Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Hoàng Y Mỹ Nữ là con gái của Tiểu Long Nữ

Hoàng Y Mỹ Nữ có phải là con gái của Tiểu Long Nữ?
Bạch Y Ngũ Bút



(Dành cho fan kiếm hiệp Kim Dung) - Các fan kiếm hiệp hẳn không thể nào không luyến tiếc khi cặp anh hùng mỹ nữ Dương Quá Tiểu Long Nữ sau 16 năm biền biệt, gặp lại nhau, đã cùng nhau biệt tích trên chốn giang hồ suốt hàng trăm năm qua. Tới nay vẫn chưa biết tung tích gì về họ. Sự việc này được nhắc tới trong phần đầu Ỷ thiên đồ long ký, cuốn tiếp theo của Thần điêu hiệp lữ, thuộc Xạ điêu tam bộ khúc.



Trong phần đầu Ỷ thiên đồ long ký, cô gái xinh đẹp, thông minh và nhân ái Quách Tương, vì quá nhớ mong đại ca Dương Quá, đã rong suốt đi tìm suốt mấy năm trời. Dấu chân nàng đã tìm đến tất cả những nơi mà Dương Quá hoặc Tiểu Long Nữ từng ở hay đặt chân đến. Như Hoạt tử nhân mộ (ngôi mộ của phái Cổ Mộ), vực thẳm Đoạn trường nhai, chùa Thiếu Lâm ... nhưng cả hai vẫn biệt tăm, không để lại bất kỳ dấu vết nào.



Vì quá đau buồn và thất tình (mối tình đơn phương với Dương Quá), Quách Tương đã quyết định dừng chân trên núi Nga My, rời chốn thị phi giang hồ, sáng lập ra môn phái Nga My. Nga My sau này danh trấn giang hồ, với những tên tuổi trên ngôi vị chưởng môn đời sau như Diệt Tuyệt Sư Thái, Chu Chỉ Nhược ...



Thế nhưng, khoảng hơn 80 năm sau, khi mà Quách Tương đã giã biệt cõi trần từ lâu, cậu bé Trương Quân Bảo ngày nào đã thành Trương Tam Phong, sáng lập ra phái Võ Đang, nay đã hơn 100 tuổi. Khi mà Trương Vô Kỵ đã trở thành giáo chủ Minh Giáo, Chu Chỉ Nhược đã trở thành chưởng môn đời thứ tư của phái Nga My, và luyện thành Cửu Âm Chân Kinh - từ việc lấy trộm Ỷ thiên kiếm - Đồ long đao. Những tưởng những kẻ sinh thời ngày nào, đã từng gặp và quen biết với cặp đôi Dương Quá - Tiểu Long Nữ hầu như không còn ai nữa ... - thì bất ngờ đã xuất hiện một nhân vật hết sức đặc biệt. Đặc biệt hơn là nhân vật này chắc chắn có liên quan đến Tiểu Long Nữ, đến phái Cổ Mộ. Và có lẽ cũng liên quan đến Dương Quá.  - vì Dương Quá là phu quân của Tiểu Long Nữ. Nhân vật đặc biệt này chính là Hoàng Y Mỹ Nữ.



Thực ra, Hoàng y mỹ nữ là tên gọi theo kiểu biệt danh, mà giới giang hồ đặt cho nàng - vì nàng luôn mặc một bộ đồ màu vàng (hoàng). Tên thật của nàng là gì thì không ai biết. Có lần Trương Vô Kỵ hỏi thì nàng cũng từ chối. Chỉ biết nàng họ Dương. Chính là họ của Thần điêu đại hiệp Dương Quá.



Hoàng Y mỹ nữ xuất hiện thi thoảng trong phần cuối tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký, rồi vĩnh viễn tuyệt tích trên chốn giang hồ tới nay, sau khi có hành động ngăn chặn việc ám toán Tạ Tốn của một người trong phái Nga My là Ni sư Tĩnh Chiếu.



Sư Tĩnh Chiếu đã giả bộ phun nước bọt trả thù cho chồng, nhưng kỳ thật là phóng ám khí ngậm sẵn trong miệng, nhằm giết Tạ Tốn. Đây là hành động "giết người diệt khẩu" - theo lệnh của chưởng môn Chu Chỉ Nhược. Chứ một ni cô thì làm gì lại có chồng. Chu Chỉ Nhược muốn ám toán Tạ Tốn là để tránh việc Tạ Tốn còn sống sẽ nói ra chuyện Chu Chỉ Nhược chính là người đã lấy trộm thanh Đồ Long Đao, giết Ân Ly và làm rất nhiều việc đại ác, thất đức khác. Dù là theo lệnh của Diệt Tuyệt Sư Thái.



Sau khi vạch mặt Chu Chỉ Nhược. Và trước đó đã dùng chiêu Cửu âm bạch cốt trảo trong chính bộ võ công huyền diệu Cửu Âm Chân Kinh, nhưng được tập luyện chân chính, để "chỉ giáo" Chu Chỉ Nhược, Hoàng y mỹ nữ đã gửi lại cô bé Sử Hồng Thạch - chưởng môn Cái Bang, với lời dặn Trương Vô Kỵ hãy hết lòng giúp đỡ. Khi Trương Vô Kỵ hỏi phương danh của nàng, để ngày đêm ghi nhớ trong lòng, thì Hoàng y mỹ nữ chỉ mỉm cười, rồi đọc bốn câu thơ rất mơ hồ khó hiểu (khiến ngay cả cô gái rất thông minh là Triệu Mẫn cũng không thể nào đoán ra), nguyên văn như sau:



Chung Nam sơn hậu,

Hoạt tử nhân mộ.

Thần điêu hiệp lữ,
Tuyệt tích giang hồ



Tạm dịch:



Phía sau nơi núi Sơn Nam

Ngôi mộ người sống 

Thần điêu hiệp lữ 
Xa mãi chốn hồng trần 



Trong Ỷ thiên đồ long ký, Kim Dung tả đoạn này như sau:



Nói xong nàng kéo vạt áo lên thi lễ, rồi vẫy tay một cái, dẫn tám thiếu nữ áo trắng áo khoan thai đi khỏi. Trương Vô Kỵ đuổi theo nói: - Xin tỉ tỉ dừng bước đã. Cô gái áo vàng không đáp lời vẫn tiếp tục xuống núi. Cô bé bang chủ Cái Bang Sử Hồng Thạch kêu lên: - Dương tỉ tỉ, Dương tỉ tỉ! Chỉ nghe từ lưng chừng núi vọng lên tiếng cô gái: - Những việc lớn của Cái Bang, xin Trương giáo chủ hết sức giúp đỡ cho. Trương Vô Kỵ cũng lớn tiếng đáp lại: - Vô Kỵ tuân mệnh. Cô gái đáp: - Xin đa tạ. Mấy tiếng ?đa tạ? kia văng vẳng truyền đến hai bên đã cách nhau thật xa nhưng vẫn rõ lạ thường, Trương Vô Kỵ trong dạ không khỏi bồi hồi.



Từ đó biến mất!



Tuy vậy, với rất nhiều dấu hiệu và thông tin như: họ Dương, võ công rất cao cường, đặc biệt biết sử môn võ công tuyệt kỹ Cửu Âm Chân Kinh, quen thân với Cái bang, rồi những nơi như núi Sơn Nam, nơi có ngôi Cổ Mộ, lại dẫn theo các đệ tử toàn là nữ, trang phục trắng - tên đều có chữ Tiểu đứng đầu (Tiểu Hồng, Tiểu Thúy ...) chính là họ của Tiểu Long Nữ, ...,  cho thấy chắc chắn nàng có liên quan đến Dương Quá và phái Cổ Mộ. Mà Tiểu Long Nữ lại chính là chưởng môn phái này.



Kế đến, nàng có dáng vẻ rất xinh đẹp nho nhã, y phục duy một màu vàng thiên thanh, gợi nhớ đến Tiểu Long Nữ ngày xưa, cũng chỉ vận một màu trắng tinh khôi. Tính tình nàng cũng trầm tĩnh, kín đáo, có chút phần cổ quái ... chính là những nét rất giống Tiểu Long Nữ vậy.



Tuy nhiên điều khó hiểu nhất là dáng vẻ bề ngoài. Xét về tuổi, theo mô tả trong truyện nàng khoảng trên 30 tuổi. Tuy nhiên nếu đúng nàng là con của Tiểu Long Nữ, thì lúc này đã sau 80 năm. Tiểu Long Nữ còn sống thì cũng đã trên 120 tuổi. Vậy thì làm sao mà có con chỉ mới trên 30 tuổi?



Hay nói khác đi, nếu Hoàng Y Mỹ Nữ là con gái Dương Quá - Tiểu Long Nữ, thì tại thời điểm nàng xuất hiện trong Ỷ thiên đồ long ký, ít nhất cũng đã phải trên 70 tuổi, thì mới hợp lý. Tức là giả sử Tiểu Long Nữ sinh nàng trong khoảng 10 năm sau khi gặp lại Dương Quá - lúc Tiểu Long Nữ khoảng 50 tuổi. Chứ chẳng lẽ đến tuổi 90 Tiểu Long Nữ mới sanh con hay sao?



Tuy nhiên, ấy là nói theo lẽ thường tình. Chứ nếu xét trong bối cảnh của câu chuyện, một cách khoa học đàng hoàng, có thể thấy khả năng Hoàng y mỹ nữ là con gái của Tiểu Long Nữ là rất cao và cũng rất hợp lý. Vì tuy Hoàng y mỹ nữ nhìn bề ngoài có dáng vẻ của người trên 30 tuổi, nhưng kỳ thực tuổi thật của nàng khi đó độ chừng ... gấp đôi! Khoảng 70 tuổi.



Liệu có thể có chuyện trên chốn giang hồ, một người phụ nữ đã 70 tuổi, mà dáng vẻ bề ngoài lại quá tươi trẻ, chỉ như mới 30 tuổi hay không? Chúng ta hãy cùng nhớ lại chính trường hợp của Tiểu Long Nữ. Khi nhảy xuống vực thẳm Đoạn trường nhai quyên sinh, nàng khoảng 22 tuổi, hơn Dương Quá vài tuổi. Nhưng sau 16 năm, khi gặp lại Dương Quá dưới vực sâu,  nàng vẫn tươi trẻ như một cô gái mới 18 tuổi! Khiến Dương Quá phải lên "Cô cô, nàng vẫn như xưa. Còn ta đã già rồi"! Ấy là nhờ Tiểu Long Nữ đã tu luyện được phép dưỡng sinh có tên là “Ngọc nữ công” của phái Cổ Mộ.



Phép tu luyện dưỡng sinh Ngọc nữ công có mười hai yếu quyết chữ “Thiểu” là “Thiểu tư, Thiểu niệm, Thiểu dục, Thiểu sự, Thiểu ngữ, Thiểu tiếu, Thiểu sầu, Thiểu lạc, Thiểu hỉ, Thiểu nộ, Thiểu hiếu, Thiểu ố (Ít: suy, nghĩ, ham muốn, làm việc, nói, cười, buồn, sướng, vui, giận, ưa thích, ghét bỏ). Bởi lẽ suy nhiều ắt mệt mỏi tinh thần, nghĩ nhiều ắt tinh tán, muốn nhiều ắt trí tổn, làm nhiều ắt mệt mỏi, nói nhiều ắt hụt hơi, cười nhiều ắt hại gan, buồn nhiều ắt mệt tim, sướng nhiều ắt ý lạm, vui nhiều ắt hại trí nhớ, giận nhiều ắt huyết mạch bất định, ưa thích nhiều ắt mê muội bất trị, ghét bỏ nhiều ắt nôn nóng bất an. Không trừ bỏ mười hai cái “nhiều” ấy, chính là gốc của việc mất mạng vậy.



Tiểu Long Nữ tu vi từ nhỏ, không vui không buồn, vô tư vô lự, công lực tinh thuần có điểm còn hơn cả sư tổ Lâm Triêu Anh. Nhưng sau đó Dương Quá đến tòa cổ mộ, hai người sống với nhau nhiều năm, tình ý nảy sinh, những điều “Thiểu sự, Thiểu ngữ, Thiểu lạc, Thiểu hỉ” dần dần không theo được nữa. Thành hôn xong lại biệt ly mười sáu năm, Dương Quá phiêu bạt giang hồ, tóc mai nhuốm bạc, Tiểu Long Nữ thì ở dưới u cốc, tuy không tránh khỏi nỗi khổ tương tư, song công phu tu luyện hai mươi năm không nhỏ, mấy năm sau tái tu luyện mười hai yếu quyết chữ “Thiểu”, dần dần “Thiểu tư, Thiểu niệm, Thiểu dục, Thiểu sự”, độc cư dưới đáy sơn cốc, nên khi hai người gặp lại nhau thì trông Dương Quá rõ ràng lại già hơn Tiểu Long Nữ rất nhiều là không có gì lạ.



Hoàng y mỹ nữ là con gái của Tiểu Long Nữ, chắc hẳn được truyền thụ các môn võ công tuyệt học của cha mẹ - đều là những cao thủ hạng nhất võ lâm. Đặc biệt nếu được mẹ là Tiểu Long Nữ truyền dạy "Ngọc nữ công" thì việc nàng có bề ngoài trẻ bằng nửa số tuổi thật của mình âu không có gì lạ.



Trên chốn võ lâm, chẳng phải cũng có nhiều cao thủ sống hàng trăm năm tuổi, nhờ tu tập võ công cao cường, lại có sự bổ trợ của kỳ nhân dị thảo đó hay sao?



Thế nên, cứ theo lý mà nói, tại hạ tự thấy có đủ căn cứ để đi đến kết luận Hoàng y mỹ nữ họ Dương trong Ỷ thiên đồ long ký chính là con gái của Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Không thể khác!



Như vậy, là tình yêu tuyệt đẹp và kinh thiên động địa của Dương Quá - Tiểu Long Nữ, sau bao sóng gió, cuối cùng cũng đã đơm hoa kết quả. Với một cô con gái xinh đẹp (ít nhất) là Hoàng Y Mỹ Nữ.



Nhìn Hoàng y mỹ nữ, chợt thấy lòng chùng xuống, thấy nhớ xiết bao nàng tiên Tiểu Long Nữ. Nhớ vợ chồng Dương Quá Tiểu Long Nữ. Vợ chồng họ chẳng lẽ mãi tuyệt tích giang hồ thật hay sao? Họ đã ở đâu? Thật kỳ lạ!


Hoàng Y Mỹ Nữ họ Dương rõ ràng có nét giống Tiểu Long Nữ 

Tiểu Long Nữ đẹp hơn con gái là Hoàng Y Mỹ Nữ?


---------------------------


Cổ Mộ
Văn Hoa biên soạn

Cổ Mộ là một môn phái trong tác phẩm Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung. Đây là một môn phái nhỏ, thậm chí có thể nói là rất nhỏ, chỉ có vài thành viên dù qua nhiều đời. Cổ Mộ được sáng lập bởi sư tổ bà bà là Lâm Triều Anh - nguyên là người yêu của giáo chủ Vương Trùng Dương của Toàn Chân Giáo (môn phái Toàn Chân). 


Lâm Triều Anh, sư tổ phái Cổ Mộ 
Trong Thần điêu hiệp lữ, môn phái Cổ Mộ chỉ có vỏn vẹn 6 người là Lâm Triều Anh (người sáng lập, đã qua đời), người a hoàn/đệ tử của Lâm Triều Anh (trong tác phẩm không nêu rõ tên, đã qua đời) - hai đệ tử của người a hoàn này là Lý Mạc Sầu và Tiểu Long Nữ. Sau đó Tiểu Long Nữ thu nhận Dương Quá làm đệ tử - là người thứ 5. Còn Lý Mạc Sầu sau khi hành tẩu giang hồ cũng thu phục ba người đệ tử.

Ngoài ra, còn một thành viên khác là người hầu gái của người sự phụ của Tiểu Long Nữ, cũng chính là người đã chăm sóc Tiểu Long Nữ từ nhỏ là Tôn bà bà.

Sư tổ bà bà Lâm Triều Anh vì thất tình nên rất căm ghét đàn ông, do vậy đưa ra quy định là chỉ thu nạp đệ tử nữ. Ngoài ra, bất kể người nào đã vào ngôi cổ một thì sẽ vĩnh viễn phải sống ở đây, không được ra ngoài hay giao thiệp với bất kỳ ai. Trừ khi có một người đàn ông nào đó sẵn sàng hy sinh cho người yêu là một thành viên trong phái thì cả hai cũng sẽ được phép ra ngoài chung sống. Sở dĩ sư tổ bà bà quy định kỳ quái như vậy là vì bà không tin rằng trên đời lại có những người đàn ông chung tình như vậy.

Tiểu Long Nữ là chưởng môn đời thứ ba, đã phá lệ thu nạp Dương Quá là một nam nhi vào Cổ Mộ. Sau đó thậm chí còn yêu luôn Dương Quá!

Về nguồn gốc phái Cổ Mộ, theo lời của Tiểu Long Nữ kể lại cho Dương Quá, thì như sau:

"Trước lúc ngươi bái ta làm sư phụ, ta đã bảo ngươi bái lạy tổ sư bà bà. Tổ sư bà bà họ Lâm, tên Triều Anh. Mấy chục năm trước, trong võ lâm, hai người võ công cao nhất là tổ sư bà bà và Vương Trùng Dương. Hai người vốn khó phân cao thấp, sau Vương Trùng Dương do tổ chức nghĩa binh chống quân Kim, ngày đêm bận rộn mọi việc; trong khi tổ sư bà bà chuyên chú luyện võ, cuối cùng tổ sư bà bà cao hơn Vương Trùng Dương một bậc. Nhưng tổ sư bà bà vốn không hỏi đến tục sự trong võ lâm, không ưa khoe khoang, nên hầu như chẳng ai biết danh tiếng của tổ sư bà bà trên chốn giang hồ. 

Sau Vương Trùng Dương khởi nghĩa thất bại, phẫn uất ẩn cư trong “Hoạt tử nhân mộ”, suốt ngày không có việc gì, lấy việc nghiền ngẫm võ công làm thú; trong khi tổ sư bà bà tâm tình kém vui, lại bị hai đợt bệnh nặng, nên võ công của tổ sư bà bà lại thua Vương Trùng Dương một bậc. Cuối cùng hai người tỷ võ với nhau không rõ theo kiểu gì, Vương Trùng Dương phải để cho tổ sư bà bà được cư trú trong nhà mồ này". 

Như vậy, cái nhà mồ (hoạt nhân mộ) của phái Cổ Mộ thực chất là do tổ sư bà bà cướp được từ tay Vương Trùng Dương.

Về võ công, xuất phát từ lòng hận thù vì tình yêu bị Vương Trùng Dương từ chối, Lâm Triều Anh sáng tạo ra các chiêu thức dùng kiếm dành cho nữ nhi chuyên khắc chế chiêu thức của Toàn Chân Giáo. Đó là môn công phu Ngọc Nữ tâm kinh.

Về tên gọi Cổ Mộ, thực ra ban đầu cũng không có tên gì, vì Lâm Triều Anh và các đệ tử cùng sống trong một ngôi mộ cổ trên núi không giao thiệp gì với thế giới bên ngoài. Khi Tiểu Long Nữ nhận Dương Quá làm đệ tử, Dương Quá mới hỏi Tiều Long Nữ tên môn phái là gì, thì nàng nói là "môn phái cũng không có tên gì", nhưng khi Lý Mạc Sầu ra ngoài thì giang hồ gọi theo nơi nàng ở là Cổ Mộ, nên gọi là Cổ Mộ cũng được"!

....................


Cửu âm chân kinh



Cửu Âm Chân Kinh là môn võ công mà Hoàng y mỹ nữ đã sử trong Ỷ thiên đồ long ký. Môn võ này cũng xuất hiện trong cả 3 cuốn của Xạ Điêu tam bộ khúc.

Theo lời kể của Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông, thì người viết nên Cửu Âm Chân Kinh là Hoàng Thường mà nguyên nhân sâu xa là từ những thù oán của Hoàng Thường với giới võ lâm. Hoàng Thường vốn là một quan lại trong triều đình dưới triều đại vua Huy Tông triều Tống, theo lệnh của hoàng đế thu thập hết sách của Đạo gia 5481 quyển viết thành bộ sách Vạn thọ Đạo tạng. Nhờ trí thông minh và kiên trì, Hoàng Thường đã học được toàn bộ các bí kíp võ học Đạo gia và trở thành một cao thủ võ lâm. Sau đó, theo lệnh của Huy Tông hoàng đế, Hoàng Thường dẫn quân đến tiêu diệt Minh Giáo và quân lính bị đại bại. Tuy nhiên, Hoàng Thường học được toàn bộ bí kíp võ công cao cường nên đánh bại hầu hết các cao thủ Minh Giáo, nhưng sau đó vì đơn thương độc mã nên vẫn thất bại, kết quả là toàn bộ gia đình của Hoàng Thường bị sát hại, chỉ một mình Hoàng Thường thoát nạn chạy lên núi ẩn náu quyết rèn luyện võ công cao cường để trả thù.

Sau một thời gian dài tu luyện và ngộ được đạo lý võ học, Hoàng Thường trở lại với ý định trả thù nhưng thời gian đã trôi quá lâu tất cả các đối thủ đều đã qua đời, thậm chí con cái đối thủ cũng đã già nua, Hoàng Thường hết ý định trả thù.

Tiếc những kiến thức võ học Đạo gia mà mình học được, ông viết thành bộ Cửu Âm Chân Kinh gồm 2 quyển: Quyển thượng bao gồm các bí kíp rèn luyện nội công căn bản của Đạo gia, Quyển hạ gồm các chiêu thức khắc địch và bảo vệ thân thể. Sau khi Hoàng Thường qua đời, Cửu Âm Chân Kinh lưu lạc trong nhân gian khiến giới võ lâm tranh đoạt và gây ra sự chém giết để giành lấy bí kíp này.

Trong Xạ Điêu Anh Hùng truyện, năm người võ công cao siêu nhất (Thiên Hạ Ngũ Tuyệt) cùng đấu với nhau trên đỉnh Hoa Sơn để tranh nhau Cửu Âm Chân Kinh (Hoa Sơn luận kiếm). Võ công của Vương Trùng Dương cao nhất và giành được Cửu Âm Chân Kinh. Ông định đốt sách để tránh chuyện tàn sát trong võ lâm, nhưng lại tiếc công người xưa nên giấu quyển sách đi. Trước khi chết, ông đã giao cho Chu Bá Thông là sư đệ của mình đi giấu hai quyển sách ở hai nơi nhằm tránh cho quyển sách rơi vào tay kẻ xấu.

Trên đường đi giấu sách, Lão Ngoan Đồng bị vợ Hoàng Dược Sư đánh lừa, dùng trí nhớ siêu phàm đọc lại một lần nhớ hết quyển hạ. Bà về viết lại cho chồng, nhưng Hoàng Dược Sư chưa tu luyện thì bị học trò là Mai Siêu Phong và Trần Huyền Phong lấy trộm trốn đi, luyện ra những võ công âm độc như Cửu Âm Bạch Cốt Trảo. Hoàng Dược Sư nổi giận đánh gãy chân các học trò còn lại và đuổi ra khỏi đảo Đào Hoa. Vợ Hoàng Dược Sư lúc đó mang thai cố gắng nhớ lại viết lại sách cho chồng nên bị kiệt sức và mất sau khi sinh con. Chu Bá Thông thấy vậy đến Đào Hoa đảo đòi sách và đánh nhau với Hoàng Dược Sư, thua trận bị nhốt trong động đá.

Vô tình từ những ân oán giữa Giang Nam Thất Quái và vợ chồng Mai Siêu Phong khiến cho Quách Tĩnh có được nội dung Cửu Âm Chân Kinh phần hạ được ghi lại trên da bụng của Trần Huyền Phong. Khi Quách Tỉnh gặp Chu Bá Thông trên Đào Hoa đảo, Chu Bá Thông đã dạy cho Quách Tĩnh thuộc lòng cả bộ Cửu Âm Chân Kinh và cũng vô tình đó, Chu Bá Thông cũng luyện thành và trở thành một nhân vật võ công cao nhất. Một phần của Cửu Âm Chân Kinh viết bằng tiếng Phạn được Nhất Đăng đại sư dịch lại sang Trung văn. Sau này, Quách Tĩnh trở thành một cao thủ nhờ tu luyện Cửu Âm Chân Kinh.

Trong Thần Điêu Hiệp Lữ, Cửu Âm Chân Kinh một lần nữa xuất hiện. Vương Trùng Dương trước khi chết đã ghi lại nội dung Cửu Âm Chân Kinh trong thạch động Hoạt tử nhân mà Dương Quá và Tiểu Long Nữ là hai người có duyên luyện được bí kíp này.

Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, theo lời kể của Diệt Tuyệt sư thái cho Chu Chỉ Nhược, năm xưa khi thành Tương Dương sắp thất thủ, vợ chồng Quách Tĩnh, Hoàng Dung đã đúc nên 2 thanh Ỷ Thiên Kiếm và Đồ Long Đao. Trong Ỷ Thiên Kiếm có giấu những võ công tuyệt diệu Hàng Long Thập Bát Chưởng và Cửu Âm Chân Kinh, cùng phép luyện Cửu Âm Chân Kinh cấp tốc do Hoàng Dung tự nghĩ ra. Chu Chỉ Nhược sau khi lấy được bí kíp đã theo phép luyện cấp tốc đó mà luyện nên những võ công âm độc lợi hại. 

Và còn một nhân vật nữa cũng biết Cửu Âm Chân Kinh chính là Hoàng Y mỹ nữ họ Dương.

-------------------

Góc dành cho fan kiếm hiệp Kim Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét