Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Thanh kiếm và cây đàn

Thánh cô Nhậm Doanh Doanh
Thanh kiếm và Cây đàn
VŨ ĐỨC SAO BIỂN

Thanh kiếm và cây đàn là hai hình ảnh mà ta thường gặp trong thế giới tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Từ Ỷ thiên Đồ long ký, Thiên Long bát bộ đến Tiếu ngạo giang hồ.
Trong những giai đoạn lịch sử mà các chế độ phong kiến cầm quyền nhân danh một thứ “vương pháp” tràn đầy bất công và bạo lực áp dụng để cai trị hàng triệu triệu con người, những kẻ có tiền, có quyền, có thế lực ra sức hà hiếp, hãm hại dân đen thì thanh kiếm của người hiệp sĩ trở thành biểu tượng của công lý, một thứ công lý của nhân dân. Thanh kiếm là một vũ khí trừ gian, diệt bạo, tế khổn, phò nguy. Ngược lại cây đàn là một dụng cụ nhằm thể hiện tình cảm, cảm xúc, thể hiện những khát vọng hoà bình, trung chính trước cuộc sống… Nhìn một cách nào đó thì thanh kiếm và cây đàn khó có thể gặp gỡ nhau, khó có thể dung hoà với nhau. Nhưng trong các tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung đã tạo ra sự gặp gỡ dung hoà và tương tác giữa hai hình ảnh đó một cách kỳ thú lạ lùng.

Côn Lôn Tam Thánh Hà Túc Đạo
Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Côn Lôn Tam Thánh Hà Túc Đạo từ dãy Thiên Sơn đi về tỉnh Hồ Nam, đem theo một cây thất huyền cầm và một thanh trường kiếm. “Hỡi ơi, nước xanh và đá trắng sao rời rạc nhau đến như vậy” - lời than thở của Hà Túc Đạo giữa rừng sâu là lời than chưa tìm được một người tri kỷ hồng nhan, như nước xanh cứ mãi trôi mà đá trắng vẫn trơ vơ đứng lại bên đời. Cho đến khi gặp được cô gái Quách Tương, Hà Túc Đạo đã cảm hứng sáng tác ra được một nhạc khúc để chờ có dịp là đàn cho cô nghe. Và trong một trận chiến với 3 cao thủ Thiếu Lâm Tây Vực, Hà Túc Đạo đã ngồi tại chỗ, sử dụng một tay kiếm đánh với đối thủ, tay kia vẫn tiếp tục đánh đàn. Nghe tiếng đàn phơi phới xuân tình, tràn đầy niềm nhớ thương u ẩn, Quách Tương đỏ mặt lên, biết Hà Túc Đạo muốn tỏ tình với mình. Năm ấy cô mới 16 tuổi. Tiếc thay tuy thắng trong trận này nhưng sau đó Hà Túc Đạo đánh thua sư Giác Viễn và Trương Quân Bảo (chính là Trương Tam Phong sau này) ở chùa Thiếu Lâm nên lặng lẽ bỏ Trung Nguyên trở về Thiên Sơn, khiến khát vọng phối hợp thanh kiếm và cây đàn của chàng không thực hiện được.

Kim Dung đã để cho Cầm điên Khang Quảng Lăng, nhân vật trong Thiên Long bát bộ thực hiện khát vọng ấy. Khang Quảng Lăng có ngoại hiệu là Cầm điên, một nhân vật chơi hồ cầm rất tài hoa. Lão dùng tiếng đàn làm vũ khí, đấu nhau với kiếm kích đao thương của người khác. Nghe tiếng đàn của lão, trái tim người ta dội ngược, kinh mạch loạn lên, người không có nội công thâm hậu khó chống chọi được điệu đàn của lão, tiếng đàn thoạt đông thoạt tây, thoạt trên thoạt dưới, thoạt gần thoạt xa. Khang Quảng Lăng thuộc phái Tiêu Dao tức là tu theo Lão - Trang. Thế nhưng lão vẫn chưa thoát tục được, giai điệu vẫn chưa đạt đến mức thượng thừa của âm nhạc hoà bình trung chính.

Mạc Đại tiên sinh.

Có lẽ điều chưa đạt được đó đã được tác giả Kim Dung thử nghiệm lại trong Tiếu ngạo giang hồ.Trong tác phẩm này, tác giả xây dựng một nhân vật cổ quái là Tiêu Tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh, chưởng môn phái Hành Sơn. Mạc Đại tiên sinh cất một thanh kiếm ngắn, lưỡi mềm và mỏng như lá lúa trong đáy cây hồ cầm. Tiên sinh được ca ngợi với 8 chữ “cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm âm” (trong đàn giấu kiếm, kiếm phát tiếng đàn). Kiếm pháp “Bách biến thiên ảo, Hành Sơn vân vụ thập tam thức “ của lão nhằm cứu người trong cơn hoạn nạn, tế khốn phò nguy. Nhưng tiếng hồ cầm của lão chưa thoát tục, cứ đi mãi trên con đường bi ai sầu thảm; lại thêm lời ca của bài Tiêu Tương dạ vũ (mưa đêm trên sông Tiêu Tương) nghe ra đau xót như những giọt mưa rơi xuống lá cây. Mạc Đại tiên sinh là hình ảnh của một trích tiên bị đoạ.

Một nhân vật khác của Tiếu ngạo giang hồ là Khúc Dương đã nhận ra chỗ thiếu sót đó của Mạc Đại. Khúc Dương là trưởng lão của Triêu Dương thần giáo (Ma giáo). Khúc Dương là một nhạc sĩ tài ba, do không phục một câu nói của Kê Khang, một nhạc sĩ đời Tây Tấn đã đàn khúc Quảng lăng tán trước khi bị Tư Mã Chiêu giết, rằng: “ta chết đi từ nay trên đời không còn khúc Quảng lăng tán nữa”. Khúc Dương đã bỏ công ra đi đào 29 ngôi mộ của các vua chúa và đại thần thời Đông Hán và Tây Hán và đến ngôi mộ thứ 29 ở đất Thái Ung thì lão tìm ra khúc phổ Quảng lăng tán, Khúc Dương đã cải biên thành nhạc khúc dành cho đàn thất huyền cầm và gọi tên khúc đó là Tiếu ngạo giang hồ. Lão chơi thân với Lưu Chính Phong, nhạc sĩ thổi sáo của phái Hành Sơn. Lưu Chính Phong dựa vào cung đàn của Khúc Dương để viết một phần tiêu phổ cho ống sáo. Cầm tiêu song tấu, họ có được nhạc khúc Tiếu ngạo giang hồ hoà bình, trung chính; thể hiện được khát vọng được sống tự tại tiêu dao của một kiếp người.

Nhưng cả Lưu Chính Phong và Khúc Dương đều bị lên án bởi phái Tung Sơn. Với tham vọng lên ngôi minh chủ Ngũ Nhạc kiếm phái, chưởng môn phái Tung Sơn là Tả Lãnh Thiền đã sai thủ hạ sát hại Lưu Chính Phong, định tiêu diệt phái Hành Sơn trước. Thế nhưng trên cả âm mưu của phái Tung Sơn, Nhạc Bất Quần, chưởng môn đã nuôi mộng lên ngôi Ngũ Nhạc phái (bỏ chữ kiếm) bằng chính một đường kiếm tàn ác - Tịch tà kiếm pháp - mà lão ăn cắp được. Cũng với thanh kiếm, Lệnh Hồ Xung đã học được Độc Cô cửu kiếm để trị Tịch tà. Tác giả Kim Dung đã để cho Độc Cô thắng Tịch tà, lấy cái ngay thẳng để chế ngự cái tà ma, lấy cái chính nhân để trị cái nguỵ quân tử. Và khi thanh kiếm chính nghĩa đã toàn thắng thì khúc hợp tấu cầm tiêu Tiếu ngạo giang hồ lại ung dung trổi lên, hoà bình trung chính làm say đắm lòng người nghe.

Lưỡi kiếm là bạo lực, có cái bạo lực phản động, có cái bạo lực để chống bạo lực phản động. Tiếng đàn là tiếng lòng, là âm điệu của hoà bình nhân ái. Lưỡi kiếm ngay thẳng chống bạo lực phản động, lập lại công lý cho cuộc sống để tiếng đàn hoà bình, nhân ái được cất lên. Toàn bộ khát vọng của Kim Dung được thể hiện qua Ỷ thiên Đồ long ký, Thiên Long bát bộ giữa sự giao thoa của kiếm và đàn chưa hoàn thành. Và ông viết tiếp Tiếu ngạo giang hồ để hoàn thành ước mơ đó. Chàng kiếm sĩ Lệnh Hồ Xung với đường Độc Cô cửu kiếm cuối cùng cũng buông lưỡi kiếm xuống, cầm lấy cây đàn cùng người yêu thổi tiêu hợp tấu Tiếu ngạo giang hồ. Vì vậy mà trên cuộc sống này vẫn tồn tại câu nói “Hoà bình là hiệu quả của chân lý”. Ở một chừng mực nào đó Kim Dung đã thể hiện tư tưởng có trước đây hơn 2000 năm của Socrate “Hoà bình chỉ thực sự có khi công lý được xác lập”.


VŨ ĐỨC SAO BIỂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét