Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Nguyệt cầm

Đàn Nguyệt là nhạc khí dây gảy của Dân tộc Việt còn gọi là Ðàn Kìm, Vọng nguyệt cầm hoặc Quân tử cầm vì mặt đàn hình tròn như mặt trăng rằm nên gọi là Ðàn Nguyệt. Ðàn Nguyệt với nhiều ngón kỹ thuật độc đáo như nhấn, luyến, vê... có nhiều khả năng độc tấu và hòa tấu. Ðàn Nguyệt rất phổ biến từ Bắc đến Nam, dễ dàng sử dụng và hợp với tiếng nói của Dân tộc.

Một hồn thơ như Xuân Diệu không thể không viết về nhạc. Cảm hứng lớn về nhạc của Xuân Diệu là đi mãi vào cái thế giới bên trong nhạc. Thi sĩ đã cho nó một tên riêng là “thế giới của Du Dương”.
   
Hãy tự buông cho khúc nhạc hường
Dẫn vào thế giới của Du Dương.

Người chơi nhạc và bản thân nhạc. Ở phía này, là sự ngất ngây trước vẻ đẹp thần tiên của tiếng nhạc, ở phía kia, là sự đắm say trước tài hoa và xót xa cho những thân phận ca kỹ, vốn “cùng một lứa bên trời lận đận” với thi nhân.

“Linh lung” - đó là hồn vía của Nguyệt Cầm.

Phải, Linh lung chính là Nguyệt Cầm!
Bước vào Nguyệt Cầm là bước vào một thế giới linh lung. Mọi ảnh hình đều rợn sáng. Cả ánh sáng của âm thanh, cả âm thanh của ánh sáng đều tan ra trong từng làn sóng âm tê buốt, tưới lên da ta, len lấn vào tâm trí ta. Cả trăng sao, sóng nước, mây trời, sỏi đá, cả sương bạc, cả canh khuya, cả nàng Nương Tử, cả bến Tầm Dương, cả hồn ta… tất tật đều vừa hiển hiện vừa tan ra trong biển nhạc trong suốt của Nguyệt Cầm không bờ không bến. Tất cả đều diễm ảo, hư huyền, chơi vơi, vô định. Không còn cõi này, không còn cõi khác, không còn hiện tại, không còn quá khứ, không còn hữu thể, không còn vô thể… chỉ còn có Nguyệt Cầm. Cả thương, nhớ, hận, sầu đều phổ vào trong ánh nhạc tê ngời. Vĩnh cửu tan cùng khoảnh khắc, phù du giao ứng vĩnh hằng. Tất cả đều rợn ánh khơi vơi trong đêm nhạc Nguyệt Cầm. Âm nhạc đến từ trăng lạnh, gieo từng chấm lạnh, từng dòng giá lạnh trong suốt vào hồn ta, để rồi khi đã dâng tràn, âm nhạc lại cuốn hồn ta trôi dạt mãi vào vô biên, đến tận bến bờ của của sao Khuê. Từ hư không, âm nhạc đã cất tiếng và tiếng nhạc lại mang hồn ta phiêu diêu về lại cõi hư không. Nối cái nhỏ nhoi hữu hạn với cái vô tận vô cùng. Đó chẳng phải là sự thăng hoa huyền diệu vào bậc nhất của hồn người ư?

Sống như một sinh mệnh, Nguyệt Cầm bắt đầu lên tiếng. Tiếng nói của mọi cây đàn đều là “So vần dây vũ dây văn”.

Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần;
Đàn buồn, đàn lặng, ôn đàn chậm
Có thể xem hai câu đây là thứ tiếng nói rất riêng của cây đàn này. Cây Nguyệt Cầm đang so vần dây vũ dây văn của nó đó thôi!


(Trích bài viết  bình thơ "Nguyệt Cầm - Xuân Diệu" của Chu Văn Sơn)

Bài thơ Nguyệt cầm của Xuân Diệu

Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần,
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm,
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.

Mây trắng, trời trong, đêm thuỷ tinh.
Linh lung bóng sáng bỗng rung mình,
Vì nghe nương tử trong câu hát
Đã chết đêm rằm theo nước xanh.

Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời;
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận.
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người…

Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê
Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề…
Sương bạc làm thinh, khuya nín thở
Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.

(Rút từ tập “Gửi hương cho gió”, 1945)

3 nhận xét:

  1. HG có biết bài thơ Tỳ bà hành của nhà thơ Bạch Cư Dị, không được nghe tiếng đàn Tỳ bà nhưng cũng trộm nghĩ rằng bản Dạ cổ hoài lang có khác gì "cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương".

    Lệ ai chan chứa hơn người ?
    Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh

    Trả lờiXóa
  2. Bình yên tựa nghe câu hát xa đưa
    Mình ngồi bên nhau dưới ánh sao mờ
    Lặng nghe giòng sông tiếng sóng vổ bờ
    Tiếng đàn kìm man mác buồn trên sông

    Trần Tiến cảm nhận rất sâu về tiếng đàn kìm trong ca từ bài Tùy hứng lý qua cầu. Nói như Chu Văn Sơn: "Cả thương, nhớ, hận, sầu đều phổ vào trong ánh nhạc tê ngời. Vĩnh cửu tan cùng khoảnh khắc, phù du giao ứng vĩnh hằng"

    Tôi yêu tiếng Nguyệt cầm là vậy.

    Cảm ơn Bạn.

    Trả lờiXóa