Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Sài Sơn

...
Mình đã đi chùa Thầy mấy lần và đã có entry về chùa này trên blog cũ. Nhưng mới chỉ đi vào chùa Thiên Phúc Tự là chùa lớn ở chân núi chứ chưa lên đỉnh Sài Sơn cũng như các chùa trên núi. Rồi cuối cùng cũng thực hiện được công quả.

Sau khi leo núi Câu Lậu thăm chùa Tây Phương xong, qua đình Hữu Bằng và một vài nơi thì trên đường về qua Sài Sơn. Đinh ninh là mình sẽ vào được lối cũ, không ngờ con đường rẽ quanh co ra đằng sau núi.


Thấy một cái ao trong veo, trẻ con bơi oàm oạp, phụ nữ giặt chiếu bên bậc đá, bên kia là mấy cái nhà sàn rõ kiểu dân nhà giàu mua về dựng lại làm nhà nghỉ đồng quê. Thật đáng giá làm sao, nhà ở vào cái thế như đất công viên. Đi một đoạn thì thấy rẽ vào chùa Một Mái.


Chùa Một Mái có tên là Bối Am. Mặc dù cũng trong quần thể chùa Thầy nhưng nó nằm đằng sau núi Sài Sơn và đường đi qua núi rất khó đi. Mình không tưởng tượng là khó đến mức nào, phải chốc nữa mới thấm thía. Cổng chùa bé, có con đường gạch giữa hàng duối xén thẳng tắp, hàng cau thật phong lưu, cứ như là "dắt em vào cõi Bác xưa".


Gọi là Một Mái vì gian thờ chính áp vào hang núi, chỉ có một mái dốc phía trước. Trên hình thì chỗ đó là đằng trong cùng. Chùa có vẻ mới được trùng tu lại nên vuông thành sắc cạnh, đến cả sư trụ trì cũng chắc chỉ đầu ba.


Nhà tăng hệt như một ngôi nhà trung nông, có hàng phên nứa trông ra mảnh sân gạch, có mấy cây ăn quả. Trừ việc có mấy cái tháp mộ thì hơi ghê rợn. Dưới chân núi cạnh đường lên chùa có hang Bò, thử mò vào mà phải ra ngay vì tăm tối và lạnh toát, lại trống trơn, thật là đáng sợ.


Tam bảo chùa Một Mái dựng trên các bậc hang đá. Nhũ đá vẫn còn nước rỏ xuống sàn.


Chắc người ta cũng đã nắn chỉnh nhiều để thành ra bố cục khá đăng đối. Những tấm bia đá làm cho không gian có vẻ đáng tin là nơi đây không quá mới.

Qua chùa Một Mái là đến Khe Gió, hoặc Hang Gió. Nghĩ đến lại một cái hang lạnh như địa ngục thì mình chối nhưng bà bán hàng cạnh đấy bảo sáng mà.


À, thì ra Khe Gió là khe hút gió thật. Đơn giản là một cái hẻm núi bé xíu nhưng cũng thành địa điểm.


Cũng như hang chùa Một Mái, những tấm bia đục vào vách đá là thứ cũng làm cho chỗ này có vẻ đã được chinh phục hẳn hoi.

Lẽ ra lộ trình ngược hướng này như hôm mình đi là lên hang Cắc Cớ, nhưng vì thường bà con sẽ đi xuôi từ chùa dưới lên chùa Cao. Mình sẽ tả theo hướng đó cho thuận. Cái phần hồi hộp thì dành sau chót. :-)


Chùa Cao tên là Đỉnh Sơn Tự, nằm quây quần thành một cụm ở lưng chừng núi. Cây cối um tùm xung quanh làm cho không khí rất liêu trai chí dị. Nhưng chỉ toàn người bán hàng mời mua vòng, khánh với quạt, những thứ đầy chợ Đồng Xuân. Chùa cũng đẹp, lẽ ra có view nhìn xuống toàn cảnh hồ và chùa dưới nhưng cây rậm rạp quá. Hỏi một chị thợ ảnh nếu em muốn chụp cảnh dưới thì làm sao? Chị bảo mấy lần thợ chụp ảnh nghệ thuật dự thi ấy, toàn chui ra cái mỏm kia. Chị chỉ vào cái bụi toàn thân cây hoa giấy. Mình le lưỡi, bảo toàn gai mà xa tít kia, bò bao giờ mới hết tán cây vướng. Thôi, không liều lĩnh. Sao người ta đã làm cả những cái đài chứa tượng Quan Âm to đùng cách mạng ngay trong sân mà không xây một cái lầu gì cho khách ngắm toàn cảnh và chụp ảnh lưu niệm nhỉ. Lúc đó thiếu gì cách kiếm tiền.


Cái chậu hoa kể cũng đặt khéo. Nhưng chùa Cao cũng không có gì đặc biệt, ngoài hang Thánh Hóa, tức nơi Từ Đạo Hạnh hóa thân. Cái đầu hồi này là cạnh ngõ vào hang.


Cổng vào hang Thánh Hóa. Nước chảy từ trên các nhũ đá đọng cả lối đi.


Trước cửa hang có một cây si rủ rễ xuống rất đẹp nhưng làm cho khung cảnh hơi ma quái. Nhất là khi đi vào mùa ít người tới, trong nắng chiều làm cho cảm giác cứ rờn rợn.




Bên vách đá có một hàng bia đá khắc chạm công phu, hoa văn tỉ mỉ, cũng như tạc hình con rùa đội bia nữa. Chỗ này quay phim cổ trang hơi bị hay.


Nhưng hanh Thánh Hóa thì dở vì sự hổ lốn của các tượng. Từ kiểu tượng hậu (người công đức được thờ ở đây), tượng tổ bằng đá đến tượng gỗ kiểu rối nước gắn la liệt trên vách đá, sau lại có 3 cái tượng Quan Âm và A Di Đà bằng sứ kiểu Trung Quốc bán ở chợ Hàng Khoai.

Từ hang Thánh Hóa và chùa Cao quay ra thì lên hang Cắc Cớ. Từ đây đường rất khó đi vì không có bậc rõ ràng. Hoặc là do mình đi ngược nên cảm nhận là vất vả như kiểu leo núi Yên Tử ngày trước.


Trời, leo lên hang Cắc Cớ thì phì phò tưởng hết hơi. Đang nắng chang chang, đi vào cửa hang thấy lạnh toát. Kinh dị thật. Mà đường xuống cứ sâu hun hút thế kia, những luồng hơi nước lạnh bốc lên ngun ngút. Đoàn người chủ yếu là thanh niên dò dẫm nối đuôi nhau bước xuống những bậc đá trơn nhãy. Mùa này ẩm ướt nên ít người đi. Thế mà cũng thấy có ít đâu. Chắc mùa lễ hội hay mùa khô thì chen nhau chăng?

Thuê cái đèn pin 5000 đồng, bước dò dẫm xuống. Ối chao ơi, cái tay vin bằng sắt đã gỉ, lại còn có đoạn mất cọc cứ rung rinh. Căng mắt ra nhìn hang trong hơi nước lạnh mù mịt. Cứ như chui vào địa ngục. Đúng là "con đường vô ngạn tối om om" (Hồ Xuân Hương). Thế mà cũng có đụn gạo, đụn thóc rồi nhũ đá hình tượng Phật Bà với đủ bát hương và nhang khói. Một chị nào như dân hướng dẫn địa phương thao thao nói. Nhưng nhìn vào sâu chỉ thấy lờ mờ những vách đá phía cửa đằng kia có ánh sáng dội lại giữa mù mịt sương khói. Thôi, quay ra cho khỏe. Lên đến cửa hang thấy vừa sợ vừa buồn cười. Ai nấy đều được cảnh báo là chẳng có gì nhưng ai cũng muốn vào cho biết.


Đường lên đỉnh núi tuy đẹp nhưng leo lúc 3-4 giờ thì nắng quái chiều rát cổ, đá lởm chởm đến phát sợ.


Và đây là đỉnh Sài Sơn nhìn xuống toàn cảnh chùa Thầy. Bên trên có một cái phiến bê tông đề "Nơi đây ngày ...năm 1941, cờ đỏ búa liềm đã được cắm". Đằng khu làng xóm giờ toàn là nhà bê tông mái bằng úp mái tôn lên. Phía xa là nhà máy xi măng đang mù mịt khói bốc về phía này.


Thủy đình bé nhỏ xinh xinh. Tiếc là hai cây gạo tạo dáng cho hàng bao nhiêu bức ảnh du lịch đã không còn. Ở VN mình chắc có Hồ Gươm có được nhiều ảnh chụp từ trên cao ngang thế này.

2 nhận xét:

  1. Ảnh đẹp quá!
    Cám ơn đã dành cho bạn đọc những bức ảnh tuyệt vời về một vùng Sài Sơn non nước hữu tình!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác đã đọc. Em thấy bài viết hay. Ta đi du lịch qua blog vậy.

      Xóa