Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

"Nghĩ lại về Pautopxki"

Pauxtôpxki
Pautopxki được mệnh danh là “Nhà thơ bị đóng đinh trên cây thánh giá của văn xuôi”. Đến với những áng văn xuôi của ông, ta không gặp những cái gọi là xung đột, những tình tiết lắt léo ly kì, mà ta lặng đi bởi những câu văn trữ tình, cảm xúc đầy tràn trên trang giấy. Pautopxki, với những áng văn lãng mạn, bay bổng tuyệt vời, cho ta say đắm và mê đắm nhau trên trang sách. Ta những tưởng rằng những trang đẹp ấy sẽ là cuộc đời, "Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa", là "cánh cửa nao lòng", là "ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong" ...
                     
Khi mình bắt đầu vào học cấp ba, lớp "toán đặc biệt" của tỉnh, thầy dạy văn lúc ấy rất giỏi. Qua thầy Bửu, mình biết đến Pautopxki và cũng từ đó mình dần đọc hết các tác phẩm của nhà văn. Ngay cả bây giờ trong tâm thức, bao giờ những câu chuyện trong sáng và nhẹ nhàng ấy cũng như một tiếng thầm trong nắng sớm lao xao ...
                     
Daughter of the Painter, 1881
Đăng lại hai bài viết, một là thơ và một là lời yêu thương của hai thế hệ: Một là lứa chúng tôi học thời sơ tán, một của lớp trẻ bây giờ. Hai bài viết như đưa tôi về xưa ấy, sống lại mình trong những năm tháng say mê ...
  
Nhà Thơ Bằng Việt

Thơ: "Nghĩ lại về Pautopxki" - Bằng Việt

Bài thơ ra đời đã hơn 40 năm, khi ấy nhà thơ còn rất trẻ, ở tuổi 20. Và với âm điệu, ngôn ngữ và sức lay động của nó, bài thơ đến với lớp thanh niên, sinh viên thuở ấy không bằng con đường xuất bản...
                                   
1.

Đồi trung du phơ phất bóng thông già
Trường sơ tán. Hồn trong chiều lặng gió
Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu...
                                                                          
                  
"Lẵng quả thông" trong suối nhạc nhiệm màu
Hay "Chuyến xe đêm" thầm thì mê đắm
Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm
Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa

"Có thể ngày mai ta cũng đi qua
Một cánh cửa nao lòng trong truyện "Tuyết"?
Có tiếng chuông rung, và con mèo Áckhíp
Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong..."

Xa xôi sao... Thời thơ ấu sau lưng!

2.

Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
                                                           cuộc đời không phải thế!
Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể
Bể mặn mòi, sôi sục biết bao nhiêu
Khi em đến bên anh, trước biển cả dâng triều

Ta thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ
Dám thử mọi lo toan để vạch dấu chân trời
Dấu xanh thẳm khi bình minh vụt đến
Dấu đen trầm khi đáy bóng đêm trôi...

Và hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng
Nốt cao quá trong đời xao động quá!
Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả
Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn

Anh đã đi qua bão lốc từng cơn
Cây rung lá trong chiều thanh thản nhất
Anh qua cả màu không gian ngây ngất
Một tiếng thầm trong nắng mới lao xao...

Em đã đến rồi đi, như một giấc chiêm bao!

 
3.

Bây giờ, anh biết nói gì hơn?
Có thể, ngày mai thôi... Có thể...
"Hoa tóc tiên ơi! Sớm mai và tuổi trẻ"
Lật trang nhật ký nào cũng chỉ xót lòng thêm…

Pautopxki là dĩ vãng trong em
Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, anh hiểu rằng không phải...
Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!

                                   
Đưa em đi... Tất cả thế xong rồi
Ta đã lớn. Và Pautopxki đã chết!
... Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện "Tuyết"
Dẫu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em!

1969

 
                                                           
Lan Tử Viên-
ảnh đại diện trên YuMe
Bài viết. Gửi Pautopxki và mùa hạ năm nào- Lan Tử Viên
                     
"Có thể ngày mai ta cũng đi qua
Một cánh cửa nao lòng trong truyện "Tuyết"?

Có tiếng chuông rung, và con mèo Áckhíp
Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong..."
                              
Ngẫm ra cuộc đời này thật kỳ lạ, khi em lật những trang truyện ngắn của Pautopxki - những câu văn cứ ngân lên như tiếng chiếc phong linh góc nhà rung rinh trước gió. Em cũng không biết nữa. Có thể nào ta tìm thấy giữa thế gian này một Tachiana và một Nhicolai như được sinh ra để gặp mặt nhau trong sự tình cờ của số phận. Có bao giờ ta biết ở tỉnh lị xa xôi nào tồn tại một căn nhà nhỏ bằng gỗ, nơi bậu cửa treo chiếc chuông cứ gióng lên những hồi lanh lảnh mỗi khi có tay người chạm tới, một chiếc dương cầm cũ kỹ lung linh dưới ánh nến giưã đêm khuya, âm thanh dịu dàng của bản nhạc “Trên những bờ Tổ Quốc xa xôi” lướt nhẹ vào bóng tối và gợi mở những tình cảm trìu mến, âu yếm nhất. Con mèo Ackhip già nua nằm lim dim mắt ngủ ngoan lành trên chiếc đi văng. Những tia lửa tí tách nhảy nhót lẫn với tiếng ấm Xamôva reo trong bếp lò. Ngoài trời, tuyết đã nở hoa trắng xoá bên ô cửa sổ. Đêm rất dài và rất sâu…


Có bao giờ em nói với anh ước mơ về một ngôi nhà như thế. Mùa đông… em ngồi trước lò sưới đan cho anh chiếc áo len, thỉnh thoảng lại cúi xuống quyển sách nhỏ nhẩm thầm những dòng chữ thú vị. Ngoài trời, hơi lạnh của cơn gió mùa luồn qua những tàng cây xào xạc đập khe khẽ vào khung cửa sổ của chúng mình, em nghe trong gió tiếng thầm thì những câu chuyện cổ tích kể về một tình yêu chung thuỷ, tình yêu của những người sinh ra là để dành cho nhau.

Anh thấy em có lãng mạn quá không khi đem lòng tin vào những câu chuyện huyền thoại, đem tình yêu gắn với sự sắp đặt tình cờ mà hữu ý của cuộc đời này - một cuộc đời công bằng, hào hiệp, biết lắng nghe và hiểu thấu. Đôi khi vẫn nhủ cõi thực tại không phải bao giờ cũng rực lên màu đỏ thắm của những cánh buồm, đôi khi bàn tay bất ngờ chạm vào bề mặt thô nhám, khắc nghiệt, chạm vào những cạnh sắc của đời sống. Thế mà em vẫn hằng tin và vẫn hy vọng…
                  


Ngẫm ra cuộc đời này thật kỳ lạ và bất ngờ, như cuộc gặp gỡ thoáng qua của chàng trai và cô gái trong một công viên nhỏ lúc chiều tà. Dưới bóng râm của những cây tiêu huyền, người thiếu nữ tay ôm quyển sách bứơc chầm chậm về phía ngày tàn, bỏ lại sau lưng ánh nhìn lạ lẫm và khắc khoải của người con trai chưa hề quen biết. Cơn gió biển thổi về đảo Crưm những hơi mát trong trẻo và dịu dàng, có phải tình yêu đầu đời vừa mới lướt qua? Cho dù Tachiana không là cô gái chiều nào đi dưới bóng những cây tiêu huyền râm mát nhưng số phận đã sắp đặt nàng và Nhicolai gặp gỡ, đã ban cho hai người tình yêu ngay cả khi họ chưa hề quen biết nhau. Và đó chính là điêù kỳ diệu của cuộc sống.

Những lúc một mình trên phố, em hay để tâm thức đi hoang và suy nghĩ những nghĩ suy hết sức vẩn vơ. Có lẽ ở đâu đó trên thế giới này còn một người mai sau sẽ mang đến cho em nụ cười, sẽ cho em hiểu thế nào là một tình yêu chung thuỷ, tình yêu của những người sinh ra là để dành cho nhau…


Gấp lại những trang truyện ngắn của Pautopxki- những câu văn sâu như tiếng phong linh bất ngờ rơi oà vào ngọn gió báo hiệu một cơn giông mùa hè, những câu văn phả lên mùi thơm của chiếc lá liễu hoàn diệp nằm lâu dưới lớp băng trong vắt.
     
Có bao giờ ta tìm thấy giữa thế gian này một chuyện tình đẹp như trong truyện “Tuyết”, có khi nào ta chợt bắt gặp ngôi nhà bé nhỏ với khung cửa sổ ngập đầy hoa trắng rơi và ánh lửa đỏ tí tách hắt ra từ chiếc lò sưởi giữa một đêm mùa đông rất dài và rất sâu…

Nhưng anh biết không, bây giờ vẫn đang là một ngày hè và em chỉ có mong muốn được như người thiếu nữ kia, tay cầm quyển sách nhỏ đi về phía ngày nắng tắt, bỏ lại sau lưng ánh nhìn lạ lẫm, khắc khoải của một tình yêu ngẫu hứng vừa vụt qua trong cuộc đời.

6 nhận xét:

  1. Cảm ơn chủ nhà!
    Bài viết đã làm HG tôi nhớ lại những cảm xúc từ ngày còn nhỏ tuổi khi đọc truyện ngắn của Paustovsky. Tôi mê mải đọc, và đã đọc đi đọc lại mà không biết chán, đó là : "Chiếc nhẫn bằng thép", "Lẵng quả thông", "bông hồng vàng", "Bình minh mưa"... Ôi! làm sao mà quên được câu truyện "Người đầu bếp già" có nhân vật là nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo Mozart đã làm lên một điều kỳ diệu... Những hình ảnh mà in đậm trong tôi là rừng bạch dương, là căn nhà gỗ bên rừng, là con mèo Arkhi, là tiếng rìu bổ củi, bụi tử đinh hương, bồ công anh, những chùm hoa táo... tôi thích những đoạn văn tả cảnh trong những truyện ngắn của Paustovsky, không truyện ngắn nào mà không có vài đoạn văn tả cảnh, lời văn trữ tình, giàu cảm xúc và lãng mạn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có một lời bình bài thơ "NGHĨ LẠI VỀ PAUXTOPXKY" tại đây, xin giao lưu với chủ nhân blog nhé:
      http://www.nhuygialai.com/2012/03/binh-tho-nghi-lai-ve-pauxtopxky-pham.html

      Xóa
    2. Cảm ơn Bạn, thời xưa của chúng mình.
      Âu là những qua đi.

      Giờ ta có thể nhìn Bằng Việt qua nhiều bài viết. Nhưng ta mến yêu tuổi thanh xuân qua cống hiến hết mình.

      Ta hãy nghe xem tác giả cứ để cảm xúc mình chảy tràn ra, rơi lệ xuống cả trang thơ:
      Pauxtôpxky là dĩ vãng trong em
      Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại
      Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, anh hiểu rằng không phải...
      Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!

      Xóa
  2. Chào HG. Hai bài viết mà tôi đăng lại, là lúc tôi buồn và nhàn nhã nhất. Trong truyện "Người đầu bếp già", tôi như cây dương cầm mỗi khi có tiếng động vang lên ở chung quanh, dây đàn lại rung lên rất lâu và khẽ.
    "Lẵng quả thông" cho ta "cảm giác về cái đẹp của cuộc đời.", như Đanhi Pêđecxen. Ông già tóc bạc đã giúp cô mang lẵng quả thông về nhà. Đó là Eđua Grigơ, người có phép thần và nhạc sĩ vĩ đại! Thế mà nàng đã trách bác ấy không biết cách làm mau chóng. Tôi đã viết bài Khúc hát của nàng Solveig (Solveig’s song), đăng trong tháng Bảy.
    Còn tôi, một lần trên cỗ xe trâu kéo, đêm khuya, thời lính vùng sơn cước "gái Tuyên" năm 1974; Hồn vẩn vơ nghĩ về "Chuyến xe đêm", về Vơnidơ, thành phố "Bông sen úa", mà ước thấy hai cánh tay khỏe mạnh ôm lấy cổ chàng và một đôi môi nóng hổi ... của những cô gái miền quê nước Ý. "Nhưng chàng chẳng nhìn thấy gì ngoài những ngọn cây đen thẫm in trên nền trời đang chuyển dần sang màu lục nhạt". Vui vậy HG ạ!

    Trả lờiXóa
  3. Còn HG đọc VanPham thì thấy sao mà anh lại giống HG vậy. Hai truyện ngắn để lại cho HG nhiều cảm xúc nhất là "Người đầu bếp già" và "Lẵng quả thông", với HG truyện ngắn của Paustovsky là "thơ" và "Nhạc"...
    "Vui vậy..." cũng là tâm sự của HG đó anh.

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn Bạn.
    Chắc Bạn không bao giờ là người ác!

    Trả lờiXóa