Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

ĐỌC HỒI KÝ “CÁT BỤI CHÂN AI” CỦA TÔ HOÀI

 ĐỌC HỒI KÝ “CÁT BỤI CHÂN AI” CỦA TÔ HOÀI – Ngô Thị Kim Cúc

 

Bài đọc sách này tôi viết cách đây 21 năm, khi đang là biên tập viên báo Tuổi Trẻ. Do bị Tuổi Trẻ lắc đầu, tôi đã đưa sang in ở báo Phụ Nữ, số thứ Tư 3/3/1993 (lúc ấy Thế Thanh đương là tổng biên tập, trong khi Kim Hạnh đã thôi tổng biên tập báo Tuổi Trẻ từ 1991).

 


Tôi đã đọc tập hồi ký đầu tiên của Tô Hoài (sau đó có thêm Chiều Chiều và Ba người Khác) với tất cả sự xúc động của một kẻ hậu sinh, mà nhờ tập sách, có thể hình dung được những gì mà thế hệ cha anh mình đã phải trải qua trong đời cầm bút. Và tôi biết ơn tác giả, đã đủ cả dũng cảm lẫn tài năng để vẽ lại bức toàn cảnh một thời ấy. Và tôi cảm thấy những thị phi quanh nhà văn này không còn quá quan trọng. Nếu ông ẩn nhẫn là để có thể viết và lưu lại cho  đời sau những tác phẩm thế này, như một người “thư ký thời đại” đúng nghĩa, ông xứng đáng được vinh danh và yêu quý.

 

NỐT  NHỮNG  GIỌT CUỐI  ĐỜI

 

Hình như cùng với cốc rượu, ông già bảy mươi ấy đang kề cà, rỉ rả, tiện đâu nhớ đó, tiện đâu nhắc đó, thành lời, thành chữ, thành một cuộc gọi hồn tập thể không có đèn hương, chỉ bằng nỗi chân tình. Chẳng phải vô cớ mà hai chân dung ấy bỗng nổi bật đến thế, rõ ràng, sắc nét đến thế. Một Nguyễn Tuân khủng khỉnh, dềnh dàng, tao nhã mà sắc cạnh, kẻ mắc chứng đi, bởi thứ nghiệp chướng  “Ta muốn khi ta chết đi/ Da ta được thuộc làm cái va li”. Nguyễn Tuân, người chỉ nhấm nháp để thưởng thức mọi hương hoa của cuộc sống, người chỉ làm cái gì mình thích, đúng với cung cách của một con nhà danh gia đại thần. Còn Nguyên Hồng, xuềnh xoàng, lếch thếch, gặp đâu hay đó, chẳng phân biệt sang hèn, ngon dở, chấp nhận cuộc đời ở tất cả mọi dáng vẻ.

 

Nguyễn Tuân ghét mùi hoa sữa quá gắt, ngay giữa rừng cũng chỉ ăn thịt bò nấu lần đầu, và đi hát Khâm Thiên cũng chỉ dan díu với giọng ca sang nhất. Nguyễn Tuân  bị lấy cắp xe đạp và từ đấy không đi xe đạp nữa. Nguyễn Tuân chỉ lặng yên ngồi nghe trong những cuộc phê bình kiểm điểm thời 1957, 1958, nhưng trong đêm Nô- en Hà Nội đang đương đầu với bom Mỹ, đã cho chuẩn úy phi công bị bắn rơi Giôn một bài học: “Bao giờ được về thì nhớ học lại địa lý. Không có hai nước Hoa Kỳ, không có hai nước Việt Nam…”. Nguyễn Tuân, người lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm: cái này ông phải viết, cái này tôi phải viết, cái người đã nuốt xương cốt đến cả chục con hổ Lai Châu, hổ Xiêm Lào ấy rồi cũng tới lúc phải chống nạng và uống thuốc trợ tim vì chứng thấp khớp, chấp nhận đứng ngoài những cuộc lên đường. Nguyễn Tuân, người được vẽ như một con sư tử, rồi cũng đến lúc phải từ biệt cuộc đời, để lại bao nhiêu câu nói trứ danh, kiểu “tao ghét đứa nào uống rượu để nhắm thằng Khác uống rượu” hay “bao giờ tao chết, nhớ chôn theo với tao một thằng phê bình”…

 

Còn Nguyên Hồng, mau nước mắt, ngày đêm đi đâu cũng kè kè chiếc cặp đựng bản thảo, có thể chứa từ thịt chó ăn thừa đến miếng giấy dầu để dùng vào cái việc cực gay gắt. Nguyên Hồng uống rượu chợ, nhắm ổi, cà muối xổi, bánh cuốn thì làm luôn cả chục. Nguyên Hồng nằm xoài ra lề đường để thưởng thức tẩm quất dạo, mê từ bà chủ quán bia cho tới chị hàng xén. Nguyên Hồng không đi Sài Gòn đã giải phóng dù chưa từng tới cái xứ sở của chính nhân vật Năm Sài Gòn của mình. Nguyên Hồng khóc khi bị chủ quán người Tàu đuổi vì gói thịt chó, khóc cả khi ăn những đĩa lốc bểu Lạng Sơn bốc khói chạnh nhớ tới Quê hương Hải Phòng. Nhưng lần khóc quy mô nhất có lẽ là vào những buổi kiểm điểm triền miên lúc phụ trách tuần báo Văn của Hội Nhà Văn thời kỳ 1957. Trong những buổi ấy, Nguyên Hồng cứ vuốt đi vuốt lại chồng báo, nước mắt đầm đìa: “Tôi thức đêm thức hôm.. bỏ hết sáng tác… ngày đêm chỉ nghĩ đến tờ báo… Bài này đề tài công nhân… bài về kháng chiến… bài về thống nhất… Tôi không thể… không thể…” . Nguyên Hồng khi đọc bài Tô Hoài viết để đăng báo đã hét vào mặt Tô Hoài: “Tiên sư mày, thằng Câu Tiễn! Ông thì không, Nguyên Hồng thì không!… Đủ, đủ lắm rồi. Ông đ. chơi với chúng mày nữa. Ông về Nhã Nam!” .  Nói là làm, vơ chồng con cái dắt díu nhau, mang vác nhau về lại vùng đồi heo hút ngày xưa kháng chiến, chẳng tơ màng gì đến thứ bụi bặm chốn phồn hoa. Nguyên Hồng, người ung dung nơi xó rừng với bàn viết là cái chõng tre và chiếc chiếu trải trên nền đất, người duy nhất đã xin về hưu non với cái cười hả hê thách thức: “Ông đố đứa nào bắt chước được ông đấy!”.

 

Còn nữa. Còn Phan Khôi với cái tính ngang như cua. Mười giờ đêm, khi tướng Nguyễn Sơn đang oang oang kể chuyện trong nhà họp, Phan Khôi ngủ không được đã đi xuống, thò đầu vào cửa phòng quát: “Nói to như thế không sợ bị đứt cổ à?” , rồi quay ra, lại chui vào màn. Còn Xuân Diệu với nước mắt và sự lặng câm trong những tối bị kiểm điểm bởi tư tưởng tư sản trong những mối tình trai không bao giờ được thỏa. Còn Nguyễn Bính với báo Trăm Hoa khi bị phê bình nhắc nhở đã trả lời Tô Hoài: “Trăm Hoa phải thế mới là Trăm Hoa của Nguyễn Bính. Nếu không thì mày làm quách, cho xong!” . Nguyễn Bính với câu chuyện thương tâm về đứa con không mẹ, mà vào một đêm say rượu, người bố ấy đã trao cho một người qua đường tình cờ nào đó, để hàng bao nhiêu năm sau, cứ mỗi lần nhắc đến, lại đầm đìa nước mắt. Còn Nguyễn Huy Tưởng mà ở mỗi người bạn, mỗi cán bộ cấp cao, Nguyễn Huy Tưởng đều tìm ra những ưu điểm và  tô hồng rầm rộ, khi xảy ra sư kiện Hungary 1956 đã nói: “Nước Hungary trong phe xã hội chủ nghĩa, nhưng trước nhất, nước Hungary là nước Hungary đã. Ông thấy thế nào? Tôi không hiểu, tôi không hiểu sao”. Còn đội viên giảm tô Nguyễn Tư Nghiêm cả tuần không xâu chuỗi được bần có nông nào, hoảng quá, phát dại, suốt ngày vơ vẩn ngoài đồng, bắt cào cào châu chấu ăn sống. Còn Ngô Tất Tố ở Chợ Chu, khi bị một kẻ không ra gì lên lớp, đã khóc, quệt nước mũi vào gốc cây, sụt sùi với Kim Lân: “Làm người khó lắm, bác ạ”. Rồi Đặng Đình Hưng bị khai trừ khỏi đảng, Văn Cao bị kỷ luật cảnh cáo, Nguyễn Tư Nghiêm và Dương Bích Liên xin ra khỏi đảng, Hoàng Cầm ra khỏi Ban chấp hành…  Rồi những truyện ngắn về con hổ, con chó xấu xí, cả con rùa con cá cũng trở thành có vấn đề! Chính Tô Hoài cũng phân vân, tự hỏi mình: “Tôi theo đuổi lý tưởng từ những ngày bóng tối. Không có cách mạng, tôi làm sao nên người như bây giờ. Làm sao tôi lại có thể nghiêng ngả, có thể bị lũng đoạn được nhỉ… Tôi không tin tôi đến nỗi đù đờ thế”.

 

Tô Hoài gắn bó với những chốn đèo heo hút gió nhất của rừng Việt Bắc, có mặt ở Cửa Tùng, Vĩnh Linh, lặn lội trong thành phố Hà Nội ngày đêm chống trả bom Mỹ, có mặt ở bao nhiêu miền đất khác trên khắp các châu lục. Tô Hoài nhậu nem rán với nhân nhau đàn bà đẻ cùng Nguyên Hồng, cũng lại cùng bàn với rượu rom thượng hạng Pháp. Tô Hoài ở giữa họ, giữa tất cả những bè bạn ấy, trong những câu dạy bảo, nhiếc mắng. Của Như Phong: “Thằng ngoại ô láu cá, văn chương đẽo gọt”. Của Nguyễn Tuân: “Tao chúa ghét cái thằng bợm bia rượu mà hàng ngày lại uống nước lạnh… Chó biết cái thằng này thế nào là thật! Tao ghét cái cười mủm mĩm hiền lành không hiền lành của mày”.

 

Tô Hoài tự nói về mình: “Tôi sinh ra nơi thành phố làng mạc lẫn lộn, túi bạc đâm toạc tờ giấy, có tiền là có tất cả, bấy lâu tôi lăn lóc trong khóe đời ấy”. Để rồi khi Nguyễn Tuân đã bỏ đi, Tô Hoài tưởng như mình vẫn ngồi uống một mình, để bật khóc khô mấy tiếng: “Ô hô, Nguyễn Tuân! Nguyễn Tuân ôi!”.

 

Cả một đám đông tài hoa, yêu nước, đầy hào khí mà cũng không thiếu những tai ương, đau khổ. Những nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ họa sĩ…  ấy, công dân của một đất nước trải qua bao chìm nổi, cũng chẳng thể nào từ chối được thân phận ba chìm bảy nổi của mình. Chỉ có điều là dù ngoài mặt cố gượng cười thì trong lòng vẫn cứ héo dần đi.

 

Hầu hết những người Tô Hoài nhắc tới đều đã ra người thiên cổ. Nhưng dưới những lời kể miên man tưởng chừng chợt nhớ chợt quên của Tô Hoài, họ bỗng sống lại, đi đứng, nói năng với tất cả những gì riêng tư sâu kín nhất mà chỉ những người đồng cảnh mới có đủ yêu thương để thấu hiểu và Chia sẻ. Mà nếu không hiểu được con người họ, thì người đời sau cũng chẳng bao giờ hiểu được hết giá trị của tác phẩm, cũng như cái giá họ phải trả để mang nặng đẻ đau và che chắn những đứa con tinh thần đã ra đời trong hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo gian khó ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét