còn gian khổ đấy. Còn thằng giặc đấy.

Cắm đã già đi nhiều thật. Anh leo thang, hai đầu gối mỏi dừ. Ngày trước đuổi con nai một ngày trong rừng, gối con nai nhão đi rồi, gối Cắm gõ còn kêu boong boong như gỗ lim. Thế mà bây giờ... Các đồng chí bảo: Cắm già, yếu rồi!

Cắm không nghe. Cách mạng chưa xong không chịu về đâu! Các đồng chí phê bình. Phê bình thì phê bình, Cắm cũng đi cách mạng cho đến cùng kia. Ông Cụ đấy, không già như ông nội Cắm sao, ông Cụ còn đi kia mà. Về sau các đồng chí giao nhiệm vụ cho Cắm: Cắm về xã, về làm cách mạng ở xã. ở xã cũng phải làm cách mạng chứ. ở đâu còn có người khổ, ở đấy đều phải làm cách mạng. Ừ, thế thì Cắm về...

Mười năm qua, Cắm về làm cách mạng ở cái xã Mèo cheo leo trên đỉnh núi này. Mùa mưa đến, mùa mưa đi, rồi mùa mưa lại đến, như một người bạn chí tình, không bao giờ lỗi hẹn. Tóc Cắm dần dần bạc đi từng sợi.

Nhưng cách mạng thì Cắm không bỏ được. Cắm làm chủ tịch xã. ừ, cũng vào dạo một mùa mưa, tiếng súng nổ dưới Phủ Thông Đèo Giàng, Cắm dẫn một đoàn dân công Mèo đi vác súng, đạn, gạo ăn, nước uống cho bộ đội. Đoàn dân công của Cắm đi gần một con trăng, đến khi về thì thiếu mất một người. Người đó là thằng cháu của Cắm. Nó chẳng mở miệng nói với Cắm một tiếng nào cả. Suốt mười ngày Cắm thấy nó lầm lầm lì lì, mặt lúc nào cũng như cái mặt của hòn đá thế. Cắm bảo bụng: nó nghĩ cái gì thế? Sao nó không hát nữa, sao nó không đùa nữa? Hàng ngày nó hát hay đến cháy trái tim con gái Mèo kia mà? Hay là nó mất tinh thần rồi? Hừ, tao nuôi mày lớn lên bằng này mà mày làm nhục tao à! Một buổi sáng, nó nói với Cắm:

- Chú à, cháu cũng đi cách mạng thôi.

- Đi dân công cũng là đi cách mạng chứ.

- Không, cháu đi cách mạng với bộ đội kia.

Thế là nó đi.

Mãi đến lúc đó Cắm mới sực nhớ ra rằng nó đi rồi thì mình còn có ai thân thích nữa đâu. Cắm lớn lên như một cái cây trơ trụi giữa bãi tranh, không có cha, không có mẹ. Thằng cháu của Cắm cũng thế, mới lọt lòng mẹ thì nó đã là một thằng bé mồ côi. Cắm nuôi nó, lo cho nó mà quên lấy vợ cho mình.

Rồi Cắm đi cách mạng. Rồi Cắm lại về với nó. Bây giờ nó đi ư? Cắm lại như cái cây đứng chơ vơ giữa đám tranh dày. Trên đường từ mặt trận về nhà, leo qua đèo Keo Cọ trắng xóa, bụng Cắm lao lung biết chừng nào, khi buồn vì nó đã đi, khi vui vì nó đã nên một người Mèo cách mạng, bụng Cắm lao lung như con suối khi gặp một ngả quẹo quá ngặt, nó dồn nước lại, lưỡng lự không biết chảy đi đâu, rồi nó tràn lên đầy ắp cả hai bờ... ít lâu sau Cắm làm thêm bí thư xã nữa. Lại đi tiếp tế cho bộ đội, lại đi họp trên huyện, lại lãnh đạo nhân dân tăng gia. Mùa mưa đến. Mùa mưa đi...

Thế rồi một hôm thằng bé trở về. Nó bảo:

- Chú ơi, thắng giặc rồi. Bây giờ tôi về làm cách mạng ở xã đây. Nó về làm giao thông cho huyện. Huyện chọn nó làm giao thông vì nó đã học được chữ ở bộ đội. Bụng nó vẫn như xưa, có thắp đèn trong ấy. Nó đọc báo, đọc công văn vanh vách:

- Cái giấy này là: Kính gửi ông Lý A Pù, ngày 18 tháng 4 năm 195... ủy ban hành chính huyện trân trọng kính mời ông...; cái báo này là kính gửi ông Lò Văn Nàm, này nhé, xã luận: đế quốc Mỹ âm mưu can thiệp...

Nó đi công văn từ huyện về khắp các xã. Mỗi khi nhắc đến nó, Cắm nói:

- Đồng chí ấy công tác ở huyện. Bận lắm lố. Huyện ta có những hai mươi bốn xã. Mỗi xã một tên. Thế mà nó đọc không nhầm một tên nào. Đọc tên đồng chí ghi trên giấy xong là nó cứ thế đi thẳng một mạch từ huyện xuống đến tận xã có cái tên đó, xã gần nhất cũng là ba chục cây số, ít ra cũng leo hai cái đèo.

Phải nhận nó là một tay đi núi cừ khôi. Mùa mưa nước lũ đánh tan tác những thân gỗ bốn năm người ôm như ta lấy chân đạp giập một que nứa, thế mà nó cũng lội qua được suối. Có khi nó leo lên cây cao, chuyền từ ngọn cây này qua ngọn cây khác như vượn. Hai mươi cây số đường núi, nó đi một buổi, ngựa đi cũng thế thôi chứ gì. Nó còn bảo:

- Bao giờ Đảng cho cái xe về húc bớt mấy cái núi này, mở rộng con đường ra, thì tôi phải đi công tác bằng xe đạp mới được.

Cắm cười:

- Ba hoa nhé!

Nhưng nó còn mỗi một cái khuyết điểm nặng, chắc là huyện chưa biết rõ. Cắm biết rõ, nhưng còn nể nó, chưa thẳng thắn phê bình: đó là nó công tác kém về mùa xuân. Hễ cứ đến mùa xuân, khi những sườn núi Mèo lẫn trong sương mai trắng xóa bắt đầu nở những đóa hoa màu tím nhạt, thì y như rằng hoa tím lại giữ chân đồng chí giao thông huyện ở dọc đường mất thôi. Nó giắt công văn giấy tờ vào lưng quần bên cạnh con dao rừng lúc nào cũng sáng xanh, nó lại bỏ con đường mòn mà lần theo các sườn núi hái hoa. Thành ra đường nó đi dài đến gấp đôi ngày thường. Cắm biết thấu ruột non ruột già nó rồi: nó hái hoa cho gái.

Nó tạt vào một cái làng ở chỗ đỉnh núi xanh kia; nó lại lưng giắt công văn, chân nhảy lò cò, thổi khèn tặng hoa cho một cô gái Mèo mà Cắm chưa biết mặt bao giờ. Mỗi năm nó lại thay đổi một cô. Nước mắt các cô gái Mèo khổ vì nó và sung sướng vì nó có lẽ đã chảy đầy một cái bát sứ to mua ở dưới phiên chợ tỉnh về...

Thế là hôm nay nó lại làm chậm báo Đảng nữa rồi. Cắm ngồi ở cửa nhà, nghe con chim kêu và thấy trời tím trên đỉnh núi, biết là đêm sắp đến, ruột nóng cồn cào.

Cái thằng!

Cắm đã chùi đi chùi lại khẩu súng trường đến chục lần.Chùi súng xong lại lau đạn. Những viên đạn trông hệt một đàn chuột con vàng chói. Chuẩn bị đến thế rồi mà nó cũng còn chưa về cho Cắm đi ngay. Cắm còn phải đi báo xuống xóm nữa chứ. Cắm là phát hành viên của xã Nà Lường này kia mà. ở dưới xóm, báo đến chậm, người ta lại phê bình Cắm thôi:

- Đồng chí bí thư phát hành viên lên báo chậm lắm lố, khuyết điểm to lố. Chúng tôi chờ nghe báo mòn hết hai con mắt rồi còn gì!

Cắm làm phát hành viên của xã một năm nay. Lúc đầu huyện giao công tác đó, Cắm có hai điều thắc mắc: một là công tác bận lắm - nào vận động nhân dân chăm sóc làm sao cái nương cho tốt, nào lo dựng hai kho thóc ở xóm Nà Ngấn, xóm Văn Thụ chưa xong, nào còn phải tổ chức phân đoàn thanh niên xóm Lâng Lường nữa chứ... trăm công nghìn việc, bận lắm, bận lắm, người bí thư cũng chỉ có hai tay hai chân, không mọc được năm sáu cái nữa đâu, còn phát hành sao nổi. Từ cơ quan xã - tức là nhà Cắm - xuống xóm gần nhất – xã Nà Lường có bốn xóm - cũng mất hai mươi cây số. Hai là Cắm không biết chữ, đưa báo nhầm mất thôi! Đồng chí bí thư huyện ủy không nói gì cả, chỉ gọi Cắm đến trụ sở, mở rộng một tờ báo ra trên bàn, và đọc: "NHÂN DÂN, cơ quan Trung ương của Đảng lao động Việt Nam..."

Thế là Cắm đứng phắt dậy:

- Tôi sai rồi, đồng chí bí thư ạ. Tôi sửa chữa thôi. Báo này cơ quan Trung ương của Đảng, thế thì tôi phải đi. Được, tôi đi được...

Từ đó, hàng ngày buổi chiều Cắm lại chờ thằng cháu về, nhận báo, rồi đi xuống xóm. Cắm đi ngày đi đêm, vai đeo súng, báo cuộn tròn trong ống nứa đeo lưng. Mưa hay nắng, hay gió bão, báo Đảng cũng không dừng lại một ngày, một đêm nào, một giờ nào trên những sườn núi Mèo cheo leo, hiểm trở và ẩn hiện trong mây này...?

Nửa đêm, đồng chí giao thông huyện mới về. Thấy chú còn đốt lửa ngồi chờ, anh ta dừng lại trên ngưỡng cửa, đằng hắng ra hiệu.Cắm không ngẩng đầu lên, giọng nói ồ ồ:

- Còn ho cái gì, vào đây, ngồi đây! Tao phải phê bình mày một trận, không thương đâu.
Cánh cửa mở toang ra. Cùng với khí lạnh của đêm mùa xuân trên núi cao, bỗng tỏa vào nhà một thứ hương hoa tím nhạt, xa vắng và gần gũi, thoang thoảng êm dịu như mùi thơm của cả mùa xuân, của cả núi rừng Mèo. Trong một nháy mắt, mùi thơm đến tận đáy lòng ấy làm nguôi tất cả cơn giận của Cắm.

Nhưng Cắm cũng còn cố ra vẻ càu nhàu:

- Hừ, thôi được, để tao đi kẻo chậm báo đã. Đi về rồi tao mới phê bình mày. Không chỉ phê bình bằng mồm đâu lố, phê bình bằng cả nắm tay nữa, nghe chưa?

Một trận cười giòn tan bỗng vang lên. Cắm đốt lửa suốt đêm vẫn không ấm được căn nhà trống trải của một người suốt đời không vợ con. Thế mà chỉ một trận cười của nó bỗng xua hết khí lạnh đêm khuya, xua hết cái lạnh lẽo trong cả cuộc đời đã đậu trên mái tóc Cắm thành những vết bạc ngày càng loang rộng ra. Nó ngồi xuống bên cạnh. Nó đọc:

- Cái này của ông Lý A Pù lố.

Cắm bảo:

- Xóm Nà Ngấn, biết rồi.

Anh cuộn tờ báo cẩn thận cho đến khi chỉ còn nhỏ bằng thân cây sậy khô, rồi buộc lại bằng một sợi chỉ đỏ. Chỉ đỏ là ông Lý A Pù.

- Cái này của đồng chí Ma Văn Keo.

- Biết rồi, xóm Nà Thăn đấy.

Cắm buộc một sợi chỉ xanh.

- Cái này của ông Mã Thế Sinh.

- Biết rồi, xóm Văn Thụ.

Cắm buộc một sợi chỉ vàng.

- Cái này kính gửi đồng chí Chu Quốc Viên.

Cắm bảo:

- Ở tận xóm Làng Lang đấy nhé.

Anh buộc một sợi chỉ trắng.

Anh nhét tất cả vào ống nứa, đậy nắp cẩn thận, đeo bên hông. Rồi anh đứng dậy, khoác súng lên vai:

- Cơm trong bếp, còn nóng đấy. Thịt nai trong cái chảo. Ăn rồi ngủ đi.

Anh đi ra cửa. Thằng cháu cũng đi ra theo. Đêm đã khuya lắm. Những đỉnh núi Mèo nhọn hoắt in đậm trên một bầu trời lơ thơ rất ít sao. Gà rừng gáy hoảng âm vang vào những vách núi vây tròn lấy cái thung lũng nhỏ bé này. Cắm bảo cháu lần nữa:

- Thịt nai trong cái chảo, ăn rồi ngủ đi.

Anh bước xuống thang.

Ôi, nhớ làm sao những đêm đi cách mạng ngày còn trẻ, tóc còn đen. Đồng chí Văn cũng đến vào những đêm như thế này đây, khi có vài con gà rừng gáy hoảng âm vang và trên các đỉnh núi thì sao đã mờ như sắp tắt. Đồng chí Văn bây giờ cũng viết báo Đảng đấy. Không biết trong báo kỳ này đồng chí có viết không? Xuống xóm phải ngồi nghe báo cho hết mới được. Lần nào cũng vậy, báo xuống tới nơi thì đồng bào cả xóm tập hợp vây quanh lấy Cắm.

- Đồng chí bí thư phát hành viên!

- Đồng chí bí thư phát hành viên!

Một người biết chữ đứng ra đọc báo cho mọi người cùng nghe. Cắm cũng ngồi nghe. Anh gác mũi súng lên vai như những ngày còn đi bí mật xưa kia, chăm chú nhìn vào cái mồm người đọc. Bắt đầu là: NHÂN DÂN, cơ quan Trung ương của Đảng lao động Việt Nam. Trụ sở biên tập số... Hàng Trống. Ra ngày... Xã luận... Người thanh niên đọc một đoạn rồi dừng lại. Cắm đứng lên dịch ra tiếng Mèo. Cắm dịch rành rọt từng câu từng chữ. Này, Đảng nói về việc làm mùa. Này Đảng nói việc đi học chữ. Này Đảng lại nói việc thằng Mỹ Diệm. Bà con ạ, nó vẫn giết người của mình đấy. Nó làm cái máy chém đấy! Cắm chống súng xuống đất và giọng nói của anh âm vang. Cách mạng đã xong đâu. Nó còn giết người cách mạng ở miền Nam kia mà. Cắm phải đi chứ. Cắm già rồi, tóc bạc rồi, không đi xa tới tận miền Nam được để cứu đồng bào trong đó. Cắm phải đi phát hành viên trên rẻo cao này để báo cho mọi người biết cách mạng chưa xong đâu, còn phải đi, còn phải làm nhiều, làm nhiều... Người đọc, người dịch, hết tờ báo từ đầu đến cuối rồi, Cắm lại đeo súng lên vai, chào mọi người, đi xóm khác. Trước khi đi, Cắm tới gần người đọc báo, cười, bảo:

- Còn thiếu một chỗ anh chưa đọc đấy.

- Chỗ nào?

Cắm đưa một ngón tay chỉ vào chỗ góc phía dưới của tờ báo:

- Chỗ này, nói về ông trời với cái gió ấy mà.

- À, còn thiếu thật, còn thiếu thật. Này nhé, tôi đọc nốt nhé.

Mọi người lại xúm đến.

- Tôi đọc đây: "ở miền Bắc nước ta hôm nay trời quang và nắng... Riêng vùng núi phía Bắc và Tây Bắc Bắc Bộ, trời ít mây, thỉnh thoảng có mưa nhỏ rải rác ở một vài nơi..."

Cắm lại đi một mình trong đêm. Đúng như báo Đảng nói, đêm nay trời ít mây và có gió nhẹ. Thỉnh thoảng có mưa, nhưng là mưa nhẹ như sương. Mùa xuân về trên rẻo cao đã làm nở những thứ hoa chỉ thơm ban đêm, kín đáo như nụ cười tình của một cô gái Mèo. Tiếng kêu của một con hoẵng lạc bầy trong rừng khuya nghe như tiếng gọi tha thiết của một con người. Cắm nghĩ chưa bao giờ anh nghe báo nói về tiếng kêu của con hoẵng đó. Nhưng nói làm gì, trên khắp đất nước ta, có nơi nào mà một đêm mùa xuân lại không nghe thấy tiếng kêu tha thiết của một con hoẵng con. Cắm xốc lại dây súng, nhưng không phải để bắn. Anh đi nhanh trong đêm quen thuộc. Cắm đi xóm nào trước bây giờ đây? Đi cái chỉ xanh trước thôi, xa nhất mà.

Đỉnh núi của đồng chí Ma Văn Keo mà Cắm ghi trong trí nhớ bằng một sợi chỉ xanh, chót vót đứng một mình trong mây trắng...




--------------------
thy Nguyên Ngc ca tôi
Bo Ninh

Sau ngày tốt nghiệp khoá 3 Nguyễn Du, tôi dần ít có dịp được gặp nhà văn Nguyên Ngọc, người thầy đã dạy và dìu dắt văn chương, chữ nghĩa cho tôi những năm học trường viết văn, và mãi về sau, đến bây giờ. Bấy nhiêu năm, ngoài mấy chuyến thầy trò đi chơi miền quê Vĩnh Yên, Quảng Ninh, rồi xuyên Việt, trở lại các chiến trường xưa dọc miền Trung, trên Tây Nguyên, tôi chỉ tới thăm được thầy những ngày Tết ta và Ba Mươi tháng Tư. Cũng có năm, bởi cái thói tôi tình cảm rời rạc, thiếu mật thiết, ân tình phó mặc đã thành cố tật, khó sửa trong quan hệ với những người mình yêu quý, mà bẵng đi không tới thăm thầy. Song nhiều hơn cả là tới, nhưng không gặp được ông. Thầy Ngọc đi suốt, quanh năm, họa hoằn mới đảo về qua Hà Nội dăm hôm.
Về sức đi sức viết, trong các bằng hữu cựu binh thân thiết, tôi phục nhất nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhưng ngay cả anh ấy, cũng không thể sánh bước được với những cuộc hành quân thời bình, không ngừng nghỉ của thầy Nguyên Ngọc. Dường như càng năm càng tuổi, thầy Ngọc của tôi càng muốn sống nhiều hơn trong không gian đường trường. Sài Gòn - Gia Định, mũi Cà Mau, miền Tây, miền Đông, Quảng Trị, Thừa Thiên, miền Nam Trung Bộ, các tỉnh huyện đồng bằng miền Bắc, vùng núi non biên giới, hải đảo... từ năm 1975 tới nay có còn ngả đường nào, có còn miền quê nào của đất nước mà ông chưa dọc ngang trải qua. Tôi đồ rằng ông đi nhiều như thế chắc là để mong bù lại thời tuổi trẻ bị cầm chân trong các chiến hào và các thiên kiến chính trị băm xẻ chia cắt đất nước và đời người ra làm muôn mảnh. Ông đi nhiều, nhưng không chỉ để ngao du sơn thủy, không đi chỉ để thưởng thức phong cảnh, không lang bang phiêu bạt, chỉ để nhìn ngó nghe ngóng lớt phớt, mà đi như vậy là cách ông nhập thân, hoặc còn hơn thế nữa, xả thân vào với thực trạng đất nước và dân tình để có thể không ngừng suy nghĩ và viết, thực thi nghĩa vụ nhà văn, theo đúng với tín niệm nhân sinh và văn chương của ông. Đồng thời, không tự cho phép mình chấp nhận sự yên thân an nhàn, không ngừng buộc mình dấn thân vào đời sống đương thời, cũng còn là cách để ông giữ mình, tránh cho mình sa vào lối viết và nhất là lối sống của "một bộ phận không nhỏ" giới văn bút ngày nay, những lối viết lối sống tuy khôn ngoan và giàu lợi quyền, mà cực kỳ xa lạ với thế hệ nhà văn thời của ông, và các bạn chiến đấu của ông như Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Minh Châu... Xưa kia, nhờ quả quyết và quên mình dấn thân vào cuộc kháng chiến 9 năm mà ông có được Đất nước đứng lên, tác phẩm đầu tay của một nhà văn chưa tên tuổi song đã lập tức là một trong những tác phẩm hàng đầu của văn học kháng chiến, và càng theo thời gian, càng tỏ rõ là một tác phẩm lớn của văn xuôi Việt Nam thế kỷ XX. Những năm 1950 tới đầu 1960, ông không hề viết gì về Cải cách, về Tập thể hóa, mà lặn lội đường trường gian khổ để viết Rẻo caoVới cảm nhận của riêng mình, tôi cho rằng Rẻo cao là một trong những tác phẩm hay nhất của văn học miền Bắc XHCN những năm hòa bình giữa hai cuộc chiến. Rẻo cao, tập truyện ngắn trong sáng, tinh tế, vô cùng hồn hậu, chan chứa tình yêu và ước mơ hạnh phúc, được sống trong hòa bình ấy, thực chất là bức tâm thư của người chiến sĩ miền Nam, gửi độc giả miền Bắc trước khi lên đường trường chinh trở lại quê hương, đang lụt chìm trong lửa đạn chiến tranh tàn khốc.
Thầy viết trò khen hay, bạn có thể cho rằng vậy, thế nhưng Đất nước đứng lên  Rẻo cao, tôi đã đọc, đã yêu thích từ lâu lắm rồi, khi còn là học sinh phổ thông, còn Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, được đọc lần đầu lúc đang là một anh lính ở Mặt trận B3, khi đó đâu đã màng gì tới sự viết văn. Song quả thực, Đất nước đứng lên, Rẻo cao, Rừng xà nu, Đất Quảng, đấy là những tác phẩm đã thôi thúc và dẫn đường cho tôi hướng tới nghiệp văn chương, sau khi đã buông rời vũ khí trở lại với đời thường.
Vào học trường Nguyễn Du, tôi được thầy Hoàng Ngọc Hiến phân bổ vào nhóm học trò văn xuôi do nhà văn Nguyên Ngọc trực tiếp phụ trách. Có thể chỉ là sự tình cờ, nhưng cũng có thể đấy chính là số mệnh văn học của tôi. Không nói ra, mà tôi mừng khôn tả. Được trở thành học trò của một trong những tác giả mà mình thán phục và ngưỡng mộ từ thuở còn thơ, từ thuở còn là lính, tôi nghĩ đời văn của mình, ngay từ bước đầu đã có được sự may mắn không mấy ai bằng.
Và cho tới bây giờ, những dịp hiếm hoi được ngồi bên nhà văn Nguyên Ngọc, thầy trò riêng tư đàm đạo, với tôi vẫn là những khoảng thời gian hết sức quý báu. Vốn dĩ xưa giờ chẳng biết trò chuyện văn chương với ai, ngoài những bạn nhà văn rất đỗi thân tình: Trung Trung Đỉnh, Phạm Xuân Nguyên, Phạm Ngọc Tiến, Trần Anh Thái, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Bình Phương, mà cũng thỉnh thoảng thôi, câu được câu chăng vầy vậy với nhau một chút, nên thực sự là chỉ với thầy Hiến và nhất là thầy Ngọc là tôi có thể dốc lòng bày tỏ nỗi niềm văn chương, viết lách của mình. Và lại được các thầy bày dạy, khuyên nhủ từng ly từng tí, như ngày xưa khi còn học ở Trường Nguyễn Du.
Chưa từng nghe nhà văn Nguyên Ngọc nói trước đông người, song tôi đoan chắc tác giả Đường chúng ta đi không phải người hùng biện. Dường như ông chỉ có thể trò chuyện riêng với một người, hoặc cùng lắm vài ba người mà thôi. Gặp người tâm giao (mà tôi chắc tôi là người như vậy đối với ông), ông nói thật hay, sôi nổi, nồng nhiệt, và tất nhiên là hết sức cởi mở. Ông cũng rất ân cần, rất biết lắng nghe. Tôi có thể ngồi nói chuyện với thầy Ngọc giờ này qua giờ khác, cả buổi cả ngày, chỉ chuyện văn chương, mà đầy hứng khởi, dào dạt xúc cảm và tự thấy bổ ích cho mình rất nhiều.
Tuy nhiên, thú thực, những khi gặp thầy Nguyên Ngọc, tôi luôn cảm thấy, trước nhất là nỗi mặc cảm. Trong những năm qua, thầy Ngọc đã làm được biết bao việc lớn nhỏ có ích cho văn học và văn hóa, giáo dục. Cát chảy, Lắng nghe cuộc sống, Nghĩ dọc đường và nhất là Có một đường mòn trên biển Đông. Đấy là các sáng tác văn học. Ngoài ra là các công trình dịch thuật, mà có lần ông nói nửa đùa với tôi là dịch thế nhằm mục đích để Bảo Ninh đọc mà nâng cao tầm lên một chút: Nghệ thuật tiểu thuyết (M. Kundera), Độ không của lối viết (R. Barthes), tác phẩm của Jean-Paul Sartre, Jacques Dournes... Sau thời kỳ báo Văn nghệ với công cuộc Đổi mới, thầy Ngọc đã tham gia rất tích cực và nhiệt thành trong những lĩnh vực văn hóa, giáo dục, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và chấn hưng giáo dục. Thầy thì thế mà trò thì thế này, lận đận, lẹt đẹt, viết lách chẳng ra sao, chẳng ích lợi gì cho ai kể cả cho mình, nên mỗi lần gặp thầy là mỗi lần tôi âm thầm xấu hổ, càng năm càng không biết ăn nói ra sao với thầy.
Thứ nữa, là tôi càng năm càng thấy lo cho thầy. Sức khỏe chỉ là một phần thôi. Thực ra, ông già nhỏ vóc và đã tám mươi này rất rắn rỏi, quắc thước. Chí ít là ông hơn hẳn tôi. Thầy trò cùng leo dốc núi lên đỉnh Tam Đảo, ông phăm phăm vượt trước tôi. Chốc chốc thầy lại phải dừng chân đợi trò lệt bệt bước tụt hậu đằng sau xa. Tôi lo là lo thầy tuổi già mà lại bị rơi vào vực thẳm của thất vọng. Thất vọng đến cùng cực. Trời đất đen sầm, sự thế vô phương.
Là một cựu binh Quân Giải phóng Tây Nguyên, nên ngoài tình thầy trò với nhà văn Nguyên Ngọc, tôi còn nặng tình đồng đội với ông. Từ thuở học Trường Nguyễn Du tới bây giờ, tôi luôn thầm coi ông như người anh trong cuộc chiến ngày xưa, như một người chỉ huy. Bởi vậy nên thời gian gần đây tôi cảm thấy mình có tâm trạng gì đó, có lẽ giống như tâm trạng của một cựu binh nghĩa quân Lam Sơn thuở xưa, sau nhiều năm giải ngũ chợt nghe tiếng loa trong làng xã lớn tiếng mạt sát Trần Nguyên Hãn, mạt sát Nguyễn Trãi.
Tôi nhớ lại những cuộc biểu tình đòi hiệp thương tổng tuyển cử, biểu tình phản đối thảm sát Phú Lợi, biểu tình nhân Sự kiện vịnh Bắc Bộ... rung chuyển cả Hà Nội năm xưa. Khi ấy còn nhỏ mà tôi đã biết nhập vào biểu tình, nghe theo tiếng gọi của trái tim mình.
Tôi nhớ đêm đầu mùa khô 1972, trung đoàn sắp vượt đèo A1, qua Đắc Tô đánh trận mở màn Tổng công kích, nửa đêm, bãi khách, chính trị viên nằm ở võng bên suối mở đài nghe đọc truyện đêm khuya. Cả trung đội lặng lẽ rời võng xúm lại bên võng của anh, nghe Đường chúng ta đi... 
Bảo Ninh
23.8.2012

2 nhận xét: