Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Tháng Hai rét Lộc


Tháng Hai mùa rét Lộc.
Mến tặng TTGM

Cái cữ Giêng Hai này ở xứ Đông, đất trời kỳ ảo: Tiết xuân, gió nồm đông, mưa giăng đầy lối xóm, vườn nhà ẩm ướt, ngõ quê lép nhép bùn đất bãi. Những ốm đau của tuổi già đua nhau lễ hội: người lao đao như  say thuốc lào Vĩnh Bảo.
Xem phóng sự lễ hội đền Trần, ‘người ơi’ chen đua cướp lộc. Nguyễn Ngọc Tư viết: “hẳn có nhiều người miệt mài làm việc nửa đời mà con đường quan trường vẫn xa” trong “một lễ hội vơ vét khổng lồ… Vỡ đức tin, lộc trời rủ nhau đi cướp”.
Đêm, ta mơ màng giấc mộng nam kha, cũng không nhớ trên đầu có mũ cánh chuồn.
Sáng nay, mưa xuân phơi phới, nhớ câu thơ: ‘Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp’ của Lý Thương Ẩn(*).
***
Bây giờ đến kỳ rét Lộc. Trong mưa, cái rét ngọt rất dễ chịu và phong tình của trời đất. Hôm qua đi xa về, ta thấy những cánh đào phai ngăn đầy lối ngõ, lòng chút bâng khuâng. Thềm nhà, chi mai rắc kín, trên mỗi cánh hoa, chấm mưa như những hạt muối long lanh trong nắng. Dáng mai gầy mỏng manh trước gió, chạnh lòng ‘Xuân khứ, nhất chi mai’. Nhà bên, những cành xoan chân chó khẳng khiu đón gió đông về.
Nhặt những đài hoa Chi Mai trên cành, lòng những thương từng lộc biếc. Hôm về Vinh, chị dâu hỏi: gọi là Nhị Độ Mai thì hiểu, còn tên gọi Chi Mai? Rằng: Em gọi là Mai trắng, người Hanoi gọi Chi Mai. Ôi, Mai nở hai lần, ta ngắt đài hoa cho cây đón mùa rét lộc; Nhìn lại cảnh, người, da diết nhớ thương cô gái trong truyện ngắn ‘Hoa muộn’ của Phan Thị Vàng Anh.
Bạn ạ. Mùa đông rét, mùa xuân ba cái rét. "Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân", mỗi tháng của mùa xuân là một rét, rét xuân không khô khan, tàn úa. Rét mùa xuân ẩm ướt, xởi lởi căng tràn nhựa sống. Xưa, mưa ‘rơi nhè nhẹ/ trên mái tóc em’.
Ôi. Mong Tháng Ba, mùa hoa gạo bung xòe trong rét mướt nàng Bân, rét chưa qua, nắng hè chưa tới, bấc nồm dan díu, nắng mưa dùng dằng, mùa của lá bàng non xanh màu cốm giót, dún dẩy đu đưa một cách đa tình, chùm hoa bưởi mắt biếc thẹn thùng, sắc lá xanh ngắm nhìn trời đất... bỗng dưng trên không trung vỡ oà ra tiếng sấm và ào ào một cơn mưa rào đầu vụ.

Như đã hẹn với DangBa, tôi viết bài Rét Lộc.
***

Xuân hiểu là bài thơ Đường xuất sắc nhất của Mạnh Hạo Nhiên. Câu kết bài thơ "Hoa lạc tri đa thiểu" thật là ‘ý tại ngôn ngoại’. Rằng hoa có rụng ít nhiều, hay là ‘biết hoa cũng có rơi ít nhiều’. Ta biết hay là ta sẽ biết. ‘Hiểu xuân’ hay ‘Sáng xuân’.

Mạnh Hạo Nhiên, tài giỏi, hiểu đạo lý thánh hiền, không ham vinh hoa phú quý, chủ động và chấp nhận mọi hoàn cảnh cuộc đời...
孟浩然春曉 
春眠不覺曉 Xuân miên bất giác hiểu 
處處聞啼鳥 Xứ xứ văn đề điểu 
夜來風雨聲 Dạ lai phong vũ thanh 
花落知多少 Hoa lạc tri đa thiểu.

Mạnh Hạo Nhiên. Xuân hiểu
Giấc xuân trời sáng không hay 
Chim kêu ríu rít từng bầy khắp nơi 
Đêm qua mưa gió tơi bời 
Biết rằng hoa cũng có rơi ít nhiều.
                  (Bản dịch Trần Trọng Kim)

Bạn TTGM viết.
Nếu xét trong ý thơ, thì Mạnh Hảo Nhiên đã cảm nhận và viết ra sau một giấc ngủ trong mùa xuân; 
Lúc ông vừa tỉnh giấc nồng, ông không cảm thấy trời còn sớm, vì ông nghe tiếng chim hót vang khắp nơi, và ông chợt nhớ đêm qua lúc đêm vừa đến thì trời đã mưa và gió, làm ông chợt cám thán khi nghĩ tới những khóm hoa của ông, "Hoa lạc tri đa thiểu", Ông nằm đó mà than: "chẳng biết ngoài vườn những đóa hoa đã rụng hết bao nhiêu" rồi!
Ngoài ra muốn biết ý tứ sâu của thơ, còn phải xem ngữ cảnh của thời đại nữa, mà thôi, ta chỉ lãng đãng tản mạn theo ý thơ của ngài Hạo Nhiên mà thôi.
Khi nghĩ tới hoa rơi ai chẳng buồn nhỉ? 
(cảm ơn Bạn chia sẻ - VanPham)

Bác Toàn (Bulukhin) viết.
Bài thơ Xuân hiểu của Mạnh Hạo Nhiên khó dịch nhất là câu đầu tiên vì không nói hết được ý chữ miên. Miên là ngủ nhắm mắt lại nhưng nằm yên, say sưa, mê mệt. Bởi vậy khi tỉnh dậy thì chim đã hót khắp nơi rồi. Ông Trần Trọng Kim dịch "Giấc xuân trời sáng không hay" bu cho là được.
Sinh thời Mạnh Hạo Nhiên không mấy tha thiết làm quan. Thứ sử Kinh Châu là Hàn Triều Tông hẹn đến kinh sư để tiến cử nhưng ông mải uống rượu với bạn mà quên hẹn. Đang ở chơi nhà Vương Duy thì vua Huyền Tông đến, ông chui xuống gầm giừờng lánh mặt, vua gọi ra hỏi thì ông bảo "bất tài minh chủ khí" nhà vua buộc phải nói: "Khanh không cầu làm quan chớ trẫm đâu có bỏ khanh"
Ông ưa sống ẩn dật, thơ ông chủ yếu nói về phong cảnh đất nước và cái thú ở ẩn. Cho nên để thưởng thức Xuân hiểu thì cũng nên đọc một loạt bài thơ của ông, thực ra thơ ông còn lại đến ngày nay chưa tới 300 bài. Ngôn ngữ của ông giản dị, không cầu kì, không dùng nhiều điển tích. Hiểu xuân là một tâm trạng rất thực của một con người đời thường. Cái tình người là ở câu cuối. Trời mưa thương cả hoa thì không thể thờ ơ với còn người được.
(Cảm ơn Bu)



Ghi chú.
(*) Cầm Sắt. Lý Thương Ẩn
李商隱錦瑟 

錦瑟無端五十絃, 一絃一柱思華年。
莊生曉夢迷蝴蝶, 望帝春心託杜鵑。
滄海月明珠有淚, 藍田日暖玉生煙。
此情可待成追憶, 只是當時已惘然。


Cầm Sắt.
Cầm sắt vô đoan ngũ thập huyền 
Nhất huyền nhất trụ tư hoa niên 
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp 
Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên 
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ 
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên 
Thử tình khả đãi thành truy ức 
Chỉ thị đương thời dĩ uổng nhiên 

Dịch Nghĩa
Đàn gấm chẳng vì cớ chi mà có năm mươi dây 
Mỗi dây mỗi trụ đều gợi nhớ đến thời tuổi trẻ 
Trang Chu buổi sáng nằm mộng thành bươm bướm 
Lòng xuân của vua Thục đế gửi vào chim Đỗ Quyên
Trăng chiếu sáng trên mặt biển xanh, châu rơi lệ 
Ánh nắng ấm áp chiếu vào hạt ngọc Lam Điền sinh ra khói 
Tình này đã sớm trở thành nỗi nhớ nhung về dĩ vãng 
Cho đến bây giờ chỉ còn lại nỗi đau thương.

20 nhận xét:

  1. Hoa Chi Mai.

    [IMG]http://i1156.photobucket.com/albums/p568/vanthekt/hoachimai.jpg[/IMG]

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu và Mai cho ý kiến. 處處 Xử xử hay xứ xứ?
      Cảm phiền các bạn!

      Xóa
    2. M đã đưa tự điển của Thiều Chửu về ghi ở phía dưới, ở ngữ cảnh của ý thơ Mạnh Hảo Từ thì ta nên viết là "xứ xứ".

      Xóa
  2. Hái được nhiều lộc chưa anh trai ?
    Sao thấy vắng vẻ hay là đang đau
    Chúc anh cuối tuần an vui
    Để hái lộc cho cả nhà vui chung (~_~)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh đi chút lộc miền Trung
      Bến xuân thao thức nỗi lòng chi mai
      Hội mùa cửu thập ngày dài
      Non tơ cỏ mướt lâu đài bạch dương.

      Xóa
  3. Bạn già thân quý ơi!
    Bài viết của bạn có thể coi là thơ văn xuôi. Vũ tôi không xem mặt chữ Hán, nhưng có 2 chữ HIỂU. Một là buổi sáng, hai nghĩa là biết ( hiểu biết). Nhưng XUÂN HIỂU trong nhan đề bài thơ phải được hiểu là Buổi sáng mùa xuân. Xuân miên bất giác hiểu: Giấc ngủ xuân (say) bỗng tỉnh giấc thì đã SÁNG. Thơ Đường tập 1 dịch nghĩa : Giấc ngủ đêm xuân không biết trời đã sáng. Cũng trong sách ấy phiên âm : xứ xứ : Nơi nơi. ( không phải xử xử).
    Bạn có thể xem thêm bài XUÂN HIỂU ( Buổi sáng mùa xuân) của Trần Nhân Tông:
    Thụy khởi khải song phi
    Bất tri xuân dĩ quy
    Nhất song bạch hồ điệp
    Phách phách sấn hoa phi

    Dịch thơ
    Buổi sáng mùa xuân
    Ngủ dậy ngỏ song mây
    Xuân về vẫn chửa hay
    Song song đôi bướm trắng
    Phấp phới sấn hoa bay
    Ngô Tất Tố dịch
    Vũ tôi mạo muội góp đôi lời, mong được thể tất.
    Chúc ông bạn cao tuổi và mọi người vui vẻ!
    Vũ Nho, chủ trang vunhonb.blogspot.com

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Bác Vũ đã động viên và góp ý cho tôi.
      Vâng, đó là Sáng Xuân và xứ xứ văn đề điểu.
      Tôi sửa luôn.
      Chúc Ông Vũ yêu đời!

      Xóa
  4. Trả lời
    1. Tôi vẫn yêu và thích trồng Chi Mai từ xưa, nhà có 5 gốc và còn ươm cho bạn bè.
      Máy ảnh của tôi chụp chưa đẹp. Vẫn nghĩ, bạn thích hoa này, hoa Mai miền Bắc.
      Thấy trong nhà Bạn có bài 'Cô ơi đừng nghỉ hưu'. Mai nở hai lần Bạn à, mỗi lần một chức phận cho đời. Cuộc sống đáng yêu sao. Vừa viết vừa nghe bài Khúc chiều tà bên nhà bạn.
      Chúc Bạn vui!

      Xóa
  5. Thật ra chữ 處, theo tự điển Thiều Chửu dịch ra Hán Việt có hai cách phát âm: "Xử" hay "Xứ" đều đúng cả, tùy ngữ cảnh mà ta sử dụng mà thôi.

    處  xử, xứ
    [Pinyin: chù] [Giản thể: 处]

    Nghĩa như sau:

    1. Ở. Như cửu xử 乆處  ở lâu, cùng mọi người ở được vui hòa gọi là tương xử 相處.

    2. Trái lại với chữ xuất 出 ra. Như xuất xử 出處  ra ở (ra đời hay ở ẩn), xử sĩ 處士  kẻ sĩ chưa ra làm quan, xử tử 處子, xử nữ 處女  con gái chưa chồng.

    3. Phân biệt được sự lý cho được phải chăng. Như xử trí 處置, khu xử 區處, v.v.

    4. Đo đắn để cầu cho yên. Như xử tâm tích lự 處心積慮  bận lòng lo nghĩ để cho xứng đáng.

    5. Xử hình án cũng gọi là xử. Như xử trảm 處斬  xử án chém, xử giảo 處絞  xử án thắt cổ.

    6. Vị trí, đặt để.
    7. Về.
    8. Thường.

    9. Một âm là xứ. Nơi, chỗ. Như thân thủ dị xứ 身首異處  thân một nơi, đầu một nơi. Lại như trong dinh quan có chỗ tham mưu gọi là tham mưu xứ 參謀處.

    10. Nơi nào đó. Như đáo xứ 到處  đến nơi nào đó, xứ xứ 處處  chốn chốn, nơi nơi.

    11. Dị dạng của chữ 处.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Do đó ở câu trên ta dùng chữ "xứ" là khắp nơi.

      Xóa
    2. Cảm ơn Mai, tôi đã sửa trên bài viết. Chốn chốn, nơi nơi (xứ xứ), những bạn bè thân thiết.

      Xóa
  6. Chữ Hiểu, theo tự điển Thiều Chửu:

    曉  hiểu
    [Pinyin: xiǎo] [Giản thể: 晓]

    1. Sớm, lúc mới hơi mờ mờ sáng gọi là phá hiểu 破曉.
    2. Biết, rõ, hiểu rõ.
    3. Bảo cho biết. Như hiểu thị 曉示  bảo cho đều biết rõ.

    Ở đây, chữ "Xuân hiểu" ta nên dịch là "buổi sáng sớm mùa xuân."

    Anh VP ơi! M sẽ phát triển bài thơ theo nghĩa thuần Việt sau nhé!

    Trả lờiXóa
  7. 孟浩然. 春曉

    春眠不覺曉 Xuân miên bất giác hiểu
    處處聞啼鳥 Xử xử văn đề điểu
    夜來風雨聲 Dạ lai phong vũ thanh
    花落知多少 Hoa lạc tri đa thiểu.

    Sau khi đọc bằng chữ Hán, hiểu theo nghĩa của người Hán, thì M phát triển theo nghĩa tiếng Việt như sau:

    Một buổi sáng sớm của mùa xuân.

    Trong giấc ngủ vào mùa xuân (con người ta) không cảm thấy trời còn sớm.
    Khắp nơi đều nghe tiếng chim hót vang.
    Đêm qua nghe tiếng gió và mưa (như thế)
    (Ôi!) Chẳng biết (ngoài kia) hoa đã rụng bao nhiêu rồi!!

    Chữ trong ngoặc do M thêm cho đủ ý tứ của thơ.. :)

    Nếu xét trong ý thơ, thì Mạnh Hảo Nhiên đã viết sau khi cảm nhận một giấc ngủ trong mùa xuân; Lúc ông vừa tỉnh giấc nồng, ông không cảm thấy trời còn ghe tiếng chim hót vang, ông chợt nhớ đêm quá lúc đêm vừa đến thì trời mưa và gió, làm ông chợt cám thán khi nghĩ tới những khóm hoa của ông, "HHoa lạc tri đa thiểu", ổng nằm đó nghĩ "chẳng biết những đóa hoa đã rụng hết bao nhiêu" rồi!


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Viết lại đoạn dưới

      Nếu xét trong ý thơ, thì Mạnh Hảo Nhiên đã cảm nhận và viết ra sau một giấc ngủ trong mùa xuân;

      Lúc ông vừa tỉnh giấc nồng, ông không cảm thấy trời còn sớm, vì ông nghe tiếng chim hót vang khắp nơi, và ông chợt nhớ đêm qua lúc đêm vừa đến thì trời đã mưa và gió, làm ông chợt cám thán khi nghĩ tới những khóm hoa của ông, "Hoa lạc tri đa thiểu", Ông nằm đó mà than: "chẳng biết ngoài vườn những đóa hoa đã rụng hết bao nhiêu" rồi!

      Ngoài ra muốn biết ý tứ sâu của thơ, còn phải xem ngữ cảnh của thời đại nữa, mà thôi, ta chỉ lãng đãng tản mạn theo ý thơ của ngài Hạo Nhiên mà thôi.

      Khi nghĩ tới hoa rơi ai chẳng buồn nhỉ?

      Xóa
    2. Tôi xin chép lời cảm nhận của Bạn vào bài viết

      Xóa
  8. CHÚC ANH TRAI CÙNG HỌ LUÔN CHĂM SÓC CHỊ NHÀ CHU ĐÁO NHÉ ! CHÚC ANH VUI KHỎE MỌI SỰ BÌNH AN (~_~)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sáng nay cũng khổ cực lắm, nhưng vui. Sáng mai lại thảnh thơi.

      Xóa
  9. Bài thơ Xuân hiểu của Mạnh Hạo Nhiên khó dịch nhất là câu đầu tiên vì không nói hết được ý chữ miên. Miên là ngủ nhắm mắt lại nhưng nằm yên, say sưa, mê mệt. Bởi vậy khi tỉnh dậy thì chim đã hót khắp nơi rồi. Ông Trần Trọng Kim dịch "Giấc xuân trời sáng không hay" bu cho là được.
    Sinh thời Mạnh Hạo Nhiên không mấy tha thiết làm quan. Thứ sử Kinh Châu là Hàn Triều Tông hẹn đến kinh sư để tiến cử nhưng ông mải uống rượu với bạn mà quên hẹn. Đang ở chơi nhà Vương Duy thì vua Huyền Tông đến, ông chui xuống gầm giừờng lánh mặt, vua gọi ra hỏi thì ông bảo "bất tài minh chủ khí" nhà vua buộc phải nói: "Khanh không cầu làm quan chớ trẫm đâu có bỏ khanh"
    Ông ưa sống ẩn dật, thơ ông chủ yếu nói về phong cảnh đất nước và cái thú ở ẩn. Cho nên để thưởng thức Xuân hiểu thì cũng nên đọc một loạt bài thơ của ông, thực ra thơ ông còn lại đến ngày nay chưa tới 300 bài. Ngôn ngữ của ông giản dị, không cầu kì, không dùng nhiều điển tích. Hiểu xuân là một tâm trạng rất thực của một con người đời thường. Cái tình người là ở câu cuối. Trời mưa thương cả hoa thì không thể thờ ơ với còn người được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Bu, cho tôi đăng vào bài viết.

      Chúc Bu vui!

      Xóa