Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Chuyện nhà Bu



sông Mixixipi 

Chỉ  một “lát cắt”, dòng sông Mixixipi, với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và không gian kì ảo của miền Tây nước Mỹ hiện ra trong những câu chuyện của Mac Tuên, nổi bật chất Mỹ “mải mê chinh chiến và yêu đương”. Ở đây ta thấy chàng Tom Xoyơ đắm đuối say mê tự hào cho “mối tình của mình như một cái gì thiêng liêng ghê gớm” với cô bé Amy Lôrenxơ, một tình nhân “đắm đuối mê say”. Chàng Tôm sau hạnh phúc “vẻn vẹn chỉ có bẩy ngày ngắn ngủi” với “chút tình vụn thoáng qua”. Tôm gặp cô bé Becsky, “tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng”. Thế là chàng mê tít, chàng phải trổ tài để cho cô nàng “mắt xanh biếc” có “bộ tóc vàng tết thành đôi bím dài”, mặc áo trắng mùa hè và chiếc quần thêu kia “phải khâm phục”. Theo Mac Tuên, chàng Tôm đã từng “ngả mình vào hàng rào” “buồn rầu” và “hy vọng”; Chú “thở dài đánh sượt một cái” khi người đẹp đặt chân lên ngưỡng cửa. Và rồi “nét mặt chú bỗng tươi hẳn lên” khi chú ta nhìn thấy “cô bé vứt qua hàng rào một bông hoa păng xê”. Và đã có lần tuyệt vọng, chú thề rằng, sẽ chết dưới cửa sổ nhà nàng khi bình minh tới và kết cục là nhận trọn một gầu nước lạnh khi nàng vô tình dội xuống. Ôi nàng “Đuyn-xi-nê-a xinh đẹp”, chưa hiểu lòng hiệp sỹ “Đôn Kihôtê”…
Trong cuộc đời, ta đã từng yêu những câu chuyện của Mac Tuên. Ta yêu nước Mỹ kỳ ảo, ta yêu Tom Xoay ơ, Hâc Fin, những đứa trẻ với bao vụng dại, khờ khạo và hồn nhiên trong văn học nhà trường. Ta cũng thêm yêu mối tình của Mac Tuên với nàng Olivia xinh đẹp của đời thường.
Trong cuộc đời, dù hài hước và sâu sắc, có một bức thư Mác Tuên khoe ông đã "huấn luyện" được vợ trở nên ít lời, thì kề ngay đấy, ta có thể đọc thấy dòng chữ Ôlivia viết chen vào: "Tôi phủ nhận".
Mác Tuên và Olivia không chỉ đồng cảm với nhau trong hạnh phúc, trong niềm vui, họ còn dìu dắt nhau vượt qua những gian nan, bất hạnh.
Và trong đời tôi lại gặp "Mít tơ Bu" với một “lát cắt” đời thường, giản dị mà yêu thương trong câu chuyện “Phi tang”, hồn hậu tình đời trong tình yêu lắng đọng. Xin đừng hiểu Bu là “Mít tơ Bin” mà tội nghiệp. Thế kỷ trước, chàng “Tôm Bu” đi khắp “gầm trời” Đông Dương bắc cầu, xây cống, về nhà chiết tự Hán văn, rồi “bắt lươn” để “Phi tang” hồn nhiên trong cuộc đời nhân hậu”.
Bu đang sờ vào bút tích vua Càn Long _Hoa cảng quan ngư
Bu bắt cá Ở Tây Hồ Hàng Châu- 
Đang sờ vào bút tích vua Càn Long "Hoa cảng quan ngư" 
Và tôi, và Bu đang tận hưởng niềm vui “huấn luyện” nàng Olivia “đẹp lão” đó.
Bây giờ, ngoài Bắc đã là “Gió lạnh đầu mùa”, không biết Bu còn chiếc áo len bà Bu (người Xứ Huế) đan năm ấy. Hay giữa Vũng Tàu nắng và gió, áo có bay vắt vào “giậu mồng tơi” ...
Bạn đã từng có “Phi tang”, nếu Bạn có ý niệm về  những “phiêu lưu” này, hãy đọc Tom Xoayơ và câu chuyện của Bu; mà những gì tôi viết chỉ là đề dẫn.
Chúc bạn vui trong “Gió lạnh đầu mùa” miền Bắc. Chúc hai Bu hạnh phúc!

PHI TANG !!
(blog Bulukhin)
Sáng thứ 7, bật máy lên thấy trong quick comment bao nhiêu bạn bè chào hỏi. Bác Bu ơi cuối tuần vui nhé… Ông nhà văn kiêm kỹ sư điện có nick “Quê choa” viết bài hướng dẫn thủ thuật xài blog mới. Nhưng đáng kể nhất là bà xã hứa: trưa nay mẹ cho ba thưởng thức món miến lươn nấu kiểu Huế, xem có ngon bằng miến lươn mà Anh TORO và chị Thủy chiêu đãi ba ngoài Hà Nội không.  Nghe lời như cởi tấm lòng, trẻ con được quà vui  thế nào thì người già được quà cũng vui như thế. Mặt mũi Bu hớn hở, phởn chí lên, lấy cây đàn ghi ta bỏ xó cho bụi bám lâu nay, bật  mấy hợp âm của bài Quảng Bình quê ta ơi, ra điều nghệ sĩ lắm. 
Thứ 7, nhưng bà xã phải đi làm, công việc ngân hàng cuối năm bận túi bụi. Từ hồi xẩy ra lạm phát, không hiểu sao ngân hàng hết tăng lãi suất lại đến hạ lãi suất. Cứ mỗi lần tăng hạ như thế, các em tín dụng bò ra làm hết ngày dài lại đến đêm thâu!  Thân Bu vò võ một mình, có khi phải nhai mỳ ăn liền cho đỡ đói để chờ nàng về đỏ lửa.
Xong mục thư nhắn, Bu háo hức với tựa đề “Nghệ thuật vị nghệ thuật” của Hồng Đăng. Có lẽ anh này nhắc vụ đấu lí giữa phe nghệ thuật vị nghệ thuật của Hoài Thanh với phe nghệ thuật vị nhân sinh do Hải Triều cầm đầu? Cuộc đấu cao trào vào những năm 1935-1936 và kết thúc với thảm bại của Hoài Thanh vào năm 1939.  Nhưng với quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật rất đỗi suy đồi ấy, năm 1941 Hoài Thanh cho ra đời quyển Thi nhân Việt Nam thì ông thắng to. Bốn mươi lăm nhà thơ tiêu biểu do ông chọn ra đến nay chỉ rơi rụng đâu có 5-7 người, còn lại là chính xác. Trong khi đó các nhà phê bình kiên định quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh thì chẳng làm được cái điều tươmg tự. Đến tháng 6 năm 2000 sách ông đã in đến lần thứ 20, sau đó không hiểu được in thêm mấy lần nữa. Vậy thì giữa Hoài Thanh và Hải Triều ai lập luận đúng? Tự hỏi rồi tự trả lời.
Miên man với cái tựa đề của Hồng Đăng chán, Bu sang nhà PNH tận hưởng cái đẹp mê hồn của hoa và bướm. Anh này chụp gì cũng đẹp, nhưng đến chụp bướm thì thuộc loại siêu hạng. Và cái đẹp bướm hoa của PNH chưa kịp ngấm vào người thì có mùi khét dưới nhà xông lên, kèm theo khói đen mù mịt. Thôi, chết cha rồi, sáng nay trước lúc ra khỏi cửa, nàng kéo tay Bu vào bếp dặn: Em đang luộc ba chú lươn, anh xem nước sôi khoảng 3-4 phút thì tắt lửa hộ em nhé.
* *  *
bu2
Chàng "Tôm Bu" dạo guitar, "gọi nắng trên vai em ... gầy..."
Sau khi cho ba cái vòng than lươn vào thùng rác công cộng và kì cọ sạch cái soong nhôm,  Bu hạ quyết tâm làm lại từ đầu. Không phải vì món miến lươn, mà vì không muốn để mất niềm vui chiều chồng của bà xã. Bao nhiêu năm chung sống, Bu tự thấy mình đã gây ra bao tội trạng đại loại như thế. Nghĩ là làm, Bu ra chợ  dạo quanh hàng lươn. Khốn nỗi, toàn lươn bé tẹo bằng ngón tay, hóa ra lươn to người ta để riêng, đậy kín, bán giá đắt cho khách sộp. Chọn được ba chú lươn vừa ý thì tai họa ập đến. Một cô bạn thân bà xã trốn sở ra chợ mua sắm. Cô này phát hiện ra Bu xách tòong teng ba chú lươn thì kể như cuộc phi tang thất bại. Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, cuối cùng cũng về được đến nhà mà không bị cô ta chào hỏi.  
Đến công đoạn làm sạch lươn mới thật trần ai. Cứ đụng vào nó là người Bu nổi gai ốc, lóng ngóng thế nào ba chú trườn ra ba nẻo, không tài nào bắt lại được. Thế là cái khó ló cái khôn, xách ra phích nước sôi ra, chia cho mỗi chú một ít. Nồi lươn sôi khoảng 4 phút thì có chuông gọi mở cửa, đích thị là nàng về rồi. Lúc này mới phát hiện ra một thiếu sót chết người! Ba chú lươn cháy thành than đều có dấu dao cứa vào cổ, còn ba chú này vẫn lành nguyên. Thế là nhanh như sóc, đi tìm dao để sửa sai, nhưng sửa làm sao được. Cắt cổ lươn đã chín rồi thì cũng như không, phen này cuộc phi tang có cơ đi đời. Nàng vào nhà nói ngay: Có mùi gì cháy khét lẹt anh ạ. À, à…có lẽ mùi khét bên hàng xóm. Em nghe như mùi sừng hay mòng giò bị cháy… Ba cũng thấy mùi khét, nhưng có lẽ củi gỗ gì của nhà ông Kích Bu đấy thôi.
* * *
Phụ nữ Huế có tiếng chiều chồng thương con nhưng thâm trầm đáo để. Bà xã Bu là một nhân vật như thế. Nhiều khi Bu sai sờ sờ nhưng lấy thế lãnh đạo toàn diện và triệt để cứ quát ào lên. Dạo còn ở Huế, không biết có sự cố gì mà Bu nổi xung lên, ném chiếc áo len nàng đan qua cửa sổ.  Mùa đông năm sau nàng đem áo ra cho Bu mặc và hỏi: Anh còn nhớ chiếc áo này không? Thì áo nằm trong tủ, làm sao phải nhớ nhỉ? Nàng kể: năm ngoái anh ném nó qua cửa sổ, em bấm đèn tìm suốt đêm, đến sáng mai mới nhìn thấy áo treo lủng lẳng trên giàn mướp nhà hàng xóm.  Vụ cháy lươn này không chừng nàng biết thừa, nhưng cứ để đấy.
Và Bu tôi quyết đính sẽ tự thú trước bình minh, vào lúc giao thừa năm mới ở Sài Gòn với sự có mặt của các con. Hoặc có thể rủ rê Hồng Đăng, PNH, đến cà phê chim với sự có mặt của bà xã để ôn cố tri tân mà cười cho thật sảng khoái.

2 nhận xét:

  1. Cứ nghĩ trong Lý thuyết đồ thị có khái niệm "lát cắt" là phân chia các tập hợp, hóa ra lại là đời thường

    Trả lờiXóa
  2. lát cắt Đêđêkin đó ông à! Để nhìn ró lớp trên và lớp dưới, ra số vô tỉ và hữu tỉ.
    Bây giờ không nhìn thấy gì nữa.

    Trả lờiXóa