Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Những họa tiết khắc trên Thuần đỉnh


Thuần đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ ba bên trái tượng trưng cho sự tinh khiết

HOÀNG OANH

Hoàng Oanh, tục danh chim vàng anh (37), còn gọi là hoàng ly, thương canh, thanh điểu, hoàng bá lao; chim có sắc vàng, lông và đuôi có lẫn sắc đen, tiếng kêu của nó tròn trặn như thanh âm dệt cửi, người ta cho là thứ chim có tiếng kêu ứng theo thời tiết. Người xưa nói: “Hữu minh thương canh”, tức là chim này. Theo các nhà Đông y, thịt của hoàng oanh có công dụng bổ tỳ; ăn nhiều làm cho người ta “hạ hỏa” bỏ được tính ghen tuông và hay giận hờn. Hoàng oanh là giống chim đẹp, rất ưa nhìn.
(37). ĐNNTC, Sài Gòn XB (1962); Hà Nội (1969); Thuận Hóa (1997) và (2006), đều chép hình vàng anh ở Tuyên đỉnh. Thực tế hình chim này khắc ở Thuần đỉnh.
LY NGƯU

Ly Ngưu, tục danh con bò tót, còn gọi là con mao tê, con min, thuộc bộ ngón chẵn, là một giống bò hoang, bò rừng, sức rất khỏe, đuôi rất dài, ngày xưa người ta dùng làm ngù cờ. Bầy đàn của bò tót rất ít, khoảng từ 5 đến 25 con. Da của nó có thể chế biến làm đồ dùng trong mỹ nghệ trang sức rất tốt. Thịt của bò rừng có nhiều chất bổ, tăng cường sinh lực, hợp cho cơ thể của người suy nhược, sừng của bò tót có giá trị thẩm mỹ cao và là một loại dược liệu rất quí.
Hiện nay, rừng nước ta (ở vườn quốc gia Cát Tiên) vẫn gặp, nhưng cá thể loại bò tót này còn quá ít, có nguy cơ tiệt giống nòi, nên rất cần được bảo vệ.

CẦN GIỜ HẢI KHẨU


Cần Giờ Hải Khẩu, tức cửa biển Cần Giờ, tức cảng Cần Giờ, còn gọi là cửa Ô Cấp. Cửa này có độ rộng trên 5 dặm, khi nước lên buổi sáng thì sâu 5 trượng 5 thước, nước lên buổi chiều sâu 4 trượng. Cảng khẩu sâu rộng nên rất thuận lợi cho thuyền bè ra vào, là một cửa cảng lớn, nằm sát nách trung tâm phố thị tỉnh Gia Định xưa, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Do tính chất quan trọng của cửa biển này, năm Thiệu Trị thứ 2, triều đình nhà Nguyễn cho xây thành, đắp lũy tấn bảo để canh gác. Cửa biển Cần Giờ có vị thế chiến lược kinh tế, quốc phòng và lịch sử phong phú của vùng đất Nam Bộ ngay từ buổi đầu mở cõi.

QUỲ HOA

Quỳ Hoa, còn gọi là nhung quỳ, hay ngô quỳ, tức hướng dương, vọng nhật quỳ hoa, thục quỳ, thái dương hoa... có nguồn gốc xa xưa từ Trung Mỹ; hoa vàng đóa lớn, hạt dùng ăn được như hạt dưa. Có thể dùng làm thuốc trị ngộ độc nhẹ, chữa cao huyết áp, chóng mặt, đau răng, viêm khớp, rất tốt cho tim mạch; vỏ cây dùng làm dây rất bền. Cổ nhân nói: loại nhung quỳ trồng ở vùng Tây Thục, có đến 5, 6 chục loại, hình thái trăm cách, có những sắc hồng, tím, trắng, đen, tím đậm, tím nhạt, hồng đào, và tím màu da cà; đến tháng 5 nở nhiều hoa, nhưng chẳng ngoài mấy sắc ấy. Lại có tên là nhất trượng hồng,vừa đẹp vừa có giá trị thiết thực trong đời sống. Tuy giống hoa có gốc từ châu Mỹ, nhưng người Việt Nam rất ưa chuộng.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng hoa quỳ vào Thuần đỉnh.

NAM MỘC
Nam Mộc (楠木), tức cây gỗ sao, còn gọi gỗ sến; theo Tự điển sở dĩ viết chữ nam vì cây mọc ở phương Nam. Khi cưa ra, mặt tròn hướng tâm giống hình ngôi sao nên gọi tên vậy. Sách Gia Định thành thông chí chép rằng: nam mộc có bốn loại là nam xanh, nam vàng, nam tôm và nam đá. Cây to vòng và cao hơn trăm thước, thớ thịt gỗ đông đặc là thượng phẩm, cho nên xưa nhà Nguyễn có lệ cấm dân không được dùng. Rừng sâu các tỉnh từ Thừa Thiên trở vào Nam đều có, nhưng đường xa khó lấy; rừng Nam Bộ bằng phẳng dễ khai thác, nên phần nhiều lấy ở đấy, ngày trước có những hộ dân mấy đời chuyên làm nghề lấy gỗ nam mộc cho triều đình.

THẠCH HÃN GIANG


Thạch Hãn Giang, tức là sông Thạch Hãn, thời Trần có tên Thái Già; sông chảy qua hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị. Phát nguyên từ vùng núi cao huyện Hướng Hóa, giáp với nước Lào. Sông chảy theo hướng tây bắc đến bãi Ái Tử, lại chảy chừng 33 dặm, thì có nước nguồn Viên Kiệu chảy vào, rồi chuyển sang phía đông nam chừng 10 dặm, qua cửa Ngưu Cước, tục gọi nguồn Trang, lại 17 dặm, qua bến Lương Mai, lại 14 dặm qua bến Trinh Thạch, lại 2 dặm, thì có ba dòng khe từ phía nam qua phường Trà Trì chảy vào, lại chảy 17 dặm qua khe Trái, chảy 15 dặm qua phía đông chợ Như Lệ, 16 dặm qua xã Thạch Hãn. Ở đây, có một thân đá nhô lên trên mặt nước, nằm ngang từ trái sang phải, cốt đá chập chùng, nên có tên Thạch Hãn. Sông lại chảy 10 dặm qua bến đường quan ở phía tây thành cổ Quảng Trị, lại 3 dặm nữa thì đến ngã ba làng Cổ Thành, đến địa phận hai làng An Tiêm và Xuân Yên thì chia làm hai nhánh: một nhánh chảy về phía đông nam vào sông đào Vĩnh Định; một nhánh chảy về phía đông bắc 11 dặm, qua ngã ba Vĩnh Phước, tục gọi bến Quyết, lại chảy 9 dặm qua ngã ba Dã Độ, tục gọi ngã ba sông Tương, lại 7 dặm qua ngã ba Giáo Liêm, lại chảy 10 dặm nữa mới ra biển Cửa Việt, tổng cộng dài khoảng 155 cây số. Sông bắt nguồn rất xa, nước trong và ngọt, ngạn ngữ có câu: “Bất vi xạ não, diệc thị trầm đàn; bất vi quỳnh tương diệc thị cam lễ”, nghĩa là: Chẳng phải xạ hương long não, thì cũng trầm hương đàn hương; chẳng phải quỳnh tương thì cũng cam lễ. Câu này thực tả phẩm chất của nước sông Thạch Hãn.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, khắc hình tượng sông Thạch Hãn vào Thuần đỉnh; năm Thiệu Trị thứ 2, xa giá Bắc tuần, khi qua sông này nhà vua có thơ đề vịnh; năm Tự Đức thứ 3, 1850, liệt vào hàng các dòng sông lớn trong điển thờ.
Sông Thạch Hãn là chứng nhân lịch sử giữ nước, sau Hiệp định Paris, con sông từng được “chọn” làm giới tuyến tạm thời của một giai đoạn ngắn ngày từ mùa hè năm 1973 đến mùa xuân 1975 giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam.
Ngày nay, mỗi lần ngang qua Thạch Hãn, nhìn dòng sông trầm lặng chảy êm, người ta lại thấy gợi lên câu thơ đầy bi cảm của người lính giữ thành cổ Quảng Trị thời chống Mỹ:
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ,
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”... (Lê Bá Dương)
Sông Thạch Hãn vốn nổi tiếng với các thứ cá, tôm, cua, ốc rất nhiều; đầu nguồn sông lại có giống chạch chấu (người Quảng Trị gọi là chình), mình dài và thịt rất ngon. Cùng với núi Mai sông Hãn chính là thủy mạch linh diệu của miền Ô châu.

HOÀNG ĐẬU

Hoàng Đậu, tục danh đậu vàng còn gọi là đậu nành, loại đậu thường dùng làm tương và làm thuốc tăng lực (38), rất dễ trồng, đất vùng nào trồng nó mọc cũng tốt. Đậu nành còn dùng làm thức ăn cho người bị bệnh thấp khớp, bệnh gút, người mới ốm dậy, người lao động quá sức.
Đối với những tu sĩ Phật giáo, loại đậu này nhiều chất đạm được dùng nhiều trong nhà chùa, để chế biến món ăn chay, làm nước uống giải nhiệt rất tốt.
(38). Các bản dịch ĐNNTC đã xuất bản trước đây, không thấy chép hình cây đậu này ở đỉnh nào. Trên thực tế hình cây đậu vàng được chạm vào Thuần đỉnh.

ĐỈNH

Đỉnh, tức là thuyền, một loại thuyền đua nhiều tay chèo, được sản xuất nhiều dưới thời Gia Long và Minh Mạng; đây là một loại thuyền vừa dùng để đua trong các lễ cầu mưa, các ngày lễ hội, vừa dùng trong chiến đấu được trang bị cho quân đội nhà Nguyễn. Thuyền này có tốc độ lướt sóng khá nhanh, hoạt động thuận tiện trên tất cả các loại hình đường thủy.
Mỗi lần xa giá xuất hành bằng đường thủy thì chung quanh thuyền ngự có nhiều thuyền này đi hộ tống tăng vẻ oai nghi.

PHONG

Phong, tức gió, hiện tượng thiên nhiên được hình thành tạo nên giữa hai vùng chênh lệch nóng, lạnh, không khí chuyển động mạnh. Gió thổi mạnh thì thành bão. Theo Kinh Dịch, gió thuộc về quẻ Tốn (Tốn vi phong).
Gió có gió Tây Nam, gió mùa Đông Bắc, gió chướng, gió heo may, gió nóng, gió ấm, gió nồm... Nhờ có gió mà bốn mùa đổi thay theo chu kỳ vận hành theo quy luật tạo thành thời tiết. Gió thuộc về bản chất tự nhiên của vũ trụ, tạo nguồn năng lượng dồi dào tự tạo ra sức mạnh vô biên.

BẠNG

Bạng, tục danh con ngao, chủng loại ngao rất nhiều, sinh sản rất nhanh, sông biển nước lợ các tỉnh đều có. Người làm nghề bắt ngao lâu năm nói: xem con bạng, với con cáp cùng một loại mà hình dáng khác nhau, con dài gọi chung là bạng, con tròn gọi chung là cáp; thịt của ngao ăn ngon và mát, nhiều chất bổ dưỡng, vỏ có thể nung vôi rất tốt, tục gọi vôi hàu. Lại có con ngao ở đầm Hậu Ngư (tức đầm Sam) tự thân nó sinh ra thứ phân châu, tức trân châu. Khoảng đời Minh Mạng, triều đình có sai người lặn xuống đầm tìm ngọc châu, nhưng ngọc còn non, nên sau lại thôi.

TẢN VIÊN SƠN

Tản Viên Sơn, tức núi Tản Viên; núi ở địa giới hai huyện Tùng Thiện và Bất Bạt tỉnh Hà Tây cũ- nay thuộc thành phố Hà Nội; núi có ba ngọn cao vót, hình tròn như cái tán; trên núi có dựng đền thiêng. Nhà bác học Lê Quí Đôn từng viết rằng, núi Tản Viên ở địa giới các huyện Bất Bạt và Minh Nghĩa (tức huyện Tùng Thiện), mạch núi từ Mường Thanh liên tiếp chạy dài, đến đây thì nổi vọt ba ngọn thành hàng ở giữa hai sông Thao và sông Đà. Cảnh sắc hai bờ lưu vực xanh tươi, hình thế cao cả, như trấn giữ đất nước; ngọn giữa rất cao, có đền thờ Thượng Đẳng thần, ở đỉnh núi, sườn núi và chân núi có các đền Thượng, Trung và Hạ, núi cao sát trời xanh, suốt ngày có mây bao phủ. Theo Bắc Thành địa dư chí của Lê Đại Cương thời nhà Nguyễn, núi này ở bốn mặt có sông bao bọc, cây cối um tùm, hình thế đẹp sáng, trên núi có giống cỏ kỳ lạ, có tên “vô phong độc dao” (không có gió mà cỏ vẫn lay động); thân cỏ có hai nhánh, tự chụm vào nhau và tự tách ra. Tương truyền, người ta đeo thứ cỏ này (như đeo bùa) trong mình thì duyên vợ chồng ngày càng thắm thiết và son sắt hơn.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng núi Tản Viên vào Thuần đỉnh; năm Tự Đức thứ 3, 1850, liệt Tản Viên vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ, hàng năm triều đình sai quan sắm lễ vật đến tế thần núi.
Núi Tản Viên ngày nay thuộc xã Thủ Pháp, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, nằm ở cuối tây nam tỉnh Hà Tây cũ, giáp tỉnh Hòa Bình, nên núi còn được gọi là núi Ba Vì. Núi có ba đỉnh cao (núi Ông, núi Bà, núi Chẹ), đỉnh núi cao nhất là 1296m ngày đêm mây phủ, ngọn giữa có hình thắt cổ bồng, trên tỏa ra như cái tán nên gọi là Tản Viên. Núi thiêng này là ngọn danh sơn rất nổi tiếng của nước Việt Nam từ cổ xưa. Tương truyền núi Tản Viên là nơi vua Hùng chấp thuận cho thần Sơn Tinh chọn để đóng đại bản doanh dàn quân chống nhau với thần Thủy Tinh, tranh tài lấy nàng Mỵ Nương xinh đẹp, và nhờ sơn thần hỗ trợ, Sơn Tinh đã thắng Thủy Tinh. Trên núi bây giờ vẫn còn đền thờ thần Sơn Tinh trị thủy.
Người xưa còn nói rằng, những lễ vật mà thần Sơn Tinh đem dâng lên vua Hùng, như “Gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” đều được lấy từ vùng rừng núi này. Đúng là “Ba Vì cao ngất tầng mây/ Sơn Tinh chuyện cũ đến nay vẫn còn”.
Theo các nhà địa lý cổ, Tản Viên là núi tổ của hệ sơn mạch nước ta, chân núi, lưng chừng núi đều có nhiều huyệt kết tụ thành linh khí phù hợp với âm trạch. Ai có đức lớn được trời giúp mới mong tầm ra một huyệt mộ an nghỉ ngàn thu tại vùng sơn địa này.

ĐÀO

Đào, tục danh là đào đất, chữ Hán là Xích ty đào. Thơ của vua Minh Mạng có bài Vịnh xích ty đào lược chú rằng: Loại đào này thân cây thấp, lá dày lớn, sắc lục sáng ngời, hoa đỏ tươi có tơ rủ xuống, nên gọi tên ấy (xích ty đào, tức đào tơ đỏ). Quả đào trên dẹt dưới rộng, vỏ đỏ, ruột trắng như bông, không được thơm ngọt lắm, nhưng trông có vẻ khả ái, đem sánh với các loại đào khác thì đào này tốt đẹp hơn, tưởng như ở phương Bắc không có thứ thổ sản ấy. Quả đào đất là một loại dược liệu của thuốc Nam, dùng bồi bổ sức khỏe. Ở vùng Tây Bắc của Việt Nam trồng nhiều giống đào này.

ĐĂNG SƠN NGƯ

Đăng Sơn Ngư, tục danh con cá rô (40); có mấy loại: còn nhỏ thì gọi rô răm, già thì gọi rô xù. Sau này (khoảng 1950) người ta nhập một loại nữa từ Phi Luật Tân về nuôi có tên gọi là rô phi, sản lượng thịt cá rô rất cao và ngon. Mình cá rô rất nhiều nhớt. Nước khô thì lấy mang chống xuống đất mà đi trên cạn. Sống chủ yếu ở đồng ruộng, sông ngòi, ao cạn, nó có thể nhảy xa bằng vây. Mùa mưa rào, nó thường ngược dòng nước chảy, phi lên bờ, chống vây nhảy đi nên có tên như vậy.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng con cá rô vào Thuần đỉnh.
(40). ĐNNTC, Sài Gòn XB, (1962), chép là Quá sơn ngư. Có lẽ do chữ đăng phạm húy tên vua Kiến Phúc (tức Nguyễn Phúc Ưng Đăng) mà phiên trại chữ đăng ra chữ quá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét