Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Bình Phong

Bình phong tranh giai nhân

Đời người ta hay sợ bóng sợ gió, nên cũng hay cần che chắn. Vì người là “con” nên không tĩnh, còn nhà là “cái” nên tĩnh tại, nên người phải che chắn “cái” của người, cho người. Đó là các công trình (kinh đô, lăng mộ) hay cái nhà, phần mộ. Còn cái chức cái quyền thì sao, cũng phải “bình phong“ chứ. Ấy vậy nó mới sinh ra bức “Bình phong” trong kiến trúc và cuộc đời. Đó là thiển nghĩ của người viết bài này.
Không biết người Tàu có nền triết học hay không, nhưng bàn về Triều và Án thì to tát lắm. Triều nghĩa là Triều sơn, tức núi quay về, chầu về ở xa phía trước, mà nó phải tròn, đỉnh bằng … mới tốt.  Án là cái bàn trước mặt người ngồi, Án sơn là núi nhỏ trước mặt. 

Nhớ lúc còn nhỏ xíu, về nhà ông bà chơi, thường được nằm trên cái phản phía sau bức bình phong mà ngủ. Bức bình phong ấy đẹp lắm, bốn miếng vải to ráp theo hình gấp khúc như những cánh cửa, trên mặt mỗi cánh cửa ấy là hình một cô gái... Sau này mới biết đó là những bức họa theo chủ đề xưa: cầm, kỳ, thi, họa. Lúc đấy chỉ biết là cái bình phong đẹp ơi là đẹp. Đứng ngoài nhìn vào ai cũng mê và trầm trồ xúyt xoa rằng... đẹp quá! Nhưng nếu mà nằm sau bức bình phong ấy- tức là trên cái phản mà mình nằm sẽ thấy đằng sau tấm bình phong ấy là một bức tường xấu kinh người! Cũ và lỗ chỗ những lỗ. Ông bà bảo không có tiền sửa nên cứ để vậy! Dán giấy báo vào cũng không được vì hồi ấy chẳng có thứ hồ dán nào có thể giữ được những tờ giấy dính chặt vào tường. Mà giấy báo hồi ấy thì cũng... xấu xí nham nhở như bức tường. Tấm bình phong ấy có từ lâu lắm rồi, ông bà đem ra chắn trước bức tường loang lổ và xấu như ma ấy! Thế là từ ngoài nhìn vào chẳng thấy bức tường xấu kinh người ấy đâu, chỉ thấy một bức tranh thật đẹp. Một thứ thật đẹp che đậy cho một thứ xấu xí...

Sau này lớn lên mới biết rằng, không chỉ một bức tường loang lổ, nham nhở vì bị thời gian tàn phá mới cần đến một bức bình phong...

Con người hay dùng bình phong nhiều hơn cả...

Người ta dùng những lời hay ý đẹp, dùng những lý lẽ đầy thuyết phục, dùng những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức... để làm một tấm bình phong cho mình.

Người ta suy nghĩ thay người khác, tự cho rằng mình làm điều tốt cho người thân của mình... nhưng thực ra đó chỉ là một tấm bình phong...

Mỗi một gia đình được hình thành, là kèm theo đó một tấm bình phong... Có những nụ cười lại là bình phong cho những giọt nước mắt...

Những cái nắm tay, âu yếm nhau trước mặt mọi người là bình phong cho một cuộc sống gia đình đã chán chường tẻ nhạt đến mức tận cùng...

Khi người ta cần, thì từ mẹ cha, cho đến con cái, anh em... đều trở thành bình phong che chắn cho mình...

Người ta che đậy sự hèn nhát của mình bằng những lý lẽ tình cảm... Bằng những giá trị đạo đức được coi là truyền thống...

Hai từ hi sinh hay được chọn làm bình phong nhất. Hi sinh vì con cái. Hi sinh vì mẹ cha... Thật là vĩ đại, thật là đáng khâm phục... Có những người, một đời của họ đã rất nhiều lần dựng nên tấm bình phong bằng mẹ cha, bằng con cái...

Người ta dùng một thứ tình cảm này để làm bình phong cho một thứ tình cảm khác... Miễn làm sao để người khác nhìn vào họ, chỉ thấy toàn những điều đẹp đẽ... Còn đằng sau tấm bình phong ấy là gì... thì họ sẽ che đậy đến cùng.
Nhiều lắm, rất là nhiều những tấm bình phong... Và người ta hầu như rất bằng lòng với tấm bình phong ấy, mà không hề lường trước rằng, có một ngày tấm bình phong ấy sẽ bị rơi xuống, người ta sẽ nhìn thấy tất cả những gì ở đằng sau tấm bình phong ấy...


Sau đây luận về bình phong.

Bình phong trong nội thất.

Bình phong, theo một nghĩa: “cái đưa ra để che đậy khi làm điều không hay, không tốt đẹp”. Như vậy, từ nghĩa gốc  là vật dụng dùng để chắn gió hoặc che một không gian kín đáo, bình phong đi vào đời sống bình thường với nghĩa… tiêu cực trên.
Bình phong vốn là dụng cụ trang trí trong nhà rất lâu đời của Trung Quốc. Ngoài việc chắn gió, nó còn là bức vách ngăn cách hoạt động trong một toà kiến trúc. Bình phong minh của Lý Vưu đời Đông Hán viết.
Bỏ thì ấn tránh,
dùng thì mở ra,
đứng ắt ngay thẳng,
xử ắt liêm phương,
cản được tà phong,
ngăn được sương móc,
vâng trên che dưới ,
không làm mất đi lẽ thường”.

Ngày nay, bình phong phổ biến từ Đông sang Tây. Nó là một bức tranh lớn ghép từ nhiều miếng trong một phòng tiếp khách của một nguyên thủ quốc gia hoặc có khi chỉ là một  bốn bức khung tre chăn giữa một ngôi nhà nhỏ, ngăn cách cái bàn ăn cơm và bộ ghế tiếp khách.
Người Trung Quốc chia bình phong làm hai loại: Tháp bình và Vi bình. Tháp bình phần nhiều là những cánh đơn. Vi bình là do nhiều cánh đơn hợp thành, có thể tuỳ ý xếp gập. Khi chế tác bình phong, hoặc dùng bản gỗ, hoặc làm khung gỗ, dệt tơ lụa làm thành mặt bình phong, dùng các loại vật liệu như đá, đồ sành sứ hoặc kim loại làm móng trụ.
Phép phong thuỷ, cửa nhà gọi là “huyền quan”. Cửa nhà là quan trong, nơi đón nhận luồng khí vào nên có một thuật ngữ là “thủ huyền quan”. Bình phong chính là dùng để làm việc thủ (trấn), đặt sau cửa, làm thay đổi luồng khí, không cho dòng khí xung đi trực tiếp vào. Một số công ty lớn ở các nước ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc phổ biến việc dùng bình phong cố định đặt ngay cửa ra vào và có nhân viên thường trực ngồi ngay tại đó. Nhưng thuật phong thuỷ cũng cho rằng công ty nhỏ không nên bắt chước làm vậy vì lại sẽ ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại (?).
Người Do Thái cổ ở Trung Đông cũng có dùng bình phong nhưng không đặt ở cửa cái mà là cửa…sổ. Cửa sổ thường chắn song gỗ để ngăn trộm cắp và để khỏi bị quấy rầy. Nửa dưới cửa sổ, họ đăt một bình phong che khuất, để người trong nhà nhìn ra ngoài mà không ai trông thấy mình được. Chiếc bình phong ấy thường được trang hoàng rất đẹp. Cạnh cửa sổ, nghĩa là gần bình phong thường để các vò nước uống , nên các bình phong được gọi là mashraiyel, từ tiếng Ảrập Mashrab, nghĩa là chỗ để uống nước. Qua tới châu Âu, các phòng đọc sách của giới quý tộc vẫn có những bức bình phong trang hoàng đẹp đẽ, nhưng không còn liên quan đến công dụng nguyên thuỷ của nó.
Mặt bình phong thường có trang trí hoa văn hoạ tiết hoặc khảm các hình với các đề tài khác nhau. Bình phong của quý tộc đế vương Trung Hoa sử dụng được làm từ vật liệu cực quý, như trong cung nhà Tây Hán có bình phong vân mẫu, bình phong lưu ly và bình phong các loại mai rùa khảm ngọc.
Trong ngôi nhà truyền thống Việt, bình phong thường làm bằng gỗ chạm khắc hoặc cẩn ốc, cẩn xương các tích tuồng Tàu như Lưu Bị cầu hôn Giang tả, Kết nghĩa vườn đào, Tam cố thảo lư, Lã Bố hý Điêu Thuyền, Chu Văn Vương cầu hiền…, cảnh sơn thuỷ, tứ quý…
Những bức bình phong kiểu thuộc địa với hình thức đơn giản, vài nét chạm điểm xuyết, mặt gỗ phẳng lì. Có khi là bức bốn miếng khung gỗ, bên trong gắn thuỷ tinh màu đúc nổi những bông nhỏ. Những bức bình phong này có nét duyên dáng riêng, sau khi phục chế, cạo sạch, đánh véc ni có thể thấy vân gỗ nổi lên rất đẹp hoặc lớp kiếng màu lung linh, lọc Ánh sáng trời thành màu sắc rất đẹp và mang tính hoài cổ như trong một ngôi nhà thờ xưa có tranh kiếng. Chúng xứng đáng được sử dụng trong những ngôi nhà sang trọng.
Trước 1975, Sài gòn rất phổ biến loại bình phong bốn bức có thể gập lại cho gọn. Bằng sợi nylon, mỗi bức có hình một tố nữ bận trang phục Trung Hoa xưa, dài tha thướt. Loại này có lẽ nhập từ Đài Loan mà nhà sản xuất nắm rõ nhu cầu người thành thị với căn nhà nhỏ nên thiết kế với kích thước nhỏ, có thể ngăn hai phòng theo bề ngang một ngôi nhà lọt lòng ba mét.
Một bức bình phong bốn mảnh khung gỗ có thể gắn những bức tranh sơn dầu, hoặc tranh lụa nếu thích có ánh sáng xuyên qua. Hoặc những ô bông gió gỗ chạm trổ linh thú, hoa quả, đánh bóng rồi gắn lên khung gỗ. Hoặc vẽ lên gỗ, cẩn mảnh gốm cổ  hoặc cầu kỳ hơn. (Như bức bình phong được trưng bày ở Bảo tàng Sài Gòn cũ (nay là Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh) nay không còn thấy nữa).

Binh phong Cơ Mật Viện - Huế
Bình phong trong kiến trúc truyền thống Việt
Bình phong bắt nguồn từ thuyết về Triều về Án .

Triều nghĩa là “quay về, hướng về”, viết tắt của chữ Triều sơn, tức chỉ núi quay về, chầu về nhà cửa hay mộ phần (chỉ những ngọn núi ở phía xa và ở mặt trước) - tựa như sự đối ứng giữa chủ và khách. Án vốn có nghĩa gốc là cái bàn, đương nhiên là đặt trước mặt người ngồi. Án sơn là ngọn núi nhỏ ở phía trước gia trạch hay mộ phần. Ngoại Án hay Tiền Án là chiếc bình phong đặt ở phía bên ngoài, ở phía trước công trình. Nội Án là chiếc bình phong (cũng có khi gọi là trấn phong) đặt bên trong nội thất công trình.
.
Núi Ngự Bình (núi Bằng),
nổi lên ở quãng đất bằng, như hình bức bình phong
làm lớp án thứ nhất trước kinh thành Huế.
Năm 1636, chúa Nguyễn Phước Lan đã vì sự nghiệp phát triển của Đàng Trong và cả vì mối tình với một cô gái yêu kiều ở đất làng Kim Long mà đã quyết định dời thủ phủ- kinh đô từ Phước Yên về vùng đất tươi đẹp bên bờ con sông Hương mang tên Kim Long.
Hơn 50 năm tiếp đó, thủ phủ Kim Long đã được xây dựng thành một “đô thị lớn”, phồn hoa diễm lệ bậc nhất của Đàng Trong khiến không ít giáo sĩ phương Tây khi đến đây đã tỏ ra hết sức thán phục. Vậy mà đến năm 1687, ngay sau khi kế vị, chúa Nguyễn Phước Thái đã cho dời ngay thủ phủ về đất Phú Xuân, cách đó chỉ khoảng 3km. Nguyên nhân của sự dịch chuyển này là do đâu? Các nhà nghiên cứu khi phân tích sự kiện trên đã đưa ra nhiều nguyên nhân, nhưng trong huyền thoại dân gian Huế thì dường như chỉ có một: đó là vì ngọn núi Ngự Bình vốn xưa mang tên là Mạc Sơn! Ngọn núi này được trời đất tạo ra dường như là để che chắn cho kinh đô của bậc đế vương. Chính chúa Nguyễn Phước Thái là người đầu tiên nhận ra điều này và ông đã không ngần ngại cho xây dựng lại cả một kinh đô chỉ vì một chiếc bình phong! Cũng từ đó Mạc Sơn mới chính thức trở thành Ngự Bình và dần dần trở thành biểu tượng của đất Huế (miền Hương- Ngự).
.
Bình phong Huế

NGUỒN GỐC CỦA BÌNH PHONG
 
Ở phương Đông, từ khi con người biết xây dựng nhà cửa thì các quan niệm về phong thuỷ cũng dần dần xuất hiện và từng bước hoàn thiện; chiếc bình phong ra đời cũng từ các nguyên lý của phong thuỷ học.
Theo phong thuỷ Trung Quốc, việc sử dụng bình phong cho gia trạch cũng như mộ phần bắt nguồn từ lý thuyết về Triều và Án trong Phong thuỷ. Triều có nghĩa là “quay về, hướng về”, viết tắt của chữ Triều sơn, tức chỉ núi quay về, chầu về nhà cửa hay mộ phần- tựa như sự đối ứng giữa chủ và khách. Núi chầu về trong nghĩa Triều sơn chỉ những ngọn núi ở phía xa và ở mặt trước. Triều sơn có nhiều loại, có loại đỉnh nhọn, đỉnh bằng, đỉnh tròn.... Trong Phong thuỷ thường chỉ chuộng loại núi tròn đều hay ngang bằng bởi cho rằng loại núi nhọn hay có góc cạnh thường phát ra khí chẳng lành.

Còn Án, vốn nguyên có nghĩa gốc là cái bàn, bàn đương nhiên là đặt trước mặt của người ngồi. Án sơn là để chỉ ngọn núi nhỏ ở phía trước gia trạch hay mộ phần.
Nói chung, Triều và Án hết sức cần thiết cho gia trạch và mộ phần, tác dụng của chúng là ngăn cản những ảnh hưởng xấu (theo quan niệm dân gian) hay Hỏa khí (theo thuyết âm dương Ngũ hành) xâm nhập trực diện từ phía trước. Nhưng không phải lúc nào Triều và Án cũng mang lại những điều tốt lành mà đòi hỏi phải có sự lựa chọn phù hợp nhưng việc lựa chọn này lại hoàn toàn không dễ dàng.

Thường thì mộ phần đặt ở vùng núi non nên việc chọn Triều Án khá thuận tiện, nhưng nhà cửa gia trạch lại chủ yếu nằm ở miền đồng bằng nên rất khó tìm Triều và Án. Trừ trường hợp cung điện đồ sộ của nhà vua thì đương nhiên phải tìm ra Triều và Án, còn thì đa số quan lại, thường dân chỉ mong tìm được Án đã là tốt lắm rồi. Nếu không có Án, người ta thường tạo nên những vật thay thế như đắp non bộ, trồng hàng rào hay xây bức tường ngắn... Chiếc bình phong ra đời từ đây.
Thuở ban đầu bình phong được làm rất đơn giản bằng các vật liệu dễ kiếm như tre nứa, gỗ, phiến đá, thậm chí bụi cây cũng được. Nhưng càng về sau, bình phong càng ngày càng được chú trọng làm bằng vật liệu bền vững như xây gạch, đắp đá; hình thức của bình phong cũng ngày càng cầu kỳ và phong phú.
Người Việt vốn chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của văn minh Trung Hoa và các học thuyết Phong thuỷ nên cũng từ rất sớm, chiếc bình phong đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong ngôi nhà của họ. Còn hơn cả người Hán, người Việt đã phát triển quan niệm về chiếc bình phong trở nên phong phú, đa dạng lên nhiều.

CÁC LOẠI BÌNH PHONG
       
Khái niệm bình phong hầu như không được phân biệt rõ ràng, dù là Triều hay Án, dù to hay nhỏ đều gọi chung là bình phong. Tuy nhiên trong Phong thuỷ thì không phải như vậy. Triều và Án là hai khái niệm khác nhau và tác dụng của chúng cũng khác nhau khi áp dụng. Phong thuỷ rất chuộng Triều sơn, nhưng trên thực tế thường chỉ áp dụng được cho các công trình có quy mô lớn hoặc cả một quần thể công trình như Kinh đô, lăng tẩm của vua chúa...

.
Núi Ba Vì,
"sơn Triều, Thủy tụ" của Thăng Long
Ngót ngàn năm trước, khi tìm ra đất Thăng Long, Lý Thái Tổ đã ca ngợi đây là mảnh đất “long bàn hổ cứ” có “sơn Triều, thủy Tụ”, địa thế tuyệt vời để xây dựng kinh đô. Lê Quý Đôn khi vào tiếp quản đô thành Phú Xuân năm 1775, cũng đã hết lời ca ngợi thế phong thủy của mảnh đất này, đặc biệt là vai trò của Triều sơn: “Đất rộng bằng như bàn tay, độ hơn 10 dặm, ở trong là Chính dinh, đất cao, bốn bề đều thấp, tức là chỗ nổi bật giữa đất bằng, ngồi vị Càn trông hướng Tốn; đằng trước quần sơn chầu về la liệt, toàn thu nước về bên hữu, vật lực thịnh giàu”.
Nhưng phần lớn đối với các cuộc đất, do không có Triều sơn nên người ta chỉ chú trọng đến Án. Đối với kinh đô Huế, núi Ngự Bình cũng không phải là Triều sơn mà chính là Án, cũng như với lăng Thiên Thọ (lăng Gia Long), Án chính là ngọn Đại Thiên Thọ Sơn...
Thế nhưng Án cũng có hai loại: ngoại Án và nội Án; ngoại Án hay tiền Án là chiếc bình phong đặt ở phía bên ngoài, ở phía trước công trình; còn nội Án là chiếc bình phong (cũng có khi gọi là trấn phong) đặt ngay trong công trình.
Nhìn chung, đối với các công trình lớn, ngoại Án thường là các ngọn núi, có thể là núi tự nhiên để nguyên, có thể là núi tự nhiên nhưng được sửa sang lại cho phù hợp, cũng có thể là núi nhân tạo hoàn toàn như ngọn núi nhỏ đắp phía  trước phần lăng vua Tự Đức. Đối với những công trình hoặc cụm công trình có quy mô nhỏ hơn thì ngoại Án thường được xây dựng thành một bức bình phong bằng gạch đá, hoặc có thể là một bờ rào, hàng cây, một phiến đá...
       

Bình phong và phương đình làng Lệ Mật
Đối các loại bình phong xây dựng cẩn thận bằng gạch đá, ngoài ý nghĩa về phong thuỷ còn là công trình mang ý nghĩa trang trí thật sự. Về đại thể, tuy chỉ là một bức tường xây ngang nhưng kiểu dáng và cách thức trang trí của bình phong thì vô cùng phong phú. Kiểu bình phong phổ biến nhất có lẽ là kiểu cuốn thư nhưng có rất nhiều biến thể. Các đề tài trang trí trên bình phong cũng đa dạng, nhưng phổ biến nhất vẫn là những con vật trong Tứ linh, gồm long- lân- phượng- quy. Tại các đình làng, các am miếu  dân gian, hình tượng long mã hay hổ cũng được sử dụng rất nhiều trên bình phong.
Nội Án tức chiếc bình phong đặt bên trong công trình, ngay sau cửa chính. Dù có kiểu dáng, hình thức rất phong phú nhưng chúng đều là loại bình phong có thể di chuyển được. Chất liệu làm các loại bình phong này cũng rất đa dạng, bằng gỗ, bằng mây, bằng tre, bằng đá hoặc đá kết hợp với gỗ, thậm chí bằng đồng, bằng bạc, vàng... nhưng có thể nói, gỗ là loại chất liệu được sử dụng phổ biến hơn cả. Hầu hết các bức bình phong được sử dụng làm nội Án đều được trang trí rất công phu và có giá trị nghệ thuật cao.
   
SỬ DỤNG BÌNH PHONG THẾ NÀO CHO PHÙ HỢP
Đây là một bí ẩn của Phong thủy học, mà sách vở về Phong thuỷ xưa rất hiếm khi đề cập đến, các kiến thức về sử dụng bình phong chủ yếu được truyền thừa qua các thế hệ thầy Địa lý. Phỏng vấn một số thầy Địa lý có uy tín ở khu vực miền Trung thì được biết, kích thước Triều sơn không quan trọng lắm, chủ yếu là do dáng vẻ, thần thái của chúng tạo nên; còn kích thước của Án (kể cả ngoại Án và nội Án) thì rất quan trọng đối với chủ nhân công trình. Tuy nhiên, đối với phần đông dân chúng do không hiểu hết các nguyên lý huyền ảo của Phong thủy nên thường cho rằng, bình phong cốt để che kín ngôi nhà (hoặc huyệt mộ) cho ấm cúng và ngăn chặn gió độc, hay để ngăn chặn những thứ khí chẳng lành phát ra từ những vật lạ phía trước nhà (cây cối, cột mốc, đường đi...), nên việc dựng bình phong không theo quy chuẩn và kích thước phù hợp, gây mất cân đối cho công trình, ảnh hưởng đến thẩm mỹ thậm chí gây trở ngại cho việc đi lại.
Theo Phong thủy, nguyên do phải đặt bình phong (kể cả ngoại và nội Án) đều nhằm cản bớt hỏa khí xâm nhập quá mạnh vào nhà gây hại cho chủ nhân. Phong thủy căn cứ vào thuyết Ngũ Hành cho rằng,
Phía trước công trình thuộc Hỏa (phía Nam);
Bên phải công trình là Kim (phía Tây), tượng cho chủ nhân;
Bên trái thuộc Mộc (phía Đông) tượng thê tài (vợ, tiền tài);
Phía sau thuộc Thủy (phía Bắc) tượng tử tôn (con cháu);
Còn trung ương thuộc Thổ.
Quy định này cũng dễ hiểu vì vốn xưa nhà được đắp bằng đất (thổ); nhà sinh ra chủ (Kim), chủ sinh ra con cháu (Thủy) và điều khiển vợ, người làm (Mộc).

Ngũ hành tương sinh hay tương khắc tùy thuộc khi ta đặt công trình vào các hướng cụ thể của thiên nhiên.
Nếu đặt mặt trước công trình về hướng (đây lại là hướng được người Việt yêu thích nhất khi làm nhà: “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng”) thì Hỏa khí càng thêm vượng, dễ gây tổn hại cho chủ nhân nên mới đặt bình phong để ngăn chặn.
Còn đối với các công trình xoay mặt về phía Bắc (nhất là các chùa) thì hầu như không sử dụng bình phong vì phía Bắc thuộc Thủy, mà Thủy lại khắc Hỏa. Chính vì những nguyên lý này mà khi làm nhà (hoặc lăng mộ) người ta phải mời thầy Địa lý để có sự nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.
   
Núi Ngự Bình,
bình phong thiên nhiên vĩ đại của Kinh Thành Huế
        
Kích thước bình phong thế nào là vừa phải?

Theo Phong thủy, khí được dẫn vào công trình từ cổng hay cửa. Trường hợp cổng và cửa công trình cùng một hướng thì Hỏa khí được dẫn trực tiếp vào mặt trước công trình. Trong kiến trúc truyền thống, cửa giữa là cửa chính để chủ nhân ra vào nên bình phong phải làm sao che kín được cửa giữa. Kinh nghiệm của các thầy Địa lý cho biết, kích thước của bình phong thường lấy từ kích thước của cửa giữa công trình nhưng có gia giảm để làm sao đứng từ trung tâm công trình nhìn ra thì cảm thấy bình phong vừa che kín hết cửa giữa là được. Đó là bề ngang của bình phong, còn chiều cao thì lấy theo mái hiên công trình. Nhà cửa xưa mái hiên thường thấp, chiều cao của bình phong (nhất là nội Án) làm sao nhìn ngang bằng mái hiên nếu ta đứng từ trung tâm công trình nhìn ra; còn đối với ngoại Án, kích thước là phù hợp nếu ta ngồi trên ghế mà cảm thấy có thể gác hai tay vừa vặn trên đầu bình phong (tức như đặt hai tay trên bàn).
Khoảng cách đặt bình phong (ngoại Án) đối với công trình cũng khá linh động nhưng đều có căn cứ vào kích thước công trình. Theo phần lớn các thầy Địa lý, khoảng cách giữa công trình và bình phong (gọi là Tiểu minh đường) thường lấy tương đương với kích thước bề ngang công trình. Tuy nhiên, nếu do hoàn cảnh, ngoại Án phải đặt hơi xa thì cần có một lớp bình phong khác hoặc nội Án hỗ trợ.Tiêu biểu là trường hợp Kinh thành Huế, do núi Ngự Bình cách Kinh thành đến 3km, Tiểu minh đường hơi rộng hơn bề ngang Kinh thành (chỉ khoảng 2,2km) nên trước mặt Hoàng Thành đã có thêm Kỳ Đài có vai trò như lớp Án thứ hai che chắn cho nhà vua.

Ở Việt, có lẽ Huế là nơi còn giữ lại được nhiều kiểu bình phong nhất. Điều này cũng dễ hiểu vì Huế là cố đô cuối cùng, lại vẫn giữ được khá nguyên vẹn diện mạo của kinh đô thời quân chủ. Nhưng không chỉ trong kiến trúc cung đình mà ngay cả ở đền chùa, am miếu, đình làng, nhà thờ họ... dường như nơi nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy những bức bình phong được trang trí cầu kỳ, tinh xảo. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế hiện nay vẫn còn giữ được một số bức bình phong tuyệt đẹp, trong đó có cả bình phong bằng gỗ loại một tấm cố định, có cả loại ghép nhiều tấm hình chữ nhật đan bằng mây trên khung gỗ, lại có cả những bức bằng đá, bằng bạc, bằng ngà voi được chạm trổ cực kỳ tinh xảo. Đây thật sự là những kiệt phẩm của các nghệ nhân tiền bối mà mỗi khi đứng trước chúng ta thường có cảm giác như bị mê hoặc hút hồn. Chẳng biết do chúng quá đẹp hay do chúng đã hội tụ được phần nào những điều thần bí của Phong thuỷ?
  
*****
Tại Lâm Đồng - Đà Lạt, còn bảo quản bức thư pháp xưa đặt tại Dinh Toàn quyền trước đây. Đó là tấm bình phong cổ, kê tại phòng khách DinhII. Bức bình phong này theo nhiều học giả cho rằng nó được vua Bảo Đại mang từ Đại nội Huế về tặng cho toàn quyền Đông Dương nhân dịp khánh thành DinhII. Theo nhiều người khác, chính Ngô Đình Nhu lúc đương quyền và lưu trú ở Dinh II, đã cho lấy bức bình phong từ Huế vào để trang trí theo truyền thống văn hóa đông phương. Nhưng dù là ai mang vào Đà Lạt đi chăng nữa thì với sự hiện diện của cổ vật này tại DinhII cũng làm nên nhiều giá trị về mặt lịch sử cũng như ý nghĩa của nó trong hệ thống di vật của chốn cung đình tại Đà Lạt.

Tấm Bình phong cổ được chế tác từ nhiều loại danh mộc quý hiếm, ghép lại với nhau.

Trong một tấm của bình phong có chế khắc trích bài Ngự chế thi của vua Lê Thánh Tông. 

Bài thơ được khắc theo hình chiếc quạt giấy và khắc rất tinh xảo.

Các nhà điêu khắc đã khéo léo vận dụng nghệ thuật thư họa để trang trí cho mỗi bài thơ có một vẻ khác nhau, có thần thái linh hồn để tạo nên một bức bình phong vừa mang tính độc đáo, vừa mang tính nhân văn.

Bài Ngự chế thi của vua Lê Thánh Tông
khắc trên bình phong Dinh II, Đà Lạt.
        

Bình phong cổ trong Dinh II Đà Lạt

Xương Lăng. Bức bình phong ở Sân chầu.

          
Một bức bình phong sơn mài 6 tấm, khổ 146.4 x 41.6 x 2.5 cm, được Jean Dunand hoàn thành năm 1925 (đây là năm Trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội khai giảng khóa đầu tiên)
Bình phong cơ mật viên- Huế
Bình phong Phượng hoàng

Bình phong ngọc



Bình phong sơn mài 3 tấm của Jean Dunand và Séraphin Soudbinine, khổ 248.9 x 88.9 x 3.8 cm, khoảng năm 1925



3 nhận xét:

  1. Phần "luận về bình phong" khá công phu, rất đáng xem để suy ngẫm và... tranh luận thêm cho rõ.
    Trước phần đó, xin mạo muội nhận xét là người viết có phần nào đó nhìn nhận sự đời và cả bình phong chưa thật công bằng, xen cả tâm sự (hơi nặng nề) của mình vào đó.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn Ông đã nhận xét.

    Tôi đăng bài này trong tâm trạng cũng có vấn đề về nhận thức xã hội. Nói chung là bất ổn.
    Ngoài những lời viết phần đầu có thể Ông cho là bi quan, tôi xin chịu.

    Phần viết sau này, tôi phải đọc nhiều và ghi chép. Vì nó là tổng của nhều lĩnh vực. Kể cả lịch sử, nên khi chấp bút có phần khiếm khuyết. Mong Ông thông cảm.

    Chào Ông.
    Hẹn gặp lại.
    Phạm Văn Thế.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn vì đã đưa thêm một cách "cảm quan" về bình phong!

    Trả lờiXóa