Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

Hòa Vang - một hồn văn cổ tích

Nhà văn Hòa Vang. Ảnh Nguyễn Đình Toán.
Lý giải về cái nhìn cổ tích này, tôi cho rằng trong bản chất tinh thần, Hòa Vang là một kẻ sĩ, cả đời tôn vinh tinh thần kẻ sĩ, từ đó mà suy tôn và dẫn dắt các nhân vật của mình theo tinh thần kẻ sĩ. Tinh thần kẻ sĩ trước hết thể hiện ở chỗ sống bất khuất. Không một bầm dập nào của đời sống có thể làm cho con người ngã quỵ.
Văn Giá - 
Dịp Tết Bính Tuất vừa rồi tôi đến thăm Hòa Vang. Khi bước chân vào căn gác, đã có mấy người khách bên điện ảnh đang ngồi tán chuyện. Tôi hỏi Tết này anh thấy trong người thế nào (chả là anh đang chống chọi với bệnh K gan). Anh nheo nheo mắt, ánh mắt tinh nghịch, cười cười: “Anh lại cảm thấy có vẻ được! Mà đêm đêm, cái đám quân binh vẫn cứ dào dạt kéo về. Thế mới chết chứ!”. Nói xong anh tự thưởng cho mình một tràng cười hết cỡ. Cả đám cười theo. Tôi thầm nghĩ: Cái lão này còn lâu con bệnh mới có thể thắng được lão...
Ai không biết chứ Hòa Vang nói thế là nói thật, nói thật theo kiểu đùa, trong hình thức một câu đùa. Với lời nói ấy, vừa thấy cái mùi ái tình quen nết, vừa thấy cái bản tính vui sống, nồng nhiệt sống trong con người anh. Tự nhiên sực nhớ, nhân lần Hòa Vang cho in cái truyện Sự tích những ngày đẹp trời nổi tiếng, tôi gặp anh và bảo: “Gọi anh là Thần Biển Hòa Vang được đấy”. Những tưởng câu nói vu vơ. Nhưng thỉnh thoảng đọc, nghĩ về Hòa Vang, thấy có lẽ là như thế thật: Hòa Vang phong vận y như cái nhân vật thần kỳ cổ tích Thủy Tinh. Cả đời sống Hòa Vang, cả văn chương Hòa Vang lúc nào cũng mang mang một điệu hồn cổ tích.
Có một điều thật lạ là: thế giới và con người trong cái nhìn tổng quát của Hòa Vang rất phân minh, mạch lạc, trong sáng vô ngần. Vẫn biết cuộc đời này trong đục, trắng đen chẳng phải lúc nào cũng rạch ròi, nhưng Hòa Vang không muốn chấp nhận điều ấy. Cái tạng anh không thích, thế thôi. Người đã tốt là tốt tận cùng. Người đẹp là đẹp đến độ. Văn Hòa Vang toàn những người đẹp người tốt dạo gót vào từng trang viết. Người đẹp và người tốt. Chẳng phải đó là niềm theo đuổi lớn nhất của loài người, của mọi thời đó sao. Quả đúng là cái nhìn mang màu cổ tích.
Không chỉ có vậy. Tinh thần cổ tích còn chi phối cả vào cách ứng xử đối với các nhân vật. Trong các tác phẩm, Hòa Vang để cho những người đẹp người tốt này thể nào cũng gặp những khổ nạn khôn lường. Nhưng rồi cuối cùng thể nào cũng lại vượt qua, cũng được đền bù. Cái cách xử lý này đặc biệt cổ tích. Thi pháp cổ tích triển khai nhân vật đều theo cung cách như thế. Ban đầu cho nhân vật chịu thiệt thòi, trải qua nhiều khổ nạn, rồi được người khác (kể cả Bụt, lực lượng phù trợ) giúp đỡ, cuối cùng thoát khổ thoát nạn và sung sướng. Trong truyện ngắn Hòa Vang, đa số hành trạng các nhân vật đều mang cái ách nặng của những khổ ải đa đoan. Khổ ải trong thân phận. Khổ ải trong tâm hồn. Bảo là các nhân vật người thường trong cõi đời thường như Vũ (Trong ảo giác Hồng Ngọc), “y” trong Hư ảnh, người chồng trong Tâm hồn chó… khổ đã đi một nhẽ; ngay cả các nhân vật là Thần là Bụt cũng có cái khổ riêng. Ai chả bảo Mỵ Nương (Sự tích những ngày đẹp trời) là người sung sướng. Nhưng hóa ra, nàng bị cái lòng thầm yêu luyến nhớ Thủy Tinh hành hạ cả đời. Nhân vật Bụt trong Bụt mệt cũng còn khổ nữa là, chỉ vì cứ hào hiệp chiều theo cái sự không biết thế nào là đủ của giống người….
Nhưng mà, suy cho cùng, các nhân vật ấy vẫn cứ được coi là người hạnh phúc. Mỵ Nương có được cảm giác hạnh phúc chân thực nhất, trần thế nhất, bừng bừng trong da thịt trong máu huyết với người lụy tình Thủy Tinh (chứ không phải người lụy việc Sơn Tinh). Còn hạnh phúc của ông Bụt kia rút cục lại là một sự thức nhận về việc ban phúc sao cho đích đáng đối với con người. Thế đấy! Đừng vội quy cho Hòa Vang là người đơn giản. Anh thấu hiểu nỗi nông sâu bất trắc của đời sống. Các nhân vật được miêu tả không hề đơn giản. Ở đó, không chỉ có bi kịch của mưu sinh, của quan hệ nhân thế, mà còn cả những bi kịch đau khổ tinh thần. Nhưng lòng mong mỏi của anh đối với cuộc đời, với cõi người này mạnh mẽ đến nỗi, chung cục, tất cả đều được quy về mẫu số: quyền được hạnh phúc. Những người đẹp người tốt được quyền đón chờ và hưởng thụ hạnh phúc. Tại sao lại không! Chính cái nhìn cổ tích đó đã chi phối cách lựa chọn, miêu tả và triển khai các nhân vật trong các truyện ngắn, kể cả tiểu thuyết của Hòa Vang.
Lý giải về cái nhìn cổ tích này, tôi cho rằng trong bản chất tinh thần, Hòa Vang là một kẻ sĩ, cả đời tôn vinh tinh thần kẻ sĩ, từ đó mà suy tôn và dẫn dắt các nhân vật của mình theo tinh thần kẻ sĩ. Tinh thần kẻ sĩ trước hết thể hiện ở chỗ sống bất khuất. Không một bầm dập nào của đời sống có thể làm cho con người ngã quỵ. Các nhân vật của Hòa Vang cứ đi qua các khổ nạn, rồi kết cục lại ngạo nghễ sống, ngạo nghễ giữ lấy giá người. Sau nữa là sự coi khinh cái xấu, cái ác, cái mưu mô xảo trá, danh lợi và đồng tiền bất chính (loại nhân vật như người vợ trong Tâm hồn chó, ông giám đốc trong Hư ảnh…). Tinh thần kẻ sĩ chính là lý tưởng của các bậc chân Nho tiết tháo thời xưa: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Các nhân vật của Hòa Vang ở các mức độ khác nhau đều noi theo tinh thần kẻ sĩ này. Vẹn nguyên trong dang dở - tên của một truyện ngắn - cũng chính là tinh thần ngợi ca khả năng bảo toàn phẩm giá con người của nhân vật Vũ. Chất văn hóa Nho giáo với những phần cốt lõi nhất, tinh hoa nhất đã được nhà văn Hòa Vang nhuần thấm và kiên định. Trong cái thời buổi đảo điên, nhiễu nhương, suy thoái về đạo lý, tinh thần kẻ sĩ mà nhà văn tôn quý tỏa sáng như một niềm lãng mạn (mà thật buồn thay, đáng lẽ ra nó phải là chuyện đương nhiên)…
Vì mang một cái nhìn cổ tích như vậy, cho nên các nhân vật của Hòa Vang toàn là “những hạt bụi người bay ngược”. Thế giới nhân vật trong văn Hòa Vang có hai loại: các nhân vật mang tính chất huyền thoại và các nhân vật của cuộc sống thường ngày. Loại thứ nhất chủ yếu được khai thác từ văn hóa, văn học truyền thống, cả dân gian lẫn thành văn, cả phương Đông lẫn phương Tây, mà phương Đông là chính. Nhưng cho dù ở loại nào thì cái phần căn cốt nhất của các nhân vật vẫn là những con người trần thế. Hòa Vang tôn vinh cõi người, tôn vinh hạnh phúc nơi trần thế, hạnh phúc theo kiểu trần thế. Các nhân vật thuộc cõi người thế tục đã đành. Ngay cả khi hướng vào các mẫu nhân vật là thần thánh, Hòa Vang cũng đã kéo tuột các nhân vật này vào với những vui buồn trần thế. Nào là Sơn Tinh, Thủy Tinh, nào là Vua cha, Mỵ Nương, nào là Ông Bụt, Sa Tăng… tất cả đều mang những tâm tính người, ái ố hỉ nộ người, tham sân si của giống người. Hòa Vang muốn nói rằng: suy cho cùng cõi người trần thế tuy khổ đau tục lụy khôn lường, nhưng vẫn là một nơi xứng đáng nhất để con người tha thiết với nó, sống chết vì nó. Chàng Sa Tăng đấy thôi, sau bao nhiêu năm theo hầu Đường Tăng sang Tây Trúc lấy kinh, những tưởng đốn ngộ chân lý nhà Phật, ai ngờ rốt cuộc lại đốn ngộ một cách thế tồn tại của đời mình: niềm hạnh phúc lớn lao nhất, chân thực nhất là được trở về với cõi người, được làm một kẻ chài lưới trên sông, sống với công việc, ước mong, hạnh phúc của một dân chài.
Hòa Vang hay nói đến hạt bụi người. Tập truyện mới đây nhất in khá bắt mắt có tên Hạt bụi người bay ngược. Tưởng hình ảnh này mới có. Nhưng hóa ra Hòa Vang đã có nó cách đây gần hai chục năm rồi. Trong truyện Nhân sứ, đoạn ba thày trò Đường Tăng tiễn Sa Tăng xuống núi có viết: "Như hơi ấm đã quần bám, đã đi theo từng bước chân người họ Sa xuống dần, xuống dần, tít tắp tận dưới kia - nơi đám bụi vẩn hồng hồng vừa khỏa lấp, vừa thâu nhận thêm một hạt bụi người…”. Thế ra, Hòa Vang đã suy tư về kiếp người theo lẽ ấy. Mỗi kiếp người như một hạt bụi, vậy thôi. Nghĩa là nhỏ nhoi lắm, vô danh lắm so với cái Vô Cùng, nhưng cũng lại không hẳn vô danh và nhỏ nhoi trong Cõi Người - Cõi Bụi. Hữu hạn và Vô hạn. Hiểu được như thế, mỗi người tự biết điều chỉnh bản thân mình sao cho đạt tới cái đẹp và cái tốt ở đời. Lớn lao như thánh thần giữa cõi Trời cao rộng, thì cũng vẫn chỉ là hạt bụi. Sơn Tinh, Thủy Tinh, Mỵ Nương… đều là hạt bụi cả.
Nhưng tại sao lại là những hạt bụi người “bay ngược”? Có phải cái chữ “bay ngược” là sản phẩm của một chút… điệu đàng? Đã có người chớm nghĩ thế. Mà nếu nghĩ thế, cũng chẳng phải là oan cho lắm. Đôi chỗ Hòa Vang cứ để cho nhân vật ăn nói như…diễn ấy. Nghĩa là hơi thiếu chân thực. Nhưng ở đâu chứ ở chỗ này Hòa Vang không phải vậy. Tôi có đem chuyện này ra vân vi với Hòa Vang, được anh cho biết: Có lần, anh vào một ngôi chùa lớn ở miền trung Nam Bộ, tự nhiên anh vớ được câu này: "Hoa nào cũng có hương. Hương hoa nào cũng bay xuôi theo chiều gió. Chỉ thật Tâm Hương mới bay được ngược chiều gió”. Tự thấy nghĩa lý sâu xa quá. Sự tâm đắc chí lý ấy dẫn anh đến cái tứ: Hạt bụi người bay ngược. Nghe đến đây thì tôi hiểu. Hạt bụi nào chẳng bay xuôi theo chiều gió. Chỉ những hạt bụi có tâm mới có khả năng bay ngược, bay ngược để về với cõi Đẹp và cõi Thiện. Dĩ nhiên, hành trình bay ngược bao giờ cũng nhọc nhằn. Vì thế, hành trình về với cái đẹp và cái thiện được hiểu là một quá trình giác ngộ, là sự thử thách, để rồi khi đạt được, cái thiện cái đẹp mới bền vững và có khả năng lan tỏa, phát sáng. Vẫn trở về với nhất quán Hòa Vang.
Không phải ngẫu nhiên mà những truyện thành công nhất của Hòa Vang đều được gợi tứ từ huyền thoại gốc, hoặc là từ vốn văn hóa văn học truyền thống (Nhân Sứ, Bụt mệt, Sự tích con lợn ống tiền…, và đỉnh cao là Sự tích những ngày đẹp trời). Nhất quán trong một trường nhìn cổ tích, Hòa Vang đã hướng về lưng vốn văn hóa truyền thống mang tính cổ tích làm đối tượng khám phá. Mượn cách nói trong âm nhạc, anh đã biến tấu trên chủ đề cổ tích. Cũng là cách… bay ngược, bay ngược về nguồn cội. Trước các giá trị nguồn cội tưởng như đã ổn định, anh nghĩ lại, đánh giá lại dựa trên những khai phóng tư duy của con người hiện đại. Nếu quá khứ là một văn bản tĩnh thì Hòa Vang đọc lại văn bản ấy với một ngữ nghĩa mới, đem lại cho văn bản một hàm nghĩa sống động, mới mẻ. Điều này cũng giải thích vì sao văn Hòa Vang ham triết lý. Trên cơ sở văn bản gốc ấy, anh xây dựng những ngữ nghĩa mới, suy tưởng về nó ở một chiều sâu mới. Văn anh có được phẩm chất khai sáng. Bảo văn Hòa Vang kén người đọc có lẽ do từ cái điểm này. Bởi người đọc Hòa Vang ít nhất cũng cần phải có một vốn liếng tri thức văn hóa tương tự làm nền.
Cũng chính vì thế, nên mới có thể cắt nghĩa vì sao số lượng loại truyện phóng tác hoặc khai thác những huyền thoại xưa, những “sự tích” cũ chiếm phần lớn trong sáng tạo của Hòa Vang. Cũng bởi thế, hễ ai một lần bước vào thế giới nghệ thuật Hòa Vang đều cùng một ấn tượng: có rất nhiều yếu tố kỳ ảo. Có thể nói, sử dụng yếu tố kỳ ảo trong đời sống văn học hiện đại ở Việt Nam không phải chỉ có riêng anh. Người ta tìm thấy cái kỳ ảo trong Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương… Chắc chắn cách sử dụng ở mỗi người mỗi khác (điều này cần phải nghiên cứu mới có thể nói được). Hòa Vang đã sử dụng những yếu tố kỳ ảo vốn có từ mẫu gốc, cộng thêm với những cái kỳ ảo do tưởng tượng mà thành. Đây cũng là cách để đem lại cho hình tượng nhân vật tính khái quát cao, đa tầng về ngữ nghĩa, mang tính biểu tượng.
Xét về số lượng, Hòa Vang viết không nhiều. Ngoài cái mảng khai thác huyền thoại được coi là thành công nhất, Hòa Vang còn viết loại truyện hiện thực, hướng trực tiếp vào cuộc sống. Ở loại truyện này, có mấy nhân vật được lặp đi lặp lại nhiều lần: cái gã (lắm lúc được gọi bằng y) nhà văn ngu ngơ, người vợ vào vai đáo để, người ông tên Trung, đứa con tên Y Vân, người mẹ trẻ tên Liên, và cả mấy đứa cháu ruột rà có tên không tên của họ. Chẳng ai lại ngớ ngẩn mà cho rằng đó chính là toàn bộ các thân quyến có thực từ cái gia đình lớn của Hòa Vang. Nhưng có một điều đoan chắc rằng, đâu đó không ít bóng dáng những người thân yêu trong gia đình Hòa Vang và bản thân Hòa Vang được hóa thân vào khá nhiều nhân vật. Từ tên tuổi, bộ dạng, tâm tính, nghề nghiệp, đến các biến cố thăng trầm… đủ cả. Có những truyện có vẻ như là chuyện thực của hai đứa con anh từ khi chúng còn thơ bé (Gióng chắn). Có truyện viết cứ như là tự trào về “hai vợ chồng tôi - một gã nhà văn cỡ con bọ cạp và bà nhà giáo cỡ ưu tú hay cãi nhau vặt vì tiền” (Ông vàng cười). Lại có những truyện cứ như thể lôi cả cái tai nạn nghề nghiệp lớn bé của đời tác giả vào thì phải (Hư ảnh)…Với những “hạt bụi người” này, Hòa Vang viết hay nhất là về lũ trẻ. Những tình con đối với mẹ với cha, tình cháu đối với ông bà, và ngược lại; tình con trẻ giữa bầy con trẻ… được Hòa Vang viết với một tấm tình vô cùng trìu mến và cảm động. Khi viết về lũ trẻ, ngòi bút anh cứ quấn quít, cứ muốn nán lại mãi mà ngắm nghía, mà cưng nựng, mà vẽ tạc nắn nót hình hài chúng từng nét một. Trẻ con cũng là một thế giới thiên thần, thế giới của muôn màu cổ tích. Chả thế mà mỗi khi chạm đến chúng, ngòi bút anh cứ rưng rưng lên là phải. Lúc ấy cái tấm lòng con trẻ thần tiên trong anh lại được hồi sinh. Có phải ghi nhận điều này ở Hòa Vang không mà nhà thơ Trần Lê Văn có lần đã tặng anh bốn chữ: “Xích tử chi tâm” (tấm lòng con đỏ). Suy rộng ra, đó chính là tấm lòng cổ tích, hồn văn cổ tích. Hòa Vang viết gì cũng vậy, vẫn cứ hiện nguyên hình một HỒN VĂN CỔ TÍCH.
Trong truyện Nhân sứ, Hòa Vang để cho nhân vật Sa Tăng nói chuyện với đấng Như Lai về những đám bụi mặt trời mà như tự vấn chính mình: “Thử hỏi muôn triệu sinh linh ấy, sau khi tan biến, liệu có để lại chút xíu dư vị hơn một hạt muối”. Lại trong truyện Sự tích những ngày đẹp trời, Hòa Vang cho thấy sức mạnh khôn lường của những “bụi nước ấm” - bụi muối Thủy Tinh đã cầm tù vĩnh viễn Mỵ Nương vào tấm lưới ái tình ngọt ngào khốn khổ (tôi hình dung lúc đến chỗ này, có vẻ như Hòa Vang đã phải nặng nhọc đưa bút dứt khoát hạ một câu văn tê tái: “Nàng đã không thể sống như đã sống”).
Văn Hòa Vang chẳng phải đã có được một chút quyền uy của bụi - muối - Thủy - Tinh đó sao!
Ngày Tết mùng Ba tháng Ba năm Bính Tuất


(Nguồn: Văn Nghệ số 14/2006, ra ngày 8/4, có một số đoạn tác giả mới bổ sung)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét