Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

Neoclassicism

Neoclassicism -Tân cổ điển: Sắc sảo, thanh thoát, nhẵn bóng, và hoàn mỹ
Anh Nguyễn biên soạn
Sau MannerismBaroque, Rococo, chúng ta cùng tìm hiểu về phong trào Neoclassicism, hay Tân cổ điển.
Trào lưu Tân cổ điển thống trị châu Âu qua hai thế kỷ 18-19 thường được định nghĩa một cách gọn ghẽ: Tân cổ điển phủ định sự phù phiếm vô luân của Rococo, lấy cảm hứng từ nghệ thuật cổ điển Hy-La, chú trọng sự giản đơn và cân đối. Lý thuyết là thế, nhưng trên thực tế, các tác phẩm Neoclassicism phong phú, linh hoạt, và khó có thể “bỏ chung một rổ” như vậy.
Neoclassicism có phải là một phong cách duy nhất? Không. Ví dụ hai tác phẩm: tranh của Johan Tobias Sergel và tượng của John Flaxman có phong cách hoàn toàn khác nhau, một bên phóng khoáng, một bên nghiêm cẩn.
“Chìm vào tuyệt vọng,” của Johan Tobias Sergel, mực, 1795

“Apollo đồng nội,” của John Flaxman, gỗ và đá, 1824
Neoclassicism có phải là một chủ đề duy nhất? Không. Ví dụ hai tác phẩm: tranh của Charles Louis Clerisseau và tranh của John Hoppner, một lấy chủ đề thành Rome điêu tàn, một lấy chủ đề thần thoại lãng mạn.
“Căn phòng hoang phế,” của Clerisseau, phấn và màu nước, thế kỉ 18

“Jupiter và Io,” của John Hoppner, 1785
Neoclassicism có phải là một cảm xúc duy nhất? Không. Ví dụ hai tác phẩm: tranh của Pierre-Paul Prud’hon và tranh của Jacques-Louis David, một bức gợi tình mời gọi, một bức nghiêm trang giáo điều.

“Sự kết hợp của tình bạn và tình yêu,” của Prud’hon, sơn dầu, 1793

“Lời thề của ba con trai nhà Horatius,” của David, sơn dầu, 1784
Nếu ngây thơ mới tin rằng Neoclassicism là một hiện tượng nghệ thuật thống nhất cần phải bị triệt tiêu. Neoclassicism đa dạng đến mức việc tính toán ra một mẫu số chung gần như là vô nghĩa. Cần phải có một tinh thần cởi mở khi nghiên cứu và thưởng thức nghệ thuật Neoclassicism. Tuy nhiên có một số cột mốc đáng ghi nhớ bởi chúng đóng vai trò gieo những hạt giống Neoclassicism đầu tiên – những hạt giống này sẽ nảy thành muôn loại hoa trái khác nhau như ta đã nói ở trên.

Yếu tố quan trọng đầu tiên
 dẫn đến sự ra đời Neoclassicism chính là Kỷ nguyên khai sáng (the Age of Enlightenment). Nếu không có những tác phẩm triết học của Voltaire, Rousseau, và khoa học của Newton, sẽ không thể có Neoclassicism, bất kể các bà quý tộc Rococo có gây ngứa mắt tới mức nào! Nền tảng của Age of Enlightenment chính là lý trí – đối lập với truyền thống. Khoa học được suy tôn. Nghệ thuật Neoclassicism cũng theo gót và chú trọng hơn vào sự tỉnh táo, vào nghĩa vụ với tập thể, và cố gắng tiếp thu dáng vẻ đứng đắn. Nicolas Poussin thời Baroque với các tác phẩm chủ đề đạo đức được “lôi dậy” để học tập, còn các họa sĩ Rococo tất thảy đều bị tống vào xó! Thật là một cuộc Cách mạng văn hóa trong nghệ thuật.
 
Tượng đài Copernicus của Thorwaldsen tại Warsaw. Copernicus là nhà thiên văn học
có sự nghiệp gắn liền với thuyết nhật tâm (trái đất quay quanh mặt trời.)
Yếu tố thứ hai đóng vai trò hướng đạo cho Neoclassicism đến từ một cá nhân kiệt xuất – Johann Joachim Winckelmann, một hình tượng vĩ đại trong cả ba lĩnh vực: nghệ thuật, khảo cổ, triết học. Winckelmann được coi là cha đẻ của lý thuyết hội họa học, người đặt nền móng cho ngành khảo cổ hiện đại, và ảnh hưởng của ông lên Goethe, Nietzche, Lessing khiến có người cho rằng nước Đức thời Winckelmann hoàn toàn bị Hy Lạp thống trị về tư tưởng! Winckelmann không chỉ giúp diễn giải những phát hiện nghệ thuật Hy Lạp mà còn nâng đỡ Neoclassicism bằng một lý thuyết quan trọng: việc bắt chước trong nghệ thuật không thể bị đánh đồng là sự sao chép rẻ tiền. Việc Neoclassicism lấy cảm hứng từ nghệ thuật cổ điển là một hành động đáng học tập, đáng trân trọng, thậm chí cao quý! Ảnh hưởng về tư tưởng của Winckelmann lên nghệ thuật và tư tưởng của thời đại Neoclassicism là không thể kể hết trong một bài viết này.

Chân dung của Winckelmann, tác phẩm của Anton von Maron, 1768
Yếu tố thứ ba dẫn dắt Neoclassicism là một khát vọng đạt đến sự hoàn thiện. Các nghệ sĩ Neoclassicism yêu thích các đường nét sắc sảo, những hình khối rõ ràng, màu sắc tông lạnh điềm đạm, và đặc biệt là bề mặt tranh nhẵn bóng. Một tác phẩm Neoclassicism tinh túy sẽ không có đường cọ nào lộ ra. Đối với các nghệ sĩ Neoclassicism, cách tốt nhất để truyền tải tinh thần cổ điển là tạo ra các tác phẩm tương tự – hoàn mỹ, có khả năng chịu thử thách của thời gian mà không bị lạc mốt. Sự thanh thoát, giản dị nhưng hoàn hảo là cốt lõi của Neoclassicism, khác với Baroque nhiệt huyết sôi sục hay Rococo tình tứ nông cạn.

“Người phụ nữ tắm ở Valpincon,” của Jean-Auguste-Dominique Ingres, 1808

“Psyche hồi sinh nhờ nụ hôn của Cupid,” của Antonio Canova, 1786 – 1793
Về cơ bản, kiến trúc Neoclassicism đơn giản hơn hội họa và điêu khắc. Để nhận diện một tòa nhà Neoclassicism, hãy nheo mắt ngắm và tự đặt câu hỏi: ”Cái nhà này có âm hưởng đền Parthenon ở Athens hay điện Pantheon ở Rome không nhỉ?” Nếu có, có thể chắc 90% nó là một tòa nhà Neoclassicism. Các công trình chịu ảnh hưởng của trào lưu Neoclassicism vẫn được xây đều đều ngay bây giờ, mặc dù có thể được gọi bằng tên khác – New Classical architecture. Đối xứng, nhiều cột chạy dọc hết chiều cao của tòa nhà, mái chóp tù, voila, ta có một công trình mang vẻ đẹp phi thời gian.
 
Nếu không có dòng chữ “Equal justice under law”, khả năng bạn lẫn tòa nhà Tòa án tối cao của Hoa Kỳ với một đền thờ Hy Lạp là khá cao.
Neoclassicism thậm chí còn ảnh hưởng đến cả thời trang. Thay vì váy bồng hàng thước đính hoa, lông vũ, đá quý và những kiểu tóc cầu kỳ, những quý bà thời thượng trở nên thích thú với kiểu váy tunic, váy eo cao (empire waist), màu tông kem, trắng, và kiểu tóc ngắn xoăn ôm sát đầu. 


Người mẫu kiêm hình tượng thời trang của thời đại Neoclassicism – quý bà Recamier trong tranh của Jacques-Louis David.


Một bức tranh trích từ tạp chí thời trang ở Paris, 1808
Khép lại một Neoclassicism độc đáo, ta có thể rút ra một bài học nhỏ: vẻ đẹp cổ điển quả thực là vẻ đẹp vĩnh hằng. Hàng nghìn năm sau thời đại Hy-La, nhân loại vẫn không ngừng bị cuốn hút bởi những công trình đơn giản mà hùng vĩ, những chiếc váy buông rủ mềm mại của các nữ thần, và những câu chuyện kinh điển. Nghệ thuật Tân cổ điển, trong tất cả các phong trào ta đã và sẽ điểm qua, là phong trào hiện đại và sống bền nhất, hơn cả chính nghệ thuật Hiện đại!
(Có thể bạn đọc sẽ thắc mắc, nghệ thuật Tân cổ điển là sự sao chép của nghệ thuật Hy Lạp – La Mã, vậy chính ra nghệ thuật Hy Lạp mới là vẻ đẹp vĩnh hằng chứ! Trên thực tế, nghệ thuật Hy Lạp nguyên thủy khi còn lớp sơn trông sẽ như thế này:

Ảnh tái dựng lại màu sắc sơn trên một phần (nằm ở mặt bên hông)
 
của quách mộ liệm Alexander đại đế.
Vì vậy, tốt nhất chúng ta hãy tập trung ngắm nhìn hội họa Tân cổ điển và tạm quên về sự tồn tại của những bức tượng sơn sặc sỡ kia.)

 Nguồn soi.today

Mannerism

A. Mannerism: đứa em hỗn độn và vặn vẹo của Phục Hưng
Anh Nguyễn biên soạn
Nhắc tới Nghệ thuật Phục Hưng Ý thì không thể không nhắc tới ba tên tuổi Leonardo de Vinci, Michelangelo, và Raphael. Ai có chút kiến thức bỏ túi về hội họa cũng có thể kể ra Mona Lisa của Leonardo, trần nhà thờ Sistine của Michelangelo, và Raphael thì có… hai thiên thần hay xuất hiện trên hộp kẹo chocolate.
Hai thiên thần của Raphael
Không ít người sẽ thắc mắc vì sao một nền nghệ thuật Phục Hưng rực rỡ như vậy lại tàn lụi, phải chăng chỉ vì cái chết lần lượt của hai cây đại thụ Leonardo và Raphael vào năm 1519 và 1520?
Thực ra sự thoái trào của nghệ thuật Phục Hưng có một nguyên nhân sâu xa hơn: cuộc chiến tranh nước Ý 1521-1526, một trong một chuỗi các cuộc chiến được gọi chung với cái tên Italian Wars. Chiến tranh thường đẩy mạnh những phát triển về quân sự, song lại làm “tịt ngòi” nghệ thuật, đơn cử như việc Leonardo de Vinci không được dựng bức tượng đồng hình chú ngựa “Gran Cavallo” vì bảy mươi tấn đồng bị… huy động làm vũ khí bảo vệ thành Milan. Rome rơi vào tay Charles V, vua Tây Ban Nha, và nhiều thành bang khác của Ý cũng không còn tự do. Charles V vốn thích quyền lực hơn là hội họa, và đặc biệt không ưa các ông họa sĩ Ý. Chính trị, ở thời điểm nào, cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nghệ thuật. Khi Rome mất độc lập kéo theo cái chết của nghệ thuật Phục Hưng, các họa sĩ Ý phải tìm một đường đi khác.
Xét trong một chừng mực nào đó, mỗi trào lưu mới đều hoặc là học tập, hoặc là cải tiến, hoặc phản kháng lại trào lưu cũ, và thường là cả ba. Mannerism là trào lưu đến ngay sau thời kì Phục Hưng Ý đỉnh cao, và có không ít người thích nó hơn. Đối với họ, Phục Hưng tròn đầy quá, hài hòa quá, hoàn hảo quá, và… nhàm chán quá. Họ đã chán bố cục tam giác, tỉ lệ vàng, những thiên thần đẹp phi thực tế, khung cảnh hoành tráng; họ chán sự sắp đặt và điển tích của Phục Hưng. Nếu Phục Hưng là người anh cả chỉn chu, đầy thành tích, thì Mannerism là một đứa em ngỗ ngược và khó chiều.

“Trường Athens” của Raphael gồm các triết gia và danh họa từ cổ chí kim đặt trong một bố cục đối xứng, hai bên là biểu tượng suy tôn nghệ thuật của Hy Lạp và chiến trận của La Mã – nếu toàn bộ Phục Hưng Ý được tóm tắt bằng một bức tranh thì đó ắt hẳn phải là bức này.
Cái tên Mannerism bắt nguồn từ maniera trong tiếng Ý – khi dịch ra tiếng Việt có thể mang nghĩa trung lập là phong cách, song chính xác hơn phải gọi Mannerism là Trào lưu kiểu cách. Vì Mannerism quả thật là một trào lưu nghệ thuật kiêu kỳ và có phần… phách lối (đối với những người ghét Mannerism). Để người chưa biết nó thì hiểu nó, để người chưa thích nó chuyển sang yêu nó hơn, hãy cùng tìm hiểu một vài đặc điểm của Mannerism.
Trước tiên, sự khác biệt cơ bản giữa Phục Hưng (Renaissance) và Mannerism là Phục Hưng lấy cảm hứng từ thiên nhiên, còn Mannerism lấy cảm hứng từ… Phục Hưng. “Người anh” Phục Hưng lý tưởng hóa thiên nhiên, vẽ mọi thứ thật đẹp rồi đặt gọn gàng cạnh nhau sao cho thật vừa mắt. “Người em” Mannerism tung hê hết những trật tự của Phục Hưng, tạo ra sự hỗn độn, căng thẳng, xung đột. Một lợi thế của Mannerism: tất cả mọi kĩ thuật vẽ người, vẽ động vật, cỏ cây, vẽ ánh sáng, bố cục, Phục Hưng đã trau giồi cho hoàn hảo, Mannerism chỉ việc kế thừa. Những người ghét Mannerism thường viện dẫn lý do quen thuộc: không có gì giống thật cả! Tuy nhiên các họa sĩ Mannerism không phải là không thể vẽ giống thật, mà là vì họ… không muốn.
Trong tranh Mannerism, nhiều nhân vật nhìn như bị… tra tấn. Cũng dễ hiểu, những tư thế đấy không thể thực hiện trong đời thật! Các nhân vật trong tranh Phục Hưng duyên dáng, ung dung, thì các nhân vật của Mannerism vặn vẹo, uốn éo như rắn – phong cách này có tên gọi là Figura Serpentinata (tiếng Latin: hình rắn). Nó rất giống với contrapposto, tư thế xoay người cổ điển của hội họa, song Mannerism đẩy nó lên cao độ để diễn tả cảm xúc tâm lý của nhân vật thêm phần sôi nổi. Cảm hứng số một của các nhà Mannerist là nhóm tượng Laocoon.

David của Michelangelo trong tư thế contrapposto


Laocoon và hai con trai bị rắn biển cuốn chết vì dám tiết lộ về con ngựa gỗ thành Troy

Để có thể đạt được Figura Serpentinata, các họa sĩ Mannerism chỉ có một cách: kéo dài chân tay, thân thể các nhân vật trong tranh! Vì thế, trong tranh Mannerism, ta thấy mọi người như bị “phẫu thuật” nối chi vậy. Hãy cùng ngắm Đức Mẹ cổ dài của Parmigianino (Madonna with the long neck)

Parmigianino (chú nhỏ đến từ Parma) không phải là người duy nhất thực hiện Figura Serpentinata, nhưng bức tranh Đức Mẹ cổ dài là ví dụ nổi tiếng nhất cho phong cách này. Trong tranh, Đức mẹ có cái cổ dài như cổ thiên nga. Trung bình đầu của một người chiếm cùng lắm 1/8, 1/9 chiều dài cả cơ thể, song ở đây đầu của Đức Mẹ chiếm có lẽ chỉ 1/11, 1/12. Những ngón tay dài mảnh khảnh một cách bất thường của Đức Mẹ thậm chí còn khiến nhiều người phỏng đoán xem người mẫu có phải bị hội chứng Marfan không (hội chứng khiến người bệnh rất cao, chi và các ngón tay dài.) Một lời giải thích hợp lý hơn là Parmigianino bị hội chứng Mannerism mà thôi.
Trong bức tranh trên, Chúa hài đồng nằm trong lòng Đức Mẹ cũng dài và to hơn hẳn đứa trẻ sơ sinh bình thường. Mắt Chúa nhắm nghiền song tư thế lại như sắp rơi xuống đất, nhồi nhét bên trái là một nhóm thiên thần gương mặt nhớn nhác, một cái chân thò vào khung hình bên trái, một hình người bé xíu bên phải (thánh Jerome) – sự hài hòa êm ả của Phục Hưng đã hoàn toàn biến mất. Nhìn vào tranh ta thấy sự căng thẳng, khuấy động, bố cục tranh chật hẹp tạo cảm giác bức bối, các nhân vật như không chịu đứng yên. Nếu mục đích của Parmigianino là tạo ra một bức tranh Đức Mẹ và Chúa hài đồng gây cảm giác xáo trộn nhất có thể, thì ông đã thành công.
Giờ có bài tập nhỏ: bạn thử xem tranh của El Greco, Francesco Salviati, Domenico Beccafumi để xem lại những đặc điểm của Mannerism mà bài này đã nêu, trước khi bước vào những đặc điểm khác của Mannerism, ở bài sau.

B. Mannerism: lạnh lùng, lắt léo, và… đẹp 

Rococo

Rococo: qua bao nhiêu ghét bỏ vẫn phù phiếm, mỹ miều
Anh Nguyễn
Vào năm 1960, Hội nghị quốc tế về tên gọi các thời kỳ nghệ thuật được tổ chức tại Rome. Trong số hai mươi bài thuyết trình được đọc, ba luận văn được dành hoàn toàn cho phong trào Rococo. Tất cả các bài viết đều được tổng hợp trong cuốn Manierismo, Barocco, Rococo (MannerismBaroque, Rococo), xuất bản vào năm 1962. Nói như vậy để thấy rằng xung quanh việc thừa nhận tính chính thức của Rococo như một phong trào đích thực cũng có không ít nghi vấn và tranh cãi.
Rococo nảy sinh từ Baroque nhưng lại đối lập lại với Baroque, rồi sau này đến phiên Rococo lại bị Neoclassicism phủ định và thay thế. Bị kẹp giữa, Rococo không trang trọng lộng lẫy như Baroque, không đứng đắn nghiêm nghị như Neoclassicism, và thiếu hẳn tính đạo đức của cả hai. Rococo là hoa lá, đùa cợt, lung linh, phù phiếm, gợi tình đúng như một người đàn bà Pháp thế kỷ 18 chỉ thích trang điểm, mặc đẹp, xem hát, chơi bời. Đương nhiên vì thế Rococo vừa được yêu chiều, vừa bị ghét bỏ.
Nhà văn Leigh Hunt đã viết: "Mớ hỗn độn gọi là rococo nói chung là đáng khinh bỉ… Một con vẹt đã sáng chế ra tên gọi ấy, và thứ nghệ thuật đó rẻ tiền đúng như hắn vậy.” (1755) Nhưng bất chấp sự chê trách và dèm pha, giờ đây Rococo đã được  thừa nhận là một phần không thể thiếu của hội họa Pháp.
Bộ phim “Marie Antoinette”(2006) của Sofia Coppola 

thâu tóm khá toàn vẹn tinh thần của Rococo từ nội thất, ẩm thực, thời trang, lối sống…


Sự xa xỉ quá độ của giới quý tộc Pháp, đối lập hẳn với cảnh lầm than của dân thường, dẫn đến Cách mạng Pháp; cuối cùng hoàng hậu Marie Antoinette, với lối tiêu pha hoang phí, đã bị xử tử trên máy chém vào năm 1793. Rococo cũng theo đó mà chết dần mòn. Sự lên xuống của chính trị và nghệ thuật luôn luôn song hành với nhau, mặc dù có thể cần một thời gian dài để nhận ra mối liên hệ đó.
Ra đời trong nhung lụa và thừa thời gian
Để tìm hiểu ngọn nguồn của phong trào Rococo, như thường lệ, ta cần nhìn sâu hơn vào bối cảnh chính trị-kinh tế-xã hội của nước Pháp vào thế kỉ 18. Louis XIV, hay còn được biết đến với danh hiệu Louis Đại Đế, hay Vua Mặt Trời (le Roi Soleil) là vị vua có thời kỳ trị vì dài nhất trong lịch sử Pháp (72 năm) và là một trong những nhà chinh phạt lớn. Dưới tay ông, cung điện Versailles với kiến trúc Baroque hoành tráng trở thành biểu tượng cho quyền lực hùng mạnh của đế chế Pháp, và thành kiểu mẫu cho hàng ngàn lâu đài trên khắp châu Âu. Người kế vị Louis XIV là đứa chắt 5 tuổi. Nếu Louis XIV đã thiết lập một nền tàng tuyệt vời cho nước Pháp, thì tiếc thay nó lại bị phá tan tành trong 59 năm trị vì của Louis XV. Yên tâm hưởng lạc, ngủ quên trên danh vọng, giới quý tộc Pháp chăm chú vào lạc thú thay vì cải tổ bộ máy kinh tế. Đội quân tinh nhuệ mà Louis XIV từng chỉ huy một cách tài ba cũng nhanh chóng rệu rã và thảm bại trước quân Phổ và quân Anh. Rococo được thai nghén trong giai đoạn “ăn chơi” và nuôi nấng nhờ hai thứ: tiền của và thời gian – những điều mà giới quý tộc luôn thừa thãi.

“Chân dung quý bà Pompadour”, của Francois Boucher, 1756.
Quý bà Pompadour là ái phi của Louis XV và cũng là gương mặt tinh hoa của nước Pháp thời kì này, ít nhất về phong cách thanh lịch và quyến rũ. Từ nhỏ bà đã tự rèn luyện để làm nhân tình “chuyên nghiệp”, và thành công rực rỡ khi trưởng thành – là người tình được yêu quý nhất của Louis XV. Quý bà Pompadour có vai trò quan trọng tác động đến các quyết định chính trị của đức vua, và là người bảo trợ cho triết học, nghệ thuật, kiến trúc, đặc biệt là các tác phẩm Rococo. Nhờ có bà mà Paris trở thành kinh đô thời trang và văn minh bậc nhất châu Âu – ảnh hưởng đó vẫn có thể được cảm nhận tới ngày nay. Những bức tranh Francois Boucher vẽ bà đã góp phần lớn giữ gìn tình yêu của nhà vua dành cho bà, ngay cả khi nhan sắc của Jeanne Antoinette Poisson (tên thật của quý bà Pompadour) đã phai tàn.
Phong cách duyên dáng, chủ đề khêu gợi
Khi đánh giá về nghệ thuật châu Âu, có thể thấy chúng sẽ tuân theo một trong hai khuynh hướng. Một là khuynh hướng “cổ điển” (classic) – hãy nghĩ tới nghệ thuật Hy Lạp, đối xứng, đồng đều, hài hòa, bình thản. Hai là khuynh hướng “lãng mạn” (romantic) – hãy hình dung ra nghệ thuật Gothic, hữu cơ, thay đổi, nhiều năng lượng, giàu tình cảm. Rococo hiển nhiên thuộc về loại thứ hai.
Trên thực tế, các nghệ sĩ Rococo thường ưa thích các motif không cân xứng – một điều hoàn toàn mới trong nghệ thuật, bởi trước đó sự đối xứng tuyệt đối mới là điều kiện tiên quyết của cái đẹp. Từ Rococo là sự kết hợp của hai từ tiếng Pháp rocaille (đá) và coquilles (vỏ sò) – hai motif trang trí được ưa chuộng nhất. Trong cuốn Der Stil, nhà phê bình kiêm kiến trúc sư Gottfried Semper cho rằng hội họa Rococo bắt nguồn từ những nhà làm gốm ở Dresden, và họ mang phong cách đó tới điện Versailles. Một nhà phê bình khác, Von Zahn lại cho rằng khi một công chúa người Saxon kết hôn với Hoàng thái tử Pháp năm 1747, nhà làm gốm Kandler đã tặng cho nàng những món đồ Rococo làm quà. 


Lọ hoa phong cách Rococo bằng cobalt, dát vàng, mặt sứ hình hoa vẽ tay, 

cuốn quanh là các lá khuynh diệp bằng sứ (Paris)

Trụ nến bảy nhánh phong cách Rococo bằng đồng.
Một quan điểm phổ biến về nghệ thuật trang trí cho rằng những tác phẩm đơn giản nhất cũng sẽ thường ưa nhìn nhất. Điều này rõ ràng không thể áp dụng vào Rococo. Tiếc thay, sự duyên dáng, mơ mộng, và tính nghệ sĩ gộp lại không cho phép Rococo sản sinh ra một công trình kiến trúc nào đáng được coi là vĩ đại. Các tác phẩm Rococo tiêu biểu luôn là những tác phẩm cỡ nhỏ: tranh, tượng, nội thất, vườn tược. Yếu tố kiến trúc mang tính Rococo thường chỉ có những khung cửa sổ hơi cong cong thành hình mái vòm, chút trang trí thạch cao hoặc khắc gỗ, và vài đường sắt uốn hình hoa nho nhỏ. Vì sao? Đơn giản là khi giới quý tộc chuyển từ Versailles về Paris, các lâu đài ở Paris đã… được xây xong từ lâu, chỉ còn chỗ cho những thay đổi về mặt trang trí.
Một nhà nội thất Rococo, khi lãnh nhiệm vụ trang trí một căn phòng, sẽ biến nó thành một tác phẩm Rococo hoàn chỉnh, đồng bộ từ tranh tường, gờ tường, trần nhà, cột, gương, bàn ghế, thảm, bộ ấm trà, chén đĩa, v.v… Sự nhẹ nhõm, tinh tế, vui tươi trong các món đồ nội thất là tính chất chủ đạo của thời kỳ này. Các yếu tố thiên nhiên, trang trí rậm rạp, các mảng màu pastel ngọt ngào khiến một căn phòng Rococo có nét duyên đặc biệt dễ nhận ra. Bất chấp việc nước Anh Cát Lợi và Pháp ghét nhau như chó với mèo, phong cách Rococo vẫn được dân Anh chào đón nồng nhiệt và ứng dụng vào các món đồ bạc, đồ sứ, đồ lụa. Hơn cả một phong cách, Rococo là một lối sống.
Một căn phòng mang phong cách Rococo, 

đặt tại bảo tàng Nissim de Camondo, Paris.
Sau phong cách, các chủ đề Rococo được ưa chuộng thường luôn có tính khêu gợi. Có thể nói không quá rằng nhiều bức tranh Rococo đáng được xếp vào dạng soft core porn – một cách để giới quý tộc vừa thỏa mãn nhu cầu xem, nhìn, ngắm da thịt mà vẫn được coi là “thưởng thức nghệ thuật.” Các chủ đề Rococo thường rơi vào ba loại chính:
1. Cảnh giới quý tộc ăn chơi nhảy múa trong các “khu vườn thượng uyển”, một dạng địa đàng nơi trần tục. Yếu tố sex trong những bức họa này chưa nhiều nhưng đã thấp thoáng, kể cả khi đội lớp vỏ ngây thơ.
“Bài học yêu,” của Jean Antoine Watteau, 1716
Jean Antoine Watteau được biết đến nhất nhờ những bức tranh mô tả một nhóm người mặc đồ đẹp, tụ tập trò chuyện, ca hát, đùa vui trong một khu vườn thơ mộng kiểu công viên. Chủ đề này có tên là fete galante (bữa tiệc hẹn hò). Khi Watteau đâm đơn xin gia nhập trường Mỹ thuật, phong cách của ông còn chưa được định nghĩa vì chưa có ai trước ông thực hiện nó; vì vậy, trường Mỹ thuật đã sáng tạo cụm từ fete galante để gọi phong cách này thay vì từ chối nhận ông. Fete galante thỏa mãn được hai mục tiêu lớn nhất của Watteau: giới quý tộc (những người được miêu tả đẹp đẽ trong tranh) là những người cấp tiền cho ông làm việc, còn giới học thuật mà ông muốn gia nhập yêu cầu chủ đề tranh phải có tính…huyền ảo, lịch sử. Sau giai đoạn Baroque vốn nặng nề các bài học tôn giáo, đạo đức, fete galante là một sự trung hòa hợp lý cho Rococo – không quá hư hỏng nhưng cũng không quá nghiêm trang!
“Cô bé chơi với chó cún,” của Fragonard, 1765. “Cô bé” này ăn mặc như Maja khỏa thân của Goya và tư thế vừa ngây thơ vừa gợi tình như nữ sinh trong truyện hentai Nhật.
“Cô bé” này ăn mặc như Maja khỏa thân của Goya, còn tư thế thì vừa ngây thơ vừa gợi tình như nữ sinh trong truyện hentai Nhật. Đáng nói là Fragonard vẽ không ít tranh có chủ đề tương tự với cách thể hiện còn bạo dạn hơn. Có hai khả năng xảy ra: một là họa sĩ bị ám ảnh với chủ đề này, hai là chính giới quý tộc ưa thích đặc biệt hình ảnh đó và Fragonard chỉ phục vụ nhu cầu khách hàng.
2. Cảnh giới quý tộc yêu nhau, tán nhau, hẹn hò nhau – một cái cớ hoàn hảo để các họa sĩ đưa vào tranh vẻ đẹp hình thể, trang phục, thiên nhiên, sự lãng mạn. Yếu tố sex trong những bức tranh dạng này đã rõ rệt hơn, và sự che đậy bằng quần áo càng khiến nó trở nên lộ liễu.
“Nụ hôn trộm,” của Fragonard, 1780. Người mẫu nữ trong tranh chính là… con gái của Fragonard (tự hỏi không biết người mẫu nam là ai?)


“Cái đu,” của Fragonard, 1767. Chàng công tử nằm trong bụi rậm để… nhìn trộm dưới váy của cô tiểu thư. Bức tượng thần ái tình Cupid vừa như làm chứng, vừa là đồng lõa. Bức tranh này được Fragonard thực hiện cho một nhà quý tộc – người muốn có một bức tranh vẽ tình nhân của mình ngồi trên chiếc đu.
3. Các câu chuyện thần thoại: cái cớ thuyết phục nhất để các họa sĩ có thể thỏa sức vẽ các thân hình nude trong các tư thế khêu gợi nhất có thể.
“Phòng trang điểm của Venus,” của Boucher, 1750


“Leda và thiên nga,” của Boucher, 1741.
Ắt hẳn ai đọc thần thoại Hy Lạp cũng biết chú thiên nga bệnh hoạn này chính là thần Zeus đang tòm tem với Leda. Chủ đề Leda và thiên nga là một trong những chủ đề gợi dục nhất trong tranh thần thoại, nhưng Boucher đã đưa nó lên một tầm “đồi trụy” mới.
Một số ví dụ khác của nghệ thuật Rococo:
Điêu khắc
“Thơ ca và âm nhạc,” của Claude Michel, 1774

Âm nhạc
Ngày nay Rococo đã qua từ lâu song những dư âm của nó vẫn còn vang vọng. Những tác phẩm Rococo Revival dựa trên trào lưu Rococo vẫn được sản xuất và ưa chuộng. Cũng dễ hiểu vì con người – loài động vật thích hưởng thụ, vẫn luôn dễ mềm lòng trước vẻ đẹp nhẹ nhàng, thư thái, mơ mộng. Rococo không bận tâm tới tính thiết thực, Rococo chỉ đơn thuần là đẹp và đẹp hơn. Vì vậy, Rococo có khả năng đưa người xem vào một thế giới thần tiên tách khỏi cuộc sống nhiễu nhương và khô khan thường ngày.

Những sản phẩm hiện đại lấy cảm hứng từ Rococo:
Giày Roger Vivier


Bánh cưới (các chi tiết vàng và ngọc trai được làm từ thực phẩm)



Nước hoa Fragonard đặt theo tên của danh họa
Nguồn: soi.today

Đọc thêm

Baroque

Baroque: huy hoàng, lồ lộ, gây xúc động.
Anh Nguyễn biên soạn

Nếu tôi hỏi bạn rằng “Bạn có phải là fan của âm nhạc Baroque hay không?”, có thể bạn sẽ ngần ngừ trước khi trả lời. Nhưng nếu tôi hỏi lại, rằng bạn đã bao giờ nghe tổ khúc Bốn mùa của Vivaldi, hoặc các trích đoạn giao hưởng của Bach và Pachelbel trong vô vàn bộ phim thương mại, từ Twilight đến Cô nàng ngổ ngáo, trong các buổi lễ khánh tiết, trong các đám cưới, trong các bài biểu diễn trượt băng, và bạn gật đầu, thì xin chúc mừng, bạn đã được tiếp cận với âm nhạc Baroque một cách vô thức rồi đó. Thật tuyệt vời khi nhận ra rằng các trào lưu nghệ thuật của quá khứ thật ra chưa bao giờ mất đi và bị lãng quên hoàn toàn, mà chỉ đơn giản được ẩn đi và vẫn lặng lẽ tô điểm cho cuộc sống của chúng ta theo những cách bất ngờ nhất.

Nếu tìm về ngọn nguồn xuất xứ của từ Baroque, ta cần thăm nàng tiên ngọc trai. “Baroque”, hay barroco, là từ chuyên dụng để chỉ những viên ngọc trai có hình dạng méo mó, không cân xứng hoàn hảo với hàm ý chê bai. Và nghệ thuật Baroque cũng bị chỉ trích vì sự thừa thãi, quá đà của nó. Nhưng nếu ngọc trai Baroque có giá trị đặc biệt chính nhờ sự khác thường thì nghệ thuật Baroque cũng như vậy.

Cũng như Mannerism, Baroque, đứa em út, tiếp tục “được” so sánh với Phục Hưng điềm tĩnh, cân xứng, và sự cầu kì, điệu bộ, xa hoa của Baroque bị coi là diêm dúa, quê mùa. Song giữa vô vàn những viên ngọc trai Baroque đã chìm vào lãng quên, ta còn lại các bản giao hưởng của Bach, truyện Don Quixote, cung điện Versailles, đài phun nước Trevi, và còn nhiều ví dụ khác nữa. Trong bài hôm nay, hãy cùng thưởng thức một góc cạnh của Baroque: nghệ thuật.


Mặt dây chuyền trang trí hình thần biển với một viên ngọc trai Baroque làm thân người,
gắn thêm ngà voi, vàng, đá quí, tráng men. Khoảng 1680, Hà Lan.

Martin Luther
Không khác với Mannerism, một phần quyết định tính chất của nghệ thuật Baroque là yếu tố chính trị. Khi Martin Luther viết những tác phẩm đầu tiên chỉ trích giáo hội công giáo vào năm 1517, ông đã bắt đầu một chuỗi sự kiện có tính chất bước ngoặt trong bộ mặt chính trị thế giới. Nhờ có ngành in mới phát triển, ảnh hưởng của chúng càng lan rộng. Để phòng thủ-tấn công, giáo hội Công giáo một mặt vừa cải tổ bên trong, một mặt nhấn mạnh lại những học thuyết, tìm cách gây dựng lại sự sùng kính của các tín đồ.




Hội đồng Trent
Nghệ thuật chính là trợ thủ đắc lực của nhà thờ trong trận chiến đó. Hội đồng Trent, dẫn đầu bởi giáo hoàng Paul III, thành lập năm 1545, quyết tâm sử dụng nghệ thuật như một công cụ hữu hiệu trong việc đánh trực tiếp vào cảm xúc của người dân mà số đông vẫn còn mù chữ. Nghệ thuật ấy cần đẹp, nhưng đẹp không chưa đủ, mà còn phải lộng lẫy, phải vượt quá trí tưởng tượng tầm thường, phải gây một ấn tượng siêu phàm. Có vậy mới khiến những kẻ thất học tin hơn vào quyền năng của Chúa, hay chính xác hơn, của nhà thờ Cơ đốc.
Và hội họa với chủ đề Thiên chúa giáo có đầy đủ những gạch đầu dòng sau:
- Có một cố gắng rõ rệt tìm cách lôi kéo người xem vào tác phẩm, biến người xem thành một phần tác phẩm. Để đạt được điều đó, tranh và tượng Baroque rất thật, cảm xúc mạnh mẽ.
- Không còn sự che giấu, nửa kín nửa hở, đánh đố của Mannerism. Tất cả các hành động, suy nghĩ, tình cảm đều trực tiếp, rõ ràng, mạnh bạo, để cho “ai cũng hiểu được.”
- Để tạo được sự kịch tính, tranh Baroque nhấn mạnh vào sự huy hoàng – huy hoàng của khung cảnh, của cơ bắp, của tình yêu-tình dục. Ánh sáng tương phản mạnh, màu sắc rực rỡ, các thân hình xoay chuyển, rung động, lao vào nhau, đè lên nhau. Baroque là một bộ phim hành động.
- Những chủ đề được ưa chuộng cần tạo ra sự hồi hộp, xúc động, để “câu khách”: sự hiến thân, cái chết, những ảo ảnh, những trạng thái xuất thần.
Tác phẩm điêu khắc “cổ động” tiêu biểu nhất của Baroque, chắc chắn phải là nhóm tượng của Giovanni Bernini.


“Sự xuất thần của thánh Teresa” (The Ecstasy of St. Teresa), 
của Giovanni Lorenzo Bernini, 1652

Diễn tả cảnh tượng thánh Teresa thành Avila trong trạng thái xuất thần, Bernini đã dựa trên lời thuật lại của nữ thánh khi thiên thần xuất hiện và “Tôi nhìn thấy trong tay người một ngọn giáo bằng vàng, đầu giáo dường như có một ngọn lửa nhỏ. Người đâm tôi rồi lại rút ra đâm tiếp vào trái tim tôi, và khiến tôi bốc cháy với tình yêu dành cho Chúa. Nỗi đau đớn lớn đến nỗi nó khiến tôi rên rỉ, vậy nhưng sự ngọt ngào đến từ nó khiến tôi mong nó kéo dài mãi không dừng…” Nếu khi đọc đến đây, bạn có một sự liên tưởng gì hơi… lạ thì yên tâm, ngay cả Bernini đã điêu khắc sự hạnh phúc tột cùng trong đau đớn của thánh Teresa với nỗi hoan lạc trần tục. Hãy nhìn cử chỉ, tư thế, gương mặt, bàn tay của nữ thánh khi thiên thần ở trên đâm bà với ngọn giáo vàng – một ẩn dụ không thể chối cãi.
Một tác phẩm khác, cũng theo dòng chủ đề Baroque thần thánh gặp người trần, là bức tranh diễn tả sự kiện thánh Paul cải đạo trên đường tới Damascus, của Caravaggio.

“Cải đạo trên đường tới Damascus” (Conversion on the way to Damascus), 
của Caravaggio, 1601

Được vẽ riêng cho nhà thờ Santa Maria del Popolo tại La Mã, bức tranh vẽ cảnh thánh Paul, vị giáo hoàng đầu tiên và nền móng của nhà thờ Cơ đốc, khi ấy vẫn mang tên Saul, ngã ngựa trên đường tới Damascus và nghe thấy lời truyền của chúa Jesus. Thánh Paul chính là người nằm ngửa trên mặt đất, hai cánh tay giang ra; bên cạnh chú ngựa là người bạn đồng hành. Caravaggio là một bậc thầy về ánh sáng, và đây là một trong những ví dụ hoàn hảo nhất về tài ba của ông. Giữa màn đêm tối tăm, một điểm sáng cực mạnh chiếu rọi lên thánh Paul, trong khi phần còn lại chìm trong bóng tối – Caravaggio nhấn mạnh rằng thánh Paul chính là người duy nhất trong bức tranh được kết nối với Chúa và được ánh sáng kì diệu của thiên Chúa chiếu rọi. Tuy chú ngựa mới ở chính giữa của bức tranh còn thánh Paul không những bị vẽ rút gọn theo luật xa gần mà còn quay lưng lại, Paul mới là trung tâm, là nhân vật chính. Caravaggio vừa phân bổ ánh sáng, vừa đặt Paul ở vị trí gần  nhất với người xem để làm nổi bật vai trò quan trọng của khoảnh khắc này.
Hãy tạm rời những chủ đề quá mạnh mẽ để chiêm ngưỡng Bốn lục địa của Rubens, một cách tiếp cận tôn giáo lãng mạn và êm ái hơn.

“Bốn lục địa” (The four continents), của Peter Paul Rubens, 1615

Rubens, một họa sĩ Hà Lan đến từ Antwerp không chỉ chịu ảnh hưởng của Michelangelo, Raphael, và Leonardo de Vinci mà còn của Titian và Tintoretto. Trung thành với nhà thờ Cơ Đốc giáo, Rubens hưởng ứng phong trào Cải cách một cách nhiệt thành. Những bức tranh của ông là sự kết hợp của tôn giáo, lịch sử, và thần thoại. Rubens là đại diện của Baroque lãng mạn và quyến rũ. Những người phụ nữ nẩy nở má hồng là một thương hiệu riêng của Rubens, và đến giờ từ “Rubenesque” vẫn được sử dụng để chỉ những cơ thể đầy đặn, phổng phao. Nếu Caravaggio giỏi về ánh sáng thì thế mạnh của Rubens là cách dùng màu sắc tươi nhưng không rợ. Những motif thiên thần, tình yêu, thể xác cũng xuất hiện dồi dào trong tranh của Rubens. Trong bức tranh nay, bốn lục địa được nhân cách hóa thành bốn người phụ nữ quây quần, hòa đồng trong niềm tin tưởng tuyệt đối và sự thần phục hoàn toàn với Thiên chúa. Tuy nhiên nếu không có cốt truyện, thật khó thấy bất kì một mối liên hệ nào giữa những người phụ nữ phốp pháp trong vòng tay các ông râu dài này với sự mộ đạo!
Cuối cùng, để tổng kết lại bài viết nhập môn về Baroque, hãy tới thăm Rembrandt. Bức tranh vẽ Andromeda bị trói trên núi đá là lần thử sức đầu tiên của Rembrandt với tranh khỏa thân.

“Andromeda bị trói vào núi đá” (Andromeda chained to the rocks),
của Rembrandt, 1631

Chủ đề về Andromeda đã bị khai thác không thương tiếc trong nghệ thuật cổ điển – một cái cớ để vẽ một người phụ nữ đẹp không mặc quần áo. Câu chuyện của Andromade được thuật lại trong Metamorphoses của thi hào Ovid, khi sắc đẹp cũng là một lời nguyền (nhất là khi có một bà mẹ huênh hoang). Trước Rembrandt, Andromeda đã “qua tay” Titian, Goltzius, và cả Rubens nữa. Nhưng Rembrandt đã đem đến một góc nhìn hoàn toàn khác về Andromeda. Thay vì đơn thuần phô diễn kĩ thuật vẽ nude, khoe khoang vẻ đẹp kiêu kì của người con gái đẹp, Rembrandt khắc họa Andromeda đúng như một cô gái sợ hãi vì sắp bị ăn thịt phải thế: đôi mắt hoảng sợ, gương mặt nhút nhát, tư thế khom khom. Thân thể trắng lóa của nàng được chiếu sáng không nhằm mục đích ca tụng mà như đặt nàng vào một vị trí nguy hiểm, một mục tiêu dễ dàng, như một chú nai sắp bị ô tô cán đến nơi. Nói cách khác, Andromeda của các họa sĩ trước đây chỉ là người mẫu, nhưng Andromeda của Rembrandt là một nữ diễn viên thực thụ.
Kéo dài từ 1590 đến 1725, những thành tựu của Baroque khiến những người đương thời và các thế hệ sau, dù muốn hay không, cũng không thể không bị nó cuốn hút và chinh phục. Khi Baroque thoái trào, chuyển sang một giai đoạn nhẹ nhõm, tươi tắn hơn, chúng ta có Rococo, một chủ đề sẽ được thảo luận trong tương lai rất gần.

Mời các bạn tìm hiểu các tác phẩm của Vermeer, của nữ họa sĩ Artemisia Gentileschi, và Nicholas Poussin (Baroque Pháp) và chỉ ra các đặc điểm của Baroque vừa được nêu trong bài nhé.
(nguồn: soi.today)