Dư Hoa
10. Nói xạo
“Hu you” là phát âm Latinh tiếng Trung, âm Hán Việt là “Hốt du”, ý tứ ban đầu là lướt nhẹ nhàng, hoặc lay động bất định, chập chà chập chờn, ví dụ chiếc thuyền trên biển dập dà dập dềnh, hay chiếc lá cứ chao đi chao lại, rung ra rung rinh, khe khẽ lắc trong gió. Về sau nó trở thành tục ngữ thịnh hành ở vùng đông bắc Trung Quốc. Trở thành tục ngữ, “hốt du” phát âm giống như “hồ dụ”, có nghĩa là dẫn dụ lung tung, y như bệnh lây lan, luôn xuất hiện siêu vi trùng biến dị. Trong đời sống về sau này của từ vựng “hốt du” đã biến đổi thành hàm nghĩa khiến ta chóng mặt hoa mắt. Nói bốc nói khoác và lấy lòng mọi người gọi là “hốt du”, khéo gài hầm chông cạm bẫy và đánh lừa người ta cũng gọi là “hốt du”. Ý cái trước là bốc khoác, cổ động và dung túng, ý cái sau là nói bậy nói láo, đồn nhảm, lừa gạt, lại còn có ý là vui tếu dí dỏm, đùa cợt trêu ghẹo, dựng chuyện, ăn không nói có, đầu cơ trục lợi. Tóm lại sau khi “hốt du” trở hành tục ngữ có thể gọi chung là “tán dóc”(1). (Nhà văn Triệu Xuân: Theo ý tứ trong bài thì nên dịch là nói dóc; người Nam gọi là nói xạo, ba xạo).
Ở Trung Quốc hiện nay, “tán dóc” đã là từ vựng mới, quí trong tiếng Hán, địa vị giang hồ của nó có thể so sánh với “sơn trại”. Hai từ này đều là những “hộ phất lên trông thấy” trong từ vựng, nhưng lịch sử phát tích của chúng có khác nhau. Hiện tượng “sơn trại” xuất hiện như măng mọc sau trận mưa xuân bằng phương thức chủ nghĩa tập thể. Sự thịnh hành của “tán dóc” bắt nguồn từ chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Vị anh hùng này là Triệu Bản Sơn đến từ vùng đông bắc, một nghệ sĩ hài, một ngôi sao gây cười có ảnh hưởng nhất Trung Quốc. Trong tiểu phẩm “Đánh lừa”- kịch vui nhộn nổi tiếng của mình, Triệu Bản Sơn đã long trọng tung ra từ “tán dóc”. Ông gọi nó là: tôi có thể tán dóc, biến thẳng thành xiên, biến héo rũ thành tươi vui, biến đanh đá, the thé thành ngập ngừng lúng túng, biến hai vợ chồng trẻ đang sống rất hòa hợp thành chia lìa. Hôm nay tôi “tán dóc”, hai chân bạn đang nguyên vẹn hẳn hoi có thể biến thành què thọt!
Câu chuyện “tán dóc” chính là thông qua lớp lớp “tán dóc”, hay nói cách khác là bày ra liên tiếp hết hầm chông này đến cạm bẫy khác về tâm lý, để phát huy một cách tinh tế sâu sắc những cú đánh lừa, cổ vũ, dung túng và xỏ xiên nói xằng nói bậy, khiến một người hai chân đang lành lặn hẳn hoi cảm thấy mình què quặt, từ đó mà bỏ tiền mua một cái gậy chắc bền.
Những tiểu phẩm kịch vui tinh tế sâu sắc khiến người xem cứ ôm bụng mà cười, mấy năm trước, sau khi phát trong đêm xuân ba mươi Tết có tần số nghe nhìn cao nhất trên CCTV, từ “tán dóc” đã lập tức loang ra cả nước. Một hòn đá ném xuống tung lên muôn lớp sóng, khiến các hiện tượng bốc khoác, cổ vũ, dung túng, nói láo, đồn nhảm, bịp bợm, trêu chọc, nhạo báng, vui đùa tồn tại lâu nay đã ào ào trỗi dậy trong biển nghĩa từ ‘tán dóc”. Đồng thời những tâm tư tâm trạng không nghiêm chỉnh, bôi bác và xỏ xiên, thiên thối, lèo lá, gây cười trong xã hội cũng mở cờ gióng trống trong “tán dóc”. Từ vốn mang nghĩa xấu sau khi đi vào cửa “tán dóc” đã lần lượt được thân phận của từ trung tính.
Triệu Bản Sơ đã làm cho già trẻ gái trai Trung Quốc há mồm, ngậm mồm đều là “tán dóc”. “Tán dóc” hình như nước bọt ở trong miệng mọi người, lại giống như nước bọt từ trong miệng bắn ra. Chính trị, lịch sử, kinh tế, xã hội văn hóa, ký ức, tình cảm, ham muốn... tất tần tật đều có thể nhẩy “tăng gô”, lướt nhẹ nhàng trong “tán dóc”. “Tán dóc” đã trở thành chìa khóa vạn năng, một khi đi vào kho từ, có thể mở toang hết cửa này đến cửa khác của nghĩa từ hữu quan với nó.
Đương nhiên, “tán dóc” không phải luôn tiêu cực, cũng có khi tích cực. Khi có người quay lại chuyện xưa, từ “tán dóc” có thể dùng để sửa lại chuyện đánh lừa nối dối nghĩa xấu trước đó. Mẹ tôi là một ví dụ như thế.
Thời kỳ sau thập niên 1950, để tiêu diệt hoàn toàn bệnh sốt rét, Mao Trạch Đông đã tổ chức các y tá hộ sĩ trong thành phố thành các đội điều trị, thời ấy gọi là đại đội phòng dịch đi về nông thôn nghèo khổ và thiếu thầy, thiếu thuốc, chữa bệnh sốt rét miễn phí cho bà con nông dân.
Bố tôi lúc bấy giờ sống ở Hàng Châu xinh đẹp. Ông công tác ở trạm phòng dịch tỉnh Triết Giang. Bố tôi cả đời chỉ đi học có sáu năm, ba năm trường tư thục, còn ba năm là giáo dục đại học chính quy. Chương trình học ở giữa là do ông tự học khi làm y tá trong quân đội Đảng cộng sản. Trong chiến tranh, ông thu được một quyển tự điển, trên đường hành quân, ông vừa đi, vừa ghi từ mới. Đơn vị của ông dọc đường đánh đến tỉnh Phúc Kiến miền nam Trung Quốc. Sau đó lại quay về Hàng Châu Triết Giang, chuyển ngành làm công tác tại bệnh viện địa phương, trở thành một nam y sĩ. Tại đấy ông quen một nữ y tá, chính là mẹ tôi. Mẹ tôi dạy ông học số học, vật lý và hóa học, sau đó nhờ nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, ông đã thi đậu đại học y khoa Triết Giang, học ba năm chương trình đại học. Sau khi tốt nghiệp ra trường, ông không muốn tiếp tục công tác ở trạm phòng dịch tỉnh. Nguyện vọng lớn nhất của ông là làm một bác sĩ ngoại khoa. Nhưng ông không có quyền chọn công tác mình thích. Lãnh đạo yêu cầu ông đi trạm phòng dịch, ông đành phải đi.
Trong bối cảnh như thế, bố tôi gia nhập đại đội phòng dịch, bước đi đầu tiên để trở thành bác sĩ ngoại khoa. Nguyện vọng mãnh liệt này khiến ông không tiếc bỏ cuộc sống ở Hàng Châu. Là đội trưởng đại đội phòng dịch, sau khi đến địa khu Gia Hưng, ông đi ra khỏi đại đội phòng dịch, vào bệnh viện Gia Hưng. Nhưng lãnh đạo Gia Hưng lại hi vọng ông đi nhận giáo vụ trưởng trường y tế địa khu Gia Hưng. Bố tôi từ chối, đã đến huyện Hải Diêm nơi nhỏ bé hơn. Hải Diêm vừa thành lập bệnh viện huyện, không có bác sĩ ngoại khoa, cuối cùng bố tôi được toại nguyện.
Trong bệnh viện Hải Diêm, bố tôi trổ hết tài hoa, ông đã mổ cắt tạng lá lách cho rất nhiều người mắc bệnh sốt rét; toàn là những phẫu thuật lớn trong bệnh viện lớn của thành phố lớn, đều do bác sĩ chủ nhiệm khoa ngoại về phần bụng thân chinh cầm dao mổ; mà cũng toát hết mồ hôi, lần đầu tiên phải mổ trong bảy, tám tiếng đồng hồ. Trong bệnh viện Hải Diêm bố tôi mỗi ngày cắt bỏ tạng lá lách của bốn năm người bệnh. Sau khi tay nghề thành thục, một cuộc phẫu thuật bỏ tạng lá lách cũng phải hết khoảng ba bốn tiếng đồng hồ.
Thời đó mẹ tôi nuôi tôi và anh trai vẫn sống ở Hàng Châu. Mẹ tôi công tác trong bệnh viện Triết Giang tốt đẹp, hơn nữa bà rất yêu mến Hàng Châu, yêu mến Tây Hồ xinh đẹp, bà không muốn dời Hàng Châu.
Bố tôi mỗi ngày sau khi cắt bỏ mấy tạng lá lách, ngồi trong văn phòng nho nhỏ bên ngoài phòng mổ viết thư cho mẹ tôi bằng giấy kê đơn thuốc. Trong thư ông mô tả Hải Diêm như thiên đường. Tôi không được đọc những thư đó, nhưng sau khi tôi đi khỏi Hải Diêm, trong thư bố gửi cho tôi, tôi thấy giọng văn bố viết hay lắm, có thể bằng lối viết hay đó, ông đã mô tả Hải Diêm vừa nhỏ bé con con, vừa nhếch nhác thời đó như mô tả cảnh đẹp Hàng Châu. Những lời đường mật ngọt ngào đến kiến cũng phải bò ra khỏi lỗ liên tiếp tới tấp của bố tôi, đã khiến mẹ tôi động lòng tưởng thật, cứ tưởng Hải Diêm là Hàng Châu thu gọn. Bà đã quyết định bỏ cuộc sống ở Hàng Châu, đem anh em tôi đến Hải Diêm. Đối với mẹ tôi, đây là sự lựa chọn dũng cảm. Chế độ hộ tịch khắt khe nghiêm ngặt của xã hội Trung Quốc, trong thời đại trước bắt một người chỉ được sống và công tác ở một nơi, chỉ khi nào chết mới được đi khỏi, giống như một cái đinh sắt bị vĩnh viễn đóng tại chỗ, cho đến khi han rỉ đứt, mới cho phép dời đi. Mẹ tôi đã bỏ hộ khẩu ở Hàng Châu, bỏ luôn cả hộ khẩu của hai anh em tôi ở Hàng Châu. Khi mẹ tôi dẫn hai con trai của bà ngồi ô tô đường dài đi đến Hải Diêm, là bước lên con đường không bao giờ quay trở lại.
Năm ấy tôi lên ba, tôi tin khi mẹ tôi dắt tay anh em tôi ra bến xe đường dài Hải Diêm, nỗi bâng khuâng mất mát trong trái tim mẹ rất khó miêu tả. Mẹ trông thấy Hải Diêm chân thực không hề liên quan đến Hải Diêm bố viết trong thư. Về sau mẹ tôi thường hay dùng một câu để khái quát cảm tưởng của bà lần đầu tiên đến Hải Diêm. Bà nói:
- Ngay một chiếc xe đạp cũng không thấy.
Có những lúc mẹ tôi kể lại những mảnh đời khi chúng tôi sống ở Hàng Châu, bao giờ bà cũng than vãn tâm trạng hoài niệm nhớ nhung, khi nói đến ngôi nhà chúng tôi ở và cảnh sắc xung quanh, nét mặt mẹ tôi bao giờ cũng tỏ vẻ sung sướng. Lúc này tôi chìm đắm trong tưởng tượng vô biên. Ở Hàng Châu chúng tôi từng có cuộc sống tốt đẹp ngắn ngủi đã bị ký ức tôi xóa sạch từ lâu, nhưng trong lời kể lại của mẹ tôi đã trở thành một phần tốt đẹp nhất trong tưởng tượng thời nhi đồng và thiếu niên của tôi.
Sau mỗi lần kể lại, mẹ tôi không ghìm được dơ tay chỉ vào bố tôi bảo:
- Chính anh đã đánh lừa mẹ con em đến Hải Diêm.
Bây giờ, sau khi mẹ tôi nhắc lại chuyện cũ, bà không còn nói đến chữ “đánh lừa”. Bà đã tìm được từ vựng chuẩn xác hơn, bà bảo:
- Ông đã “tán dóc” chúng tôi đến Hải Diêm.
Từ “tán dóc” là như thế, đã thâm nhập rất nhanh vào lòng người Trung Quốc. Giống như “sơn trại” khiến mô phỏng và ăn cắp bản quyền có hàm nghĩa hoàn toàn mới, “tán dóc” cũng khoác cho sự lừa bịp và phao tin đồn nhảm một chiếc áo ngoài hợp lý.
Năm ngoái, hơn mười ngày trước khi khai mạc thế vận hội Ôlimpích Bắc Kinh, một tờ báo địa phương tung ra một tin kinh khủng, mở mào bản tin nói: “Tháng 8, Bắc Kinh sẽ là nơi náo nhiệt nhất toàn thế giới, không những vận động viên tài hoa nhất của toàn thế giới tụ tập tại Bắc Kinh, nhiều phú hào toàn thế giới cũng coi việc đến Bắc Kinh xem thế vận hội Ôlempích Bắc Kinh là một thứ thời thượng và đã đặt mua một bộ vé, trong đó có người giầu nhất nước Mỹ Bin Ghết. Nhưng con người khổng lồ phần mềm đã đầu tư vài chục tỉ gia sản vào sự nghiệp từ thiện này, kỳ này sẽ không ở khách sạn Bắc Kinh. Ngài đã chọn cho mình một ngôi nhà cổ bốn mặt là nhà chính giữa là sân (tứ hợp viện) giữa bầu trời cách Khối nước (bể bơi quốc gia) chưa đầy 180 mét, đẩy cửa sổ ngôi nhà này nhìn xuống, Khối nước xanh biêng biếc như thủy tinh và sân vận động Tổ chim (sân thể dục quốc gia) hùng hồn lọt thỏm trong tầm mắt...”.
Ngài Bin Ghết giầu nhất thế giới đã chi một trăm triệu đồng nhân dân tệ thuê một ngôi nhà giữa không trung để xem thế vận hội Ôlimpích. Bản tin "tán dóc” nói: “Ngôi nhà kiểu cổ hai tầng, diện tích rộng khoảng 700 m2. Nhưng coi như bạn có tiền như Bin Ghết cũng không mua nổi. Ngôi nhà kiểu cổ ở đó, chỉ cho thuê không bán, ngài Bin Ghết cũng đành thuê mà thôi. Song tiền thuê một năm, cao đến một trăm triệu đồng. “Chúng tôi không cho thuê thời gian ngắn, thời gian thuê ít nhất là một năm, mà tiền thuê là 100 triệu đồng” – Tiểu thư Dị phòng tiêu thụ đã giải thích với phóng viên.
Phương thức đưa tin là phỏng vấn tiểu thư bán nhà của cụm nhà mới khai trương này. Tiểu thư bán nhà cười hớn hở sau khi giới thiệu với ngài Bin Ghết ra tay rộng rãi như thế nào, còn đưa tin nhiều hơn nhằm giới thiệu cụm nhà gác mới khai trương này oách và cao quí như thế nào. Bản tin miêu tả “Toàn bộ kiến trúc tượng trưng con rồng khổng lồ màu trắng ngẩng đầu bay liệng, khí thế oai hùng, vận khí sống động, hô ứng với long mạch”. Bản tin còn vẽ thêm một nét thần bí, nghe đâu. “được cao nhân chỉ bảo, kiến trúc này mới từ cụm lầu bình thường không có gì lạ đã tấn thăng thành cụm lầu tột đỉnh rất có ý nghĩa tượng trưng”.
Bản tin tiếp tục “tán dóc”: “Theo tin biết kỹ, hiện nay đã có nhiều phú hào đặt hàng. Ngài Bin Ghết đã trả tiền thuê, nhưng tôi không tiện tiết lộ họ tên người khác. Hiện đã có khách hàng đến ở”. Tiểu thư Dị vô cùng thận trọng còn vô tình tiết lộ những ngôi nhà cổ vẫn chưa thuê hết. “Ngôi nhà cổ vẫn còn bỏ trống, nếu muốn thuê dùng, hiện nay vẫn còn cơ hội”. Khi nhà báo hỏi cô liệu có thuê được ngôi nhà cổ bên cạnh nhà Bin Ghết, cô Dị trả lời: “có thể, nhưng nếu muốn thuê ngôi nhà cổ, phải Fax ngay tình hình của hãng hay công ty đến, sau khi được ngành hữu quan kiểm tra đối chiếu, mới được đến xem ngôi nhà, còn chuyện có được ở cạnh ngôi nhà của ngài Bin Ghết hay không, chỉ có thực hiện bước đầu tiên mới có thể bàn tiếp”.
Tin phát đi, một số cơ quan môi giới truyền thông dòng chính và phi dòng chính lập tức nhao nhao đăng lại. Theo tôi ít nhất phải có hơn một trăm triệu người biết cụm nhà kiểu cổ mới khai trương ở Bắc Kinh. Sau đó tin tức truyền đến nước Mỹ, Bin Ghết và quĩ Meilinda. Bin Ghết chính thức viết thư cho cơ quan môi giới truyền thông Trung Quốc tuyên bố đây là tin giả. Mấy hôm sau, chủ tịch hội đồng quản trị của hãng Trung Quốc phần mềm vi tính, ngài Trương Á Cần trong một cuộc họp báo đã ám thị, bản tin giả này là hành vi quảng cáo của thương nhân khai phá nhà đất lợi dụng thế vận hội Ôlimpích và Bin Ghết.
Dưới sự truy hỏi của mấy cơ quan môi giới truyền thông, thương nhân khai phá nhà đất tuyên bố không phải họ đưa tin này mà chính là cơ quan môi giới truyền thông bịa đặt ra, nhưng cơ quan môi giới phát tin này đầu tiên lại kiên trì nói đã phỏng vấn tiểu thư bán nhà mới có được tin này. Trong lúc Thương nhân khai phá nhà đất và cơ quan môi giới truyền thông kia còn đang đổ lỗi cho nhau, đã không có ai theo dõi tin đồn nhảm rút cuộc xuất xứ từ đâu. Mặc dù môi giới truyền thông vẫn tiếp tục đưa sự kiện “nói dóc” vang dội cả nước này, nhưng sau đó lại mê sang chuyện tính toán: Nếu ngài Bin Ghết bỏ ra một trăm triệu đồng nhân dân tệ thuê ngôi nhà cổ bốn mặt là nhà giữa có cái giếng, thì mỗi m2 phải thuê với giá cắt cổ năm mươi vạn đồng nhân dân tệ. Đây là một con số hoang đường, cho dù có mua ngôi nhà này, mỗi m2 năm vạn đồng nhân dân tệ cũng xứng đáng. Sau khi đưa ra kết quả tính toán, cơ quan môi giới truyền thông nhao nhao cảm thán, đã tiến cử đây là “sự kiện tán dóc”, bốc khoác tột đỉnh trong năm 2008”.
Trên môi giới truyền thông của Trung Quốc hiện nay, đâu đâu cũng đầy rẫy tin tức giả kiểu tương tự. Bởi vì rất hiếm người truy hỏi trách nhiệm pháp luật của tin giả. Phát những tin giả này thuộc về hành vi lừa bịp. Nhưng ở Trung Quốc, mọi người chỉ cho là “tán dóc” mà thôi. Trong sự kiện này, “tán dóc” vừa có hàm nghĩa đánh lừa, vừa có hàm nghĩa quảng cáo xào xáo, còn có cả ý tứ vui đùa, tóm lại không nên phải đối xử thận trọng.
Trái lại, từ sự kiện này tôi đã phát hiện tác dụng đòn bảy của “tán dóc”, lấy thế vận hội Ôlimpích Bắc Kinh và Bin Ghết làm đòn bảy chỉ trong một đêm đã “tán dóc” chào bán một cụm nhà gác không ai biết, thành cụm nhà gác mọi nhà trong cả nước ai ai cũng biết.
Trong các nhà kinh tế học, đòn bảy chỉ là chính sách tiền hàng, chỉ là khống chế rủi ro lợi ích hay tổn thất. Trên thị trường tư bản, đòn bảy chỉ là cuộc giao dịch chi mức tiền nhỏ có thể thu thành khoản tiền to. Nói theo lối nói của người Trung Quốc là “bốn lạng xẻo nửa tạ”. Nói theo Archimedes Hi lạp cổ là “Nếu cho tôi một điểm tựa tôi sẽ bẩy cả trái đất”.
Người Trung Quốc giỏi giang dùng đòn bảy vào “tán dóc” đời sống thường ngày. Ở Trung Quốc hiện nay, “tán dóc” không ở đâu là không có, tác dụng đòn bảy này cũng tự nhiên chỗ nào cũng có.
Giá như đầu nậu xuất bản và tác giả Trung Quốc, thích đem Hôliút của Mỹ làm đòn bảy để “tán dóc” môi giới truyền thông và bạn đọc. Một tiểu thuyết Trung văn vừa xuất bản, còn chưa dịch ra tiếng Anh xuất bản đã ‘tán dóc” rộng rãi trên môi giới truyền thông Trung Quốc: Hôliút của Mỹ muốn đầu tư ba trăm triệu đôla quay tác phẩm này thành phim. Trong lòng tôi chỉ thắc mắc, xưa nay chưa bao giờ nghe nói bộ phim nào của Hôliút đầu tư đến ba trăm triệu đô la, thì chiếc đòn bảy “tán dóc” đã bốc khoác lên đến tám trăm triệu đô la. Có hai cuốn tiểu thuyết dưới tác dụng của đòn bảy “tán dóc” đúng là đã trở thành sách bán chạy như tôm tươi. Hai cuốn tiểu thuyết này đều tuyên bố Hôliút cần đầu tư tám trăm triệu đô la quay thành phim, ngoài ra còn tuyên bố cuốn tiểu thuyết đầu tư ba trăm triệu đô la bị ế ẩm. Theo tôi có thể là không dùng tốt đòn bảy “tán dóc”, không làm được “bốn lạng xẻo nửa tạ”, bốn lạng chỉ xẻo hai mươi kg. Đã “tán dóc” thì càng nhiều càng tốt. Người Trung Quốc nói nói phét không phải nộp thuế. Vậy thì đã không phải đánh thuế thì tại sao không bốc tướng lên, không “thổi” lên cao nhất?
Năm 1958 đã thịnh hành một câu nói khi đại nhảy vọt, có thể đánh giá là đã bóc trần bản chất của “tán dóc”. Đó là câu nói:
- Người có cả gan bao nhiêu, thì đất có sản lượng lớn bấy nhiêu.
Thế nào là đòn bảy cuả “tán dóc”? Theo tôi, với người Trung Quốc đây là một tục ngữ:
- Bội thực mà chết là người cả gan, đói chết là kẻ nhát gan.
Lại xin kể một câu chuyện lấy CCTV làm đòn bảy, “tán dóc” bản thân thành phú hào.
Đây là lịch sử phát tích của một doanh nghiệp tư nhân. Sự việc xảy ra hai mươi năm về trước. Trung Quốc thời đó chưa đi vào thời đại mạng internet, nhưng đã là một nhà nước tràn ngập quảng cáo. Quảng cáo trên truyền hình và trên báo chí đã phong phú đa dạng. Quảng cáo có thể nói, nhiều phương diện, nhiều lớp lang, nhiều công dụng, đa cực hóa, quảng cáo nhập khẩu, quảng cáo sản phẩm trong nước, quảng cáo cao thượng thanh nhã, quảng cáo thấp hèn bỉ ổi, quảng cáo bạo lực, quảng cáo gái gú, nghĩa là cần gì có nấy. Đèn nêông đêm thành phố, biển quảng cáo hai bên đường cao tốc là những quảng cáo của doanh nghiệp chính qui, đồng thời những doanh nghiệp ngầm (bí mật) thì quảng cáo viết trên giấy nhỏ dán kín cột điện và các bậc lên xuống cầu nổi giành cho người đi bộ.Tôi có cảm giác quảng cáo kín trời rợp đất, mức độ hoành tráng của nó báo chữ to thời kỳ đại cách mạng văn hóa còn thua xa.
Thời đoạn quảng cáo quí hóa nhất lúc đó là năm giây trước “bản tin tổng hợp” bảy giờ tối hàng ngày trên CCTV. Bằng phương thức cạnh tranh bán đấu giá, CCTV vừa bắt đầu bán ra năm giây này, thuộc giai đoạn thử và mò mẫm đầu tiên. Đối với các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh giá không làm bất cứ điều tra tư chất nào, dù là kẻ ăn mày, sau khi khoác lên bộ com lê cũng có thể đi vào giơ tay báo giá với nụ cười của nhà triệu phú. Một doanh nghiệp nào đó, một khi đã trúng thầu với giá cao nhất, lập tức bị cơ quan môi giới truyền thông to to nhỏ nhỏ cả nước gọi là “vua đấu thầu”. Hiệu ứng quảng cáo của “vua đấu thầu” vượt năm giây trước “bản tin thời sự tổng hợp”.
Theo tôi biết, nhà doanh nghiệp tư nhân lúc đó có lẽ chỉ có vốn mấy vạn nhân dân tệ, ông ta cảm thấy cứ cái kiểu buôn bán vụn vặt nhỏ lẻ như thế, mình sẽ chết mệt, nhiều lắm cũng chỉ là phú ông một triệu. Ông ta nhanh nhạy phát hiện “vua trúng thầu” năm giây của CCTV là một dịp làm ăn hiếm gặp, cả gan ngông cuồng giống như những doanh nghiệp tư nhân thảo dân Trung Quốc khác, ông ta chỉ suy nghĩ một sản phầm nào đó trong đầu, liền một mình tìm đến Bắc Kinh.
Ông ta lẳng lặng đi vào hội trường bán đấu giá “vua trúng thầu” năm giây quảng cáo của CCTV, đặt mình vào giữa doanh nghiệp nhà nước lắm tiền nói to và doanh nghiệp tư nhân thân giá tỉ phú, hết sức khiêm nhường ông ta ngồi vào hàng ghế sau cùng. Sau khi bán đấu giá cạnh tranh bắt đầu, ông ta cúi đầu nheo mắt giống như ngủ gật, chỉ cần sau khi nghe thấy còn có doanh nghiệp đang tranh giá, ông ta liền dơ tay phải, báo giá cao hơn. Cạnh tranh giá càng ngày càng cao, các doanh nghiệp khác dần dần bỏ cuộc, ông ta vẫn ngồi tại chỗ luôn luôn dơ tay phải, với dáng vẻ không có chuyện gì. Cuối cùng với thiên giá (giá cắt cổ) tám mươi triệu nhân dân tệ, ông ta đã lấy “vua trúng thầu” quảng cáo của CCTV.
Vị tiểu chủ chỉ có mấy chục vạn tài sản này đem theo “vua trúng thầu” tám mươi triệu nhân dân tệ trở về thành phố nhỏ của mình, ông thư thả tìm gặp bí thư thị ủy và chủ tịch thành phố, với nụ cười khiêm nhường ông ta nói với hai vị lãnh đạo:
- Tôi đã bê về cho nhân dân toàn thành phố “vua trúng thầu” 80 triệu của đài truyền hình Trung ương. Nhưng tôi chỉ có mấy chục vạn đồng tài sản, làm thế nào đây? Nếu các lãnh đạo giúp đỡ tôi, thành phố nhỏ bé của chúng ta sẽ xuất hiện một doanh nhân nổi tiếng cả nước. Nếu các lãnh đạo không ủng hộ tôi, thành phố nhỏ của chúng ta sẽ xuất hiện một tên lừa bịp lớn nhất cả nước.
Trước khi ra về ông ta vứt lại một câu:
- Xin hai vị xem xem làm thế nào!
Các quan chức địa phương Trung Quốc thời đó luôn luôn theo đuổi sự tăng trưởng của GDP, quan chức nào cũng trông mong địa phương mình quản lý xuất hiện doanh nhân nổi tiếng cả nước, có thể làm thành tích chính trị để mình thăng quan tiến chức. Nếu xuất hiện một tên lừa bịp lớn nhất cả nước, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến con đường làm quan của quan chức địa phương. Thế là bí thư thị ủy và chủ tịch thành phố triệu tập hội nghỉ khẩn cấp, qua thảo luận thấu đáo đã đi đến quyết định đề nghị ngân hàng thương nghiệp địa phương cho vị tiểu chủ bê “vua trúng tầu” về, vay khoản tiền hai trăm triệu nhân dân tệ. Đây là khoản vay đặc biệt của Trung Quốc, thời ấy bộ máy chi nhánh địa phương của ngân hàng thương mại Trung Quốc thường nghe lệnh của chính quyền địa phương.
Như vậy vị tài chủ nhỏ này đã hai lần lợi dụng đòn bảy của tán dóc, đầu tiên là đòn bảy “vua trúng thầu” quảng cáo cuả CCTV, hai là đòn bảy lòng hư vinh của quan chức chính phủ địa phương, được vay khoản tiền hai trăm triệu nhân dân tệ một cách “bốn lạng xẻo nửa tạ”, sau đó ông ta tiếp tục tán dóc, tâng mình thành doanh nhân nổi tiếng cả nước.
Câu chuyện tán dóc cứ tiếp tục nối gót nhau mà đến. Tôi xin kể tiếp. Trước hết xin kể hai câu chuyện quần chúng tán dóc chính quyền như thế nào. Sau đó xin kể hai câu chuyện chính quyền tán dóc quần chúng ra sao.
Trên đây tôi đã kể tác dụng đòn bảy trong tán dóc. Đối với dân chúng phổ thông nhất trong xã hội Trung Quốc mà nói, họ không có dã tâm muốn trở thành quyền quí, cũng không mơ tưởng mình giầu vọt hẳn lên trong một đêm. Họ “tri túc thường lạc” (biết đủ thường vui). Cho nên khi họ tán dóc chính quyền, tác dụng đòn bảy cũng sẽ “bốn lạng xẻo nửa tạ”, một thành công nhỏ cũng sẽ tràn ngập niềm vui. Nhưng khi họ tán dóc thường hay tìm đòn bảy tán dóc trên thân mình. Bởi vì họ đâu có thân hữu địa vị hiển hách, cũng không có mối quan hệ xã hội rộng rãi. Trong đời sống họ chỉ có gia đình và hôn nhân. Cho nên thường lấy gia đình và hôn nhân của mình làm đòn bảy tán dóc. Tôi xin kể hai câu chuyện quần chúng tán dóc chính quyền dưới đây, đều là lợi dụng hôn nhân của mình làm đòn bảy tán dóc.
Khoảng ba năm trước, để nâng cao chất lượng thầy giáo của địa phương mình, từ đó mà làm cho học sinh tốt nghiệp cao trung của thành phố càng có sức cạnh tranh trong thi cao đẳng đại học toàn quốc, cục giáo dục thành phố X đã nêu ra một biện pháp, đó là thầy cô giáo trung học toàn thành phố đều phải tham gia kiểm tra sát hạch tư chất thầy cô giáo. Ai đạt yêu cầu có thể tiếp tục làm công tác giáo dục, ai không đạt yêu cầu bị đào thải khỏi cục. Đồng thời theo lập trường của chủ nghĩa nhân đạo, cục giáo dục xét đến có một số thầy cô giáo vì mất bạn đời hoặc sau khi ly dị phải nuôi con một mình, đã bận công việc giảng dạy, lại phải chăm nom con, cuộc sống hết sức gian khổ, cho nên khi đưa ra biện pháp này lại quy định thêm, những thầy cô giáo mất bạn đời hay sau khi cắt đứt được miễn kiểm tra sát hạch.
Từ sau khi con trai tôi được vào trung học, tôi mới thật sự hiểu tính tàn khốc của thi kiểm tra trong thể chế giáo dục Trung Quốc. Con trai tôi hầu như ngày nào cũng phải ứng phó với thi kiểm tra, nào là luyện tập đọc sớm, luyện tập thống nhất, kiểm tra tuần, kiểm tra tháng, lại còn thi kiểm tra giữa kỳ và thi kiểm tra cuối kỳ. Kiểm tra trong trung học Trung Quốc nhiều danh mục rối rắm. Học sinh trung học kể từ khi bước vào cổng trường, đã bắt đầu bị huấn luyện thành từng cỗ máy kiểm tra. Nhưng những thầy cô giáo ngày nào cũng huấn luyện học trò kiểm tra sát hạch như thế nào, bỗng chốc chính mình cũng đứng trước kiểm tra sát hạch. Ai ai cũng hoảng loạn rối tinh rối mù. Chưa bước vào phòng kiểm tra, hai chân của các thầy cô giáo có thể đã bủn rủn.
Sau đó, các thầy cô giáo trong thành phố có qui mô vừa phải này đã bắt đầu hành động tán dóc trên quy mô lớn. Thầy cô giáo nào mất bạn đời và sau khi ly hôn phải nuôi con được miễn quy định kiểm tra sát hạch, khiến họ lợi dụng đầy đủ đòn bảy hôn nhân của mình để tán dóc thi kiểm tra tư chất thầy cô giáo của cục giáo dục. Họ nháo nhào đi làm thủ tục ly hôn. Lấy ly hôn giả vờ để thoát khỏi kiểm tra tư chất thầy cô giáo. Chờ sau khi kết thúc kiểm tra sát hạch lại đi làm thủ tục kết hôn trở lại. Thị dân địa phương khi thấy những thầy cô giáo này ly hôn tái hôn một cách đùa cợt, lấy đó để chơi xỏ chính quyền, tỏ ra tán dương từ trong lòng, họ bảo nhau:
- Đây là trí tuệ của quần chúng.
Cho dù ngay trên đường phố hay trong trường học, những thầy cô giáo này sau khi gặp nhau, câu đầu tiên là hỏi thăm bạn đã ly hôn chưa? Thế là thành phố nhỏ bé này thịnh hành hỏi thăm khi gặp mặt như sau:
- Bạn đã ly hôn chưa?
Rốt cuộc chỉ có không đầy 30% tham gia kiểm tra sát hạch tư chất thầy cô giáo, mà trong đó phần nhiều thầy cô giáo chưa kết hôn, hoặc thầy cô giáo đã kết hôn chưa sinh con. Đương nhiên cũng có những thầy cô giáo tự tin có thể thông qua kiểm tra sát hạch. Sau khi kết thúc kiểm tra sát hạch, bắt đầu hành động phục hôn đại qui mô. Câu hỏi của các thầy cô giáo hàng ngày gặp nhau đã sửa thành:
- Bạn đã phục hôn chưa?
Một câu chuyện khác: quần chúng lợi dụng đòn bảy ly hôn chơi khăm lại chính quyền xảy ra ở nông thôn. Đây là những ví dụ thường thấy trong tiến trình đô thị hóa ở Trung Quốc.
Lâu nay ở Trung Quốc chế độ hộ tịch, hộ khẩu ở thành phố thị trấn và hộ khẩu nông nghiệp rất khắc nghiệt. Bắt đầu từ những năm 1980, sau khi thành phố ở Trung Quốc nhanh chóng bành trướng, hàng loạt ruộng đất nông thôn chung quanh thành phố bị chính quyền trưng dụng. Hộ khẩu cuả nông dân, từ nông nghiệp chuyên sang phi nông nghiệp, Trung Quốc gọi tắt là “nông chuyển phi”. Song song với chuyện nông dân bị mất ruộng đất, cũng mất luôn nhà ở hàng mấy đời của họ. Để đền bù tổn thất nhà ở cũ của nông dân bị tháo dỡ, chính quyền đã di chuyển bà con nông dân đến ở các chung cư mới xây trong thành phố.
Mỗi nông dân dọn đến ở thành phố nên được bồi thường bao nhiêu diện tích. Đây là một quá trình tính toán vô cùng phức tạp, có liên quan đến diện tích nhà ở cũ của nông dân, cũng có liên quan đến nhân khẩu gia đình, quan trọng nhất là có liên quan với hôn nhân. Thế là cưới vợ và ly hôn, tái kết hôn và tái ly hôn đã trở thành đòn bảy của rất đông nông dân láu cá, xiên xẹo, chơi xỏ chính quyền.
Mấy năm trước ở vùng tây nam Trung Quốc, sau khi nông dân của một thị trấn nhỏ bị trưng dụng ruộng đất, để phân nhà ở “nông chuyển phi” nhằm được lợi ích nhiều hơn và bồi thường nhiều hơn, hầu như 95% gia đình cố ý giả vờ ly hôn, sau đó lại tìm người khác giả vờ kết hôn. Trong một thời gian rất ngắn ngủi, việc ly hôn giả và kết hôn giả trên qui mô lớn này khiến ngành làm giấy hôn thú ứng tiếp không xuể, nhân viên văn phòng phải thụ lý các vụ án ly hôn kết hôn trong suốt mấy tháng liền, còn nhiều hơn số vụ thụ lý trong mấy năm. Trong việc láu cá láu tôm về hôn nhân như phong trào quần chúng này, việc lạ tin lạ kể ra không hết. Một bà đã lụ khụ đến mức không đi nổi, đột nhiên “vớ” số đào hoa, chỉ trong mấy tháng, được ba người đàn ông trẻ cõng đến văn phòng lĩnh giấy đăng kí kết hôn ba lần. Trong khi bà già vẫn còn chưa hiểu hết chuyện, thì đã có ba lần hôn nhân khác nhau, mà ba ông chồng trẻ trông vào ông nào cũng khá điển trai.
Có một đàn ông sau khi giả ly hôn, không muốn phục hôn với vợ trước, đầu tiên tìm lý do lấp liếm, không chịu đi làm thủ tục phục hôn, sau đó dùng chiến thuật cứ dây dưa đưa đẩy, nhưng người vợ trước giữ vững ý chí, đòi bằng được chồng phục hôn. Anh chồng đành phải nói thực lòng:
- Tôi muốn ly hôn với cô từ lâu, lần này rốt cuộc đã có dịp lèo lá đánh lừa cô cắt đứt.
Một ông già cũng “tán dóc” gặp số đào hoa. Ông đã giả cưới một cô gái trẻ, sau đó ông sống chết không chịu ly hôn. Mặc dù cô gái trẻ khóc lóc van nài như thế nào, thậm chí bằng lòng bồi thường về kinh tế, nhưng ông cứ tỉnh bơ không hề động lòng. Bạn bè thân hữu thay nhau đến làm thuyết khách, nói với ông:
- Chuyện này vốn là giả, sao ông cứ tưởng thật.
Ông già nói một cách hết sức chân thành:
- Đối với cô ấy mình “nhất kiến chung tình”! (gặp cái yêu liền).
Khi quần chúng “tán dóc” chơi xỏ chính quyền, chính quyền cũng “tán dóc”chơi xỏ lại quần chúng. Ba mươi năm trước kia, từ trong nền kinh tế kế hoạch, Trung Quốc đã lột xác thành kinh tế thị trường, đã xuất hiện một tiêu chí nổi bật, đó là một số chính quyền địa phương đã say sưa với một loạt hoạt động bán đấu giá. Ví dụ tiến hành bán đấu giá công khai đường cái, cầu cống, quảng trường, khu nhà ở và kiến trúc cao tầng mệnh danh có thưởng, doanh nghiệp nào bỏ nhiều tiền có thể được mệnh danh. Năm 2006, thành phố Y quyết định bán đấu giá địa danh khu, chính quyền chính thức ra văn bản, không ngờ lập tức bị quần chúng nhao nhao mắng nhiếc. Có quần chúng nói:
- Nếu bán địa danh, liệu sau này mọi người còn nhớ được lối không?
Còn có quần chúng bôi bác:
- Gia đình tôi liệu không biến thành tiểu khu “Phụ viêm khiết” chứ? Từ nay về sau trên thư viết cho bạn liệu có phải viết là đường “Não bạch kim” không?
“Phụ viêm khiết” là nước thuốc diệt khuẩn khử độc, chuyên dùng tảy rửa âm đạo đàn bà. “Não bạch kim” là thuốc uống, nghe đâu có thể trị mất ngủ. Có màu sắc hoang đường nhất là chuyện có quần chúng đề nghị, thôi thì bán luôn cả tên thành phố, tốt nhất là bán cho hãng Côca Côla của Mỹ, từ đó về sau cứ gọi quách là “thành phố Côcacôla”.
Quan chức nhà nước đứng ra giải thích:
- Sử dụng địa danh có thưởng chỉ là một cách nghĩ và đề nghị của chính quyền. Hiện tại còn chưa bắt đầu thực thi thật sự. Về chuyện các loại lo lắng tồn tại trong thị dân hiện nay hoàn toàn không cần thiết. Cho dù tương lai chính thức thực thi mệnh danh có thưởng, cũng phải tuân theo qui định của pháp luật hữu quan, không thể tùy tiện để doanh nghiệp đặt tên thế nào thì đặt.
Trước sức ép của xã hội và dư luận, sự kiện bán đấu giá địa danh này về sau không kết quả. Nhưng các quan chức địa phương khi nói đến chuyện này đều tỏ ra say sưa, bày tỏ hiện giờ là thời đại kinh tế thị trường, phải làm việc theo qui luật thị trường, phải tiến hành “vận tác hóa thị trường”. Mấy năm nay “vận tác hóa thị trường” đã trở thành câu nói cửa miệng của các quan chức chính quyền địa phương, có lúc cũng trở thành đòn bảy để chính quyền địa phương lèo lái bắt nọn quần chúng.
Tôi xin kể hai câu chuyện không thể tưởng tượng sau đây, đều là chính quyền địa phương lấy “vận tác hóa thị trường” làm đòn bảy tán dóc lèo lái quần chúng.
Câu chuyện thứ nhất xảy ra tại thành phố Nội Giang tỉnh Tứ Xuyên. Cục quản lý thị trường thành phố Nội Giang muốn quản lý tốt hơn những chủ hàng buôn bán lưu động, nhằm thu về chi phí quản lý nhiều hơn. Cục quản lý thị trường thành phố ra thông cáo bán đấu giá quyền kinh doanh đường giành cho người đi bộ (vỉa hè) cho các con buôn. Vỉa hè là đường chuyên giành cho người đi bộ. Nếu bán đấu giá cho con buôn bán lẻ, thì hàng hóa của họ sẽ chiếm cứ vỉa hè, lẽ nào đẩy người đi bộ xuống lòng đường xe đi? Bắt người đi bộ phải luồn lách chạy nhanh giữa các loại xe cộ đang phóng với tốc độ nhanh trên đường? Khi đọc thông báo này tôi ngạc nhiên há mồm trợn mắt, vì thế tôi vô cùng tức giận kể lại việc này cho một vị quan chức chính quyền. Nhưng vị quan chức chính quyền này không tin. Ông cho rằng tôi phản ứng quá độ, ông không hề cảm thấy chuyện này là hoang đường. Ông nói:
- Rất nhiều cục quản lý thị trường đia phương đều đang bán đấu giá vỉa hè.
Câu chuyện thứ hai xảy ra ở thành phố Tương Đàm tỉnh Hồ Nam. Qui định của ngành hữu quan của chính quyền thành phố, có thể bỏ tiền mua số biển cửa “Cát tường” (tốt lành). Người Trung Quốc hết sức mê tín số 6 và số 8 trong 9 chữ số, cho rằng số 6 đại diện cho mọi sự suôn sẻ, số 8 đại điện cho phát tài làm giầu. Thế là có người bỏ tiền mua số biển cửa nhà ở có 6, 66, 666, 6666 và 8, 88, 888, 8888. Sau đó một bộ phận khu phố số nhà đường phố bị đảo lộn lung tung, không còn theo thứ tự sắp xếp bình thường. Có thể thử tưởng tượng, khi người ta bước vào một đường phố biển số nhà hỗn loạn, nếu bên trái là số lẻ, bên phải là số chẵn, vậy thì giữa số 3 và số 7 bên trái không phải số 5 mà là số khổng lồ 8888. Cũng đường phố như thế, khi biển cửa bên phải đến giữa số 792 và 796 cũng không phải xuất hiện số 794, rất có thể là một số 6 nhỏ hơn chẳng hạn. Nếu đi trên một đường phố như thế, tôi sẽ phải nhăn nhó khóc dở mếu dở.
Bán đấu giá vỉa hè và biển số nhà cát tường có thể bỏ tiền mua, khiến cho dân chúng Nội Giang Tứ Xuyên và Tương Đàm Hồ Nam nhao nhao chửi mắng, nhưng các quan chức địa phương lại lớn tiếng thiên thối, tán dóc:
- Đây là “vận tác hóa thị trường”.
Chúng ta hình như đang đọc một câu chuyện hoang đường. Trong một thành phố có tên là “Côcacôla” không có đường giành cho người đi bộ, bởi vì các vỉa hè đều bị cửa hàng các con buôn chiếm lĩnh. Con người phải giơ tay luồn lách thoăn thoắt trong khe hở của xe cộ đang phóng nhanh. Mọi người ai ai cũng giống các nhân vật trong phim karate Trung Quốc, tên của khu nhà ở, đường phố, cầu cống và quảng trường ly kì cổ quái như "phố thuốc đánh răng cô em đen”, “cầu cabốt cảm giác thứ sáu”, “quảng trường bột giặt Tam lộc” (ba con hươu), “tiểu khu áo lót AB”... Địa danh của thành phố này tập trung đầy rẫy nhiều mác sản phẩm của các ngành các nghề của Trung Quốc, các thứ ăn mặc, dùng, ở, đi lại, cả đến những thứ thuộc sinh dục và làm tình, không thứ gì là không có, số biển đường phố lung tung loạn xạ, không có thứ tự gì hết, đi vào một đường phố nào đó như bước vào một mê cung nào đó, có thể bạn vĩnh viễn không tìm được người bạn cần tìm. Lúc này tiểu thuyết hoang đường tỏa ra hơi thở của chủ nghĩa thần bí. Tôi nghĩ, FranzKafka và Boerhesi có lẽ vui vẻ sống trong thành phố như thế này. Tôi lại nghĩ, có lẽ về sau này tôi sẽ viết một cuốn truyện như thế. Tên sách có thể là: Thành phố tán dóc.
Câu chuyện có liên quan đến “tán dóc” có thể kể mãi không cạn. Bởi vì “tán dóc” đã thẩm thấu đến các mặt của đời sống chúng ta. Nếu có nguyên thủ nhà nước nào đến thăm Trung Quốc, người ta sẽ nói đến “Trung quốc tán dóc”. Nếu vị lãnh đạo Trung Quốc nào đi ra thăm nước ngoài, người ta sẽ nói “ra nước ngoài tán dóc”. Một nhà buôn đi ký hợp đồng buôn bán, ông ta sẽ nói “đi tán dóc”. Một học giả đi diễn giảng ông cũng có thể nói “đi tán dóc”. Tôi tán dóc cô ấy đến mức yêu tôi say như điếu đổ... cho dù là Triệu Bản Sơn bậc thầy của “tán dóc” cũng bị tán một vố. Hai năm trước, một tin ngắn xuất hiện trên hàng trăm triệu máy di động Trung Quốc:
- Bên chỗ bạn có vô tuyến truyền hình không? Bây giờ hãy mau mau xem đài của CCTV, Triệu Bản Sơn đã chết vì bị nổ bom, cảnh sát đang phong tỏa vùng đông bắc, 19 người chết, 11 người mất tich, 1 người bị “tán dóc”!
Cái gọi là một người bị “tán dóc” chính là người đang mở xem tin ngắn này.
Một hôm, tôi và một anh bạn đi công tác xa. Buổi tối trước khi ngủ, anh bạn này xin tôi hai viên thuốc ngủ. Anh bảo mình sẽ không uống hai viên thuốc ngủ này mà để chúng lên tủ đầu giường, có thể gây tác dụng an thần. Nói xong anh cười bảo thêm:
- Có thể tán dóc bản thân ngủ say.
Tán dóc dường như còn có thể định nghĩa lại tác phẩm văn học. Nhà thơ Đường, Lý Bạch, đã hình dung thác nước bằng câu thơ nổi tiếng: “bạch phát tam ngàn trượng” (tóc trắng cao ngàn trượng), đã từng là điển phạm mẫu mực bày tỏ sức tưởng tượng trong lịch sử văn học Trung Quốc, hiện giờ người ta đánh giá:
- Lý Bạch quả là giỏi tán dóc!
Lý Bạch thật khoa trương: Bạch phát tam thiên trượng/ Duyên sầu tự cá trường (Tóc trắng ba ngàn trượng/ Vì buồn dài lạ sao) (Thu phố ca)
Tán dóc dường như đã trở thành nguyên tố thời thượng nào đó. Hai năm nay, trong các em học sinh trung tiểu học của một số thành phố lại thịnh hành mua giấy chứng nhận tán dóc, kích thước to nhỏ như bằng lái xe. Trên cầu nổi giành cho người đi bộ và cạnh đường phố bọn con buôn rao giọng lanh lảnh:
- Giấy chứng nhận tán dóc! Một đồng một quyển chứng nhận tán dóc nào! Có một quyển giấy chứng nhận tán dóc trong tay, tán dóc thiên hạ vô địch thủ.
Mở ra xem, trong có in: “Nay chứng nhận đồng chí XX có thủ pháp tán dóc độc đáo, kinh nghiệm tán dóc phong phú, thủ đoạn tác dóc cao minh, khiến người ta có phòng chống cũng không phòng chống nổi, xin đặc biệt cấp giấy chứng nhận này”.
Cơ quan cấp giấy là: “Văn phòng ủy ban tán dóc toàn quốc”. Giống như mọi chứng từ loại hình khác của Trung Quốc, trên mặt giấy chứng nhận tán dóc cũng đóng con dấu hình tròn ra vẻ ra dáng hẳn hoi. Học sinh trung tiểu học sau khi mua giấy chứng nhận tán dóc, lúc gặp nhau, móc túi lấy ra khoe, giống như khoe giấy chứng nhận đặc công FBI trong phim Hôliút. Học sinh trung tiểu học cảm thấy rất “soái”, rất khoái.
Từ tán dóc lan rộng nhanh chóng, giống như sơn trại, cũng thể hiện sự hỗn loạn về giá trị quan và sự hư hỏng về đạo đức luân lý xã hội Trung Quốc đương đại, cũng là một trong những di chứng nảy sinh sau sự phát triển phiến diện ba mươi năm gần đây nhất của xã hội Trung Quốc. Hiện tượng tán dóc có tính rộng khắp về mặt đời sống xã hội của nó, thậm chí còn hơn hiện tượng sơn trại. Một khi tán dóc, bốc khoác thịnh hành, chúng ta cũng sống trong trong một xã hội cợt nhả, không nghiêm túc, hay nói một cách khác sống trong một xã hội nhốn nháo vô nguyên tắc.
Tôi lo, khi tán dóc bốc khoác trở thành lối sống của mọi người một cách đường hoàng, dù là một người hay là một nhà nước, đều có khả năng trở thành nạn nhân của tán dóc, nói bốc. Ý tôi muốn nói kẻ tán dóc cuối cùng rất có thể lừa dối bản thân, nói theo câu tục ngữ Trung Quốc là “bê đá ghè chân mình” hay gậy ông đạp lưng ông.
Tôi tin tưởng mỗi con người đều có thể có vốn sống thế này: Muốn đi tán dóc đánh lừa kẻ khác, cuối cùng lại tán dóc lừa phỉnh chính mình. Đương nhiên cũng có tôi trong đó, tôi cũng không ngoại lệ. Nhớ lại chuyện cũ tán dóc của mình, tôi phát hiện vốn sống như thế này không phải ít. Xin nêu một ví dụ hầu bạn đọc:
Đối tượng tán dóc đầu tiên trong ký ức của tôi là bố tôi. Khi bố tôi muốn tôi làm việc gì, tôi lại không muốn làm, khi ông sắp sửa trừng phạt tôi, tôi thường hay dùng mánh giả vờ ốm, trước kia gọi là nói dối, bây giờ nên gọi là thiên thối tán dóc.
Tôi nghĩ nói dối, hay nói cách khác là tán dóc bố, có thể là thiên tính của mỗi đứa con. Thời ấy tôi đã học tiểu học, tôi đã nhận ra quan hệ tốt đẹp giữa hai bố con, hay nói khác đi bố là người ruột thịt của tôi, dù tôi có làm đau trời hại lý, ông cũng không đẩy tôi vào chỗ chết. Giả vờ ốm sớm nhất của tôi bắt đầu từ một suy nghĩ ngu xuẩn. Bây giờ tôi đã quên, xét cho cùng nguyên nhân nào đã thúc dục tôi giả ốm. Tôi chỉ nhớ là để khỏi bị bố trừng phạt mình. Tôi giả vờ sốt, lảo đà lảo đảo đi đến với bố đang điên tiết để đánh lừa bố.
Nghe xong thằng con bảo bị ốm, phản ứng đầu tiên - hầu như là phản ứng tự nhiên, ông giơ tay áp vào trán tôi. Lúc ấy tôi mới nghĩ đến mình đã mắc sai lầm chí mạng, tôi lại quên ông là bác sĩ. Tôi nghĩ bụng, bỏ mẹ rồi, tôi không những không thoát khỏi trừng phạt trước mắt, mà còn đứng trước đòn trừng phạt mới.
May mà chuyện trí trá tán dóc của tôi lại được cho qua. Khi bàn tay không hề bỏ sót một chi tiết nhỏ của bố tôi nhận ra tôi chẳng nóng sốt gì hết, ông không nghĩ đến tôi đang nói dối tán dóc ông, mà tỏ ra bất bình cực lớn trong chuyện suốt ngày tôi không hoạt động gì cả. Ông xơi xơi mắng tôi, cảnh cáo tôi không được ngồi hoặc nằm suốt ngày trong nhà, phải ra ngoài chạy nhẩy, cho dù là phơi nắng cũng tốt, tiếp theo ông nói rõ, không có bệnh gì hết, bệnh của con là không ưa hoạt động. Sau đó ông bảo tôi ra khỏi nhà, thích làm gì thì làm, sau hai tiếng đồng hồ phải quay về.
Cơn giận của bố tôi đã bỗng chốc đổi hướng bởi bố quan tâm đến sức khỏe của tôi, khiến ông quên luôn tội nói dối của con và sự trừng phạt đang tiến hành, ông đã đột nhiên cho tôi lời phán quyết cuối cùng tha tội. Tôi lập tức nhảy tâng tâng khỏi cửa rồi đứng lại ở chỗ an toàn rất xa, suy nghĩ toát mồ hôi về sai lầm vừa rồi. Kết quả suy nghĩ là từ nay trở đi dù xảy ra tình hình nguy cấp thế nào cũng không được giả vờ sốt.
Thế là, biểu diễn ốm bệnh có liên quan của tôi đã đi sâu trong cơ thể. Trong một hai năm tiếp theo, tôi thường giả đò đau bụng, đúng là có tác dụng. Vì khi còn bé tôi quá ư kén chọn thức ăn, cho nên tôi hay bị táo bón. Chuyện này trên một chừng mực rất lớn đã tạo cớ cho tôi kêu đau bụng. Mỗi khi tôi làm gì sai, tôi liền nghĩ đến nét mặt của bố tôi khi đang sa sầm lại, bụng tôi liền đau.
Lúc mới đầu, tôi còn tự thấy mình đang đau giả vờ, về sau lại biến thành phản xạ có điều kiện. Chỉ cần bố tôi nổi nóng, bụng tôi lập tức đau. Ngay đến bản thân tôi cũng không phân rõ đau thật hay đau giả. Nhưng lúc này đã không quan trọng đối với tôi, quan trọng là phản ứng của bố tôi. Lúc đó cơn giận của bố tôi thường bỗng chốc chuyển sang chọn thức ăn đối với tôi, nhắc nhở tôi nếu tiếp tục cái gì cũng không thích ăn, tôi sẽ đứng trước không chỉ bị táo bón, mà sự trưởng thành của thân thể và đại não sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc, lại là sự quan tâm tới sức khỏe của tôi, khiến bố tôi quên đưa ra trừng phạt tôi.Mặc dù bố tôi tỏ ra càng nóng nảy, nhưng không khí nóng nảy đã thay đổi tính chất, tôi có thể chịu đựng một cách hết sức nhẹ nhõm.
Mánh khóe giả ốm của tôi dần dần tăng lên, về sau không còn là để tránh trừng phạt của bố, bắt đầu giả ốm để khỏi phải làm việc nhà như quét sân, lau nền nhà. Có lần tôi lợn lành chữa thành lợn què, khéo quá hóa vụng. Khi tôi kêu đau bụng, tay bố tôi sờ vào bụng dưới bên phải. Ông hỏi tôi có phải chỗ này không? Tôi gật đầu lia lịa, sau đó bố lại hỏi tôi có phải đau ngực trước không? Tôi vẫn gật đầu. Tiếp theo bố tôi hoàn toàn hỏi tôi theo triệu chứng đau ruột thừa, mà tôi cứ gật đầu nhất loạt. Kỳ thực lúc ấy tôi hoàn toàn không rõ đau thật hay đau giả, chỉ cảm thấy bàn tay khỏe mạnh của bố tôi ấn vào chỗ nào thì chỗ đó bị đau, giống như bố tôi gọi tên mình, tôi liền trả lời vậy.
Sau đó, bố tôi cõng tôi đi ra khỏi nhà. Tôi ù ù cạc cạc ôm lưng bố, không biết tiếp theo có chuyện gì xảy ra? Cho mãi đến khi bố cõng tôi đi vào phòng mổ của bệnh viện tôi mới dự cảm, bỏ xừ rồi, đã sinh to chuyện. Lúc bấy giờ tôi mù mịt hết trong lòng. Thần thái kiên định của bố khiến tôi cảm thấy có thể mình bị đau ruột thừa. Nhưng tôi lại nghĩ đến lúc đầu tiên chỉ là giả vờ đau bụng mà thôi, mặc dù sau đó khi bố tôi đè mạnh tay có chút đau thật. Trong đầu tôi cứ đảo đi đảo lại không biết sẽ ứng phó thế nào với sự việc sẽ xảy ra tiếp theo. Bố tôi đặt tôi lên bàn mổ. Tôi nhớ mình đã nói rất yếu ớt:
- Bây giờ con không đau nữa!
Bố ấn tôi lên bàn mổ, hai người y tá lấy dây da trên bàn mổ buộc chặt hai chân tôi. Lúc ấy tôi đã dãy dụa, nói rõ to:
- Bây giờ con không còn đau nữa!
Tôi hy vọng họ sẽ bỏ cuộc mổ đã chuẩn bị đâu vào đấy, nhưng họ phớt lờ tôi. Tôi kêu tiếp:
- Con phải về, hãy để con về nhà!
Lúc ấy mẹ tôi là y tá trưởng của phòng mổ. Tôi nhớ bà phủ lên mặt tôi một mảnh vải. Chỗ mồm tôi có một cái lỗ, Tôi cứ hét tướng lên trong cái lỗ ấy, để chứng tỏ quyết tâm từ chối mổ. Chân tay tôi bị buộc chặt, đành phải ngọ nguậy thân thể tăng thêm phản kháng. Tôi nghe thấy giọng mẹ, bà bảo tôi đừng hét thế. Bà cảnh cáo tôi. Nếu tôi vẫn hét tiếp, tôi sẽ bị chết nghẹn. Tôi giật nảy người, không biết vì sao sẽ chết nghẹn? Giữa lúc tôi thôi hét nghĩ đến vấn đề phức tạp này. Bột gây mê đắng ngắt đổ vào miệng tôi, chẳng mấy chốc tôi không biết gì nữa.
Khi tỉnh lại, tôi đã nằm trên giừơng nhà mình. Tôi cảm thấy đầu anh trai chui vào trong chăn mình lại rụt ra ngay, kêu lia lịa:
- Nó đánh rắm, thối kinh khủng!
Sau đó tôi trông thấy bố mẹ mình đứng trước giường. Hai bố mẹ đã bật cười bởi tiếng anh tôi kêu vừa giờ. Thế đó, ruột thừa của tôi đã bị cắt, hơn nữa khi tôi vẫn chưa tỉnh trong cơn tê, tôi đã đánh rắm. Điều đó có nghĩa là cuộc phẫu thật thành công và tôi sẽ khỏe lại rất nhanh.
Nhiều năm sau, tôi đã từng hỏi bố, khi mổ bụng con ra bố trông thấy ruột thừa của con nên cắt phải không? Bố tôi nói như đinh đóng cột:
- Nên cắt!
Khi tôi muốn biết ruột thừa của mình lúc bấy giờ có phải đau thật không? Bố tôi đã trả lời tôi bằng giọng nước đôi.
- Hình như có tí chút viêm tấy!
Tôi nghĩ, “Hình như có tí chút viêm tấy” là có ý gì? Mặc dù bố thừa nhận “hình như có tí chút viêm tấy” tức là không uống thuốc cũng không sao. Nhưng bố tôi đã kiên trì cho rằng, phẫu thuật là phương án chính xác nhất. Bởi vì đối với bác sĩ ngoại khoa thời đại đó mà nói, không chỉ là ruột thừa “hình như có tí chút viêm tấy” cần phải cắt bỏ, mà ngay đến ruột thừa hoàn toàn lành lặn cũng không nên giữ.
Tôi đã từng tin lời bố. Nhưng cách nhìn của tôi hiện nay khác bố. Tôi cho rằng mình gieo gió gặt bão, tôi vốn muốn nói xạo để gạt bố. Kết quả lại là bản thân đã tán dóc, đã nói dối bản thân để phải ăn dao nếm đòn!
Ngày 23 tháng 11 năm 2009.
LỜI CUỐI SÁCH
Năm 1978, tôi kiếm được một việc làm đầu tiên, trở thành một chú thợ nhổ chữa răng ở một thị trấn nhỏ miền nam Trung Quốc. Do tôi là người trẻ nhất trong bệnh viện, ngoài việc nhổ răng, tôi còn phải gánh vác công việc khác, tức là hàng năm vào mùa hè đội mũ lá, đeo hộp thuốc đi đến các nhà máy và vườn trẻ tiêm phòng dịch cho công nhân và trẻ em.
Tôi xin giải thích đôi chút, Trung Quốc thời Mao Trạch Đông tuy nghèo khổ, nhưng vẫn xây dựng một hệ thống y tế phòng dịch công cộng vững mạnh, tiêm phòng dịch và chủng đậu miễn phí cho nhân dân. Tôi làm công việc như thế. Thời đó vẫn chưa có kim tiêm và xơranh dùng một lần rồi bỏ. Do thiếu thốn về vật chất, đành phải dùng đi dùng lại xơranh và kim tiêm. Khử trùng cũng cực kỳ đơn giản, sau khi rửa sạch xơranh và kim tiêm, lần lượt gói vào vải xô cho vào mấy cái hộp cơm bằng nhôm, đặt vào nồi to đựng nước bên trong, đặt lên bếp đun than quả bàng, chừng hai tiếng đồng hồ như hấp bánh bao.
Bởi dùng đi dùng lại, kim tiêm gần như mũi nào cũng bị cong vênh thành lưỡi câu, khi tiêm phòng dịch chọc vào cánh tay, lúc rút kim ra đã móc theo mẩu thịt nho nhỏ. Lần đầu tiên tôi làm việc này. Trước hết đến nhà máy, anh chị em công nhân vén ống tay áo xếp thành hàng, lần lượt từng người dơ cánh tay để tôi tiêm, lại lần lượt từng người bị mũi kim tiêm cong như lưỡi câu móc thịt ra kèm theo máu. Anh chị em công nhân có thể nhịn đau, họ cắn chặt răng, nhiều nhất cũng rên hai tiếng. Tôi cứ tỉnh khô trước đau đớn của họ, thầm nghĩ mũi kim nào cũng bị cong vênh, mà trước đó kim cũng đã có móc câu. Anh chị em công nhân năm nào cũng phải tiếp nhận kim tiêm phòng dịch có móc câu, nên đã quen mới phải. Nhưng hôm sau đến vườn trẻ, tiêm phòng dịch cho các cháu từ ba đến sáu tuổi, thì cảnh tượng khác hoàn toàn. Tiếng khóc của các cháu ầm ĩ cả lên, do da thịt non tơ, mẩu thịt móc ra cũng to hơn, máu cũng nhiều hơn của anh chị em công nhân. Tôi nhớ rất rõ cảnh tượng lúc đó, em nào cũng khóc hét toáng lên, mà chưa tiêm phòng dịch đã khóc, còn khóc to hơn những em tiêm phòng dịch. Lúc ấy tôi có cảm nhận, các em trông thấy đau đớn thậm chí còn đau hơn bản thân bị tiêm. Đó là bởi vì nỗi sợ đau còn đáng sợ hơn đau đớn.
Tôi khiếp sợ mà bất lực không biết làm thế nào. Hôm ấy sau khi trở lại bệnh viện, tôi không vội rửa kim và khử trùng ngay, tôi tìm một hòn đá mài dao, mài phẳng và mài nhọn tất cả móc câu của kim tiêm, rồi mới rửa và khử trùng. Những mũi kim cũ này sau nhiều năm sử dụng kim loại bị mệt mỏi, mài phẳng xong tiêm hai ba lần lại bị cong vênh. Thế là mài mũi kim móc câu đã trở thành công việc thường xuyên của tôi. Trong những ngày về sau, tôi đã nhìn thấy kim tiêm ngắn dần đi. Mùa đông ấy ngày nào mãi đến tối mịt tôi mới về đến nhà. Bởi ngâm tay trong nước lâu và ma sát trên đá mài dao, ngón tay tôi đã bợt ra và phồng rộp.
Trong những năm tháng về sau, mỗi khi nhớ lại việc này, trong lòng tôi rất ân hận. Bọn trẻ khóc ầm ĩ mới khiến tôi ý thức ra nỗi đau đớn của anh chị em công nhân. Tại sao tôi không thể cảm nhận được nỗi đau đớn của anh chị em công nhân trước tiếng khóc của bọn trẻ. Nếu trước khi tôi tiêm phòng dịch cho công nhân và trẻ em, hãy chọc mũi kim có móc câu vào cánh tay mình trước đã, rồi lại móc ra mẩu thịt có máu mình, thì trước tiếng khóc đau đớn của bọn trẻ, trước tiếng kêu rên đau đớn của anh chị em công nhân tôi sẽ cảm thấy thế nào là đau đớn.
Cảm nhận này ghi lòng tạc dạ và nó đồng hành với tôi như bóng với hình trong sáng tác của tôi nhiều năm qua. Khi nỗi đau của người khác trở thành nỗi đau của mình, tôi mới thật sự nhận biết được thế nào là nhân sinh, thế nào là sáng tác. Tôi thầm nghĩ, trên thế giới này có thể không có nỗi đau nào dễ khiến con người thông cảm với nhau hơn bằng cảm nhận nỗi đau. Bởi vì con đường thông cảm bằng cảm nhận nỗi đau là sự nối dài từ nơi sâu thẳm của trái tim mọi người. Cho nên khi tôi viết ra nỗi đau của Trung Quốc trong cuốn sách này, cũng viết luôn nỗi đau của bản thân. Bởi vì nỗi đau của Trung Quốc cũng là nỗi đau của cá nhân tôi!
DƯ HOA
Ngày 22 tháng 1 năm 2010.
Nguồn: Trung Quốc trong 10 từ vựng. Tản văn của Dư Hoa. Vũ Công Hoan dịch.
Nhà văn Vũ Công Hoan gửi www.trieuxuan.info
1 Nhà văn Triệu Xuân: Theo ý tứ trong bài thì nên dịch là nói dóc; người Nam gọi là nói xạo, ba xạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét