Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

SỐNG TRÊN ĐỜI CẦN CÓ MỘT TẤM LÒNG

Sống ở trên đời cần một tấm lòng  
(từ blog XuanBinh)
Gửi con gái yêu quý!

Lần này lên Hà Nội con ở nhà anh trai mẹ con. Chị con có gửi cho chú hồ sơ xin việc. Thứ hai, thứ ba, thứ tư…ngày nào chú cũng bồn chồn đợi con. Một phần quá bận với công viêc mới nên chú không qua lấy được. Phần khác chú thử đợi con mang hồ sơ đến và thay mặt chị con nói một câu chuyện nghiêm túc với cô chú. Chú tưởng tượng giọng nói thể hiện tình cảm, trách nhiệm của con với chị gái yêu.

Nhưng chờ mãi không thấy, chiều 16 tháng 6, chú chuẩn bị về sớm một chút để qua chỗ con. Đúng lúc đó, công ty sản xuất chương trình truyền hình gửi kịch bản để chú xem và duyệt lại lần cuối trước khi đưa sang đài phát sóng. Chú mở kịch bản ra mà trong lòng rỗng tuếch. Mặc dù chú đã nhiều lần ngọt nhạt, thiết tha đề nghị với đơn vị sản xuất phải cử người viết kịch bản đi cùng trong mỗi lần đoàn làm phim đi quay. Người viết cũng là người kể chuyện, họ phải đi, phải sống, phải tự cảm nhận rồi mới kể, mới chuyển tải thông tin, cảm xúc tới người nghe, người xem. Đó là nguyên tắc tối thiểu của báo chí. Vậy mà, người viết lại chỉ ngồi nhà xem phim đã quay rồi…bịa ra lời bình hay uốn éo nói leo. Trước đó chú được thông tin vỏn vẹn người viết lời bình là một cây bút…giỏi và chuyên nghiệp?! Bộ phim của chú quay về một resort. Từ những giải pháp phong thủy, kiến trúc sư muốn đưa hình ảnh bến nước,cây đa, sân đình vào kiến trúc hiện đại. Người quay phim quay cận cảnh những giọt nước rơi quanh một đài phun nước nhỏ và cảnh du khách đi trong hành lang dài. Chẳng hiểu vì đâu người viết kịch bản lại viết rằng: Đó là khu thủy đình nằm bên gốc đa với những nhà xuyên đường bao quanh để khách nghỉ chân hay ngắm cảnh khi mưa lớn hay thời tiết xấu.

Chú tức phát điên lên. Làm sao có thứ báo chí khinh bỉ người xem đến thế được nhỉ? Phải mất hơn 5 giờ để biên tập lại bài viết. Phải mất công như thế để giữ lại tối đa “chữ’ của người viết mà hành văn cũng sạch nước cản. Chăm chút như vậy để người viết vẫn thấy được……… tôn trọng !?

Xong việc, chú lái xe đến chỗ con. Trời vẫn tiếp tục đổ mưa lớn. Trận mưa được báo chí khẳng định là lớn nhất trong nhiều năm qua. Mọi con đường tắc nghẽn. Hà Nội đang trở thành một lòng hồ. Ô tô của chú sắp thành ca nô. Chú ngồi chết dí trong xe để ngắm những giọt mưa vỡ ra trên mặt nước đen quánh.

Chẳng hiểu vì đâu, khi cố nhắm mắt quên đi những vòng tròn vô cảm ấy thì cũng là lúc chú nhớ đến những vết rách trên áo mayo của bố con. Anh trai của chú, bố của con là một người lính hải quân. Áo lót của lính ngày ấy may bằng một thứ vải thun. Mỗi chiếc áo Bố con thường mặc hơn năm năm mới chịu bỏ đi. Áo mới được phát bố con lén đem đi bán ngoài chợ trời để thêm vào đồng lương nhà giáo còm cõi của vợ để nuôi các con. Mỗi khi áo cũ bị mủn rách, vết rách thường loang ra trông rất giống cái miệng cười của anh hề vừa nhăn nhở vừa hài hước. Có một lần lặng lẽ đạp xe theo bố con, chú nhìn sâu vào những vết rách lồ lộ sau sơ mi trắng phếch của lính hải quân. Bất ngờ hôm đó trời cũng đổ mưa, những vết rách tròn của mayo trở nên thâm đen. Chú như nhìn thấy những vết thủng lớn trên thân thể bố con.

Ngày chú đi học đại học, bố con nghe tin chú phải bán báo trên tàu Hà Nội- Hải Phòng để kiếm tiền sống. Bố con buồn lắm nhưng chẳng biết làm gì để giúp em. Hàng ngày, một đứa trẻ ăn sáng cũng mất 1000 đồng xôi nhưng lúc nào bố con cũng chỉ ăn 500 mà thôi. Một lần lên Hà Nội bố con phát hiện ra mình đã dính bạo bệnh. Không đủ tiền chiếu chụp, mua thuốc nhưng bố con vẫn giành tiền mua cho chú nửa chỉ vàng dặn là để phòng khi có việc cần thì có tiền mà tiêu. Trong lúc cúi gằm mặt nhận chỉ vàng từ tay bố con, chú kịp nhìn thấy trên áo lót của bố con vẫn loang đầy những vết rách thẫm đen. Con có một người bố chỉ biết tằn tiện lo toan cho vợ con. Chú có một người anh đầy trách nhiệm.

Vậy mà sao chú cảm thấy con không giống bố. Mà hình như con cũng không giống cả mẹ và chị. 13 năm trước, bố con mất đi, mẹ con câm lặng vượt qua bao bệnh tật, vật vã dạy thêm để có tiền nuôi các con ăn học. Chú không hiểu nổi mẹ con, người phụ nữ chỉ có thân nhiệt gần 36 độ C, một thể xác luôn thường trực trạng thái …”chết rồi” vài lần trong tuần. Chú không tưởng tượng nổi mẹ con lấy đâu ra ý chí để trở thành một giáo viên xuất sắc nhất ngành giáo dục? Chú xúc động khi thấy không biét bao phụ huynh vật nài mẹ con nhận dạy thêm cho con cái họ. Họ biết chắc rằng con mình được cô giáo ấy chăm nom thì chắc chắn sẽ thành con ngoan, trò giỏi. Chú luôn ước ao lúc nào cũng rạng rỡ một nụ cười như mẹ con. Dường như mẹ con sống là vì các con. Mẹ con sống để hàng đêm vẫn mơ gặp bố con….Với chú, chẳng cần thiết phải ngu muội và giả dối gào lên: học tập tư tưởng sáng ngời, đạo đức vỹ đại của ai cả. Với chú, Mẹ con là một tấm gương, một hình mẫu lớn nhất.

Vậy mà tại sao con để cho mẹ cảm thấy bất lực trước những tính cách khác thường của mình? Vì sao có lần mẹ ốm, con ôm máy tính chát chít đến khuya, không một lời thăm hỏi? Tối đó mẹ con nhịn đói tới khi chị con đi học về. Con nói rằng mẹ gọi nhỏ quá con không nghe thấy. Trời ơi, 15 năm qua, mẹ con đã xả thân vì các con mà có đợi các con một lần lên tiếng đâu. Bao năm qua, mẹ con có một lần nghe tiếng gọi yêu thương của bố con nữa đâu…

Có lần lên nhà chơi, chú cứ ớ người ra khi con tự cho quyền mình vào phòng riêng bật điều hòa (trong những ngày trời chưa nóng) rồi ôm máy tính đến gầ
n 3 giờ sáng. Chú chẳng muốn là một kẻ đo lọ nước mắm ngắm củ dưa hành nhưng tiền điện cho máy điều hòa hoom đó ước tính hơn 8000 bữa sáng của bố con. Con cứ hồn nhiên ồn ào ở tầng trên mặc cho cô đau đầu không ngủ được ở ngay phòng dưới? (con có nhớ cô bị u não không?).

Khi người giúp việc bị tai nạn, cô đã dặn ở nhà có việc gì thì đỡ đần, vậy mà con vẫn tiếp tục miệt mài online?

Vì sao biết chú rất bận, con có thể đi chơi vô tư cùng các bạn trai để chú ngồi ngoài ô tô chờ đến hơn 10 giờ đêm? Thực sự chú chưa hiểu nổi.

Con gái yêu quý! Chú rất mừng là con học khá giỏi. Chú rất thích tính hiếu thắng của con. Chú sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền bằng nửa tháng lưong của mẹ con để mua cho con một cặp kính thời trang hơn. Cô đã may cho con những bộ áo váy mới thật đẹp, sang trọng và … rẻ nữa. Con gái rất cần biết làm đẹp. Chú đã không tiếc tiền giúp con mua sách, học thêm hay đi chơi. Mẹ con ngại internet và sợ con không tập trung học tập. Chú sẵn sàng đầu tư mọi chi phí và cố hết sức thuyết phục mẹ con rằng in tờ lét là một công cụ vỹ đại của nhân loại.

Chú tôn trọng và khích lệ ước muốn trở thành một cây bút nổi tiếng của con. Nhưng chú nói thực, nếu không biết quan tâm, tôn trọng người khác, con lại sẽ giống như người viết kịch bản truyền hình vừa làm cho chú khốn khổ. Họ là những người chẳng cần quan tâm đến ai và hồn nhiên viết ra những điều không đúng, những điều chẳng có giá trị nào cho cuộc đời này! Xuẩn!

Lúc này, chú đang rất muốn được ôm chặt lấy con và hát thì thầm câu hát của trịnh Công Sơn: Sống ở trên đời cần một tấm lòng!
Nguồn ở đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét