Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Vẻ đẹp phụ nữ Nhật qua các thời kỳ lịch sử

 


Vẻ đẹp phụ nữ Nhật
qua các thời kỳ lịch sử

Như thế nào là một người đẹp? Mỗi nền văn hóa khác nhau lại có những tiêu chuẩn riêng để định nghĩa khái niệm này, và thậm chí trong cùng một nền văn hóa thì quan niệm về vẻ đẹp cũng không ngừng biến đổi. Vậy liệu một mỹ nhân được ngưỡng mộ vào thời Heian có được đánh giá là đẹp theo quan điểm hiện đại?  

Từ “美人 – Bijin” được ghép từ chữ “美 – MỸ” và chữ “人 – NHÂN”, trong tiếng Nhật dùng để chỉ “người đẹp”. Lần này, hãy cùng Kilala bước vào hành trình khám phá vẻ đẹp của các giai nhân Nhật Bản ở những giai đoạn nổi bật trong lịch sử, chứng kiến sự thay đổi của tiêu chuẩn sắc đẹp trong hơn 1.000 năm qua.

Thời Heian (794-1185)

Người đẹp thời Heian sở hữu nhiều nét khác biệt so với tiêu chuẩn sắc đẹp thời hiện đại. Đặc điểm của mỹ nhân thời này là thân hình đầy đặn, khuôn mặt tròn và phúng phính, mắt dài và hẹp, lông mày vẽ đậm, miệng chúm chím, làn da trắng sứ cùng mái tóc đen dài óng ả.

Vào thời đại này, có rất ít người được ăn uống đầy đủ nên phụ nữ có thân hình đầy đặn được coi là xinh đẹp, tượng trưng cho sự giàu có.

Còn về làn da trắng, ở thời Heian, các cung điện nơi quý tộc sinh sống không được xây dựng để đón ánh sáng mặt trời, bên trong tối đến mức cần thắp đèn vào ban ngày. Người ta nói rằng, phấn trắng được ra đời vào thời này nhằm giúp các nữ quý tộc trông nổi bật hơn dưới ánh sáng lờ mờ.

Phụ nữ đẹp thời Heian có gương mặt và cơ thể đầy đặn. Ảnh: rtbank.co.jp

Ngoài ra, do chất lượng phấn kém nên khi để lâu sẽ bị khô và bong tróc trên da, vì vậy họ sẽ thường phủ một lớp phấn rất dày. Nhìn vào những bức tranh cuộn thời này sẽ thấy phụ nữ thường dùng quạt che mặt và họ cũng cố gắng hạn chế cười để ngăn lớp phấn trắng bong ra.

Mái tóc đen dài cũng được cho là cần thiết để làm nổi bật khuôn mặt và độ trắng của da. Lông mày được cạo và vẽ lại bằng mực ở vị trí cao hơn một chút so với lông mày thật.

Bên cạnh đó, phụ nữ quý tộc thời Heian còn có tục nhuộm răng đen (được gọi là ohaguro) để tăng tính thẩm mỹ, đồng thời duy trì hàm răng khỏe mạnh.

Và nhắc đến biểu tượng sắc đẹp thời Heian, dĩ nhiên phải kể đến Ono no Komachi, nữ thi sĩ được người Nhật ca tụng là một trong ba mỹ nhân đẹp nhất thế giới (世界三大美人), sánh vai cùng Nữ hoàng Cleopatra và Dương Quý Phi.

Ngày nay, không còn bức chân dung nào của Komachi được lưu lại từ thời Heian, hay nói cách khác không ai biết được mặt thật của nàng. Tất cả các bức họa về nàng đều được vẽ bởi các họa sĩ ở thời đại sau, và sự bí ẩn đó lại càng kích thích trí tưởng tượng của con người.

Tranh vẽ Ono no Komachi của Kano Tanyu, 1648. Ảnh: Wikipedia

Thời Edo (1603-1868)

Đến thời kỳ Edo, tiêu chuẩn sắc đẹp đã có những thay đổi. Làn da trắng, tóc đen dày, mắt nhỏ, khuôn miệng nhỏ tiếp tục được ưa chuộng, nhưng ở thời này, mọi người bắt đầu ngưỡng mộ một khuôn mặt thon với sống mũi thẳng.

Ngoài ra, vầng trán hình núi Phú Sĩ (富士額 – fujibitai), chỉ kiểu đường chân tóc trên trán có hình dạng giống như Núi Phú Sĩ, cũng trở thành tiêu chuẩn. Trán Phú Sĩ, hay chính là trán chữ M, có đặc điểm là khi hất tóc mái lên, khuôn mặt sẽ trở thành hình trái tim.

So với thời Heian, vẻ đẹp ở những bộ phận khác ngoài khuôn mặt như ngón tay hay bàn chân cũng được chú ý nhiều hơn. Người ta nói rằng tất cả những phụ nữ xinh đẹp thời Edo đều có ngón tay thon thả, đôi chân trần xinh đẹp và vẫn rạng ngời ngay cả khi tóc không được tạo kiểu.

Khoảng thế kỷ 18 là thời điểm Bijin-ga (美人画 – Mỹ Nhân Họa) ra đời, đây là dòng tranh khắc gỗ lấy chủ đề về giai nhân. Một bức họa kinh điển thời này là "Toji San Bijin" (nghĩa là "ba mỹ nhân ngày ấy") của danh họa Utamaro Kitagawa (1753-1806), vẽ ba người đẹp Tomimoto Toyohina, Naniwaya Okita và Takashima Hisa. Nhìn vào những mỹ nhân này, dễ thấy họ đều có khuôn mặt dài, sống mũi thẳng và đôi mắt xếch.

Bức họa “Toji San Bijin” của Utamaro Kitagawa. Ảnh: Wikipedia

Đến cuối thời Edo, công nghệ chụp ảnh được du nhập vào Nhật Bản đã dẫn đến những thay đổi về tiêu chuẩn sắc đẹp. Một mỹ nhân đại diện cho giai đoạn này là Kusumoto Takako. Nàng có 1/4 dòng máu Đức, là cháu gái của nhà thực vật học người Đức Philipp Franz von Siebold và con gái của bác sĩ sản khoa Kusumoto Ine - người phụ nữ Nhật Bản đầu tiên được đào tạo về y học phương Tây.

Kusumoto Takako. Ảnh: Wikidata

Thời Meiji (1868-1912)

Tiếp nối xu hướng cuối thời Edo, với sự du nhập của văn hóa phương Tây thì định nghĩa về sắc đẹp đã thay đổi theo hướng gần hơn với thời hiện đại. Khi nhiếp ảnh trở nên thịnh hành, mọi người bắt đầu ưa chuộng những đường nét sắc nét, vốn trông “ăn ảnh” hơn. Mắt hai mí to tròn dần được xem là tiêu chuẩn, trong khi đó việc để lông mày tự nhiên cũng thay thế cho cạo lông mày.

Saito Kichi - một geisha nổi tiếng ở Shimoda, Izu, được cho là đã từng tháp tùng Tổng lãnh sự Mỹ Townsend Harris. Các bộ phận trên khuôn mặt của nàng đều sắc sảo, rõ nét.
Mutsu Ryoko – vợ của chính trị gia và nhà ngoại giao Mutsu Munemitsu cũng là một giai nhân nổi tiếng. Bà có đôi mắt to, hai mí và sâu, khuôn mặt toát lên vẻ sang trọng. Ảnh: ambelo.jp
Geisha Manryu – người đã nhận được 90.000 phiếu bầu để đứng đầu trong cuộc bình chọn độ nổi tiếng của geisha, là một mỹ nhân vào cuối thời Minh Trị.

Từ năm 1870, tục nhuộm răng đen đã bị cấm như một phần của “nền văn minh và khai sáng” của chính quyền Minh Trị, kéo theo việc hàm răng trắng trở thành tiêu chuẩn. Việc để lông mày tự nhiên cũng được Hoàng hậu Shoken tiên phong, trở thành một biểu hiện của vẻ đẹp và sự tiến bộ theo phong cách phương Tây. 

Từ khoảng giữa thời Minh Trị, với sự phổ biến của thẩm mỹ phương Tây thì thực hành thẩm mỹ của Nhật Bản cũng theo hướng tự nhiên hơn. Việc phủ phấn trắng dày vẫn phổ biến theo truyền thống nhưng không còn được giới sinh viên nữ tiến bộ ưa chuộng.

Thời Showa (1926-1989)

Không khác biệt nhiều so với tiêu chuẩn sắc đẹp thời Minh Trị, nhưng vẻ đẹp thời Showa vẫn đáng nhớ khi được tô điểm bởi những bông hoa màn bạc và nhiều người nổi tiếng khác.

Truyền hình trở nên phổ biến với người dân, và những nhân vật xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng như diễn viên, ca sĩ, thần tượng trở thành hình mẫu của cái đẹp.

Sinh ra tại Kanagawa, Hara Setsuko là nữ diễn viên vĩ đại của thời Showa và cũng là một mỹ nhân biểu tượng của xứ anh đào. Setsuko có vẻ đẹp dịu dàng nhưng cũng vừa sắc sảo, là gương mặt xuất hiện trong nhiều kiệt tác điện ảnh thập niên 50, 60. Ảnh: nybooks.com

Thời Heisei (1989 – 2019) đến nay

Khuôn mặt nhỏ hình trái xoan, mắt hai mí to tròn, sống mũi thẳng vẫn là tiêu chuẩn phổ biến nhất cho một gương mặt đẹp trong thời hiện đại. Về đặc điểm hình thể, làn da trắng, dáng người mảnh mai và chiều cao khoảng 160cm cũng được phụ nữ Nhật ưa chuộng.

Nữ diễn viên Ishihara Satomi – biểu tượng nhan sắc của Nhật Bản, thường xuyên góp mặt trong BXH 100 gương mặt đẹp nhất thế giới của TC Candler. Ảnh: cinematoday.jp

Tuy nhiên, với những ảnh hưởng của thời đại, tiêu chuẩn đẹp đã trở nên đa dạng, nhiều màu sắc hơn. Mọi người có thể tận hưởng thời trang và theo đuổi vẻ đẹp không theo khuôn mẫu, bất kể hình dáng cơ thể hay cấu trúc khuôn mặt. Từ phong cách dễ thương (kawaii) cho đến bodikon đầy quyến rũ, hay làn da bánh mật kiểu gangaru..., có rất nhiều phong cách sáng tạo mà những phụ nữ trẻ ở Nhật theo đuổi. 

Và với sự phổ biến của internet, chúng ta dễ dàng tìm thấy những vẻ đẹp đa dạng đến từ khắp nơi trên thế giới. Do đó ngày nay, việc định nghĩa “Bijin” dựa trên một bộ tiêu chuẩn nhất định đã không còn mấy phù hợp với thời đại.

Nữ ca sĩ Amuro Namie vào thập niên 90 đã định nghĩa lại tiêu chuẩn sắc đẹp và sự thời thượng với ngoại hình, phong cách khác biệt. Ảnh: Random J Pop

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Mười lăm phút

 

Ảnh: Ba chị em nhà họ Tống với ba cuộc hôn nhân nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.

Mười lăm phút

Truyện Hà Phạm Phú

NGOẠI TRUYỆN

I. Một cuộc gặp ở sân vận động Tổ chim

Chen là nhà văn chuyên viết tiểu sử các danh nhân. Tôi quen ông trong trường hợp hết sức tình cờ.

Năm 2019, tôi được tham dự một diễn đàn có tên rất hấp dẫn “Đối thoại văn minh châu Á” ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Lúc đó đã tháng 5, trời khá nóng. Lễ khai mạc được tiến hành ở sân vận động Tổ chim, một công trình được xây dựng để phục vụ cho Thế vận hội mùa hè năm 2008. Nghe nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ chủ trì lễ khai mạc. Có lẽ vì thế mà chúng tôi được ban tổ chức đưa đến sân vận động Tổ chim quá sớm. Khu vực khán đài tôi ngồi phần lớn là khách quốc tế. Tôi ngồi giữa một ông già chừng tám mươi tuổi và một phụ nữ Lào xinh đẹp, tay cầm tờ rơi có in lời một bài hát được phân phát khi qua cửa kiểm soát an ninh, lẩm nhẩm đọc.

Dưới sân, xuất hiện một nam nhân tay cầm mic hướng lên khán đài hô to:

– Qi li (Đứng dậy)!

Tôi giật mình, với ký ức ba mươi năm quân ngũ, ngỡ đang ở trong một trại lính. Khán đài thoáng ồn ào, mọi người lục tục đứng lên. Chỉ có tôi và ông già vẫn ngồi. Nam nhân tay cầm mic cất giọng, hệ thống trang âm của sân vận động quá tốt, tôi cứ tưởng gã hét vào tai tôi. Gã gào lên:

– Các người là ai?

Khán đài đồng thanh hét to:

– Chúng tôi là người Trung Quốc.

– Quê hương các người ở đâu?

– Trung Quốc (kéo dài).

Mười giây im lặng. Tiếng nam nhân:

– Bây giờ nghe theo tôi! Tất cả nhìn vào giấy và hát theo tôi!

Tôi quan sát gương mặt khắc khổ rất Quảng Đông của ông già ngồi bên trái tôi. Trầm xuống và hơi tái đi. Cảm giác như sắp có tai hoạ ập đến. Tôi nói:

– Không khí tiền cách mạng văn hoá.

Ông già nhìn tôi:

– Ông biết cách mạng văn hoá?

– Tôi sống ở Trung Quốc thời “Nã pháo vào Bộ tư lệnh”, những bốn năm.

Im lặng. Có thể tôi đã chạm đến nỗi đau nào đó của ông. Bèn lái câu chuyện sang hướng khác. Tôi hỏi ông là người nước nào? Nom ông giống người Lưỡng Quảng. Ông đáp, sinh ở Tương Sơn, Quảng Đông. Từng sống nhiều năm ở Bắc Kinh. Định cư ở Hong Kong. Là nhà văn, chuyên viết tiểu sử danh nhân. Rồi im lặng. Tôi tôn trọng sự im lặng của ông.

Tan cuộc. Ông già đứng dậy, biến khỏi khán đài rất nhanh. Trước khi rời đi, ông có đưa tôi tấm danh thiếp, ghi tên Chen Ding. Chen là họ.

II. Nhà văn chuyên viết tiểu sử danh nhân

Tôi tra trên mạng, gõ tên Chen Ding, tìm được hồ sơ của ông. Tác giả của các cuốn tiểu sử về Tôn Dật Tiên, Tưởng Trung Chính, Tống Khánh Linh.

Tôi có nghiên cứu chút ít về các nhân vật lịch sử Trung Quốc. Tống Khánh Linh là một nhân vật phức tạp. Tôi cũng đã đọc một số sách do các nhà xuất bản ở Trung Quốc đại lục ấn hành. Tôi nhận ra, cùng một góc nhìn. Nhân vật lịch sử cần được soi rọi từ nhiều góc nhìn khác nhau. Đọc tên các tác phẩm của Chen, tôi đoán ông chú trọng miêu tả thân phận nhân vật. Nếu đúng vậy thì rất đáng đọc. Tôi bèn viết thư cho Chen. Đúng nửa năm, từ khi gứi, mới nhận được hồi âm của Chen. Ông nói tình hình Hong Kong đang xấu đi rất nhanh, ông phải thu xếp cuộc sống riêng ổn thoả, nên chậm hồi âm. Sau đây là những gì tôi thu lượm được từ ngày lưu học ở Trung Quốc và tư liệu mà Chen cung cấp.

…………………………………………………

I.

Năm 1966.

Ngôi biệt thự cổ đánh số 46, được xây dựng từ thời Thanh triều, trên đường Bắc Hải, Thượng Hải.

Lúc đó đang là tháng 8, trời thường xuyên có mưa. Nóng. Ẩm ướt. Thời tiết ấy đối với một bà già tuổi bảy mươi tư thì thật không dễ chịu chút nào. Người hầu gái họ Lý, quê Quảng Đông, dọn cơm ra chiếc bàn ăn có lẽ cũng xấp xỉ tuổi ngôi nhà, trịnh trọng nói, mời phu nhân dùng bữa. Phu nhân rời bàn làm việc, cất tiếng nhẹ nhàng như xưa nay vẫn thế, Tiểu Lý em ngồi ăn cùng ta cho có bạn.

Bà già tuổi bảy mươi tư là Tống phu nhân, đương chức Phó Chủ tịch nước.

Người hầu gái nói, canh đầu cá hôm nay nấu theo phong vị Hồ Nam, mời phu nhân nếm thử. Phu nhân dùng thìa sớt một chút canh nếm thử, nói ta thấy mệt mỏi, ăn không ngon miệng, em dọn đi. Nói rồi, Tống phu nhân tự mình đi đến bên chiếc ghế xích đu, nằm ngả lưng.

Dưới phố, các nhóm hồng vệ binh đang diễu hành, gõ trống, đánh phèng la, hô khẩu hiệu Tạo phản hữu lí, tạo một không khí huyên náo và khủng bố cực độ.

Tống nữ sĩ cảm thấy nhức hai màng tai, nhớ lại hôm trước Tiểu Lý nói, cả nước phải bước gấp theo Mao Chủ tịch. Bà không khỏi tự dằn vặt vì không theo kịp tình hình, không hiểu được Chủ tịch Mao.

Đầu năm 1966, Chủ tịch Mao phát động Đại cách mạng văn hoá vô sản, thành lập “Tiểu tổ cách mạng văn hoá trung ương”, đưa vợ là cựu diễn viên điện ảnh Giang Thanh làm Tổ phó. Đến tháng 8, ông viết một bài báo chữ to “Nã pháo vào bộ tư lệnh”, đẩy cuộc cách mạng văn hoá vô sản của ông lên cao trào. “Bộ tư lệnh” gồm những ai trong đảng? Tin tức về cách mạng văn hoá lọt đến tai phu nhân rất ít, loáng thoáng như lá vàng mùa xuân. Viên thư ký thì lựa chọn tin tức, thi thoảng mới cho biết, nên bà càng cảm thấy tù mù với thời cuộc hơn.

Sao lại “Nã pháo vào bộ tư lệnh”? Bà hỏi viên thư ký, mà chẳng có câu trả lời. Một hôm người hầu gái ghé tai bà thì thầm, Hồng vệ binh đã khám nhà Chương Sĩ Chiêu, thu mang đi nhiều tài liệu và sách vở quí. Phu nhân vô cùng sửng sốt. Chương Sĩ Chiêu, một người bạn của bà, một nhân sĩ, một trí thức nổi tiếng đã bị Hồng vệ binh tấn công. Bà nói với Tiểu Lý, Tần Thuỷ Hoàng cũng thu và đốt sách. Mặt người hầu gái méo xệch. Người ta nói toàn quốc phải chấp hành Chỉ thị tối cao của Chủ tịch Mao. Đối với Trung Quốc, Chủ tịch Mao không chỉ là lãnh tụ vĩ đại, siêu phàm, không thể động đến, không chỉ là Hoàng đế mà là Thánh đế. Chúng ta không bao giờ theo kịp Chủ tịch Mao đâu. Bà lắc đầu, lặp lại câu nói của người hầu gái.

Giữa lúc phu nhân lơ mơ nửa thức nửa ngủ thì viên thư ký đẩy cửa bước vào, dâng lên bà một bức thư. Bà đón bức thư, nhận ra bút tích quen thuộc, bút tích của một người họ hàng gần của bà, vẫn cư trú ở Thượng Hải.

Bà rời ghế xích đu, đi đến bàn làm việc, lấy dao rọc giấy, rọc phong bì, mở thư đọc. Thư và ảnh.

Bất ngờ toàn thân Tống nữ sĩ run lên, lảo đảo và đổ gục xuống sàn nhà.

Viên thư kí đã theo phục vụ bà gần hai chục năm, chưa bao giờ thấy bà ở trong tình trạng như vậy, vội chạy đến đỡ bà lên giường, kêu nhân viên y tế vào chăm xóc.

Thu dọn thư và ảnh, viên thư kí cũng thấy đầu mình quay cuồng, như vừa bị nện một gậy bóng chày choáng váng. Thư và ảnh kể lại một sự kiện rùng rợn.

Hôm trước, một tốp đông Hồng vệ binh, do không tấn công vào được dinh thự số 46 (có lệnh bảo hộ của Thủ tướng Chu – điều này thì viên thư ký đã biết, sau khi Chu được phép của Chủ tịch Mao), đã kéo nhau ra nghĩa trang Vạn Quốc, đào mộ cha mẹ của Tống phu nhân, lấy bộ xương của hai người, rồi đem khảo đả, hỏi tội phản quốc, cam tâm làm tẩu cẩu cho đế quốc Mỹ, thời cổ gọi là “bạo thi”. Một người có họ gần biết chuyện, đã thuê nông dân bốc xếp lại xương cốt rồi chôn cất tử tế. Viên thư ký đem bức thư và những tấm ảnh cất vào một ngăn kéo, khoá lại. Rồi đến bên giường Tống nữ sĩ đang nằm thiêm thiếp. Viên thư ký nắm bàn tay bà, cảm giác mạch đã đều. Thấy yên tâm phần nào, ông an ủi người hầu gái đã luống tuổi nước mắt lưng tròng, nói tình hình sẽ còn khó nữa. Giữ gìn sức khoẻ để còn chăm sóc phu nhân.

II.

Tống nữ sĩ trong lúc mơ màng nói với người hầu gái.

Cha ta vốn tin vào Đức Chúa Trời, chọn theo Đức Chúa Trời, nhưng riêng ta thì chọn Tôn Văn Dật Tiên làm Đức Chúa của lòng mình. Mà Tôn tiên sinh chọn Lênin làm chỗ dựa, sao ta có thể chọn khác. Tưởng là kẻ thù của ta, nhưng có lẽ y sáng suốt hơn ta, khi rời bỏ con đường của Tôn Văn Dật Tiên. Y thấy không thể chấp nhận chủ nghĩa Lênin, còn ta thì… Ta bị bao vây bởi màng lưới của Mao-Chu, không thể thoát ra được.

Ký ức đưa Tống phu nhân trở lại con tàu khách vỏ sắt, chạy bằng động cơ hơi nước kéo còi tu tu rời bến Thượng Hải. Hai chị em Khánh Linh và Mỹ Linh ôm nhau, nước mắt ròng ròng, vọng nhìn cố lưu giữ hình ảnh cha mẹ và thành phố đang dần xa khuất. Đó là năm 1907, Khánh Linh mới mười bốn tuổi.

Người cha, ngài Tống Gia Thụ đã chịu lễ rửa tội, làm nghề in Kinh Thánh và buôn bán phát tài, tích luỹ được một gia sản lớn đến năm sáu mươi vạn lạng bạc. Ông quyết định gửi Khánh Linh cùng với em gái Mỹ Linh đi Mỹ, nơi người con gái lớn Ái Linh đang tu nghiệp, học tập. Tiễn con gái ra bến tàu, ông ôm chặt con gái yêu vào lòng nói, nước Mỹ có nhiều cái lạ lắm. Cha đưa các con sang đó học, để mở mang tầm mắt.

Sau mấy lần chị em nhà Khánh Linh cùng nhau bày cây thông Noel và đi lễ nhà thờ, hát thánh ca, Khánh Linh đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Trên chiếc bàn rộng của cô, ngoài những cuốn sách bìa cứng có đặt tấm hình một người đàn ông đẹp trai, mặc Tây phục, thắt nơ, để ria oai vệ. Vào khuya, Khánh Linh thắp một cây bạch lạp để cho ánh sáng chiếu rọi lên đôi mắt to, thông minh, quả cảm. Đó là tấm ảnh nhà cách mạng Tôn Trung Sơn, cô cắt ra từ một trang tạp chí, lồng khung trang trọng.

Người cha lập cho ba chị em mỗi người một tài khoản, hàng tháng ông chuyển tiền vào đó để các con tuỳ nghi sử dụng vào mục đích học tập và duy trì sinh hoạt hàng ngày. Khánh Linh thần tượng Tôn Trung Sơn, mơ ước được gặp ông. Lại được biết Tôn rất cần tiền cho hoạt động của đảng mà ông sáng lập. Vì thế cô quyết định giảm đến tối thiểu các khoản chi tiêu, để dành tiền ủng hộ Tôn Trung Sơn, lấy cớ đó mà gặp gỡ ông.

Nhưng chị gái Ái Linh là người ưa tính toán và nhiều mưu lược. Một buối tối cuối tuần, bà chị gái đột ngột xuất hiện ở phòng ngủ của em gái, giọng nghiêm trọng, Khánh Linh này, chị có chuyện muốn nói với em. Ái Linh rút từ ví ra một mảnh giấy màu xanh, đưa cho Khánh Linh nói, em đọc kỹ, xem có sai sót gì không? Khánh Linh liếc mắt nhìn, thấy đó là bản kê chi tiêu ba tháng gần nhất của cô, không hề sai lệch. Khánh Linh đưa mắt nhìn Ái Linh, im lặng. Ái Linh nhẹ nhàng nói, em giải thích cho chị biết, khoản tiền mỗi tháng không tiêu đến em dùng vào việc gì? Khánh Linh đáp lại, giọng cương quyết, đó là việc riêng của em, chị không có quyền can thiệp. Ái Linh không chịu lùi, lên giọng, vậy thì chị sẽ báo với cha, mỗi tháng chỉ gửi đúng số tiền mà em cần, nhé. Vậy là kế hoạch tìm gặp họ Tôn không thành. Nhưng Khánh Linh đã làm được một việc khác cũng không kém phần say mê, lần theo những dấu chân người cha.

Hàn Giáo Chuẩn là con một nhà Nho danh tiếng ở đảo Hải Nam. Có tài liệu kể, cụ tổ họ Hàn được bổ làm Thái thú ở Liêm Châu, Quảng Đông từ cuối thời Bắc Tống. Sau này hậu duệ mới chuyển ra Hải Nam, nơi đầu mối giao thương, tiếp thu được những tư tưởng mới mẻ. Cậu thiếu niên họ Hàn do bất mãn với gia đình, lợi dụng đêm tối trốn lên một chiếc tàu hàng chuẩn bị rời đi Boston, nước Mỹ.

Thuỷ thủ trưởng tóm được cậu, dẫn đến trước mặt thuyền trưởng Chaly, xin lệnh trừng phạt. Thuyền trưởng nhìn vào đôi mắt lanh lẹn, thông minh của cậu, trong đầu loé lên một tia chớp, quyết định làm một phép thử, bèn nghiêm giọng nói, ném thằng nhóc xuống biển cho cá mập. Mặc dù vốn tiếng Anh còn ít ỏi, nhưng cậu nghe rõ từ cá mập, bèn quỳ xuống ôm lấy chân vị thuyền trưởng, cố nói thật rõ ràng. Con biết ngài sẵn sàng cho cá mập ăn thịt con. Nhưng con xin ngài nghĩ lại, như vậy chẳng phí hoài đôi tay biết làm việc sao?

Viên thuyền trưởng cúi xuống, nhìn vào mặt cậu thiếu niên, giọng đã dịu đi, ôn hoà. Nào cậu bé, cậu hãy nói cho ta biết cậu tên là gì. Cậu bé mười bốn tuổi cố phát âm tên mình theo tiếng Anh. Và tên cậu được ghi trong sổ đăng bạ ngày 8 tháng 1 năm 1879 của tàu là Halcyon Sun, 16 tuổi. Tại sao lại 16 tuổi? Là luật Mỹ qui định không được tuyển người làm dưới 16. Và cậu bé Hàn Giáo Chuẩn từ đó được gọi là Sun.

Nước Mỹ đã mở mắt cho cậu. Hàn Giáo Chuẩn nhận ra rằng, tên họ chẳng qua chỉ là một thứ giống như phù hiệu, dấu hiệu để nhận biết mà thôi. Hàn là cậu bé có ý chí và có nghĩa, để nhớ ơn vị thuyền trưởng đã cưu mang, khi viết tên mình bằng chữ Hán đã chọn một cái tên để khi đọc lên nghe âm gần với Sun và Chaly. Tên đó là Tống Sát Lý – Song Cha Ly.

Khánh Linh rất yêu và khâm phục cha, nhưng nghĩ đến việc cha quỳ xuống, vòng tay ôm lấy chân viên thuyền trưởng Chaly, thì cảm thấy cay đắng, giống như bị nhục mạ. Cái cảm giác bị nhục mạ luôn theo đuổi Khánh Linh cho đến lúc chết.

Một buổi sáng, Mỹ Linh dậy sớm xuống mở cửa nhà, thấy một phong bì lớn nhét qua khe cửa. Cô bé cầm lên đọc, reo to, chị Khánh Linh có bài đăng báo, mà báo tiếng Anh nhá. Khánh Linh hồi hộp mở phong bì, lật mở tờ báo, tìm bài của mình. Mùi thơm của mực in, những con chữ ty-pô sống động tạo ra một bầu không khí mới mẻ đầy phấn khích. Khánh Linh ấp tờ báo vào ngực, nói với Mỹ Linh, chị tin sẽ có người chia sẻ cảm xúc với chị, em nghĩ như vậy có thích không? Thích chứ, rất thích là khác. Mỹ Linh hưởng ứng.

III.

Tống phu nhân nói với người hầu gái.

Chúng ta có duyên phận nên mới gặp nhau, gắn bó cả đời với nhau. Ngươi là hiện thân của ân nhân và cũng là ân nhân của ta. Đời người như một cuốn sách, tự mình viết lên rồi thời gian lật qua.

Con tàu Mỹ đưa cử nhân văn chương Tống Khánh Linh trở lại Á Châu, nhưng không phải Trung Quốc mà là Nhật Bản. Sự trớ trêu của lịch sử không làm giảm được niềm vui đoàn tụ gia đình.

Sau khi Viên Thế Khải phản bội Tôn Trung Sơn, để bảo đảm an toàn và xây dựng lực lượng phản đảo chính, ông phải rời Trung Quốc sang Nhật. Gia đình họ Tống cũng không thể ở lại Thượng Hải. Cha và chị Ái Linh ra bến tàu đón Khánh Linh. Chị Ái Linh nói, thế là em đã trở về. Em sẽ là cứu tinh của chị. Khánh Linh chưa hiểu chị gái nói gì, nhưng vẫn ôm chị thật chặt, đáp vâng, chị ngã em nâng. Ngồi trên băng ghế sau, Ái Linh vòng tay qua vai em gái, nói chị đang là thư ký của Tổng thống. Khánh Linh reo lên, ôi chị thật hạnh phúc, đó là việc không đêm nào em không mơ, nhưng khi tỉnh dậy thì hiểu rẳng sẽ chẳng bao giờ thành sự thật. Ái Linh hạ giọng, chị sắp lấy chồng, chị không thể làm thư ký cho Tổng thống, chị sẽ giới thiệu em, nhưng chị cũng nói trước, nơi đó nọc rắn hang hùm, em phải rất cẩn trọng.

Cuộc gặp gỡ đã làm cho người đàn ông từng trải, đã chung sống với không chỉ duy nhất một người đàn bà, lập tức bị trúng lưỡi tầm sét ái tình. Khánh Linh ngay khi tuổi mới trăng tròn từng nhiều đêm mất ngủ, chỉ mơ được chạm vào ống tay áo của người đàn ông ấy, nay toại nguyện được hàng ngày trình diễn năng lực, phô bày sự duyên dáng, sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, phô bày sức hấp dẫn của tuổi trẻ trước con người ấy, Tổng thống Tôn Trung Sơn. Tình yêu của một người vẫn được người kia gọi bằng thúc thúc mỗi khi có gia phụ trước mặt, nhưng khi chỉ còn hai người với nhau thì đổi cách xưng hô, gọi là tiên sinh, không giấu nổi con mắt soi mói của thiên hạ.

Theo yêu cầu của Tôn Trung Sơn, Khánh Linh lục tìm những bài báo cô viết đăng khi ở Mỹ, đem đến cho ông đọc. Đó là một buổi sáng đẹp trời, cánh cửa phòng làm việc của Tôn Trung Sơn để ngỏ như chờ sẵn. Khánh Linh cầm mấy bài báo, hồi hộp bước vào, tiện tay khép cánh cửa lại. Tôn Trung Sơn đang chăm chú đọc một bức điện báo, cảm thấy một làn hương thơm, nhẹ như một tấm voan không trọng lượng, buông thả xuống căn phòng – một làn hương mà ông rất thích hít thở. Khánh Linh rụt rè, em mới tìm được mấy bài này, chưa phải là những bài em thích nhất, tiên sinh đọc thử. Tôn Trung Sơn đứng dậy, đón mấy bài báo, lướt mắt rất nhanh, rồi đặt lên bàn, nói sẽ đọc kỹ, nhưng lúc này em là duy nhất mà ta muốn. Dứt lời, ông quả quyết kéo Khánh Linh vào lòng, đặt lên môi cô một nụ hôn cháy bỏng. Khánh Linh ngoan ngoãn, nép vào ngực ông, thốt lên hai từ Dật Tiên ca, rồi nói từ nay không gì có thể chia rẽ được em với tiên sinh nữa.

IV.

Ái Linh một dạo cũng từng bị Tôn Văn Dật Tiên làm cho điên đảo, là người đầu tiên trong gia đình nhận ra mối tình chênh lệch không thể chấp nhận của Khánh Linh. Ái Linh nói với cha, ngọn lửa ái tình mù quáng của Khánh Linh có thể thiêu rụi những gì cha đang vun vén. Cha phải tưới nước dập tắt sớm. Và mưu kế chia rẽ Khánh Linh và Tôn Văn Dật Tiên đã được sắp đặt, hết sức bí mật.

Ngay sau khi Khánh Linh hứa hẹn gắn bó cuộc đời với Tôn Văn Dật Tiên, gia đình Hàn Giáo Chuẩn đã khởi động kế hoạch, buộc Khánh Linh cùng mọi người bí mật rời Nhật Bản về Thượng Hải. Khánh Linh sợ hãi nói, con xin cha, con đang làm việc cho Tổng thống. Tổng thống tin cậy, con không thể theo gia đình về Thượng Hải. Hàn Giáo Chuẩn tỏ vẻ kiên quyết, nói con nên nhớ, trong nhà này cha còn hơn Tổng thống. Con không làm thư ký cho Tôn Trung Sơn thì có người khác làm.

Tình yêu làm cho người con gái thông minh, biến báo hơn. Khánh Linh làm bộ đành nghe lời, chỉ xin cha nửa giờ thu dọn tư trang. Và chỉ trong nửa giờ ấy, cô đã viết được thư gửi ý trung nhân, nhờ gia nhân người Nhật Bản mà cô tin cậy chuyển.

Tống phu nhân lẩm bẩm như đang kể với người hầu gái già.

Ngày đó, khát vọng duy nhất của ta là được hiến dâng tất cả từ thể xác đến tinh thần cho ý trung nhân, nên khi thoát khỏi ngôi biệt thự bị giam lỏng trở lại được đất Nhật, ta liền thuận theo sự xếp đặt của Dật Tiên, lập tức làm lễ thành hôn. Ơn Chúa, có lẽ nhờ Người mà ta có sức phản kháng mạnh mẽ, dù rằng sau này đã khiến ta ân hận.

Hôn lễ giữa Khánh Linh và Tôn Văn Dật Tiên được tổ chức trong một phòng khánh tiết giản dị. Phụ tá cũng là người bạn trung thành của Tôn Văn, bước vào nói với ông, ngài Tống Gia Thụ đang làm loạn ở ngoài cửa, đòi vào, e khó mà cản được. Khánh Linh giật mình, cha có thể từ Thượng Hải sang Nhật nhanh vậy sao? Nàng đưa mắt nhìn Tôn Văn Dật Tiên. Ông với Gia Thụ vốn là bạn. Gia Thụ đã đem toàn bộ gia tài hiến cho sự nghiệp của ông, giờ lại cướp đi người con gái yêu quý của ông ta, há chẳng phải quá nhẫn tâm.

Tôn Văn Dật Tiên trầm mặt, đứng dậy nói, để đó cho ta. Rồi oai vệ bước ra ngoài. Khánh Linh cũng đứng dậy bước theo.

Tôn bước ra cửa, chặn đường vào phòng hôn lễ của Tống Gia Thụ, cao giọng hỏi, Gặp ta có việc gì? Câu hỏi cao giọng và hách dịch của Tôn Trung Sơn khiến Tống Gia Thụ chững lại, bị hạ từ địa vị một người cha vợ xuống hàng thứ dân, mãi sau mới cất nên lời, tôi cần gặp con gái tôi. Khánh Linh rút từ ngực tờ khế ước mà cô ký với Tôn Văn Dật Tiên trước mặt luật sư, hứa chỉ có một người duy nhất làm chúa tể đời mình là Dật Tiên chìa ra trước mặt cha nói, đây cha xem, tất cả đã được pháp luật thừa nhận.

Tống Gia Thụ nhìn trân vào bản khế ước. Câm lặng. Là một lãng tử trên đất Mỹ, là một thương gia lọc lõi trên thương trường, một người đã từng coi họ tên chỉ là một thứ dấu hiệu để phân biệt, ông lập tức quay về Thượng Hải.

Trước mặt vợ ông chỉ thốt lên một câu, ván đã đóng thuyền, rồi ngã gục.

V.

Tống phu nhân nói với người hầu gái.

Ta không ưa gã Tưởng Trung Chính. Ta luôn tin rằng, việc gã ly dị vợ, tiến hành cuộc hôn nhân với em gái Mỹ Linh là một cuộc mua bán, đổi chác chính trị. Gã là kẻ thù của ta. Chính gã làm cho gia tộc họ Tống tan nát chứ không phải ta.

Tổng thống Tôn Trung Sơn trong chuyến Bắc tiến nguy hiểm lên Bắc Kinh, đột ngột mất ở tuổi năm ba, còn quá trẻ, bỏ lại những dự định to lớn. Trước khi mất Tôn Trung Sơn nắm tay vợ, nói nàng gắng đi hết con đường của chúng ta.

Cái chết của ông dẫn đến việc chính phủ Quốc Dân Đảng chia rẽ thành hai chính phủ: Chính phủ Vũ Hán do Tống Khánh Linh làm rường cột và Chính phủ Nam Kinh do Tưởng Giới Thạch cầm đầu. Ngày đó, phu nhân không biết cuộc mặc cả giữa chị cả Ái Linh và Tưởng Giới Thạch, không biết chị cả Ái Linh đã lôi kéo em trai Tử Văn phản bội mình.

Hôn lễ giữa Mỹ Linh với Tưởng Giới Thạch khiến Tống phu nhân vô cùng đau đớn.

Sau khi trở thành người trong một nhà, Tưởng Giới Thạch phái một quan chức thân tín đi Vũ Hán mời Tống Khánh Linh trở lại Nam Kinh. Nhưng Tống Khánh Linh từ chối. Trước khi rời đi, người đại diện của Tưởng gửi cho phu nhân một bức thư dán kín. Tống Khánh Linh nhận thư, mở ra thấy hai viên đạn. Màu đồng của viên đạn hơi loé lên, khiến gương mặt xinh đẹp của bà tái đi, nhưng bà kịp trấn tĩnh, lấy một chiếp hộp khảm ngọc trai bỏ hai viên đạn vào đó và đóng lại.

VI.

Đêm mưa. Tống phu nhân đem theo Đặng Diễn Đạt và một vài người thân tín trung thành với Tôn Trung Sơn, bí mật rời khỏi Thượng Hải, đáp tàu sang Maxkva. Rồi sang Đức.

Trong lúc mơ màng, chuyện cũ diễn lại như một cuốn phim.

Một buổi sớm, Đặng Diễn Đạt đến gặp Tống Khánh Linh. Vừa bước vào phòng, Đặng liền gieo mình xuống đi văng, giọng tức giận nói lớn, Stalin đã ra lệnh trục xuất tôi. Tôi sẽ sang Đức. Tống Khánh Linh ra hiệu để Đặng bình tĩnh, rót một cốc nước đưa cho Đặng, bảo cứ từ từ nói.

Đặng uống một hơi hết cốc nước, tóm tắt lại câu chuyện. Stalin đã gặp tôi. Ông ta tỏ ý muốn đưa tôi về nước thay Trần Độc Tú lãnh đạo Đảng Cộng sản. Nhưng tôi nói, tôi không phải là đảng viên cộng sản. Tôi đã làm vị lãnh tụ kiêu ngạo bẽ mặt.

Sau một lát suy nghĩ, Tống Khánh Linh nói, chúng ta sẽ sang Đức.

Khi ở Đức, Khánh Linh rất ít xuất hiện, không giao du nhiều. Trong một cuộc tranh luận, Diễn Đạt đã to tiếng với Khánh Linh. Đặng Diễn Đạt cao giọng tuyên bố, cần phải lập một đảng mới, cả Cộng sản và Quốc đân Đảng đều hỏng rồi. Phu nhân nổi giận, cảm thấy mình bị phản bội. Bà nói, trước khi mất, Tổng thống đã nhiều lần nói đến việc phải dựa vào Liên Xô, nói đến việc cộng sản hoá Quốc Dân Đảng. Tổng thống nói, Trung Quốc truyền thống không chấp nhận đa đảng. Thiên hạ là của một nhà.

Diễn Đạt ít hơn Khánh Linh hai tuổi, nhưng có tham vọng. Diễn Đạt thăm dò, nói đã dấn thân vào con đường chính trị, không thể không xây dựng cho mình một học thuyết. Khánh Linh nhớ lại thái độ kiên quyết của Tôn Trung Sơn khi nói nếu rút khỏi Quốc Dân đảng ông sẽ gia nhập Cộng sản đảng, bèn đáp, Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Văn là ngọn hải đăng chỉ đường, chúng ta nên tôn thờ và ra sức thực hiện. Diễn Đạt tỏ ra bất mãn, sự nể trọng phu nhân dường như giảm sút, giọng gay gắt, nói lãnh tụ Nga Xô, ngài Lênin coi chủ nghĩa Tam dân là thuần tuý chủ nghĩa tư bản.

Ta vẫn không hiểu, tại sao Quốc-Cộng không thể hợp tác xây dựng một nước Trung Hoa vĩ đại như nước Mỹ? Tại sao những người Trung Quốc lại dứt khoát phải tiêu diệt nhau? Tống phu nhân đưa tay lần mò trong đêm tối.

Quốc Dân Đảng dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch đã thống nhất Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch viết thư mời Tôn phu nhân đang ở Âu Châu về nước. Bà nghĩ Quốc-Cộng đều có chung một mục tiêu là phục vụ nhân dân Trung Quốc, họ không thể không thành tâm hợp tác với nhau? Tống Khánh Linh đã nhận lời.

Năm 1945, Tống Khánh Linh vốn được suy tôn là quốc mẫu, là yếu nhân của chính phủ hợp tác Quốc-Cộng đóng ở Trùng Khánh.

Một hôm, sau khi đã chủ động đánh tiếng, Mao Trạch Đông đến gặp Khánh Linh. Cảm giác của bà khi đó thật kỳ lạ, vừa run rẩy như gà con gặp chim ưng, vừa có chút gì khinh bỉ bởi sự ngạo mạn và thô bỉ. Dù cùng tuổi với Mao, lại cùng người Giang Nam nhưng giọng Mao cực khó nghe, khiến bà mất tự nhiên khi cứ phải căng tai, cố làm sao hiểu đúng những điều lãnh tụ cộng sản diễn đạt.

Mao đưa cặp mắt tham sắc nhìn người đàn bà goá còn trẻ và đẹp, không giấu vẻ ham muốn. Nhưng trong cuộc gặp gỡ ấy, Mao nói rất nhiều và chỉ nói về chủ nghĩa Tam dân. Chủ nghĩa Tam dân với ba chính sách lớn, Chủ nghĩa Tam dân cách mạng, Chủ nghĩa Tam dân mới, Chủ nghĩa Tam dân thật, đó là Chủ nghĩa Tam dân của Chủ nghĩa Dân chủ mới, đó là sự phát triển của Chủ nghĩa Tam dân cũ, đó là công lao của của Tiên sinh Tôn Trung Sơn, nó là kết quả thời đại của cách mạng Trung Quốc với tư cách là một bộ phận của cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới sản sinh ra.

Tống Khánh Linh không thích cách diễn đạt cố tình làm cho rắc rối, phức tạp hoá vấn đề của Mao. Dường như Mao đang tìm cách tung ra một làm sương mù để che giấu mục đích lôi kéo bà, nhưng do mong muốn được Đảng Cộng sản Trung Quốc thừa nhận vai trò của Tôn Trung Sơn, nên bà sẵn sàng ủng hộ Mao, hơn nữa đó cũng là nguyện vọng của Tổng thống.

VII.

Cuộc nội chiến núi xương, sông máu đã kết thúc. Đảng Cộng sản Trung Quốc giành chiến thắng. Đảng sẽ tuyên bố thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

Mao Trạch Đông cho mời Chu Ân Lai đến phòng làm việc của mình. Căn phòng kê một cái bàn rộng, trên để một chiếc lọ gốm cổ, chưa cắm hoa. Chu bước vào với nụ cười khiêm nhường, hơi có chút khúm núm. Mao trỏ chiếc bình gốm nói, nước Trung Hoa cổ, chúng ta vừa đánh chiếm được. Không để Chu kịp bày tỏ thái độ, Mao nhìn thẳng vào Chu hỏi, lịch triều ông đánh giá cao vị vua nào? Không cần suy nghĩ, Chu đáp ngay, Hoàng đế Mao Trạch Đông. Mao vỗ xuống bàn, cười to, ta thích ông, Chu tiên sinh rất biết đùa. Thực lòng, ta thích Tần Thuỷ Hoàng. Thời học trò học choẹt, ta rất thích diễn kịch, luôn giành đóng vai Tần Doanh Chính.

Một nữ phục vụ viên dâng lên hai tách trà thơm. Sau đó một nữ thư ký đưa vào một chiếc làn, bên trong đựng nhiều loại hoa. Mao ra hiệu cho Chu ngồi xuống chiếc ghế đã bày sẵn, còn ông đi lại chậm rãi xung quanh chiếc bàn. Im lặng. Chu gắng đoán bắt ý nghĩ của Mao Trạch Đông, kiên nhẫn chờ đợi.

Cuối cùng Mao cũng cất tiếng. Chúng ta sẽ tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Chúng ta sẽ xếp đặt các loại nhân sự. Nước Trung Hoa của tôi… và ông phải có bộ mặt hấp dẫn.

Mao đặt làn hoa lên bàn, mỗi khi nhắc đến tên một người nào đó sẽ được đưa vào chính phủ, ông lại lựa lấy một bông hoa trong làn, cắm vào chiếc bình gốm. Những người mà Mao nhắc tên vốn đều là thủ túc của Mao và Chu, tin cậy được. Mao cầm một nhánh tùng la hán, nhứ nhứ trước mặt Chu nói, gã họ Lưu này sẽ được bầu làm Phó Chủ tịch Chính phủ trung ương, anh thấy sao? Dường như đã chuẫn bị sẵn, Chu đáp rành rẽ, Lưu là người đề xướng “Tư tưởng Mao Trạch Đông”, khá xứng đáng. Mao trầm ngâm không đáp. Sau cùng ông cầm lên bông hồng vàng, nói bâng quơ, Khánh Linh là một quả phụ xinh đẹp. Rồi ông cắm bông hồng vàng bên nhánh tùng la hán. Chu đã từng lưu học và tham gia Đảng Cộng sản Pháp, cân nhắc nói, nhưng còn xem lá phiếu của các đại biều. Mao cười nhạt, quân đội và các tổ chức đều do chúng ta lập ra, chúng ta không phải là Đảng Cộng sản Pháp, anh quên sao? Nhưng, người này sống nhờ cái bóng của Đại Tổng thống, ta nên lạt mềm buộc chặt. Chu ngẫm ngợi một lát, nói xin được viết thư cho Tôn phu nhân và sai vợ là Đặng Dĩnh Siêu cầm thư đi Thượng Hải mời. Mao gật đầu tỏ vẻ hài lòng, nói nữ nhân đa tình, tiện tay bèn lấy một tờ giấy, tự mình cũng viết thư cho họ Tống.

VIII.

Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ bị bắt. Tin ấy gây chấn động dữ dội, khiến Tống phu nhân choáng váng. Một người cộng sản kỳ cựu, nhân vật đứng thứ hai, chỉ sau Mao Trạch Đông, một người được thừa nhận là lãnh tụ công đoàn, một người mà uy tín cao vút sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 8 đã bị bắt. Tống phu nhân là Phó Chủ tịch nước, chức vụ đối ngoại không có thực quyền, trong cuộc Đại cách mạng văn hoá vô sản, bà như một tù nhân bị giam lỏng. Bà bị cắt rời khỏi thế giới bên ngoài.

Lựa lúc vắng người, Tống phu nhân hỏi người hầu gái tin tức về Lưu Thiếu Kỳ. Người hần gái sợ sệt, ngó trước ngó sau, ghé tai bà thì thầm, Chủ tịch bị bí mật đưa đi biệt giam ở một nhà tù nào đó, rất xa Bắc Kinh. Chủ tịch bị chụp lên đầu chồng chất các loại “mũ cao”, rồi đưa cho bà tờ Nhân dân nhật báo.

Tít báo in chữ lớn đập vào mắt Tống phu nhân. Kinh nghiệm nhiều năm sống giữa lòng thể chế cộng sản, Tống phu nhân hiểu rằng Mao Trạch Đông đã dứt khoát huỷ diệt Lưu, ghép cho những tội danh chết: kẻ phản bội, tên nội gián, giặc công đoàn. Trong bình hoa của Mao, nhánh tùng la hán đã bị rút bỏ từ lâu, ngay sau khi Đại hội Tám kết thúc.

Sau cú sốc mười lăm phút, Tống Khánh Linh đã được để yên, dù vậy không thể nói không bị chấn thương tâm lý. Cú sốc Lưu Thiếu Kỳ khiến chấn thương thêm trầm trọng, nhưng bà chưa gục hẳn. Bà tự hỏi, nếu tiên sinh Tôn Trung Sơn sống lại, chứng kiến tổ chức Đảng Cộng sản bị Mao Trạch Đông dùng đám Hồng vệ binh đánh phá, vô hiệu hoá, ông sẽ hành xử thế nào?

IX.

Tống Khánh Linh nói với người hầu gái đã theo mình hơn năm mươi năm.

Ta nhớ ngày nhỏ theo phụ thân và mẫu thân đi thăm đất cũ Châu Nhai, miền đất cây cối xanh tươi, chim muông ríu rít, thật như chốn bồng lai, tiên cảnh. Ta đã thấy người ta dùng lưới bắt chim. Mỗi khi người thợ săn thấy bóng dáng đàn chim bay từ miền xa xôi nào đó đến, bèn tung con chim mồi lên. Con chim mồi bay lên chấp chới, rồi lại đáp xuống nơi đặt lưới, nơi có vài ba con chim mồi chỉ có thể bay nhảy tại chỗ, khác với con chim mồi tung lên được buộc chân bằng sợi cước dài, những con chim mồi này, con nào cũng bị buộc một đoạn dây ngắn. Đàn chim bị con chim mồi dẫn dụ sà bay xuống, lập tức như có một cơn bão, lưới sập, nhiều con bị tóm gọn.

Điều đáng chú ý là, mắt các con chim mồi đều bị khâu lại.

Người hầu gái bất giác nhớ quê Hương Sơn. Nhớ cái lần được Đàm mẫu đưa từ Quảng Đông lên Thượng Hải, bước vào cổng ngôi biệt thự cao quý đánh số 28, ra mắt phu nhân. Ngay lần ra mắt ấy, số phận của cô gái họ Lý đã được quyết định. Bản thân cô hay mấy ngàn năm truyền thống Trung Quốc quyết định, cô không biết. Cô vẫn nhớ như in, khi bước vào căn phòng ở lầu hai, chiêm ngưỡng tôn nhan của phu nhân, tự nhiên hai chân cô mềm oặt, khuỵu xuống, khiến Đàm mẫu phải vội đưa tay đỡ. Cô run run thốt lên như đọc một lời thề, em sẽ hầu hạ phu nhân trọn đời. Đó là năm 1927.

Sao phu nhân lại nhắc đến hồi ức chim mồi? Phu nhân được quý trọng, được tin cậy, được giao những chức vụ lớn rất nhiều vinh dự, nhưng không phải lúc nào bà cũng vui. Không ít việc bà làm một cách miễn cưỡng.

Bà có quan hệ thân thiết với gia đình Lưu Thiếu Kỳ. Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, lần nào gặp bà cũng tỏ ra vồ vập, thế nhưng bà luôn có cảm giác dường như mình chưa phải ở phía họ.

Năm 1957, nhân việc Lưu Thiếu Kỳ đến thăm bà tại tư dinh, bà nói muốn gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một thoáng bối rối, nhưng ngay lập tức họ Lưu làm mặt vui, cười nói, đó là việc lớn cần phải báo cáo Bộ Chính trị.

Phải rất lâu sau đó, Lưu và Chu đích thân đến thăm bà, thông báo quyết định của Bộ Chính trị.

Chu với tư cách như một nhà ngoại giao cao cấp nhất của Đảng, hơi cao giọng một chút, nói Bộ Chính trị đã cân nhắc rất kỹ, phu nhân ở ngoài Đảng sẽ tốt cho Đảng hơn.

VĨ THANH

Cuối mùa xuân năm 1981, Tống phu nhân được chẩn đoán mắc bệnh máu trắng. Việc điều trị không có tiến triển.

Vương Quang Mỹ, sau cái chết thảm của Lưu Thiếu Kỳ, được Đặng Tiểu Bình trả lại những quyền lợi đã bị tước đoạt. Bà này quyết định gặp Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang hiến kế, kết nạp đảng và phong tước vị danh dự cho Tống Khánh Linh. Vương nói với Hồ Diệu Bang, bệnh Tống phu nhân nặng lắm rồi, không nói được nữa, sao các vị không làm một cái gì đó cho đảng và cho nhân dân.

Hồ Diệu Bang gật đầu, phải lắm nhưng cần thỉnh thị đồng chí Tiểu Bình.

Hồ đặt lịch gặp Đặng Tiểu Bình, trình bày việc kết nạp và phong chức Chủ tịch danh dự quốc gia cho Tống Khánh Linh.

Đặng vừa xoa mạt chược vừa cười, nói đúng để cho đồng chí ấy phục vụ đảng tới hơi thở cuối cùng.

Đó là ngày hôm trước khi Tống phu nhân tắt thở.

Hà Nội – Phú Thọ, tháng 5, 6 năm 2021

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

BẢN CHẤT CỦA NGƯỜI- Giói thiệu

 BẢN CHẤT CỦA NGƯỜI

Han Kang

Bối cảnh của tiểu thuyết là phong trào biểu tình ở Gwangju năm 1980, chống chế độ độc tài Chun Doo-hwan. Vụ đàn áp này về sau đã bị những chính phủ dân chủ ở Hàn Quốc coi là một trang đen tối trong lịch sử đất nước. Nhiều hành động sửa sai đã được thực hiện.


Bản chất của người – Tiểu thuyết của Han Kang, Kim Ngân dịch, Nhã Nam và NXB Hà Nội 2019.

Cuốn tiểu thuyết được cấu trúc thành sáu chương và một đoạn kết.

Con chim non: câu chuyện về chú bé mười lăm tuổi đi tìm bạn bị thương ngay trước mắt mình rồi người bạn bị đưa đi biệt tích. Chú bé trong khi tìm bạn đã gặp những người chiến đấu đòi chống thể chế độc tài, chú được phân công ngồi canh tám mươi ba xác người, chờ người nhà đến nhận.

Hơi thở đen: lời kể của hồn ma chú bé, sau khi chú đã chết trên chiến luỹ. Hồn ma chứng kiến những hành động quả cảm và tuyệt vọng của những người biểu tình chống quân chính phủ độc tài.

Bảy cái tát: câu chuyện của cô nhân viên xuất bản bị cảnh sát chìm nghi ngờ và cho bảy cái tát. Lần lượt sau mỗi cái tát, chuyện về những người đấu tranh dân chủ được tái hiện cùng với sự đàn áp của binh lính.

Thép và máu: lời kể của một người chỉ huy trên chiến luỹ bị bắt giam, bị tra tấn cùng với đồng đội.

Mắt của đêm: lời kể của một nữ chiến sĩ tham gia chiến đấu, về sau nhận được một máy ghi âm cùng mấy cuộn băng và lời đề nghị chị kể lại những gì mắt thấy tai nghe trong những ngày bi thảm đã qua.

Về nơi hoa nở: câu chuyện của người mẹ mất con, đã tìm đến tận chiến luỹ nơi chú bé bị kẹt lại. Nỗi đau của người mẹ kéo dài mấy chục năm sau.

Đoạn kết: Ngọn đèn tuyết phủ: Đến những trang cuối cùng, tác giả mới đứng ra trực tiếp kể lại quá trình gặp gỡ nhân chứng, sưu tầm tài liệu và thấy cần phải lên tiếng về vụ đàn áp phong trào Gwangju từ hơn ba chục năm trước.

Tiểu thuyết gây ấn tượng như một hồ sơ, một bản tường trình tỷ mỷ về phong trào Gwangju 1980. Chỉ khác, văn bản điều tra không đi vào sự kiện cụ thể mà tái hiện cảm xúc của các nhân vật, người còn sống và linh hồn người đã chết. Mạnh mẽ, xúc động, như một sự thanh toán sòng phẳng với quá khứ. Cuộc đàn áp biểu tình càng mở rộng ý nghĩa khi được liên tưởng đến sự tàn bạo của binh lính Nam Hàn trong chiến tranh Việt Nam, và “giống như người ta đã làm ở đảo Jeju, ở Quảng Đông hay Nam Kinh, ở Bosnia, ở tất cả những nơi tại Tân Thế Giới, với một sự tàn bạo giống hệt nhau như thể đã được khắc sâu trong ADN vậy” (trang 152). Nạn diệt chủng ở Campuchia cũng được nhắc đến: “Được biết vào mùa thu năm 1979, khi cuộc đấu tranh Bu-Ma bị đàn áp, trưởng phòng Cảnh vệ của Nhà Xanh Cha Ji Cheol đã nói thế này với Park Chung Hee: Ở Campuchia, lại có thêm hai triệu người chết đấy ạ. Chẳng có lý do gì mà chúng ta không làm được như thế” (trang 235). Như vậy thảm kịch ở Gwangju là thảm kịch được khảo sát ở tầm nhân loại, và như tên của cuốn sách “Bản chất của người”, nó xuất phát sâu xa từ trong đó.

...

Hô Anh Thái

BẢN CHẤT CỦA NGƯỜI Chương 1

 

Bản Chất Của Người

Mục Lục

·         Bản Chất Của Người

·         Chương 1 Con chim non

·         Chương 2 Hơi thở đen

·         Chương 3 Bảy cái tát

·         Chương 4 Thép và máu

·         Chương 5 Mắt của đêm

·         Chương 6 Về nơi hoa nở

·         Kết Ngọn đèn tuyết phủ

·        

        Han Kang

Kim Ngân dịch

Nhà Xuất Bản Hồng Đức

Văn Lang phát hành




Chương 1

Con chim non

Hình như trời sắp mưa.

Cậu lầm bầm thành tiếng.

Lỡ trời đổ mưa thật thì biết làm sao.

Cậu nheo mắt nhìn hàng cây ngân hạnh trước ủy ban tỉnh. Như thể giữa những cành cây đang lay động sẽ chợt hiện ra hình hài của gió. Như thể những giọt mưa ẩn mình giữa khoảng không sẽ nhất tề bắn ra tựa những viên đá quý trong suốt lấp lánh giữa không trung.

Cậu mở to mắt. So với lúc nhìn nheo mắt, hình dạng cây lá trông lại mờ nhòe hơn. Chắc hôm nào phải đi đo kính thôi. Cậu nhớ tới khuôn mặt sưng sỉa đeo đôi kính gọng sừng vuông màu hạt dẻ của anh ba, rồi khuôn mặt anh bị tiếng la hét vỗ tay vọng tới từ phía đài phun nước át mất và mờ nhạt dần. Anh ba kêu cứ đến mùa hè là kính tuột xuống theo sống mũi, còn mùa đông thì hễ bước vào trong nhà mắt kính lại bám đầy hơi nước chẳng nhìn thấy gì. Nếu mắt không kém hơn, liệu cậu có thể không đeo kính được không nhỉ?

Lúc anh còn nói tử tế thì nghe lời đi. Về nhà ngay cho anh.

Cậu lắc lắc đầu, cố gạt giọng nói đầy giận dữ của anh ba ra khỏi tâm trí. Từ cái loa trước đài phun nước vọng tới giọng nói lanh lảnh của cô gái trẻ đang cầm micro. Từ chỗ cầu thang lối vào Nhà thi đấu nơi cậu đang ngồi đây không nhìn thấy đài phun nước. Muốn xem được lễ truy điệu dù là từ xa thì cũng phải đi vòng ra phía bên phải tòa nhà. Chẳng nhất thiết phải làm như vậy, cậu ngồi đó dỏng tai nghe.

Kính thưa quý vị, thi thể những người dân yêu quý được tập hợp ở bệnh viện Chữ thập đỏ hiện đang được đưa tới đây.

Sau tiếng cô gái bắt nhịp, Quốc ca bắt đầu vang lên. Giọng hát của hàng ngàn người chồng chất tầng tầng lớp lớp như một ngọn tháp cao hàng ngàn mét, át hẳn giọng hát của cô gái. Giai điệu nhọc nhằn leo lên đến cao trào để rồi lại lao thẳng xuống, cậu cũng khe khẽ cất giọng hát theo.

Hôm nay liệu có bao nhiêu người chết được đưa đến bệnh viện Chữ thập đỏ nhỉ? Hồi sáng lúc cậu hỏi, anh Jin Soo đã trả lời ngắn gọn. Chắc khoảng ba chục người. Trong lúc đoạn điệp khúc của bài Quốc ca trĩu nặng lại chồng chất vươn cao như một ngọn tháp vời vợi rồi đổ ập xuống, ba chục chiếc quan tài hẳn sẽ lần lượt được hạ xuống từ trên xe tải. Hẳn chúng sẽ được xếp thành hàng bên cạnh hai mươi tám chiếc khác mà hồi sáng, cậu đã cùng các anh khiêng từ Nhà thi đấu tới đặt trước đài phun nước.

Trong số tám mươi ba chiếc quan tài nằm ở Nhà thi đấu, còn tổng cộng hai mươi sáu chiếc vẫn chưa được làm lễ truy điệu tập thể, tối qua có thêm hai gia đình xuất hiện nhận dạng thi thể, sau đó vội vã làm lễ nhập quan nên số lượng quan tài đã tăng lên thành hai mươi tám. Sau khi ghi thêm số hiệu quan tài và họ tên của những người đó vào sổ, cậu đánh một dấu ngoặc dài bao trọn phần danh sách và viết "Lễ truy điệu tập thể 3". Vì anh Jin Soo đã dặn rằng, nếu như không muốn lễ truy điệu tiếp theo lại khiêng ra nhầm quan tài đã làm lễ rồi thì phải ghi chép cho kỹ càng. Lễ truy điệu lần này cậu cũng muốn được tham gia, nhưng anh Jin Soo bảo cậu cứ ở lại Nhà thi đấu.

Biết đâu có ai đến thì sao. Em cứ ở đây trông cho cẩn thận.

Tất cả các anh các chị làm việc cùng cậu đều đã ra chỗ lễ truy điệu. Gia quyến người chết đã thức mấy đêm liền bên quan tài, họ cài băng đen bên ngực trái, chầm chậm đi theo sau quan tài như những bù nhìn bên trong độn đầy cát hay vải vụn. Chị Eun Sook nán lại với cậu tới tận phút cuối, cậu bảo em không sao đâu, chị mau đi đi, nghe vậy, chị cười thoáng lộ răng khểnh. Vì chiếc răng khểnh đó mà ngay cả lúc gượng cười vì ngượng nghịu hay thấy có lỗi, vẻ mặt chị cũng trông có chút gì đó như đang đùa giỡn.

Vậy chị ra xem phần mở đầu rồi sẽ về ngay nhé.

Còn lại một mình, cậu ngồi ghé lên cầu thang lối ra vào Nhà thi đấu. Đặt trên đầu gối là cuốn sổ ghi chép đóng hai bìa trước sau bằng giấy các tông màu đen. Bên dưới lớp vải quần thể dục màu da trời nhạt, bậc thang xi măng thật lạnh lẽo. Cậu cài khuy kín mít chiếc áo tập quân sự khoác bên ngoài bộ đồ thể dục, khoanh chặt hai tay trước ngực.

Giang sơn hoa lệ nước non ngàn dặm hoa bất tử[1]

Đang hát theo thì cậu dừng lại. Cậu nhắc lại câu "Giang sơn hoa lệ" và nhớ tới chữ "Lệ" từng học trong giờ Hán văn. Đó là một chữ đặc biệt nhiều nét mà bây giờ cậu cũng chẳng tự tin mình sẽ viết đúng. Là giang sơn có hoa nở đẹp, hay là giang sơn đẹp như hoa nhỉ? Hiện chồng lên trên chữ Hán đó là hình ảnh khóm thục quỳ mọc nơi góc sân mà cứ tới mùa hè mấy bông hoa sẽ nhô vọt lên cao quá đầu cậu. Những thân cây dài thẳng đuột, vươn lên tua tủa những bông hoa nhìn như những chiếc đĩa tròn bằng vải trắng. Cậu nhắm mắt lại vì muốn hồi tưởng thật trọn vẹn. Khi mắt cậu hé mở, hàng ngân hạnh trước ủy ban tỉnh vẫn đang đung đưa trong gió. Chưa một giọt mưa nào òa ra từ giữa cơn gió.

Có vẻ như sau khi Quốc ca kết thúc người ta vẫn chưa sắp xếp xong mấy chiếc quan tài. Giữa tiếng ồn ào huyên náo của đám đông mơ hồ vẳng tới tiếng ai gào khóc. Có lẽ để kéo dài thời gian, lần này cô gái cầm micro đề nghị mọi người hát bài Arirang.

Người bỏ tôi ra đi

Chưa được mười dặm, gối đã mỏi, chân đã chùn.

Khi tiếng khóc dịu dần, cô gái nói.

Chúng ta hãy dành một phút mặc niệm những người đã ra đi trước.

Trong khoảnh khắc, tiếng huyên náo của mấy ngàn con người đồng loạt im bặt, sự tĩnh mịch xung quanh đột nhiên cảm giác thật rõ rệt khiến cậu giật mình. Thay vì mặc niệm cùng với mọi người, cậu đứng lên rời khỏi chỗ. Cuốn sổ kẹp bên sườn, cậu bước lên cầu thang dẫn tới cánh cửa ra vào đang nửa đóng nửa mở của Nhà thi đấu. Cậu lôi khẩu trang trong túi quần ra đeo.

Có đốt nến cũng chẳng ích gì nhỉ.

Cố chịu đựng cái mùi đang bốc lên, cậu bước vào hội trường. Trời âm u nên bên trong giống như buổi tối. Những chiếc quan tài đã làm lễ truy điệu được xếp gọn gàng phía lối cửa ra vào, còn ba mươi hai người vẫn chưa có người nhà đến nhận nên không làm lễ nhập quan được, ba mươi hai người đó nằm dưới một ô cửa sổ rộng, trên mình phủ vải trắng. Những cây nến cắm trong vỏ chai nước ngọt đang lặng lẽ cháy bên mặt họ.