Tượng Quán Thế Âm tôn thờ tại chùa Mễ Sở có tới 1.113 tay - Ảnh: M.Khôi
Tương truyền, có 33 thân pháp Quán Âm, và hàng trăm ứng thân của Ngài, bởi vậy trong nghệ thuật điêu khắc có vô vàn cách thức thể hiện Bồ-tát Quán Âm. Trong đó, Thiên thủ thiên nhãn là loại hình nghệ thuật đặc sắc nhất, được nhân dân tưởng tượng với hình Phật Bà có ngàn tay và ngàn mắt. Ngàn mắt biểu trưng cho đại trí tuệ, ngàn tay biểu trưng cho đại từ bi.
Với cách hiểu thông thường, mỗi chúng sinh chỉ có hai mắt và hai tay, nên khả năng nhìn biết và năng lực hành động hữu hạn, rất nhỏ hẹp. Theo kinh điển Mật tông, trong quá khứ xa xôi, Bồ-tát Quán Âm được nghe Thiên vương quan tướng Tĩnh Chú Như Lai giảng về Đại bi tâm Đà-la-ni, sau đó đã chứng ngộ để rồi xuất hiện trên người nghìn mắt và nghìn tay, có năng lực thấy biết khắp nơi, biết tất cả những nỗi khổ đau của chúng sinh trong đời sống luân hồi và có đủ khả năng, uy lực, sức mạnh và thuật pháp vô biên để ra tay cứu vớt.
Hình tượng nghìn mắt nghìn tay còn có ý nghĩa là tri-hành hợp nhất, thể hiện cho triết lý tri là hành, không có khoảng cách giữa ý định và hành động. Ở một khía cạnh khác, triết lý này thể hiện ý niệm “Một là tất cả - tất cả là một”, với ngụ ý: Trong Đạo đã có đủ đầy tất cả. Cả sự vật, cả vạn vật, cả muôn loài, muôn đời muôn kiếp và cả muôn loại ngành, nghề lẫn khoa học kỹ thuật và nghệ thuật cao siêu của nó.
|
Giếng làng bên phải chù Mễ Sở |
Từng có người thắc mắc, tại sao tượng Quán Âm có nghìn mắt nghìn tay mà không có nghìn các bộ phận khác như tai, miệng, mũi, chân…? Dân gian thường nói: Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay. Nghĩa là muốn đủ đầy phải có con mắt biết quan sát, nhìn nhận, hiểu biết, còn muốn vượt qua khó khăn thì phải cần đến đôi bàn tay chăm chỉ, cần cù làm việc. Con mắt tượng trưng cho trí tuệ tinh thần, đôi tay tượng trưng cho sức mạnh hành động, vì vậy Quán Âm nghìn mắt nghìn tay là một hình tượng hoàn hảo cho trí tuệ và hành động, toàn tri và toàn năng. Thiên thủ thiên nhãn là hiện thân của tâm đại từ bi, của tình thương vô biên với tất cả chúng sinh đang trôi lăn trong các cõi luân hồi, chỉ cho họ con đường và kéo họ ra khỏi những oan khổ, nghiệp chướng, nạn tai cuồng bạo man di, lại ban cho chúng sinh trí huệ, năng lực, ban cho vạn vạn ngành nghề, vạn vạn quả nghiệp để mưu cầu hạnh phúc, tích đức xây đời.
Con số 1.000 chỉ là tượng trưng, phiếm chỉ cho vô số tay, mắt của Đức Phật, vì vậy tượng Thiên thủ thiên nhãn trong hầu hết các ngôi chùa thường chỉ có từ 10 tay đến vài chục tay, nhiều lắm là 200 tay. Bởi vì, gắn hàng trăm tay lên mình một pho tượng có kích thước bằng người thường là việc làm vô cùng khó. Trong hệ thống các pho tượng cổ ở miền Bắc, có 3 pho Thiên thủ thiên nhãn được xếp vào đỉnh cao của nghệ thuật tạo tác loại tượng này, với số tay trên dưới một nghìn, đó là tượng ở các chùa: Bút Tháp (Bắc Ninh), Đào Xuyên (Hà Nội) và Mễ Sở (Hưng Yên). Để tạo được số lượng tay lớn như vậy, đòi hỏi người nghệ nhân xưa phải sáng tạo theo kiểu cách riêng, chính vì thế mà 3 pho tượng trên đều mang phong cách riêng biệt, không giống với bất cứ pho tượng nào khác.
Tượng ở chùa Bút Tháp tạc vào năm 1656 được coi là mô hình mẫu mực của loại hình Thiên thủ thiên nhãn, vì có đủ 1.000 bàn tay. Ngoài 42 cánh tay lớn nằm gắn vào mình Phật, đằng sau lưng Phật có 958 bàn tay nhỏ được sắp xếp theo những vòng tròn đồng tâm và đặt so le nhau ở từng lớp, tạo thành những vòng hào quang cho tượng. Trong lòng mỗi bàn tay của tượng đều chạm một con mắt.
Tượng ở chùa Đào Xuyên được tạc sớm hơn, vào thế kỷ XVI, tuy có số lượng tay ít hơn, với 622 tay, nhưng đặc biệt ở chỗ mọi tay đều có đủ cả cánh tay, khuỷu tay, cổ tay, bàn tay. Những cánh tay tạo thành vòng sóng rộng, xếp thành 5 lớp trước sau. Đôi tay chính chắp trước ngực, 20 đôi tay khác bố trí ở các tư thế khác nhau với các ngón kết ấn như động tác múa tuyệt đẹp. Còn lại 610 cánh tay nhỏ xếp thành các lớp trông giống như những chiếc quạt. Pho tượng được tạc khéo léo đến độ đứng ở góc độ nào cũng đều cảm thấy dường như tượng quay mặt về phía chúng ta, điều này làm nên thần thái kỳ lạ của tượng.
Tượng Bồ-tát Quán Thế Âm chùa Mễ Sở: kỷ lục nhiều tay nhất
Tượng Quán Thế Âm chùa Mễ Sở là pho tượng cổ có nhiều tay nhất ở nước ta, tới 1.113 tay. Bồ-tát Quán Âm được tạo tác bằng gỗ mít, toàn bộ tác phẩm cao 2,8m. Từ chỏm đầu tượng tới mặt ngồi cao 140cm, bệ cao 53 cm, tòa sen cao 23cm. Khuôn mặt tượng thanh thoát, thuần hậu, thân hình thon thả, tạo nên một pho tượng đẹp cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện.
Tượng có 21 đôi tay lớn, trong đó đôi tay chính thứ nhất chắp trước ngực, mang ấn “chuẩn đề”, đôi tay còn lại đưa lên phía trên đỡ các đài sen và tượng Phật nhỏ. Ngự trên đó có bộ tượng Di Đà Tam Tôn, với Phật A Di Đà tọa thiền trên đài sen, Quán Âm và Đại Thế Chí đứng cưỡi mây ở hai bên.
Ở dưới tượng A Di Đà lại cũng có tượng Thích Ca ngự trên tòa sen. Trên đầu các pho tượng này có nhiều mây và rồng kết thành vòm, giống như một tòa cửu long ngự ở trên đỉnh của tác phẩm. Các đôi tay lớn của Quán Thế Âm đều mang nét mềm mại, uyển chuyển, các cánh tay tròn lẵn, để trần, được chắp vào ở hai cạnh sườn trong tư thế cao thấp khác nhau. Độ mở của các cánh tay vừa đủ để cao mà không che khuất pho tượng.
Ngay sát phía sau các tay lớn là hệ thống tay nhỏ với gần 1.100 tay, mắt được kết thành 10 lớp mọc theo từng cặp cân xứng. Các tay nhỏ của tượng được thể hiện với những cánh tay dài thon thả, các mắt tượng được đặt trong lòng bàn tay kết ấn cam-lồ, các cánh tay này dài ngắn khác nhau theo độ mở dần lấy đầu tượng làm trung tâm, khiến chúng như còn mang một chức năng kết hợp tạo thành hào quang. Mười lớp tay mắt này được chia làm 3 phần lớn, tạo cảm giác như có ánh hào quang tỏa ra từ đầu tượng. Phía trên đầu tượng ở mũi hào quang chạm nổi hình đám mây với những cánh tay nhỏ đan đều như những cánh chim trong tư thế bay xuống. Con chim này đã tránh cho vầng hào quang nét “vô duyên” của tạo hình, gợi mở cho người xem trí tò mò về Phật pháp.
Ngoài tập hợp các cánh tay được ghép thành hình vòng cung như tượng ở chùa Bút Tháp, các tay còn được phát triển tiếp lên phía trên đầu vị Phật, tạo thành các đường vòng uốn khúc liên tục như những đám mây cuộn.
Đặc biệt, các tay nhỏ của Quán Thế Âm không chỉ tạc từ cánh tay trở ra như tượng chùa Bút Tháp, mà còn có thêm phần gập của khuỷu tay. Đôi tay trên cùng được chụm lại ở phía trên đỉnh của mũ thiên quan (được gọi là tay Đảnh hóa Phật), hình thức này được làm theo khuôn mẫu của tượng Phật Trung Quốc. Điểm ấn tượng nhất của pho tượng này là có thêm một đôi tay ở sau lưng tượng (được gọi là tay Phổ Lễ), việc này làm cho bức tượng có thêm một không gian nữa, tạo thành không gian đa chiều cho việc thưởng thức nghệ thuật tượng.
Một nét khác biệt, là ở phần bệ tượng của chùa Mễ Sở không có hình tượng quỷ biển (rồng đội tòa sen) như ở chùa Bút Tháp và chùa Đào Xuyên, mà đài sen ở đây được đặt lên một bệ 4 tầng. Quán Thế Âm của chùa Mễ Sở là một trong những pho tượng gỗ rất tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Sự hoành tráng của pho tượng làm cho ta thấy được sự sống động vượt khỏi giới hạn hình thể, trở thành sự tự hào của điêu khắc tượng Việt, mang nhiều nét sáng tạo mà vẫn phản ánh được tinh thần nhân ái của đạo Phật và tâm hồn Việt Nam.
Một góc chùa Mễ Sở - Ảnh: M.K
Chùa Mễ Sở được khởi dựng từ thời Lê, nhưng do chùa nằm cạnh đê sông Hồng, thường xuyên bị nước lụt, thời tiết hủy hoại, vì vậy dấu tích kiến trúc hiện còn chủ yếu được trùng tu lại vào cuối thế kỷ XIX. Tòa Tam bảo của chùa không lớn, hệ thống tượng Phật khá đơn giản. Công trình kiến trúc đặc sắc nhất còn lại là gác chuông xây bằng gạch, cao 2 tầng. Bảo tượng Thiên thủ thiên nhãn được bài trí trên ban thờ ở tầng hai của gác chuông này, cùng với một quả chuông cao 0,95m, đúc vào năm 1822. Chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1988.
Chùa Mễ Sở nằm giữa một làng quê trù phú của xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đầu thế kỷ XIX, Mễ Sở là một tổng lớn thuộc phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng. Quanh vùng có rất nhiều di tích lớn như đền Dạ Trạch, chùa Phú Thị, chùa Nhạn Tháp, Bãi Tự Nhiên… Đây cũng chính là vùng đất của truyền thuyết Chử Đồng Tử- Tiên Dung.
Kể rằng, Tiên Dung là con gái của Hùng Vương, rất xinh đẹp và thích đi du ngoạn, thưởng thức cảnh trời mây, sông nước... Một đoàn thuyền của công chúa du ngoạn xuôi sông Hồng. Đến vùng Mễ Sở, công chúa thấy bờ bãi bên sông đẹp quá, lệnh cho quây màn trên bãi sông cho nàng tắm mát. Chẳng ngờ dưới chân nàng lộ ra một chàng trai trẻ. Đó là Chử Đồng Tử, một ngư dân đánh cá, nghèo đến mức không có tấm khố che thân. Khi thấy có đông người rời thuyền lên bãi, hoảng quá, chàng liền vùi mình xuống cát. Không ngờ công chúa lên tắm đúng chỗ chàng nằm. Như duyên trời định, Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử làm chồng. Tiên Dung cùng chồng ở lại nơi bãi sông, chung sức với nhân dân khai phá vùng đất mới, lập làng, mở chợ.
Sử sách cũng kể rằng, vào năm 1285, quân Mông Nguyên sang xâm lược nước ta, phụ nữ nơi đây ngày đêm giã gạo, cung cấp và vận chuyển lương thảo cho đội quân của vua Trần đánh giặc. Bởi vậy, khi đất nước ca khúc khải hoàn, vua Trần khen thưởng cho nhân dân và đặt tên mới cho vùng đất này là “Mễ Sở” (kho gạo).
Lí Học. Bệ tượng là Nguyễn muộn rồi, bình thường. Còn lại thì cái gì cũng đẹp, đặc biệt là xếp tay. Thú vị ở chỗ, sau khi bị mất trộm, các cụ mới đếm lại tùng bàn tay thì số bàn tay có không như trước đây công bố.
Trả lờiXóaVicky Le.
Tượng nay mô tả Quan Âm Thiên Thủ nhưng lại nhiều nét của Quan Âm Chuẩn Đề , tay ấn chính cũng thế , có vẻ phong cách gần gũi với pho chùa Tây Phương .