Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Hãy đọc Trời Hôm Ấy Không Có Gì Đặc Biệt

Tác giả Phan An
Trông anh chàng này thích ghê!
Phan An sinh năm 1985, hiện ở Sài Gòn, nhìn chàng rất  thư sinh, dễ thương. Tôi đã đăng một bài viết của anh lấy trên blog Thuyền lá tre. Bạn có muốn điểm tin thư giãn hãy đọc website lacai.org do nhóm của anh lập. Vui và hóm lắm!

Vẫn nhớ trong lòng cậu bé đẹp trai, có tài ấy ấy. Nay được nghe giới thiệu về tác phẩm mới của anh. Xin giới thiệu với lòng mến yêu, ngưỡng mộ.

*****
Hãy đọc Trời Hôm Ấy Không Có Gì Đặc Biệt như xem một cuốn album của một người thợ ảnh trẻ, nhưng cực kỳ tinh nhạy và tài ba. [...] Nhiều lúc, Phan An làm tôi nhớ đến nhân vật Holden Caulfield trong quyển The Catcher in the Rye (đã có người dịch là "Bắt trẻ đồng xanh"), tác phẩm kinh điển của nhà văn Mỹ J.D. Salinger. - GS Trần Hữu Dũng, Đại học Wright, Ohio, Hoa Kỳ.

Anh cũng thấy như GS Trần Hữu Dũng. Với lại đọc sách giấy thì lúc nào cũng sướng hơn đọc bản PDF. - Nhà văn Phan Triều Hải.

Cuốn sách đã làm thay đổi cuộc đời tôi: Trời Hôm Ấy Không Có Gì Đặc Biệt. Haha. Mơ đi cưng. - Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Đọc đi nhé bạn, cái này bí mật lắm đấy, một mình bạn được biết thôi. - Hùng thầy đề (nhân vật).

Ví dụ, năm lớp ba tôi học chung lớp với thằng Câu. Thật ra tên thật của nó không phải là Câu. Bố nó cũng không phải tên Câu, bố nó tên Bồ hay tên Phao gì đó. Mẹ nó thì tên là Bích. Vì sao người ta gọi nó là Câu tôi không nhớ, hoặc đơn giản là tôi không biết. Tôi chỉ nhớ năm đó cô giáo cho bài tập làm văn như sau "Chó là người bạn lâu đời nhất của con người, cho nên em hãy tả con chó nhà em đi còn chờ gì nữa." Đó là một đề tập làm văn rất kinh điển, rất cổ kính, có thể nói là kinh điển và cổ kính như cột cờ Hà Nội vậy. Ai trong đời cũng phải tả chó một vài lần, cùng với chú lợn, cô gà trống, bé Hoa mới sinh, cái trống trường em, ông nội vân vân. Có lẽ bạn cũng còn nhớ, trên đời này lợn nào lợn nấy tuyền đều to bằng cái phích nước, gà trống nào gà trống nấy đều vỗ cánh phành phạch gáy gọi bạn dậy học bài mỗi sáng tinh mơ, mẹ bạn bà nào bà nấy lúc nào cũng vừa mới sinh em bé hôm qua, em bé nhà bạn đứa nào đứa nấy đều có cặp má lúm đồng tiền xinh xắn và cổ tay tròn từng ngấn như tôm hùm, ông nội bạn ông nào ông nấy râu tóc bạc phơ như một ông tiên hay ngồi đánh cờ tướng với ông Tám nhà bên cạnh cũng râu tóc bạc phơ như một ông tiên khác, bà ngoại bạn bà nào bà nấy đều thường vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa kể chuyện Tấm Cám Thạch Sanh cho bạn nghe, còn cái trống trường bạn thì cái nào cái nấy cũng đều kêu tùng tùng như thúc giục bạn hãy đến trường chăm chỉ chuyên cần cho dù đài đang báo bão số bốn gió giật cấp mười một và trụ điện bị thổi ngã bổ chỏng khắp khắp. Một đôi khi bạn cũng muốn tả con lợn nhà bạn to bằng bà Tư đầu xóm, con gà trống của bạn đang gân cổ gáy thì bị bà chị dâu trùm bao bố cắt cổ lấy bộ tinh hoàn cho ông bố chồng ăn lại sức sau những đêm nhún mông khó nhọc, mẹ bạn suốt ngày ăn mắm cáy sau khi bạn có đứa em gái thứ ba, bố bạn tát mẹ bạn mà bảo là bà mẹ mày cái loại đàn bà không biết đẻ đái đếu gì cả, ông nội bạn trọc đầu vì xạ trị ung thư hay nằm vắt chân chữ ngũ trên bộ ván ngựa mà phê bình chế độ độc tài toàn trị của Saddam Hussein, trong khi bà ngoại bạn ngồi bệt ngoài hiên vừa lần chun quần đếm mấy tờ tiền bán ve chai lúc sáng vừa chửi thằng ăn cắp đểu giả, và cái trống trường bạn nó kêu reng reng như tiếng chuông điện, nhưng vì nhiều lí do chủ quan cũng như khách quan mà người ta không cho bạn được như nguyện. Dù sao thì ở đây tôi cũng không bàn đến những chuyện ngoài lề vô nghĩa ấy. Tôi chỉ bàn đến chuyện con chó.

Nay chúng ta quay lại chuyện con chó.

Năm lớp chín tôi ngồi cùng bàn với thằng Dương. Nó là một thằng già hơn tuổi, mặt mày lúc nào cũng có vẻ nghiêm trọng, vả nó lại mọc râu với lông nách trước tiên, nên chúng tôi nhất tề gọi nó là thằng Dương cụ. Ban đầu thì Dương cụ được bầu làm thủ quỹ của lớp nhờ cái vẻ chín chắn hơn người của nó, nhưng mới được nửa học kì thì nó đã lấy tiền quỹ đi chơi trò đua xe Modo hết ráo cả, nên cô chủ nhiệm quyết định thuyên chuyển nó sang làm lớp phó kỉ luật sau khi nghiến răng xuất tiền túi ra mua tre đan rổ dựng cổng chào trong ngày hội Đoàn. Nói một cách công bằng thì với tư cách một thằng lớp phó kỉ luật, Dương cụ rất là ngay thẳng. Nó xin cô cho ngồi bàn cuối, bên cạnh tôi, bất chấp việc bị cận đến bốn độ rưỡi, chỉ để mỗi tiết học lăm lăm cuốn sổ thi đua, rình xem đứa nào nói chuyện trong lớp thì đánh dấu lại đặng cuối tuần đứng lên phê bình bằng thứ giọng Bắc giả lơ lớ, đại để "Tôi không đồng ý với thái độ của bạn," "Là thiếu niên nhi đồng và tất nhiên cũng là thiếu nhi, chúng ta phải cố gắng học hành để khỏi phụ lòng bố mẹ thầy cô và mái trường," "Đề nghị bạn Chi Đỡi đừng ngoác mõm ra cười nữa mà hãy nghiêm túc lắng nghe bản kiểm điểm tuần này" vân vân. Dưới sự quản lí mẫn cán và hà khắc của nó, chẳng bao lâu lớp tôi trở thành cái lớp có kỉ luật nhất trường, năm thì mười thuở mới có đứa đi trễ, cúp cua hoặc không đeo huy hiệu. Thầy hiệu phó kỉ luật lấy làm hài lòng lắm, đến mức thầy đã tuyên dương nó trước trường ba tuần liên tục, chính thầy là người khởi xướng cách nói ví von "thẳng như Dương cụ," và mỗi lần gặp nó thầy đều âu yếm xoa mái đầu xoăn tít mà gọi nó là "Dương cụ của thầy."

Thế rồi một buổi trưa đi học về tôi thấy ông Hai Cụt đang đứng vung cây nạng bên hàng rào nhà thầy Sừu mà chửi bới loạn cả lên rằng làm thằng thầy giáo nhân dân mà như thế à, bố mày ôm súng AK xung phong đến cụt cả chân không phải để cho những thằng thầy lợn như mày đi ngủ với con gái nhà người ta đến có chửa nhé, mày khốn nạn vậy nên con vợ mày nó trốn xuống suối vàng là đúng lắm, đuỵt con mẹ mày chứ lị. Tất nhiên thầy Sừu của chúng tôi lúc đó chưa phải là thầy giáo nhân dân, thầy chỉ mới được đề cử danh hiệu nhà giáo ưu tú thôi, nhưng ông Hai Cụt không màng sự thật ấy. Ổng chửi rất kinh, có lẽ còn kinh hơn cả cái lần vạch quần quay chim trước nhà ông Luận lãng mạn mà đòi lương thu tiền rác. Ổng vừa chửi vừa nhảy loi choi, ổng huơ cây nạng mãnh liệt, và ổng kêu "Thằng Sừu dâm tiện bước ra đây!" Nhưng thầy Sừu không ra. Thầy đứng bên kia hàng rào, đằng sau cánh cổng đã được khóa cẩn thận, trong bộ quần tây áo sơ-mi thẳng nếp, mặt thầy hơi ngửa lên trời, thầy nhìn ông Hai Cụt nhảy bằng ánh mắt ấm áp mà nghiêm nghị đằng sau cặp kính, rồi một hồi thầy cất giọng trầm hùng, thanh quản thầy rung lên, môi thầy chúm chím, thầy nói:

"Mi có ngon vô đây!"

"Mày ra đây!"

"Mi vô đây!"

"Mày ra đâyyyy!"

"Mi vô đâyyyy!"

Rầm một cái, ông Hai Cụt lấy hết sức bình sinh táng cây nạng i-nốc vào cánh cổng, làm nó đổ sập xuống, một đám bụi mù bốc lên, thấy mờ mờ bóng ổng lao tót vào như chiếc xe tăng tiến vào cổng dinh Độc Lập. Thầy Sừu có lẽ hơi bất ngờ trước chất lượng cổng nhà mình, nên tôi thấy mặt thầy hơi biến sắc, thầy không ngẩng mặt lên trời nữa, thầy hạ mặt xuống, thầy giơ chân trái mang chiếc giày tây bóng lộn lên trước, thầy lại đánh hai tay sang trái, và thầy bắt đầu chạy quanh sân.



·       Mua ở đâu?
Sau khi sách phát hành (vài ngày nữa), bạn có thể mua tại các nhà sách có biển hiệu "Nhà Sách" trong và ngoài nước. Hoặc bạn cũng có thể đợi một thời gian rồi ra tiệm sách cũ, sách giảm giá, sách thanh lí, sách giả vân vân.

Thông tin thêm.

Saigon Media xuất bản.
Bìa do Bút Chì vẽ. Minh họa của Phan An.
Số lượng in: 2000 bản trắng đen, giá 60000 đồng (hai tô phở) mỗi cuốn, và 100 vài bản màu bìa cứng không có giá, liên hệ chính chủ.

Xin cảm ơn
Giáo sư Trần Hữu Dũng vì lời giới thiệu từ bên kia trái đất.
Nhà văn Hồ Anh Thái vì sự động viên khi cuốn sách có nguy cơ đắp chiếu.
Hơn hết là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Không có chị thì cuốn sách này đã không thấy được ánh mặt trời, bất kể trời hôm ấy đặc biệt hay không có gì đặc biệt.

Lời giới thiệu viết cho Phan An

Sau khi đọc “Trời hôm ấy không có gì đặc biệt” của Phan An
 Trần Hữu Dũng

Dù đã nghe một số bạn bè nói về Phan An với nhiều cảm tình, và đôi khi có viếng website lacai.org  mà Phan An cho biết (một cách không cần thiết!) là lấy cảm hứng từ website viet-studies của tôi, tôi chưa hề gặp và quen biết Phan An. Thật là một vinh hạnh cho tôi vì, không biết vì lý do nào, Phan An gởi cho tôi xem trước bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay này của Phan An.

Tôi ngạc nhiên và thán phục.

Hãy đọc Trời Hôm Ấy Không Có Gì Đặc Biệt như xem một cuốn album của một người thợ ảnh trẻ, nhưng cực kỳ tinh nhạy và tài ba.  Độc giả cùng thế hệ với Phan An sẽ nhận ra chính mình trong đó.  Còn những người nhiều tuổi hơn (hay... rất nhiều tuổi hơn, như tôi) thì sẽ thấy lại trong quyển này những mảnh vụn của một thuở thanh xuân mà mình đã mất.  Mĩm cười và thương mến.  Nhưng chẳng phải vậy thôi, bởi vì tôi nghĩ nó cũng là những dấu vết của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay: Một tuổi trẻ thông minh và nghịch ngợm (như mọi nơi, mọi thời) nhưng đã trải nghiệm (với không ít buồn thảm, đớn đau) vô số biến động lịch sử và xã hội.  Lắm khi thất vọng với thế hệ đi trước (và ai lại không thông cảm sự thất vọng ấy?) tuổi trẻ của Phan An nhìn về tương lai với không ít xao xuyến, âu lo. Có cái gì bất ổn (dường như họ cảm thấy như vậy) ở tương lai ấy. Nhưng họ vẫn lạc quan. Đọc kỹ Phan An sẽ thấy bàng bạc điều này: Ngay trong cái vẻ bất cần chua chát của thế hệ Phan An là sự tin tưởng ở một ngày mai tươi sáng hơn.
  
Nhiều lúc, Phan An làm tôi nhớ đến nhân vật Holden Caulfield trong quyển The Catcher in the Rye, tác phẩm kinh điển của nhà văn Mỹ J.D. Salinger.  Song, không như Caulfield mà sự trưởng thành là đi vào Kiếp Người (tôi viết hoa) với một sự cô đơn và chán chường khó tả, giai đoạn trưởng thành giao tiếp của Phan An ở đây là đi vào một xã hội Việt Nam mới, hoà nhập và vươn lên.

Nhiều độc giả sẽ cho rằng tiểu thuyết này hơi còn xanh, chưa được “chín” cho lắm.  Không sao.  Bởi lẽ, nhìn một cách khác, tác phẩm này chỉ một người trẻ như Phan An mới viết đựợc.  Có thể nó chưa đi vào chiều sâu như nhiều người kì vọng ở một tác giả nhiều tuổi đời hơn, nhưng chúng ta nên hoan nghênh tuổi trẻ của Phan An, và, nói riêng cho mình, tôi ganh tỵ với Phan An và tuổi trẻ ấy. 

Dayton, 30-10-2012

PS.
Khi báo chí “rầm rộ” đưa tin về nữ CSGT “đứng đường”, website lacai điểm tin như vầy.

"Đứng đường" không phải lúc nào cũng xấu!
Đã làm ơn thì làm cho trót. Cho luôn danh sách địa điểm đi, anh em còn tránh.

Nếu chỉ có thế thì tôi thích xem Maria Ozawa múa hơn.

Slogan của phong trào: Đứng đường - không phải lúc nào cũng xấu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét