Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Những họa tiết khắc trên Dụ đỉnh


 Dụ đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ tư bên trái tượng trưng cho sự phong phú

TÒNG

Tòng, vì phép kiêng tránh kỵ húy nên đọc là tùng, tức cây thông. Người xưa nói: tùng là bậc trưởng trong trăm loại cây, nửa bên phải chữ tòng có chữ công. Lại nói: cây tùng già thì dư khí kết tụ thành thứ phục linh, được ngàn năm thì nhựa tòng hóa thành thứ hổ phách. Xưa ở đàn Nam Giao, Sơn lăng và núi Ngự Bình, chỗ nào cũng có trồng tùng thành rừng. Đốt cây tùng ngâm rượu để trị bệnh yếu chân, lá tùng đốt lấy khói xông trị bệnh phù thũng, chữa cảm cúm, nhức mỏi; tùng chi (nhựa tòng) gọi làtùng hương, hay gọi là lịch thanh chữa nhọt mủ, ghẻ lở. Người xưa bảo, cây tùng, biểu tượng cho sự trường tồn vĩnh cửu, tượng trưng cho bậc quân tử.

DƯƠNG

Dương, tức là con dê, còn gọi là cổ, yết; sách Lễ ký chép là nhu mao, thiếu lao. Sách Chu Dịch chú rằng, con dê mắt không có con ngươi mà vẫn nhìn thấy được. Lại có một giống đại vĩ dương, đuôi rất to. Ngày xưa nhiều nhà trước thuật đi lại thường dùng dê kéo xe. Con dê là nguồn thực phẩm dồi dào, dễ nuôi, ở các tỉnh bán sơn địa và miền núi cao đều có. Một con dê đực có thể giao phối liên tục với nhiều dê cái. Ngạn ngữ có câu “Dâm như dê” là vậy. Thịt và xương dê có nhiều chất bổ âm dương, tăng cường sức lực, gân cốt người già, giảm thị lực, lại có dược tính chữa bệnh gầy còm, kích thích sinh dục.
Dê (mùi) được xếp đứng thứ tám trong địa chi 12 con giáp. Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng con dê vào Dụ đỉnh.

ĐÀ NẴNG HẢI KHẨU

Đà Nẵng Hải Khẩu, tức Cửa biển Đà Nẵng, còn gọi là Cửa Hàn, lại gọi Vũng Thùng, Vịnh Hàn, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam, nay phân địa giới thuộc về thành phố Đà Nẵng. Ấy là chỗ sông Cẩm Lệ từ huyện Hòa Vang chảy ra vũng Hàn đổ vào cửa ấy; cửa lạch rộng 105 trượng, thủy triều lên sâu 5 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 4 thước 5 tấc. Đầu đời Gia Long đặt một viên thủ ngự, một viên hiệp thủ và 17 người thủ binh; năm Minh Mạng thứ 9 cấp cho ngựa trạm để chạy cấp báo; mấy năm sau lại đặt vọng lâu ở tấn sở, cấp cho kính thiên lý để xem xét ngoài biển. Về quân sự, nơi đây từng diễn ra các trận đánh ác liệt, trong lịch sử cận đại, hễ phe nào chiếm được cửa biển Đà Nẵng thì hầu như phe đó làm chủ cả vùng. Chẳng hạn, vào năm Đinh Tỵ, khi quân của Nguyễn Vương tiến vào Đà Nẵng, chúa Nguyễn sai các tướng Nguyễn Văn Khiêm và Ô Lý Vi (Olivier) chế tạo thuyền sam dùng hỏa công bắn mạnh vào thuyền của quân Tây Sơn đóng ở Cửa Hàn, hai bên kịch chiến mấy ngày mới phân thắng bại, tức là chỗ này. Năm 1822, người Pháp cho tàu chiến có tên Cléopâtre đến Việt Nam, vào cửa biển Đà Nẵng, dâng thư xin yết kiến vua Minh Mạng. Năm 1825, thủy quân Pháp lại đem hai tàu chiến vào Đà Nẵng, đưa đồ phẩm vật và quốc thư, xin yết kiến nhà vua, nhưng cả hai lần đều bị triều đình Huế cự tuyệt, phải trở về. Tuy không được nhà vua chấp thuận nhưng họ đã kịp để lại nhiều giáo sĩ cùng đi, ở lại đi giảng đạo các nơi. Năm 1858, khi quân Pháp tấn công vào Đà Nẵng, họ đã theo cửa biển hóc hiểm này đổ quân lên bộ nhưng bị chống trả quyết liệt.
Thương nhân nước ngoài khi đến buôn bán ở Đàng Trong, họ thường ghé vào Cửa Hàn, làm nơi trung chuyển đến Phú Xuân.
Ngày trước các thương gia hay sứ thần nhà Nguyễn rời Huế bằng đường biển đi ra nước ngoài, họ phải vào Đà Nẵng để “xem xét thời tiết, lắng nghe tin tức”, tiếp thêm lương thực, chất đốt, rồi mới dong buồm ra khơi.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng cửa biển Đà Nẵng vào Dụ đỉnh.
Ngày nay, cửa biển Đà Nẵng trở thành một trong những cửa biển có cảng nước sâu lớn trong khu vực và quốc gia, tàu thuyền nhiều nước trên thế giới tấp nập vào ra ăn hàng. Cửa biển này đồng thời là một vị trí xung yếu về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước. Thành phố Đà Nẵng có nhiều lợi thế từ cửa biển này để có cơ hội phát triển, nhanh chóng trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch của miền Trung và cả nước.

THUẤN HOA

Thuấn Hoa, tức hoa thuấn, tục danh hoa bụt, người Huế quen gọi bông bụt, có nơi gọi là dâm (hay râm) bụt, nó còn có các tên là đăng uyển hoa, xuyên phiêu lý hoa, xuyên can bì; do đặc tính sớm nở chiều rụng nên lại có tên nữa là nhật cập, triêu khai mộ lạc hoa. Theo các nhà y học cổ truyền, các thành phần của cây mộc cận như bông, lá, rễ hoa có rất nhiều dược tính quí, người ta lấy để làm thuốc dùng trị viêm da đầu, chữa mụt nhọt, đang nung mủ, khô thuốc lại thay, mụn nhọt sẽ đỡ nhức và chóng vỡ mủ; lại chế thuốc chữa cầm máu, kích thích lưu thông máu, giải nhiệt, lợi tiểu, an thần, điều kinh và chữa mẩn ngứa. Xem trong tập Thiệu Trị thánh chế, thơ Vịnh hoa mộc cận (một âm là cẩn) có lược chú rằng: Ngoại quốc đồ nói: nước quân tử nhiều hoa mộc cẩn, nhân dân dùng ăn. Quần phương phổ nói: hoa này có hai loại: loại hoa trổ năm cánh, nhị vàng; lại có loại hoa nhiều cánh chồng lên nhau, mà tơ nhỏ, đều có những sắc màu hồng, phấn hồng và trắng hồng mà thôi.
Thơ Quốc âm của Nguyễn Trãi viết về Cây mộc cận như sau: “Ánh nước hoa in một đóa hồng / Vết nhơ chẳng bén, bụt làm lòng / Chiều mai nở chiều hôm rụng / Sự lạ cho hay tuyệt sắc không”.
Hoa dâm bụt rực rỡ, tươi thắm, lưỡng tính, màu đỏ, rất dễ trồng, người ta thường trồng bằng cách giâm cành, giữ đất ẩm một thời gian thì các chồi nẩy mầm. Trồng mộc cẩn làm hàng rào quanh vườn nhà ở thôn quê trông rất đẹp mắt. Bây giờ có nhiều người thích chơi mộc cẩn, đem trồng vào chậu để thưởng lãm xem cũng rất thanh nhã.
Có người nói, không nên gọi tên là hoa dâm bụt: mà gọi là râm bụt thì hay hơn, vì chữ dâm (chỉ là đồng âm thôi) dễ bị hiểu nhầm. Nhưng cũng có người lại bảo, ngày xưa các cụ đặt tên để gọi chắc cũng có ý thâm hậu lắm, nay cứ thế mà gọi thôi. Duy ở miền Nam quen gọi là dâm bụp.
Nói về mộc cận, Kinh Thi có câu: Hữu nữ đồng xa, nhan như thuấn hoa (Nghĩa là: có cô gái đi cùng xe, nhan sắc như hoa thuấn). Thuấn hoa tức hoa mộc cẩn này. Bản thảo cứu hoang nói: hái lá non mộc cẩn luộc chín dầm nước lạnh rửa sạch rồi trộn muối ăn được. Lá bạch mộc cẩn cũng vậy. Đúng là Nhan như thuấn hoa - mặt người (con gái) đẹp như hoa thuấn - hoa bụt. Nên ngày trước ngạn ngữ thường nói “mặt hoa da thuấn” (không phải “mặt hoa da phấn” như bấy lâu vẫn gọi), để ví như cái đẹp của làn da mịn màng, tự nhiên, thoang thoảng mùi hương của người con gái đẹp.

CÁP

Cáp, tức khôi cáp, tục danh con sò (huyết), còn gọi là ngõa ốc tử, ngõa lũng tử (44). Sách Gia Định thành thông chí chép rằng: loại huyết cáp, tức sò huyết ở vùng biển nhiều bùn lầy, tròn như cái chén uống rượu, vỏ nhăn nhíu, lô nhô cắm trong cát, chỗ nông chỗ sâu, thành từng hàng, vị ăn rất ngon lại có mùi thơm.
Ở cửa biển Tư Hiền, cửa Thuận An, đầm Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế; đầm Ô Loan, tỉnh Phú Yên đều có nhiều sò huyết. Lại có một loại gọi là thạch hoa, cũng thuộc loại sò; một loại nữa là trinh, tục gọi trùng trục. Loại sò được xem là vị thuốc có công dụng chữa bệnh sản hậu hiệu nghiệm và trị chứng bệnh gầy còm rất tốt.
(44). Đại Nam nhất thống chí, Sđd, phiên là con hến?

VỆ GIANG

Vệ Giang, tức sông Vệ, nằm về phía tây nam tỉnh Quảng Ngãi. Sông có hai nguồn: một nguồn từ núi Đồng Khố, tỉnh Bình Định chảy sang; một nguồn ra từ KBang, tỉnh Gia Lai chảy về hòa vào nhau tại địa phận huyện Ba Tơ. Từ đây sông mở lòng rộng hơn rồi chảy qua huyện Nghĩa Hành, xuống Mộ Đức, men theo rìa huyện Tư Nghĩa đổ ra biển Cửa Lờ; một nhánh hòa nước với sông Trà Khúc đổ ra Cửa Đại. So với sự kỳ vĩ của sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi thì Vệ Giang chưa bằng, có lẽ vì những chiến trận ở đầu nguồn thời Nguyễn Ánh tiến quân chiếm lại Phú Xuân mà Vệ Giang được nhà vua lựa chọn? Sông Vệ có thứ cá bống cát và con dắc (một loại hến) ngon nổi tiếng.

BẠCH ĐẬU

Bạch Đậu, tục danh là đậu trắng, còn gọi là phạn đậu, mầm non của cây đậu trắng có thể dùng làm rau để ăn thường ngày; hạt đậu trắng có thể để dùng làm tương, chế gia vị. Ở Thừa Thiên Huế người ta hay dùng đậu trắng chế làm đậu hũ, sữa đậu, nước giải khát mùa hè và các món chay khác rất ngon hợp cho trẻ con và người già. Lúc quả đậu còn non có thể ăn cả vỏ. Đậu trắng có nhiều dược tính, các nhà Đông y dùng đậu trắng để chế làm thuốc chữa trị thông tiểu, giảm nhiệt, mất ngủ, kích thích tiêu hóa, rất hiệu quả.
Cây đậu trắng dễ trồng, thổ nhưỡng tỉnh nào trồng cũng tốt cả.

PHÁC ĐAO

Phác Đaocây siên đao (có sách ghi là cây phạng?), một loại đao trung bình được sản xuất rất nhiều dưới triều Gia Long và Minh Mạng. Loại đao này mặt lưỡi rất sắc, thường được trang bị cho binh lính trận mạc và lực lượng hộ giá vòng ngoài; cũng có loại phác đao được lấy để làm dụng cụ của những người khai hoang, mở núi. Nông dân dùng làm cái phạng để phát bờ ruộng trước khi bắt đầu canh tác trồng trọt vào mỗi vụ mùa.
Dưới triều Tự Đức, mở khoa thi Tiến sĩ Võ, trong môn thi có bài múa dùng phác đao để thí sinh thể hiện tài nghệ.

LÔI

Lôi, tức là sấm sét. Theo Kinh Dịch, sấm thuộc về quẻ Chấn tức chấn động. Người xưa thường bảo: mấy đời sấm trước có mưa. Sấm tháng ba. Sấm núi, sấm biển... Thiên lôi, tức ông thần sấm nhà trời.
Những nhà nghiên cứu thiên văn địa lý nói rằng, nghe tiếng sấm có thể đoán biết “bệnh trời”; người cầm quân đôi khi cũng mượn “uy” tiếng sấm sét để “điều hành quân lệnh”. Tiếng sấm (có cả tiếng sét) là hiện tượng tích điện của thiên trung. Từ mùa xuân sang mùa hạ, mùa thu qua mùa đông thường có nhiều luồng sấm sét nổ rầm trời, cũng là hiện tượng tự nhiên của vũ trụ.

PHÙ LƯU

Phù Lưu, tục danh cây trầu không, còn gọi là củ tương, hay là thổ tất bạt, ở nước ta chỗ nào trồng cũng mọc. Lá trầu có rất nhiều dược tính, các nhà Đông y dùng làm thuốc chữa trị chứng chướng lệ, và trừ ác khí trong bụng; ăn lá trầu với cau chống được sốt và làm tăng hơi thở, dùng nhiều thì ít bị sâu răng, nhưng dùng quá nhiều trầu thì dễ có nguy cơ ung thư miệng. Từ đó có câu nói: “Tân lang phù lưu khả dĩ vong ưu” (Trầu cau làm quên ưu phiền). Cũng như quả cau, trầu là một vật phẩm truyền thống dùng để dâng cúng thần linh, tiếp khách mở đầu câu chuyện. Miếng trầu cau xe duyên mà nên vợ chồng.

Ô THUYỀN

Ô Thuyền, tức là loại thuyền đi biển, sơn màu đen, cánh buồm cũng đen (đen như mực); thuyền có 12 tay chèo, được sản xuất nhiều dưới triều Gia Long và Minh Mạng. Vào thời trước nữa, loại thuyền được sơn màu đen thường do bọn cướp biển phía Bắc hay sử dụng để dễ dàng hoạt động và lẩn tránh quan quân tuần tiễu (Cho nên trong dân gian còn lưu truyền: Giặc Tàu Ô).
Triều Nguyễn sơ có trang bị loại thuyền này cho quân tuần tiễu dọc bờ biển. Loại ô thuyền này vừa có buồm vừa có tay chèo nên tốc độ lướt sóng nhanh.

VĨNH ĐIỆN HÀ

Vĩnh Điện Hà, tức sông Vĩnh Điện, con sông đào ở tỉnh Quảng Nam. Cửa sông khai đào ở làng Câu Nhi cũ chảy về phía bắc đến làng Cổ Mân, hợp với sông Cẩm Lệ rồi đổ ra Cửa Hàn, tức cửa biển Đà Nẵng ngày nay. Nguyên trước đây đường sông này vốn nhỏ hẹp lại quanh co khuất khúc, lâu ngày bị đất cát bồi lấp, thuyền bè khó đi, năm Minh Mạng thứ 5, 1824, thể theo ý nguyện của nhân dân trong địa hạt, nhà vua sai cai bạ Lê Đại Cương, dựa vào con lạch cũ mà đào và nới rộng ra từ làng Câu Nhi đến làng Cẩm Sa dài thêm hơn 850 trượng, cho tên gọi là sông Vĩnh Điện. Cầu bắc qua sông ấy cũng gọi là cầu Vĩnh Điện. Buổi ấy đào xong, nhưng thế sông còn nông hẹp chỉ có thể đi lại bằng thuyền nhỏ được; đến năm Minh Mạng thứ 6, nhà vua lại sai thống chế Trương Văn Minh chỉnh lý đường sông lúc trước, rồi đào dời xuống hơn 40 trượng nữa, mở riêng một cửa sông để tiếp nước sông cái, chăng dây nắn lại dòng cho thẳng, lấy dân phu trong hạt hơn 8000 người tích cực đào. Nhớ buổi Trương Văn Minh nhận lệnh và từ biệt vua vào Quảng Nam đào sông, vua Minh Mạng dụ rằng: “Đây là việc trọng yếu về vận tải đường sông ở phía nam kinh kỳ, trước kia người thừa biện không biết làm cho nên nay bất đắc dĩ phải đào vét thêm, mong lợi cho dân, chẳng phải muốn nhọc sức dân đâu. Ngươi đến Quảng Nam nên triệu các phụ lão lấy ý ấy bảo cho họ biết, khiến họ báo lại cho con em vui vẻ đến làm”. Khi Thống chế Trương Văn Minh vào Quảng Nam, vua thấy gần tiết mưa lụt, liền sai lấy thêm 1000 dân phu để góp sức cố làm. Qua hai tháng thì xong. Vua sai đem bò rượu đến khao thưởng mọi người.
Từ khi con sông này được đào nới rộng ra, luồng lạch thông thoáng, đường thủy đi lại thuận tiện, tôm cá cũng có chỗ mà sản sinh nhiều thêm. Con sông đào này quả thực đã đem lại nhiều mối lợi cho giao thương, đồng ruộng và người xứ Quảng. Để giữ cho con nước ở đây thông hoạt, luồng lạch dễ đi, hàng năm quan lại địa phương thay phiên thị sát, thấy đoạn nào sạt lở, bồi lấp thì phải gấp rút cho người nạo vét ngay.
Sông Vĩnh Điện ngày nay, có đoạn chảy qua thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và một đoạn qua huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.


, theo Đại Nam nhất thống chí thì cây hoa này hay say trăng dựa gió, tiêu sái tinh thần chẳng hoa nào sánh kịp. Mùa xuân, vào tháng 2 tháng 3, trăm thứ hoa đã nở hết, mới thấy hoa lê trang sức sắc đẹp, lạnh lẽo mùi hương, tự cam quạnh quẽ một mình. Người rành hoa biết rằng: hoa lê có hai loại, cánh hoa tròn mà thư thái thì quả ắt ngọt, cánh hoa khuyết mà chau lại, thì quả ắt chua. Quả lê bổ mát, dùng nhiều da dẻ mịn hồng, lợi tiểu.
Ở Việt Nam, vùng Tây Bắc thuộc xứ lạnh trồng nhiều thứ hoa lê này, vì hợp thổ nhưỡng nên cho quả rất ngon.

TỬ TÔ

Tử Tô, còn gọi là xích tô, hay tía tô, lá có mùi thơm, dùng ăn sống; có thể trị được tất cả các chất độc của cá trạnh. Lại có một loại gọi là bạch tô, lá hai mặt đều trắng, giống rau húng. Lá tử tô dùng xào tái ăn, hoặc nấu chín ăn đều được, nhưng người ta thường dùng ăn sống nhiều hơn; hạt tử tô nghiền lấy nước nấu cháo ăn cũng ngon. Các nhà Đông y cho biết, tía tô có dược tính điều hòa cơ thể để chữa ho, an thai, giải ngộ độc cua cá... Tía tô dễ trồng, gieo bằng hạt, giữ ẩm một thời gian thì nẩy mầm. Ở Việt Nam, đất tỉnh nào trồng cũng được, nhưng hương vị ngon và chứa nhiều dược tính là tía tô miền Bắc.

HẢI VÂN QUAN

Hải Vân Quan, tức cửa quan Hải Vân, xây năm 1826, nằm về phía đông nam huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, trên đỉnh đèo của núi dãy Hải Vân, chỗ xây cửa có độ cao hơn 496m so với mặt nước biển, đèo dài chừng 25 cây số. Nguyên phía trước, phía sau đều xây một cửa quan, trên ngạch phía trước đề ba chữ Hán “Hải Vân Quan”, trên ngạch phía sau đề sáu chữ Hán lớn “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (Cửa ải hùng vĩ nhất dưới gầm trời). Cửa trước, cao và dài đều 15 thước, ngang 17 thước 1 tấc; cửa sau cao 15 thước, dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc, cửa cuốn theo kiểu tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía trái, phía phải cửa quan, xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau. Cửa được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 7, ban đầu đặt một viên phòng thủ úy, và biền binh thường trú, mỗi tháng một lần thay đổi phiên; năm thứ 17, 1836, thì tăng lên 2 viên phòng thủ úy mỗi tháng thay đổi một lần, còn biền binh thì cứ 15 ngày thay đổi; lại được triều đình phát cho “Bản vẽ hiệu cờ” của các nước ngoại dương để tiện theo dõi; lại cấp cho ống nhòm thiên lý để quan sát ngoài biển xa. Phàm thuyền nước ngoài vào cửa biển Đà Nẵng thì phải báo trước cho cửa quan này. Sách Đại Nam nhất thống chí nói rằng: “Núi Hải Vân là chỗ giáp giới giữa tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên, trước kia, ranh giới ở xứ Thạch Bàn và phía bắc đèo có khắc chữ vào mốc gỗ, đến khi xây cửa quan trên đèo thì chuẩn định từ cửa quan trở về bắc thuộc quản hạt phủ Thừa Thiên, ngoài cửa quan trở về phía nam thuộc quản hạt tỉnh Quảng Nam”. Nay phần Nam cửa Hải Vân của quản hạt Quảng Nam thuộc về thành phố Đà Nẵng.
Đèo Hải Vân quanh co cao ngất, hiểm trở, trên như chạm tới trời xanh, đỉnh gần như quanh năm mây phủ, dưới chân nhúng biển khơi lại có hang Dơi, chỗ ấy sóng gió nguy hiểm hay gây tai nạn cho tàu thuyền qua lại. Xưa có câu: “Đi bộ thì khiếp Hải Vân / Đi thủy thì sợ sóng ngầm hang Dơi”. Thời chúa Nguyễn làm chủ Đàng Trong, đèo này còn hoang sơ, khó đi, khi thiền sư Thích Đại Sán từ Quảng Nam ra Huế yết kiến chúa Nguyễn Phúc Chu, vượt đèo bằng cáng, ông gọi đèo bằng cái tên Ngãi Lãnh vì hai bên hoa ngãi nở vàng đường nên lại gọi tên là Ngãi Vàng.
Quan ải Hải Vân và đèo núi Hải Vân không những có vị trí quan trọng về mặt quân sự của khu vực biển miền Trung mà còn là chỗ ngắm cảnh độc đáo giữa mây trời hùng vĩ, là một di tích lịch sử văn hóa quan trọng, nơi phân chia khí hậu hai vùng Bắc - Nam khá rõ rệt.

ANH VŨ

Anh Vũ, tục danh con vẹt (45). Nguyên thuở xưa giống vẹt quen sống nhiều ở các gò thuộc xứ Hạ Châu, tỉnh Phúc Kiến; Tân Gia Ba (Singapore ngày nay), có người mang về dâng lên vua. Giống chim này lông trắng toát; cũng có một loại lông đủ năm sắc, gọi là ngũ sắc anh vũ. Mép miệng đỏ, mỏ quắp xuống, lưỡi giống lưỡi trẻ con, phần chân trước hai ngón, sau hai ngón, tính sợ lạnh, người rành các giống chim nói, con lớn gọi là anh mẫu, con nhỏ gọi là anh ca. Sách An Nam chí chép rằng: đời Hán Vũ Đế, người ở quận Giao Chỉ đem dâng chim anh vũ biết nói; đời Đường Trịnh Quán, nước Lâm Ấp dâng chim anh vũ năm sắc, tức loại chim này. Vua Minh Mạng chú ở bài Vịnh ngũ sắc anh vũ có nói, đầu đời Trung Hưng, người ở xứ Gia Định đem dâng lên mấy con, nuôi ở trong cung, có một con rất tinh thông, đêm nằm trong lồng, thấy mèo bò đến, nó liền giả tiếng người giận dữ mắng chửi; mèo sợ lẻn tránh không dám đến gần; khi thấy chó ngủ, thì bay lẻn xuống để mổ, chó giật mình tỉnh dậy chạy cuống cuồng, chim liền nhảy lên bàn, dở trò cười ngặt nghẽo. Sách Lễ ký lại chép rằng: chim anh vũ biết nói (nói như vẹt); mặc dù vậy nhưng nó chẳng rời ra khỏi loại phi điểu tức là giống chim này. Lại có một loại lục anh vũ, tục gọi chim vẹt mỏ đỏ tứccon két, lông xanh biếc, nếu cắt bớt ngọn lưỡi đi cũng có thể tập nói được tiếng người.
Như vậy, từ xa xưa rừng núi nước ta trước đã có nhiều chim anh vũ sinh sống, sau lại nhập thêm một vài giống cùng họ mà thôi, nên sử sách mới chua thế. Hoặc nó di cư từ vùng này sang vùng khác một cách tự nhiên trước những thay đổi của hệ sinh thái và môi trường tự nhiên.
Chim vẹt dễ sống, thích ăn các thứ trái cây, rừng các tỉnh nước ta đều có. Hiện nay, nhiều người chơi chim thường thích nuôi chim vẹt, vì nó không kén ăn, lại có sức chịu đựng, mà hình dáng cũng đẹp, rất ưa nhìn, nuôi lâu nhiều con biết bập bẹ tập nói tiếng người. Cảnh nhà có nuôi vẹt thật là vui.
(45). ĐNNTC, Sài Gòn xb (1962); Hà Nội xb (1969); Nxb Thuận Hóa (1997) và (2006), và một số sách khác đều chú hình chim anh vũ ở Tuyên đỉnh. Chúng tôi đối chiếu thực tế với Cửu đỉnh thì hình chim này được chạm vào Dụ đỉnh.

THẠCH THỦ NGƯ


Thạch Thủ Ngư, tục danh cá úc (46); một loại cá mà trên đầu của nó có chấm đá, vảy nhỏ, thịt nhiều và ngon. Các thứ cá khác đều có máu, duy cá thạch thủ không có máu như ta thường thấy, do vậy mà ngày trước nhà chùa gọi nó là bồ tát ngư, thế mà khi đến tuần chay có người vẫn ăn cá này. Do cá không có máu, đầu cứng như đá cho nên gọi là cá thạch thủ, tức cá đầu đá. Không hiểu thịt của cá thạch thủ có dược tính gì nhiều, nhưng rõ ràng là một loại cá “có cái đầu” khá kỳ lạ.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng con cá thạch thủ vào Dụ đỉnh.
(46). ĐNTLCB phiên là con cá lành canh? Có sách ghi là cá mú?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét