Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Nguồn gốc tên một số nhân vật trong truyện của Kim Dung

(Lê Huy Hoàng sưu tầm và lược dịch)
Mở đầu. Truyện võ hiệp của Kim Dung, mọi người đã đọc nhiều, xem nhiều (phim), nhưng không hẳn ai cũng rõ nguồn gốc những tên nhân vật đó từ đâu ra. Bài này sưu tầm trên mạng, cũng mới chỉ là ý kiến cá nhân, không phải ý kiến giải thích của chính Kim Dung, nay lược dịch ra đây, chưa chắc đúng hẳn, nhưng cũng là một cách để tìm hiểu điển tích điển cố Trung Hoa, hoặc giả “mua vui cũng được một vài trống canh”.
A Châu (Lưu Đào đóng) 
I. A Châu, A Tử 
(Thiên Long Bát Bộ).

Hai chị em là con của Đoàn Chính Thuần và Nguyễn Tinh Trúc, từ nhỏ đã chia lìa nhau, A Châu làm nô tì cho nhà Mộ Dung, còn A Tử thì là “học trò hư” của Tinh Tú lão quái; tuy cùng một mẹ sinh ra mà tính cách khác hẳn nhau. Châu (Chu) 朱: màu đỏ, Tử 紫: màu tía. Tên lấy từ sách Luận Ngữ.
Thiên “Dương Hóa” sách Luận Ngữ “論語·陽貨” viết: 
Ố tử chi đoạt chu dã! 惡紫之奪朱也. (Ghét màu tía hung ác lấn át màu đỏ).
Hà Yến tập giải 何晏集解 viết: 
Chu, chính sắc. Tử, gian sắc chi hiếu giả. Ố kì tà hiếu dĩ loạn chính sắc. 朱,正色。紫,間色之好者。惡其邪好以亂正色。Đỏ là sắc chính, tử là chỉ kẻ thích sắc màu trung gian. Ghét cái sở thích tà ác làm loạn cả sắc màu chính).
Sau người ta dùng “chu tử” nói sự lấy cái tà làm loạn cái chính, tốt xấu lẫn lộn.
Thiên “Trần Nguyên truyện” trong “Hậu Hán thư” “後漢書·陳元傳”chép:
Phù minh giả độc kiến, bất hoặc ư chu tử. 夫明者獨見,不惑於朱紫。(Này, kẻ sáng suốt có kiến giải của riêng mình, không lẫn lộn tốt xấu).

Lại dùng để nói về nhân phẩm cao thấp khác nhau. 
Sách Quảng Tuyệt Giao Luận của Lưu Tuấn 劉峻 “廣絕交論”có chép: 
Thư hoàng xuất kì thần vẫn, chu tử do kì đảm. 雌黃出其唇吻,朱紫由其膽. (sự chê bai bắt đầu từ miệng lưỡi, mà nhân phẩm cao thấp là từ gan mật mà ra).
Kim Dung dùng chu (châu) tử để đặt tên hai nhân vật, thấy rõ sự yêu ghét vậy!

Phụ. Kiều Phong 喬峰.
Kiều Phong tên thực là Tiêu Phong 蕭峰. Kiều là họ của cha nuôi Kiều Tam Hòe. Chữ Kiều ám chỉ không phải họ thật, “kiều” là giả trang. Còn chữ Phong (đỉnh núi) là muốn nối tiếp tên của cha đẻ Viễn Sơn 遠山.

II. Đinh Điển, Lăng Sương Hoa (Liên Thành Quyết) (lược bỏ)

Dương Quá (Hoàng Hiểu Minh đóng) 
III. Dương Quá, Tiểu Long Nữ 
(Thần Điêu Hiệp Lữ)
Việt Nam dịch là “Thần điêu đại hiệp”.

Dương Quá 楊過, tự là Cải Chi 改之, tên do Quách Tĩnh đặt. Quá là lỗi lầm, Cải là sửa chữa, ý nói có lỗi phải sửa. 
Thiên “Tuyên Công nhị nhiên” sách Tả Truyện “左傳·宣公二年” chép: 
Nhân thùy vô quá? Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên. 人誰無過?過而能改,善莫大焉 (Ai người không có lỗi lầm? Có lỗi mà có thể sửa, chẳng gì tốt đẹp bằng).
Đời Tống có nhà thơ Lưu Quá, tự cũng là Cải Chi, không biết liệu Kim Dung có mượn tên chăng?

Long Nữ 龍女, con gái Long Vương trong truyện thần thoại. Có thể Tiểu Long Nữ trong truyện Thần Điêu được lấy ý tưởng từ nhân vật nữ thần trong chương Tiêu Dao Du, sách Trang Tử “莊子·逍遙遊” .

IV. Lệnh Hồ Xung 令狐沖, Nhiệm Doanh Doanh 任盈盈 
      (Tiếu Ngạo Giang Hồ).

Nhiệm Doanh Doanh (Hứa Tịnh) và Lệnh Hồ Xung (Lý Á Bằng) 
Xung, ý nói trống rỗng, Doanh, lại có nghĩa là đầy, hai cái tên nói lên sự khác biệt tính cách.
Sách Lão Tử 老子 chương 45 có nói: 
Đại doanh nhược xung, kì dụng bất cùng. 大盈若沖,其用不窮. (Đầy mà như vơi, thì dùng mãi chẳng hết), tức là ý nói cái đầy và cái vơi đi liền với nhau, thống nhất với nhau.
Nhân vật Chu Bá Thông trong Anh Hùng Xạ Điêu cũng có nói câu này, chứng tỏ khả năng Kim Dung dựa vào sách Lão Tử để đặt tên hai nhân vật trên là rất lớn. Hoặc cũng có người cho rằng, Nhiệm Doanh Doanh lấy ý từ sách Cổ Thi Thập Cửu Thủ 古詩十九首, sách có câu “Doanh doanh lâu thượng nữ” 盈盈樓上女.

Bổ sung. Sách Lão Tử lại nói: 
Đạo xung nhi dụng chi, hoặc bất doanh, uyên hề tự vạn vật chi tông. 道沖而用之,或不盈,淵兮似萬物之宗. (Đạo, vơi thì dùng, tuy không đầy mà sâu sắc như cái gốc của vạn vật).

Lời bàn thêm của người dịch: Lệnh Hồ Xung tên là Xung (vơi), mà phần lớn thời gian xuất hiện trong truyện đều ở trạng thái bị mất nội công, cuối cùng lại luyện công phu Hấp Tinh Đại Pháp, ngược hẳn với võ công bình thường (đan điền trống rỗng không tụ khí). Càng thấy cái tên Lệnh Hồ Xung thật là đặc biệt.

V. Văn Thái Lai. 
(Thư Kiếm Ân Cừu Lục).

Nhân vật gặp nhiều trắc trở sóng gió, cuối cùng đúng là “Bĩ cực thái lai” 否極泰來. Văn Thái Lai 文泰來 có ngoại hiệu là Bôn Lôi Thủ 奔雷手, ý chỉ ra đòn rất nhanh mạnh. 
Tân Khí Tật đời Tống 宋辛棄疾 trong bài “Thẩm Viên Xuân” 沁園春 có câu “Khí tự bôn lôi” 氣似奔雷. Thái, là tên quẻ, trên là quẻ Khôn dưới là que Càn (địa thiên thái), là quẻ tốt. Ngược lại, trên càn dưới khôn là quẻ Bĩ, quẻ xấu, nên có câu Bĩ cực thái lai là vì thế.

VI. Càn khôn ngũ tuyệt – Nam đế, Bắc cái, Đông tà, Tây độc, Trung thần thông 
    (Anh Hùng Xạ Điêu).

1. Nam đế 南帝.
Nam đế là Nhất Đăng Đại Sư 一燈大師. Nam thuộc Hỏa, nên mới là Nhất Đăng.
Nhất Đăng lại lấy ý từ kinh Pháp Hoa 法華經: 
Dĩ nhất đăng truyền chư đăng, chung chí vạn đăng giai minh. 以一燈傳諸燈,終至萬燈皆明. (lấy một ngọn đèn truyền cho nhiều ngọn đèn, cuối cùng muôn đèn đều rạng).
Mà tuyệt chiêu của Nhất Đăng Đại Sư lại chính là Nhất Dương Chỉ– Dương tức là mặt trời, thuộc hỏa.

2. Bắc cái 北丐.

Bắc thuộc Thủy, nên Bắc cái là Hồng Thất Công 洪七公, Hồng 洪 là nước lớn. Phương Bắc thuộc Thủy, chủ màu đen, tuy trong truyện không miêu tả Hồng Thất Công mặc áo màu gì, nhưng đã là ăn mày thì màu gì rồi cũng thành đen.

3. Đông tà 東邪.

Đông thuộc Mộc, chủ màu xanh. Đông tà là Hoàng Dược Sư 黃藥師, chữ Dược 藥 có bộ Mộc 木. Đông tà cũng xuất hiện với chiếc áo xanh trên người. 
Kim Dung rất sùng kính danh tướng Lý Tịnh đời Đường 唐李靖, mà Lý Tịnh có tên chữ là Dược Sư, rất có thể Kim Dung đã xây dựng nhân vật Đông tà Hoàng Dược Sư từ cảm hứng này.

4. Tây độc 西毒.

Tây thuộc Kim, Tây độc là Âu Dương Phong 歐陽鋒, chữ Phong 鋒 lại có bộ kim 金. Tây độc lại có một cây đàn tranh bằng sắt, cũng thuộc kim. 
Âu Dương Phong có độc chiêu Cáp Mô Công, khắc tinh của võ công này là Nhất Dương Chỉ, ám chỉ hỏa khắc kim theo đúng quy luật ngũ hành tương khắc.

5. Trung thần thông 中神通.

Trung ương thuộc Thổ, màu vàng. Trung thần thông Vương Trùng Dương 王重陽, tên gốc là Vương Triết 王喆. hai chữ Vương và Triết tổng cộng có tới ba bộ thổ 土.
Vương Trùng Dương là đạo sĩ, mà đạo sĩ vẫn dùng mũ vàng. Sau này “thần thông” được thay bằng “ngoan đồng” Chu Bá Thông 周伯通. Chữ Chu 周 vẫn có bộ thổ!

Lâm Bình Chi
VII. Lâm Bình Chi (Tiếu Ngạo Giang Hồ), 
      Du Thản Chi (Thiên Long Bát Bộ).

Lâm Bình Chi 林平之,công tử của tiêu cục Phúc Uy. Du Thản Chi 遊坦之, công tử ở Tụ Hiền Trang. Ấy vậy mà cuộc đời cả hai đều trắc trở đau khổ, cuối cùng là cái chết đau đớn, chẳng hề “bình thản” chút nào!

VIII. Võ Tu Văn 武修文, Võ Đôn Nho 武敦儒
        (Thần Điêu Đại Hiệp). 

Hai con của Võ Tam Thông. Tu Văn là sửa việc văn học, Đôn Nho là đôn hậu nho nhã. Vậy mà cả hai đều chỉ chăm lo võ học (mặc dù võ công bình thường). Cũng là một cách “nói ngược” của Kim Dung như trường hợp Bình Chi, Thản Chi vậy!
Chú thêm của người dịch: nhân bàn về nói ngược, thì trong truyện Kim Dung cũng có khá nhiều nhân vật có ngoại hiệu mĩ miều mà võ công thì chẳng lấy gì làm thâm hậu, ví như Thiết Chưởng Thủy Thượng Phiêu chẳng hạn. Đó cũng là một cách trào phúng.

Viên Thừa Chí (Đậu Trí Khổng) và Ôn Thanh Thanh (Hoàng Thánh Y) 
IX. Hạ Tuyết Nghi, Ôn Thanh Thanh 
     (Bích Huyết Kiếm).

Hạ Tuyết Nghi 夏雪宜 là Kim Xà Lang Quân 金蛇郎君, cha của Ôn Thanh Thanh 溫青青. Đã là mùa hè (Hạ) lại có Tuyết, thì chẳng thích hợp (Nghi) chút nào! Ôn là ấm, Thanh 青 là mượn chữ Thanh 清 là mát, cũng là đối lập.
Thiên Khúc Lễ Thượng của sách Lễ Kí "禮記·曲禮上" chép:
Phàm vi nhân chi lễ, đông ôn nhi hạ thanh. 凡為人之禮,冬溫而夏清. (phàm cái lễ nghi làm người, là như ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè).
Cái tên vừa nói về cuộc đời trắc trở, vừa nói về tính cách mâu thuẫn của cả hai cha con. Hạ Tuyết Nghi vừa tàn bạo lạnh lùng, vừa chung tình sâu sắc. Ôn Thanh Thanh vừa ngang bướng vừa là người đau khổ.

Phụ. Viên Thừa Chí 袁承志.
Thừa Chí là nối tiếp chí hướng, ý muốn nối tiếp chí hướng của cha là Viên Sùng Hoán. Tuy nhiên Viên Thừa Chí tuy có võ công cao cường, nhưng sau cùng không theo nghiệp tướng mà quy ẩn giang hồ.

X. Tiêu Dao phái 
      (Thiên Long Bát Bộ).

1. Chưởng môn nhân Vô Nhai Tử 無崖子.

Tên lấy từ thiên Dưỡng Sinh Chủ, sách Trang Tử "莊子·養生主": 
Ngô sinh nhi hữu nhai, nhi tri dã vô nhai. 吾生而有涯,而知也無涯. (Cuộc đời ta có bờ bến, mà kiến thức thì vô bờ bến).

2. Thiên Sơn Đồng Lão 天山童姥. 

Đồng Lão là chỉ người đã già nhưng tướng mạo như trẻ con. Võ công của Thiên Sơn Đồng Lão có lẽ lấy cảm hứng từ Phật giáo, cụ thể là từ Thích Ca Mâu Ni (nên có Bát Hoang Lục Hợp Duy Ngã Độc Tôn). Còn Lý Thu Thủy 李秋水 thì lấy tên theo chương Thu Thủy, sách Lão Tử "老子·秋水".

3. Vô Nhai Tử có hai sư đệ là Tô Tinh Hà 蘇星河 và Đinh Xuân Thu 丁春秋. 
Trong đạo Lão, “tinh hà” là sự vô bờ bến về mặt không gian, “xuân thu” là sự vô bờ bến về mặt thời gian.
(lược từ XI đến XVI)

Vương Vỹ trong vai Nhạc Bất Quần
XVII. Nhạc Bất Quần 
        (Tiếu Ngạo Giang Hồ). 

Cùng với Trác Bất Phàm 卓不凡, đều lấy ý từ câu “Trác nhĩ bất quần” 卓爾不群 (vượt lên tất cả mọi người) trong Hán Thư 漢書. 
Nhưng thiên Dương Hóa sách Luận Ngữ “論語·陽貨” nói: 
Quân tử quần nhi bất đảng, tiểu nhân đảng nhi bất quần. 君子群而不黨,小人黨而不群. (quân tử tụ họp mà không kết bè, tiểu nhân kết bè mà không tụ họp).
“Bất quần” là nói về tiểu nhân vậy, trớ trêu thay, Nhạc Bất Quần lại được gọi là “quân tử kiếm”. Quả nhiên đến cuối truyện đã lộ bản chất tiểu nhân!
Nói thêm một chút: chữ “quần” 群 gồm Quân 君 và Dương 羊 ghép lại. Sau khi đã bỏ đi cái lốt dê cừu (Dương) hiền lành, thì còn lại là Bất Quân, chẳng phải quân tử gì!

(lược XVIII, XIX, XX)

Lưu Giang trong vai
Hướng Vấn Thiên 

XXI. Hướng Vấn Thiên
        (Tiếu Ngạo Giang Hồ).

Tên này rất hay, vừa có cái ngây thơ của Lí Bạch trong “thanh thiên minh nguyệt lai kỉ thời, ngã kim đình bôi nhất vấn chi” (Trăng sáng trời xanh tới lúc nào, ta nay dừng chén để hỏi thăm), vừa có cái nhàn hạ của Tô Thức trong “Minh nguyệt kỉ thời hữu, bả tửu vấn thanh thiên”. 
Nhưng có lẽ cái tên này có gốc từ bài “Thiên Vấn” của Khuất Nguyên. Mà Hướng Vấn Thiên 向問天 với Khuất Nguyên, đều có cái ngu trung gần giống nhau!

(lược đến XXVIII)

XXIX. Mộ Dung Phục 慕容複 
           (Thiên Long Bát Bộ).

Người ta vẫn gọi Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung. Mộ Dung không phải họ người Hán, mà là họ của tộc Tiên Ti. Cái tên Phục là do Mộ Dung Bác (cha của Mộ Dung Phục) đặt cho, với mong muốn hắn có thể khôi phục Đại Yên. 
Ngờ rằng Kim Dung viết về Mộ Dung Phục có ý ám chỉ hai người con của Tưởng Giới Thạch là Tưởng Trung Chính, Tưởng Kinh Quốc, vì thời kì viết Thiên Long Bát Bộ (1963-1966) chính là giai đoạn họ Tưởng liên tiếp kêu gọi “phản cộng phục quốc”! Mà kết cục của Mộ Dung Phục thì đúng là “Vận di Yên tộ chung nan phục” (vận hết ở nước Yên, cuối cùng khó lòng khôi phục đất nước).
(lược đến XXXIV)

XXXV. Hồ Nhất Đao 
             (Tuyết Sơn Phi Hồ).

Có hai giả thiết, thứ nhất là Hồ Nhất Đao 胡一刀 chỉ “chém bừa một đao”, tính cách rất thẳng thắn mạnh mẽ, đúng là tính cách của du hiệp phương bắc; thứ hai, chữ “hồ” trong văn cổ là từ dùng để hỏi, ý hỏi rằng “vì sao không cho một đao?”, cuộc đời phức tạp, giá như một đao có thể xóa bỏ bất bình trong thiên hạ thì hay biết mấy! 
Dù giải thích thế nào, thì cái tên “Nhất Đao” quả là vừa đúng với vũ khí (đại đao), vừa đúng với võ công (Hồ gia đao pháp), vừa đúng với con người.

Phụ. Hồ Phỉ 胡斐.

Phỉ là đẹp, dùng làm tên người không có gì lạ. Có lẽ Kim Dung nghĩ đến hai chữ “phi hồ” trước, rồi đặt ngược lại tên cho nhân vật chính trong truyện là Hồ Phỉ.

Miêu Nhân Phượng (Tuyết Sơn Phi Hồ) 
XXXVI. Miêu Nhân Phượng (Tuyết Sơn Phi Hồ) 
              Lam Phượng Hoàng (Tiếu Ngạo Giang Hồ).

Lam Phượng Hoàng 藍鳳凰 là người Miêu (tức dân tộc H’mông), người Miêu có truyền thống tôn thờ phượng hoàng. 
Lam Phượng Hoàng thì không nói làm gì, nhưng còn Miêu Nhân Phượng 苗人鳳? Vừa hay, ông họ Miêu! Nhân Phượng là muốn chỉ “rồng phượng ở chốn nhân gian”. Miêu Nhân Phượng ngược lại với Hồ Nhất Đao, kể từ cả cái họ trở đi. Miêu là dân tộc ở miền nam, 

Miêu Nhân Phượng có tính cách đặc trưng của người miền nam Trung Hoa; Hồ lại là dân tộc ở miền Bắc, Hồ Nhất Đao có tính cách rất đặc trưng của du hiệp miền bắc. Vũ khí của hai người cũng rất tượng trưng cho tính cách (kiếm và đao). Miêu Nhân Phượng không thấy nói là dân tộc gì, nhưng rõ ràng cái tên này có quan hệ rất mật thiết với dân tộc Miêu.

Lại nói Kim Dung và dân tộc Miêu có quan hệ gì. Kim Dung chịu ảnh hưởng rất lớn của nhà văn người Miêu là Thẩm Tòng Văn, đồng thời có giao lưu rất nhiều với cháu họ của Thẩm là Hoàng Vĩnh Ngọc. Kim Dung cũng từng ở vùng của người Miêu.

Lệnh Hồ Xung và Lam Phượng Hoàng 
(lược phần cuối)

5 nhận xét:

  1. Bài viết này hay lắm anh. Cám ơn anh đã sưu tầm, đọc thấy thích . Anh khỏe không?

    Trả lờiXóa
  2. Mình đọc lại Kim Dung nên viết cho vui.
    Sức khỏe không tốt lắm.
    Cảm ơn PV. Chúc vui!

    Trả lờiXóa
  3. Cầu mong mọi tốt l̀anh đến với anh

    Trả lờiXóa
  4. <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3 <3

    Trả lờiXóa