Rococo: qua bao nhiêu ghét bỏ vẫn phù phiếm, mỹ miều
Anh Nguyễn
Anh Nguyễn
Vào năm 1960, Hội nghị
quốc tế về tên gọi các thời kỳ nghệ thuật được tổ chức tại Rome. Trong số hai
mươi bài thuyết trình được đọc, ba luận văn được dành hoàn toàn cho phong trào
Rococo. Tất cả các bài viết đều được tổng hợp trong cuốn Manierismo,
Barocco, Rococo (Mannerism, Baroque, Rococo), xuất bản vào năm 1962. Nói
như vậy để thấy rằng xung quanh việc thừa nhận tính chính thức của Rococo như
một phong trào đích thực cũng có không ít nghi vấn và tranh cãi.
Rococo nảy sinh từ
Baroque nhưng lại đối lập lại với Baroque, rồi sau này đến phiên Rococo lại bị
Neoclassicism phủ định và thay thế. Bị kẹp giữa, Rococo không trang trọng lộng
lẫy như Baroque, không đứng đắn nghiêm nghị như Neoclassicism, và thiếu hẳn
tính đạo đức của cả hai. Rococo là hoa lá, đùa cợt, lung linh, phù phiếm, gợi
tình đúng như một người đàn bà Pháp thế kỷ 18 chỉ thích trang điểm, mặc đẹp,
xem hát, chơi bời. Đương nhiên vì thế Rococo vừa được yêu chiều, vừa bị ghét
bỏ.
Nhà văn Leigh Hunt đã
viết: "Mớ hỗn độn gọi là rococo nói chung là đáng khinh bỉ… Một
con vẹt đã sáng chế ra tên gọi ấy, và thứ nghệ thuật đó rẻ tiền đúng như hắn
vậy.” (1755) Nhưng bất chấp sự chê trách và dèm pha, giờ đây Rococo đã
được thừa nhận là một phần không thể thiếu của hội họa Pháp.
Bộ phim “Marie Antoinette”(2006) của Sofia
Coppola
thâu tóm khá toàn vẹn tinh thần của Rococo từ nội thất, ẩm thực, thời
trang, lối sống…
Sự xa xỉ quá độ của giới quý tộc Pháp, đối lập
hẳn với cảnh lầm than của dân thường, dẫn đến Cách mạng Pháp; cuối cùng hoàng
hậu Marie Antoinette, với lối tiêu pha hoang phí, đã bị xử tử trên máy chém vào
năm 1793. Rococo cũng theo đó mà chết dần mòn. Sự lên xuống của chính trị và
nghệ thuật luôn luôn song hành với nhau, mặc dù có thể cần một thời gian dài để
nhận ra mối liên hệ đó.
Ra đời trong nhung lụa và thừa thời gian
Để tìm hiểu ngọn nguồn của phong trào Rococo,
như thường lệ, ta cần nhìn sâu hơn vào bối cảnh chính trị-kinh tế-xã hội của
nước Pháp vào thế kỉ 18. Louis XIV, hay còn được biết đến với danh hiệu Louis
Đại Đế, hay Vua Mặt Trời (le Roi Soleil) là vị vua có thời kỳ trị vì dài nhất
trong lịch sử Pháp (72 năm) và là một trong những nhà chinh phạt lớn. Dưới tay
ông, cung điện Versailles với kiến trúc Baroque hoành tráng trở thành biểu
tượng cho quyền lực hùng mạnh của đế chế Pháp, và thành kiểu mẫu cho hàng ngàn
lâu đài trên khắp châu Âu. Người kế vị Louis XIV là đứa chắt 5 tuổi. Nếu Louis
XIV đã thiết lập một nền tàng tuyệt vời cho nước Pháp, thì tiếc thay nó lại bị
phá tan tành trong 59 năm trị vì của Louis XV. Yên tâm hưởng lạc, ngủ quên trên
danh vọng, giới quý tộc Pháp chăm chú vào lạc thú thay vì cải tổ bộ máy kinh
tế. Đội quân tinh nhuệ mà Louis XIV từng chỉ huy một cách tài ba cũng nhanh
chóng rệu rã và thảm bại trước quân Phổ và quân Anh. Rococo được thai nghén
trong giai đoạn “ăn chơi” và nuôi nấng nhờ hai thứ: tiền của và thời gian –
những điều mà giới quý tộc luôn thừa thãi.
“Chân dung quý bà Pompadour”, của Francois
Boucher, 1756.
Quý bà Pompadour là ái phi của Louis XV và
cũng là gương mặt tinh hoa của nước Pháp thời kì này, ít nhất về phong cách
thanh lịch và quyến rũ. Từ nhỏ bà đã tự rèn luyện để làm nhân tình “chuyên
nghiệp”, và thành công rực rỡ khi trưởng thành – là người tình được yêu quý
nhất của Louis XV. Quý bà Pompadour có vai trò quan trọng tác động đến các
quyết định chính trị của đức vua, và là người bảo trợ cho triết học, nghệ
thuật, kiến trúc, đặc biệt là các tác phẩm Rococo. Nhờ có bà mà Paris trở thành
kinh đô thời trang và văn minh bậc nhất châu Âu – ảnh hưởng đó vẫn có thể được
cảm nhận tới ngày nay. Những bức tranh Francois Boucher vẽ bà đã góp phần lớn
giữ gìn tình yêu của nhà vua dành cho bà, ngay cả khi nhan sắc của Jeanne
Antoinette Poisson (tên thật của quý bà Pompadour) đã phai tàn.
Phong cách duyên dáng, chủ đề khêu gợi
Khi đánh giá về nghệ thuật châu Âu, có thể
thấy chúng sẽ tuân theo một trong hai khuynh hướng. Một là khuynh hướng “cổ
điển” (classic) – hãy nghĩ tới nghệ thuật Hy Lạp, đối xứng, đồng đều, hài hòa,
bình thản. Hai là khuynh hướng “lãng mạn” (romantic) – hãy hình dung ra nghệ
thuật Gothic, hữu cơ, thay đổi, nhiều năng lượng, giàu tình cảm. Rococo hiển
nhiên thuộc về loại thứ hai.
Trên thực tế, các nghệ sĩ Rococo thường ưa
thích các motif không cân xứng – một điều hoàn toàn mới trong nghệ thuật, bởi
trước đó sự đối xứng tuyệt đối mới là điều kiện tiên quyết của cái đẹp. Từ
Rococo là sự kết hợp của hai từ tiếng Pháp rocaille (đá) và coquilles (vỏ
sò) – hai motif trang trí được ưa chuộng nhất. Trong cuốn Der Stil,
nhà phê bình kiêm kiến trúc sư Gottfried Semper cho rằng hội họa Rococo bắt
nguồn từ những nhà làm gốm ở Dresden, và họ mang phong cách đó tới điện
Versailles. Một nhà phê bình khác, Von Zahn lại cho rằng khi một công chúa
người Saxon kết hôn với Hoàng thái tử Pháp năm 1747, nhà làm gốm Kandler đã
tặng cho nàng những món đồ Rococo làm quà.
Lọ hoa phong cách Rococo bằng cobalt, dát
vàng, mặt sứ hình hoa vẽ tay,
cuốn quanh là các lá khuynh diệp bằng sứ (Paris)
Trụ nến bảy nhánh phong cách Rococo bằng đồng.
Một quan điểm phổ biến về nghệ thuật trang trí
cho rằng những tác phẩm đơn giản nhất cũng sẽ thường ưa nhìn nhất. Điều này rõ
ràng không thể áp dụng vào Rococo. Tiếc thay, sự duyên dáng, mơ mộng, và tính
nghệ sĩ gộp lại không cho phép Rococo sản sinh ra một công trình kiến trúc nào
đáng được coi là vĩ đại. Các tác phẩm Rococo tiêu biểu luôn là những tác phẩm
cỡ nhỏ: tranh, tượng, nội thất, vườn tược. Yếu tố kiến trúc mang tính Rococo
thường chỉ có những khung cửa sổ hơi cong cong thành hình mái vòm, chút trang
trí thạch cao hoặc khắc gỗ, và vài đường sắt uốn hình hoa nho nhỏ. Vì sao? Đơn
giản là khi giới quý tộc chuyển từ Versailles về Paris, các lâu đài ở Paris đã…
được xây xong từ lâu, chỉ còn chỗ cho những thay đổi về mặt trang trí.
Một nhà nội thất Rococo, khi lãnh nhiệm vụ
trang trí một căn phòng, sẽ biến nó thành một tác phẩm Rococo hoàn chỉnh, đồng
bộ từ tranh tường, gờ tường, trần nhà, cột, gương, bàn ghế, thảm, bộ ấm trà,
chén đĩa, v.v… Sự nhẹ nhõm, tinh tế, vui tươi trong các món đồ nội thất là tính
chất chủ đạo của thời kỳ này. Các yếu tố thiên nhiên, trang trí rậm rạp, các
mảng màu pastel ngọt ngào khiến một căn phòng Rococo có nét duyên đặc biệt dễ
nhận ra. Bất chấp việc nước Anh Cát Lợi và Pháp ghét nhau như chó với mèo,
phong cách Rococo vẫn được dân Anh chào đón nồng nhiệt và ứng dụng vào các món
đồ bạc, đồ sứ, đồ lụa. Hơn cả một phong cách, Rococo là một lối sống.
Một căn phòng mang phong cách Rococo,
đặt tại
bảo tàng Nissim de Camondo, Paris.
Sau phong cách, các chủ đề Rococo được ưa
chuộng thường luôn có tính khêu gợi. Có thể nói không quá rằng nhiều bức tranh
Rococo đáng được xếp vào dạng soft core porn – một cách để giới quý tộc vừa
thỏa mãn nhu cầu xem, nhìn, ngắm da thịt mà vẫn được coi là “thưởng thức nghệ
thuật.” Các chủ đề Rococo thường rơi vào ba loại chính:
1. Cảnh giới quý tộc ăn chơi nhảy múa trong
các “khu vườn thượng uyển”, một dạng địa đàng nơi trần tục. Yếu tố sex trong
những bức họa này chưa nhiều nhưng đã thấp thoáng, kể cả khi đội lớp vỏ ngây
thơ.
“Bài học yêu,” của Jean Antoine Watteau, 1716
Jean Antoine Watteau được biết đến nhất nhờ
những bức tranh mô tả một nhóm người mặc đồ đẹp, tụ tập trò chuyện, ca hát, đùa
vui trong một khu vườn thơ mộng kiểu công viên. Chủ đề này có tên là fete
galante (bữa tiệc hẹn hò). Khi Watteau đâm đơn xin gia nhập trường Mỹ
thuật, phong cách của ông còn chưa được định nghĩa vì chưa có ai trước ông thực
hiện nó; vì vậy, trường Mỹ thuật đã sáng tạo cụm từ fete galante để
gọi phong cách này thay vì từ chối nhận ông. Fete galante thỏa
mãn được hai mục tiêu lớn nhất của Watteau: giới quý tộc (những người được miêu
tả đẹp đẽ trong tranh) là những người cấp tiền cho ông làm việc, còn giới học
thuật mà ông muốn gia nhập yêu cầu chủ đề tranh phải có tính…huyền ảo, lịch sử.
Sau giai đoạn Baroque vốn nặng nề các bài học tôn giáo, đạo đức, fete
galante là một sự trung hòa hợp lý cho Rococo – không quá hư hỏng
nhưng cũng không quá nghiêm trang!
“Cô bé chơi với chó cún,” của Fragonard, 1765.
“Cô bé” này ăn mặc như Maja khỏa thân của Goya và tư thế vừa ngây thơ vừa gợi
tình như nữ sinh trong truyện hentai Nhật.
“Cô bé” này ăn mặc như Maja khỏa thân của
Goya, còn tư thế thì vừa ngây thơ vừa gợi tình như nữ sinh trong truyện hentai
Nhật. Đáng nói là Fragonard vẽ không ít tranh có chủ đề tương tự với cách thể
hiện còn bạo dạn hơn. Có hai khả năng xảy ra: một là họa sĩ bị ám ảnh với chủ
đề này, hai là chính giới quý tộc ưa thích đặc biệt hình ảnh đó và Fragonard
chỉ phục vụ nhu cầu khách hàng.
2. Cảnh giới quý tộc yêu nhau, tán nhau, hẹn
hò nhau – một cái cớ hoàn hảo để các họa sĩ đưa vào tranh vẻ đẹp hình thể,
trang phục, thiên nhiên, sự lãng mạn. Yếu tố sex trong những bức tranh dạng này
đã rõ rệt hơn, và sự che đậy bằng quần áo càng khiến nó trở nên lộ liễu.
“Nụ hôn trộm,” của Fragonard, 1780. Người mẫu
nữ trong tranh chính là… con gái của Fragonard (tự hỏi không biết người mẫu nam
là ai?)
“Cái đu,” của Fragonard, 1767. Chàng công tử
nằm trong bụi rậm để… nhìn trộm dưới váy của cô tiểu thư. Bức tượng thần ái
tình Cupid vừa như làm chứng, vừa là đồng lõa. Bức tranh này được Fragonard
thực hiện cho một nhà quý tộc – người muốn có một bức tranh vẽ tình nhân của
mình ngồi trên chiếc đu.
3. Các câu chuyện thần thoại: cái cớ thuyết
phục nhất để các họa sĩ có thể thỏa sức vẽ các thân hình nude trong các tư thế
khêu gợi nhất có thể.
“Phòng trang điểm của Venus,” của Boucher,
1750
“Leda và thiên nga,” của Boucher, 1741.
Ắt hẳn ai đọc thần thoại Hy Lạp cũng biết chú
thiên nga bệnh hoạn này chính là thần Zeus đang tòm tem với Leda. Chủ đề Leda
và thiên nga là một trong những chủ đề gợi dục nhất trong tranh thần thoại,
nhưng Boucher đã đưa nó lên một tầm “đồi trụy” mới.
Một số ví dụ khác của nghệ thuật Rococo:
Điêu khắc
“Thơ ca và âm nhạc,” của Claude Michel, 1774
Âm nhạc
Ngày nay Rococo đã qua từ lâu song những dư âm
của nó vẫn còn vang vọng. Những tác phẩm Rococo Revival dựa trên trào lưu
Rococo vẫn được sản xuất và ưa chuộng. Cũng dễ hiểu vì con người – loài động
vật thích hưởng thụ, vẫn luôn dễ mềm lòng trước vẻ đẹp nhẹ nhàng, thư thái, mơ
mộng. Rococo không bận tâm tới tính thiết thực, Rococo chỉ đơn thuần là đẹp và
đẹp hơn. Vì vậy, Rococo có khả năng đưa người xem vào một thế giới thần tiên
tách khỏi cuộc sống nhiễu nhương và khô khan thường ngày.
Những sản phẩm hiện đại lấy cảm hứng từ Rococo:
Giày Roger Vivier
Bánh cưới (các chi tiết vàng và ngọc trai được
làm từ thực phẩm)
Nước hoa Fragonard đặt theo tên của danh họa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét