Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Thiên đô?



Thăng Long 1000 năm?
Ảnh chụp trên đường Đại Cồ Việt

Không chỉ có Thần đạo,
mất lòng dân mới chính là nhất dao kết liễu nhà... Hồ
Thiên đô?
Sông Mã, sông Bưởi không đủ sức tạo nên một đế đô bền vững muôn đời !
(Xuân Bình) Quy hoạch Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 có quá nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Nhưng có lẽ vấn đề đáng được quan tâm nhất phải là ý tưởng lựa chọn đặt Trung tâm hành chính ở chân núi Ba Vì. Đây mới chính là tâm điểm của đồ án, huyệt đạo của một Hà Nội mở rộng và là nơi ẩn giấu khát vọng đích thực của chủ đồ án.
Nếu quy hoạch trở thành hiện thực, đây sẽ là lần thiên đô tiếp sau Văn Lang- Cổ Loa- Hoa Lư- Thăng Long- Tây Đô- Huế và Hà Nội.
Trong từ Hán – Việt, chữ Thiên có nhiều nghĩa khác nhau: một nghìn; Trời; Tự nhiên; Liên quan đến Thiên tử; Dời đi, thay đổi; Lệch về một bên. Từ cách tiếp cận này, có thể đặt vấn đề: Có hay không khái niệm “Thiên niên bất dịch”? Thăng Long sau 1000 năm liệu có thể tiếp tục dời đô? Thiên đô tới đâu? Khi nào? Ai là người viết chiếu? …
Bài viết này thử điểm lại thiên sử dời đô của Tây Tạng, Trung Quốc và Nhật Bản. Tiếp cận một trục không gian quá dài rộng, người viết chỉ nghĩ đây là một gợi ý nhỏ để mọi người tự tìm ra những mối quan hệ gắn bó, bài học thiết thân với Hà Nội.

Nơi tiếp giáp với trời

Ngậm ngùi cố đô Gyantse
Lhasa thủ phủ của người Tây Tạng được đặt trên nóc nhà thế giới. Ý nghĩa của từ Lhasa còn được hiểu là nơi ở của thần linh. Miền đất của Mật tông nổi tiếng nhân gian với “Tử Thư” học thuyết bàn về cái chết và tái sinh này từng có ảnh hưởng huyền hoặc tới một số phận Lý Thái Tổ thông qua câu chuyển đầu thai, chuyển kiếp của Từ Đạo Hạnh.
Tây Tạng ít thiên đô. Lhasa có lịch sử 365 năm. Từ khai sinh một thân phận, quyết định dựng xây một tu viện cho đến sự kiện di dời thủ phủ ở vùng đất này đều ẩn giấu trong nó những điều thần bí, khó lý giải.
Vào thế kỷ 17, Lobsang Gyatso (1617–1682) vị Dalai Lama thứ 5, đã chinh phục Tibet và dời thủ phủ từ Gyantse về Lhasa. Đó là trung tâm hành chính, chính trị và tôn giáo có không gian địa lý rộng lớn hơn, tiện lợi giao thông, dồi dào tiềm năng kinh tế và có vị thế văn hóa vượt bậc…
Nhưng những thủ lĩnh tinh thần có khả năng tiên tri cũng chưa có ai dám nghĩ rằng có lúc Lahsa chỉ còn là bệ bục vỹ đại để người Tạng ngắm nhìn lại một giai đoạn lịch sử quá thăng trầm của dân tộc mình.
Ngay cả khi bắt đầu xây dựng đền Jokhang để trấn quỷ dữ cho thành Lhasa, xuất chúng như Songsten Gampo (Tùng Tán Cương Bố) hay bất kỳ người Tạng hoang tưởng nào cũng không thể ngờ có ngày vong quốc. Một bậc thức giả, tài trí khác người, có thể nhận thức cả những việc từng xảy ra trước, sau thực tại hàng trăm năm như Lobsang Gyatso cũng khó có thể tin rằng sau gần nửa thiên niên kỷ, hậu thân của mình lại phát ngôn rằng:
“Nếu tôi mất đi trong tình trạng tỵ nạn, dĩ nhiên sự tái sinh của tôi sẽ xảy ra bên ngoài Tây Tạng”.
Từ Lhasa-là nơi gần “Thiên đình” nhất, bất chợt nhận thấy một điều quá giản đơn: không có “chung cư” cho cả thánh thần và những kẻ phàm trần. 

Potala được xây trên núi Hồng. Nơi đây, Hồ Cẩm Đào từng đội mũ sắt và đứng trước xe tăng để chỉ huy binh sỹ “tô” thêm máu đỏ cho Lhasa?


Từ Tây sang Đông

Đường Tăng: biết đi
hướng nào, về đâu?
Tử Cấm Thành hay là thành không cấm Tử?
Từ nóc nhà thế giới, thử xuôi đến nhiều điểm trọng yếu dọc sông Hoàng Hà để quan sát Trung Hoa, một nền văn hóa có nhiều ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc đến các quốc gia lân bang như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam…
Từ Tây sang Đông, dao động chung quanh trục Trung Hoa- Trung Quốc, thiên đô đã vẽ ra những đường đồ thị lạ lùng nhất trong lịch sử đầy bi hùng của dân tộc này.
Sau lần đầu tiên thống nhất Trung Hoa, kinh đô Hàm Dương- trở thành huyệt Đan Điền của một cơ thể Trung Hoa gồm Yên, Tề, Ngô, Sở. Nơi đây chứng kiến và dung dưỡng khát vọng trường tồn cho đến Vạn thế của Tần Thủy Hoàng. Vậy mà chỉ 4 năm sau khi Tần vương nằm xuống, nhà Tần đã hoàn toàn sụp đổ. Dấu vết của một đế quốc hùng mạnh chỉ còn vương đọng trên những gương mặt cô hồn của những binh mã dũng bị chôn vùi sâu trong lòng đất.
Vào năm 206 trước Công lịch, sau khi xóa Tần, loại bỏ Hạng Vũ, Hán Cao tổ đã dời đô về Lạc Dương rồi Trường An. Hàm Dương chỉ còn lại với những vần thơ buồn của tiến sỹ Hứa Hồn:
Lên tới lầu cao vạn dặm sầu,
Cỏ gai dương liễu tựa đinh châu.
Mây khe vừa nổi, trời sau gác,
Mưa núi sắp qua, gió khắp lầu.
Chim lẩn bụi xanh, Tần uyển tối,
Ve rên lá úa, Hán cung thu.
Người qua chớ hỏi ngày xưa nữa,
Cố quốc theo dòng Vị đã lâu.

Đến thế kỷ 13, Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) bỏ Hoa Lâm lấy Bắc Kinh làm Đại Đô của một đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới. Nhưng ai có thể ngờ rằng vó ngựa Nguyên- Mông từng ngược xuôi Đông Âu, Trung Đông, Nga… lại cũng gục ngã trên chính nơi này. Bắc Kinh chứng kiến một triều đại chỉ tồn tại 97 năm, ngắn nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Năm 1368, Chu Nguyên Chương gầy dựng Nam Kinh trở thành kinh đô của một triều đại hưng thịnh, sáng láng bậc nhất lịch sử Trung Hoa. Đổi tên Bắc Kinh thành Bắc Bình, coi nơi đây như một thành đô hòa bình, phên rậu ở phía Bắc, Hoàng đế nhà Minh đâu có nghĩ rằng chính con cháu trực hệ của ông lại quyết tâm trở lại định đô ở Bắc Kinh để lại bắt đầu một thời kỳ… suy vong?
Trải qua gần 30 vương triều, Trung Hoa là một trong những quốc gia có nhiều lần thiên đô nhất trong lịch sử thủ đô. Bắc Kinh ngày nay cũng có hai lần là kinh đô với thời gian chừng 160 năm. Với người Trung Hoa, mỗi lần thiên đô đều như có ý Trời hoạch định. Mỗi kế hoạch dịch chuyển đều được thực thi bởi những bậc Thiên tử có công nghiệp hiển hách. Tuy nhiên sau mỗi lần thiên đô, không phải khi nào Trung Hoa cũng đều mở ra những vận hội phát triển mới.
Hiện nay Trung Quốc đang vật vã lột xác để hùng mạnh nhất trong lịch sử và trở thành một trong những quốc gia đáng gờm nhất trên chính trường quốc tế. Nhưng những thành tựu mà những người cộng sản Trung Quốc đang cố làm như đường tàu cao tốc lên Lhasa, những đường bộ cao tốc nơi với Yangoon, Hải Phòng; những chuyến thử nghiệm của Thần Châu… chỉ gợi cho tôi nhớ tới một đế chế hùng mạnh từng được phát triển ở châu Âu bởi Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (Đức Quốc xã) của Adolf Hitler. Biết đâu lịch sử Trung Hoa lại lặp lại những biến cố như thời của Nguyên Thế Tổ? Chừng 50 năm nữa thôi, Bắc Kinh sẽ lại “phân mảnh” thành những New Xian, Tràng An mới hay Tân Nam Kinh của một thời Ngũ hay Lục quốc tranh hùng?
Trí tuyến khác

Tác phẩm hoàn hảo của Thoát Á luận.
Vượt biển Hoa Đông, từ Trung Hoa lục địa đến xứ sở Phù Tang. Nơi đây từng có một cố đô Heijo-kyo của triều đại Nara hay một Kyoto của triều đại Heian. Hai cố đô này cùng được coi là mô phỏng kiến trúc của Tràng An, Trung Hoa.
Kyoto có lịch sử phát triển gần một thiên niên kỷ (794- 1603). Một trong những kinh đô tồn tại liên tục, lâu dài nhất trong lịch sử kinh đô của thế giới. Nơi đó, khi toàn bộ bộ máy nhà nước đã chuyển về Tokyo mà Hoàng gia vẫn ở lại. Họ còn lưu luyến rất lâu với biệt thự Katsura, khu vườn Shugaku-in hay chùa Vàng… những kiến trúc đẹp nhất xứ sở. Tokyo ấn tượng tới mức người Mỹ không dám lựa chọn làm mục tiêu để ném bom nguyên tử trong những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ hai.…
Cùng nằm chung quanh 30 vĩ độ Bắc- giới tuyến được thế giới ghi nhận như trục văn hóa chính của nhân loại nhưng người Nhật đã tạo cho mình một Trí tuyến khác.
Edo (tên cũ của Tokyo) không huyền hoặc như Lhasa. Những đại diện ưu tú của người Nhật đã gắn sự phát triển của đất nước với quá trình tiếp cận tinh hoa tư tưởng, triết học, văn hóa ẩn sau những thành tựu vật chất thịnh vượng của văn minh phương Tây chứ không chỉ bò lết quanh các tu viện, thánh đường và luôn mồm tụng đọc Úm ma ni bát mê hồng.
Cùng chung ảnh hưởng về tư tưởng, triết học, tôn giáo, văn hóa phương Đông nhưng người Nhật có những tiếp thu chắt lọc Phật giáo- Nho giáo. Những nỗ lực tách Thần đạo ra khỏi ảnh hưởng của Phật giáo dưới thời Minh Trị còn có ý nghĩa bảo hộ, khích lệ cho những ý thức dân tộc, độc lập, tự cường. Trong khi những Thiên tử ở Bắc Kinh vẫn rạp mình trên Thiên đàn để mưu cầu quyền lực tối cao cho cá nhân mình thì ở Tokyo Nhật Hoàng bắt đầu nghiên cứu Tân thư- Bàn về tự do của John Stuart Mill.
Cùng có xu hướng dời đô về hướng Đông; Cùng định đô bên những dòng sông nhưng con cháu, hậu duệ của Trịnh Hòa thì chỉ còn lấy những lần tuần du dọc ngang trên những con sông đào mang danh đại vận hà làm vui thú, mãn nguyện. Trong lúc đó hạm tàu Kanrin-maru Nhật Bản thì dong buồm vượt biển tới San Francisco, Hawai; tàu Odin thì lượn một vòng Trung Á, châu Phi, châu Âu…
Dời bỏ Kyoto là lộ trình lớn để giữa thế kỷ 19, Tokyo khởi xướng Duy Tân tạo ra một giao thoa mạnh mẽ giữa Nhật Bản và phương Tây. Không thuần túy là dời đô, chính sự thay đổi tầm nhìn, ý thức hệ đã mở ra cho xứ sở Mặt trời mọc một chân trời mới mà Tây Tạng không thể ước mơ. Với Thoát Á luận, Phù Tang đã có những bước phát triển thần kỳ mà Trung Quốc khó sánh nổi.

Làm gì có Muôn năm, Thiên niên bất dịch hay Vạn đại dung thân! - ảnh: lăng Gia Long

2 nhận xét:

  1. Một đề tài đáng suy ngẫm. Chúc anh vui

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu không trao đổi, đã đọc bài "Em gái ..." của Vũ.
      Một kỷ niệm thân thương!
      .
      Chúc PV vui!

      Xóa