Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

Trung Quốc trong 10 từ vựng (2): Lãnh tụ

领袖 Lãnh Tụ


Dư Hoa

   2.  LÃNH TỤ                                                                        

            Lãnh tụ tôi nói ở đây có một đặc quyền, đó là khi đứng trên thành lầu Thiên An Môn, duyệt đội ngũ diễu hành lớn chào mừng lễ quốc khánh, chỉ có một mình ngài được vẫy tay với quần chúng diễu hành, các vị lãnh đạo khác không có quyền vẫy tay, chỉ có thể đứng bên ngài vỗ tay. Không còn nghi ngờ gi nữa, vị lãnh tụ ấy chính là Mao Trạch Đông.

            Thời kỳ đại cách mạng văn hoá, Mao Trạch Đông mặc quân phục bước lên thành lầu Thiên An Môn, không biết vì trời quá nóng, hay vì cao hứng, ngài thường bỏ mũ quân phục, cầm mũ trong tay vẫy chào quần chúng diễu hành. Cảnh tượng Mao Trạch Đông vẫy tay có sức hấp dẫn nhất, là phải kể đến sau khi bơi sông Trưng Giang. Ngài mặc quần áo tắm, đứng trên đầu thuyền, vẫy chào quần chúng hai bên bờ.         

            Vị lãnh tụ này tập trung vào mình cả phong cách nhận định thời thế của một nhà chính trị lẫn ý chí của một nhà thơ, việc ta cứ ý ta ta làm, mặc ai nói gì thì nói. Mưu sâu lo xa của Ngài thường biểu đạt bằng phương thức tức hứng. Lúc cách mạng văn hoá mới diễn ra, báo chữ to vừa mới xuất hiện, đây là hành vi đầu tiên của quần chúng yếu thế thách thức các quan chức mạnh thế. Hành vi này sau khi bị trung ương đảng cộng sản và một số quan chức cao cấp ở Bắc Kinh áp chế, nhân vật có cường quyền Mao Trạch Đông đã không dùng uy quyền tối thượng của mình để uốn nắn, mà dùng cách làm giống như quần chúng yếu thế, cũng viết một tờ báo chữ to: Nã pháo vào Bộ tư lệnh. Trong tờ báo chữ to của mình, Ngài chỉ ra, trong Đảng cộng sản Trung Quốc đang tồn tại hai Bộ tư lệnh, một Bộ tư lệnh của giai cấp vô sản và một Bộ tư lệnh của giai cấp tư sản. Có thể tưởng tượng sự cuồng nhiệt của quần chúng lúc đó, lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch cũng viết báo chữ to, điều này có ý nghiã gì? Nó chứng tỏ Mao Chủ tịch cũng gặp cảnh ngộ như quần chúng bình thường. Khỏi cần nói, cuộc đại cách mạng của giai cấp vô sản như ngọn lửa bùng cháy đã lập tức nuốt trửng cả Trung Quốc.

            Nhìn suốt lịch sử Trung Quốc, mặc dù xuất thân là quí tộc, hay từ dân đen, phàm đã trở thành hoàng đế, đều là bộ mặt hoàng đế và lời nói hành động của hoàng đế theo ước định, chỉ có Mao Trạch Đông ngoại lệ. Sau khi trở thành lãnh tụ, ngài thường không ra chiêu theo phương thức của lãnh tụ, khiến những người lãnh đạo Đảng cộng sản bên cạnh ngài thường thường trở tay không kịp. Mao Trach Đông biết sâu sắc châm ngòi đốt lửa kích động quần chúng như thế nào. Thời kỳ đầu của cách mạng văn hoá, Ngài luôn luôn xuất hiện trên thành lầu Thiên An Môn tiếp kiến quần chúng cách mạng và học sinh cuồng nhiệt, khiến làn sóng đại cách mạng văn hoá cứ dâng cao mãi, đợt sau cao hơn đợt trước.  

            Bơi sông Trường Giang càng thể hiện phong cách độc đáo của vị lãnh tụ này. Ngày 16 tháng 7 năm 1966, Mao Trạch Đông đột nhiên xuất hiện trong hoạt động bơi sông Trường Giang của quần chúng cách mạng Vũ Hán, giữa tiếng hoan hô như sấm dậy của quần chúng hai bên bờ, trong tiếng hát “Đông phương hồng” phát ra từ chiếc loa phóng thanh tần số lớn, Mao Trạch Đông 73 tuổi và năm ngàn quần chúng cùng cưỡi sóng đạp gió bơi dọc sông Trường Giang. Quần chúng cùng bơi sông Trường Giang với Mao Trạch Đông xúc động muôn phần. Họ vừa bơi vừa ra sức hô to “Mao Chủ tịch muôn năm” trong tiếng nước xô đẩy. Nước sông đục ngầu bẩn thỉu sặc vào trong mồm hô khẩu hiệu, rồi đổ vào dạ dày của họ. Nhưng sau khi họ lên bờ, ai cũng bảo “nước sông ngọt vô cùng”. Sau khi bơi sông Trường giang, Mao Trạch Đông leo lên thuyền, mặc áo tắm, với phong độ nhanh nhẹn, vẫy tay chào quần chúng đứng chật ních đen ngòm hai bờ sông. Mao Trạch Đông chỉ vẫy tay trong chốc lát rồi chui vào thuyền thay quần áo. Về sau, phim tài liệu, qua cắt xén, cảnh tượng Mao Trạch Đông vẫy tay đã biến thành Mao Trạch Đông vẫy tay với nhân dân thời gian dài. Cảnh tượng Mao Trạch Đông vẫy tay trong tranh tuyên truyền cổ động càng dài đến hơn mười năm không biết mệt.     

            “Nhân dân nhật báo” ngày hôm sau đã viết: Mao Chủ tịch lãnh tụ kính yêu của chúng ta khoẻ mạnh như thế đấy, đây là hạnh phúc lớn nhất của nhân dân toàn Trung Quốc! Là hạnh phúc lớn nhất của nhân dân cách mạng toàn thế giới! Về cuộc bơi sông Trường Giang thoả thích của mình, trong thơ từ “Thuỷ điệu ca đầu”, Mao Trạch Đông đã viết: “Mặc cho gió thổi sóng xô, còn hơn cưỡi thuyền đi dạo”. Đây chính là lãnh tụ mà tôi nói, chỉ trong vài nét sơ sài đã đẩy đại cách mạng văn hoá đến chỗ điên cuồng.

            Quang cảnh Mao Trạch Đông bơi thoả thích trên sông Trường Giang đã quay thành phim tài liệu chiếu đi chiếu lại ở Trung Quốc và các khu vực ngoài Trung Quốc, cũng được chế tác thành tranh cổ động tuyên truyền dán đầy trên tường từ thị trấn thành phố đến nông thôn Trung Quốc. Trên tranh cổ động tuyên truyn, Mao Trạch Đông mặc áo tắm được công nhân, nông dân, bộ đội giải phóng, học sinh và những người làm công tác thương nghiệp ùa theo. Mao Trạch Đông mỉm cười vẫy tay, công nông binh học thương làm động tác hăng hái vươn lên phía trước một cách hạnh phúc. Thử nghĩ xem có nhân vật chính trị nào mặc áo tắm vẫy tay với nhân dân? Chỉ có Mao Trạch Đông có phong độ khác thường như thế!       

            Thật ra từ thời kỳ kháng chiến ngài đã có phong cách này. Khi đó ngài vẫn chưa trở thành lãnh tụ của Trung Quốc, còn sống gian khổ trong nhà hầm ở Diên An. Khi tiếp nhà báo Mỹ phỏng vấn, Mao Trạch Đông nghĩ thế nào cứ làm thế, một tay sờ mò đũng quần, vừa bắt rận, vừa nói chuyện thoải mái, chiến tranh chống Nhật của Trung Quốc nhất định sẽ đi đến thắng lợi.         

            Sau khi đại cách mạng văn hoá bắt đầu, mỗi lần Mao Trạch Đông vẫy tay xuất hiện, các vị lãnh đạo đảng cộng sản đi theo ngài không còn vỗ tay nữa, họ cũng dơ tay phải lên khẽ vẫy, bởi vì tay phải họ đang cầm quyển “Mao Chủ tịch ngữ lục”, thời ấy gọi là sách bìa đỏ. Sách  bìa đỏ cho họ  cũng có cơ hội vẫy tay. Đương nhiên tay họ dơ lên không cao bằng Mao Trạch Đông, biên độ vẫy tay cũng không rộng bằng Mao Trạch Đông.    

            Thời gian cách mạng văn hoá, cho dù trường hợp không có Mao Trạch Đông xuất hiện, các vị lãnh đạo này cũng tay phải khẽ vẫy sách bìa đỏ chào quần chúng cách mạng, giống như các nữ ngôi sao màn bạc hiện nay không hoá trang tuyệt đối  không xuất hiện trước công chúng. Các vị lãnh đạo đảng cộng sản lúc đó trong tay không có quyển sách bìa đỏ cũng tuyệt đối không xuất hiện công khai. Sách bìa đỏ là đồ hoá trang chính trị của họ.          

            Đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay đã là lãnh đạo tập thể. Khi chín vị thường vụ Bộ chính trị cùng xuất hiện trong cuộc họp báo, họ đồng thời vẫy tay chào các nhà báo, tay họ cũng dơ cao, biên độ vẫy tay cũng lớn. Lúc này tôi liền nghĩ đến Mao Trạch Đông đứng trên thành lầu Thiên An Môn. Cảnh tượng người bên cạnh vỗ tay, một mình Mao vẫy tay hết sức nổi bật. Nhìn nay nhớ xưa, tôi cảm thấy Trung Quốc hiện giờ không có lãnh tụ nhà nước, chỉ có những người lãnh đạo quốc gia.

            Sau khi Mao Trạch Đông lãnh tụ chính bản qua đời đã nhiều năm, lãnh tụ bản dân dã sơn trại đã đội đất mọc lên như măng mọc sau trận mưa xuân tại Trung Quốc. Từ sau những năm 1990, đi đôi với các cuộc thi chọn người đẹp lan rộng khắp đất nước, những cuộc thi bình chọn lãnh tụ cũng nối tiếp diễn ra, các cuộc bình chọn lãnh tụ thời thượng, lãnh tụ phong thái, lãnh tụ có sức hấp dẫn, lãnh tụ mỹ nữ, cũng đua chen sắc thắm với các cuộc thi chọn người đẹp.          

            Thi chọn người đẹp tuy kiểu cách có đổi mới, nhưng trước sau vẫn giới hạn trên cái đẹp, thí dụ thi chọn “Ngân mỹ nhân” giành cho người tham gia thi tuyển từ 60 tuổi trở lên, thi tuyển “Tuý mỹ nhân” giành cho các cô gái xinh đẹp uống rượu như điên, lại còn thi “Người đẹp nhân tạo” giành cho những ai đã trải qua phẫu thuật chỉnh  hình sửa sang sắc đẹp v.v 

            Thi tuyển lãnh tụ không có giới hạn, cũng không có biên giới, thế là lãnh tụ trên các lĩnh vực tơi tới ra lò, lãnh tụ thanh niên, lãnh tụ thiếu niên, lãnh tụ tương lai vv, rồi lãnh tụ đổi mới, lãnh tụ nhà đất, lãnh tụ IT, lãnh tụ môi giới truyền thông, lãnh tụ giới buôn bán, lãnh tụ doanh nghiệp vv. Trung Quốc ngày nay lãnh tụ nhiều lắm, nhìn hoa cả mắt. Lãnh tụ nhiều như thế, đương nhiên các cuộc họp thượng đỉnh lãnh tụ cũng nhiều, ví dụ luận đàn thượng đỉnh lãnh tụ giới buôn bán, luận đàn thượng đỉnh lãnh tụ doanh nghiệp, luận đàn thượng đỉnh lãnh tụ môi giới tryền thông. Những luận đàn thượng đỉnh của lãnh tụ dân dã sơn trại này, mức độ ra vẻ ra dáng của nó cũng tốt đẹp không kém hội nghị thượng đỉnh G8. Đồng thời, bình chọn lãnh tụ còn đề cập cả lĩnh vực địa lý và vật chất, thí dụ lãnh tụ phong cảnh, lãnh tụ cầu thang điện. Đây là Trung Quốc hiện nay sau Mao Trạch Đông, ngay đến các cầu thang điện cũng có lãnh tụ của nó. Tôi không biết ngày mai, sau khi trời sáng còn chui ra hàng đống lãnh tụ mới toanh ở các xó xỉnh nào nữa.

            Nếu bình chọn một từ vựng của Trung Quốc có tốc độ giảm giá trị nhanh nhất và biên độ giảm giá trị lớn nhất trong ba mươi năm qua, theo tôi, không hề băn khoăn  gì nữa, từ vựng “Lãnh tụ” sẽ trúng tuyển trăm phần trăm là cái chắc.     

            Khi cách mạng văn hoá, “lãnh tụ” là một từ vựng thiêng liêng và vĩ đại nhất, là đại danh từ của: “Mao Chủ tịch”, hay nói cách khác là tài sản tư hữu của Mao Trạch Đông, không có ai dám tự xưng mình là “lãnh tụ” gì, cho dù là trong mơ cũng không có gan. Từ “Lãnh tụ”, ngoài Mao Trạch Đông ra, đối với mọi người Trung Quốc là một vùng cấm. Thời ấy thịnh hành một câu nói: “Tổ quốc thiêng liêng bất khả xâm phạm”, sau đó “thiêng liêng bất khả xâm phạm” thường nói trên miệng chúng tôi: “Lãnh tụ” chính là một từ vựng thiêng liêng bất khả xâm phạm. Ngoài ra, cái họ “Mao” cũng  thiêng liêng bất khả xâm phạm.  

            Vợ tôi kể với tôi, trước kia trên thị trấn nhỏ vợ tôi sống, có một ông chủ tịch công đoàn họ Mao. Quần chúng trên thị trấn nhỏ cũng gọi ông là Mao Chủ tịch, đương nhiên ông cũng đồng ý. Kết quả  sau khi diễn ra cách mạng văn hoá, ông bị đánh đổ. Tội của ông chính là khiến trên thế giới xuất hiện hai Mao Chủ tịch. Ông chủ tịch công đoàn của thị trấn nhỏ từ đấy bị xúi quẩy. Ông ấy vô cùng oan uổng, nước mắt lưng tròng, ông cãi lại, người ta gọi tôi như thế, chứ tôi có tự gọi mình đâu. Quần chúng cách mạng đánh đổ ông nói:

            - Người khác có thể gọi như thế, ông không được đồng ý như vậy, ông đồng ý tức là phần tử phản cách mạng.

            Thuở thơ ấu, tôi đã từng rất nuối tiếc mình họ “Dư”, chứ không phải họ “Mao”, trong lòng thường xuyên oán trách gia tộc của bố mẹ mình tại sao không có người họ “Mao”. Ngày đó tôi không biết, đối vớí loại dân thường, Mao vừa là một họ thiêng liêng vĩ đại,  cũng vừa là một cái họ nguy hiểm.

            Thời đó có một lối ví thịnh hành, đó là ví đảng cộng sản thành mẹ của nhân dân.Tôi nghĩ bụng, đã có mẹ, tất nhiên sẽ có bố, ai là bố của nhân dân Trung Quốc chúng ta?Lẽ đương nhiên là Mao Trạch Đông. Lôgíc tuổi thơ của tôi biến đảng cộng sản Trung Quốc thành Mao phu nhân, nhưng Giang Thanh phu nhân chính tông của Mao Trạch Đông sẽ thế nào đây? Lúc đó tôi là hồng tiểu binh của thời kỳ cách mạng văn hoá, chỉ biết nam nữ bình đẳng và chế độ một vợ một chồng, không biết Trung Quốc trước kia đàn ông có thể lấy nhiều vợ, càng không nghĩ đến đàn ông Trung Quốc hiện nay sẽ có vợ lẽ và người tình, tuổi thơ như tôi, nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ đau cả đầu cũng không nghĩ ra một phương án tốt đẹp cả hai. 

            Lúc còn bé, lãnh tụ trong con mắt và trái tim tôi, ngoài Mao Trạch Đông, còn có bốn vị lãnh tụ nước ngoài. Trong lớp một tiểu học, trên bảng đen trước mặt treo chân dung Mao Trrạch Đông, trên tường phía sau treo ngang hàng ảnh chân dung Mác, Ăngghen, Lênin và Stalin. Mác, Ăngghen, Lênin và Stalin là người nước ngoài tôi nhìn thấy sớm nhất. Chúng tôi đã từng tỏ ra hiếu kỳ trước mái tóc dài của Mác và Ăngghen, còn dài hơn mái tóc của đàn bà trên thị trấn chúng tôi. Đàn bà Trung Quốc thời đó đều để kiểu tóc ngắn ngang tai, Lênin và Stalin đối với chúng tôi xem ra còn coi là kiểu tóc đàn ông bình thường. Lúc còn nhỏ chúng tôi lấy mái tóc ngắn hay dài để phân biệt giới tính nam nữ. Cho nên kiểu tóc của Mác, Ăngghen khiến chúng tôi hiếu kỳ, nhất là Mác, mái tóc xuăn để xoã của ông gần như che kín tai. Tai của đàn bà trên thị trấn chúng tôi giống như tai của Mác khi ẩn khi hiện, được cái ông Mác vẫn còn có bộ râu sồm trên mặt, ngăn chặn chúng tôi tiếp tục xét đoán giới tính của ông. Nhưng trong lớp chúng tôi có một bạn học lại không nhìn thấy bộ râu quai nón trên mặt Mác, đã ngang nhiên tuyên bố:

           - Mác là đàn bà.

            Do đó bạn học này suýt nữa trở thành thằng nhóc phản cách mạng. Lúc ấy, cuộc đại cách mạng văn hoá đã bắt đầu. Trường tiểu học của chúng tôi có một nữ sinh lớp hai, bởi đã gấp ảnh chân dung của Mao Trạch Đông tạo thành một giá chữ thập trên mặt ngài mà bị đánh đổ. Chúng tôi đều gọi bạn ấy là con nhóc phản cách mạng. Trong cuộc đại phê đấu toàn trường, cô bé khóc chảy nước mắt nước mũi, mồm cứ mấp máy kể tội lỗi phản cách mạng của minh.    

            Sau cuộc phê phán, học sinh lớp một chúng tôi bị thầy giáo triệu tập lại yêu cầu chúng tôi phát giác những thằng nhóc, con nhóc phản cách mạng ẩn náu trong học sinh, còn nhớ có hai bạn bị phát giác. Bạn thứ nhất tôi không quen, thầy giáo hỏi lâu lắm mới biết đó là cậu bé lên ba, là hàng xóm của người phát giác. Cậu bé này đã từng nói một câu phản động vào lúc hoàng hôn nào đó, cậu ấy bảo “Mặt trời đã rơi xuống”. Thời đó thịnh hành cách gọi Mao Trạch Đông thành mặt trời đỏ, cho nên chúng tôi không được tuỳ tiện  nói đến “mặt trời”, cho dù sắp sửa hoàng hôn, cũng chỉ được nói “trời sắp tối rồi”. Cậu ấy nói mặt trời đã rơi xuống, coi như bảo Mao Trạch Đông đã rơi xuống.

            Học sinh thứ hai bị phát giác là bạn học của lớp chúng tôi bảo ông Mác là đàn bà. Cô bé sợ đến nỗi sắc mặt tái xanh tái xám. Khi thầy giáo hỏi em có nói lời nói phản cách mạng như thế không, cô bé đã oà khóc, khóc ra cả nước mắt lẫn nước mũi, cô bé vừa ho vừa nói lắp bắp:

        - Hình như em có nói.       

Thầy giáo của chúng tôi đã cứu vớt cô. Ông hỏi:

       - Hình như có nói, hay hình như không từng nói?    

            Chìm đắm trong hoảng sợ và khóc lóc, cô bé trả lời lộn xà lộn xộn, lúc thì bảo hình như đã từng nói, lúc lại bảo hình như chưa từng nói thì phải. Mãi đến khi cuộc phát giác chấm dứt, cô bé vẫn không thể bứt ra khỏi hai tiếng hình như. Sau đó hai tiếng hình như đã cứu cô bé, chuyện này sau đó đã kết thúc.           

            Lúc còn bé tôi đã từng cho rằng Mao Chủ tịch chính là họ tên của vị lãnh tụ này.Thời đó ai ai cũng  nói “Mao Chủ tịch”. Khi ba chữ nói ra khỏi mồm còn thân thiết hơn gọi ông gọi bố, nếu có người gọi thẳng tên sẽ hết sức bất kính. Được cái lúc ấy mọi người đều hô to: “Tư tưởng Mao Trạch Đông muôn măm”, thường cất cao tiếng hát: “Đông phương hồng mặt trời lên, Trung Quốc có một Mao Trạch Đông”, khiến tôi hiểu ra, thì ra Mao Chủ tịch là họ cộng với chức vụ, Mao Trạch Đông mới là họ tên thật sự.   

            Tết mồng Năm tháng Năm (Đoan ngọ) năm 2009, một tin ngắn trong máy điện thoại di động gây cười lưu hành ở Trung Quốc: “Tin điện của Tân hoa xã tại Bắc Kinh ngày 28 tháng 5 cho hay, bằng kỹ thuật clone sinh đẻ vô tính, viện khoa học Trung Quốc đã clone thành công Mao Trạch Đông, các chỉ tiêu sinh lý đều đạt trình độ lúc còn khoẻ của ngài, sau cuộc họp báo đã gây tiếng vang mạnh mẽ trên toàn cầu. Ô ba ma lập tức tuyên bố: trong ba ngày nước Mỹ sẽ phế bỏ luật quan hệ với Đài Loan và rút mọi lực lượng quân sự khỏi châu Á. Ngay chiều hôm đó thủ tướng Nhật ra lệnh phá hủy đền Axucucrbri, đồng thời thừa nhận đảo Điếu ngư là lãnh thổ Trung Quốc và bồi thường mười ba ngàn tỉ đô la tổn thất xâm lược Trung Quốc. Liên minh châu Âu tuyên bố giải trừ bán vũ khí đối với Trung Quốc. Medvêdev ký tuyên bố chung, nói ba triệu km phía bắc đèo Đại Hưng An thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Mông cổ trao tuyên bố cho Liên hợp quốc nói, hai nước Mông Cổ và Trung Quốc xưa nay là một quốc gia. Mã Anh Cửu bày tỏ tuân theo mọi sắp xếp của Trung Quốc đại lục, đồng thời xin đến quán văn sử nhà nước làm nghiên cứu viên. Kim yong in chính thức gọi điện thông báo đại diện hội đàm sáu bên làm theo chỉ thị của Mao Chủ tịch.Hình thế trong nước xoay chuyển nhanh chóng: Trong 24 tiếng đồng hồ, cán bộ cấp huyện trở lên giao trả 980.000 tỉ đồng tiền ăn bẩn, xí nghiệp tư doanh chủ động cải chế quy công, 25 triệu cô gái ca ve, chỉ trong một đêm đã trở laị làm ăn lương thiện, thị trường cổ phiếu cả nước đều một màu hồng, giá nhà ở hạ xuống 60%, một tỉ ba nhân dân Trung Quốc lại một lần nữa cất cao tiếng hát thời đại: Đông phương hồng, mặt trời lên, Trung Quốc lại có một Mao Trạch Đông”. 

            Đem “Trung Quốc có một Mao Trạch Đông” biến thành “Trung Quốc lại có một Mao Trạch Đông”. Sự hóm hỉnh của dân gian khiến cho vị lãnh tụ qua đời hơn ba mươi năm trở lại dân gian, sau đó toàn thế giới lo sợ vì chuyện này, bọn quan lại tham nhũng thối nát của Trung Quốc nghe tiếng càng bay hồn bạt vía, các vấn đề lịch sử, vấn đề ngoại giao và vấn đề trong nước trói buộc Trung Quốc hiện tại đều được giải quyết thông đồng bén giọt hết thẩy. Chuyện hóm hỉnh như một ca khúc cuồng tưởng này có ý nghĩa gì? Liệu có phải bày tỏ trạng thái tâm lý bất mãn hiện thực của rất đông người Trung Quốc? Liệu có phải ám chỉ sự cuồng nhiệt của những người theo chủ nghĩa dân chủ mới? Hay nói một cách khác chỉ là một sự hóm hỉnh, một sự hóm hỉnh tự cười cợt đối với môi trường sinh tồn hiện nay của chúng ta? Tôi nghĩ có thể đều có, thậm chí còn nhiều hơn.        

            Trong hơn ba mươi năm sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Trung Quốc đã sáng tạo nên kỳ tích kinh tế kinh khủng, nhưng cái giá phải trả càng kinh khủng. Một người bạn tôi tôn kính đã nói một câu như sau: Trung Quốc bỏ ra 100 đồng tranh về một mô thức tăng trưởng GDP 10 đồng, môi trường bị phá hoại, sự sa sút về đạo đức, khoảng cách giầu nghèo bị kéo dài, hiện tượng tham nhũng lan tràn, làm sâu sắc hoá mâu thuẫn xã hội Trung Quốc hiện nay, các vấn đề xã hội nẩy sinh vô vàn  vô tận.      

            Rất đông người bắt đầu hoài niệm thời đại Mao Trạch Đông trước kia. Theo tôi, đại đa số những người trong họ có thể chỉ là hoài niệm mà thôi, chứ không phải thật sự muốn trở về thời đại ấy. Đối với số người này, thời đại Mao Trạch Đông tuy đời sống bần cùng, mà nhân tính bị ức chế, nhưng không có cạnh tranh sinh tồn phổ biến và tàn khốc, chỉ có đấu tranh giai cấp trống rỗng. Trung Quốc lúc bấy giờ kỳ thực không có sự tồn taị giai cấp, cho nên đấu tranh như vậy chỉ dừng lại trong khẩu hiệu. Thời đại đó mọi người bớt ăn bớt mặc chung sống bình đẳng, chỉ cần hết sức giữ gìn đều có thể sống yên ổn một đời.      

            Trung Quốc hôm nay đã khác hẳn, cạnh tranh quyết liệt và sức ép to lớn khiến sự sinh tồn của rất đông người Trung Quốc giống như chiến tranh. Trong một môi trường xã hội như vậy, đương nhiên thịnh hành những chuyện cá lớn nuốt cá bé, khôn khéo tranh đoạt, lừa gạt hãm hại, vậy là những người an phận giữ mình thường thường bị đào thải, những kẻ táo tợn làm liều thường thường thành công. Sự thay đổi về quan niệm giá trị và sự phân phối lại của cải tạo nên phân hoá xã hôị, phân hoá xã hội đã dẫn đến xung đột xã hội. Trung Quốc ngày nay đã thật sự xuất hiện  giai cấp và đấu tranh giai cấp.  

            Sau Mao Trạch Đông, dựa vào uy tín cá nhân của mình, Đặng Tiểu Bình đã đề xướng và dẫn dắt cải cách mở cửa của Trung Quốc. Nhưng ông già này trong mấy năm cuối cùng của cuộc đời  đã suy nghĩ: Những vấn đề xuất hiện sau khi phát triển vẫn nhiều hơn phát triển. Có lẽ chính là sau khi phát triển, Trung Quốc xuất hiện quá nhiều vấn đề xã hội, sau khi Mao Trạch Đông qua đời mới luôn luôn “sống lại”. Gần đây trên mạng internetcủa Trung Quốc đã từng xuất hiện cuộc thăm dò dân ý phạm vi hẹp: “Ví thử hôm nay Mao Trạch Đông tỉnh lại”, 85% số người nhận thấy sẽ là một việc tốt, 10% số người cho rằng sẽ là một điều xấu. Chỉ có 5%  số người cho rằng sẽ không có ảnh hưởng gì đối với thế giới và Trung Quốc.   

            Tôi không thể biết tổ hợp đám người tham gia cuộc thăm dò dân ý trên mạng này, nếu căn cứ kết cấu đám người dân mạng Trung Quốc, tôi nghĩ có thể là lớp trẻ nhiều hơn.Thế hệ trẻ Trung Quốc hiện nay biết rất ít về Mao Trạch Đông. Họ cũng nhao nhao tham gia vào trong hàng ngũ để “Mao Trạch Đông sống lại”, liệu có phải ám chỉ một sự thực sau đây: “Mao Trạch Đông sống lại” đã trở thành sự biểu đạt của trạng thái tâm lý xã hội trên nghĩa rộng. Trạng thái tâm lý xã hội này rất phức tạp, nhiều tầng nhiều lớp khác nhau, địa vị khác nhau, quan niệm khác nhau và những người có cảnh ngộ khác nhau, ở đây đã tụ tập sự bất mãn khác nhau, tức là đã cử hành một nghi thức mượn xác hoàn hồn một cách vừa nghiêm chỉnh vừa gây cười.         

            Trong thảo luận chủ đề trên mạng “ví thử Mao Trạch Đông hôm nay sống lại”, có người viết một cách khôi hài, Mao Trạch Đông bò khỏi quan tài thuỷ tinh, lúc mặt trời vừa lên, đi ra khỏi cửa chính nhà kỷ niệm Mao Chủ tịch, đứng trên bậc thềm nhìn quảng trường Thiên An Môn vừa quen thuộc vừa xa lạ. Lúc này một số khách du lịch phát hiện ra ngài  đã lập tức chạy đến nói:

         - Cổ Nguyệt, xin cho chúng tôi một chữ ký!          

            Cổ Nguyệt là một diễn viên nổi tiếng thường hay đóng vai Mao Trạch Đông trong phim.

            Khi mới học tiểu học, tôi tự hào nhận thấy Trung Quốc là nước vĩ đại nhất thế giới. Tôi có hai luận cứ, một là Trung Quốc chúng ta có lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch, bốn vị lãnh tụ nước ngoái Mác, Angghen, Lênin, Stalin đều đã qua đời. Nước ngoài không còn lãnh tụ vĩ đại; hai là Trung Quốc chúng ta dân số đông nhất, Mao Chủ tịch nói người đông sức mạnh lớn.           

            Nhưng sau khi lý luận thế giới thứ ba của Mao Chủ tịch đăng trên báo và ngày ngày phát trên đài, tôi đã thầm đau lòng, không ngờ đế quốc Mỹ và Liên Xô xét lại là thế giới thứ nhất, Nhật Bản và các nước châu Âu là thế giới thứ hai, còn Trung Quốc vĩ đại chúng ta lại cùng các nước nhỏ của châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh chen vào thế giới thứ ba.      

            Tuổi thơ vô tri như tôi, làm sao có thể hiểu được, ao ước của Mao Ttạch Đông? Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, Mao Trạch Đông không vì thế mà dậm chân tại chỗ, ngài không thoả mãn với chỉ làm lãnh tụ của nhân dân Trung Quốc, ngài muốn trở thành lãnh tụ của tất cả những người bị áp bức bóc lột trên thế giới. Ngài nói hết sức hùng hồn rằng: “Ở đâu có bóc lột, ở đó có mâu thuẫn; ở đâu có áp bức ở đó có phản kháng”, ngài bắt đầu suy nghĩ về cách mạng thế giới, ngài phải giải phóng những người vô sản toàn thế giới và trả giá cho hành động, bắt đầu xuất khẩu cách mạng. Rất nhiều năm đã trôi qua, công tội đúng sai của Mao Trạch Đông đối với Trung Quốc tạm thời không bàn, nhưng có một sự thật càng ngày càng rõ nét, đó là tư tưởng Mao Trạch Đông không phải vì cuộc sống của ngài chấm dứt mà mất đi, ảnh hưởng đối với thế giới trái lại càng ngày càng tăng.Tôi phát hiện đối với rất nhiều người của rất nhiều nơi trên thế giới, Mao Trạch Đông đã từng làm gì ở Trung Quốc đã không còn quan trọng nữa, điều quan trọng là tư tưởng của ngài bền vững mới mẻ, hơn nữa còn như những hạt giống sẽ “mọc rễ ra hoa kết quả”  khắp mọi nơi trên thế giới.

            Ngày 1 tháng 5 năm 2009, nhân dân nước Áo đã  tổ chức diễu hành lớn ở Viên, họ dơ cao ảnh chân dung lớn của Mác, Angghen, Lênin, Stalin và Mao Trạch Đông, cảnh tượng tương tự cũng không ngừng xuất hiện tại các thành phố khác của châu Âu. Điều này liệu có phải ám chỉ một hiện thực sau đây: “Mao Trạch Đông sống lại” vừa là tâm thái xã hội bản thổ hoá Trung Quốc, vừa là tâm thái xã hội toàn cầu hoá, nếu đúng thế thì có ý nghĩa gì? Tôi nghĩ câu trả lời đơn giản nhất là: Thế giới nhiễm bệnh cần phải cách mạng, giống như cơ thể con người bị ốm cần phải điều trị.         

            Tháng 11 năm 2008, một đoàn người chúng tôi tổ chức thành phái đoàn những phần tử trí thức dân gian sang thăm Nêpan. Lúc ấy Đảng cộng sản Nêpan (chủ nghĩa Mao Trạch Đông) đã giành được thắng lợi trong cuộc tuyển cử ở nghị viện, nhà lãnh đạo đảng cộng sản Nêpan (Mao) Prahanda trở thành thủ tướng của chính phủ khoá mới, nhưng giữa lúc tôi viết bài văn này, Prachanda vừa tuyên bố từ chức thủ tướng Nêpan. Trước mặt tôi lại xuất hiện cảnh tượng Prachanda ngồi trong phòng khách thủ tướng phủ. Ông ngồi nghiêng nói với chúng tôi bằng chất giọng kiên định: Đời sống và công tác của một vạn chín ngàn cán bộ chiến sĩ quân giải phóng Nêpan từ nay trở đi phải được giải quyết công bằng chính trực.

            Có lẽ chính là vấn đề khó khăn, liệu có nên sáp nhập quân giải phóng Nêpan và quân đội chính phủ hay không, đã khiến vị lãnh đạo quật cường này dời khỏi ngôi báu thủ tướng. 

            Trong thời gian ở Nêpan, chúng tôi đã đến thăm nơi đóng quân của quân giải phóng đảng cộng sản Nêpan (Mao), sau khi đi qua nơi đóng quân của bộ đội duy trì hoà bình Liên hợp quốc, chúng tôi đã đễn nơi đóng quân của quân giải phóng. Nơi đóng quân của quân giải phóng đảng cộng sản Nêpan (Mao) tuy cơ cấu sơ sài, lại không có súng ống đạn dược, nhưng đội quân không có vũ khí đang đợi tiền đồ vẫn có kỷ luật nghiêm minh. Khi chúng tôi đi vào nơi đóng quân cảnh tượng sức sống bừng bừng lập tức ập tới.          

            Khi chúng tôi vào nhà ở, cảnh tượng lớp tiểu học thời nhỏ của tôi lại hiện ra. Trên tường treo ảnh chân dung Mác, Angghen, Lênin, Stalin và Mao Trạch Đông, đương nhiên còn có ảnh chân dung của Prachanda, giống như thời cách mạng văn hoá, giống như ảnh chân dung của Mác, Angghen, Lênin, Stalin nhập gia tuỳ tục ở Trung Quốc, ảnh chân dung của Mao Trạch Đông cùng treo một phòng: Ảnh chân dung của Mác, Ang ghen, Lênin Stalin, Mao Trạch Đông, cũng nhập gia tuỳ tục ở nơi đóng quân của đảng cộng sản Nêpan (Mao), cùng mỉm cười với ảnh chân dung của Prachanda. Khi năm ảnh chân dung biến thành sáu cái, hình như nói với chúng tôi: Tại sao cách mạng sẽ sống mãi. 

            Buổi tối, chúng tôi liên hoan với sĩ quan quân giải phóng đảng cộng sản Nêpan (Mao), sau khi uống rượu, toàn thể chúng tôi đứng dạy cất cao tiếng hát khúc ca “Trường chinh” cải biên từ lời thơ của Mao Trạch Đông thời kỳ cách mạng văn hoá. Chúng tôi hát bằng tiếng Trung, quân giải phóng Nêpan (Mao) hát bằng tiếng Nêpan, mặc dù tâm thái của người hát không hoàn toàn giống nhau, nhưng khi hai ngôn ngữ hát ra, giống như chỉ có một ngôn ngữ.   

            Khi cách mạng văn hoá, không chỉ thơ từ của Mao Trạch Đông, ngay đến những lời nói của Mao Trạch Đông cũng đều được phổ thành ca khúc. Người lớn hát, trẻ nhỏ cũng hát, người có học vấn hát, kẻ mù chữ cũng hát. Từ tường gạch đến tường đất, từ trong đến ngoài nhà, đâu đâu cũng dán kín thơ từ và lời nói của Mao Trạch Đông, lại còn có tượng Mao Trạch Đông sắc vàng óng ánh  như mặt trời hồng. Trên bát chúng ta ăn có in lời nói của Mao Trạch Đông: “Cách mạng không phải mời khách ăn cơm”. Trên cốc ta uống nước có in lời thơ của Mao Trạch Đông “vừa mới uống nước Trường Sa, lại đã ăn cá Vũ Xương”. Thơ từ và li nói của Mao Trạch Đông khiến chúng ta luôn luôn xúc cảnh sinh tình trong đời sống hàng ngày. Khi chúng ta ngủ, trên khăn trải gối in dòng chữ “Chớ quên đấu tranh giai cấp”, trên drap trải giường có in dòng chữ “Dũng cảm tiến lên trong sóng to gió lớn”.       

            Trên tường nhà vệ sinh in ảnh Mao Trạch Đông, trên chiếc ca nhổ đờm, in lời Mao Trạch Đông. Hôm nay nhìn lại cảm thấy hai chỗ này không nên xuất hiện Mao Trạch Đông, nhưng lúc bấy giờ lại không có ai chỉ ra điểm này. Thời ấy ai ai cũng nói “Mao Chủ tịch ở ngay bên chúng ta”.           

            Tôi đã từng tin tưởng Mao Trạch Đông luôn luôn ở bên mình. Tôi làm việc tốt, ngài sẽ vui mừng. Tôi làm việc sai, ngài sẽ thất vọng. Thời thơ ấu khi tôi hạnh phúc nhất là đêm ngủ mơ gặp Mao Trạch Đông. Tôi tổng cộng mơ gặp ngài ba lần. Có một lần ngài đến bên tôi, âu yếm xoa đầu nói với tôi mấy câu. Vì thế tôi vô cùng xúc động, hớn hở đi khoe với các bạn, tôi bảo mình mơ gặp Mao Chủ tịch. Mao Chủ tịch còn xoa đầu và nói chuỵên với mình, tôi rất đau lòng vì không có bạn nào tin tôi mơ gặp Mao Chủ tịch. Bọn chúng bảo tôi bốc khoác. Bọn chúng nói:

         - Làm thế nào mày có thể mơ gặp Mao Chủ tịch? Làm sao Mao Chủ tịch có thể đến trong mơ nói chuyện với mày?

            Bây giờ hồi tưởng lại, các bạn tôi nói không sai. “Mao Chủ tich ở bên cạnh chúng ta” chỉ là một siêu hiện thực của đại cách mạng văn hoá. Tượng Mao Trạch Đông sắc vàng óng ánh và lời Mao Chủ tịch bằng chữ vàng màu đỏ đã tạo nên một siêu hiện thực bằng phương thức không ở đâu là không có. Mao Trạch Đông trong hiện thực chân chính đối với chúng tôi xa vời và hư ảo biết chừng nào, chỉ tồn tại trong tưởng tượng nào đó. Khoảng cách thật sự giữa Mao Trạch Đông và tôi giống như các bạn nói khi tôi còn bé, cho dù có nằm mơ cũng không gặp.        

            Thời kỳ cách mạng văn hoá, trên thị trấn nhỏ của chúng tôi  có một người đã từng đến Bắc Kinh một lần. Sau khi trở về người ấy nói được bắt tay Mao Chủ tịch. Nước mắt rưng rưng, người ấy nói với quần chúng thị trấn nhỏ chúng tôi: Mao Chủ tịch thân mật nắm chặt tay tôi, thân mật hỏi tên tôi là gì? Thời gian dài tới hơn bốn giây, sau đó tay người khác đã giằng lấy bàn tay Mao Chủ tịch. Ông ấy vô cùng đáng tiếc nói:

          - Kém một tí ti nữa là năm giây.  

            Lẽ đương nhiên ông ấy đã trở thành anh hùng của thị trấn chúng tôi. Tôi thường trông thấy ông đeo một ba lô sách quân dụng màu cỏ úa đi hiên ngang trên phố. Tay phải ông vì đã từng tiếp xúc với tay phải của Mao Trạch Đông, nên cả một năm không rửa, nhìn vào hình như to hơn tay trái ông, vừa đen vừa bẩn như tay gấu. Những người quen ông trên thị trấn nhỏ chúng tôi đều đi nắm tay gấu của ông, sau đó hớn hở nói với nhau:

         - Tôi đã nắm bàn tay Mao Chủ tịch đã từng bắt.    

            Sau khi tôi lớn khôn, có lúc cùng với anh em bè bạn đến từ các địa phương khác nhau của Trung Quốc ôn lại chặng đường trải qua trong cách mạng văn hoá, thường hay nhắc lại chuyện xưa, sau đó biết nơi các bạn đã từng sống cũng có người như vậy. Có những địa phương không chỉ có một người, tôi bắt đầu hoài nghi vị anh hùng của thị trấn nhỏ chúng tôi ngày xưa có thể là bốc khoác. Bàn tay của Mao Trạch Đông dễ bắt như thế sao? Tôi nghĩ bụng có thể ông ấy chen trong đám đông đen ngòm trên quảng trường Thiên An Môn, đã từng đựơc Mao Trạch Đông kiểm duyệt, đó là sự kiểm duyệt đứng từ xa nhìn thấy Mao Trạch Đông vẫy tay trên thành lầu Thiên An Môn. Ông ấy thấp thoáng nhìn thấy bàn tay Mao Trạch Đông, sau đó đã hư cấu mình bắt tay Mao Trạch Đông. Sau khi tất cả mọi người trên thị trấn nhỏ chúng tôi đều đã tin ắng ặng, bản thân ông ấy cũng tưởng  thật…

            Thời ấy ảnh chân dung nửa người Mao Trạch Đông vàng chói lọi như mặt trời thường ở trên thành lầu Thiên An Môn, hơn nữa ảnh nửa người của Mao Trạch Đông có kích thước to hơn hẳn thành lầu Thiên An Môn. Tôi hầu như ngày nào cũng nhìn thấy ảnh ngài oai phong lẫm liệt, trên tường của thị trấn nhỏ chúng tôi, ch nào cũng có thể nhìn thấy, gần như ngày nào chúng tôi cũng hát bài ca như sau: “Chúng tôi yêu Thiên An Môn Bắc Kinh. Trên Thiên An Môn mặt trời lên, lãnh tụ vĩ đại Mao chủ tịch dẫn dắt chúng tôi tiến lên”.

            Tôi đã từng có một tấm ảnh. Tôi trong ảnh độ 15 tuổi, đứng ở giữa quảng trường. Phông cảnh là thành lầu thiên An Môn, còn tấm ảnh lớn Mao Chủ tịch cũng có thể thấp thoáng nhìn thấy. Tấm ảnh này không phải tôi chụp ở quảng trường Thiên An Môn Bắc Kinh, mà chụp trong hiệu chụp ảnh của thị trấn nhỏ chúng tôi ngoài ngàn dặm. Chỗ tôi đứng chụp ảnh lúc đó không quá 15 mét vuông, Quảng trường Thiên An Môn thực ra là bức tranh vẽ trên tường. Nhưng nhìn từ tấm ảnh, hình như tôi đứng trên quảng trường Thiên An Môn thật. Điều duy nhất nói lên cảnh giả trên quảng trường là đằng sau tôi không hề có bóng người.       

            Tấm ảnh này đã cô đọng toàn bộ mộng tưởng thời thơ ấu và niên thiếu của tôi, hay nói một cách khác cũng là mộng tưởng của rất nhiều trẻ em Trung Quốc sống ở ngoài Bắc Kinh. Trong các hiệu chụp ảnh của gần hết các thành phố và thị trấn nhỏ Trung Quốc thời kỳ đó đều có một bức tranh vẽ quảng trường Thiên An Môn để thoả mãn nguyện vọng ăn bánh vẽ chống đói của mọi người. Bởi vì đối với rất nhiều người sống ở ngoài Bắc Kinh, thành lầu Thiên An Môn hình như là nhà của Mao Trạch Đông. Đứng ở trước cửa nhà mô hình Mao Trạch Đông, tôi đã chụp một tấm ảnh. Đáng tiếc tấm ảnh này về sau đã bị mất.     

            Tôi mơ ước đến với thành lầu Thiên An Môn, kỳ thực là sự kéo dài nỗi ao ước đối với Mao Trạch Đông. Thời gian cách mạng văn hoá, Quốc khánh năm nào cũng có một bộ phim tài liệu về Mao Trạch Đông, về Thiên An Môn, khi phim tài liệu năm đó phát hành và chiếu ở thị trấn nhỏ của chúng tôi, thường đã sang mùa đông. Tôi mặc chiếc áo bông rộng thùng thình, đội gió bấc đêm tối đến rạp chiếu bóng, sau đó ngồi ở trong rạp không có lò sưởi nhìn quảng trường Thiên An Môn dưới trời thu trên màn ảnh, Mao Trạch Đông đứng trên thành lầu vẫy tay chào quần chúng trong đội ngũ diễu hành mừng Quốc khánh.    

            Ấn tượng sâu nhất trong tôi vẫn là sau khi màn đêm buông xuống, Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo ngồi trên thành lầu Thiên An Môn, trên bàn bày trái cây và bánh gatô khiến tôi thèm đến nhỏ dãi. Trên bầu trời quảng trường pháo hoa cháy sáng rực. Đây là cảnh tượng tôi mê mẩn nhất thời thiếu niên. Thời đó chúng tôi đón Tết đón lễ nhiều nhất là đốt mấy tràng pháo tép, pháo hoa nhiều như vậy, nổ thời gian dài trên bầu trời, tuy trên màn ảnh nhưng cũng đủ để chúng tôi há mồm trợn mắt.

            Trong phim tài liệu có liên quan đến lễ mừng quốc khánh sau này, bên cạnh Mao Trạch Đông xuất hiện Xihanúc, một ông vua nước Cămpuchia bị phế truất, còn có cả thủ tướng của ông ta là hoàng thân Pennút. Xihanúc tươi cười hớn hở, hoàng thân Pennut nghiêng đầu, luôn luôn gật đầu giống như một chiếc đồng hồ quả lắc, lúc đó tôi đã bước sang tuổi thiếu niên hay suy nghĩ miên man. Hai vị phu nhân trẻ đẹp của Xihanúc và Pennut đã hấp dẫn tôi. Trong phim tài liệu quốc khánh sau này, mỗi lần họ xuất hiện đều khiến tôi cảm thấy đã tìm được chủ đề của phim tài liệu, còn diễu hành ban ngày và bắn pháo hoa ban đêm đã không còn quan trọng đối với tôi. Xihanuc và Pennut đã trở thành hai người đàn ông tôi hâm mộ nhất trên thế giới này, đặc biệt là hoàng thân Pennut. Tôi nghĩ ông ta đã già khú đế lắm rồi, ngay đến cái đầu cũng không ngẩng thẳng lên được, nhưng vợ ông ta thì lại như hoa như ngọc.       

            Ký ức lâu dài nhất về Mao Trạch Đông phải nói là đến từ trần nhà gia đình tôi. Bố tôi năm nào cũng thay một lần giấy báo cũ dán trên trần nhà, vừa là để bụi khỏi rơi xuống, vừa là để có trần nhà đẹp. Nhà chúng tôi ở hồi đó có thể nhìn thấy ngay ngói lợp, cho nên bố tôi đã dán một lớp báo cũ lên trần nhà để ngăn cách không nhìn thấy ngói bên trên. Tuổi thơ và tuổi thiếu nhi của tôi đều sống dưới lớp báo cũ. Chỉ cần tôi nằm trên giường, là có thể nhìn thấy moị cái tít trên báo cũ. Các bài đăng trên báo cũ, bởi ở cao, nên không nhìn rõ. Hầu như năm nào báo chí tập san chào mừng ngày lễ quốc khánh đều đăng ở trang nhất bức hình rõ to của Mao Trạch Đông trên thành lầu Thiên An Môn. Khi Mao Trạch Đông xuất hiện sớm nhất trên trần nhà nhà tôi, thì người đứng bên cạnh là Lưu Thiếu Kỳ, sau đó không lâu Lưu Thiếu Kỳ biến mất, Lâm Bưu đứng bên cạnh Mao Trạch Đông, vẫn không bao lâu sau, Lâm Bưu cũng mất hút, sau đó một nhân vật chính trị mới nổi lên mang tên là Vương Hồng Văn xuất hiện bên Mao Trạch Đông. Người đứng bên Mao Trạch Đông luôn luôn thay đổi, còn lễ quốc khánh hàng năm bức ảnh chiếm cả trang một của tờ báo chính là người duy nhất không thay đổi - Mao Trạch Đông. Cùng với sự thay đổi báo cũ trên trần nhà, hình tượng Mao Trạch Đông tôi nhìn thấy đã dần dần già yếu. Về sau này do trang nhất của báo mừng quốc khánh không đăng ảnh Mao Trạch Đông chụp tại chỗ, mà sửa bằng dùng ảnh Mao Trạch Đông thống nhất treo khắp cả nước thời đó, nên nét mặt già yếu  của Mao Trạch Đông trên trần nhà tôi mới không còn nữa.    

            Sáng sớm một ngày tháng 9 năm 1976, lúc đó tôi là học sinh lớp 11 phổ thông trung học, như thường lệ toàn thể chúng tôi đứng dậy trước khi lên lớp, nhìn chân dung tiêu chuẩn Mao Trạch Đông phía trên bảng đen đồng thanh hô to:

          - Lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch vạn thọ vô cương!  

            Sau đó ngồi xuống đọc một đoạn có liên quan đến Mao Trạch Đông trong bài ngữ văn. Tất cả mọi bài văn lúc đó khi miêu tả hình tượng Mao Trạch Đông, nhất loạt chỉ có tám chữ, da dẻ hồng hào, vẻ mặt tươi tỉnh. 

            Tám chữ này bắt đầu từ bài khoá lớp một tiểu học tiếp tục kéo dài cho đến bài khoá lớp 11 phổ thông trung học luôn luôn không thay đổi. Giữa lúc chúng tôi vừa đọc xong Mao Trạch Đông da dẻ hồng hào nét mặt tươi tỉnh, thì chiếc loa tần số cao của nhà trường vang lên cắt đứt tiếng đọc của chúng tôi, thông báo toàn thể giáo viên và học sinh nhà trường tức tốc đến lễ đường tập họp, đúng 9 giờ sẽ có buổi phát thanh quan trọng.     

            Chúng tôi mang theo ghế của mình đi lên lễ đường của nhà trường, hơn một ngàn thầy giáo và học sinh đều ngồi trong lễ đường chờ đợi khoảng ba mươi phút, đến 9 giờ loa phát thanh vang lên bản nhạc tang. Tôi lập tức có cảm giác không lành. Trước đó Chu Ân Lai đã qua đời, Chu Đức cũng ra đi. Năm nay chúng tôi thường xuyên nghe thấy tiếng nhạc tang phát trên đài.        

            Sau khi nhạc tang dài dằng dặc kết thúc, giọng phát thanh viên trầm buồn chầm chậm vang lên: “Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Uỷ ban quân sự trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Quốc vụ viện nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, Hội nghị hiệp thương chính trị toàn quốc…”    

            Tôi chờ lâu lắm mới nghe thấy lời cáo phó của năm cơ cấu quyền lực cao nhất liên hợp phát ra. Giọng phát thanh viên tiếp tục trầm buồn chầm chậm vang lên: “Lãnh tụ vĩ đại, người thầy vĩ đại, thống soái vĩ đại, tay lái vĩ đại…”, tôi lại chờ rất lâu mới nghe thấy: Chủ tịch Mao Trạch Đông vì bị bệnh không may đã qua đời. Giọng trầm buồn của phát thanh viên vẫn chưa nói đến “hưởng thọ 83 tuổi” thì trong lễ đường của nhà trường chúng tôi đã ầm ầm tiếng khóc.      

            Lãnh tụ của chúng ta đã qua đời. Nước mắt tôi cũng ứa lưng tròng. Tôi khóc trong tiếng khóc của hơn một ngàn người. Tôi đã nghe thấy tiếng khóc hờ trời gọi đất, nghe thấy tiếng khóc nức nở dồn dập, nghe thấy tiếng khóc lẫn tiếng ho như tắc nghẹn sắp chết,…Tư duy của tôi bắt đầu lạc điệu. Nỗi bi thương không còn thao túng được tôi. Tiếng khóc ly kỳ bắt đầu dẫn dắt tôi. Khi mấy người khóc, tôi cảm thấy chắc chắn là bi thương, nhưng khi hơn một ngàn người cùng khóc một lúc trong một gian nhà lớn, tôi lại cảm thấy buồn cười. Xưa nay tôi chưa bao giờ từng nghe thấy những âm thanh phong phú nhiều sắc thái như vậy. Tôi thầm nghĩ cho dù mọi chủng loại động vật trên  toàn thế giới cử đại diện của nó tập hợp vào trong lễ đường của trường phổ thông trung học chúng tôi cùng đua tiếng, cũng có thể không ly kỳ cổ quái bằng tiếng khóc của hơn một ngàn con người này.        

            Ý nghĩ không hợp thời này suýt nữa đã làm tôi mất mạng. Nhịn không nổi, tôi đã ngấm ngầm cười, rồi lại vội vàng cố nín cơn buồn cười đang ập đến. Lúc ấy, nếu có người phát hiện ra tôi cười, tôi sẽ lập tức bị quy là phần tử phản cách mạng, cuộc đời tôi từ đấy coi như đi toi. Tôi cố hết sức nhịn cười, nhưng cơn buồn cười nhanh chóng phát triển trong tôi, nó lập tức dồn lên cuồn cuộn. Tôi biết mình sắp sửa không nín nhịn nổi tiếng cười, tôi sợ đến khủng khiếp. Tôi bắt chéo hai cánh tay đặt lên sau lưng ghế của một học sinh trước mặt, vùi đầu thật sâu trong hai cánh tay mình. Trong tiếng khóc của hơn một ngàn người, tôi cười trong nơm nớp sợ hãi. Tôi càng muốn chặn đứng cơn buồn cười của mình, lại càng cười không ngớt.           

            Mấy bạn học khóc ra cả nước mắt lẫn nước mũi ngồi sau lưng tôi, trong nước mắt mờ nhoà, họ đã nhìn thấy tôi ôm chặt lưng ghế bạn học trước mặt, trông thấy hai vai tôi cứ rung lên từng chặp do tôi không nhịn nổi cơn cười. Mấy bạn học này đã hiểu lầm, cho rằng tôi có tình cảm rất sâu nặng đối với Mao Trạch Đông. Sau đó bọn chúng bảo tôi:

       - Dư Hoa khóc thương tâm nhất, hai vai cứ rung lên bần bật!

                                                  

Ngày 10 tháng 6 năm 2009.

(còn tiếp)

Nguồn: Trung Quốc trong 10 từ vựng. Tản văn của Dư Hoa. Vũ Công Hoan dịch.

Nhà văn Vũ Công Hoan gửi www.trieuxuan.info 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét