Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Kiếp Ăn Mày


Mấy bữa trước các cháu còn ở nhà, thường chiều tối bốn ông cháu đi chơi. Ông áo phông quần short, các cháu mồ hôi nhễ nhại về nhà, chó hàng xóm nhảy xổ ra. Mọi lần về nhà quần âu áo trắng lốp thì nó ngoáy đuôi? À nó nghĩ mấy ông cháu là ăn mày đây mà. Ông giáo mới về hưu chứ đã ăn mày đâu mà mày sủa!
Nhớ những năm 80-90, ăn mày rồng rắn trong xóm ngõ như tiếp thị bây giờ, cô hàng xóm nhắc: Anh chị đừng cho nó, quen nó hay đến…Vợ chồng mình không dám trả lời. Nhân chuyện này chép lại ba bài thơ “ngậm ngùi” về kiếp ăn mày.



Vào Chùa
Đồng Đức Bốn

Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Là bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày bỏ túi, lại đi ăn mày

Theo Nguyễn Huy Thiệp thì đây là một bài thơ Thiền. Anh trách người ăn mày là kẻ vô ơn đã bỏ lỡ cơ hội để được “ngộ”…  không biết có phải là ý nghĩa chính của bài thơ chưa…?
Ta thì không biết có phải là “Thiền” hay không. Ta chỉ thấy đời gã ăn mày mà không cách nào rứt ra được cái kiếp người bất hạnh nhất trong cõi người. Có thể một vòng tròn luẩn quẩn: Ăn mày- Sư- Lá bùa- Ăn mày.

DẶN CON
Trần Nhuận Minh

Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn 
Nhà mình sát đường họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào 
Con chó nhà mình rất hư
Cứ  thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán 
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này ../.

Từng câu chữ mộc mạc, giản dị, cái nhìn tinh tế và những trải nghiệm, Trần Nhuận Minh đã đem đến cho ta bài thơ hay, có ý nghĩa. Ta hiểu điều người bố phải dạy cho con, trước tiên đó là lòng yêu thương con người. Lời dặn con của nhà thơ cũng chính là điều ta cần phải học.
Còn với Nguyễn Duy, Ông nói: Tôi quê ở cái vùng "ăn rau má, phá đường tàu, đục ống dẫn dầu, cắt dây điện thoại", là cái vùng "khu Bốn đẩy ra khu Ba đẩy vào". Tôi sinh ra ở nông thôn, làm ruộng từ bé, đằm mình trong đất cát, rơm rạ, cua ốc và ngôn ngữ của nhà quê. Lớn lên thì đi lang thang nhiều nơi, nhưng mà cái thần hồn của làng quê trong tôi nó cứ nhập vào như lên đồng ấy…

Thơ tặng người ăn mày
Nguyễn Duy

Ăn mày là ai? Ăn mày là ta
Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày (Ca dao)

Sân ga Thanh Hóa chiều mưa đổ 
một người mẹ dắt con
một em gái mắt tròn đen lay láy
một bàn tay chìa ra run rẩy...
một thều thào như với riêng tôi
"Ai làm ơn nuôi cháu nên người?"

Trả lời thế nào với cái nhìn đen láy?
với bàn tay run run chìa ra đấy?
tôi nhận diện bàn tay vàng móng ấy
tay cấy cày làm nên gạo nuôi tôi

Bây giờ đồng trắng nước trôi 
bàn tay xỉa mặt tôi gấp gáp?
hay là chính mẹ tôi từ dưới đất
dắt đất lên thử lòng tôi chăng?

Tôi giấu mặt vào giữa đám đông 
đám đông chảy như một dòng nước xiết
tay lần mãi hầu bao rỗng lép
chả lẽ moi ra một nhúm ngôn từ đẹp
trả vào lòng tay trũng như đồng chiêm 
đang ngửa lên?

Nhận về nuôi giúp mẹ đứa em?
chữ nghĩa tôi không sàng thành gạo
trong túi chỉ còn lạo xạo vài bài thơ

Như đứa con bất hiếu tôi quay đi 
xin nhận lấy tròn đen hai con mắt
con mắt trẻ thơ thành con ong đất
đào thịt chui vào ngực tôi

Hai con ong tôi xin tự nguyện nuôi
để cho mũi nọc ong độc địa
xâm lên vách tim tôi một dòng mai mỉa:
“cảm ơn lòng nhân ái của nhà thơ”.

(Quê nhà, vụ lụt năm Quí Sửu - 1973, tập thơ Quà tặng - 1990)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét