Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Gừng cay ơi ...

Phan Cung Việt
... Tôi bỗng nhận ra lối viết truyện của Phan Cung Việt chẳng giống ai, và cũng không giống lối viết truyện ngắn truyền thống đã được lý luận hóa thành bài bản cho những người học văn và học viết văn...

Đến nay Phan Cung Việt đã có tới vài trăm truyện ngắn. Vậy là có biết bao cảnh đời trong bao nhiêu trang sách của nhà văn. Hoặc nó nhấn chìm nhân vật xuống tới... thành cặn bã. Hoặc là nó thăng hoa nhân vật lên cõi thánh thiện. Hoặc bỏ mặc nó trôi nổi kiếp sống qua năm tháng, như sự sống sinh học, hay như bè chuối trôi bồng bềnh trên mặt sông cho tới lúc vỡ bè tan vào dòng nước. Tới đây, cái gọi là con người và cái chưa phải là con người, thậm chí nhiều cái còn xa lạ cả với loài... hiện ra rõ nét ở mỗi nhân vật trong truyện. Ra con người tự làm khổ nhau, tự đầy ải lẫn nhau, rồi còn tự sát hại nhau! Vậy là nó bừng ngộ trong lòng người đọc bao điều suy ngẫm về con người, về cõi nhân gian. Càng suy ngẫm càng ứa trào nước mắt. 

Phan Cung Việt không khắc họa tỉ mỉ chân dung nhân vật, lại càng không kể lể dài dòng về thân phận con người trong truyện. Hệt bức ký họa chỉ mấy nét chấm phá. Anh tinh nhạy lách ngòi bút vào nơi thẳm sâu, khuất nẻo nhất của đời sống thường nhật, nhưng người đọc vẫn thấy nó rất cụ thể, cặn kẽ, và cũng rất cá biệt, song lại cô đúc thành đặc trưng, điển hình. 



                 
Học Đạo


Gừng cay ơi ...       

Truyện ngắn Phan Cung Việt
                                        

Tính đã không hay giấu giếm. Đến độ này chẳng có việc gì phải giấu giếm và cũng có gì xấu xa đâu so với thực trạng thời nay từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới mà phải giấu giếm. 


Tôi thường đi xông hơi mát xa. Ngày đầu chỉ vì muốn xông hơi, tôi thường cảm gió từ nhỏ, bên giường nằm bao giờ bà mẹ cũng phải để sẵn tấm chiếu, cái nong lớn hoặc tấm chăn rách… 

Khi lớn cái mũi thường ngạt do pôlíp, thận suy hay gì đó. Mỏi khắp cơ quan, cần đấm bóp mát xa. Vậy là quen. Quen chứ không phải nghiện. 

Cửa biển này mát xa xông hơi như một thứ đặc sản. Tôm cua ghẹ chẳng là gì. Vả lại người đẹp duyên hải thường men theo lối này mà tìm đến. Tận vùng sâu xa xôi thì men theo đường Quốc lộ 1, ra các trung tâm đô thị chen chúc đằng ngoài, bởi da dẻ nhan sắc đen nhẻm, không sang. Đến đây phải có sự sàng lọc, sự sang trọng. 

Lối sau cửa biển thì tỉ lệ người đẹp lại nhiều hơn. Mọi sự ưa yên tĩnh, còn người đẹp cũng thường tránh đầu ngọn gió. Vậy mới có chiều sâu độ sướng và giữ được sắc đẹp. 

Dọc phố hoa giấy hoa lan đầy những biển hiệu với những cái tên dễ mê mẩn. Hương hoa thoảng trong gió biển, cánh ong bay rù rì. Thảng hoặc nghe tiếng vượn hót và cả tiếng con gì lạ lắm, trong tiếng sóng. Mấy cậu xe ôm tài tử đã chỉ cho tôi đến đây. Bảo: “Hết sảy, trăm phần trăm anh ạ”. 

Chỉ cần hiểu mang máng, theo kiểu ma trận toán học hoặc thi pháp thơ. Lại bảo: “Em T. anh nhớ chưa?”. Khiếp, cứ như một kiểu bảo vệ cán bộ thời chiến. Kiểu này tôi ưa. Nó không khó chịu như nhiều trung tâm chơi bời khác. Những từ văn hóa lùn, như “Hàng mới”, “Xịn”, “Zin”… 

Bắc Hà thường chơi chữ thô lậu kiểu này. Tôi chỉ xông hơi chống cảm nghẹt mũi, mát xa lấy chút hơi âm hơi ấm, chứ có làm gì đâu mà phải hàng mới xịn. Không phải kẻ mua bán tình dục. 

Tìm đến đúng địa chỉ, quán Đoan Trang, vậy mà vào cổng sau tán cây gì lá nhỏ có mùi thơm, lại trưng biển: Trang Đoan. Đời toàn sự ngược, sự lạ, đến tận hưởng lạc vẫn là sự ngược. Nhưng thôi. Đã chơi thì cứ xáp dô. 

Bác gác cổng: “Sao chư vị biết được chốn đây. Chư vị số hên, có người đẹp đấy”. Đang lịch sự lịch lãm như người xưa, lại buông một câu “nghề” quá. “Hên nghe! Nguyên đai nguyên kiện nghe!”. 

Tôi đi từ sớm, có cơ cảm lạnh vì gió biển đổi chiều, mặt như tím đi, không nghĩ ngợi gì. Trong lúc chưa sớm, đã nguyên đai nguyên kiện, chẳng đúng với “thượng đế bình dân” này. Mấy ánh mắt con gái từ các cửa phòng nhìn ra, như mắt nào cũng đẹp. 

Người đẹp như có giác quan thứ sáu, đón ngay từ đầu dãy hành lang yên tĩnh phía sau. Ở đây nghe rõ sóng biển. Cô gái cũng U22 hoặc 23 rồi, không trẻ măng như mấy chàng chỉ điểm. 

Đập ngay vào mắt là gương mặt dịu dàng, da trắng ngần, mái tóc đen mượt chảy dài xuống tận gót chân. Bộ đồ lụa trắng ôm khít cơ thể, đôi guốc trắng, đón lấy suối tóc dài như một sự ngoạn mục. Vậy là bắt mắt. 

Còn đẹp thì ở đôi mắt mở to lạ lùng, cứ như vầng trăng rằm mới lên rờ rỡ. Bờ vai hơi rộng và gầy hơn chỉ số bình thường, căng ra bộ ngực nhô cao rất gợi cảm. 

- Anh lạnh hả? 

- Lạnh! 

- Anh cảm lạnh rồi! 

- Cảm rồi! 

Đối thoại như câu văn hiện đại, ngắn, hoạt. Chẳng rõ ai cầm tay ai kéo vô và một bàn tay ấm, hồn nhiên sờ lên trán. Anh không sốt, chỉ cảm chút thôi mà. Đúng, không sốt chút nào. Cả hai đều khỏe mạnh. 

Tôi nói: 

- Tóc em dài quá, đẹp quá! 

- Dạ, không có chi! 

Lại bảo: 

- Thế nhỡ khách mát xa vấn vít mái tóc của em… ảnh hưởng đến “chuyên môn” thì sao? 

- Dạ, không có chi. Anh nằm xuống đây. 

- Anh muốn sờ mái tóc em. Được không? 

- Dạ, không có chi! 

Suối tóc như dòng sông đang chảy. Chắc quê em có dòng sông đẹp lắm. Tôi mơ màng, nghe tiếng kim đồng hồ tích tắc và tiếng gió biển ngoài cửa sổ. 

Bỗng búp tay hồng bỏ vào miệng tôi miếng gừng tươi nhỏ hơn đốt ngón tay út, giống như bạn tình bỏ vào miệng nhau kẹo cao su. Gừng tươi, cay nồng dễ chịu. Từ buồng tắm phả ra cũng hương sả hương gừng. Tôi tỉnh như sáo. Em có đôi tay mềm như nhung mà ấm dịu. Cảm giác rất hiếm hoi ở bàn tay người, tay con gái thời nay. Cứ thế, mải miết. Tôi lịm đi. 

Khi mở mắt ra thì em đã cởi chiếc áo lụa ngoài, chỉ còn khoác tấm nhỏ bên trong mịn và mỏng hơn. Chắc vì nóng. Bây giờ bộ ngực đẹp mới phô diễn sau làn lụa mỏng tang. Tôi mường tượng ra quả bần, quả cau, quả cam hồng trong vườn sương buổi sớm. Hoặc dọc hai bờ sông mát lạnh… 

Em thỏ thẻ: 

- Quê em có dòng sông nhỏ đẹp lắm, nhưng cái tên thì ngược lại, anh đoán được hôn? Gọi là Hắc Giang. Về sau người ta thêm một chữ “Linh” vào giữa cho nhạt cái từ đen đúa đi: Hắc Linh Giang. Hai bờ phù sa, từ xửa xưa trồng toàn gừng. Cứ mùa xuân mùa hội người ta làm kẹo gừng, mứt gừng… Thơm ngào ngạt cả triền sông. Khi rời nhà đi làm ăn, mẹ em bỏ vào túi em bao nhiêu là gừng tươi. Bảo: “Gừng quê ta quý lắm, thiêng lắm. Con ráng mang đi, gió chướng thì nhai sẽ khỏi, làm ăn được thì nấu kẹo gừng đãi bạn bè anh em…”. 

Đầu năm nay mẹ em mất! 

Nói xong đôi mắt đẹp như muốn khóc. Tôi nhai gừng, miếng gừng thơm, nước mắt cũng ứa ra. Em lấy tay lau mắt cho tôi. Thay vì mát xa mắt. 

Tôi vùng dậy toan ra về, tay sờ vào túi tiền, nhưng em cố quay đi. Mãi sau, em nói: “Anh về đi, kẻo cảm lạnh nữa thì không tốt”. Tất nhiên tôi đưa tiền “bo” vừa đủ cho em. Chẳng hiểu vì lẽ gì em chỉ muốn nhận một nửa số tiền đó thôi. Chưa kịp nghĩ gì thì em đút cho tôi một củ gừng xinh xắn vào túi áo. 

Lần ấy, chẳng phải vì em không vòi tiền mà tôi nhớ. Nhưng rồi, màu lụa trắng, tóc đen, môi hồng cũng nhạt dần để tôi nhớ lại những hoàn cảnh như em. Bao nhiêu cuộc vui cuối cùng kết thúc chỉ buồn vì đồng tiền. 

“Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Chẳng hiểu cụ Nguyễn Du xưa có đi mát xa xông hơi không mà làm câu thơ tài thế. Sau mát xa vui vẻ ra về không tiền, người ta cấu xé. Người ta chửi bới. Hoặc những câu thời đại: “Anh không đưa thêm em buồn đấy!”. “Anh thế này là chưa công bằng xã hội đâu anh!”. Hoặc một cú sập cửa. Tất thảy đều chẳng có gì lạ, đều đúng. Đồng tiền khốc hại. Thảy các chốn khác, kể cả chốn thượng đỉnh, còn khốc hại gấp trăm nghìn lần ấy chứ! 

Trước ngày từ biệt cửa biển tôi đến chào em. Lại may vì em có nhà. Bác gác cổng lại bảo: “Nguyên đai nguyên kiện chứ. Nghiền rồi phải không?”. Lần này em mát xa cho tôi còn dịu dàng sung sướng hơn lần trước. Trong khi tôi thì nằm, em dành nhiều lúc ngồi sát bên tôi. Tôi bảo: “Anh sẽ nhớ em!”. Em bảo: “Không, em chẳng còn gì để đáng cho anh nhớ!”. Câu này ở người con gái đẹp thường là có hàm ý. Người trai tinh tường thì mới cảm thấy cái điều không thường ấy được. 

Mãi khi chia tay tôi mới thực sự hiểu những gì ở em. Con sông Hắc Giang như hóa ra suối tóc chảy tận gót chân. Bãi dâu chăn tằm làm nên bộ đồ lụa trắng. Quả cam hồng như đính vào ngực… 

Em chân thành: “Em sang tuổi 24 rồi. Chẳng là con gái nữa đâu anh ạ. Em đã có chồng, nhưng phải cao chạy xa bay. Chồng em là con trai một của một ông cán bộ cốp ở tỉnh, về hưu lại như ông Vua ở xã ở làng. Người con trai vô nghề nghiệp, chơi bời, chỉ nhận được mặt chữ, nhưng rồi người ta ép em phải lên xe hoa. Đương nhiên là không có tình yêu, em lảng tránh. Anh biết không, đêm đêm gã con nhà giầu ấy cậy thần thế, lừa lúc em ngủ thiếp đi, lấy ngón chân ngoắc vào quần ngủ của em, kéo tuột xuống rồi cứ thế mà đổ người xuống ngấu nghiến… Câu thơ gì của cụ Nguyễn Du anh nhỉ… Em không nhớ nổi nữa. Dù em học xong bậc phổ thông rồi đấy!…”. 

Tôi cay ở mắt. Em lại lấy tay lau vào mắt cho tôi. Gọi là mát xa mắt. Tôi thấy em có một vẻ đẹp thắm lòng, khác những lần trước. 

Tôi đưa tay mơ hồ vuốt vuốt suối tóc, dòng sông quê em đang cuộn chảy. 

Khi ra đến bờ biển, tôi ớn lạnh, đưa tay vào túi áo thì thấy có củ gừng trong đó. 

Tôi muốn gọi to lên một tiếng “Em” trước sóng biển. 

Cảm như tiếng “Em” gọi vào lúc này mới đúng, xin đừng đánh giá chia ra đẳng cấp, nghề nghiệp sang hèn này nọ. Và muốn đọc lên một câu như câu thơ bẻ nửa: 

“Gừng cay ơi!…” 

Mãn hạn, 10/2005 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét