Nhà Tây Nguyên học trên thảm lá buồn rực rỡ
Hãy khai quật những gì các nhà khoa học người Pháp đã tan biến để lại trên quê hương này, ta sẽ nhận ra mình có những gì. Ví như những hiểu biết về miền thượng rừng rú Tây Nguyên. Quái lạ là ở đất nước này, một người tư cách nhà văn đã định vị việc khai quật ấy chứ không phải các nhà chuyên làm khoa học. Người này có tên là Nguyên Ngọc.
Chỉ đến khi Nguyên Ngọc lao vào dịch những công trình điền dã nghiên cứu nghiêm cẩn của các nhà khoa học người Pháp thì Tây Nguyên mới “đến” được với đại chúng trên lãnh thổ Việt Nam, họ được hấp thụ, và hiểu về vùng đất này, cúi đầu trước quỹ giá trị, nền văn minh rừng, thứ “lâu đài văn hóa tự nhiên” hoang sơ lộng lẫy Tây Nguyên. Tây Nguyên thoát “rú” (rừng), thăng hoa.
Trước đó, nó nằm trong các thư viện ở Pháp, Roma, Mỹ, hoặc EFEC (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp), hay thuộc về bửu bối nguyên ngữ Pháp, Ý riêng tư của một vài người chuyên giảng dạy, nghiên cứu về dân tộc học và văn hóa trong nước.
Những tâm tư của già làng Tây Nguyên được Nguyên Ngọc quan tâm và lắng nghe. Ảnh: Xuân Chiến
Đó là những cuốn sách quan trọng như Miền đất huyền ảo, Rừng đàn bà điên loạn, Potao - Một lý thuyết về quyền lực ở người J’rai Đông Dương của Jacques Dournes, hay một loạt những cuốn khác mà ông tác động cho người khác dịch hoặc ông ra tay làm hiệu đính như: Rừng người Thượng của Henri Maitre, Nhà nhân học chân trần của Andrew Hardy, Chúng tôi ăn rừng đá - Thần Gôo của Georges Condominas... Dịch những cuốn sách viết về buổi xưa của cộng đồng, con người xã hội bộ lạc hoặc bán khai không phải là chuyện đơn giản, vì nó đòi hỏi phải hiểu thấu cái thế giới thăm thẳm đến mờ mịt, như huyền ảo đó. Còn hiệu đính, nếu không rành rọt về đất trời, tri thức dân gian quá vãng, địa tâm thức, địa nhân học, địa văn hóa, và cả địa chí của một Tây Nguyên mênh mông và điệp trùng, nháo nhào hơn một trăm năm qua và đã biến đổi hoàn toàn đến ngày nay thì sẽ không dám đụng vào.
Cái di sản văn hóa rừng Tây Nguyên đè xuống Nguyên Ngọc. Là người một phần tư thế kỷ qua hàng ngày đi rong, điền dã trên miền Thượng, nhưng tôi ngỡ ngàng khi ông ấy hiệu đính chính xác những dòng suối, cánh rừng, bon làng xa xôi được viết trong những công trình, cuốn sách đó. Nghĩa rằng, ông không chỉ làm học thuật trong văn bản mà sống trong thế giới ấy, thật sự đã qua thực địa. Ông thực địa cách nào tôi không rõ, vì đời ông sau một thời gian hoạt động ở vùng Tây Nguyên, còn lại ông sống, sinh hoạt dài hơn với Hà Nội hoa lệ. Càng yêu phục hơn khi thi thoảng còn thấy ông chữa lỗi cho trước tác đã thành cổ thư của các nhà khoa học uy tín cao ngất người Pháp kia.
Ông là nhà Tây Nguyên học với khối lượng tri thức khổng lồ về vùng đất này, cùng một cảm xúc luôn chảy tràn trên nó. Ông từng xoay xở lập cho được một tạp chí lấy tên Ngok Linh - ngọn núi cao nhất Tây Nguyên để quảng bá những giá trị Tây Nguyên, đăng tải những nghiên cứu, sáng tác về vùng đất này. Tạp chí ấy giờ đã biến mất. Nhưng tôi nhớ có một kỳ ông cho đăng lại nội dung mà tù trưởng Seattle của bộ tộc da đỏ gửi đến Tổng thống Mỹ năm 1854 lời khẩn cầu chân thành xin có đủ “không gian sống” hiền hòa tự nhiên, và quan niệm nồng sâu của cộng đồng thiểu số này về vai trò sinh thái môi trường rừng trên quê hương ngàn đời của họ trước cộng đồng người da trắng bỗng một ngày xuất hiện quá đông đảo.
Nguyên Ngọc cũng đã từng phát biểu trực tiếp xin để ý đến việc gìn giữ không gian sống cùng các giá trị bao đời của người M’Nông bản địa khi người ta triển khai đại dự án khai khoáng bauxite ở Nhơn Cơ (Đắk Nông). Không chỉ trong khoa học, làm văn hóa, hay viết lách, trái tim tinh nhạy của ông luôn nghĩ về những cộng đồng sơn nguyên bé bỏng mà ông tin là dễ bị tổn thương, thua thiệt, nên bất cứ khi nào có thể ông đều lên tiếng, khuyến nghị một sự chở che và công bằng cho họ. Như bao năm qua, ông đeo đuổi việc nên giao rừng cho người bản địa chăm sóc, bảo vệ, thay vì các lâm trường, doanh nghiệp, hay cơ quan nhà nước. Vì với tầm nhìn của ông, chính những người thiểu số mới yêu, hiểu và bảo vệ được rừng: cộng đồng được mưu sinh trong rừng, được trả công, còn Nhà nước được sinh thái.
Chuyện giao rừng cho người bản địa quản lý, sau mấy chục năm ông đeo đuổi đề đạt, được tỉnh Quảng Nam thực hiện và còn được nhân ra ở nhiều tỉnh Tây Nguyên, cho vùng núi rừng Tây Bắc ngoài xa kia. Lẽ ra “lý thuyết” này phải do Viện Nghiên cứu chiến lược nông - lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hay Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ), hoặc các trường đại học nghĩ ra và đề xuất chứ không từ một nhà văn.
Trong một lần trở lại Tây Nguyên. Ảnh: Art Labor
Rõ ràng Nguyên Ngọc đã thấy mọi vấn đề ở Tây Nguyên, từ tâm linh, tình cảm, tri thức, văn hóa, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng đều nằm ở vai trò của rừng, sự tồn tại của rừng, và cách hành xử với nó, nghĩa là với cộng đồng bản địa. Ông muốn Tây Nguyên bền vững và trong sáng như nó từng là, giữa một miền thượng rừng bỗng chật chội, bị phá theo ngày, núi đồi trọc lóc. Ông lênh đênh trong thảm lá sầu, bơ vơ trong cổ lục xứ sở. Ông là dịch giả. Mà không chỉ dịch giả, gọi ông bằng gì cũng đúng, giữa “nhà văn hóa Tây Nguyên”, “nhà khoa học”, “nhà hoạt động xã hội”, “nhà văn”, “nhà báo”, “nhà giáo”.
* * *
Người ta còn phải biết ông với những tác phẩm tuyệt vời về Tây Nguyên, như Tản mạn nhớ và quên, Bằng đôi chân trần... Ông đã đưa phẩm chất “nhà văn hóa” ấy vào văn chương. Dĩ nhiên nó thuộc về đoạn sau của cuộc đời, khi ông không còn là nhà binh, và quan chức tuyên huấn văn nghệ, mà là một nhà khoa học, văn sĩ đích thực, nên những văn phẩm ấy làm đê mê chúng sinh, nó tình tự, trúng với sự thật diễn biến trong tâm hồn người sơn nguyên như nó là, văn hóa Tây Nguyên, tức là một Nguyên Ngọc khác chứ không phải Nguyên Ngọc thời Đất nước đứng lên. Tất nhiên, ngay cả khi làm tuyên huấn văn nghệ, nhà binh, hay tham gia lãnh đạo hội văn nghệ chính thống của nước nhà, làm tổng biên tập, Nguyên Ngọc cũng đặc biệt, vẫn ngay thẳng, công chính và yêu sự tử tế, yêu cái Đẹp. Vì thế nên ông chịu nhiều đau khổ, trần ai, thậm chí bị sự khó chịu, ganh ghét của chỗ đây chỗ đó, người này người nọ, và hao tổn sinh lực cùng tâm trí hơn bao văn sĩ khác.
Không chỉ trong khoa học, làm văn hóa, hay viết lách, trái tim tinh nhạy của ông luôn nghĩ về những cộng đồng sơn nguyên bé bỏng mà ông tin là dễ bị tổn thương, thua thiệt, nên bất cứ khi nào có thể ông đều lên tiếng, khuyến nghị một sự chở che và công bằng cho họ.
Riêng với Tây Nguyên, cùng với những cái tên như Jacques Dournes, Georges Condominas, Henri Maitre, Jean Boulbet, Gioan Cassage, Điểu Kâu... Nguyên Ngọc là nhà Tây Nguyên học quan trọng nhất, ảnh hưởng được vào đời sống chúng sinh rộng rãi nhất. Mọi trước tác của các ông đều từ thực địa, rút trong sự sống, sống trong đó để tạo ra. Nên khoa học của các ông là thứ khoa học trữ tình, thấm đầy văn chương, làm bừng sáng cái cao cả của những con người sống tối giản ở bon làng sơn nguyên, và nhuộm được vẻ lung linh của đóa hoa rừng, con suối buồn, cũng như tiếng nức nở của ngọn núi nào đó khi nó lịm màu xanh.
Tây Nguyên mà, xứ Mọi (như không ít người ở thị thành Hà Nội, Sài Gòn, Paris, Roma, Washington... giờ vẫn còn nghĩ thế), nhưng bỗng một ngày đến tay lính lê dương (Pháp) Jean Boubet còn xin giải ngũ, bỏ súng tại chỗ để sống với nó, nghiên cứu về nó; như Dam Bo còn bỏ cả đạo và vị trí thừa sai của mình để đi bênh vực và tôn vinh những giá trị văn hóa thiện lành của các sắc dân J’rai, Banah; như Henri Maitre - tay thực dân ở cao nguyên M’Nông, rồi nghiên cứu về người M’Nông và viết cuốn sách sâu rộng nhất về Tây Nguyên... Thế thì, huống chi Nguyên Ngọc, người đã sớm nhảy rừng, đã có mặt trên xứ Tây Nguyên từ khi còn trẻ tơ, lại mang cốt nghệ sĩ, yêu sơn nguyên và đa cảm. Hình như Nguyên Ngọc mắc một món nợ nào đó với Tây Nguyên, mà nợ ra sao chính ông mới rõ. Và dường như, ông cũng đã trả xong, trả thừa, thành tâm, trong sáng, vô tư, và không chỉ trả, ông đã dâng hiến luôn mình, cho xứ sở này.
Chao ôi, ông Nguyên Ngọc, một cái đầu khủng khiếp trong một thân hình bé nhỏ, còn ý chí và lòng nhân thì như ngọn núi Ngok Linh tít rừng xa kia...
Nguyễn Hàng Tình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét