Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Tiếng tơ đồng



Bác Vĩnh Tuấn với những cây Đàn Tranh
Mấy năm quen Bác Vĩnh Tuấn (Bác là dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, cháu đời thứ 4 của Tuy Lý Vương Miên Trinh). Tôi thường vào trang nhà Bác nghe đàn của gia đình ở Duyệt Thị Trang (tên đặt theo gốc Duyệt Thị Đường xưa Triều Nguyễn). Phu nhân của Bác, bà Phan Thị Thanh Thúy và các con Tôn Nữ Tần Tranh, Bảo Long và Bảo Thạnh đều nổi danh “cầm kỳ …” như Bác vậy.Về nhạc dân tộc, Bác Vĩnh Tuấn nói:

“Nhạc Tây Phương lấy sự chuẩn xác làm gốc. Nhạc dân tộc lấy sự linh động làm nòng cốt. Một nốt nhạc Tây phương phát ra đơn điệu không nói lên được điều gì. Một chữ nhạc dân tộc ngân vang nói lên đươc nhiều điều. Cùng một chữ Xang (nốt Do) mà khi rung nhanh thì diễn tả niềm vui (hơi khách), khi rung chậm diễn tả nỗi buồn (hơi nam), khi rung nhún diễn tả  lòng oán trách (hơi oán), khi rung giật biểu lộ sự trang nghiêm (hơi lễ). Ngoài chữ Rung còn có thêm 14 chữ biến âm đặc biệt mà trong hệ thống âm nhạc Tây phương chưa có.”
Bác sau một tai biến, sức yếu nhiều, hôm nay thấy Bác nhắn " vào Duyệt Thị Trang nghe một trích đoạn Hồn Quốc Nhạc cho vui".
Đăng lại bài viết của Bác, mời các Bạn thưởng thức và nghe Tiếng tơ đồng.     
tơ đồng
Tôn Nữ Tần Tranh và Bảo Long
Tơ Đồng Nhã Nhạc
Vĩnh Tuấn   Cung điệu trầm bổng thanh tao, cao nhã được cất lên qua sự hòa quyện của tiếng đàn Tranh và Tỳ Bà để diễn tả lòng keo sơn, gắn bó, thủy chung của những mối tình trong sáng, tri kỷ, tri âm.
Tơ Đồng:       
  Đàn Tỳ Bà cột bằng dây tơ. Đàn Tranh cột bằng dây đồng. Người ta thường chúc đôi tân hôn được xe duyên Cầm Sắt.       
   Cầm: Tiền thân của đàn Tỳ Bà. "Cầm Phục Hy sở tác, cổ vi ngũ huyền, hậu dụng tứ huyền, toàn huyền phàm thập tam huy" (đàn Cầm do vua Phục Hy chế ra, xưa là 5 dây, nay dùng 4 dây, thân đàn có 13 phiếm).  Sách Hoàng Đàm Tân Luận: "Phục Hy thị thủy tước đồng vi cầm, thằng ti vi huyền" (đời thượng cổ, vua Phục Hy mới chẻ gổ Ngô đồng làm thân đàn và xe tơ làm dây). Về sau, người Hồ nương theo cây đàn Cầm để biến cải và đổi tên thành Tỳ Bà. Thích Danh: "Vị kỳ khí xuất ư Hồ trung mã thượng sở cổ; Thôi thủ tiền viết Tỳ; Dẫn thủ khước viết Bà" (sách Thích Danh gọi đàn này nguyên của quân Hồ cởi ngựa mà đàn; Đưa tay tới gọi là Tỳ; Kéo tay lui gọi là Bà). "Tỳ Bà tứ huyền nhạc khí, nội hệ tế đồng điều vi đảm, thập tam phẩm, do Cầm chi huy vị" (Đàn Tỳ Bà 4 dây, trong thân đàn có buộc một mãnh lá đồng cũng 13 phiếm như đàn Cầm).     
  Ngày nay, đàn Tỳ Bà có mặt tại nhiều nước châu Á. Đàn Tỳ Bà du nhập vào Việt Nam khoảng thế kỷ XI. Về cấu trúc, hình dáng của cây đàn Tỳ Bà Việt Nam nhỏ hơn so với đàn Tỳ Bà Trung Quốc, trên đầu đàn có chạm hình con dơi và chỉ gắn 9 phiếm thay vì 13 phiếm. Về tính năng thì đàn Tỳ Bà Việt Nam chú trọng những âm biến cung và những kỹ thuật rung, nhấn, luyến láy. Trung Quốc thì chủ yếu dùng kỹ thuật reo dây, chạy nốt. Vì thế, người Trung Quốc cầm đàn thẳng đứng còn Việt Nam thì cầm đàn nằm ngang.

 
          Sắt: Tiền thân của đàn Tranh. "Cổ vi ngũ thập huyền, huyền các hữu trụ, khả thượng hạ di động" (đời xưa đàn này có 50 dây, mỗi dây mỗi trục, giở lên, giở xuống được, vặn căng vặn chùng được). Tần nhân cổ Sắt, huynh đệ tương tranh, phá chi nhi vị lưỡng, Tranh chi danh tự thử thủy, Tranh Tần thanh giả, Mông Điềm sở tạo. (xưa người Tần đàn Sắt, có hai anh em dành nhau chẻ ra làm hai. Từ đấy mới gọi là Tranh, giọng đàn Tranh là của người Tần do ông Mông Điềm chế tác). Mông Điềm là vị đai tướng triều Tần Thủy Hoàng (246-209) người đã cùng thái tử Phò Tô xây nên Vạn Lý Trường Thành.

Đàn Tỳ Bà cột bằng dây Tơ. Đàn Tranh cột bằng dây Đồng. Tiếng Tơ Đồng là sự hòa điệu, gắn bó của những con người tri kỹ, tri âm. Tôn nữ Tần Tranh và Nguyễn Phước Bảo Long sẽ cất Tiếng Tơ Đồng qua trích đoạn Nam Ai. Đây là một cầm tấu khúc gần như bị thất truyền của nền ca nhạc Huế. Nội dung diễn tả nỗi niềm tâm sự của những con người thương nhau mà phải xa nhau. Khi thưởng thức danh phẩm này ta không chỉ lắng tai mà còn phải lắng lòng mới cảm nhận được: Rằng hay thì thật là hay/ Nghe như ngậm đắng nuốt cay thế nào.



Ảnh gia đình. Từ phải: Trưởng nữ Tôn Nữ Tần Tranh,
Bác gái Phan Thị Thanh Thúy,
Bác Vĩnh Tuấn, con trai Bảo Thạch, Bảo Long.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét