Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

"Ta tha được người hãy tha ngay" !

Bạch Y Ngũ Bút

(Dành cho fan kiếm hiệp Kim Dung) - "Ta tha được người hãy tha ngay" là triết lý nhân ái mà thiếu nữ xinh đẹp A Tú đã "truyền dạy" cho anh chàng người yêu ngờ nghệch Thạch Phá Thiên, sau khi chỉ bảo cho chàng một đao chiêu lợi hại có tên là Bàng Xao Trắc Kích. 


Vì sao A Tú lại mong mỏi Thạch Phá Thiên "tha người", ấy là vì sâu xa trong trái tim, nàng biết trước có ngày Thạch Phá Thiên sẽ giao đấu với cha nàng (Bạch Vạn Kiếm) và chiến thắng. Nếu cha nàng mà thua, thì danh dự sẽ bại hoại, liệu ông có vui lòng mà gả nàng cho Thạch Phá Thiên hay không? Hi hi. Thế mới thấy cô nương A Tú quả là cao tay ấn, mới có 15, 16 tuổi đã biết nâng niu gìn giữ cho mối nhân duyên của mình.



Trong Hiệp khách hành của Kim Dung, Á Tú (Bạch A Tú) là một cô gái xinh đẹp, dịu dàng, rất thông minh và hay mắc cỡ.  Năm 12 tuổi, A Tú bị Thạch Trung Ngọc (sau này mới biết chính là em ruột của Thạch Phá Thiên) cởi hết áo quần, cột tay chân toan dở trò đồi bại nhưng được cứu thoát. Nhưng A Tú vì quá tự trọng đã gieo mình xuống vực sâu của núi Tuyết Sơn để "rửa nhục".



Sau đó, tình cờ nhân duyên cho A Tú gặp Thạch Phá Thiên, khi đó là một gã ăn mày thiếu niên rất ngờ nghệch, ngây thơ và lòng tốt thì bao la rộng mở.



Bà nội của A Tú vì muốn trả thù ông chồng cao ngạo, xấu tính xấu nết và có lần xúc phạm lòng tự ái của bà, nên hứng chí lập ra phái Kim Ô và nhận Thạch Phá Thiên là đệ tử khai thiên lập địa, cũng là duy nhất của phái này, truyền dạy môn võ công Kim Ô đao pháp - khắc chế hoàn toàn võ công của phái Tuyết Sơn (Tuyết Sơn kiếm pháp). Vì Sử bà bà chính là vợ chưởng môn phái Tuyết Sơn, nên quá am hiểu và biết hết những yếu điểm để có thể nghĩ ra những chiêu thức khắc chế Tuyết Sơn kiếm pháp.



Vì vậy, A Tú đã vô cùng lo lắng, suy nghĩ. Thử hỏi cha nàng là Bạch Vạn Kiếm làm sao chống chọi nổi với Kim Ô đao pháp của chàng? Hơn nữa, nàng thấy nội công của Thạch Phá Thiên tinh diệu tuyệt luân, sau này chắc chắn sẽ trở thành một đệ nhất cao thủ võ lâm. Nếu Thạch Phá Thiên giao đấu với cha nàng chắc chắn sẽ dẫn đến tình thế có thể sát hại hay đánh bại ông. Nếu vậy thì có được hay không?



Để hóa giải tình thế nan giải ấy (dù chỉ là trong suy nghĩ, ở thì tương lai) A Tú đã "lén" dạy cho Thạch Phá Thiên chiêu Bàng Xao Trắc Kích như sau: "chém bên trái một đao, bên phải một đao, trên một đao, dưới một đao".



Tiếp đó, nàng nói:



- Sau đó đại ca hãy ghìm đao dừng lại,  khen ngợi địch thủ một câu, rồi đề nghị địch thủ bãi chiến, kết làm bạn - để bảo toàn danh dự cho địch thủ.



Có thấy khi nào trong giới võ lâm giang hồ, khi hai người đang ác đấu sinh tử, lại có chuyện một bên dừng lại đề nghị địch thủ kết làm bạn hay không? Thế mà nàng lại "dạy" Thạch Phá Thiên như vậy! Liệu có phi lý chăng?



Nàng còn dặn chàng không được để lộ chuyện này với bà nội. Hi hi.



Về sau, anh chàng Thạch Phá Thiên khi giao chiến với Bạch Vạn Kiếm, trong bối cảnh đang dồn ép ông vào thế thua đã sực nhớ ra và áp dụng đúng ngay chiêu Bàng Xao Trắc Kích này, khiến cho A Tú rất cảm động.



Lại nói sau khi dạy xong chiêu Bàng Xao Trắc Kích cho Thạch Phá Thiên, A Tú tự nghĩ tuy chiêu võ này chưa chắc đã có hại gì cho chàng, nhưng cảm thấy mình hãy còn có ý vị kỷ thì trong lòng cũng hơi hối hận. Nàng liền dịu dàng nói:



-Ðại ca! Ðại ca đã ưng lời tiểu muội sau này có động thủ với ai đã không giết hay đả thương người một cách khinh xuất, mà còn muốn giữ thể diện cho người nữa. Tiểu muội … rất lấy làm cảm kích. Tiểu muội chẳng biết lấy chi báo đáp vậy trước hết hãy tỏ lòng cảm tạ đại ca.



Nàng nói xong sụp xuống lạy Thạch Phá Thiên.



Thạch Phá Thiên kinh hãi hỏi:



-Sao A Tú muội lại thi hành đại lễ này?



Chàng thấy A Tú sụp lạy cũng vội vàng quỳ xuống dập đầu đáp lễ.



Thế mới thấy A Tú là người biết chuyện lắm. Nàng nghĩ đến chuyện ngày sau Thạch Phá Thiên tha cho cha mình, đó chẳng phải là chuyện ân nghĩa đáng báo đáp hay sao.



Một tình tiết khác cũng khá thú vị, là khi bà nội nàng (Sử bà bà) định nhận Thạch Phá Thiên làm đệ tử khai sáng phái Kim Ô thì nàng vội hốt hoảng xen vào " thế không được". Sử bà bà bèn hỏi: sao không được?



A Tú mặt đỏ bừng lên ấp úng đáp:



- Như vậy tôn nữ phải kêu y bằng sư thúc, tự nhiên chịu thấp hơn y một bậc hay sao?



Hê. Thực ra, điều mà nàng cho rằng "không được" chả phải thấp cao gì ráo, mà chính là sợ về sau sẽ không kết thân được với Thạch Phá Thiên nữa. Vì thân mình là vai "cháu" thì làm sao là gá nghĩa trăm năm được với một người vai "chú" cho được! Nhưng vốn thông minh, ngay sau đó nàng giải thích luôn với Sử bà bà : "Tôn nữ không phải là đệ tử phái Kim Ô. Thế là chúng ta ở hai phái riêng biệt thì tôn nữ bất tất phải kêu y bằng sư thúc". Tức là nàng vẫn có thể gọi Thạch Phá Thiên là đại ca được! Vẫn có thể yêu chàng được! Đúng là kiểu giải thích có phần cưỡng từ đoạt lý!



Tuy nhiên, nói một cách công bằng, thực ra triết lý nhân ái, tha cho địch thủ mà A Tú khuyên Thạch Phá Thiên cũng không hoàn toàn chỉ vì nàng muốn chàng tha chỉ riêng cha mình. Tuy còn rất nhỏ tuổi, song từ chính những mâu thuẫn của người lớn trong gia đình mình, qua những va chạm bên ngoài, kinh nghiệm sống đầu đời, A Tú đã sớm thấy trên chốn võ lâm phần đông đều là những kẻ ham danh vọng, háo thắng, và đặc biệt là tính ích kỷ, tự ái rất cao. Nhiều kẻ có thể chết chứ nhất quyết không chịu nhận mình sai, mình thua. Chính vì vậy, trước khi chỉ cho Thạch Phá Thiên chiêu Bàng Xao Trắc Kích, A Tú nói:



-Chiêu thức này còn diệu ở chỗ dùng để tha mạng cho người. Những tay cao thủ tỉ võ, binh khí đã vung lên rồi thành cuộc tỉ đấu nội lực cực kỳ hung hiểm. Kẻ yếu chẳng chết cũng bị trọng thương. Nếu đại ca kém người thì chẳng nói làm chi, nhưng bản lãnh hơn người mà không muốn hại đối phương để họ toàn thân rút lui cũng là một việc rất khó. Chiêu “Bang xao trắc kích” này đã không hại người mà lại giữ mình không để người đánh bị thương. Cái hay là ở chỗ đó.

- Ðại ca! Ðại đa số nhân sĩ võ lâm đều là hạng hiếu danh. Một nhân vật nào đã nổi tiếng mà đả thương đại ca thì chẳng sao đâu, nhưng nếu họ bị hại về tay đại ca là họ khó chịu muốn chết. Vì thế mà lúc tỉ võ, hay hơn hết là đại ca để lối thoát cho họ. Nếu quả đại ca thắng rồi thì nên sử chiêu này chém Ðông đánh Tây để người ngoài hoa mắt nên rồi mình lùi lại hai bước và thu binh khí về. Theo cách này thì người bàng quan không hiểu ai thắng ai bại và gỡ được thể diện cho đối phương, khỏi gây oán thù. Ðoạn đại ca lại nói thêm một vài câu tán dương đại khái như: “Kiếm pháp các hạ thiệt là tinh diệu! Tại hạ khâm phục vô cùng. Bữa nay bất phân thắng bại. Vậy chúng ta hoà đi để kết bạn được chăng?” Ðại ca làm như vậy là đối phương biết ngay mình có ý nhường nhịn đặng giữ thể diện cho họ và chắc họ kết bạn với đại ca ngay.



Thạch Phá Thiên nghe A Tú nói vậy thì trong lòng rất khâm phục chàng nói: A Tú! Hiền muội còn nhỏ tuổi mà sao đã hiểu được thế sự nhiều như vậy? Phương pháp đó quả thật là hay!



Có thể thấy, triết lý và cách xử thế mà A Tú "chỉ bảo" cho Thạch Phá Thiên thật sự rất đáng suy ngẫm. Sau đó, Thạch Phá Thiên cũng đã nhiều phen hành xử thu phục được nhân tâm lòng người chính nhờ đã áp dụng cách giải quyết này.



So với những mối tình thuộc hàng kinh thiên động địa khác trong võ lâm giang hồ, như Tiểu Long Nữ - Dương Quá, hay Hoàng Dung - Quách Tĩnh, thì mối tình giữa A Tú và Thạch Phá Thiên là tương đối đơn giản, khá êm ả. Tuy vậy, mối tình A Tú - Thạch Phá Thiên vẫn có nét gì đó thật mong manh, dễ vỡ. Đó có thể là do tính cách của A Tú, nàng quá tự trọng.



Tuy vậy, bất luận thế nào thì theo tại hạ A Tú đúng là một cô nương có nhiều điều đáng ngưỡng mộ. Có người cho rằng nàng quá hiền (không dám cãi lại bà nội, bà nội nói chết là nghe theo), quá khuôn phép. Nhưng thật ra không phải vậy. Đó là một cô gái rất thông minh, biết cách dẫn dắt và bảo vệ tình yêu của mình, một cách rất ngoan, hiền nhưng hiệu quả!   



----------------------



Tóm tắt Hiệp khách hành




Hiệp khách hành là một trong những tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, được phát hành trên Minh báo vào năm 1965.



Câu truyện xoay quanh các cuộc phiêu lưu của Thạch Phá Thiên, xoay quanh bài thơ "Hiệp khách hành" của thi tiên Lý Bạch. Hiệp khách hành là câu chuyện hoàn toàn không có sự liên hệ với lịch sử, với những tình tiết mang tính chất mờ ảo, thần thoại. Chỉ có thể đoán rằng nó xảy ra sau thời kỳ Nguyên-Minh, khi mà đã xuất hiện phái Võ Đang với huyền thoại Trương Tam Phong chỉ xảy ra sau Tiếu ngạo giang hồ hơn vài năm.

Huyền thoại về đảo Long Mộc

Ở ngoài Đông Hải có một đảo nhỏ, trên đó có một lực lượng võ công cao cường. Cứ mười năm một lần, đảo chủ sẽ cử vào Trung Nguyên hai người gọi là hai sứ giả Thưởng thiện Phạt ác tìm đến các bang hội lớn trên giang hồ đưa hai tấm thẻ đồng (một tấm gọi là Thưởng thiện, một tấm gọi là Phạt ác) mời đích danh người đứng đầu đến dự tiệc cháo Lạp Bát trên đảo Hiệp khách.

Bang hội nào không tuân theo đều bị tiêu diệt, hai sứ giả này võ công cực kỳ cao cường, không có bang hội nào đánh lại. Đã ba lần đảo Hiệp khách đến mời người, và những người đi đều không trở về. Đảo Hiệp khách được bao trùm bởi một màn sương mù bí ẩn, chết chóc, là nỗi khiếp sợ của võ lâm Trung Nguyên, và kiếp nạn này lại sắp xảy ra.

Thạch Phá Thiên và bang Trường Lạc

Có một chú bé sống cùng mẹ trên núi. Dù mẹ chú tâm địa tàn nhẫn, luôn hắt hủi chú, gọi chú là Cẩu Tạp Chủng (Chó lộn giống) nhưng kỳ lạ thay, chú lớn lên với một tâm hồn cực kỳ trong sáng, tốt bụng, hào hiệp. Hai mẹ con nương tựa nhau sống trên núi với một con chó làm bạn là A Hoàng. Một ngày nọ, bà mẹ bỏ đi, chú xuống núi tìm mẹ và vô tình bị cuốn vào vòng xoáy giang hồ.

Ma Thiên cư sĩ Tạ Yên Khách, một kỳ nhân dị sĩ giang hồ võ công cao cường từng tặng bạn ba miếng sắt nhỏ gọi là Huyền thiết lệnh và cất lời thề rằng bất kỳ ai đem Huyền thiết lệnh đến thì sai việc gì cũng không từ. Sau khi bằng hữu của họ Tạ mất lại không có con cái, ông cất công thu hồi được hai tấm, còn một tấm vô tình đã khiến võ lâm chém giết nhau để tranh đoạt hòng sai khiến Tạ Yên Khách.

Một cách ngẫu nhiên, Cẩu Tạp Chủng nhặt được nó giữa một đoàn võ lâm khi Tạ Yên Khách đến. Cẩu Tạp Chủng không cầu xin gì khiến Tạ Yên Khách mang chú đi cùng (vì y sợ rằng ai đó sẽ lợi dụng chú để hại mình), ông ta mang Cẩu Tạp Chủng lên Ma Thiên Nhai sống, đem các môn nội công Âm - Dương đối nghịch ra để dạy cho Cẩu Tạp Chủng hòng cho cậu bị xung đột âm dương mà chết.

Cơ duyên đến với cậu, vô tình luyện cả đường lối âm nhu và dương cương đến mức đỉnh điểm, bị tẩu hỏa nhập ma thì Bang Trường Lạc đến cướp cậu về và vô tình một người tấn công cậu đã đả thông kinh mạch của Cẩu Tạp Chủng, giúp cậu có được nội công hùng hậu đến từ cả hai luồng chân khí âm dương. Và Cẩu Tạp Chủng bị "gán" cái tên là Thạch Phá Thiên, "bị" trở thành bang chủ của bang Trường Lạc.

Thực chất lúc đó, bang Trường Lạc không có bang chủ. Bối Hải Thạch (một người luyện môn Ngũ hành lục hợp chưởng, thường được gọi là Bối đại phu) thao túng cả bang trước đó đã dựng một người tên là Thạch Trung Ngọc lên làm bang chủ nhằm thay mình đi gánh "đại nạn đảo Hiệp khách". Thạch Trung Ngọc chính là con trai của vợ chồng Thạch Thanh-Mẫn Nhu đang học võ ở phái Tuyết Sơn, là một gã dâm ô, gây đại họa và trốn đi. Khi làm bang chủ Trường Lạc, y gây nhiều tội lỗi: giết người bừa bãi, hãm hiếp phụ nữ...

Nhưng khi hiểu mình sắp thành vật tế thần cho Bối Hải Thạch, y đã bỏ trốn. Khi thấy Cẩu Tạp Chủng giống hệt như Thạch Trung Ngọc, Bối Hải Thạch đã lập âm mưu đánh cướp cậu về. Lợi dụng lúc Cẩu Tạp Chủng còn mê man, y đã tạo trên người Cẩu Tạp Chủng các dấu vết để giống hệt Thạch Trung Ngọc. Và khi cậu tỉnh lại, cả bang chúng đã cố gán cho cậu chức Bang chủ, và trở thành Thạch Phá Thiên, vốn là tên giả của Thạch Trung Ngọc khi làm bang chủ Trường Lạc bang.

Thạch Phá Thiên chinh phục võ lâm

Nhờ bản tính ngay thẳng, thật thà, nghĩa khí, trung hậu và duyên số, Thạch Phá Thiên luyện được thần công cái thế. Trong quá trình chu du giang hồ, Thạch Phá Thiên cứu và kết nghĩa anh em với hai sứ giả Thưởng thiện Phạt ác của đảo Hiệp khách, kết hôn hụt với Đinh Đang (cháu gái của Đinh Bất Tam), yêu A Tú (cháu gái của Chưởng môn phái Tuyết Sơn Bạch Tự Tại, con gái của Bạch Vạn Kiếm), đồng thời trở thành đệ tử của Sử Tiểu Thúy (vợ của Bạch Tự Tại, người tình cũ của Đinh Bất Tứ - em Đinh Bất Tam).

Với sự trung hậu của mình, Thạch Phá Thiên đã hóa giải nhiều mối ân oán giang hồ, đồng thời cũng bị vướng vào sự rắc rối ân oán của nhiều người với Thạch Trung Ngọc do sự giống nhau về hình dáng (kỳ thực Thạch Phá Thiên chính là em trai của Thạch Trung Ngọc). Sự hiểu lầm này được hiểu rõ khi hai sứ giả Thưởng thiện Phạt ác phá âm mưu của Bang Trường Lạc (dùng Thạch Trung Ngọc làm vật tế thần đi đảo Hiệp khách), phân biệt hai người.

Sau đó, Thạch Phá Thiên đã khẳng khái nhận Lệnh bài Thưởng thiện Phạt ác đi đảo Long Mộc dự yến Lạp Bát Sứ (Đối với bang Trường Lạc hay với người ngoài đều hiểu là đi chết thay), đồng thời tìm đến Tuyết Sơn, dùng tài năng và lòng trung hậu của mình xóa bỏ xích mích trong phái, đồng thời vô tình giúp Bạch Tự Tại khỏi bệnh cuồng loạn - bệnh hoang tưởng về võ công của mình. Sau Thạch Phá Thiên cùng đoàn võ lâm người tới đảo Long Mộc và tìm ra bí mật.

Thạch Phá Thiên thật sự là con ai?

Đoạn kết của tiểu thuyết, Thạch Phá Thiên dẫn A Tú, vợ chồng Bạch Tự Tại, vợ chồng Thạch Thanh - Mẫn Nhu, Đinh Bất Tứ, Mai Văn Hinh (một người tình của Đinh Bất Tứ) về nhà cũ của mình, gặp con chó A Hoàng và gặp người đã nuôi chàng (chàng coi đó là mẹ mình). Thạch Thanh và Mẫn Nhu đã nhận ra người đó là kẻ thù giết con của mình là Mai Phương Cô - người từng si mê Thạch Thanh nhưng không được đáp lại.

Khi nhìn Thạch Phá Thiên giống hệt Thạch Thanh, Mẫn Nhu cho rằng Thạch Phá Thiên là con của Thạch Thanh và Mai Phương Cô, và Thạch Thanh đã phải đâm Mai Phương Cô để chứng tỏ mình không liên quan, và trước khi chết Mai Phương Cô còn kịp cho mọi người thấy bà ta còn là trinh nữ (chưa từng có quan hệ xác thịt), và đã dẫn đến câu hỏi lớn: vậy Thạch Phá Thiên do ai sinh ra? Kỳ thực khi đọc truyện, người đọc đều hiểu rằng Thạch Phá Thiên chính là con của Thạch Thanh và Mẫn Nhu.

Trong quá khứ, Mai Phương Cô sau khi cướp đứa con nhỏ của Mẫn Nhu đã không giết, trái lại lại nuôi nấng và gọi là Cẩu Tạp Chủng. Kim Dung đã cố tình để một dấu hỏi lớn ở cuối truyện để tạo bi kịch trong tiểu thuyết.


---------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét