Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Rau xuân

(Ghi lại để sau này mà nhớ)


Rau muối.
Còn nhớ mỗi độ xuân về, đồng bãi ven sông mướt mát màu xanh của ngô non, cắp cái rổ tre cùng chúng bạn len lỏi trong những ruộng ngô tìm hái rau dại mọc đầy dưới những gốc ngô. Loài rau dại mùa xuân ngon nhất trên đồng bãi với tôi hồi đó có lẽ là rau muối. Rau muối là loại cây thân nhỏ với những chiếc lá hình thoi viền răng cưa xanh xanh tim tím, mặt dưới lá bám đầy những hạt li ty như bụi muối, có lẽ vì vậy mà thành tên.

Mùa xuân rau muối mọc đầy đồng bãi, non mởn, chỉ hái một lúc đã được một rổ đầy. Hồi đó mỗi khi hái rau về, tôi thường ngồi trên chiếc ghế con đặt rổ rau trước mặt rồi thích thú sục đôi tay của mình vào mà vầy mãi để đến khi rút tay ra, trên đôi bàn tay bám đầy những bụi muối ly ty óng ánh.

Mới đấy mà bao nhiêu năm tháng đã trôi qua! Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được cảm giác mát lạnh mềm mướt như nhung lụa của lá rau bao bọc lấy đôi tay thiếu nữ của mình và mùi vị ngòn ngọt chan chát hăng hăng của món canh rau muối.

Mấy năm nay, chừng như biết người phố thèm nhớ những món quê mùa dân dã, vào độ tháng hai tháng ba, dân quê lại hái rau muối bó thành từng bó đem lên Hà Nội bán. Lần đầu nhìn thấy, tôi không thể đừng được, mua về một ôm rồi một mình ngồi trên chiếc ghế con nhặt từng ngọn nhỏ cho đầy một rổ, khe khẽ lùa đôi bàn tay đã bắt đầu khô héo vào đám rau mềm mại tìm lại cảm giác xưa để chợt thấy lòng rưng rưng buồn!

***
Rau khúc

Trên những bãi ngô non mùa xuân ấy, còn một loài rau dại nữa mà lũ con gái chúng tôi tìm hái đó là rau khúc. Ôi chao rau khúc, loài rau mà mỗi khi nhắc đến sẽ làm xao xuyến bất cứ ai từng được nếm món bánh khúc đích thực được làm từ nó.
Rau khúc là loài cây dại mọc là là mặt đất, từ thân đến lá đều có một lớp lông trắng mịn màng khiến nó mang màu xanh ngọc. Cứ từ sau khi gặt xong vụ mùa là rau khúc bắt đầu mọc hoang trên khắp cánh đồng, nhưng phải đúng vào sau tết mới là lúc rau khúc ngon nhất. Những cánh lá khúc nếp mỡ màng bóng ngời dưới mưa xuân rây rây. Lũ con gái chúng tôi bấy giờ, má đỏ hây lên vì rét, ngón tay lạnh cứng mà vẫn cố tìm cho được rau khúc nếp, nhặt cho đầy chặt rổ mới chịu về. Tôi còn nhớ sau khi hái rau về, tôi và chị gái loay hoay nhặt rửa sach sẽ, để ráo nước, cho vào cối đá giã nát rồi trộn với bột nếp rắc chút muối nhào thành một thứ bột mịn màu xanh lục, sau đó dùng đậu xanh đã ngâm đãi kỹ đồ chín xào với mỡ nước để làm nhân. Mấy chị em tôi ríu rít ngồi nặn bánh trong căn bếp nhỏ. Vỏ bánh màu xanh lục, bọc lấy viên nhân đậu vàng bóng thành những chiếc bánh xinh xinh. Xong xuôi bánh được xếp vào chõ sành đồ lẫn với gạo nếp. Khi bánh chín, mùi thơm hăng hắc của rau khúc quện với mùi thơm của nếp cái, của đỗ xanh tỏa lan khắp nhà. Cái bánh khúc quê xưa thật mộc mạc thanh tao, chỉ nhỏ bằng quả bóng bàn, xanh đậm màu rau khúc chín, bám bên ngoài là những hạt xôi nếp trắng trong căng mọng thơm lừng. Bột nếp cái trộn chút bột tẻ cho đỡ nát kết hợp với rau khúc khiến vỏ bánh vừa dẻo vừa dai vừa dòn vừa thơm, vị béo bùi của đậu xanh xào mỡ nước chỉ như điểm thêm cho vị bánh đậm đà hơn. Người xưa ăn bánh khúc như để thưởng thức mùa xuân vậy.
  
(tùy bút Kim Anh)

2 nhận xét:

  1. Bây giờ bữa nào đi chợ cóc mà gặp những người ở quê mang rau dền cơm, rau sam, rau muối là thế nào tôi cũng mua về nấu canh cho các con ăn, mỗi khi như vậy lại có dịp ôn lại kỷ niệm ngày thơ bé...
    Chỉ tiếc rằng bây giờ đi chợ không bao giờ còn được gặp mớ tép gạo, con nào con nấy bụng đầy trứng nhảy tanh tách lên thành rổ như những lần tôi đi đổ đó ngày xưa.

    Ôi cái ngày xưa ấy...

    Trả lờiXóa
  2. Vườn nhà tôi cũng trồng rau muối, nấu canh cáy, bọn trẻ ăn cằn nhằn: Ông ơi rau có cát.
    Đúng là chíp hôi, không biết gì ...

    Trả lờiXóa