Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

NHỮNG HÀNG ME SÀI GÒN

Đường Catinat (xưa), Đồng Khởi (nay)
                       
1. Vào Saigon năm 1992, theo đoàn của SGD, tôi ở KS đường Bùi Thị Xuân, nghe nói là một cư xá cũ. Buổi tối chúng tôi thường dạo quanh Tao Đàn, café trên phố. Tiết trời mát lộng, đường Bùi Thị Xuân rợp tán lá Sao đen, một cây nhiệt đới rụng lá đặc trưng của miền Đông Nam Bộ.

Những ngày nghỉ và buổi tối, ông Lý bạn tôi chở tham quan Thành phố trên chiếc Honda67. Đầu tiên là Đầm Sen, tôi không mấy hứng thú vì thấy nhiều “sân khấu” quá. Ờ! Ông hổng thích thì “bát phố”. Thế là, từng đường phố, cây cầu, kênh rạch… hiện ra trong mắt tôi. Tôi hiểu hơn thế nào là “lội bộ” “quá giang”, “bùng binh- khúc sông rộng phình tròn ra” trên phố cùng với “rạch, xẻo, con lươn, tắt, rỏng, vàm, lung, láng, bưng, bàu, cù lao, cồn, giồng…” trong tiếng “ầu ơ” miền sông nước. Ông bạn đùa: Ông có vẻ thích nhể, xưa chưa thấy à? Thì vưỡn, xưa là “giải phóng”, mặt vênh lên có nhìn thấy gì, tôi nói. 

Nhưng vẫn thấm mát trong tôi là những hàng me trên đường Nguyễn Du, đường Catinat (Đồng Khởi), tàn xanh sậm quyến luyến, đẹp với vỏ cây cằn cỗi gợi nhớ đến cây me quê nhà cái thời học trò leo trèo nghịch ngợm. 

Thầm yêu hơn Hà Nội với hoa sữa đường Nguyễn Du, hàng sấu đường Trần Hưng Đạo, thì nơi đây là những con đường rợp lá me bay; “những cây me vui, những cây me rắn mắc, thỉnh thoảng, sau một trận mưa, lại đánh rơi xuống áo đẹp của ai những hột nước làm cho ai nhăn mày…” 

Nghe kể rằng. “Vào thời các đô đốc” (au temps des Amiraux) – như người Pháp ở Nam Kỳ xưa thường nói, nghĩa là vào những năm đầu 1863-1865 khi Sài Gòn vừa bị đánh chiếm và còn nằm dưới quyền cai trị của các đô đốc, thì Hải quân Pháp đã bắt đầu cho trồng hàng loạt cây me ven các đường sá, tuy lúc ấy đường phố vẫn chưa có vỉa hè (khoảng năm 1873 mới làm các vỉa hè). “Những cây me của các đô đốc”– có người gọi như vậy – đã chứng kiến và đánh dấu những năm tháng đầu tiên của nhà cầm quyền thực dân trên đất Việt Nam cách đây hơn một thế kỷ và đến giờ vẫn còn in bóng mát trên nhiều đường phố Sài Gòn. 

2. Bình-nguyên Lộc, cái tên khác lạ và viết tên cũng khác như Trần thị Ngh., mà cách viết đó như một riêng biệt sau này. Bạn Phạm Hoài Nhân nói với tôi: Bình-nguyên là Đồng bằng, Lộc là văn tự chỉ con Nai; vậy ông ở Đồng Nai. Cách giải thích của Nhân thật đáng yêu. 

Nhà văn Bình-nguyên Lộc
Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh năm 1914 Tân Uyên, Biên Hoà, sau khi đậu tú tài phần 1, ông ra làm công chức và bắt đầu viết văn từ năm 1943. Năm 1950 ông cho ra đời truyện dài Nhốt Gió. 

Truyện ngắn Bình Nguyên Lộc nói về phong tục địa phương và sự giao cảm của người dân và mảnh đất họ đang cư ngụ. 

Tạp bút “Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình-nguyên Lộc” không nhằm mô tả hè phố Sàigòn như Thạch Lam đã làm với Hà Nội trong “Hà Nội 36 Phố Phường”, mà nó nhằm mục đích nói lên tâm tình, cảm nghĩ của chính tác giả khi đi lang thang dạo chơi trên hè phố Sàigòn. Những mảnh tâm tình, những cảm nghĩ đó gắn liền với bản thân nên đương nhiên ông phải thích cái tác phẩm mà ông dùng để chuyển tải chúng tới độc giả. 

Tôi trích đăng một bài trong đó. 
    

NHỮNG HÀNG ME SÀI GÒN 

Me! Cái tên mới thô lỗ làm sao chớ! Nó không được tầm thường như mận, bưởi, cau, mà cục mịch như ổi, xoài, măng cụt. 

Nhưng nếu có những cô Thùy Dương, Yến Tuyết, không đẹp bằng những chị Mén, chị Vẩu, thì cũng có những cây anh đào, thanh tùng, không đẹp bằng me, bằng me Sàigòn. 

Me vốn đã đẹp với thân cây đều đặn, không cao lỏng khỏng như dầu, không lùn tịt như sanh, đẹp với vỏ cây cằn cỗi gợi nhớ những cội tùng già bên chùa cổ trên một sườn non, với rêu xanh non mởn bám trên vỏ sạm đen, đẹp như non bộ dày sương dạn gió, với tàn không thưa, không sơ rơ như tàn sầu riêng, không dày mịt như măng cụt, vốn nó đã đẹp ở ngoài thiên nhiên rồi, mà trồng trên vỉa hè đá, bên cạnh những ngôi nhà xi-măng cốt sắt, khô, nóng, và buồn, thì nó còn đẹp hơn biết bao! 

Ôi, những hàng me Chợ Cũ, những hàng me phố Gia Long, những hàng me phố Tản Đà, những hàng me bầu bạn của người đi bộ về trưa, những hàng me tò mò dòm vào các cửa sổ tư gia, gởi vào đó những lá nhỏ li ti trên tóc cô gái bé, những hàng me tàn xanh sậm quyến luyến những tiếng dương cầm của ai trong vài cửa sổ vọng ra… 

Ôi, những hàng me chứa chấp cô Mùa, một có gái quê ít dám léo hánh đến thành phố. Chính trên mái tóc xanh biến màu theo thời tiết của ngươi mà những khách yêu thiên nhiên tìm dấu chân Mùa hằng năm len lén đến vài lần nơi thành phố. 

Lòng sầu xứ quê của những kẻ lạc loài vào đô thị Sàigòn được dịu đi vài phần khi nhìn những hàng me Nguyễn Du và Hồng Thập Tự ngả màu rồi lại thắm màu. 

Những ngày mà toàn thân me đều khoác áo màu đọt chuối non, là những ngày người mến thiên nhiên nghe tiếng hát của Mùa, là những ngày họ hồi hộp rình Mùa, hồi hộp lắng nghe bước chân Mùa trên xi măng của thành phố. 

Ôi, những cây me ngủ chiều, gợi nhớ sự nghỉ ngợi của đồng áng, gợi nhớ những nỗi buồn tiền sử của loài người, khi chiều xuống họ hãi hùng nhìn cây ngủ, chim về, mặt trời chun xuống thiên nhai không biết ngày mai sẽ trở lại hay không… 

A…ha, những cây me vui, những cây me rắn mắc, thỉnh thoảng, sau một trận mưa, lại đánh rơi xuống áo đẹp của ai những hột nước làm cho ai nhăn mày… 

Tôi thương Sàigòn vì những hàng me. 

(THỜI TRÂN, 1952)

2 nhận xét:

  1. Đọc bài viết của VP, làm m lại nhớ tới bản nhạc: "con đường tình ta đi" và sau này có bản "con đường có lá me bay"..

    Những con đường nói về hai hàng cây rợp nắng của một số phố phường Sài Gòn, mà không một sinh viên nào vào thời ấy mà không nhớ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cảm nhận bài viết này từ những hàng Sấu trên đường Trần Hưng Đạo Hanoi xưa gần nhà bạn gái.
      .
      Sau này (1975) tôi mới biết và yêu mảnh đất Phương Nam nước Việt quê mình, cảm nhận về vùng đất sống giữa hai dòng văn hóa (Indo china), thương những người bạn của tôi ở QN phải về nơi mà họ gọi là quê hương những năm 1980.
      .
      Những con đường đầy lá me bay thỉnh thoảng, sau một trận mưa, lại đánh rơi xuống áo đẹp của ai những hột nước làm cho ai nhăn mày…
      .
      Cảm ơn Mai!

      Xóa