Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Những họa tiết khắc trên Tuyên đỉnh


Tuyên đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ ba bên phải tượng trưng cho sự tinh thông

BÁCH

Bách, tục danh bá mộc, còn gọi là trắc bách diệp. Các loại cây đều hướng theo phía mặt trời mọc, duy có cây bách “đơn lẻ” cứ chỉ về hướng tây, cho nên người xưa mới nói, loại cây này có đức trinh chính.
Theo Đông y, thường dùng cây bách ngâm rượu uống để đuổi tà khí, gọi là bách tửu. Hột bách bổ tâm, kiện tỳ, trị nhiễm chất độc, tê thấp. Người xưa nói: “Xích Tông Tử ăn hột bách, khi răng rụng, răng mọc trở lại”. Hái lá mới nẩy mầm đem dầm thay nước khử vị đắng, khi mới ăn, vị đắng chát, nhưng trộn mật ong vào hoặc hòa với thịt xay của quả táo mà ăn càng tốt, để lâu dễ ăn mà lại không biết đói, vào mùa đông không biết lạnh, mùa hạ không biết nóng. Không rõ thực hư, nhưng là loại cây có đặc tính kỳ lạ. Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng cây bách vào Tuyên đỉnh.

NGOAN

Ngoan, tức là một loại rùa biển (41) khá lớn sống chủ yếu ở vùng biển sâu, nơi có dòng hải lưu mạnh. Thịt của nó rất thơm ngon, có nhiều chất bổ dưỡng và là dược liệu quí dùng để làm thuốc trị bệnh. Thời xưa, người ta xem con ngoan này cũng thuộc “họ nhà rùa linh”. Vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, và Côn Đảo của nước ta có nhiều giống họ nhà ngoan sinh sống.
(41). ĐNTLCB, Sđd, phiên là con giải. Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu và một số Từ điển Hán Việt của các tác giả khác, thì giải là con cua biển, điền giải là cua đồng. Theo hình trên, thì con “giải” này là ngoan, một loại rùa biển.

LAM GIANG

Lam Giang, tức sông Lam, con sông lớn nhất ở tỉnh Nghệ An, còn có tên Ngàn Cả hay sông Cả; nước sông trong xanh nên còn gọi là Thanh Giang, Thanh Xuyên, Thanh Long, sông Rum. Sông có hai nguồn: một là nguồn Hiếu, hai là nguồn Tương. Nước nguồn Hiếu phát nguyên từ động Thanh, huyện Quế Phong, chảy qua huyện Quì Châu, về Quì Hợp, Nghĩa Đàn, sang Tân Kỳ, Anh Sơn; nước nguồn Tương từ nậm Gióng, tỉnh Xiêng Khoảng, xứ Ai Lao chảy vào biên giới nước ta ở xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, rồi chảy qua huyện Tương Dương, sang Con Cuông, xuống Anh Sơn gặp nguồn Hiếu. Từ đây hai nguồn hợp làm một dòng chính chảy về Đô Lương, qua Thanh Chương, Nam Đàn, xuôi về Dũng Quyết thành phố Vinh, vòng qua Đức Thọ, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh rồi thong thả đổ ra biển Cửa Hội. Thực ra tên sông Lam thường để dùng để chỉ khúc sông Cả từ chỗ hợp với sông La ở chợ Tràng cho đến Cửa Hội. Hệ thống chi mạch của sông Lam gần như chảy qua hầu hết các huyện của tỉnh Nghệ An và một phần của Hà Tĩnh. Trong suốt hành trình, nó lại được tiếp thêm nguồn nước từ các sông ngòi khác đổ vào, tạo cho con sông thành một dòng chảy mạnh, một nguồn mạch đáng kể; sông Lam đã bồi đắp phù sa cho cả đồng bằng xứ Nghệ từ bao đời nay. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, sông Lam là trận địa, là chứng nhân lịch sử oai hùng. Đại Nam nhất thống chí đã viết về cảnh đẹp trù phú của sông Lam: “Ở đây, nước sông trong mát, cây cỏ tươi xanh, gần có phố, xa có thôn, phong cảnh như tranh vẽ, thật là một nơi danh thắng ở châu Hoan. Bài thơ “Qua đò Phù Thạch” của Nguyễn Trung Ngạn đời Trần có mấy câu rằng: “Trào sinh, trào lạc đông tây thủy / Vân hợp, vân khai thượng hạ san / Ngư đĩnh phù trầm yên cảnh ngoại / Tăng gia ẩn ước họa đồ gian” (Thủy triều lên xuống phía đông phía tây; Mây hợp mây tan ở trên núi dưới núi, Thuyền chài chìm nổi ngoài cảnh khói mù; Nhà chùa tờ mờ trong khoảng tranh vẽ)”…
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng sông Lam vào Tuyên đỉnh; năm Tự Đức thứ 3, 1850, cho liệt vào hàng các con sông lớn của nước nhà, được chép vào điển thờ, hàng năm sai quan sắm lễ vật đến tế thần sông.
Từ những làng mạc nằm dọc theo hai bờ sông Lam, rất nhiều nhân tài tuấn kiệt của đất nước đã sinh ra và lớn lên, mang theo nỗi khát vọng ngàn đời của dòng sông bồi đắp phù sa cho ruộng đồng tươi tốt mà dấn thân làm nên sự nghiệp lưu truyền sử xanh.

ĐỊA ĐẬU

Địa Đậu, tức là đậu phụng, vì củ của nó có hình dáng như mắt con chim phụng, nên gọi thế, cũng gọi là đậu lạc, lại có tên là lạc hoa sinh. Thành phần dinh dưỡng của đậu phụng rất cao, có lợi cho thể lực, thổi xôi hoặc rang hay luộc, làm thực phẩm để ăn đều tiện, người ta có thể hoặc ép dầu thắp đèn, nấu chè, làm bánh kẹo đều được, là một loại ngũ cốc cho mối lợi lớn của nhà nông; thân cây và bã đậu phụng đóng thành bánh đem bón ruộng rất tốt; trong ngành công nghiệp chế biến, dầu phụng được dùng làm dung môi trong việc chế dầu tiêm, dầu xoa ngoài, dầu bôi máy, xà phòng... Ở Việt Nam, ruộng đồng tỉnh nào trồng cũng được, rất ích lợi.

THỈ

Thỉ, tục danh con heo, tức con lợn, còn gọi là trư, là đồn, là khải, là trệ, là phần. Sách Lễ ký chép là cương lạp. Nó là con vật nuôi cung cấp nguồn thực phẩm và rất có ích với đời sống con người. Theo Đông y, thịt heo nạc có vị ngọt, hơi mặn, tính bình, tác dụng tư âm nhuận táo, dùng cho các trường hợp trị nhiễm trùng, sốt cao, mất nước, táo bón, tiểu đường, suy kiệt thiểu dưỡng. Là con vật đem lại nguồn thu nhập cho các ngành công nghiệp thuộc da; ngoài ra nó còn được nuôi để hiến tế thần linh, dâng cúng gia tiên hàng năm. Ở nhiều nơi như vùng Hoa Lư, Ninh Bình, vì kiêng tránh nên gọi là “Ông Lợn”. Thỉ (hợi) được xếp cuối cùng trong địa chi 12 con giáp.

ĐẠI LĨNH

Đại Lĩnh, tức núi Đại Lãnh, dãy mạch của nó chạy dài rất xa, đứng sừng sững vững chắc như bức trường thành trên ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Trong dãy núi này có ngọn Thạch Bi Sơn, thường gọi núi Đá Bia, ngọn cao nhất thuộc hệ Đèo Cả; nơi đây một thời quá vãng từng là mốc giới biên viễn của nước Đại Việt. Có câu chuyện lịch sử ghi lại sự tích núi Thạch Bi, tương truyền vào năm 1471, ở miền phương Nam người Chiêm nổi loạn, xua quân đánh ra các trấn huyện Thuận Hóa. Nhằm để “sắp xếp lại trật tự” ở biên cương, từ Thăng Long, vua Lê Thánh Tông đã thân chinh, dẫn đầu đại binh vào tiễu phạt. Trên đường hành quân, trong một buổi chiều hoàng hôn, ông đã dừng chân ở dưới rặng núi này ngắm cảnh, làm thơ; nhận thấy nơi đây mạch núi liên hoàn, ngọn cao ngọn thấp, chỗ lồi chỗ lõm ăn ra tận biển trông như trận địa được trời ban. Là bậc minh vương, có tầm nhìn chiến lược, nhà vua đã ngự chế, sai người trèo lên tạc vào phiến đá trên cao để khẳng định chủ quyền đất nước. Vì thế núi ấy được gọi là núi Đá Bia.
Ngọn này có độ cao 706 mét, trên đỉnh mây mù thường xuyên che phủ tạo nên cảnh vật kỳ ảo, trông thật hùng vĩ. Những ngày trời quang mây tạnh, đứng ở núi này có thể nhìn rộng ra xa cả vùng biển đảo mênh mông thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngay dưới chân núi là Vũng Rô rất sâu và kín gió, những thuyền bè đi biển gặp bão tố có thể chạy vào trú ẩn rất thuận tiện, được an toàn.
Vì đắc lợi nhiều mặt của dãy Đại Lãnh, năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho khắc hình tượng dãy núi này vào Tuyên đỉnh.
Những năm kháng chiến vệ quốc ở thế kỷ XX, nhờ địa thế dãy Đại Lãnh che chở, biển sâu Vũng Rô trở thành căn cứ bí mật cho những con tàu hải quân không số của cách mạng được các chiến sĩ quả cảm bí mật tập kết vũ khí từ miền Bắc chuyển vào miền Nam để phục vụ công cuộc kháng chiến…
Đá lấy ở dãy Đại Lãnh là loại đá tốt được dùng nhiều trong xây dựng các công trình cao cấp, rất bền vững. Rừng sâu ở núi này có nhiều muông thú và lâm đặc sản, dược liệu quí hiếm. Biển Vũng Rô có nhiều loại cá, tôm, cua, mực… ngon nổi tiếng.
Nói đến dãy Đại Lãnh, núi Đá Bia, người dân hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thường xem nó như ngọn chủ sơn uy linh trấn giữ non nước cả vùng, là biểu tượng văn hóa lịch sử nổi tiếng từ ngàn xưa. Chính vì những kỳ tích hiếm có ấy mà vào năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận núi Đại Lãnh - Thạch Bi Sơn là thắng cảnh cấp quốc gia.

TRÂN CHÂU HOA


Trân Châu Hoa, còn gọi là kê cước lan, kim tác lan, tục danh là bông sói trắng, nhiều nơi quen gọi là bông hòe, có câu “hoa hòe hoa sói” là chỉ hoa này. Trân châu mọc lên thành bụi, hình hoa giống ống chân gà, sắc trắng mà thơm. Lại có một loại sắc vàng, tục danh sói vàng, nơi miền núi sơn dã đều có mọc. Là một loài hoa quí, người Việt trồng nhiều để làm cảnh. Theo các nhà Đông y, thành phần của hoa trân châu có thể làm thuốc chữa trấn tĩnh, trị bệnh suy huyết ở trên đầu và mặt, nhức buốt không ngủ, chữa viêm niêm mạc miệng khá hiệu nghiệm.

LÊ THUYỀN

Lê Thuyền, một loại thuyền đi biển có 12 tay chèo, được sản xuất khá nhiều dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng. Năm 1835, đóng một chiếc thuyền lê nhỏ cho Viện Cơ mật. Hễ vua đi tuần đường thủy nơi nào thì đáp đi hộ giá.
Loại thuyền này có thể dùng đi lại trên biển khi có gió to hay vùng sông nước lớn chảy xiết, khá an toàn. Những người buôn đò dọc đi dài ngày có khi cũng đóng thuyền buôn theo mẫu thuyền lê này để tiện bề đi lại.
Lê thuyền cũng là loại phương tiện đi lại bằng đường thủy tiện lợi của người Việt từ xưa.

VÂN

Vân, tức mây. Một hiện tượng thời tiết tụ nước do thay đổi nhiệt độ nóng, lạnh mà tạo thành; mây nhờ gió mà di chuyển từ nơi này đến nơi khác khắp cả bầu trời; lại có một loại “mây bụi” trong không gian. Mây là bản chất tự nhiên của vũ trụ, có mây thì có mưa. Hết mưa trời lại nắng. Theo Kinh Dịch, mây thuộc quẻ Truân, do ngoại quái là Khảm, nội quái là Chấn mà thành. Khảm nghĩa là thủy cũng là thuộc tượng nước đứng đầu mọi tượng của vũ trụ (mà thủy cũng bắt đầu từ vân: mây). Không có mây thì cũng chẳng có mưa.

LONG NHÃN

Long Nhãn, tục danh quả nhãn, còn gọi viên nhãn, lệ chi nô, vì mãn mùa lệ chi thì long nhãn chín, cho nên gọi tên ấy. Quả giống quả lệ chi mà nhỏ, tròn như hòn đạn. Vị ngọt, có thể trấn kinh và cường khí. Có loại nhãn sinh, trái giống như mắt rồng. Đông y dùng quả nhãn bào chế thuốc chữa an thần khỏi mộng mị. Trong Đại nội Huế trước đây có thứ nhãn lồng điện Phụng Tiên ngon hơn cả. Miền Bắc có giống nhãn lồng tỉnh Hưng Yên là tuyệt hảo. Nam Bộ có nhãn hạt tiêu là nổi tiếng. Y học cổ truyền dùng hạt nhãn khô xay mịn để trị bệnh hôi nách xông mùi khó chịu. Gỗ của cây nhãn rất cứng, sắc thơm có thể dùng được nhiều trong việc tạc tượng thờ và đồ gia dụng.

NỎ

Nỏ, tức cây cung; một loại vũ khí thô sơ nhưng quan trọng trong việc đánh trận từ xa. Từ lâu đời, nỏ là vũ khí dùng trong quân đội và cũng sử dụng để tự vệ hoặc đi săn. Các loại cung nỏ chỉ khác nhau ở chỗ bắn xa, gần mà vẫn chính xác, đấy là do người sáng chế. Theo truyền thuyết, nước Việt ta nổi tiếng có cây nỏ thần thời An Dương Vương do tướng Cao Lỗ chế tạo, bắn một phát được nhiều mũi làm cho quân Nam Hán khiếp sợ. Sau cũng vì chuyện tình mà mất cảnh giác, nỏ thần hết hiệu nghiệm, dẫn đến mất nước. Ngày nay người vùng miền núi cao vẫn còn dùng. Thể thao hiện đại có môn thi bắn nỏ.

NHĨ HÀ

Nhĩ Hà, còn gọi là Nhị Hà, tức sông Hồng, lại gọi sông CáiHồng Hà; con sông mang sứ mệnh lớn lao của cả xứ sở bao gồm những hệ thống chi lưu phức tạp và dài nhất Việt Nam. Sông bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc, chảy vào biên giới nước ta tại xã A Mú Sung, huyện Bát Sát, tỉnh Lào Cai, rồi chảy sang tỉnh Yên Bái, xuống Phú Thọ, qua Vĩnh Phúc, băng ngang phía bắc thành phố Hà Nội, men theo ranh giới tỉnh Hưng Yên và Hà Nam, xuôi về miền quê lúa Thái Bình, ôm lấy mấy huyện của tỉnh Nam Định trước khi thong dong đổ ra cửa biển Ba Lạt. Hệ thống chi lưu sông Hồng chằng chịt cuồn cuộn ngầu đỏ phù sa nuôi sống cả vùng châu thổ rộng lớn, tạo nên bản sắc riêng có của nền văn hóa lúa nước giàu âm điệu của dân tộc Đại Việt từ mấy ngàn năm trước.
Theo cuốn Địa chí tỉnh Vĩnh Phú, do Ty Văn hóa Vĩnh Phú, xuất bản năm 1974, thì đoạn mang tên sông Hồng được tính từ điểm hòa nước của sông Thao, sông Đà, sông Lô và các sông suối lớn nhỏ khác tại Ngã ba Hạc, tức Bạch Hạc, ngã ba Việt Trì ngày nay rồi dung dăng chảy về xuôi. Từ đây trở đi, dòng sông mới chính thức mang tên sông Hồng (Nhĩ Hà). Thời xa xưa, sông này còn có tên Diệp Du, cuối thời nhà Lê đầu thời nhà Nguyễn gọi là sông Bạch Hạc; đoạn từ Yên Lãng đến Hải Bối (thuộc Hà Nội) gọi là sông Tráng Việt; lại có tên Phú Lương; từ Hải Bối trở đi mới gọi là sông Nhị, hoặc Nhĩ Hà.
Ngã ba Hạc xa xưa còn có tên nữa là Tam Giang. Đời nhà Trần đặt làm lộ Tam Giang; thời thuộc Minh đặt phủ Tam Giang, đều có gốc từ đây - nơi có ba dòng sông lớn đổ nước vào hòa làm một.
Sông Hồng có nhiều đoạn, nhiều bãi bồi, bãi cạn từng diễn ra những trận đánh giữ nước oanh liệt của dân tộc ta suốt hơn ngàn năm chống giặc phương Bắc xâm lược. Nổi tiếng nhất là trận Đông Bộ Đầu (gần Long Biên ngày nay) vào năm 1258, chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất. Sông Hồng được các nhà khoa học quân sự xem như trời ban cho một hệ thống hào rãnh tự nhiên để bảo vệ Kinh thành Thăng Long trước các cuộc tấn công của kẻ thù. Sông Hồng hiền hòa bồi đắp phù sa; sông Hồng quật khởi và oai hùng, khát vọng và là niềm tự hào, nguồn cảm hứng vô tận về sáng tạo nghệ thuật của các văn nhân, nghệ sĩ Việt Nam. Có thể nói sông Hồng là dòng sông chủ của nước Việt ta tự bao đời nay.

YẾN OA

Yến Oa, tục danh chim yến, còn gọi là ất điểu, huyền điểu, chí điểu, du ba, thiên nữ oa, là ý nhi. Ở đây được hiểu là tổ chim yến. Chim yến có mấy loại: loại trắng, lông như sợi tơ bạc; loại đen đậm, lưng bụng màu nhạt hơn; thứ nữa đến loại vàng nhạt, thường gọi yến hàng và yến núi. Chim yến ăn rêu đá ở bãi biển, rồi nhả ra làm tổ treo lủng lẳng ở vách đá, đến mùa thu người ở hải đảo thường dùng cái cần dài móc xuống để lấy. Theo các nhà y dược, tổ của yến hàng ăn được, tổ của yến núi không ăn được. Yến sào có công dụng tiêu đàm, chữa hen suyễn, thổ huyết, chữa gầy yếu, bổ dưỡng; là món quí nhất trong bát trân, ngày xưa chỉ vua, quan, nhà đại phú mới có dùng. Chim yến ăn chủ yếu là côn trùng có kích thước nhỏ, và bắt mồi trong khi đang bay. Chúng sống thành đàn và làm tổ san sát có khi tới hàng ngàn tổ ở trên các đảo ngoài biển. Riêng yến núi có thể làm tổ ở trong các hang đá ven biển. Hải phận tỉnh Thừa Thiên không có đảo lớn, hằng năm cứ đến sau mùa thu người ta thường thấy ngoài cánh đồng có hàng đàn chim yến bay lượn, trẻ chăn trâu đánh bẫy được cũng nhiều. Sách Lễ ký chép rằng: “Tháng giêng chim huyền điểu bay đến, tháng 8, chim huyền điểu bay đi”, tức giống chim yến này. Thịt của chim yến có thể dùng làm thuốc chữa lở loét, và bệnh trĩ, nhưng ăn quá nhiều thì tinh thần dễ mỏi mệt. Đối với những người biểu tà, vị hư hàn thì không dùng được.
Ở nước ta, vùng biển từ tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, trở vào Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu, Hà Tiên có nhiều yến hàng sinh sống; vùng biển đảo tỉnh Bình Định, tỉnh Khánh Hoà có nhiều yến núi, hàng năm hai tỉnh này khai thác yến núi được khá nhiều. Đây là mối lợi riêng của những tỉnh có nhiều chim yến sinh sống; chim yến sinh sống và làm tổ ngày càng nhiều chứng tỏ môi trường ở đây trong lành, ít bị xáo trộn. Ở tỉnh Khánh Hòa hiện nay có nghề nuôi chim yến trong nhà.
Ngày nay, mọi người có thói quen, món ăn thì gọi “yến sào” tức là ăn cái tổ của con chim yến, lại có thứ nước giải khát cũng gọi nước yến, còn chim thì quen gọi én; đã có nhiều bài hát, bài thơ ngợi ca cánh chim én tuyệt hay; thấy chim én bay lượn ở đất liền người ta như thấy mùa xuân lại về.

KHƯƠNG

Khương, tục danh là cây củ gừng, là thứ cây rất dễ trồng; ở nước ta xứ nào trồng cũng được. Gừng có tính cay nồng hay chế ngự được các chứng tà nên gọi là khương (có người đọc là cương)(42). Thứ củ non gọi là tử khương, thái mỏng rim mật ăn rất ngon, thường gọi mứt gừng. Củ già là mẫu khương, càn khương. Trong bào chế, gừng là vị thuốc quí được gia giảm theo bệnh. Ngoài ra, gừng còn trộn lẫn để làm gia vị nước chấm ăn với những món nhiều đạm. Ở Cố đô Huế, món mứt gừng ngày Tết ngon nổi tiếng khắp nước.
(42). Chữ khương phạm huý (Hiếu Khương Hoàng đế, thân phụ của vua Gia Long) Đại Nam nhất thống chí, Sài Gòn, xb (1962), chép là cương.

DUỆ SƠN

Duệ Sơn, tục danh núi Duệ, thường gọi là núi Lễ, núi đứng chân ở phía nam huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, hình núi hơi nhọn, dáng đẹp, phía đông núi gối đầu lên sông Tả Trạch. Núi Duệ như vị thần canh giữ, đứng trấn trị phía đầu nguồn sông Hương, làm án che chở cho vùng đất tọa lạc Văn Miếu và Võ Miếu. Núi Duệ cùng với Thương Sơn, núi Ngự Bình được xem là những ngọn chủ sơn tụ khí của linh mạch xứ Huế.
Những người đi rừng nói rằng, dưới chân Duệ Sơn xưa kia có nhiều cây thạch xương bồ mọc, bây giờ thi thoảng mới gặp.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng núi Duệ vào Tuyên đỉnh; năm thứ 20 nhà vua lại ban sắc lệnh cho việc tế thần núi Duệ hàng năm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét