Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

Cánh đồng nhỏ (Komori)

“Komori” – bốn mùa thay mãi đời ta




Komori là một seri phim gồm 2 tập: Hè – Thu (công chiếu 30.08.2014) và Đông – Xuân (công chiếu 14.02.2015) kể về cuộc sống của Ichiko sau khi rời bỏ thành phố để về cư ngụ tại quê mình là làng Komori. Chẳng có nút thắt kịch tính, cũng không có chuyện tình lãng mạn; “Komori” đơn giản chỉ ghi lại phong cảnh thiên nhiên và những bữa ăn của Ichiko.
Chỉ vậy thôi.


Mỏi mệt với thị thành, Ichiko trở về Komori vào mùa hè để làm một người nông dân thực thụ. Thực ra, khi trở về, Ichiko mang trong mình nỗi buồn vì mẹ bỏ đi mà không nói lý do. Mẹ Ichiko vẫn gửi thư về nhà nhưng cô chẳng biết bà ở đâu. Thế là Ichiko cứ sống, làm nông và đợi thư mẹ ở Komori. Ichiko tự trồng các loại lúa khoai rau cỏ, vào rừng hái lá, rồi chế biến thành những món ăn. Thành thử ra, mỗi mùa trong phim mô tả từ 5 – 6 món ăn đặc trưng của ẩm thực Nhật Bản lắm lúc khiến người xem tưởng như mình đang theo dõi một chương trình bếp ngon nào đấy.


Nội dung phim chỉ có vậy, dung dị như xuân hạ thu đông rồi lại xuân.


Dung dị nhưng không bình thường, bởi lẽ vạn vật vốn dĩ vô thường. Nếu chỉ thấy “Komori” là chuyện bốn mùa và thức ăn thì quả thiệt phim này… quá nhạt nhẽo; nhưng nếu cảm nhận “Komori” là môt khúc chảy trong dòng đời Ichiko thì trời ơi, diệu kỳ quá chừng.


Thiên nhiên ở Komori đẹp đến nao lòng, cảm giác như tạm dừng phim bất kỳ lúc nào cũng có thể lưu lại một bức ảnh đẹp. Mùa hạ xanh rờn cây lá với tiếng ve rộn ràng; mùa thu sắc lá đỏ cam nhuộm khắp trời; mùa đông tuyết trắng xóa với những hàng cây trơ trọi để rồi khi xuân về, anh đào nở ấm hồng cả một vùng không gian. Mẹ Ichiko bảo điều tuyệt diệu của sự sống là chẳng có mùa nào giống mùa nào, mọi thứ đều khác đi một chút cho dù chúng lặp lại.



Thiên nhiên tự nhiên như nó vốn là, chẳng vội vàng cũng chẳng đợi chờ ai. Những món ăn theo mùa của Ichiko mang lại cảm giác bình yên đến lạ kỳ, mùa nào thức ấy, không gượng ép mà cứ ngon lành nao lòng. Này là trái hồng mùa thu, kia là món đậu giữa trời mùa đông, mùa hè hái rau trên rừng, đến xuân lại có bánh này bánh kia. Bỗng dưng lại muốn vấn mình về thói quen ăn uống hàng ngày: ăn bao nhiêu là đủ, có cần ăn nhiều đến vậy không, ăn có cần phức tạp đến vậy không.



Đi cùng với sự tuần hoàn của đất trời là trái tim của Ichiko dần chấp nhận nỗi buồn mẹ bỏ đi. Một ngày mùa đông, ngước nhìn trời sáng trong sau bao ngày bão tuyết, Ichiko đã nhủ “cũng như lòng mình vậy”. Lúc ấy, lý do mẹ ra đi cũng không còn quan trọng nữa vì mẹ vẫn luôn ở bên Ichiko qua những món ăn cô chế tác, trong ký ức và trong trái tim cô gái trẻ. Ichiko dần bắt lại được nhịp với cuộc sống để an yên sống giữa đời một cách chan hòa. Khi biết thu xếp mình để sống giữa thiên nhiên, con người cũng tự nhiên an ổn. Chuyện gì rồi cũng sẽ qua…

“Komori”, chỉ có vậy thôi.

Như đời sống cũng chỉ có vậy.

Một bản nhạc của phim Komori



Phim.
XEM PHIM CÁNH ĐỒNG NHỎ: HẠ/THU

CÁNH ĐỒNG NHỎ: ĐÔNG/XUÂN

Trăng nơi đáy giếng

Nhà văn TRẦN THÙY MAI và truyện ngắn "Trăng nơi đáy giếng"

Ở Huế quê tôi, phía đầu nguồn sông Hương có Điện Hòn Chén, một ngôi điện bé nhỏ nằm cheo leo trên mỏm đá cao, trước một vực sông sâu thẳm.
Hàng năm vào tháng ba và tháng tám, cả ngàn người tụ về, ca hát, nhảy múa, cầu khấn trên hàng trăm con thuyền neo dưới chân ngôi điện. Trong mấy ngày đêm lễ hội, họ như sống trong một thế giới khác, nơi họ có thể gặp và giao tiếp với các vị thần linh. Nơi họ tin là họ được yêu thương, được che chở và không bao giờ bị phản bội. Có thể nói, đó là một thế giới của huyễn mộng. Nhưng cái khát khao được đắm mình trong huyễn mộng lại là một nhu cầu có thật. Nhu cầu ấy xuất phát từ sự bất toàn, chắp vá của thế giới này. Hàng nghìn năm qua, ở rất nhiều nơi, con người vẫn đi tìm những vầng trăng nơi đáy giếng, dưới hình thức này hay hình thức khác.
Câu chuyện này tôi viết từ lần gặp gỡ với một người đàn bà hiền hậu có đôi mắt rất buồn, trên con thuyền đi dự hội Rằm tháng tám …

Nhà văn TRẦN THÙY MAI

Trăng nơi đáy giếng

“Tôi xin mình. Mình dẹp giùm tôi mấy cái bàn thờ này đi. Chuyện mê tín dị đoan, đâu hay ho gì”.


Giọng thầy Phương vẫn từ tốn như thường lệ, nhưng đôi bàn tay liên tục gõ xuống bàn chứng tỏ tâm trạng thầy đang bức xúc.

Cô Hạnh chỉ lặng lẽ nhìn. Người đàn ông này đã là người cô thương yêu, tôn thờ cho đến nửa đời người. Trước đây, mỗi cái nhìn của ông là mệnh lệnh đối với cô, vậy mà nay cô phải trái ý ông. Ý nghĩ đó làm cô rơm rớm nước mắt.

Mười mấy năm họ đã sống chung nơi căn hộ bé nhỏ này. Mỗi sáng, người trong xóm đều thấy cô Hạnh xách tô ra đầu ngõ mua bún cho chồng. Những hôm mưa lâm thâm, cái dáng gầy của cô co ro, tay cô cầm chiếc nón cố che cho kín tô bún, chứ chẳng nhớ che đầu. Thầy Phương người nho nhã, mảnh mai, trắng trẻo. Vốn là con nhà dòng dõi, lại được cưng từ nhỏ nên thầy kén ăn, phải chăm từng li từng tí.

Nói là kén ăn, không phải là thầy đòi hỏi cao lương mĩ vị, mà chỉ cần những thứ đơn giản thôi, nhưng phải biết ý mới chiều được. Bữa ăn đôi khi chỉ cần đĩa bông bí chấm nước tôm kho đánh, nhưng nước tôm phải thật sánh, thật thơm, đỏ rực. Thịt bò thì nhất định phải nấu với hoa thiên lí, tô canh dìu dịu mùi hương ngọt ngào. Đêm khuya ngồi đọc sách, chỉ cần ăn củ khoai bồi dưỡng, nhưng khoai phải ngọt, dẻo, hấp với lá dứa. Chiều thì vài lóng mía tiện thật sạch sẽ, ửng màu đỏ cầm rượu.

Căn nhà nhỏ, không có đồ đạc gì xa hoa, nhưng sạch như lau như li. Tính thầy Phương rất sợ bẩn. Trong phòng tắm, những cái chậu đủ màu được cô Hạnh đặt đúng vị trí của chúng. Chậu rửa mặt không lẫn với chậu tắm, chậu giặt áo không lẫn với chậu giặt quần. Giặt giũ phơi hóng xong, cô Hạnh phải tháo dây ngay, vì thầy Phương không bao giờ đi qua dưới dây phơi, cho dù quần áo đã cất hết.

“Ôi dào, thời buổi bây giờ mà sao ông ấy tinh tươm quá, này, coi chừng chứ... chậm con là vì quá sạch đấy”. Các bà hàng xóm đùa. Trong khu tập thể này, các bà đều là cán bộ, việc cơ quan, việc nhà cứ ùn lên, ai cũng bết bát, chẳng có thời giờ mà chiều chồng. Các ông chồng trong xóm nào là chẻ củi, đi chợ, đón con, chẳng từ một việc gì, chỉ riêng thầy Phương được hưởng ngoại lệ. Thực ra, đâu có phải vì thế mà hơn mười năm không có con. Cô Hạnh biết thừa điều đó nên nghe người ta đùa, cô chỉ cười...

Ở đầu ngõ, ngay cổng vào khu tập thể là nhà bà Thu, thư kí công đoàn trường Thuận Đạt. Ngày ấy, bà Thu đã hội ý xong với ban chấp hành công đoàn trường và quyết định đến thăm chính thức cô Hạnh. Vì lí do tế nhị của cuộc thăm viếng, bà đã cẩn thận chờ cho đến lúc thầy Phương đạp xe ra khỏi nhà được hơn hai mươi phút.

“Vì trách nhiệm, tôi buộc lòng phải thông báo cho chị Hạnh biết: Người ta đồn anh Phương có vợ nhỏ, công đoàn và Đảng uỷ đã tiến hành kiểm tra, thật đáng tiếc, việc này hoàn toàn chính xác”.

Cô Hạnh nghe, ngồi nhìn thẳng vào mắt bà Thu, không tỏ vẻ ngạc nhiên. Trái lại, bà Thu kinh ngạc đến hụt hẫng trước vẻ bình thản của người vợ bất hạnh: Bà cứ tưởng cô Hạnh sẽ ngất đi, hoặc ít ra cũng níu lấy bà mà hỏi vặn đủ điều. Nhưng không, cô cứ lặng lẽ, dịu dàng, dường như cố nén nỗi khó chịu vì bị quấy rầy!

Chờ mãi không nghe nói gì, bà Thu phát cáu:
“Chuyện đến thế, chị tính sao? Chị phải có thái độ đi chứ? Hay chị là Phật đất?”.

Cô Hạnh thở dài:
- Hoàn cảnh em không có con, dù anh ấy có thế, em cũng chẳng oán trách.
- Nói thế, nghĩa là chị đã biết anh ấy phản bội chị mà cố tình giấu giếm tổ chức?
- “Anh ấy không phản bội tôi”. - Cô Hạnh ngẩng phắt lên.

Vâng, dù rằng ông Phương đã có một người đàn bà khác, có một đứa con không do cô sinh ra, ông vẫn là vị Thánh sống đối với cô. Cô không cho phép ai nặng lời khi nói về ông ấy. Bởi tất cả những chuyện này là do cô. Cô đã tự tay sắp đặt, chỉ vì không chịu nổi vẻ buồn thầm lặng trên khuôn mặt ông.

“Không phải dễ dàng mà thuyết phục được anh ấy. Bởi vì anh ấy quá thương tôi. Hơn nữa, là người có chức trách, anh không dám. Tôi phải năn nỉ, ép uổng, hứa giữ bí mật cho anh ấy...”.

Bà Thu cau mày, “Sao chị lại làm thế? Chị có biết như vậy là phong kiến cổ hủ không? Chính chị đã đẩy anh ấy vào con đường hủ hoá!”

Cô Hạnh khóc. “Vâng. Có thể là như vậy, nhưng lúc ấy, tôi không nghĩ gì hết. Tôi chỉ muốn anh ấy sung sướng”. Vâng, khi người ta thực lòng thương yêu nhau, có điều gì mà không thể hi sinh. Một cô gái quê bỗng chốc được cô Hạnh chăm lo từng li từng tí: Từng chục trứng gà, từng chai mật ong được chuyển về làng để tẩm bổ cái thai mới thành hình. Rồi đến ngày cô được đền bù: Đứa con trai ra đời, cô Hạnh bế lấy nó, đỏ hỏn trong lớp tã. Ông Phương quàng vai cô, vỗ về: “Con của em đó”. Nghe chồng nói, cô ứa nước mắt vì sung sướng...

Nhưng giờ đây, ngồi trước mặt bà Thu, cô mới thấy chuyện đời không đơn giản. Sắp đến kì lấy phiếu tín nhiệm bầu lại hiệu trưởng rồi... Ông Phương bảo:
- Chức hiệu trưởng là cái gì... Bỏ, bỏ hết. Với tôi, chỉ cần mình vui lòng. Tôi chấp nhận mất tất cả.

Ông nói thế, nhưng rồi không giấu được vẻ buồn. Lại cái vẻ buồn thầm lặng làm xót lòng cô. Cả đời ông sống nghiêm túc, không để ai nói tiếng nặng tiếng nhẹ bao giờ. Giờ đây, tưởng tượng tới khuôn mặt những người lâu nay vẫn đố kị với ông... Họ sẽ hả hê biết bao trước cái tội lỗi rành rành của vị thủ trưởng đáng kính. Họ sẽ rung đùi, cười khẩy chờ ông đứng lên nhận tội để rồi khoái trá xúm lại tố ông, như bầy sói xúm lại xé con mồi...

Quả thật, cái tin “Ông Phương hai vợ” vừa được tung ra, đã có vài ba người rắp ranh ngắm nghé cái ghế ông đang ngồi. Cuộc lấy phiếu tín nhiệm tổ chức vào đầu tháng ba, được dự kiến như là ngày chôn vùi sự nghiệp của ông hiệu trưởng nổi tiếng quản lí giỏi, đã đưa trường Thuận Đạt thành một trường tiên tiến dẫn đầu tỉnh trong hơn năm năm. Người ta chờ ông Phương đứng dậy rút lui và tự kiểm điểm, nhưng sao lâu quá chẳng thấy động tĩnh gì... Sốt ruột quá, một vị đứng dậy cắt ngang lời khi ông Phương đang còn trình bày “chương trình hoạt động” mà ông dự kiến sẽ thực hành trong thời gian tới:
- Chuyện năng lực của anh Phương thì có gì phải bàn nữa, dài dòng làm chi mất thời gian. Chỉ có điều, dư luận đang râm ran chuyện gia đình anh, anh em tui rất hoang mang. Vì, lãnh đạo thì không chỉ có tài mà phải có đức...

Ông Phương không nói, chỉ lặng yên bình thản nhìn địch thủ đang hân hoan, đắc thắng, rồi lại bình thản nhìn cái vẻ hân hoan, đắc thắng đó xẹp xuống, nhăn nhúm lại như một quả bóng xì thất vọng. Bởi vì cô Hạnh đã đứng dậy đưa ra trước hội đồng tờ giấy chứng nhận li hôn giữa cô và ông Phương cùng tờ giấy đăng kí kết hôn giữa ông Phương với vợ mới. Lúc đó cả hội trường mới biết rằng, trên pháp luật, ông Phương chẳng có lỗi gì... Nghĩa là cái chức hiệu trưởng của ông, lấy búa tạ mà nện cũng không thể nào rung rinh nổi.

Không rung rinh nổi, nhưng người ta vẫn cứ tìm cách nện. Lòng người đầy ham muốn, đâu có buông tha cho ông Phương qua ải một cách dễ dàng như thế. Vì vậy, trọn năm sau, ông Phương quả là lao tâm khổ tứ, ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.

Lại một lần, bà Thu phải đến thăm riêng cô Hạnh.
- Khổ thân chị, tôi tìm mọi cách trấn an dư luận để bảo vệ chị, nhưng mà người ta không thể thông cảm như tôi. Nói chị đừng buồn, hoàn cảnh chị rất gay. Chị đã phạm pháp mà không biết: Sống chung như vợ chồng với chồng của người khác!

Cô Hạnh sững sờ. Giờ đây ông Phương có còn là chồng của cô nữa đâu. Cô nhìn thằng bé đang thiêm thiếp ngủ trong tay, run rẩy. Cô biết, người ta đang lôi tuột ông ra khỏi tay cô. Cô sẽ phải xa ông, bất giác cô ôm chặt lấy cu Nhứt, như cố níu giữ cái phiên bản của người đàn ông mà cô tôn thờ...

*

*    *

Lại một lần nữa, tôi phải năn nỉ anh. Tôi không đành lòng thấy anh cứ gầy rộc đi, mắt trõm lơ, râu mọc xanh cả cằm. “Quân tử ứ hự đã đau. Tiểu nhân dùi đục đập đầu như không”. Anh vẫn thường nói thế. Con người anh tinh tế, tự trọng, chịu sao nổi bao nhiêu lời ong tiếng ve. Đành lòng dốc hết tiền của góp nhóp trong mười mấy năm mua một căn nhà ở ngoại ô cho anh đưa cô Thắm lên. Lúc ấy, Thắm lại đang có thai đứa thứ hai. Thương tôi, anh không chịu rời đi, tôi phải cắn răng làm mặt giận, cấm lửa nhịn đói suốt mấy ngày...

Anh đi rồi, căn nhà trống đến khủng khiếp. Đi làm về, tiếng mở cửa, tiếng bước chân tôi cứ vang lên lạnh lẽo như từ thế giới nào. Vào đến gian bếp, nhìn thấy chiếc may ô của anh còn sót lại trên dây phơi, tôi sụp xuống, nức nở khóc...

Thỉnh thoảng anh cũng về thăm tôi. Nhưng anh về một chút rồi lại đi. Tôi không dám trách. Sắp đến đại hội chi bộ, phải giữ gìn. Anh có muốn nấn ná tôi cũng giục anh đi cho được. Anh bảo: “Mình đừng buồn. Tôi nói với mình đinh ninh từ khi chưa li hôn. Nay cũng thế, tôi ở bên ấy nhưng thực ra chỉ có mình mới là vợ của tôi”. Tôi nghe, chỉ biết khóc. Vợ chồng mà gặp nhau lén lút như thế này, cái số tôi sao mà trớ trêu? Có hôm bị bệnh nằm một mình không dám nhắn chồng, tôi đành nhắn người mời bà đồng Thơi đến chích lể giải cảm. Bà Thơi vừa nặn máu cho tôi vừa bảo: “Khí đen tụ ở giữa hai chân mày. Cái uất nén trong lòng mà thành bệnh”. Tôi lắc đầu: “Tôi không uất, không phiền. Chỉ vì mệt mỏi quá”. Cô Thơi sửa lại áo khăn thắp nén hương giữa trời. Hôm ấy rằm, trăng sáng. Cô Thơi niệm khấn rồi cầm chén nước trong bảo tôi uống. “Để tôi xin cho chị một quẻ Thánh”. Cô Thơi xủ quẻ rồi nói: “Quẻ của chị là quẻ lộng giả thành chân. Đêm trăng nơi đáy giếng, thấy bóng chẳng thấy hình. Cứ theo quẻ này giả hóa thực, thực hóa giả, giả thực thực giả khó lường”. Tôi cũng không tin mấy, chỉ cảm thấy dễ chịu vì có người quan tâm. “Việc gì thực hay giả, mà giả thực liên quan gì đến bệnh cảm của tôi?”. Cô Thơi nghiêng đầu như làm duyên, cặp môi son hé cười: “Lời Thánh sâu xa, nhiều khi đến việc mới hiểu”.

Đại hội chi bộ đã qua, anh lại được tín nhiệm cao. Tôi mừng. Tôi nhắn Thắm săn sóc anh cho chu đáo. Không có ai khó chăm như anh. Cái gì cũng phải sạch, phải tinh tươm. Áo quần gấp xong nhớ đặt vào tủ, ngay ngắn, bộ nào sắp mặc thì đặt ở cuối giường chứ đừng đặt đầu giường. Chỗ anh ấy ngồi viết thì phải tinh tấn, ngăn nắp, đừng qua lại nhiều làm phiền anh. Tôi dặn gì, Thắm cũng nhất nhất vâng dạ. Thấy Thắm ngoan, tôi mừng.

Tết đến, tôi lo mua nếp gói bánh. Năm nay nhà đông phải gói nhiều. Đang loay quay tìm mua lá dong, chợt nghe nói bà Thu sắp có dịp về quê, tôi lật đật sang nhờ bà mua giúp. Vào đến cửa, tôi chững lại khi nghe tiếng anh Phương, rồi tiếng Thắm. Một giỏ quà, ý chừng đồ đi tết, đang nằm trên ghế. Bà Thu cười: “Không có tôi thì anh chị còn mỗi người một nơi đến bao giờ? Nhưng mà nói vậy chứ không nhận quà này đâu nhé. Bày vẽ làm gì, cái tình với nhau là chính”. “Ấy, chút quà xin chị nhận cho, của thảo lòng thành”. Tôi rụng rời, không nhận ra được giọng của cô gái quê thơ ngây chất phác sáu năm về trước... Bà Thu ngọt ngào: “Cái cô Thắm này khéo thật, chả trách bà Hạnh cất công tìm tòi chọn lựa mãi”. Tiếng Thắm cười khanh khách: “Chị ấy tưởng thế thôi chứ thực ra trước khi bà thím giới thiệu thì anh Phương đã gặp em mấy lần khi về quê ăn giỗ”. “Quả là chồng khéo vợ khéo, trách gì chẳng thành đôi”. Họ cười, tiếng cười vui vẻ râm ran trong đêm yên ả...

Tôi rút lui, suýt ngã khi xuống thềm. Rồi cứ đi trong đêm như người ngây, mãi đến lúc bước vào một ngôi nhà, ngửi thấy mùi nhang trong không gian, và nhận ra mình không hiểu từ lúc nào đã đến nhà cô đồng Thơi. Tôi ngồi sụp xuống nền nhà mà khóc, nhớ lại lời cô nói với tôi đêm trăng hôm nào. “Nín đi em. Em giỏi nín đi. Rồi cô soi cho, cho thấy hết tiền oan nghiệp chướng”. Cô Thơi dỗ tôi như dỗ trẻ con. Mãi thấy tôi cứ tỉ tê khóc, cô nạt: “Sao lại khóc? Mất gì đâu mà khóc? Cái mất, thực ra đã mất từ lâu rồi. Chừ còn ôm huyễn mộng mà kêu trời như con đười ươi ôm cái ống tre rỗng mà cười một mình giữa núi”. Lời cô Thơi làm tôi tỉnh ra. “Tôi sai rồi, còn oán ai. Người ta là vợ chồng, đã có con cái. Còn tôi... ”tôi chỉ là một vật thừa”. Cô Thơi hứ một tiếng, đỏng đảnh: “Đã thương thì thương cho trót, đã vót thì vót cho tròn. Đã giữ thì giữ riết luôn, đã cho thì cho đứt”. Tôi bỗng ngượng ngùng, không khóc được nữa. Ừ, đã cho thì cho đứt luôn, sao tôi đã nói hi sinh mà còn tiếc nuối. Nhưng là người có máu có thịt, làm sao bỗng chốc cắt lìa? Tôi đâu phải Thánh mà một phút dứt bỏ nửa cuộc đời... Không, không phải nửa cuộc đời, anh là cả cuộc đời tôi...

Tết năm ấy, tôi sốt li bì, suốt ba tuần tóc rụng gần nửa đầu.
Chiều mồng ba tết, mở mắt ra, thấy anh Phương và Thắm ngồi trước giường. Tôi thở dài, se thắt. Tôi mong gặp một mình anh, một lần. Để tôi mơ ước được mạnh trở lại, được để dành cho anh cái thau sạch, cái khăn sạch, lựa cho anh củ khoai thật bùi thật thơm ăn khuya, đọc sách. Nhưng anh không dám đến đây một mình... Tôi ứa nước mắt nhìn hai vợ chồng - Vâng, họ mới là hai vợ chồng. “Tôi hiểu cả rồi. Hai người không phải lo cho tôi. Cho thằng cu sang đây với tôi là đủ. Có nó là tôi sống được”. Thắm giặt khăn lau mặt cho tôi. “Em thương chị lắm”. Tôi lặng lẽ. Anh Phương không nói gì, cũng chẳng dám tỏ thái độ gì. Tôi cố bình thản, che nỗi xót xa. Tôi mất anh rồi, sự thực đã như thế từ lâu mà giờ này tôi mới bẽ bàng nhận ra...

Tháng sau, Thắm sinh con thứ hai, lần này là con gái. Cu Nhứt về ở với tôi, thằng bé bồng về theo một con chó con. Căn nhà tưng bừng lên vì tiếng trẻ con cười, tiếng chó gâu. Tôi như người sống lại. Thằng bé gọi tôi là mẹ cả. Tiếng gọi thật ngọt ngào. Tôi rất muốn thằng bé gọi tôi chỉ là “Mẹ” thôi. “Như thế thì cu lầm với mẹ hai. Ba bảo cu, mẹ cả mẹ hai, cả hai mẹ đều là mẹ cả mà!”. Tôi bật cười. Cu Nhứt thông minh y như ba nó. Cái mắt sáng, cái da trắng, cái chân mày nét ngang, tất cả đều là của anh. Mặc thằng bé gọi tôi bằng gì đi nữa, nó vẫn là con tôi. Tôi lại trồng khoai, lại nuôi gà. Lại để dành từng quả trứng. Thằng bé ăn, tôi thấy ngon. Đêm nó ngủ dụi đầu vào lòng tôi. Tôi đã có con, tạ ơn trời, giờ đây tôi không cần gì hơn nữa...

Lại tháng chạp, tôi đến cô Thơi xin cho cu Nhứt cái bùa để đeo cổ đi chơi tết. Cô Thơi mới tạc pho tượng ông hoàng đứng trên mây, vừa rước lên bàn, thắp nhang xong thì quay ra thấy tôi. Đưa bùa cho tôi xong, cô bấm quẻ Dịch rồi bảo:
- Chiều lòng chị thì rước cho chị, chứ chị xin nhằm giờ không vong, vật tuy có nhưng mà vô dụng!

Tôi băn khoăn về nhà. Ngày xưa, anh Phương thường trách tôi mê xem bói. Anh không biết đó là chỗ dựa tinh thần của những người đàn bà hay bối rối như tôi... Đến cửa, tôi giật mình khi thấy Thắm. Cu Nhứt quấn lấy mẹ đẻ, cười rúc rích. Thắm khẽ khàng thưa gửi:
- Trình chị, em đã cai bú cho bé, nay xin chị cho cu Nhứt về ăn tết với em.

Tôi khựng lại, đau đớn. Một lát sau tôi đeo cái bùa vào cổ cho cu Nhứt. “Đeo cho em kẻo đi đường gió máy. Mà ăn tết xong mồng mấy mới cho em về?”
Thắm không nói, chỉ nhìn tôi, một cái nhìn khó hiểu.

Thằng bé đi rồi, còn lại con chó con luẩn quẩn với tôi. Đã một năm, giờ nó đã choai choai, láng mượt. Cu Nhứt dặn: “Mẹ cả nuôi cẩn thận cho cu”. Bao nhiêu thứ dành cho thằng bé, giờ xẻ hơn nửa cho nó. Thui thủi vào ra, chỉ có nó và tôi.
Từng ngày, tôi chờ con trở về, càng ngày càng trông càng ngóng. Nhiều hôm, nghe tiếng thằng Tèo nhà bên cạnh gọi “Mẹ ơi!” giọng trẻ con sao mà giống nhau, tưởng con về, đang làm gì tôi cũng vứt hết chạy ra. Chỉ thấy sân hiên vắng lặng, không một bóng người...

Rằm tháng giêng. Con chó đột nhiên bỏ đi đâu mất. Tôi tìm ngất ngơ quanh xóm chẳng thấy. Lòng cồn cào lại càng nhớ, càng thương cu Nhứt. Góp được một chục trứng gà, tôi lững thững đạp xe đi thăm con. Lâu lắm mới đến nhà mới, tôi ngạc nhiên vì nó lạ hẳn so với cái thời hai vợ chồng đến mua. Cây cỏ mọc xanh trong sân, một mái hiên rộng được cơi thêm ra, thoáng mát. Tôi từ từ bước, phân vân như đi vào ngôi nhà lạ.

Cu Nhứt đang chơi ở hiên sau. Vừa đùa với quả bóng, thằng bé vừa hát. Trên trời cao có muôn ngàn ánh sao... Nhưng mặt trời chỉ có một mà thôi. Và mẹ em chỉ có một trên đời... Thấy tôi, thằng bé reo lên, chạy ùa vào lòng tôi... Nhưng bỗng nó khựng lại, đưa mắt nhìn vào trong, rồi cầm tay tôi, thỏ thẻ: “Mẹ Thắm bảo con, thời này mà còn mẹ cả mẹ hai, nghe cổ hủ lắm. Vậy con gọi bằng gì?”.Tôi ôm cái đầu nhỏ bé vào lòng, chỗ có trái tim phập phồng đau đớn. “Thôi thì... con hãy gọi bằng bác... bác tệ quá, hôm qua đã làm mất con chó Cún của con”. “Ồ, không mất, bác ơi, nó đây này!”. Con Cún từ sau vườn chạy tới, nhảy lon ton, vẫy đuôi rối rít. Ôi, cả con chó cũng bỏ tôi tìm về đây mất rồi!

Bàng hoàng, tôi đứng dậy, bước đi. Rồi bỗng quay lui, tôi dạo một vòng sau nhà, như muốn nhìn tận mắt cái thế giới đang hút về tất cả những gì yêu quý nhất của đời tôi...

Sau sân, anh Phương ngồi bên vòi nước, đang lúi húi giặt một đống áo quần đủ loại, đánh đánh chà chà trên sân xi măng. Chưa bao giờ thấy anh trong tư thế như vậy nên tôi sững sờ, ngẩn cả người không sao nói một lời. Không hiểu sao đã chịu đựng bao nhiêu điều nặng nề, mà giờ đây tôi lại không kham nổi cái cảnh tượng hết sức bình thường thế này? Thắm đang ngồi dỗ con, thấy tôi vào chỉ cười, hất hàm về phía đức ông chồng: “Làm trai, học sẩy học sàng. Đến khi vợ đẻ thì làm mà ăn”. Tôi ngẩn ngơ như người mất hồn, lẩn thẩn nói: “Ngày trước ở với tôi, anh ấy chẳng phải động tay tới việc gì. Tôi đi vắng mà trời mưa, anh ấy cũng chỉ lôi giùm tôi cái áo trên dây phơi, chứ cái quần cũng để mặc không hề đụng đến”. Thắm khủng khỉnh: “Em thấy chị ở cũng sạch chứ đâu có bẩn. Mà người quân tử có sợ bẩn thì dùng khoèo mà khoèo, rồi dùng xà phòng mà rửa khoèo cũng được chứ sao?”. Tôi cảm thấy như có quả đấm giáng vào giữa mặt, lảo đảo, trời đất chung quanh tối sầm. Cố gắng về đến nhà, tôi lăn ra mà khóc, khóc thảm thiết. Láng giềng nghe tiếng hờ trời hờ đất chạy sang hỏi: “Ai chết thế?”. Tôi không nói được gì, không nghĩ được gì, trong tâm trí chỉ có mỗi một hình ảnh: Thần tượng của tôi, vị thánh sống của tôi ngồi chò hỏ giặt đồ bên bể nước. Những bọt trắng xà phòng bay, bay tới tấp, nhận chìm tôi, tức tưởi, mê man…

Lại một lần nữa tôi ốm nặng, tóc rụng lả tả trên gối, nhưng không báo với ai để khỏi ai bận lòng.
Đấy là chuyện đời chồng trước của tôi...

*

*    *

Người trong xóm cứ tưởng cô Hạnh phen này chết vì đã mấy lần cô bắt chuồn chuồn, cấm khẩu. Họ ngạc nhiên khi thấy cô không thuốc men gì mà lại đi đứng như thường. Cô xin về hưu non, cuốc đất, làm vườn, lại sống cái đời cần cù và đạm bạc như thuở nào. Sáng sáng, họ lại thấy cô mua bún bò bưng vào ngược con ngõ, những bữa trời mưa lâm thâm cô kéo chiếc nón che tô bún, quên cả che đầu.

Rồi trước hiên nhà lại xuất hiện những cái áo nho nhỏ màu đỏ, màu xanh phơi trên dây. Ai đi ngang hỏi, cô cười hiền lành: “Áo thằng cu. May cho cu mặc tết”.

Nếu ai tò mò đi theo cô vào căn nhà vắng lặng, có thể thấy ngay giữa nhà một bàn thờ đồ sộ mà cô gia công trang hoàng như một cung điện rực rỡ vàng son. Giữa bàn thờ là tượng một người đàn ông đẹp đẽ phương phi, tay cầm kiếm, chân đạp lên mấy tầng mây. Có hỏi thì cô thì thầm: “Ông Hoàng Bảy, trấn thủ tỉnh Thừa Thiên”.

Rằm, mồng một, cô chất hương hoa đầy thánh điện của cô, rồi ra nhà bà đồng Thơi lễ bái. Nghe đâu bà đồng Thơi bảo rằng số cô Hạnh không theo ông Phương được trọn đời vì có người âm ưng, mà người âm này vai vế lớn lắm, con thứ bảy của Đức Mẫu, quyền sinh sát cả một giang sơn. Lâu nay, ông với cô Hạnh đã được một con trai ở cõi vô hình, mà cô Hạnh đâu có hay.

“Nhờ có Thánh cứu, chứ không thì mấy trận đau, hắn đã chết trọc óc chứ mô còn tới chừ”. Bà Thơi nói. Cô Hạnh cười, vẫn cái cười dịu dàng, không còn buồn thảm như xưa, mà phảng phất một vẻ mơ màng - Vẻ mơ màng thường thấy trên gương mặt những người lãng trí. “Sắp tới tháng ba rồi, phải không chị? Tháng ba ni chị cho em đi theo về chầu điện Hòn Chén”. Bà Thơi nghe cô Hạnh nói, hài lòng gật đầu. “Ừ, tháng Tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ. Lễ hội tháng ba này em cũng nên về chầu đức mẫu cho phải đạo dâu con”.

Đầu tháng ba, ông Phương bỗng về thăm vợ cũ. Từ đó, người ta thấy ông qua lại luôn. “Năm lần bảy lượt tôi nói với mình, mình dẹp cái trò mê tín đó đi giùm tôi. Vì cái chuyện đồng bóng lễ bái của mình mà tôi mang tiếng nhiều lắm rồi, dù gì thì mình cũng là vợ cũ của tôi, một hiệu trưởng, một đảng viên...”. Cô Hạnh chẳng nói gì, đang lo đặt dĩa khoai luộc nóng hổi lên bàn thờ. Trông dáng vẻ cô ân cần chẳng khác gì trước đây chăm chút cho ông. Cử chỉ đó làm ông Phương thêm bực tức.

“Mình muốn trách khéo tôi phải không? Mình biết là đâu phải tôi muốn thế, chính mình đã muốn hi sinh cho tôi... Tôi xin mình, hãy vì tôi lần nữa...”.

Cô Hạnh đã đặt xong dĩa muối chấm khoai, thủng thỉnh ngồi xuống, nhìn ông Phương với đôi mắt rộng lượng như thể từ trên cõi tiên nhìn xuống thế giới nhỏ bé của loài người. “Hôm qua ông đã gặp bà Thơi phải không? Thảo nào bà ấy bảo tôi có muốn quay về với ông thì để bà ấy xin cho cái lễ chẻ đôi chiếc đũa đồng tiền, li dị với Ông Hoàng...”.

“Mình đừng giận tôi, thuở ấy người ta còn khắt khe, mình cũng biết hơn ai hết. Giờ đây quan niệm về đời tư cũng cởi mở hơn trước, thỉnh thoảng tôi lại về thăm viếng mình. Để mình thui thủi thế này tôi cũng chẳng đành lòng”.

Cô Hạnh nhìn ông Phương một lát rồi cười. Cái cười mơ màng lâu nay vẫn ẩn hiện trên gương mặt cô. “Ông à, thực ra tôi không giận ông. Nhưng chuyện ông nói thì không thể được. Tôi đã vì ông đến nửa đời người, nay ông yên phận rồi, hãy để cho tôi yên phận tôi. Xưa tôi là vợ ông, chỉ biết có ông, nay đã là vợ ông Hoàng, tôi chỉ biết có Ông Hoàng. Tôi đã nói với bà Thơi, tôi không cúng, không chẻ đũa, bẻ tiền chi hết, tôi không bỏ Ông Hoàng, vì ông ấy đỡ đần tôi khi thập tử nhất sinh, ông ấy không bỏ tôi, không ruồng rẫy tôi bao giờ...”.

“Nhưng làm gì có cái gọi là Ông Hoàng, làm gì có cái bóng ma ấy, nó chỉ có trong trí tưởng tượng của bà thôi, bà có biết không?” Ông Phương phát thịnh nộ, không tự chủ được nữa, đập mạnh tay xuống bàn mà nói như quát.

Cô Hạnh đứng bật dậy, run bần bật như bị xúc phạm nặng nề. Hai hàm răng cô đánh cầm cập vào nhau, rồi bỗng cô thình lình vớ lấy cả cái khay ấm chén trước mặt, ném vào người chồng cũ. Đến lúc ấy ông Phương vẫn không nhận ra rằng từ khi bị cô Hạnh bắt gặp ngồi giặt đồ bên ang nước, trong mắt cô, ông chỉ còn là một tượng thần đã hết linh thiêng.

Người trong xóm thấy ông Phương phóng xe ra ngược con ngõ, áo và tóc ướt từng vạt nước trà vàng vàng, mặt bừng bừng lửa giận. Hai hôm sau, việc đến tai bà Thu. Bà lắc đầu an ủi: “Chị ấy tốt bụng nhưng lí trí không vững nên tâm nó loạn. Trước đã bày ra chuyện phong kiến cổ hủ, nay lại sinh ra trò mê tín dị đoan. Thôi thì mặc ý chị ấy, tôi cũng hết phép”.

Cô Hạnh chẳng quan tâm gì đến ai, cứ vào ra trong ngôi nhà vắng tanh với nụ cười mãn nguyện của một người đàn bà hạnh phúc. Chiều hôm ấy cô thung dung đi chợ chọn mua vải may chiếc áo dài mới để tháng ba này ngược sông Hương trẩy hội mùa xuân.
T.T.M


Mấy ý nghĩ về “Trăng nơi đáy giếng”

Lục Nhi


“Đã thương thì thương cho trót, đã vót thì vót cho tròn. Đã giữ thì giữ riết luôn, đã cho thì cho đứt.”

Lỡ bạc mệnh rồi nên thôi, lúc nào đọc bài này bạn nghe nhạc Vũ Thành An luôn cho nỗi buồn nó được tròn trịa


Bài hát: Bài Không Tên Cuối Cùng - Lệ Quyên, Tuấn Ngọc Tác Giả: Vũ Thành An Nhớ em nhiều nhưng chẳng nói Nói ra nhiều cũng vậy thôi Ôi đớn đau đã nhiều rồi Một lời thêm càng buồn thêm Còn hứa gì? Biết bao lần em đã hứa Hứa cho nhiều rồi lại quên Anh biết tin ai bây giờ Ngày còn đây người còn đây Cuộc sống nào chờ. Này em hỡi Con đường em đi đó Con đường em theo đó Sẽ đưa em sang đâu Mưa bên chồng, có làm em khóc, có làm em nhớ Những khi mình mặn nồng. Này em hỡi Con đường em đi đó Con đường em theo đó Đúng hay sao em Xa nhau rồi Thiên đường thôi lỡ Cho thần tiên chắp cánh Xót đau người tình si. Suốt con đường ai dìu lối Hãy yêu nhiều người em tôi Xin gửi em một lời chào Một lời thương, một lời yêu Lần cuối cùng.

-------
Mình ít khi xem phim bởi vậy nên vốn liếng phim của mình chẳng có bao nhiêu, đã vậy lâu lâu lại lôi vốn cũ ra xem đi xem lại. CPU của mình chậm, ít khi hiểu ngay một bộ phim khi vừa xem. Có lúc mình phải ngồi yên lặng để nghĩ ngợi, vạch sơ đồ lý giải trên giấy; có lúc phải tra cứu cho một biểu tượng nào đó trong phim; cũng có phim mình xem từ lâu rồi, ngâm vào não để dành, tới ngày đẹp trời hoặc trời “thương” cho cơ duyên để ngộ ra, mình sẽ “à” lên một tiếng, rồi xem lại phim để kiểm chứng.
“Trăng nơi đáy giếng” là một dạng như vậy, ba lần xem phim, hai lần đọc truyện (đối với mình) có thể xem như đã “tạm đủ” để viết ra vài ý nghĩ về nó.

Chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Trần Thùy Mai, “Trăng nơi đáy giếng” được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn kể lại thông qua những thước phim vô cùng tinh tế và sâu sắc trên nền bối cảnh ở cố đô Huế. Đó là một câu chuyện buồn của Hạnh – người phụ nữ chính chuyên đúng nghĩa còn sót lại giữa cuộc sống hiện đại. Hạnh yêu thương chồng mình (Phương – Hiệu trưởng một trường THPT), hết mực “nâng khăn sửa túi” mà không phàn nàn trách cứ một lời nào. Đối với cô, hạnh phúc là dậy từ khi trời còn chưa sáng tỏ, pha ấm trà sen được ướp từ đêm trước, chuẩn bị nước rửa mặt, quét dọn nhà cửa, cắp nón đi mua đồ ăn sáng đầu ngõ, lúc về lấy nón che tô bún cho “hợp vệ sinh”, trời mưa quên cả che đầu; dĩ nhiên tất cả những điều đó…cho chồng. Những tưởng người phụ nữ “công, dung, ngôn, hạnh” ấy sẽ được hạnh phúc, không ngờ “lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”, Hạnh không có được diễm phúc để làm mẹ. Vì lẽ đó, cô đã đi tìm “vợ bé” cho chồng, sắp đặt mọi chuyện rồi năn nỉ chồng hãy “lấy vợ” (Thắm) để có đứa con. Chuyện vỡ lở, Phương bị trường kỷ luật và chiếc ghế Hiệu trưởng có phần lung lay. Để giúp chồng, Hạnh đã làm đơn ly hôn, rồi lại đăng ký kết hôn cho chồng với Thắm – cô vợ bé để giữ vững sự nghiệp cho chồng mình. Cũng vì không hợp pháp nên Phương rời Hạnh, về sống với Thắm rồi cùng nhau mở quán cafe. Xưa ở với Hạnh, Phương được cung phụng như ông hoàng, nay ở với Thắm, Phương phải tự giặt giũ, bao nhiêu nếp sống tinh tế cao sang bỗng chốc rũ bỏ hết. Hạnh đến thăm mấy lần, chứng kiến như vậy càng thêm chán nản, khuyên nhủ dạy dỗ Thắm cách chiều chồng mà Thắm không nghe; Hạnh phát bệnh rồi tiều tụy hẳn. Được người quen giới thiệu, Hạnh đi cầu đồng rồi quyết định lấy chồng cõi âm – một ông tướng nào đó rất lớn, nghe nói là quan trấn thành Huế. Hạnh “lấy” ông tướng rồi cũng chăm sóc cho tượng ông tướng, tượng “hai thằng cu” hệt như đó là người thật. Trong một lần đến thăm anh đã to tiếng với Hạnh, đòi cô phải bỏ hết những thứ “mê tín, dị đoan” đó đi, nhưng Hạnh không chịu. Hai vợ chồng to tiếng, Phương rời khỏi nhà với gương mặt bừng bừng tức giận, chiếc áo hóa vàng vì màu nước trà, trên tóc còn dính lá trà mà Hạnh đã hắt vào anh. Phim kết thúc bằng một Hạnh lầm lũi mở cửa – đóng cửa nhà, ướp trà, làm vườn, tưới hoa, làm thơ. Cô không một mình, cô có gia đình, gia đình mà nơi đó chồng của cô là một ông Tướng rất dũng mãnh.
Hạnh – người phụ nữ xuyên suốt của bộ phim, từ cái tên, ngoại hình cho đến tính cách đều toát lên nét thục đoan của người phụ nữ Á Đông mẫu mực. Trên cả yêu thương, Hạnh tôn thờ chồng mình như một vị thánh, cứ nhìn cách cô tỉ mẩn chăm sóc đức lang quân của mình sẽ thấy điều đó. Đối với Hạnh, dường như không có thứ gọi là “bât hạnh”, kể cả khi cô phải tìm “vợ nhỏ” cho chồng, giả ly hôn hay không được sống chung với chồng; bởi những điều đó đều làm người đàn ông của cô được “sung sướng”, và đó chính là hạnh phúc của cô. Nhân vật Hạnh vừa đáng thương mà cũng vừa đáng trách, mà cũng đáng giận nữa. Thương vì phận cô bạc, mất chồng vì những cách rất “trời ơi”, nhưng trách cô, giận cô vì chính cô là yếu tố lớn nhất đẩy chồng rời xa đó thôi. Năm lớp chín, lần đầu tiên xem “Trăng nơi đáy giếng”, mình đã thực sự “sốc” vì thái độ bình tĩnh đến lạ kỳ của cô khi chỉ dạy cho Thắm những nếp sống của chồng để hai người họ..dọn về ở chung;săn sóc cho “vợ nhỏ” một cách chu đáo để dưỡng thai, lại còn chép miệng thương cho thân của người ta. Thế kỷ 21 lại có cảnh vợ cả đi cưới thiếp về cho chồng như phong kiến vậy sao? Ba năm sau, khi xem lại phim, với nhiều trải nghiệm hơn cùng với những “cơ duyên”, mình lại thấy thương cho Hạnh, thương vô cùng, và mình bị ám ảnh bởi chi tiết “ông Tướng” – chồng sau của Hạnh.
Là một giáo viên, Hạnh lẽ ra không được tin vào những điều siêu nhiên thần bí. Kỳ thực ban đầu cô cũng đã cười cho qua khi được giới thiệu về phép bẻ đôi chiếc đũa cắt duyên hay lấy chồng cõi âm. Ấy vậy mà cuối cùng cô lại chọn cách lập gia đình với ông Tướng nào đấy nghe nói rất to, trấn cả phủ Thừa Thiên, ngày ngày chăm sóc cho ba bức tượng (tượng ông Tướng và hai đứa con) hệt như trước kia cô chăm sóc cho Phương. Lúc nhỏ mình nghĩ cô “điên dại” rồi mới làm vậy, nhưng không, lí trí của Hạnh vẫn sáng, cô vẫn có thể làm thơ kia mà, vẫn còn nhớ đường đi mua bún, vẫn trò chuyện cùng láng giềng.
Sau này, mình mới hiểu, hóa ra cô đã vô vọng biết nhường nào.
Vì vô vọng, Hạnh không còn một nơi nào để cô bấu víu vào, niềm tin của cô sụp đổ, cuộc đời của cô là người chồng giờ đây đã thuộc về người khác. Ngày đó mình còn quá nhỏ để hiểu rằng Hạnh thực sự cô độc, còn quá ngây thơ để hiểu rằng đối với Hạnh chồng cô là tất cả. Người đàn ông họ có sự nghiệp, sĩ diện, con cái; nhưng đối với Hạnh mà nói, cô chỉ có Phương. Và mình đã rộng lượng chấp nhận cho sự “mê tín” của Hạnh. Thực ra còn có thể làm gì cho Hạnh được nữa đâu. Cũng phải cảm ơn tác giả đã nghĩ ra một cách an ủi như vậy cho Hạnh, để tinh thần cô có chốn nương tựa. Một số ý kiến cho rằng Hạnh đơn giản chỉ là “vợ” thôi, “chồng” là ai thì cô thờ người nấy. Khi xưa làm vợ Phương thì nâng khăn sửa túi cho Phương, lúc lấy ông Tướng rồi thì toàn tâm toàn ý cho ông Tướng. Mình không nghĩ vậy, mình nghĩ Hạnh vẫn còn rất yêu thương Phương. Có lần cô giáo mình nói rằng, kỳ thực trái ngược với “yêu” không phải là “ghét” mà chính là thái độ dửng dưng, không còn quan tâm nữa. Nếu như hết yêu thương chồng cũ (chữ “cũ” nghe buồn quá), thì Hạnh đã không tức giận khi Phương bảo cô dẹp “trò mê tín bệnh hoạn” đó đi, đã không hắt nước trà vào anh, đã không phản ứng quyết liệt như vậy.
Theo mình, Hạnh cố gắng tỏ ra mình yên bề gia thất để cho Phương an tâm bên cạnh người vợ mới. Giả dụ như Hạnh khóc lóc, kêu gào hay tệ hơn, tự tử chẳng hạn, chắc hẳn Phương, Thắm, bà mẹ chồng, bà Thu nữa sẽ dằn vặt một thời gian nào đấy. Nhưng nếu Hạnh “không sao”, người ta sẽ dễ dàng chấp nhận hơn. Dù sao người ta đã quá quen với một Hạnh cam chịu, hiền lành, dễ dàng cho qua mọi chuyện như trước giờ. Mình tin rằng đó là sự hy sinh cuối cùng mà Hạnh còn có thể làm để chồng mình được sung sướng như ý nguyện của cô. Hình ảnh Hạnh khóc nấc lên rồi vội vã đóng hết tất cả các cửa trong nhà lại, liên tục, dồn dập, gấp gáp, ánh sáng bị che khuất dần đi, để rồi tối om, thinh không chỉ còn nghe tiếng tỉ tê của người phụ nữ; mình sẽ không bao giờ quên được.

Nếu chờ đợi một bộ phim kịch tính, các tình tiết thắt vào nhau để đẩy lên cao trào hay sự đối đầu kich liệt của các nhân vật, “Trăng nơi đáy giếng” hoàn toàn không phải là lựa chọn cho những mong đợi đó. “Trăng nơi đáy giếng”, cũng giống như hình tượng “trăng”, xem chỉ để cảm, để thương, để buồn rồi lại…thôi. Ngay cả biểu tượng “trăng nơi đáy giếng” cũng không làm mình mất nhiều thời gian để vạch ra các ý nghĩa có thể. Trước hết, trăng đại diện cho những điều thật đẹp và lãng mạn, chẳng trách người ta hay thề non hẹn biển dưới trăng (chỉ trừ cô Juliet bắt Romeo không được thề dưới trăng mà thôi). Thế nhưng đó là vầng trăng “thực”, còn trăng của phim đã là một hình bóng in nơi giếng nước, nó là ảo ảnh. Thật vậy, xem hết phim rồi mới thấy thực giả lẫn lộn, không biết đâu là thực, đâu là ảo; chỉ thấy “trăng nơi đáy giếng” gần tay với đấy, nhưng chỉ cần chạm vào mặt nước thôi “trăng” đó sẽ biến mất, vỡ tan như hạnh phúc của cô Hạnh mong manh, mất hêt chỉ trong chốc lát. Thứ hai, “trăng nơi đáy giếng” là thứ ảo vọng không bao giờ đạt đến được, như Lý Bạch năm xưa chết vì lao xuống nước vớt trăng dưới lòng sông rồi chính thi nhân chết vì đuối nước. Cô Hạnh chỉ có thể “ngắm” ảnh ảo của trăng mà thôi. Cuối cùng, “trăng nơi đáy giếng” theo lời của bà bói chính là số phận của Hạnh, đó chỉ là hình ảnh mà thôi, không có sự sống, cũng như Hạnh đã “chết” từ lúc cô quyết định tìm cho chồng mụn con. Phải, cô đã “mất” và đã “chết” từ đó, từ rất lâu rồi.
So với truyện, phim có tiết tấu chậm và miên man hơn rất nhiều. Có lẽ vì đạo diễn đã khéo chọn Huế làm bối cảnh cho phim, đổi chi tiết căn chung cư thành ngôi nhà rường, nhân vật Thu chỉ là phụ mà không phải là người “tác thành” cho Phương – Thắm như trong nguyên tác,… Chính Huế cùng những thay đổi đó đã làm nên một phim “trăng nơi đáy giếng” rất mực trầm mặc, ưu phiền mà cũng vô thường nữa. Xem “Trăng nơi đáy giếng” là để thêm một lần xót xa cho hai tiếng “đàn bà” mà cách đây hơn ba trăm năm Tố Như đã khóc “Đau đớn thay phận đàn bà/ Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu”, thêm một lần ngậm ngùi cho thân phận người phụ nữ chỉ biết đến chồng con, riêng mình còn có thêm động lực để sau này tự tạo cho mình khoảng trời riêng chứ không xem một người nào đó là bầu trời, là vũ trụ cả đời.
Dẫu vậy, vẫn còn muốn trách Hạnh lắm..
—————-
“Trăng nơi đáy giếng” vẫn còn nhiều lớp ý nghĩa cũng như những hình ảnh đối lập chứa đựng ẩn ý, nhưng mình chỉ bình những gì mình bị ám ảnh mà thôi, xin được phép kết thúc bài viết bằng đoạn thơ Hạnh làm ở cuối phim:

Em tìm kiếm mảnh vườn cho riêng ta
Nơi chỉ có anh và em trong đó
Nơi chỉ có anh cùng em và cây cỏ
Để ta nghe lòng mình khi cơn gió thoảng qua.

Em tìm kiếm mảnh vườn cho riêng ta
Nơi bóng lá xanh chập chờn nắng gió
Nơi anh cùng em bình yên trên thảm cỏ xa cách cuộc đời
Em chỉ kiếm một mảnh vườn riêng thôi bởi cuộc đời không thật…
…bởi tình yêu không ân hận
Để ta nhớ nơi ghi dấu ấn cho tâm hồn
Khi chiều về cây lá cũng bâng khuâng
Em lại thiếu anh ôi thiếu vô chừng
Hãy ở lại cùng em nơi vườn xuân hoang dã
Để nghe tiếng thì thầm của tình yêu nghiệt ngã si mê.

-------

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2019

Ngọc Lan (Dương Thiệu Tước) - Thái Thanh



NHỚ PHÚT KHUÊ LY HỒN MÊ TUYẾT HOA

Ngọc Lan nằm trong số những bài hát nhiều bí ẩn của Dương Thiệu Tước (1915-1995), nhạc sĩ dòng dõi khoa bảng Vân Đình, với các tên tuổi Dương Khuê (ông nội), Dương Lâm (ông trẻ) và cha là Dương Tự Như từng làm Bố chánh Hưng Yên. Việc người cha làm quan ở tỉnh này liên quan tới Tổng đốc Vi Văn Định, nên khi Dương Thiệu Tước 18 tuổi và người đẹp Vi Kim Ngọc 17 tuổi, hai gia đình đã có dịp quen biết nhau. Tư dinh hai nhà gần nhau, với cảnh trí hữu tình, làm nên bối cảnh cho mối tình thơ...


Hai mỹ nhân danh gia vọng tộc, Vi Kim Ngọc và Vi Kim Phú - cô chị lấy tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, cô em lấy bác sĩ Hồ Đắc Di (con trai Khánh Mỹ quận công, thượng thư Hồ Đắc Trung; em trai tổng đốc Hồ Đắc Điềm - nghĩa là môn đăng hộ đối).
Người ta kể: Chàng học ở Hà Nội. Nàng học tại tỉnh nhà. Hai dinh thự gần nhau, mỗi lần chàng về, họ gặp nhau. Nàng đang tuổi dậy thì, cực kỳ xinh đẹp, còn chàng thì khôi ngô tuấn tú, đang học trung học, cháu nội của cụ nghè Dương Khuê, sử dụng được 7 loại nhạc cụ kể cả nhạc “Tây” lẫn nhạc “ta”, trong đó thông thạo nhất là Tây Ban Cầm (Guitare) và Hạ Uy Cầm (Guitare Hawaienne), lại hát rất hay, có tiếng ở Hà Nội.

 
Việc gì xảy ra là phải xảy ra, chàng và nàng yêu nhau thắm thiết với sự trong trắng và bồng bột của mối tình đầu. Họ Vi biết rõ cậu cả cháu nội cụ Dương Khuê này, gia đình quan Bố chánh Dương Tự Nhu bèn đem trầu cau sang đính ước.

Nhưng mối tình trong sáng đó có những đám mây đen kéo tới. Nhà gái dần dần biết Dương học Tú tài chỉ là phụ mà việc Dương ưa thích nhất là học âm nhạc tại trường Ecole Française de Musique en Extrême Orient (Viễn Đông nhạc viện) tại Hà Nội, cùng với Nguyễn Xuân Khoát. Khoát chuyên về Dương cầm, còn Dương chuyên về Tây Ban Cầm. Đồng thời, bà mẹ vợ tương lai với trực giác nhạy cảm của phụ nữ cũng nhận ra nguy cơ cho con gái: anh chàng này đẹp trai quá, đàn hát lại hay, sẽ là một tai họa cho con mình. Trong khi đó, trường Ecole Française de Musique en Extrême Orient sau ba năm hoạt động phải đóng cửa vì kinh tế khủng hoảng, Dương lâm vào cảnh dang dở.

Phía bên nhà gái có những bà đã bắt đầu chê bai: “Cậu Tước mặt mày sáng rỡ, đẹp trai như Phan An Tống Ngọc mà chỉ có bằng Diplôme, thi rớt Tú tài”. Rồi họ Vi chuyển từ Hưng Yên sang làm Tổng đốc Thái Bình. Xa mặt cách lòng, đúng lúc ấy thì “nghè Huyên” có sự gặp gỡ. Ý trung nhân này chính là tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, nức danh học vấn Đông Dương, lại ở Pháp về... Gia đình họ Vi trả lễ họ Dương. Và rồi, ngày 14/2/1936 nàng lên xe hoa về nhà chồng. Lúc ấy nàng 20 tuổi còn chàng 21 tuổi.

Chàng buồn, bèn đem tâm hồn mình viết thành bản nhạc “Ngọc Lan” bất hủ (xin nhắc lại: nàng tên Vi Kim Ngọc) (theo Đoàn Dự, Nam Minh Bách, Nguyễn Việt, blog Cafe Văn nghệ).

Ngọc Lan, dòng suối tơ vương, mắt thu hồ dịu ánh vàng
Ngọc Lan, ngành liễu nghiêng nghiêng, tà mấy cánh phong, nắng thơm ngoài song
Gió rung mờ suối biếc
Ý thơ phiêu diêu…

Dường như bản nhạc đã được viết từ sớm, ngay từ thời đầu tân nhạc ra đời nhưng phải tới năm 1951, bản nhạc mới được Tinh Hoa xuất bản và tái bản vài lần. Sau đó được phổ biến qua giọng ca Thái Thanh.

Ngón tơ mềm chờ phím ngân trùng, mạch Tương lai láng.
Dáng tiên nga, giấc mơ Nghê Thường lỡ làng.

Ngọc Lan giọng ướp men thơ, mát êm làn lụa bóng là.
Ngọc Lan trầm ngát thu hương, bờ xanh bóng dương phút giây chìm sương.

Bông hoa đời ngàn xưa tới nay.
Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây, cho tơ trùng đờn hờ phím loan.
Thê lương mây nước sắt se cung Hàn,
Ôi tâm hồn nghệ sĩ chìm trong hương thắm.
Nhớ phút khuê ly, hồn mê tuyết hoa, Ngọc Lan!

Sau khi người trong mộng đi lấy chồng, Dương Thiệu Tước vài năm sau khi người cha mất, gia cảnh sa sút, chàng mới đi đến hôn nhân cùng cô Lương Thị Thuần. Cuộc hôn nhân sắp đặt này không được nhắc tới mấy, có lẽ chỉ tồn tại chừng mươi năm. Sau đó năm 1951, khi Dương Thiệu Tước đương làm công việc dạy đàn và chơi nhạc tại đài phát thanh và các chương trình biểu diễn thì ông gặp ca sĩ Minh Trang gốc Huế từ đài Pháp-Á ở Sài Gòn ra. Cô sinh năm 1921, vốn là xướng ngôn viên của đài, sau trở thành ca sĩ do tình cờ thiếu ca sĩ trong buổi thu trực tiếp. Cô tên thật là Ngọc Trâm, nghệ danh ghép từ tên hai người con với đời chồng trước. Hai người đến với nhau và trở thành một cặp tri âm để ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như Đêm tàn Bến Ngự, Tiếng xưa, Bóng chiều xưa...

Ca sĩ Minh Trang và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Năm 1979, Minh Trang sang Mỹ, còn Dương Thiệu Tước ở lại, đến năm 1982, ông sống với cô Nguyễn Thị Nga, một học trò cũ trước đây từng học ở trường Âm nhạc quốc gia Sài Gòn. Ông mất 1/8/1995, cùng năm đó Hãng phim Trẻ xuất bản cuốn băng video Thuyền mơ gồm 8 bài hát của Dương Thiệu Tước, là tuyển chọn âm nhạc chính thức đầu tiên sau 1975 của nhạc sĩ này.

Về giai nhân Vi Kim Ngọc, sau khi kết hôn cùng tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, bà có một cuộc sống hạnh phúc và có với ông 4 người con và đều thành đạt. Bà hoạt động trong ngành Ký sinh trùng, dạy tại ĐH Y Hà Nội. Bà mất năm 1988. Người con trai út là GS Nguyễn Văn Huy, một tên tuổi trong ngành bảo tàng, từng là GĐ bảo tàng dân tộc học. Vi Kim Ngọc là một trong hai cô con gái đẹp nức tiếng của tổng đốc Vi Văn Định, họ đều kết hôn với những bậc anh tài. Cô em Vi Kim Phú lấy bác sĩ Hồ Đắc Di (con thượng thư Hồ Đắc Trung, em tổng đốc Hồ Đắc Điềm), trong khi đó một cô cháu gái là Vi Thị Nguyệt Hồ lấy BS Tôn Thất Tùng. Dòng dõi Hồ Đắc lẫn Tôn Thất đều là những danh gia vọng tộc thời bấy giờ. Có thể nói, Vi Kim Ngọc được xem như một hoa khôi cành vàng lá ngọc bậc nhất những năm 1930.

Giai nhân Vi Kim Ngọc và chồng, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên

Hiện gia đình có bảo tàng Nguyễn Văn Huyên ở quê nhà Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội, trong đó có một vài dấu ấn gợi nhớ hình bóng nàng thơ của những bài hát thời đầu của Dương Thiệu Tước. Người con gái của bà Ngọc và ông Huyên, bà Nguyễn Kim Hạnh có kể lại trong "Hồi ức về Nguyễn Văn Huyên":

“Năm 1977, sau khi cha tôi mất được 2 năm, mẹ tôi viết: “Ước mơ của em khi đôi tám xuân xanh là quyết chọn người tài đức mới trao thân. Nếu không gặp được nam nhi hào hùng đó thì ở một mình suốt đời. Thế mà em đã mãn nguyện”. Và trang sau, nhật ký nhắc tới Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước:

“Năm 1976, được tin của một người bạn cũ ở Đà Lạt nói rằng có gặp ông Dương Thiệu Tước và vợ của ông là bà Minh Trang lên chơi Đà Lạt.

"... Bác Tước là cháu nội cụ Nghè Dương Khuê, chúng tôi thường gọi là bác Cả Tước, không thể ví với người đã đậu Tiến sĩ Văn chương Đại học Sorbonne, Bộ trưởng Giáo Dục 30 năm. Năm 1954, bác di cư vào trong Nam, làm chủ sự Ban Âm nhạc Đài Phát thanh Sài Gòn, cả đời sống thanh bạch và rất lương thiện”.

Dương Thiệu Tước không để lại nhiều thông tin, nhưng ông có ghi rõ trong các bản nhạc hai chữ Ngọc Lan viết hoa, nhưng ít người hiểu, đa số đều nghĩ rằng ông ca ngợi loài hoa ngọc lan. Cho đến giờ, dường như ẩn số người đẹp trong bài hát này đã rõ ràng. Bài hát mang âm hưởng thính phòng, lời ca diễm lệ, kể về một mối tình lỡ dở... Mùa thu đẹp đẽ dường như cũng thế, lúc nắng gió ngất ngây cũng là lúc tơ chùng đàn hờ phím loan... Cho dù là Kim Ngọc hay Ngọc Trâm (Minh Trang) thì cũng đều là những vẻ đẹp yêu kiều, đáng để tôn vinh.


Ngọc Lan đã được nhiều ca sĩ thử sức, nhưng dường như Thái Thanh đạt tới độ hoàn hảo hơn cả. Có hai bản thu vào năm 1966 với hòa âm của Vũ Thành và năm 1988 với hòa âm của Duy Cường. Xin giới thiệu bản thu sau với âm thanh như một làn gió thơm mùa thu vừa tới...

Nguyễn Trương Quý

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

3. Mặt nạ thiêng: Rangda và Barong - Giữa cái ác và điều thiện


3. Mặt nạ thiêng: Rangda và Barong - Giữa cái ác và điều thiện


Tôi không hiểu sao cái ác lại thường ẩn trú trong hình hài của phụ nữ. Ta rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh mụ phù thủy, bà dì ghẻ độc ác trong rất nhiều  câu chuyện dân gian hay những huyền thoại. Phải chăng cái ác của đàn bà thường giản đơn? Rangda, một thiếu phụ- nữ hoàng quỷ trong truyền thuyết Bali, có lẽ góp thêm một ví dụ cho nhận định này. Tuy nhiên câu chuyện bên dưới đây không hề giản đơn như quan niệm thiện - ác dân gian thông thường.

Rangda đại diện cho bóng tối, các thế lực hắc ám và liên quan tới linh hồn của người chết. Rangda đeo mạng che mặt, nhô ra răng nanh giống heo rừng, với cái lưỡi đang cháy phồng lên, đôi mắt đỏ ngầu, tóc tai dài thòng, rũ rượi và kéo lê lết.


Mặt nạ Rangda 

Có rất nhiều những ám chỉ trong cách thể hiện khuôn mặt Rangda: đôi mắt lồi lên với cái nhìn sòng sọc phản ánh sự tức giận và độc ác của một tính cách vị kỷ. Bộ nanh sắc lẻm và vặn xoắn nhắc ta rằng đây là một mãnh thú tàn nhẫn. Cái lưỡi dài bốc lửa mãi mãi đói mồi, hứa hẹn sẽ đốt cháy tất cả những gì trên hành trình mà nó quét qua. Quả là không có một hình ảnh ác thần nào hoàn hảo đến như vậy!
Khắc tinh của Rangda là Barong. Barong hiện thân trong hình hài của một con sư tử dị thường, là biểu tượng của thần ánh sáng, vị thần bảo vệ sự bình yên của xóm làng.


Mặt nạ Barong 

Biểu tượng của ánh sáng được thể hiện rõ ràng bởi những trang sức bằng vàng lóng lành trên mặt nạ và thân thể của thần Barong.


Một mặt nạ Barong khác, có kỹ thuật chạm lộng rất tinh xảo

Mặt nạ Barong nguyên thủy được làm từ gỗ Pule, một loại gỗ đặc biệt được người ta tin là có những tính chất huyền diệu. Những bộ phận  khác như lông cũng được làm từ các vật liệu đặc biệt khác là lông công và bờm ngựa. Người ta cũng chỉ chế tác các bộ phận này vào những ngày đặc biệt được cho là ngày tốt trong tín ngưỡng Bali-Hindu mà thôi. Cuối cùng là hai buổi lễ có tên Pasupati và Mejaya-java nhằm chứng thực sự hoàn tất của chiếc mặt nạ. Pasupati là buổi lễ nhằm mời thần linh đi xuống trú ngụ để ban phát tinh thần và quyền năng cho chiếc mặt nạ.  Mejaya-java, thường được tổ chức trong các ngôi chùa lớn, là buổi lễ ban phước lành, bước cuối làm cho mặt nạ Barong trở nên linh thiêng.


Mặt nạ Barong và họa tiết

Barong và Rangda xuất hiện trong truyền thuyết Calon Arang của văn học Java cổ có từ thế kỷ 11-12. Theo bản thảo viết tay này, câu chuyện xoay quanh nỗi đau của một góa phụ, tên là Calon Arang, có đám cưới của con gái Ratna Manggali, đã bị hủy bỏ bởi nhà vua Airlangga, cũng là người hôn phối. Nguyên nhân cuộc hôn phối không thành do tin đồn rằng bà góa phụ mẹ cô gái là một phù thủy, người chịu trách nhiệm về những tai ương trong quá khứ và các đại dịch cúm tại vương quốc này. 

Tin đồn là không công bằng cho cô dâu xinh đẹp, nhưng đó là sự thật, rằng mẹ cô thực sự có một số loại năng lực có thể gây ra thảm họa như vậy. Bởi sự giận dữ và thất vọng về phía vua và người dân, bà  triệu tập quyền năng của mình để gây thảm họa trong vương quốc như hạn hán làm mùa vụ thất bát, trẻ con mang bệnh bí ẩn bí ẩn và rất nhiều người chết. Để chống lại bà, một sứ thần hàng đầu của vua là Empu Bharadat quyết định ra tay. Sau khi tọa thiền và cầu nguyện Trời đất, ông hóa thân thành Barong trong hình hài của con sư tử huyền thoại, còn người thiếu phụ trở thành Rangda trong hình hài kinh dị như trên.


Barong đấu với Rangda (nguồn: www.fortport.com)

Trong hồi cuối của câu chuyện, Barong hầu như đã thua cuộc, tuy nhiên tình thế trở nên có lợi cho Barong khi một  nhóm trai tráng nhảy vào giúp sức cho ông. Rangda phải vất vả chống đỡ, nhưng đột nhiên chỉ bằng một cú đánh bí ẩn, bà làm cho tất cả trai tráng ngã lăn ra, một số trở nên đờ đẫn và dùng dao găm tự đâm vào mình, nhờ vậy Rangda thoát ra và chạy trốn trở lại. Sau đó Barong xuất hiện để hồi sinh lại cuộc sống cho đám trai tráng bằng nguồn năng lượng phi thường của mình. Mọi chuyện rồi cũng tốt đẹp trở lại và câu chuyện lửng lơ kết thúc.


Rangda và người dân trong vương quốc (nguồn: members.virtualtourist.com)

Hình thức trình diễn Calon Arang có tính chất lễ nghi hơn là giải trí thuần túy. Tương tự như lên đồng ở Việt Nam, diễn viên và người tham dự cùng tham gia trong một không gian nghi lễ huyền bí lúc nửa đêm, họ bị thôi miên bởi một điệu nhảy có tiết điệu đều đều, rờn rợn, đầy kích động. Người tham dự được khuyến cáo không bỏ về giữa chừng bởi họ sợ rằng nhiều linh hồn, cũng đang trên đường tham dự lễ rất dễ va phải họ. Có một kết nối tâm linh thật sự giữa nghệ sĩ - mặt nạ - nhân vật, người ta tin rằng hiệu quả tâm linh này là do chính những năng lực kỳ bí của mặt nạ đem lại.


Khuôn mặt Rangda

Khi nghĩ về nỗi sợ có một khuôn mặt, một hình hài, một tiết điệu và một kiểu chuyển động. Hãy nghĩ tới Rangda. Thực ra Rangda là một hiện thân khác của nữ thần Kali, có quyền năng thiêng liêng được hướng vào chức năng phá hủy và chuyển đổi, bởi vì bản chất siêu nhiên của cái mặt nạ mà người mang nó được thừa nhận quyền lực của thần thánh nhưng không sợ bị trừng phạt. Đó cũng là điểm khác biệt căn bản nhất giữa mặt nạ thiêng (scary mask) và mặt nạ thông thường.

Mặt nạ thiêng thường vay mươn một vài hình thức của thiên nhiên nhưng không bao giờ "tự nhiên" vì mục đích của nó nhằm thể hiện hay đại diện cho một tính cách phổ quát. Để làm được điều này, mặt nạ nhấn mạnh những đặc điểm cần thiết nhất định hoặc kết hợp các hình thức khác nhau sẵn có trong thiên nhiên. Rangda được ám chỉ là lửa, được trú ngụ trong hình hài của ác thú và được thể hiện ra hình thức vật chất qua những đường nét sắc nhọn. Trái lại, Barong là ánh sáng, trú ngụ bên trong thánh thần và được thể hiện bằng những nét mềm, tròn trịa. Ngôn ngữ thông thường của mặt nạ thiêng không nhấn mạnh vào sự tả thực mà chú trọng tới cái cảm giác buộc ta phải nghĩ tới khi nhìn vào.

Như trong câu chuyện Barong - Rangda , mặt nạ thiêng không chỉ đại diện cho thiên thần hay các vị thánh mà còn đại diện cho ma quỷ là những thế lực hắc ám theo cách nghĩ thông thường. Bao trùm lên tất cả là quyền lực của chủ thể mà mặt nạ đó đại diện, Rangda gieo rắc sự sợ hãi nhưng bà luôn được sùng kính bởi vì khả năng mang đến cái chết là một phần cần thiết của sự sống.

Với những tôn giáo độc thần, việc dùng mặt nạ trong các nghi lễ chỉ là một hình thức của sự sùng bái thần tượng. Trái lại, trong các tôn giáo đa thần, mặt nạ không ám chỉ một thực thể tối thượng nào, chúng có nhiệm vụ nhân cách hóa các xu hướng vận động của xã hội. Câu chuyện Barong - Rangda, không hẳn là câu chuyện giữa thiện - ác, chính - tà, tốt - xấu mà là câu chuyện về sự xung đột giữa những thế lực đại diện cho những tín điều khác nhau: Rangda chiến đấu vì con gái trong khi vua chiến đấu vì thần dân của mình.


Barong - Rangda: Giữa điều thiện và cái ác

Tất cả điều có lý do hợp lý để tồn tại và mâu thuẫn này vẫn tiếp tục chừng nào còn nhân loại. Sẽ không có bên thắng cuộc hay bên thua cuộc trong cuộc chiến này, vì thế Rangda không chết và bà có thể trở lại bất cứ lúc nào.

Tái bút: Tôi viết những dòng này khi bà ngoại tôi, năm nay đã 106 tuổi, đang vất vả đi tìm cái chết. Chưa bao giờ sự giải thoát lại có ý nghĩa và được mong chờ như lúc này! Ngoài việc cầu xin đức Phật A Di Đà cho sớm được vãn sanh, tín ngưỡng của chúng ta không có một thần linh (thiên thần hay ác thần) nào khác đại diện cho phá hủy và cái chết. Phải chăng dân tộc ta không dám đối diện với cái điều nghiệt ngã nhưng tất yếu này? Nếu quả thật vậy thì đây không chừng chính là nguồn gốc của rất nhiều hệ lụy cho hiện tình đất nước: mọi thứ cứ dở sống, dở chết, bám víu theo phương châm "thà ngắc ngoải còn hơn chết hẳn" đang rất thịnh hành.

Posted by Hoang Thong