Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Chuyện kể về núi Narayama

Người Nhật Bản


Người Nhật là pha trộn của các dân tộc bản địa với người Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Mãn Châu, Eskimo... thuộc giống da vàng. Dáng người lùn mập, nhưng nay phát triển mạnh về chiều cao cũng như tuổi thọ.

Tính cách người Nhật
Bà Ruth Benedict, với tác phẩm "The Chrysanthemun And The Sword" (Kiku To Kitana = Hoa Cúc Và Thanh Kiếm). Theo bà: "Người Nhật vừa hung bạo vừa hiền hòa, vừa nghiêm khắc vừa thơ mộng, vừa cứng ngắc vừa nhu nhuyễn, vừa trung thành vừa phản trắc, vừa can đảm vừa hèn nhát, vừa bảo thủ vừa cấp tiến... và chịu ảnh hưởng cùng lúc của Thần Đạo và tam giáo Nho, Phật, Lão...".
Những điều ấy thoạt nghe có vẻ chung chung, như có gì đó cũng giống người Việt hay các dân tộc khác, nhưng để ý kỹ, khi viết như thế, bà đã nêu bật được tính tích cực, đôi khi dẫn đến cực đoan ở cả hai thái cực của người Nhật. Như người Nhật trước và sau Thế Chiến Thứ 2 đi từ tàn bạo đến hòa bình, ngày xưa họ sẵn sàng chết thì ngày nay họ bảo vệ mạng sống bằng mọi giá, thể hiện qua chính sách của chính phủ cũng như từng người dân.

Một câu chuyện tôi đọc năm 1985 về người Nhật.
... Ngày hôm ấy, rốt cuộc bà Rin đã nghe thấy điều mà bà mong đợi bấy lâu. Buổi sáng có một người hành khất đi ngang qua nhà bà để lên núi đã cất tiếng hát:
“Ngày hội Narayama
Đã tới thêm ba lần
Thêm ba mùa hoa nở
Trên cây dẻ ngoài sân”
Đây là bài ca về ngày hội của làng họ, gọi là hội Bôn. Bà Rin lâu nay vẫn chờ đợi người ta hát bài này, nhưng mãi không thấy ai hát, nên bà lấy làm lơ đãng. Bài hát có nghĩa là: "Ba năm nữa qua đi, tôi sẽ thêm ba tuổi”, song nó cũng có nghĩa là: nhắc nhở những người già bẩy mươi tuổi rằng đã đến lúc phải về với thần núi Narayama.
Chuyện như  một cổ tích...
Cuộc sống quá đỗi khó khăn ở một làng miền núi Nhật. Đói kém quanh năm. Trong làng nếu cha mẹ đến 70 tuổi chưa chết, người con đầu phải cõng cha mẹ lên núi Narayama, bỏ họ lại ở đấy để chờ chết. Người mẹ già Orin cả đời vất vả, đã 69 tuổi biết rằng đã đến lúc mình phải lên núi Narayama. Bà đã sống thọ lắm rồi và không muốn mình thành gánh nặng cho con. Thu xếp việc nhà xong, bà đập nát hàm răng còn tốt của mình vào đá để thuyết phục người con đầu Tatsuhei là bà giờ chẳng còn ích lợi gì cho con cháu. Tatsuhei đành cõng mẹ lên núi. Trên đường đi Tatsuhei rất đau lòng nhưng Orin lặng lẽ chấp nhận số phận. Theo tục lệ, sau khi ôm mẹ vào lòng lần cuối cùng, Tatsuhei phải bỏ đi không được ngó lại. Người con làm đúng như vậy, nhưng sau khi đi được một đoạn đường trời bắt đầu đổ tuyết. Người làng tin rằng nếu tuyết rơi vào ngày người già lên núi, người già sẽ được giải thoát khỏi tất cả đau đớn. Tatsuhei chạy trở lại để la to cho mẹ biết tuyết đang rơi! Khi leo xuống núi, Tatsuhei thấy một người cùng làng đang cõng cha lên núi nhưng người cha không chịu đi và anh thấy người con ném cha xuống triền núi.

Mời các Bạn đọc tiếp.


Chuyện kể về núi Narayama
Shichiro Fukazawa
Dịch giả : Hoàng Hải Phong

Những rặng núi trải dài, trùng trùng, điệp điệp, bốn bề chỉ toàn núi. Nơi đó có làng Shinshu, ở đầu làng có ngôi nhà nhỏ, đó là nhà của bà Rin. Trước cửa nhà nhô lên một gốc cây sồi bị cưa cụt, mặt cắt của nó phẳng lì như tấm ván. Trẻ con ở đây và khách qua đường rất thích ngồi lên gốc cây ấy. Vì vậy mà dân làng gọi nhà bà Rin là nhà
"Gốc cụt”. Bà Rin về ở đây làm dâu từ năm chục năm trước. Quê bà ở bên kia núi. Ở vùng này, làng bản không có tên gọi nên người ta gọi ngôi làng bên kia núi là làng ấy, lâu dần thành quen. Bà Rin năm nay đã sáu chín tuổi, chồng bà mất đã được hai chục năm. Vợ của Tatsuhei, người con trai độc nhất của bà, bị rơi xuống vực năm ngoái khi đi nhặt hạt dẻ, nên bà Rin chỉ nghĩ đến chuyện tìm một người vợ mới cho anh con trai góa, dù sao cũng phải có người trông nom bốn đứa cháu mồ côi. Song ở cả làng này, cả làng bên kia núi đều không có người gái góa nào tương xứng.
Ngày hôm ấy, rốt cuộc bà Rin đã nghe thấy điều mà bà mong đợi bấy lâu. Buổi sáng có một người hành khất đi ngang qua nhà bà để lên núi đã cất tiếng hát:
"Ngày hội Narayama
Đã tới thêm ba lần
Thêm ba mùa hoa nở
Trên cây dẻ ngoài sân"
Đây là bài ca về ngày hội của làng họ, gọi là hội Bôn*. Bà Rin lâu nay vẫn chờ đợi người ta hát bài này, nhưng mãi không thấy ai hát, nên bà lấy làm lơ đãng. Bài hát có nghĩa là:"Ba năm nữa qua đi, tôi sẽ thêm ba tuổi", song nó cũng có nghĩa là: nhắc nhở những người già bẩy mươi tuổi rằng đã đến lúc phải về với thần núi Narayama.
Bà Rin lắng nghe tiếng hát đang xa dần và liếc trộm Tatsuhei. Anh cũng đang dỏng tai lên nghe bài hát. Nhìn thấy hai con mắt mở to của anh long lanh, bà hiểu rằng anh sẽ đi cùng bà lên núi, song rõ ràng anh đau khổ vì điều đấy, và bà trìu mến nghĩ thầm: "Con trai mình hiếu thảo quá!”
Ngày hôm đấy bà còn được biết một tin khác. Tin này do một người đưa tin từ quê bà mang đến: Ở làng ấy có một người phụ nữ vừa góa chồng. Chị ta đã bốn mươi nhăm tuổi, cũng như Tatsuhei, và vừa chôn cất chồng được ba ngày nay. Về tuổi tác thế là được, còn những điều khác chẳng đáng kể. Người đưa tin kể chuyện người đàn bà góa, thỏa thuận với bà Rin ngày chị ta sẽ về làm dâu nhà bà, rồi vội vã đi ngay. Lúc người đưa tin đến, Tatsuhei vắng nhà nên bà phải quyết định lấy mọi chuyện. Chỉ còn việc chờ anh về để báo lại cho anh.
Ở làng họ, những việc như thế này người ta quyết định nhanh chóng. Người ta không tổ chức đám cưới, chỉ cần đôi bên thỏa thuận với nhau rồi nàng dâu về ở nhà chú rể. Thực ra cũng có những ông bà mối nhưng họ chỉ quan tâm sao cho cô dâu, chú rể hợp nhau về tuổi tác. Cô dâu đến chơi nhà chú rể, ở lại ngủ đêm, rồi dần dần ngủ hẳn ở nhà ấy. Ở đây vào những ngày hội Bôn hay ngày Tết, dân làng cũng có kỷ niệm, nhưng không có chỗ nào để vui chơi, nên chỉ khác ngày thường là những hôm ấy mọi người nghỉ không làm việc. Người ta chỉ bày cỗ bàn vào ngày hội Narayama, mà cũng rất đơn sơ.
Nhìn theo bóng người đưa tin, bà Rin nghĩ: "Anh ta nói rằng đằng họ hàng nhà mình nhờ anh ta đến đây. Chắc anh ta là chỗ bà con gần với cô dâu. Chồng cô ta chết chưa được ba hôm mà đã thấy anh ta lại, hẳn là lo cho cô ấy lắm. Nhưng thế cũng hay cho nhà mình: cô ấy đến càng sớm càng tốt”.
Bà Rin định ngày đầu năm mới này sẽ vào núi với thần Narayama, nhưng bà lo lắng; nhà cửa sẽ ra sao nếu trước khi đi bà không tìm được một nàng dâu cho con trai? Giờ đây đã tìm được một người vừa đôi phải lứa, bà như trút được gánh nặng trong lòng. Chẳng bao lâu nữa, nàng dâu sẽ đến cùng với ông bố hoặc một người bà con, nhà có bàn tay đàn bà sẽ gọn gàng ngăn nắp ngay. Chẳng gì thì bà Rin cũng có bốn đứa cháu: ba thằng cháu trai, thằng Kesakichi Asakichi lớn nhất đã mười sáu tuổi, và một đứa cháu gái mới được ba tuổi. Thời gian gần đây, Tatsuhei cứ như người ngẩn ngơ. Bà Rin và cả làng đều nhận thấy điều đó.
“Nhưng bây giờ nó sắp hết buồn rồi”. Và bà lấy làm mừng lắm.
Buổi chiều , khi Tatsuhei ở núi về, ngồi nghỉ trên gốc cây cụt, bà Rin từ trong nhà lớn tiếng báo tin:
- Này! Ít lâu nữa người làng ấy sẽ về làm dâu đấy. Chị ta mới góa chồng ngày hôm kia. Chờ đủ bốn mươi chín ngày rồi chị ta sẽ thu xếp.
Bà Rin cảm thấy hãnh diện như vừa thông báo về một chiến công vĩ đại.
Tatsuhei ngoảnh lại.
- Ở làng bên hả mẹ? Thế cô ấy bao nhiêu tuổi?
Bà Rin đến bên Tatsuhei:
- Cô ấy tên là Tama, cũng trạc tuổi con, bốn mươi năm tuổi.
- Ra thế! Thật xứng với con. Ha, ha, ha!
Tatsuhei bối rối ra mặt, anh muốn làm cho bà Rin vui lên. “Hình như nó vẫn lo nghĩ chuyện gì chứ không phải chuyện vợ con”. Bằng sự nhậy bén của người già, bà Rin đoán ra điều đó và bà cảm thấy sung sướng.
Trên núi Narayama có một vị thần. Dân làng không ai hoài nghi việc những người đã vào núi đều được thấy Ngài. Mà một khi quả thực trên núi có thần linh, cố nhiên người ta phải ăn mừng ngày lễ của Ngài thật đặc biệt, không giống những ngày hội khác. Dần dà trong làng chỉ còn lại độc có một ngày hội ấy. Nó trung với ngày hội Bôn, thậm chí những bài hát cho cả hai ngày hội cũng giống nhau.
Theo âm lịch, ngày hội Bôn kéo dài từ ngày 13 tháng bảy đến ngày 16 tháng bảy, còn ngày lễ thần Narayama thì bắt đầu trước đó một đêm, đêm 12 tháng bảy. Suốt đêm dân làng uống rượu sakê, nhắm những sản vật mà những cánh rừng và thung lũng tặng cho họ vào mùa này: hạt dẻ, nho dại, nấm, quả xi và quả kai. Cơm được coi là món ăn sang trọng nhất. Trong làng người ta trân trọng gọi cơm là Khaghi trắng. Ở nơi đây khí hậu rất khắc nghiệt, lúa trồng được chẳng là bao, người ta chỉ thường ăn hạt kê, hạt mạch, ngô, còn gạo để dành để thổi cơm vào dịp lễ Narayama hoặc nấu cho những người ốm nặng. Trong làng có một bài ca như thế này:
Cha tôi đau nặng
Nằm suốt ba hôm
Ốm to đến nỗi
Phải nấu cơm ăn
Bài hát chê trách sự xa xỉ. Kẻ nào bố mới chỉ ốm sơ sơ mà đã cho ăn cơm, kẻ đó bị coi là hoang phí, hay thậm chí là ngu xuẩn. Đôi khi người ta thay đổi lời ca. Từ "bố" được thay bằng ”con” hoặc ”anh”…
Tưởng chừng như đấy chỉ là những bài hát vui, nhưng thật ra dân làng muốn nhắn nhủ rằng chẳng nên ăn cơm khi chưa cần thiết.
Về cây dẻ nở hoa, chỉ có một bài hát.
Thế nhưng có rất nhiều bài ca khác mừng đón ngày hội Bôn, và mỗi người hát theo một cách riêng cho mình.
Nhà bà Rin nằm ở rìa làng, chỗ con đường lên núi chạy ngang qua. Chỉ còn ngót ngét một tháng nữa là đến ngày hội Narayama nên bà Rin ngày càng hay nghe thấy người ta hát những bài ca mừng ngày hội. Một người nào đó cất giọng hát: May sao O-Tori-san, liền đó một giọng khác hòa theo…
May sao O-Tori-san
Con nhà làm muối:
Bà đi vào núi
Gặp lúc tuyết rơi
Ở làng này chữ ”vào núi” chỉ hai việc hoàn toàn khác nhau, nhưng bất kì ai cũng có thể hiểu ngay lúc ấy bài hát ấy nói về điều gì. Có thể là lên núi kiểm củi, đốt than, cũng có thể là rời về núi Narayama sống. Ở gia đình người làm muối không có người đàn bà nào tên là Tori, nhưng có lẽ bà đã sống cách đây vài đời, và khi bà rời về núi, tuyết đã rơi đầy trời. Bà Tori tượng trưng cho con người hạnh phúc. Đấy là điều người ta muốn nói đến trong bài ca.
Ở đây tuyết chẳng lạ với mọi người: về mùa đông đôi khi có tuyết rơi trong làng, còn những đỉnh núi thì tuyết phủ trắng xóa suốt cả mùa đông. Điều mà người ta muốn nói đến chính là việc đúng lúc bà Tori vào đến núi thì tuyết rơi. Nếu tuyết rơi lúc đang đi trên đường thì bà sẽ chẳng phải là người hạnh phúc. Với bà Tori, mọi việc xảy ra thật đúng lúc.
Bài ca còn một ý nghĩa nữa. Nó nhắc người ta phải rời về núi Narayama vào mùa đông, chứ không phải mùa hè. Vì thế mọi người thường đến đây vào đúng lúc tuyết sắp rơi. Chứ khi tuyết phủ đầy rồi thì đi lại sẽ khó khăn, mà đường vào núi Narayama, nơi ở của thần linh, chẳng gần gụi gì: qua bảy khe núi và ba hồ nước. Chính vì vậy mà bài ca căn dặn trước: hãy ra đi vào mùa đông, nhưng trước khi tuyết bắt đầu rơi. Theo như bài hát này thì thời gian lên núi thật ít ỏi.
Bà Rin từ lâu đã chuẩn bị ra đi. Từ ba năm nay, bà đã để dành rượu Sakê cho ngày chia tay và chuẩn bị một chiếc chiếu để ngồi khi lên núi. Chuyện tìm vợ cho người con trai góa đã cản trở bà , nhưng bây giờ mọi việc đã ổn thỏa: đủ cả chiếu, cả rượu Sakê, cả vợ cho Tatsuhei. Nhưng còn một điều vẫn làm bà lo lắng.
Không để ai trông thấy, bà Rin lén giấu một hòn đá và thỉnh thoảng lại dùng nó để ghè răng: bà muốn đập gãy những chiếc răng còn khỏe. Hai hàm răng bị đá đập vào đau buốt, nhưng nếu ráng chịu thêm ít nữa, thế nào cũng có vài chiếc rụng. Bà hoan hỉ chờ đợi điều đó, nên những ngày gần đây thậm chí bà còn cảm thấy nỗi đau đớn đó thật dễ chịu.
Bà Rin đã già lắm rồi, mà hai hàm răng của bà vẫn còn nguyên vẹn. Hồi trẻ, bà Rin vẫn tự hào về bộ răng của mình: chúng chắc đến nỗi có thể cắn vỡ tan những hạt ngô khô. Suốt từ bấy đến nay, chưa có một chiếc răng nào rụng! Nhưng giờ đây, bà xấu hổ vì điều đó. Ngay cả hàm răng của Tatsuhei cũng đã thưa đi nhiều, ấy vậy mà răng của bà vẫn đầy miệng và vẫn có thể nhai đủ mọi thứ, không thua gì bọn trẻ. Có bộ răng như thế này ở một làng quê nghèo quả thật là một điều đáng xấu hổ.
Bà còn muốn nhai những gì nữa, quả thông chăng, hay đậu răng ngựa? – người làng nói với bà như vậy.
Mà không phải họ nói đùa. Họ tỏ ra khinh thường bà. Đậu răng ngựa là thứ đậu cứng như đá để cho ngựa ăn, người ăn vào thì bụng bị trướng lên. Người ta cố ý nhắc đến đậu răng ngựa nên bà hiểu ngay, rằng mọi người giễu cợt bà, bởi vì điều này bà nghe thấy không chỉ từ một người mà từ nhiều người. Biết làm sao được, bà nghĩ, chỉ tại mình có bộ răng quá ư là chắc.
- Thế mà bà nội có những ba mươi ba răng! – Kesakichi trêu bà.
Ôi, đến mức đứa cháu ruột cũng giễu bà! Bà Rin lấy ngón tay lần đếm những chiếc răng. Thật ra chỉ có hai mươi tám chiếc.
- Thằng ngốc! Chỉ có hai mươi tám chiếc thôi chứ - bà nói.
- Thật à? Ấy là bà chưa đếm hết. Tìm thêm nữa xem nào. – Kesakichi nhục mạ bà. Nó nhất định muốn bà nó phải có ba mươi ba chiếc răng. Năm ngoái nó làm cho cả làng buồn cười vì bài hát về hàm răng của bà do nó bịa ra:
Bà tôi có chiếc rương
Trong góc nhà cất kĩ
Cả thẩy ba mươi ba
Chiếc răng nanh của quỷ.
Kesakichi đã thay đổi lời ca của một bài hát nghịch ngợm nhất trong làng. Người ta hát rằng: “Mẹ tôi có chiếc rương. Trong góc nhà cất kĩ. Cả thẩy ba mươi ba. Sợi tóc mây yêu quý.”
Bài hát giễu vui người mẹ. Nhại theo bài ca ấy, Kesakichi hát về những chiếc răng của bà nó, làm cho cả làng khoái trá. Nhưng để khớp với lời ca, nó cần đúng ba mươi ba chiếc răng.
Vì thế nên nó phao tin khắp trong làng rằng bà Rin có ba mươi ba chiếc răng.
Ở làng này, bà Rin được kính trọng hơn bất kì người nào. Sau khi chồng chết, bà không hề bị điều tiếng, hoặc bị người ta bới móc như những người đàn bà góa khác. Bà không muốn chuốc lấy nỗi nhục chỉ vì bộ răng còn chắc của mình. “Thể nào cũng phải rửa được nỗi nhục ấy, trước khi rời về núi” bà nghĩ bụng. Bà muốn mình sẽ đàng hoàng là một bà già móm mém ngồi sau lưng con trai khi anh địu bà vào núi.
Vì thế nên bà giấu mọi người, bí mật dùng đá ghè hai hàm răng: bà cố đập gãy vài chiếc.
Gần bên túp nhà của bà Rin, có một ngôi nhà, tục gọi là “Nhà tiền”. Thật ra trong làng không ai có tiền, mà có cũng không biết tiêu gì, nhưng có lần ông láng giềng đến vùng Etchigo và mang về một đồng tiền cổ. Từ đó ngôi nhà của ông được đặt tên là “Nhà tiền”. Chủ nhà này, ông Mata, đã bảy mươi tuổi. Mata và bà Rin không chỉ là chỗ xóm giềng mà còn là những người đồng niên và chơi thân với nhau từ nhiều năm nay. Song bà Rin đã có ý vào núi Narayama từ lâu, nhưng Mata, con người tham lam nhất làng vẫn chưa muốn nấu rượu sakê đãi khách, và cho đến bây giờ vẫn chưa thấy sửa soạn gì. Nghe đồn Mata sẽ vào núi trước tiết lập xuân, song đã qua hè mà vẫn thấy ông lão ngồi nhà. Người ta lại xì xào rằng có lẽ đến mùa đông Mata sẽ lên núi,và ra đi lặng lẽ để không ai biết. Nhưng bà Rin nghĩ rằng ông Mata tham lam này thậm chí không nghĩ đến chuyện vào núi. ”Thật là ngu xuẩn!”. Bà Rin sẽ rời về núi vào tháng Giêng khi bà tròn bảy mươi tuổi.
Ở cạnh “Nhà tiền” có một nhà tục gọi là “Nhà thông cụt”. Từ phía sau ngôi nhà này nhô lên một thân cây thông rất to trông như một cột đá. Ngày trước, đã lâu lắm, nó bị sét đánh cháy. Cạnh “Nhà thông cụt” là “Nhà mưa”. Ở phía đông nam làng có rặng núi Tashumi. Chỉ cần một người nào của nhà này đi đến đấy là trời liền đổ mưa. Thời xưa có một người trong gia đình này đã giết chết một con rắn hai đầu trên núi Tashumi, nên từ bấy đến nay cứ mỗi khi họ lên núi là trời lại mưa. Vì thế nên người ta gọi nhà này là “Nhà mưa”.
Kế bên "Nhà mưa" có một ngôi nhà mang tên Nhà kai. Cả làng có hai mươi hai nóc nhà, cạnh nhà này có một cây kai cao nhất. "Nhà kai" được ca tụng với bài hát như thế này:
Nhà kai có bà
Ghin-ian bê tha
Trong nom đàn chắt
Như lũ chuột nhà.
Ngày bà Rin mới về làng này, bà vẫn còn gặp bà cụ Ghin. Theo lời đồn đại, đó là một bà già bê tha, phóng túng. Bà Ghin là người dốt nát. "Lũ chuột" trong bài hát ám chỉ lũ cháu chắt đông đúc của bà. Ở "Nhà kai", người ta đẻ con nhiều như chuột. Bà Ghin vừa đẻ con, vừa nuôi nấng lũ cháu, vừa trông nom đàn chắt. Hơn nữa, lại giữa một làng quê nghèo đói như thế này! Bà Ghin bị mọi người khinh ghét vì đã đẻ ra lúc nhúc một bầy con cháu dâm ô. Trong bài hát, người ta chế nhạo ba đời nhà Kai dâm ô và đẻ nhiều.
Sang tháng bảy, mọi nhà tíu tít bận rộn. Ngày lễ Narayama chỉ kéo dài có một ngày nhưng là ngày hội duy nhất nên mới đầu tháng bảy trong làng đã tràn ngập không khí hội hè. Thế rồi hôm sau đã sang ngày hội. Tatsuhei bận ngập đầu ngập cổ. Trong nhà mọi người đều náo nức, mỗi người nghĩ đến việc của mình, chả trông mong gì được ở Kesakichi; nó biến đâu mất nên cả ngày Tatsuhei phải quần quật một mình.
Khi đi ngang qua "Nhà mưa" anh nghe thấy tiếng hát, chủ nhà đang hát về những chiếc răng quỷ:
Bà Rin có chiếc rương
Trong góc nhà cất kĩ
Cả thẩy ba mươi ba
Chiếc răng nanh của quỷ.
“Đồ vô lại”-Tatsuhei nghĩ bụng. Lần đầu tiên anh nghe thấy bài hát này. Kesakichi đặt ra bài hát này từ năm ngoái, nhưng khi đó nó còn chưa lọt đến tai Tatsuhei và bà Rin. Đây là lần thứ hai trong năm nay bà Rin được nhắc đến trong bài hát.
Tatsuhei bước ngay vào nhà. Gặp chủ nhà ở phòng ngoài, anh ngồi phệt luôn xuống đất, ngay trước mặt ông ta:
- Nào, cùng đi lại đằng nhà tôi. Ta thử đếm xem bà Rin có bao nhiêu răng.
"Nhà mưa" kinh hãi. Anh Tatsuhei vốn lầm lì, bây giờ nhìn ông với vẻ đe dọa là có chuyện chẳng lành.
- Anh nói gì vậy? Có gì đâu? Tôi có làm gì đâu? Đấy là thằng Kesakichi nhà anh nghĩ ra đó.
Lúc đó Tatsuhei mới biết bài hát do thằng con anh bịa ra. Bây giờ anh đã hiểu tại sao Kesakichi cứ khăng khăng rằng bà nó có ba mươi ba cái răng.
Tatsuhei không nói gì, bước ra khỏi nhà, anh kiếm một cái gậy to ở ven đường và đi tìm Kesakichi.
Kesakichi đang ngồi hát với lũ trẻ gần “Nhà bên đầm” :
Ngày hội Narayama
Mỗi năm chỉ có một lần
Được ăn chán, ăn no
Những hạt cơm trắng ngần.
Có một hàng giậu thông bao quanh nhà, nên không nhìn thấy ai, nhưng Tatsuhei nhận ra Kesakichi qua giọng hát.
Vừa vung roi, anh vừa quát:
- Kesa! Như vậy là bà có ba mươi ba cái răng? A, thằng mất dạy! Bà bế ẵm mày, chăm bẵm mày, còn mày…
Anh giơ roi lên, nhưng Kesakichi khéo léo tránh được, nên chiếc roi quất mạnh xuống tảng đá. Tatsuhei bị va tay đau điếng.
Kesakichi chạy ra xa, và đứng nhìn bố như không có chuyện gì xảy ra.
-Thằng khốn! Tao sẽ cho mày nhịn đói! – Tatsuhei gầm lên.
Trong làng người ta hay nói: “Tao sẽ cho mày nhịn đói!” hoặc: “Tao sẽ phạt cơm mày!”. Cố nhiên có thể phạt bằng cách bắt nhịn đói nhưng thông thường đây chỉ là câu mắng.
Đến bữa cơm chiều, cả nhà ngồi quanh bàn. Cả Kesakichi đi chơi ngoài đường về cũng ngồi vào bàn, liếc trộm bố, nó không nhận thấy dấu vết nào của cơn giận, vẻ mặt bố nó trông buồn rầu nhiều hơn là giận dữ.
Tatsuhei có ý không muốn nhắc đến bài hát trước mặt bà Rin. Anh không muốn bà Rin biết trong làng người ta hát bài ca như vậy.Thậm chí trong thâm tâm anh nghĩ: giá cả Kesakichi cũng lặng thinh thì tốt.
Còn Kesakichi lại nghĩ thầm: “Việc gì mà bố phải nổi xung lên với mình vì bài hát ấy?" Vì vậy nên nó quyết chí: "Đã thế mình sẽ hát để trêu ngươi, một khi ông ta không thấy thích!”
Kesakichi biết rằng bố nó sắp lấy vợ và nó quyết tâm chống lại việc này.
Cả nhà cắm cúi ăn. Họ ăn món canh rau, trong đó nổi lèo tèo những viên bột ngô. Canh loãng nên họ nửa ăn, nửa húp.
Bà Rin nghĩ ngợi về công việc của mình. Bà linh cảm thấy người con dâu sẽ đến nhà họ vào ngày lễ, mặc dù cô vẫn chưa đoạn tang. Thậm chí hôm nay bà đã có ý chờ, nhưng nàng dâu không thấy đến.
“Như vậy là ngày mai cô ấy sẽ tới, - bà nghĩ- phải báo trước cho tất cả bọn trẻ biết việc cô ấy đến đây”.
- Có thể ngày mai người mẹ mới của các con ở làng ấy sẽ về đây, - bà vui vẻ nói với các cháu.
- Có lẽ hơi sớm. Mới được một tháng. Nhưng nếu cô ấy đến cũng không sao, mẹ sẽ được nhẹ nhàng hơn trong việc cơm nước.- Tatsuhei có vẻ vui.
- Lại còn thế nữa kia! – Kesakichi ngắt lời anh. Nó vung tay quay sang bà Rin gào lên : - Chúng tôi không cần có mẹ nào ở làng ấy cả. – Sau đó nó căm thù nhìn bố, nói: - Bố chẳng cần gì phải có vợ. Tôi sẽ lấy vợ. – Và nó quay lại quát bà Rin: - Còn bà thì im đi! Nếu bà chán nấu nướng rồi thì vợ tôi sẽ làm.
Bà Rin sửng sốt:
- Thằng ngu! Đừng có mà hốc nữa! – bà lớn tiếng mắng át Kesakichi và vụt mạnh đôi đũa vào cổ nó.
- Kesakichi muốn lấy cô Matsu ở nhà “Nhà bên đầm” đấy mà, - thằng bé mười ba tuổi mách bà Rin. Nó biết là Kesakichi chơi thân với Matsu nên hi vọng bêu xấu anh nó trước mặt mọi người.
Kesakichi tát bốp một cái vào má thằng em.
- Câm mồm! – Và nó hầm hầm lườm em.
Tatsuhei ngạc nhiên nhưng im lặng. Anh không ngờ con mình lại cả gan đến thế. Trong đầu anh không hề xảy ra ý nghĩ rằng Kesakichi có thể lấy vợ. Ở làng, theo tục lệ người ta lấy vợ lấy chồng muộn nên không ai lập gia đình trước tuổi hai mươi.
Thậm chí người ta còn có bài hát khen ngợi việc hôn nhân muộn mằn.
Cả sau tuổi ba mươi
Lấy vợ đâu có muộn
Nào đâu ai có muốn
Gánh thêm một miệng ăn.
Thêm một miệng ăn trong gia đình hoàn toàn không đúng lúc, vì thế nên cả bà Rin, cả Tatsuhei đều không hề nghĩ đến chuyện lấy vợ cho Kesakichi.
Ven làng có một con suối chảy qua, đến giữa làng, nó phình ra thành một cái đầm nhỏ. Ngôi nhà đứng trên bờ đầm nên được gọi là “Nhà bên đầm”. Bà Rin biết rõ cô bé tên là Matsu ở "Nhà bên đầm". Bà cảm thấy xấu hổ vì do tính cáu bẳn của người già, bà đã la mắng Kesakichi. Quả thật Kesakichi đã làm bà bất ngờ, nên bà mới nổi nóng. Nhưng chỉ đến bây giờ bà Rin mới nổi nóng. Nhưng chỉ đến bây giờ bà Rin mới chợt nhận ra rằng cả Matsu và Kesakichi đều đã trưởng thành, vậy mà bà không để ý đến chuyện đó. Đây là điều không thể tha thứ được cho bà.
Kesakichi đứng dậy bỏ đi.
Ngày lễ đã đến. Sau khi ăn no nê “khaghi trắng”, bọn trẻ kéo nhau ra bãi. Ở giữa làng có một chỗ bằng phẳng, không lớn lắm. Chỗ ấy được gọi là bãi Hội. Người ta vui chơi vào buổi tối, nhưng bọn trẻ con tụ họp ở đây từ sáng. Ở ngoài bãi, người ta múa điệu Bôn-ôđôri. Nói đúng hơn, không phải là múa, mà người ta đứng thành vòng tròn, vỗ tay và hát. Tatsuhei cũng đến nhà người quen chơi, nên chỉ có một mình bà Rin ở nhà.
Và trưa, bà nhìn thấy một người phụ nữ lạ. Cô ta ngồi trên gốc cây cụt, quay lưng vào nhà. Một chiếc túi vải lớn nằm bên cạnh. Có lẽ người phụ nữ đang chờ ai.
Bà Rin nghĩ bụng không biết có phải đó là cô con dâu từ làng bên tới không nhưng người đàn bà lạ mặt chẳng có vẻ gì định vào nhà bà. “Thế nghĩa là không phải cô ấy”, - bà Rin nghĩ. Người phụ nữ hình như đến thăm nhà ai, và bây giờ đang ngồi nghỉ. Nhưng chiếc túi vải to làm bà Rin lại nghĩ rằng dù sao đây cũng phải chỉ là một người khách bình thường, nên cuối cùng bà quyết định bước ra khỏi cửa.
- Chẳng hay chị người đâu ta... có lẽ là đến chơi nhân ngày hội? – bà hỏi người phụ nữ
- Nhà anh Tatsuhei ở đây phải không ạ? – người phụ nữ hỏi tự nhiên.
“Nàng dâu!” – bà Rin hiểu ra.
- Chị là Tama ở làng ấy phải không?
- Vâng. Ở chỗ cháu cũng đang ngày lễ, nhưng tất cả mọi người đều bảo cháu: “Thôi, đi đi, cô sẽ ăn tết ở đằng ấy”. Và thế là cháu đi.
- Ồ, thế thì vào đây, vào đây, - bà Rin cầm ống tay áo của Tama kéo vào. Bà sung sướng chạy ra chạy vào soạn sửa, bà đặt trước mặt người con dâu một chiếc bàn, rồi bưng mâm ra. – Ăn đi con, để mẹ chạy đi gọi Tatsuhei, - bà nói.
- Mọi người đều nói: ăn cố ở nhà làm gì. Thôi đi đi, cô sẽ ăn ở làng ấy. Vì thế nên hôm nay cháu cũng chưa ăn bữa sáng – nàng dâu nói.
- Ồ, thế thì ăn đi, con cứ ăn tự nhiên.
Bà Rin thầm nghĩ đằng nào bà cũng mời Tama ăn, dù cho cô ấy nói rằng đã ăn rồi. Chẳng gì thì bà cũng chờ cô ấy từ hôm qua.
Tama vừa ăn ngấu nghiến, vừa kể:
- Ai cũng bảo cháu: bà cụ đằng ấy tốt bụng lắm, nhanh lên mà đi.
Bà Rin sung sướng nhìn Tama đang nhai ngon lành
- Anh con đã đến gặp bà. Chính anh ấy cũng nói rằng bà rất tốt. Thế là con quyết định phải đi sớm.
Bà Rin xích lại gần Tama. “Người cũng xuề xòa, có lẽ không biết nói dối”, bà nghĩ bụng, rồi bảo:
- Con có thể đến sớm hơn cũng được. Mẹ chờ con từ hôm qua kia. - Bà Rin định ngồi sát lại bên nàng dâu, nhưng chợt sợ rằng cô sẽ nhìn thấy bộ răng nguyên vẹn của mình, bà vội đưa tay che miệng và ngồi nhích ra. - Nhưng sao con ngồi đó lâu thế? Sao không vào nhà ngay? - Bà hỏi.
Tama mỉm cười:
- Con chỉ đến đây một mình, con thấy ngại ngùng quá. Anh con hứa đưa đi, nhưng bữa qua uống rượu say mèm, còn mọi người thì nói “Bà cụ đằng ấy tốt bụng lắm, cứ đi cho sớm sủa”.
Nghe lời khen ngợi, bà Rin tưởng như được lên tận mây xanh. "Có thể cô này còn hơn cả cô con dâu trước". Bà nói:
- Lẽ ra mẹ nên đến đón con mới phải.
- Vâng, giá mà mẹ đến được. Khi về, hẳn là con sẽ cõng mẹ qua đèo.
Phải, người phụ nữ này hẳn là sẽ cõng bà qua đèo. Thậm chí bà Rin cảm thấy ân hận vì không nghĩ ra việc đến đón Tama ở làng ấy. Mà không nhất thiết phải cõng bà, tự bà đi cũng được. Bà hãy còn đủ sức. Bà Rin xúc động trước tấm lòng nhân hậu của Tama. Bà chỉ muốn nói với Tama rằng đầu năm mới này bà sẽ rời về núi Narayama. Hôm anh Tama đến đây, bà cũng đã nói thẳng với anh ta điều đó.
Khẽ liếc trộm con dâu, bà Rin thấy cô đang vuốt lưng: có lẽ bị nghẹn. Bà Rin bước tới gần Tama. - Hay là bảo cô ấy ăn từ từ thôi? Chỉ sợ cô ấy lại nghĩ mình bủn xỉn, - bà lo lắng, rồi quyết định: - Mình sẽ đi tìm Tatsuhei, cứ để cho cô ấy bình tĩnh ngồi ăn, - Vừa xoa xoa lưng Tama, bà vừa nói: - Sang năm mới mẹ sẽ về núi.
Tama im lặng một lát.
- Anh con cũng có nói. Anh ấy nhờ con bảo lại với mẹ đừng đi vội.
- Sao lại thế? Càng đi sớm càng tốt. Thần núi chỉ càng khen ngợi thôi.
Bà Rin nóng lòng kể cho Tama vài chuyện nữa. Bà đẩy những món ăn ở giữa bàn lại gần con dâu. Trên đĩa những miếng cá gáy yamabe xếp có ngọn. Bà Rin thấy cần phải kể cho Tama về những con cá này.
- Cá này mẹ bắt đấy – bà khoe.
Yamabe, vua của các dòng suối núi, là một loài cá quý.
- Mẹ biết bắt cá cơ à? – Tama hoài nghi hỏi.
- Cả làng này không ai bắt được nhiều cá như mẹ. Cả Tatsuhei, cả Kesakichi cũng không bằng mẹ được.
Trước khi lên núi, bà Rin định bày cho con dâu cách bắt cá yamabe mà chỉ có một mình bà biết.
- Mẹ biết có một chỗ lúc nào cũng có thể bắt được cá. Thư thả rồi mẹ sẽ chỉ cho. Có điều con hãy cẩn thận, chớ có nói với ai. Cần phải đến đó vào ban đêm, và thò tay vào hốc, thể nào cũng có cá, - bà Rin nói. Đôi mắt bà ngời sáng. Đẩy đĩa thức ăn về phía Tama, bà nói thêm: - Ăn hết đi. Nhà vẫn còn nhiều cá khô. – Sau đó bà đứng dậy: - Mẹ đi gọi Tatsuhei. Con cứ ăn đi.
Bà bước ra sân sau và tiến về nhà kho. Giờ đây, khi trong phòng tràn ngập niềm sung sướng, bởi được mọi người khen là nhân từ, cuối cùng bà lấy hết can đảm, nhắm mắt lại, bà đập răng vào chiếc cối đá. Cả hàm đau tê dại. Cuối cùng bà thấy trong mồm tứa ra đầy chất gì âm ấm và mằn mặn. Bà cảm giác hình như lổn nhổn trong mồm những chiếc răng gẫy. Lấy tay bịt chặt mồm để máu khỏi chảy ra, bà rảo bước ra suối để rửa. Hai chiếc răng gẫy rơi ra. Bà buồn quá.
- Chỉ được có thế! Độc có hai cái thôi ư?
Nhưng rồi bà cho rằng đập được như thế cũng đã là khá. Hai chiếc răng cửa ở hàm trên bị rụng nên trông vào mồm sẽ thấy trống hẳn. Trong khi đó Kesakichi say bí tỉ, nghêu ngao ngoài bãi bài hát về những chiếc răng quỷ.Từ mồm bà Rin, máu chảy ra ròng ròng, hẳn là vết thương còn chưa đỡ.
- Hết ngay thôi, hết ngay thôi – bà nhắc đi nhắc lại với chính mình. Bà chụm tay vốc nước xúc miệng, máu vẫn còn chảy, nhưng bà mừng lắm: đã gẫy được hai cái răng! Thật chẳng uổng công bà lấy đá ghè răng, hai chiếc răng bật nhanh quá. Bà cúi xuống suối, vục nước vào miệng rồi nhổ ra. Máu không chảy nữa. Chỉ còn thấy hơi đau trong mồm nhưng bà Rin không để ý đến điều đó. Bà muốn khoe với Tama răng bà đã tồi như thế nào nên bà quay về nhà. Tama vẫn còn đang ăn. Bà Rin ngồi đối diện với người con dâu.
- Đừng vội, con cứ ăn nữa đi. Tatsuhei sẽ về ngay thôi, - bà nói rồi phàn nàn thêm – Mẹ cũng đến lúc phải lên núi rồi. Răng lợi chẳng còn ra gì nữa.
Và cắn răng vào môi dưới, bà nhe hàm răng trên ra như muốn bảo: này, con nhìn xem. Bà Rin muốn nhảy lên vì sung sướng: mọi việc được thu xếp thật tuyệt. Bà bước ra khỏi nhà, đi ra bãi tìm Tatsuhei. Giờ thì cả làng có thể nhìn thấy hàm răng đã rụng của hà. Bà tự hào ưỡn thẳng vai bước ra.
Ngoài bãi, Kesakichi vừa nhảy vừa hát bài hát về những chiếc răng quỷ quái của bà Rin. Vừa khi đó, bà Rin hiện ra với cái mồm há hốc. Máu đã cầm, lại tiếp tục chảy. Bà Rin không để ý đến bài ca. Việc đi tìm Tatsuhei là cái cớ thuận tiện để bà khoe với mọi người cái mồm móm của mình, bà chỉ nghĩ đến điều đó và không để ý đến bài hát.
Nhìn thấy bà Rin, người lớn và trẻ con đang tụ tập ngòai bãi kêu thét lên và bỏ chạy toán loạn. Bà Rin trông thật kinh khủng: hàm răng trên cắn vào môi dưới, bà nhe cái lợi trống hoác ra, một dòng máu chảy xuống cằm bà. Bà Rin không thể nào hiểu được tại sao tất cả bỏ chạy khi thấy bà nên thậm chí bà còn cố cười cho thật hiền lành. Bà đã đạt được điều mà bà không ngờ tới: ngày lễ đã trôi qua mà người ta vẫn bàn tán về bà. “Mụ phù phủy nhà "Gốc cụt"!” – người ta kêu lén bà như vậy, và lũ trẻ nhỏ tin bà Rin là mụ phù thủy thật.
- Mụ ấy mà tóm được thì không thả ra đâu!
- Mụ ấy sẽ xé xác! - bọn con nít thầm thì.
- Nào, tao mang mày đến nhà mụ Rin cho mà xem! - người ta dọa những đứa bé đang hờn khóc để cho chúng nín. Buổi tối khi gặp bà Rin, lũ trẻ khóc thét lên và bỏ chạy. Cả bài hát về những chiếc răng của quỷ, cả việc người ta gọi bà là phù thủy, bà Rin đều biết.
Ngày hội Narayama đã qua, chẳng bao lâu gió cuốn đi hết lá trên cây. Thỉnh thoảng có những hôm trời lạnh như mùa đông. Tatsuhei vẫn cứ thẫn thờ, mặc dù đã lấy vợ.
Chưa đầy một tháng sau, trong nhà lại xuất hiện một người phụ nữ nữa. Một hôm, Matsu ở "Nhà bên đầm" tới đây và ngồi lên gốc cây cụt, đến giờ ăn nó cũng nhập cùng mọi người ngồi vào bàn. Nhìn nó ăn mà thấy thích: nét mặt nó hoan hỉ tưởng như lạc vào thiên đàng. Nó nhai nhồm nhòam. Nó ngồi cạnh Kesakichi và lặng lẽ ăn. Sau bữa tối, hai đứa lại ngồi bên nhau. Matsu đánh nhè nhẹ đôi đũa vào má Kesakichi, và điều đó làm hai đứa thích thú. Cả bà Rin, cả Tatsuhei đều không cảm thấy ghét Matsu. Bà Rin lấy làm xấu hổ vì cho đến bây giờ bà vẫn coi Kesakichi như đứa trẻ. Mà nó thì đã trường thành. Buổi tối, Matsu chui vào chăn với Kesakichi. Lúc ăn trưa, bà Rin để ý thấy bụng Matsu đã tròn lồ lộ. "Phải sang tháng thứ sáu rồi - bà nghĩ - chắc là chỉ đến tháng giêng thôi. Mà cũng có thể sớm hơn, trong năm nay chưa biết chừng." Điều đó làm bà Rin lo lắng. Nếu Matsu đẻ, mọi người sẽ cho rằng bà Rin cố sống tới tận khi có chắt.
Ngày hôm sau, ăn sáng xong, Matsu ra gốc cây cụt và ngồi ở đó cho đến bữa cơm trưa. Cơm trưa xong nó lại ngồi ngòai gốc cây cụt. Chiều đến Tama bảo nó:
- Matsu, đốt bếp lò đi.
Matsu không biết cách nhóm lửa, gian nhà ngập ngụa khói. Con bé út khóc ầm lên. Khói nhiều đến nỗi Tama và bà Rin phải bỏ chạy ra ngòai. Cả Matsu cũng vừa dụi mắt, vừa chạy ra.
- Việc thì quá biết, việc thì quá điếc. - Tama bật cười. Bà Rin vào nhà, tưới nước vào bếp, ho sặc sụa vì khói. Sau đó bà lại xếp củi vào và ngọn lửa cháy bùng ngay lên. Vừa ném từ trong nhà ra những mẩu củi cháy dở ướt sũng, bà vừa nói:
- Cháu nhét những cành kêiác vào làm gì hả Matsu? Chớ có đun những cành ấy. Cháu mà đun củi ấy, mắt sẽ bị đau vài ba năm. - Và bà hạ giọng nói thêm: - Bà thì thôi thế nào cũng được, bà già rồi, còn các cháu chả việc gì phải làm khổ đôi mắt.
- Không biết nhóm lửa thì ru con bé con đi vậy, - Tama sai và đặt đứa bé lên lưng Matsu. Con bé vẫn khóc vì bị khói. Matsu bắt đầu vừa lắc đứa bé rất mạnh, vừa hát: "Ôi, cái tội, cái nợ!"
Bà Rin và Tama sửng sốt nhìn nhau. Ở làng người ta chỉ hát bài này vào những dịp đặc biệt: khi cõng ai lên núi Narayama hoặc khi lắc đứa nhỏ địu trên lưng. Cách lắc con kỳ quặc như thế gọi là "quỷ sứ ru con", hoặc là "bà vú điếc".
Ôi, cái tội, cái nợ!
Mang người chẳng dễ đâu.
Vai và lưng đều đau,
Cái chân không muốn bước!
Matsu cố gào lên át tiếng đứa bé. Đầu đứa trẻ đập qua đập lại hai bên vai nó, đến nỗi đứa bé không thể há miệng ra được. Đúng là nó hành hạ con bé chứ không phải dỗ dành. Người ta cũng lắc những người bị cõng lên núi Narayama như thế khi những con người yếu đuối khiếp nhược ấy kêu khóc không muốn vào núi. Lúc ấy người cõng hát lên bài ca này. Matsu vẫn hét lên "Ôi, cái tội, cái nợ!" mà không biết rằng bài hát này còn có đoạn tiếp và có nghĩa là "rửa sạch mọi tội lỗi"; tâm hồn và thể xác được rửa sạch khỏi tội lỗi; con người được thóat khỏi số kiếp khốn khổ. Thời xưa người ta hát bài hát ru về bà vú điếc và một bài hát trong hội Bôn theo những điệu khác nhau, nhưng sau này họ quên mất điều đó, thành thử hát cả hai bài như nhau. Người ta hát cả hai bài đó vào ngày hội Narayama.
Đứa bé trên lưng Matsu khóc thét lên như phải bỏng. Khi ấy cô ta lắc đứa bé càng mạnh hơn và hát:
Ôi, cái tội, cái nợ!
Đừng khóc nữa quỷ con.
Hai tai kín như bưng,
Ta nào đâu nghe thấy.
Tao sẽ cho một gậy,
Nếu mi chẳng câm mồm.
Bài ca nói rằng: này bé con, mày có khóc bao nhiêu cũng chẳng ai nghe thấy, cũng chẳng ai đến giúp. Cứ khóc đi, cứ gào đi, tai tao bịt chặt rồi. Nếu mi chẳng câm mồm! Mày sẽ biết tay tao!, tiếp theo là một cái véo của bà vú.
Suốt cả cuộc đời dài đằng đẵng chưa lần nào bà Rin rung trẻ như kiểu mụ vú điếc. Còn con bé Matsu mới chỉ đến đây ngày hôm qua, mà hôm nay đã hát bài hát này rồi. "Nó là đứa tàn nhẫn", bà Rin thầm nhận xét. Bởi vậy nên bà và Tama mới nhìn nhau.
Đứa bé càng khóc giữ hơn. Tama không chịu nổi, chạy đến giật con bé khỏi tay Matsu, nhưng đứa trẻ vẫn tiếp tục khóc. Tama vạch quần áo đứa bé ngay trước mặt bà Rin, chị ối lên một tiếng: trên mông đứa nhỏ tím bầm những vết cấu. Họ đứng thừ người ra nhìn nhau.
Từ ngày Matsu về đây, Kesakichi trở nên hiền lành hẳn, nó không hỗn láo với bà Rin nữa, nhưng bây giờ trong bữa ăn nó hay hỏi:
- Bà ơi, thế bao giờ bà sẽ vào núi?
- Năm mới đến, bà sẽ đi ngay. - Bà Rin nhếch mép cay đắng.
- Càng nhanh càng tốt, - Kesakichi nói liến láu.
- Càng chậm càng tốt, - Tama ngắt lời nó và cười bò ra, hai câu nói liến láu liên tiếp nhau đâm ra rất buồn cười. Bà Rin cũng bật cười theo.
Từ ngày trong nhà có thêm hai người đàn bà, bà Rin không phải mó tay vào việc gì nữa. Bà vẫn còn đủ sức để lao động nên khi không có việc gì làm, bà không biết đứng đâu, ngồi đâu. Bà dường như thấy thiêu thiếu cái gì. Bà khổ sở vì cảnh ăn không ngồi rồi. Song bà tự an ủi mình, với ý nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa bà sẽ vào núi Narayama. Bà chỉ nghĩ ngợi về việc ấy. "Mọi người gọi mình là mụ phù thủy, nhưng mình sẽ lên núi, chứ không phải như lão Mata ở "Nhà tiền". Mình đã dự trữ bao nhiêu đồ thiết đãi, dễ làm cả bữa cỗ cũng đủ. Nào là gạo, nào là nấm, nào là cá khô, mình đã chuẩn bị đủ rồi, cả nhà sẽ được một bữa no nê. Mình cũng đã nấu rượu sakê để đãi mọi người. Dân làng vẫn chưa ai biết mình có một bình rượu đầy. Sau hôm mình rời về núi, con cháu của mình sẽ tề tựu đông đủ để ăn uống. Chúng nó sẽ ngạc nhiên: "Ôi, bà ta đã để dành được nhiều thế này kia!" Còn mình khi ấy sẽ ngồi trong núi trên chiếc chiếu mới và lòng mình sẽ được thanh thản.
Gió thổi dữ dội suốt cả ngày, suốt đêm cho đến sáng không lúc nào ngớt. Lúc tảng sáng đột nhiên vang lên tiếng kêu thất thanh: "Hãy xin lỗi thần Narayama đi!"
Cả làng xôn xao, nháo nhác. Vừa nghe thấy tiếng kêu, bà Rin vội vã chui ra khỏi chăn, chạy ra đường. Tay bà cầm một chiếc gậy. Cả Tama cũng lao ra. Sau lưng chị buộc chặt đứa bé con, còn tay nắm chặt một chiếc gậy to.
- Ở đâu? - bà Rin kêu to.
Tama, người tái nhợt, chạy vụt lên trước không kịp nói: mọi người đều cắm đầu chạy thục mạng.
Kẻ trộm hóa ra là lão Mưa. Lão ta bí mật lẻn vào nhà Thông Cụt và ăn trộm một bao đỗ. Người ta bắt được lão ngay tại chỗ, họ nhét lão vào một cái bao và đánh cho một trận nhừ tử.
Ở làng, người ta xem việc ăn trộm thức ăn là tội nặng nhất. Kẻ ăn trộm bị đánh đập rất tàn nhẫn và vơ vét toàn bộ lương ăn dự trữ trong nhà. Tiếng kêu "Hãy xin lỗi thần Narayama đi!" là tín hiệu của những cuộc trừng phạt như vậy. Người ta tước đọat của kẻ trộm tất cả những gì ăn được và chia nhau, nhưng chỉ có những người kịp chạy đến đúng lúc mới được chia phần. Phải chạy thật nhanh vì có thể sẽ phải đánh nhau với tên trộm, nếu nó kháng cự. Phải chạy chân đất vì những ai đi dép chạy đến cũng sẽ bị mọi người nhét vào bao tải và đánh cho một trận. Khi ấy mọi người đều tức giận điên cuồng vì ai cũng hiểu rất rõ thế nào là cái cảnh suốt cả mùa đông không có lấy một củ khoai, hạt lúa.
- Nhà chúng nó ăn trộm đã thành nết, - người ta xì xầm. - Phải triệt cho tiệt giống chúng nó đi, chẳng có đêm nằm không ai chợp được mắt.
Gia đình nhà Mưa có mười hai người.
Ngay hôm ấy không ai làm việc; người ta không thể lắng dịu ngay được.
Người ta đánh lão Mưa đến nỗi lão không còn sức để lết đi nữa. Bao tải đỗ lão ta đánh cắp ở nhà Thông cụt được khiêng đến bãi Hội. Cả gia đình kẻ đi ăn trộm bị bắt ngồi xung quanh. Họ kêu khóc thảm thiết nhưng chẳng ích gì. Sau đó người ta "lục sóat" ngôi nhà của tên trộm. Những người đàn ông khoẻ mạnh nhất sục sạo khắp nhà và lôi ra sân tất cả nhữngthứ ăn được. Mọi người dụi mắt kinh ngạc: làm cách nào mà lão Mưa cất giấu được nhiều đến ngần này. Từ dưới mái hiên, người ta lôi ra dễ đến cả một núi khoai tây. Không ai có thể trồng được ngần ấy khoai tây trên cánh đồng của mình. Để trồng được bấy nhiêu khoai, phải có rất nhiều khoai giống, mà dân làng thì ăn khoai suốt cả mùa đông, nên sang xuân còn lại chẳng là bao. Đôi khi thậm chí còn không đủcho mùa đông. Trong làng ai đào được bao nhiêu khoai người ta đều biết cả. Lão Mưa không thể trồng được lấy một phần mười chỗ khoai lão ta giấu dưới mái hiên. Rõ ràng lão đã trộm khoai ở vườn nhà khác.
Người nhà Mưa đã hai lần phải cầu xin thần Narayama tha thứ. Lần thứ hai, sau khi bị tước hết lương thực dự trữ vì tội trộm cắp, họ đã sống lần hồi qua được mùa đông bằng cây củ trong rừng. Tuy nhiên, người ta đồn rằng họ đã giấu sẵn đồ ăn trong núi nên mới sống nổi.
Không khí nhà bà Rin cũng buồn rầu. Tatsuhei nằm duỗi thẳng chân, hai tay khoanh sau gáy. "Làm thế nào để nhà mình qua được mùa đông này?" - anh nghĩ. Tai họa của nhà Mưa cũng đang treo lơ lửng trên ngôi nhà của anh. Giờ đây anh nhận thấy điều đó đặc biệt rõ ràng. Chỉ còn một ít lương ăn dự trữ, mà anh thì không quen trộm cắp. Nhà Mưa có mười hai người, nhà anh chỉ có tám, nhưng người ăn khoẻ lại nhiều hơn nhà Mưa, vì thế nên cũng túng bấn chẳng kém.
Bà Rin ngồi bên Tatsuhei. Bà cũng lo lắng cho mùa đông tới. Năm nào cũng vẫn thế, nhung năm nay gia đình nhà bà đông đúc hơn, bọn trẻ lớn thêm, thành thử sống qua được mùa đông này là việc khó khăn hơn trước nhiều. Matsu làm bà hết sức kinh ngạc.
Bà Rin đóan: "Phải rồi, nó bị đuổi khỏi nhà mẹ chẳng qua chỉ vì ăn khoẻ quá, và thế là nó bám lấy thằng Kesakichi. Hầu như chẳng bao giờ Matsu để ý đến chuyện trong nhà còn cái ăn hay không. Có lần khi nấu đỗ, nó vừa nếm vừa nói:
- Người ta bảo rằng lúc nấu càng nếm nhiều đỗ càng nở ra.
Bà Rin và Tama quay ngoắt lại nhìn nó. Matsu đổ thêm nước vào nồi.
Tatsuhei cũng thấy khó chịu.
- Matsu! Thế nếu không nếm thì trong nồi sẽ không có hạt đỗ nào hay sao?
- Gì cơ ạ? - Matsu ngạc nhiên một cách bình thản. Nó chẳng hiểu gì.
- Kesakichi! Tạt tai cho nó một cái, - Tatsuhei bảo.
Khi ấy Matsu mới thôi không nếm đỗ nữa.
Tatsuhei và bà Rin lo nghĩ cho mùa đông. Tama cũng nghĩ ngợi. Chị quyết định "Nhà mình ăn uống chằng tính tóan gì cả. Từ giờ phải phân chia cho từng ngày mới được."
- Hôm nay tôi làm được một việc lớn. - Kesakichi tự hào nói.
Quả thật hôm nay nó đã lao động cật lực. Nó là người đầu tiên trong nhà chạy đến nơi có sự biến, lục sóat nhà kẻ trộm và được chia rất nhiều khoai tây.
Matsu ngồi cúi đầu ra phía trước, cái bụng cứ phưỡn ra, trông như một con ếch. Hôm nay nó cũng có vẻ đăm chiêu.
Chợt nhớ phải giã đậu, Tama vào nhà kho bê ra một chiếc cối đá và bắt đầu ngồi giã chan chát. Bột đậu màu nâu vãi tung toé ra xung quanh chiếc cối. Nhìn chị, Kesakichi cất giọng hát:
Muốn ăn vụng đỗ
Thìtẩm nước vào
Có ông bố mù
Làm sao thấy được.
Người ta thường rang đậu để ăn. Khi rang, đậu nổ lép bép trong chảo, nên ông bố mù lòa có thể đóan ra bọn trẻ ăn vụng đỗ. Nhưng nếu tẩm nước trước khi rang, đậu sẽ không kêu lép bép và khi đó có thể giấu bố ních đầy một bụng. Bọn trẻ thường cảm thấy đói cồn cào hơn những người già. Vì vậy người ta không phải chỉ hát về người cha mù lòa, mà về các cụ già nói chung; con mắt người già nom chẳng rõ, làm sao thấy được bọn trẻ lén lút lấy đậu ăn.
- Ôi dào! - người con cả của nhà Tiền bước vào. Anh ta vẫn chưa hết cơn giận dữ. - Anh xem, khoai tây chỉ rặt những củ bé choắt.
Rõ ràng khoai tây bị đào non.
- Tôi cứ nghĩ năm nay mình trồng ít! Ai ngờ bị nó đào trộm. Thành thử coi như mình chỉ lấy lại được chỗ khoai bị mất, mà có khi còn thiếu nữa.
Tatsuhei cũng nghĩ như thế. Ai cũng cho rằng ruộng của họ bị mất trộm nhiều hơn số khoai họ được nhận lại.
- Cái lũ độc ác này cứ phải triệt cho hết, kẻo đêm đến chúng lại vét sạch của mình. Phải làm thế nào chứ không thì ngủ chẳng yên được với chúng. Cứ giết mẹ cả nhà nó đi, thế làxong.
- Nói thì dễ lắm! Nhà họ có những mười hai người, - Tatsuhei nói.
- Thì sao nào? Đào một cái hố thật to mà chôn cả lũ, - Kesakichi đùa.
Tama ngừng giã đỗ và cũng nói đùa theo:
- Cả một đống người như thế thì vùi vào đâu cho vừa?
- Chẳng có gì đáng cười đâu! Cả làng này không ai làm việc nữa. Ai cũng chỉ ngồi nghĩ xem phải làm gì. - Con trai nhà Tiền tức giận nói và bỏ đi. Ngòai sân lũ quạ kêu lên quạ quạ!
- Ấy đấy! Vừa mới nói đến là quạ đã kêu liền. Mong sao đêm nay đừng có ai chết. - Bà Rin lo lắng và cũng bước ra sân theo anh con trai nhà Tiền.
Trên ngọn núi, phía sau làng là nghĩa địa. Ở cái làng nghèo đói của họ không chỉ những người già, mà cả những người trẻ cũng chết. Mỗi khi chôn cất ai, người ta bày một mâm cơm ngòai nghĩa địa. Thức ăn lập tức bị lũ quạ xâu xé hết. Cũng vì vậy mà người ta nói bầy quạ mừng khi có người chết. Chúng thường kêu lên quạ quạ mỗi khi đánh hơi thấy sắp có đám ma.
Sau khi con trai nhà Tiền đi khỏi, không ai nói một lời nào. Họ nghĩ: không biết nhà Mưa đêm nay có ai đi không, vì trong làng lúc này đang bao trùm một không khí chết chóc. Mọi người bất giác co rúm người lại. Chỉ có tiếng Tama giã đỗ vang lên thì thụp.
- Còn mẹ, đầu năm nay mẹ có vào núi không? - đột nhiên Tatsuhei đang nằm dài trên chiếc chiếu cất tiếng hỏi.
Bà Rin thở phào nhẹ nhõm. Rốt cuộc Tatsuhei đã dám nói ra những lời này. Nên bà vội đáp lại:
- Cũng phải vào thôi! Bà ngọai anh ở làng bên đã vào rồi, cả bà nội anh cũng đã vào. Bây giờ đến lượt tôi.
- Đừng mẹ ạ, - Tama ngừng giã đỗ nói. - Khi nào cái conchuột nhắt ấy, cái đứa chắt ấy sinh ra, con sẽ mang nó némxuống vực. Lúc ấy người ta sẽ không thể hát về mẹ nhưhát về mụ Ghin ngày xưa được.
- Thế à! Tự tôi sẽ vứt bỏ nó. Đừng có tưởng! - Kesakichi nói. Nó muốn tỏ cho thấy rằng việc ném đứa trẻ đi đối với nó chẳng có khó khăn gì. - Tôi đã chẳng nói với cô rằng tôi sẽ ném nó đi sao. - Nó nhắc Matsu.
- Tôi xin anh! Matsu nói.
Mọi người liếc nhìn cái bụng ễnh ra của nó.
Tiếng đậu bị xay trong cối nghe râm ran như tiếng sấm xa xa.
Cả nhà lại im lặng. Kesakichi cất tiếng hát rõ to. Vạt áo kimono buộc túm lại đằng sau, hai tay áo chật xắn lên tận vai, nó ngồi vắt chân chữ ngũ và gân cổ lên hát:
Cha ơi cha, nhìn xem,
Cây cối khô héo cả.
Ôm chặt lấy cổ con,
Phải đi thôi, cha ạ.
Kesakichi biết rất nhiều bài dân ca. Thậm chí bà Rin còn cho rằng nó hát hay tuyệt, nhưng bài này nó hát sai cả lời. Bà lấy làm tiếc khi thấy Kesakichi làm hỏng mất bài dân ca cổ.
- Kesa, làm gì có bài hát nào như thế, - bà nói. - Núi rừng cháy mịt mù, Cây cối khô héo cả, phải hát như thế chứ.
- Nhưng ở nhà bác Tiền bác ấy hát như vậy.
- Ông ấy ngốc lắm! Thời xưa, lâu lắm rồi, có một trận cháy rừng, tất cả mọi người đều chạy đến xem đám cháy. Đúng thế không, Tatsuhei? - bà Rin liếc sang con trai. Anh nằm ngửa, mặt che một tấm giẻ.
Bất giác bà thấy thương xót anh. Nào là một mùa đông gian khổ đang chờ đợi, nào là nỗi đau xót phải đưa bà lên núi. Hẳn là nó day dứt nhiều lắm trước khiquyết định nói ra những lời hôm nay: "Còn mẹ đến đầu năm nay có vào núi không?"
Bà ngồi xích lại chỗ Tatsuhei và khe khẽ nhấc chiếc giẻ trên mặt anh. Đôi mắt Tatsuhei long lanh. Bà né người và lui ra xa. "Mắt nó long lanh. Hay là nó khóc? Biết làm sao bây giờ? Nó yếu lòng quá! - bà nghĩ. - Con ơi, hãy nhìn mẹ khi mẹ còn đang sống!" - Bà lẩm bẩm và cứ nhìn xéo về phíangười con trai.
Tama dừng tay chạy vội ra ngòai: chị rasuối rửa mặt. Tối nay đã hai lần chị chạy từ nhà ra suối.
Bà Rin nghĩ bụng: "Cả cô ấy cũng khóc? Người đâu mà! Chúng nó yếu đuối quá. Nhẽ ra thằng Tatsuhei phải cứng cỏi hơn. Nhà này té ra tòan là người dễ mủi lòng".
Kesakichi lại cất tiếng hát:
Núi rừng cháy mịt mù
Cây cối khô héo cả
Ôm chặt lấy cổ con
Phải đi thôi, cha ạ.
Bây giờ nó đã hát đúng lời. Cả điệu hát nó cũng ngân nga cho thật đúng. Những đọan nói về cây cối héo khô được người ta hát lên giống như khi hát những bài ca của người hành khất. Kesakichi hát đọan ấy thật tuyệt, như thể nó đang nức nở khóc.
Khi nó ngân hết câu hát cuối cùng, bà Rin chợt khen ngợi:
- Chà, giỏi quá! Cháu hát hay lắm.
Ba hôm sau, đang nửa đêm, cạnh nhà họ bỗng có tiếng chân rậm rịch: có một đòan người kéo nhau lên núi. Sáng hôm sau cả làng đều biết gia đình nhà Mưa đã biến mất.
"Chúng ta sẽ chẳng bao giờ nhắc đến họ nữa" - mọi người nghĩ bụng, rồi những lời đồn đại lập tức chấm dứt.
Sang tháng chạp, trời trở lạnh. Những cơn lạnh đột ngột ập đến vào quãng giữa tháng, ấy là tính theo âm lịch.
"Mối trắng bay!" - Bọn trẻ con reo mừng, và bà Rin nói với vẻ tin tưởng: "Khi nào mình vào núi, nhất định sẽ có tuyết rơi." Người làng bảo rằng trước khi tuyết rơi, mối trắng thường bay thành vòng tròn.
Matsu đã gần đến ngày ở cữ. Cứ nhìn dáng đi và hơi thở ngắt quãng của nó cũng cảm thấy được điều đó.
Khi chỉ còn bốn ngày nữa là sangnăm mới, sáng sớm, chờ cho Tatsuhei tỉnhgiấc, bà Rin gọi anh rasân, ghé vào tai nói thầm:
- Đêm nay mẹ sẽ mời những ai đã từngcõng người già lênnúi. Con đi nói cho mọi người biết nhé!
BàRin quyết định đến ngày kia sẽrời vào núi Narayama. Do đó đêm nay bà sẽ thết đãi mọi người.
- Hãy còn sớm mẹ ạ.Qua năm mới mẹ con mình sẽ đi. - Tatsuhei bốirối nói. Anh cứ nghĩ sang năm mớihai mẹ con mới lên núi, nên câu nói của bà mẹ làm anh bị bất ngờ.
- Cònđợi gì nữa! Ra đi cho sớm sủacòn hơn, chẳng có rồi đứa chắt nó ra đời.
Tatsuhei không trả lời. Anh không muốn nói gì nữa.
- Con đi báo ngay cho mọi người, kẻo họ đirừng hết lại không gặp được.
Bà Rin nói như ra lệnh. Tatsuhei không thể không nghe theo. Những lời của bàbuông ra nặng nề:
- Nghe thấy chưa? Đi đi! Nếu không, ngày kia mẹ sẽ đi một mình.
Đêm hôm ấy, những người làng đã từng lên núi Narayama tụ tập ở nhà họ. Người ta uống rượusake và căn dặn những người sắp ra đi.Buổi dặn dò diễn ra theo đúng thông lệ: mỗi người khách chỉ đọc lên một lời thề nguyện. Có tám người đến nhà bà Rin: bảy người đàn ông và một người đàn bà. Chị vừa mới lên núi năm ngóai. Thường chỉ có đàn ông làm việc đưa người lên núi. Phụ nữ rất ít khi tham gia vào việc này. Thậm chí nếu trong nhà không có đàn ông, người ta phài nhờ đến hàng xóm. Ai lên núi sớm hơn những người khác được coi là bậc anh cả. Anh ta được phân làm người chủ trì buổi lễ và được quyền nói đầu tiên. Cả rượusakeanh ta cũng được uống trước mọi người. Những người còn lại lần lượt được uống sake và nói theo thứ tự thời gian họvào núi. Đêm hôm đó Teru "Điên" được làm bậc anh cả. Thật ra Teru là người hiền lành, song có một người tổ tiên của anh tính tình điên khùng, nên cả dòng họ ấy bị mang biệt hiệu này, và nó trở thành cái tên thứ hai của nhà ấy.
Mặc dù ở ngay trong ngôi nhà của họ, bà Rin và Tatsuhei được ngồi ở chỗ danh dự. Khách khứa ngồi thành một dãy ở phía bên trái. Một chiếc bình lớn đặt trước mặt bà Rin và Tatsuhei. Đó là chiếc bình đựng rượu sake chưa lọc. Bà Rin làm bình rượu đó dành riêng cho đêm nay.
Teru là người đầu tiên đứng dậy nghiêng mình truớc bà Rin và Tatsuhei, tiếp theo anh, những người còn lại khẽ cúi đầu.
- Đường lên núi Narayama là con đường cay đắng. Xin cám ơn vì anhsẽ ra đi. - Teru nói với Tatsuhei.
Theo lệ, bà Rin và Tatsuhei phải im lặng.
Teru cầm bát lên và uống vài hớp rượu sake. Sau đó, anh chuyển bát rượu cho người khách tiếp theo. Sau khi chuyền tay nhau một vòng, bát rượu được đưa lại cho Teru.
Teru quay sang bà Rin nói bằng một giọng đều đều như đọc sách:
- Khi vào núi hãy giữ lời nguyền. Lời nguyền như sau: "Hãy câm lặng khi lên núi".
Teru nâng bát rượu sake lên miệng, nhấp một hớp rồi đưa cho người bên cạnh. Bà Rin và Tatsuhei đã biết tất cả lời khuyên bảo mà những người khách hôm nay phải đọc lên, nhưng vẫn phải tuân theo tục lệ: lắng nghe từ đầu chí cuối, lắng nghe và thề nguyện, nên hai mẹ con ngồi nghe họ hết sức chăm chú.
Bát rượu được chuyển một vòng cho khách khứa và được đặt trước mặt người khách thứ hai sau Teru.
Người khách thứ hai cũng nói bằng một giọng đều đều như Teru:
- Khi vào núi hãy giữ lời nguyền. Lời nguyền như sau: "Hãy lặng lẽ rời khỏi nhà sao cho đừng ai biết".
Anh ta nâng bát lên miệng và hớp một ngụm sake. Chiếc bát được chuyền cho tất cả mọi người và được đặt trước mặt người khách thứ ba.
Người khách thứ ba cũng nói bằng một giọng đều đều như Teru:
- Khi vào núi hãy giữ lời nguyền. Lời nguyền như sau: "Lúc quay ra đừng nhìn lại đằng sau".
Anh ta nâng bát lên môi và nhấp một ngụm. Bát rượu được chuyền cho tất cả khách khứa và được đặt trước mặt người khách thứ tư.
- Anh sẽ đi theo con đường mòn dưới chân ngọn núi sau làng. Vòng qua ngọn núi ấy sẽ đến ngọn núi thứ hai. Ở đó có những bụi cây khiraghi rậm rạp. Luồn qua những bụi cây ấy sẽ đến ngọn núi thứ ba. Sau đó còn phải vào đến ngọn núi thứ tư. Từ đây có thể nhìn thấy núi Narayama. Trước ngọn núi có một cái vực. Anh hãy đi men theo một lối, sao cho núi ở về bên tay trái, còn vực nằm bên phải. Đi được hai dặm**, qua bẩy khúc quẹo, anh sẽ ra đến hẻm núi Nawatani. Vượt qua hẻm núi ấy, trước mặt anh sẽ là con đường lên núi Narayama. Ở đó không có đường mòn. Anh hãy len lỏi qua những cây sồi nara mà leo lên, thần núi Narayama chờ anh ở đấy.
Người khách thứ tư dứt lời, bát rượu được chuyền tay một vòng, nghi lễ kết thúc. Tất cả im lặng. Ngòai bốn người này, không ai được nói gì nữa. Bát rượu lại được chuyền đi một vòng nữa. Những người khách lặng lẽ uống rượu sake và lần lượt ra về. Teru là người ra về sau cùng. Khi mọi người đã đi hết, anh ta đứng dậy và ra hiệu cho Tatsuhei đi ra ngòai cửa.
- Đến đấy nếu không muốn trèo lên núi thì có thể quay về ngay từ khe Nawatani, - anh ta vừa thì thào vừa dè dặt nhìn quanh. "Anh ta nói gì thế nhỉ?", Tatsuhei suy nghĩ. Anh thấy lời khuyên của Teru thật kỳ quặc. Bà Rin thì mong muốn vào tận núi, mà anh ta lại nhủ quay về từ khe Nawatani.
- Ấy cũng là tôi nói thế thôi. Không ai nghe thấy chúng ta đâu.
Khi mọi người đã về hết, bà Rin và Tatsuhei chui vào chăn nằm, nhưng bà Rin không muốn ngủ: đêm mai là bà đã rời lên núi Narayama.
Trời rạng sáng, vào quãng quá giờ sửu bà nghe thấy có tiếng ai khóc ngòai bờ rào.
Một người đàn ông đang khóc. Tiếng bước chân tiến đến gần ngôi nhà của họ. Nghe thấy cả Bài ca của bà vú điếc, người ta cố gào át tiếng khóc nấc lên:
Ôi, cái tội, cái nợ!
Mang người chẳng dễ đâu.
Chân và lưng đều đau,
Cái chân không muốn bước.
Bà Rin nghển đầu lên khỏi giường lắng tai nghe. Lão Mata nhà Tiền đang khóc.
"Thật là ngu xuẩn!" - bà nghĩ.
Một lát sau lại nghe có tiếng bước chân. Kế đến có người cào cào vào cửa.
"Ai đấy?" Bà Rin ngạc nhiên, bước ra hiên và mở hé cửa vừa có người cào. Trăng sáng vằng vặc. Mata ngồi xổm ngòai hiên. Cả người lão run rẩy, hai tay bưng lấy mặt.
Có tiếng dép dẫm lẹp bẹp, một người đàn ông lao đến. Đó là người con lớn của Mata. Gã cầm trong tay một sợi dây thừng to tướng. Gã hằn học nhìn ông già.
- Tatsuhei! Tatsuhei! - Bà Rin kêu lên. Vừa lúc ấy Tatsuhei từ trong nhà chạy ra: có lẽ anh cũng không ngủ. Anh nhìn gã con trai nhà Tiền, nhìn sợi dây trong tay gã và hỏi:
- Có chuyện gì thế?
- Anh thấy đấy, lão già giựt đứt dây và bỏ chạy trốn. - Con trai lão Mata bực bội nhìn người cha.
"Thằng khốn nạn! - Tatsuhei thầm trách gã. - Nó làm cái trò gì thế không biết?!"
Bởi vìrung lắc mạnh,
Sợi dây đứt tung ra.
Và đứt luôn sợi chỉ,
Nối tình nghĩa ruột rà.
Bà Rin nhớ đến một bài ca, và cho rằng việc giựt đứt cả dây thì thật là quá đáng. Còn tồi tệ hơn cả việc giẫy giụa, chống cự.
- Mata! - Bà nhẹ nhàng trách móc, - Làm sao ông lại thế? Giật đứt cả dây ra! Còn đang sống mà ông đã dứt tình với con cái, với thánh thần.
- Khoan hãy đi hôm nay, - Tatsuhei khuyên con trai Mata, và xốc ông lão lên lưng, cõng lão trở lại nhà Tiền.
Đêm hôm sau bà Rin thúc giục Tatsuhei còn đang do dự lên đường vào núi. Ngay từ lúc sẩm tối, bà còn đi vo gạo sẵn cho con cháu ở nhà, nấu cơm, dặn dò Tama chỗ hái nấm và bắt cá, và sau khi tin rằng cả nhà đã ngủ yên, bà khẽ mở cánh cửa dẫn ra sân sau. Ở đó bà ngồi vào cái địu mà Tatsuhei đeo trên lưng. Trời lặng gió nhưng đêm rất lạnh, mây đen che kín cả vầng trăng, Tatsuhei cứ dò từng bướcđi trong đêm như thể người mù. Khi bà Rin và Tatsuhei đi khỏi, Tama chuira khỏi chăn, chị mở cửabước ra khỏi nhà. Ngồi xổm bên gốc câycụt, đặt hai tay lêngốc cây, chị đăm đăm nhìn vào bóng đêm dõi theo những người ra đi.
Tatsuhei đi vòng qua quả núi sau làng và ra đến chổ rặng cây khiraghi.
Những cành cây khiraghi xòa trên con đường mòn như những chiếc ô. Nơi đây tối âm u, tưởng như đang bước vào một ngôi nhà. Trước kia Tatsuhei đã từng đến đây, nhưng anh chưa bao giờ bước đến rặng cây khiraghi: không thể vào đó được, vì đây là con đường vào núi Narayama. Anh thường đi vòng sang bên trái hoặc bên phải con đường mòn, song giờ đây anh tiến thẳng đến rặng cây. Anh đi qua quả núi thứ hai, rồi quả núi thứ ba và nhìn thấy hồ nước. Trời đã hưng hửng sáng. Đến khi anh vòng qua được hồ nước, trời đã gần như rạng hẳn. Anh nhìn thấy ba bậc đá mà từ đó bắt đầu con đường dốc đứng dẫn lênquả núi thứ tư. Ngọn núi khá cao và càng lêngần đến đỉnh càng dốc.
Lênđến đỉnh núi, Tatsuhei kinh ngạc mở tomắt: trước mặtanh núi Narayama đứng sừng sững, dường như đangchờ đợi hai mẹ con. Narayama bị ngăncách với ngọn núi anh đang đứng bằng một vực sâu, giống như con đường dẫn xuống địa ngục. Tiếp theo, anh lại phải leo xuống một quãng đường mòn ven sườn núi. Phía bên phải vách núi sâu hun hút, bên trái là một bức tường đá cao dựng đứng. Vực sâu thăm thẳm nằm lọt giữa bốn bề núi cao. Tatsuhei cố gắng bước đicho vữnghơn. Anh nhớ rằng đi vòng qua cái vực này phải đi hết haidặm đường. Anh bước từng bước thận trọng. Khi nhìn thấy núi Narayama, anh cảm thấy mình là kẻ hầu hạ củavị thần linh sống trên đỉnh núi ấy và dường như đang bước đi theo lệnh của Ngài. Cuối cùng, anh đã đến được khe Nawatanivà bắt đầu len lỏi qua các thân cây, leo lên núi như lời mọi người dặn dò. Con đường mòn biến mất từ lúc nào. Trên núi chỉ có những cây sồi nara mọc. Tatsuhei hiểu rằng rốt cục anh đã đến được núi Narayama. Bây giờ cần phảicâmlặng. BàRin không hé răng nói nửa lời kể từ khi họ rời khỏi nhà. Mỗi khi Tatsuhei bắt chuyện, bà đềukhông trả lời. Tatsuhei trèo lên mỗi lúc một cao, xung quanh chỉ rặt những câynara. Đỉnh núi đâyrồi. Anh nhìn thấymột tảng đá to ở phía trước,và khi đi ngang qua,đột nhiên anh nhận thấy có người ngồi bên chân hòn đá. Tatsuhei giật mình lùi lại: một xác người coro dưới chân tảng đá, hai tay chắp lạitựa như đang tụng niệm. Tatsuhei đứng chết lặng, không dám đi tiếp nữa. Bà Rin với tay qua vai anhxua xua ra hiệubảo anh hãy đi tiếp. Tatsuhei bước đi. Anh lại nhìn thấy một tảng đá, bên dưới có một đốngxương trắng hếu: hai ốngchân nằm cạnh nhau, còn chiếc sọ lăn lóc bêncạnhvà quay mặt sang hướng khác. Bộ xương còn lại co quắp tựa vào tảng đá, hai ống tay văng rời ra. Hình như có người cố tìnhrắc tung bộ xương ra.
Bà Rin lại ra hiệu bảo anh đi lên. Dưới mỗi tảng đá có một hài cốt người chết. Cũng có cả xác người nằm dưới những gốc cây. Có nhữngxác còn mới nguyên, trông như người còn sống. Lại một lần nữa Tatsuhei đứng sững như hóa đá: một xác chết động đậy. Anh chăm chú nhìn thật kỹ và nhận ra người này đã chết. "Nhưngrõ ràng ông ta vừa cựa quậy!"- Tatsuhei nghĩ và cảm thấy hai chân cứng như gỗ. Xác người lại động đậy. Ngực xác chết hơi rung rung: một con quạ đang rúc ở đó. Chiếc áo kimono màu đen nên Tatsuhei không nhận ra ngay con quạ đậu trên đó. Anh lấy chân hất một hòn đá nhưng con quạ không thèm cất cánh. Tatsuhei đành đi qua bên xác chết. Khi ấy con quạ mới bay lên. Nó nhẹ nhàng vỗ cánh, nom bình thản đến phát sợ. Tatsuhei không hiểu sao chợt quay đầu lại. Còn một con quạ nữa đậu trên xác chết. "Ôi, có những hai con ở đó..." Tatsuhei nhìn thấy một cái đầu quạ đen thui phía dưới con quạ thứ hai. Xác chết ngồi duỗi thẳng hai chân, còn lồng ngực đã bị lũ quạ ăn hết và làm tổ ở đó. Tatsuhei kinh hòang và ghê rợn nghĩ: có lẽ vẫn còn nữa. Anh tưởng đã lên đến đỉnh núi, nhưng đườngvẫn dẫn lên cao mãi. Lũ quạ ngày một nhiều hơn.Chúng uể oải đi đi lại lại trênbãi đá nêntưởng như những tảng đá đang động đậy. Trong không trung vang lên tiếng sột sọat như tiếng chân người bước trêncỏ khô.
"Ở đây bao nhiêu là quạ!" Lũ quạkhông giống như lòai chim. Chúng đi lại uể oải, lười biếng, còn cáinhìnthì giống như lũ mèo đen, và điều ấy làm cho anh ghêsợ. Ngày càng gặp nhiều xác người hơn. Cây cối đã biến hết, chỉ rặt nhữngtảng đá nằmla liệt khắp nơi. Xương rải trắng xóa chẳng khácgì tuyết phủ. Tatsuhei bước đi, cắm cúi nhìn xuống đất, dùng chân gạt những khúc xương. Xương trắng làm anh hoa mắt; anhtrượt chân và súyt ngã. "Có lẽ khi họ còn sống,mình cũng biết vài người trong số này." - anh nghĩ. Đột nhiên một chiếc bát gỗđập vào mắt anh. "Chà! Có người chu đáo thế này. Mang theo cả chiếc bát gỗ." Anh bỗng thấy buồn vì đã không cầm theo một chiếc. Một con quạ đậu trên tảng đá, mắt nhìn sục sạo. Anh nhặt một hòn đá ném vào nó. Con quạ bay vụt lên. Theo sau nó, cả một bầy quạ ào ào bay lên.
"Bay đi à! Vậy là chúng mày không dám tấn công người sống", - anh nhận ra và cảm thấy yên tâm hơn. Đường lên phía trên vẫn chưa thấy hết. Trèo thêm một chút nữa, anh nhìn thấy một tảng đá"trống". Bà Rin vỗ vỗ lên vaianh và thúc hai chân vàosườn, ra hiệu để anhtháo chiếc địu xuống. Tatsuhei đặt địu xuống đất. BàRin chui ra khỏi chiếc địu, gỡ chiếc chiếu trênngười ravà trải nó dưới chân tảng đá.Sau đó bàcởicái bọc đeo ở thắt lưng,buộc nó vàocái địu. Tatsuhei giận dữ nhìn bà và đặt cái bọc lên chiếu. BàRin rút trong tay nải ra một nắm cơm để lên chiếu, vàlại định buộccái bọc vàocái địu. Tatsuhei giằng lấy cái địu, còn cái bọc anh đặt xuốngchiếu.
Bà Rin đứngthẳng trên chiếc chiếu, hai tay chắp trước ngực, khủyu tay chìa sang hai bên, mắt đăm đăm nhìn xuống đất. Bà thắt lưng bằng một sợi thừng nhỏ, thay cho chiếc obi***. Tatsuhei nhìn khuôn mặt như hóa đá của bà và nhận thấy nét mặt bà thay đổi, nó như phảng phất bóng dáng của cái chết.
Bà Rin nắm lấy tay của Tatsuhei và xoay người anh về phía họ vừa từ đó đi tới. Tatsuhei thấy người nóng bừng. Cả người anh đẫm mồ hôi nhớp nháp như thể vừa trèo vào mộtthùngnước nóng. Trên đầu anh hơi nước tỏa ra ngùn ngụt. Bà Rin nắm chặt tay Tatsuhei và đẩy nhẹ vào lưng anh.
Tatsuhei lê bước đi xuống núi. Anh buớc đi không ngỏanh lại theo như tục lệ khi rời khỏi núi.
Anh đi được mươi bước. Chiếc địu rỗng lắc lư sau lưng anh. Những giọt nước mắt to như hạt đỗ lăn dài trên má anh. Anh đi xuống núi, lảo đảo như người say rượu. Vấp phải một xác người, anh ngã xòai ra. Tay anh quờ phải mặt người chết. Một mảng thịt trên mặt bong ra để lộ ra vệt xương màu xám. Khi bò dậy, Tatsuhei trông thấy một sợi dây nhỏ trên cổ xác chết. "Mình chẳng đời nào dám làm thế." - anh nghĩ. Xuống được gần nửa đường, anh chợt thấy trước mắt có vật gì ánh lên trăng trắng. Anh dừng lại. Có những hạt gì nho nhỏ màu trắng xoay tròn giữa các thân cây.
Đó là tuyết.
"A, a, a!" - Tatsuhei reo lên và ngước nhìn tuyết rơi. Những bông tuyết xốp mềm, xoay tròn và nhẹ nhàng đáp xuống đất. Tất cả đều đúng như bà Rin tiên đóan. Bà cứ nhắc đi nhắc lại "Khi nào tôi vào núi, nhất định sẽ có tuyết rơi." Tatsuhei đột ngột quay lại và vội leo ngược lên núi. Anh quên phắt những lời thề nguyện. Anh muốn nói với bà Rin rằng tuyết đã rơi. Chỉ cần nhìn thấy bà và nói với bà rằng tuyết đã rơi. Dù chỉ vài lời "Mẹ ơi, tuyết rơi thật rồi!" Anh vừa leo vừa bò, như một con khỉ, theo con đường cấm lên phía trên.
Khi anh lên được đến tảng đá nơi bà Rin ngồi, xung quanh đã trắng xóa. Tatsuhei vội ngước lên nhìn bà Rin đang ngồi dựa lưng vào tảng đá. Việc anh quay trở lại và vi phạm lời nguyền không ngỏanh lại đằng sau, đã là quá lắm, anh lại còn định nói chuyện với mẹ để vi phạm lời nguyền câm lặng. Điều đó khác nào tội lỗi. Nhưng anh lại muốn nói với bà Rin rằng quả thật tuyết đã rơi như bà hằng mong đợi. Chỉ nói những lời ấy và quay về.
Tatsuhei thận trọng thò đầu ra khỏi một tảng đá. Bà Rin ngồi ngay phía trước anh. Đầu và lưng bà được che bởi chiếc chiếu. Còn trên mái tóc ở trán, trên ngực và trên đầu gối bà, tuyết đã rơi đầy. Bà đang lẩm nhẩm khấn, mắt nhìn chăm chú vào một điểm như thôi miên.
- Mẹ ơi! Tuyết rơi thật rồi! - Tatsuhei kêu to lên.
Bà Rin khẽ giơ tay lên xua xua như muốn bảo anh "đi đi!"
- Mẹ ơi! Mẹ có lạnh lắm không?
Bà Rin lắc đầu. Lúc ấy Tatsuhei mới để ý thấy quanh đấy không có một con quạ nào. "Có lẽ chúng đã bay về làng, hoặc chui hết vào tổ, vì tuyết đã rơi, -anh nghĩ, - Thật may mắn là tuyết đã bắt đầu rơi. Thà ngồi dưới tuyết còn hơn là giữa gió rét. Có thể mẹ sẽ thiếp đi được."
- Mẹ ơi! Mẹ hạnh phúc quá, tuyết rơi rồi kìa, - Tatsuhei kêu lên và đọc thêm câu ca:
Bà đi vào núi
Gặp lúc tuyết rơi.
Bà Rin gật gật đầu và xua tay về phía có tiếng Tatsuhei, ý bảo anh về đi.
- Mẹ ơi! Tuyết rơi thật rồi, - Tatsuhei kêu lên một lần nữa và lao xuống núi như một con thỏ. Anh chạy hết tốc lực, chỉ sợ có người trông thấy anh đã vi phạm lời nguyền. Cứ thế anh chạy một mạch đến tảng đá nhô trên bờ vực Nawatani và qua làn tuyết rơi, anh nhìn thấy ở phía dưới con trai Nhà Tiền đang tháo chiếc địu. Ông già Mata ngồi trong đó. Ông bị buộc chặt bằng một sợi to, như một kẻ tội phạm.
"Ôi!" - Tatsuhei bất giác thở dài và đứng chết lặng. Người con trai đang định ném bố xuống vực. Tatsuhei tận mắt nhìn thấy gã đang chuẩn bị ném Mata xuống cái vực sâu thăm thẳm như đường xuống địa ngục, bị núi cao vây bọc kín xung quanh!
Bấy giờ Tatsuhei mới chợt nhớ đến những lời Teru nói với anh đêm qua: "Nếu không muốn trèo lên núi thì có thể quay về, ngay từ khe Nawatani". "Ra là anh ta định nói đến chuyện này!" - Tatsuhei nghĩ.
Đêm hôm qua Mata bỏ trốn, nên hôm nay người ta trói chặt ông, lôi đến đây đặt ông xuống đất như một xác chết, như một tải khoai tây, và bây giờ muốn ném ông xuống vực. Song hình như sợi dây buộc hơi lỏng ra. Mata thò tay qua lỗ dây nắm chặt lấy cổ áo của con trai. Gã con trai cố gỡ những ngón tay của ông ra, nhưng Mata dùng tay kia túm chặt lấy vai anh ta. Hai chân Mata treo lơ lửng trên miệng vực.
Mata và con lão lặng lẽ vật lộn nhau trước mắt Tatsuhei tựa hồ như đang đùa. Cuối cùng người con giơ chân đạp mạnh vào bụng cha. Mata bay chúi đầu xuống vực, lộn hai vòng và lăn tròn theo sườn dốc đứng xuống phía dưới.
Tatsuhei cúi đầu nhìn xuống vực, và đúng lúc ấy từ dưới đáy vực, như một cuộn gió xóay, như một đám mây đen, đàn quạ bay ào lên.
"Trời ơi, quạ!" - Tatsuhei co rúm người lại vì sợ hãi. Bầy chim quái dị kêu nháo nhác, lượn tròn trên đầu anh. Tổ của chúng ở đâu đó dưới khe. Khi tuyết rơi, chúng tụ tập về đấy và bây giờ chúng bay ra. Có lẽ Mata đã rơi trúng vào lũ quạ.
Bay liệng một hồi, bầy quạ dần dần rúc hết xuống vực.
"Chúng đã đánh hơi thấy con mồi! - Tatsuhei rùng mình. - Chắc là Mata đã chết ngay khi vừa lăn xuống." Anh đảo mắt tìm gã con trai của Mata. Với chiếc địu trống rỗng sau lưng, anh ta lao như bay xuống núi. Có lẽ cả anh ta cũng khiếp sợ khi trông thấy bầy quạ.
"Ngữ này sẽ chẳng mời ai uống rượu sake hôm chia tay đâu," - Tatsuhei thầm nghĩ và nhìn theo người con cả của Mata đang cong người lên như một con sói.
Hoa tuyết như những bông mẫu đơn xốp vẫn rơi đều đều. Khi Tatsuhei về đến làng, mặt trời đã lặn, trời đã tối hẳn.
"Có lẽ con bé út vắng bà sẽ buồn lắm. - Tatsuhei nghĩ: - Nhất định nó sẽ hỏi:" Bao giờ bà mới về?". Và anh cảm thấy buồn rầu: biết nói với nó thế nào?
Về đến nhà, anh không vào nhà ngay mà ghé mắt nhìn qua khe cửa. Đứa con trai nhỏ đang đùa con bé, nó hát cho em nghe bài hát:
Chúng ta bỏ mặc bà
Ngồi một mình trong núi.
Có một con còng già
Bò về trong đêm tối.
Bọn trẻ nhắc đến bà khi anh không có nhà. Anh nghĩ: vậy là chúng đã biết. Bằng một giọng đều đều, bọn trẻ hát đi hát lại một bài hát: bài hát về con còng.
Nó khóc than bên cửa
Ta không mở đâu mà,
Chẳng phải tiếng còng già
Chim khóc trên cây đấy.
Thời xưa người ta bỏ những người già trên rặng núi ngay sau làng. Có lần một bà cụ già ban đêm bò được về nhà. "Kìa, bà ấy lại bò về như con còng kìa", - người nhà kêu lên, họ cài cửa lại cho thật chặt và không cho bà vào, còn đứa bé thì tưởng có con còng bò đến cửa thật. Suốt đêm bà cụ khóc thảm thiết ngòai cửa. "Ôi, con còng đang khóc" - đứa bé nói. "Không phải còng đâu, con chim đang khóc ở trên cây đấy", - người lớn dỗ dành nó. Người ta đánh lừa đứa bé: vì đằng nào nó cũng chẳng hiểu gì...
Tatsuhei đứng ngòai bậu cửa lắng nghe bài hát về con còng. Anh nghĩ: khi bọn trẻ chỉ hát đi hát lại mỗi bài này thì có nghĩa là chúng đã biết rằng bà sẽ không trở về. Vì vậy, anh cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Anh ném chiếc địu xuống, và rũ sạch tuyết trên người. Anh định đẩy cửa vào, song vừa lúc ấy Matsu từ trong nhà kho bước ra. Quanh cái bụng to tướng của nó thắt một chiếc obi kẻ sọc hẹp, chiếc obi mà hôm qua bà Rin còn mang trên người. Còn Kesakichi ngồi vắt chân chữ ngũ trong nhà kho, trên vai nó chòang chiếc áo kimono lót bông của bà nội. Chiếc áo kimono này đêm qua bà Rin đã gấp cẩn thận để cất lại. Bên cạnh Kesakichi có một cái bát, có lẽ nó uống nốt chỗ rượu sake còn lại sau lễ tiễn đưa. Tay dụi đôi mắt mờ đục vì say rượu, đầu nghiêng nghiêng sang bên, nó lặp đi lặp lại với vẻ ngạc nhiên sung sướng: "May quá! Tuyết rơi rồi. Thế là bà gặp may! Tuyết rơi thật rồi!"
Tatsuhei đưa mắt tìm Tama nhưng không thấy chị đâu.
Anh thở dài. Nếu ở trên ấy, bà Rin vẫn còn sống và ngồi dưới trời tuyết bên tảng đá, thì có lẽ bà đang nhớ lại bài ca về chiếc áo kimono lót bông.
Chiếc áo kimono lót bông
Con không thể chòang lên vai mẹ
Dù núi cao lạnh lẽo đêm đông
Dù tuyết rơi khi mẹ lên đường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét